Tổng hợp thông tin Hội Thánh Hoàn Vũ (26.04.2017)

 

1. Đức Thánh Cha từ chối di chuyển bằng thiết giáp trong chuyến tông du Ai Cập

Ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết mặc dù có nhiều nguy cơ khủng bố, nhưng Đức Thánh Cha đã lên kế hoạch tông du Ai Cập như một dấu chỉ gần gũi với người dân ở đó.

Trong cuộc họp báo tại Vatican hôm thứ Hai 24 tháng Tư, ông Greg Burke nói với các ký giả rằng việc tăng cường an ninh là một phần của “tình trạng bình thường mới” ở nhiều nước, nhưng ngay cả sau cuộc tấn công đẫm máu hôm Chúa Nhật Lễ Lá tại Ai Cập, mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là “tiến hành chuyến tông du như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của ngài” đối với những ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực và tất cả nhân dân Ai Cập.

Một phóng viên đã hỏi liệu có bất kỳ lo lắng hay quan ngại nào về an ninh của Đức Thánh Cha hay không.

Ông Burke, nói bằng tiếng Ý, trả lời rằng ông sẽ không sử dụng từ “lo lắng” hoặc “quan ngại”, nhưng có thể nói rằng “chúng ta sống trong một thế giới mà bây giờ chuyện khủng bố là một phần của cuộc sống.” Ông nói thêm, “Bất chấp thực tại đó, chúng tôi sẽ tiến bước với sự thanh thản.”

Theo ông Burke, Đức Thánh Cha đã từ chối di chuyển bằng thiết giáp trong chuyến tông du Ai Cập, ngài đã yêu cầu một chiếc xe bình thường để di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Ông cho biết thêm chiếc xe của Đức Thánh Cha không phải là chiếc pope mobile không có mái che đầu như ta vẫn thường thấy trong các chuyến tông du trước đây của ngài, nó chỉ là một chiếc xe chơi golf rất bình thường.

Như thế, để di chuyển từ phi trường vào thành phố Cairo, và di chuyển từ nơi này sang nơi khác, Đức Thánh Cha sẽ dùng một chiếc xe hơi nhỏ. Sau đó, ngài dùng một chiếc xe chơi golf khi đi vòng quanh các đám đông tại một sân vận động, nơi Thánh lễ sẽ được cử hành vào ngày 29 tháng Tư.

Ngài cũng sẽ sử dụng xe golf để chào thăm hơn 1000 chủng sinh, các tu sĩ và giáo sĩ trong một buổi cầu nguyện ngoài trời tại chủng viện Thánh Leô của Giáo Hội Công Giáo Coptic ở khu ngoại ô Maadi vào ngày 28 tháng Tư.

Ông Burke cho biết, sau cuộc gặp riêng với Đức Thượng Phụ Chính thống Coptic Tawadros II, tại dinh thự của ngài vào ngày 28 tháng Tư, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng đi đến nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, nơi đã bị bọn khủng bố ném bom trong một Thánh Lễ Chúa Nhật hôm 11 tháng 12 năm 2016, giết chết 24 người và làm bị thương ít nhất 45 người khác.

Hai vị sẽ cầu nguyện “cho tất cả các nạn nhân bị khủng bố trong những năm tháng vừa qua, và cầu nguyện cho các Kitô hữu bị giết trên thế giới”.

Hai vị sẽ đặt hoa bên ngoài nhà thờ, đốt những ánh nến và sau đó cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ tấn công tháng 12.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ tới Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, nơi ngài sẽ nghỉ đêm, và sẽ chào đón một nhóm trẻ em của một trường do các cha dòng Comboni điều hành ở Cairo và một nhóm hơn 300 thanh niên hành hương đến Cairo để gặp Đức Giáo Hoàng. Nhiều người trong số này là những người tị nạn trong vùng núi Sinai đã phải bỏ nhà cửa lánh nạn.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho  nhân dân Ai Cập trước chuyến tông du như sau:

Nhân dân Ai cập thân mến! Al Salamò Alaikum! Cầu chúc bình an cho các bạn!

Với một lòng hân hoan và biết ơn, tôi sẽ đến thăm quê hương yêu dấu của các bạn: cái nôi của nền văn minh, món quà của sông Nile, vùng đất của ánh mặt trời và sự hiếu khách, nơi các Tổ phụ và Tiên tri đã sống và là nơi đã vang vọng tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng Hiền lành và Giàu Lòng Thương Xót, Đấng Duy Nhất và Toàn Năng.

