Hôm thứ Ba, 4 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình chuyến đi của Đức Thánh Cha sang Ai Cập. Đây là chuyến tông du bên ngoài nước Ý của Đức Thánh Cha Phanxicô và được xem là một chuyến đi nguy hiểm nhất.
Thật vậy, chỉ mới tháng Hai vừa qua, các Kitô hữu tại bán đảo Sinai, một địa danh rất quen thuộc trong Kinh Thánh, đã phải bồng bế nhau bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo giết chết 7 Kitô hữu khác bằng súng, bằng dao và kể cả bằng cách thiêu sống các trẻ nhỏ. Các linh mục địa phương cho biết nhiều anh chị em giáo dân còn nhận được cả những lời lẽ đe dọa trong điện thoại cầm tay của mình.
Xa hơn một chút, ngày Chúa Nhật 11 tháng 12, năm ngoái 2016, khủng bố Hồi Giáo nổ bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Thánh Máccô giết chết 26 người và làm bị thương 49 người khác.
Từ sau cuộc nổi dậy Ả rập vào tháng 3 năm 2011 tới nay, những vụ khủng bố nhắm vào các nhà thờ và các cộng đoàn Kitô nhiều không thể kể xiết. Tiêu biểu là trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15 tháng 8 năm 2013, khi các đồn bót lẻ tẻ của cảnh sát, các nhà thờ Kitô Giáo bị tấn công đồng loạt. Chỉ trong một ngày đó thôi, 36 nhà thờ tại thủ đô Cairo bị đốt phá, trong khi nhiều đồn bót cảnh sát được ghi nhận là không còn cảnh sát viên nào sống sót. Các dinh thự của chính phủ bị đốt phá. Cảnh sát chết la liệt trên nhiều con đường của Cairo khiến cho bộ trưởng nội vụ phải ban hành lệnh khẩn cấp cho phép các cảnh sát viên được nổ súng tự vệ bằng mọi giá.
Trong bối cảnh đó, chuyến tông du của Đức Thánh Cha sang Ai Cập được xem là quá sức nguy hiểm.
Sau các vụ tấn công khủng bố nhắm vào các máy bay của Nga, vào các nhóm du lịch người Pháp, kỹ nghệ du lịch Ai Cập đã xuống đến tận cùng. Chính phủ Ai Cập giờ đây trông đợi nhiều nơi chuyến tông du của Đức Thánh Cha để cải thiện khuôn mặt nhếch nhác của mình. Cho nên, họ sẽ làm mọi cách để bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, có một thực tế là khủng bố Hồi Giáo rất khởi sắc ở Ai Cập, nơi mà lòng khoan dung tôn giáo là một vấn đề thực sự đối với nhiều người.
Ai Cập có 85,300,000 dân trong đó 90% là người Hồi Giáo, chủ yếu là Hồi Giáo Sunni, 9% là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic. Người Công Giáo Coptic hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ chiếm 272,000 tín hữu trong số 1% còn lại.
Theo chương trình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các nhà lãnh đạo một trong những tổ chức Hồi giáo Sunni hàng đầu thế giới, nhà lãnh đạo Chính thống Coptic và các đại diện của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập trong chuyến đi hai ngày đến Cairo từ 28 đến 29 tháng 4
Với chuyến tông du này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ hai viếng thăm Ai Cập, sau Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã thăm Cairo và Núi Sinai vào năm 2000.
Năm 1998, cuộc đối thoại Công Giáo và Hồi giáo đã được bắt đầu giữa các chuyên gia Vatican và các học giả Hồi giáo của Đại học al-Azhar của Cairo, trung tâm học thuật Hồi Giáo cho hơn một tỷ người Hồi giáo Sunni trên toàn thế giới.
Theo dự trù, sáng Thứ Sáu, ngày 28 tháng 4, vào lúc 10h45, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ sân bay Quốc tế Leonardo da Vinci của Rôma để đến Cairo.
Lúc 2 giờ chiều, ngài đến sân bay Cairo. Lễ chào đón chính thức sẽ diễn ra tại dinh tổng thống thường được gọi là dinh Heliopolis. Sau đó, ngài thăm Đại học al-Azhar. Cùng với Sheik el-Tayeb, hiệu trưởng nhà trường, Đức Thánh Cha sẽ có bài phát biểu dành cho những tham dự viên một hội nghị quốc tế về hòa bình.
Lúc 4h40 chiều, ngài có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm Đức Thượng Phụ Tawadros của Chính Thống Giáo Coptic.
Lúc 10 giờ sáng thứ Bẩy 29 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn Công Giáo tại Cairo.
Sau đó, lúc 12.15, ngài ăn trưa với các giám mục Ai Cập.
Lúc 3.15pm, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người sống đời thánh hiến.
Lúc 5 giờ chiều, ngài ra sân bay Cairo để về Rôma.
Dự kiến lúc 8h30 tối cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ về đến sân bay Ciampino của Rôma.