Tôi thật sự vui khi đến với tư cách là một người bạn, với tư cách là một sứ giả hòa bình và là một người hành hương đến đất nước, cách đây hơn hai ngàn năm, với lòng hiếu khách đã cho Thánh Gia nương náu để tránh những đe dọa của vua Hêrôđê (Mt. 2: 1-26). Tôi rất vinh dự được thăm viếng mảnh đất mà Thánh Gia đã từng viếng thăm!

Tôi thân ái chào các bạn và cảm ơn vì đã mời tôi đến thăm Ai Cập, là đất nước mà các bạn gọi là “Umm il Dugna” nghĩa là “Mẹ của Vũ trụ!”

Tôi chân thành cảm ơn ngài tổng thống nước Cộng hòa, Đức Thượng Phụ Tawadros II, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar và Đức Thượng Phụ Công Giáo Coptic đã mời tôi; và tôi cảm ơn mỗi người trong số các bạn, là những người dành chỗ cho tôi trong trái tim của mình. Tôi cũng cảm ơn tất cả những người đã làm việc, và đang làm việc, để làm cho chuyến đi này có thể thực hiện được.

Tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm này sẽ là một vòng tay ôm nhằm an ủi và khích lệ cho tất cả các Kitô hữu ở Trung Đông; một thông điệp về tình bạn và lòng biết ơn đối với tất cả cư dân Ai Cập và khu vực; một sứ điệp về tình huynh đệ và hòa giải với tất cả con cháu của Abraham, đặc biệt trong thế giới Hồi giáo, trong đó Ai Cập chiếm một vị trí chính yếu. Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm này cũng có thể đóng góp vào cuộc đối thoại liên tôn với thế giới Hồi giáo, và cuộc đối thoại đại kết với Giáo Hội Chính thống Coptic tôn kính và yêu dấu.

Thế giới của chúng ta – bị tàn phá bởi một thứ bạo lực mù quáng, đã từng gây đau khổ cho trái tim đất nước thân yêu của các bạn – cần đến hòa bình, tình yêu và lòng thương xót; thế giới này cần những người kiến tạo hòa bình, những người tự do và được giải phóng, những người can đảm học hỏi từ quá khứ để xây dựng một tương lai và không đóng kín chính mình trong những thành kiến; thế giới này cần những người xây dựng các nhịp cầu hoà bình, đối thoại, tình huynh đệ, công lý và nhân bản.

Anh chị em người Ai cập thân mến, nam phụ lão ấu, người Hồi giáo và Kitô hữu, người giàu và người nghèo nàn … Tôi nồng nhiệt ôm ấp các bạn và cầu xin Thượng Đế Toàn Năng ban phép lành cho các bạn và bảo vệ đất nước của bạn khỏi mọi sự dữ.

Xin hãy cầu nguyện cho tôi! Shukran wa Tahiaì Misr! / Cảm ơn các bạn, và Ai Cập muôn năm!

2. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc giải thích tại sao các thiếu nữ Mễ Tây Cơ yêu đời?

Báo cáo được công bố hôm 18 tháng Tư của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OECD, khẳng định “đạo đức Công Giáo” giúp giải thích tại sao thanh thiếu niên ở Mễ Tây Cơ lại hạnh phúc hơn thanh thiếu niên ở Anh.

Giám đốc của OECD là Gabriela Ramos nói rằng các nước như Mễ Tây Cơ và Ba Lan được hưởng lợi từ niềm tin tôn giáo của họ. Trong khi ở các nước giàu như Anh, người ta phụ thuộc một cách bấp bênh vào phúc lợi từ hệ thống an sinh xã hội của nhà nước, tại Mễ Tây Cơ và Ba Lan, người ta trông cậy vào gia đình và cộng đồng, là những thể chế đáng tin cậy, được xây dựng vững mạnh trên niềm tin tôn giáo.

Bà đã được nhiều cơ quan truyền thông của Anh phỏng vấn sau khi báo cáo này được công bố vì nghiên cứu của OECD cho thấy những thiếu nữ người Anh nằm trong số những người đau khổ nhất trên thế giới.

Ở Mễ Tây Cơ, thanh thiếu niên đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống của họ với điểm trung bình 8.27 trên thang điểm từ 1 đến 10, trong khi tại Anh, mức độ hài lòng thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 6.98.

Khi được hỏi về sự khác biệt, bà Ramos, là người Mễ Tây Cơ, nói với tờ Daily Mail rằng “Các mối quan hệ xã hội rất tốt ở Mễ Tây Cơ. Có thể là vì ở Mễ Tây Cơ không có các hệ thống an sinh xã hội để chăm sóc những người thất nghiệp như trong các xã hội có nền kinh tế tiên tiến. Người ta luôn trông cậy vào gia đình và gia đình luôn ở đó để giúp đỡ nhau. Các cộng đồng vẫn nâng đỡ lẫn nhau, bởi vì họ biết rằng nếu ai đó thất bại, không có ai giúp họ.”

Bà nói rằng người dân ở các nước kém phát triển có khuynh hướng “lạc quan hơn” vì xã hội “vẫn đang được xây dựng” và có “tiềm năng còn làm được nhiều việc hơn nữa”.

Nghiên cứu cho thấy 19.4% trẻ em gái ở Anh báo cáo “cảm thấy không hài lòng” với cuộc sống so với 11.9% trẻ em trai.

Tỷ lệ trung bình các cô gái không hài lòng ở tất cả các nước OECD khảo sát là 14.3%.

Anh đứng thứ tư trong số 49 nước được xếp hạng theo số lượng các thiếu nữ cảm thấy thất vọng với cuộc sống.

 

3. Hoa Kỳ: Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay

Hoa Kỳ: Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay

Tòa Bạch Ốc bày tỏ hy vọng có cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng Thống Donald Trump khi ông thực hiện chuyến công du Âu Châu vào tháng tới.

Theo tờ Wall Street Journal, Thư ký Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư rằng: “Thực ra, chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi được hội kiến với Đức Thánh Cha”.

Chuyến công du Âu Châu của ông Trump sẽ kết hợp tham dự Hội nghị thượng đỉnh khối NATO tại Brussels (Bỉ) và Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Sicily (Ý), theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, ông Spicer nhấn mạnh rằng đây là dấu hiệu chính thức đầu tiên cho thấy ông Trump muốn nối gót theo các vị Tổng Thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, từ đời ông Dwight D. Eisenhower cho tới Barack Obama, là gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican (Woodrow Wilson là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên gặp Đức Thánh Cha hồi năm 1919).

Triển vọng về cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha với ông Trump từng bị nghi ngờ, sau khi giữa họ có những tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Hồi Tháng Hai năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng kế hoạch xây bức tường biên giới với Mexico của ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã làm ông này “không còn là Kitô hữu”. Đáp lại, ông Trump đã gọi đức tin của Đức Thánh Cha là “đáng hổ thẹn”.

Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu – người đóng vai trò tương tự như Phó Thủ tướng của Toà Thánh – nói với hãng tin ANSA rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn sẵn sàng tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia nào muốn đến hội kiến”. (TIME)

4. Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định: Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ chế độ độc tài

“Các cuộc phản kháng dân sự và ôn hòa không phải là một tội ác; đó là một quyền!”. Các giám mục Venezuela đã khẳng định như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 20 tháng Tư trong bối cảnh những cuộc biểu tình phản đối chống chính quyền đang lan rộng khắp đất nước.

Các giám mục nhấn mạnh rằng chính phủ “mất đi tính hợp pháp” khi không tôn trọng các quyền công dân. Các ngài nhận xét rằng:

“Có nhiều yếu tố khác cho thấy không có dân chủ tại quốc gia này, chẳng hạn như việc tập trung quyền lực vào tay một thế lực duy nhất. Đây là tình hình hiện tại ở Venezuela. Việc bất tuân dân sự, do đó, là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.”

Khoảng 6 triệu đã người tham gia các cuộc biểu tình ở Venezuela vào ngày 20 tháng 4, cho thấy sự sụp đổ hoàn toàn niềm tin vào chính phủ. Chính phủ đã đàn áp một vài cuộc biểu tình gây ra những cảnh bạo lực giữa đôi bên, khiến ít nhất ba người đã bị giết.

Trong một diễn biến bi đát, một linh mục 35 tuổi, là cha José Luis Arismendi, đã qua đời vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh vì viêm màng não. Các bác sĩ tố cáo họ không thể có được các loại thuốc cần thiết để điều cho ngài.

Tình trạng thiếu thuốc men, cũng như thực phẩm, đã đưa Venezuela đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *