Cha Roberto Fiscer, một ex-DJ, dùng âm nhạc để loan báo Tin Mừng

DJ DJ (Disc Jockey đôi khi được viết là Deejay) là người chọn và chơi thu âm trong buổi tiệc. DJ có một giai điệu sôi động, mạnh mẽ và rất lôi cuốn.

Có vài dạng DJ khác nhau. Radio DJ hướng dẫn và chơi nhạc tại các đài phát thanh như AM, FM. DJ club thì chọn và chơi nhạc tại các quán bar, vũ trường, hoặc thậm chí là sân vận động. DJ hip hop thì chọn, chơi, và tạo ra nhạc, hay trở thành phát thanh viên. Trong một vài nhịp điệu, DJ có thể là người đọc rap chính, hay nói chuyện trong các bản thu âm. (https://vi.wikipedia.org/wiki/DJ).

 

 

Cha Roberto Fiscer là một Linh mục trẻ say mê âm nhạc. Trước khi trở thành Linh mục, cha là DJ trong một vũ trường. Với lòng say mê âm nhạc, cách đây vài năm cha đã lập một đài phát thanh ở Genova với tên gọi “Fra le note” (giữa các nốt nhạc). Giới trẻ yêu thích đến với cha Roberto vì cha là người vui vẻ và năng động, có thể nói về Thiên Chúa và Tin Mừng bằng các tài năng và lòng nhiệt thành mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Cha Roberto đã mang lời của Chúa và loan báo Tin mừng bằng âm nhạc, lôi kéo nhiều người trẻ đến với sáng kiến của mình. Các đây vài năm cha còn thành lập một vũ trường Công giáo. Cha đã kể lại hành trình ơn gọi của mình trong chương trình “Chứng từ đức tin” như sau:

“Thành thật mà nói, ý tưởng trở thành Linh mục rất xa vời đối với tôi, bởi vì trong con người tôi chỉ có tôi, cái tôi đầy trong người tôi. Thiên Chúa cũng vất vả để đi vào trong một trái tim đã bị chiếm hữu. Khi tôi vừa lớn lên, mẹ tôi đã qua đời và từ đó trong lòng tôi ghi khắc một thông điệp: ‘nếu mày là một người có địa vị, thành công, thì mày sẽ được yêu mến.’ Nhưng trong khi đi tìm mua sự yêu thương thì bạn cũng phải trả giá và tôi hầu như rơi xuống tận đáy sâu. Tôi nói hầu như, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ tôi một mình và qua một số bạn thân ở giáo xứ lân cận tôi đã tham gia vào một số công việc phục vụ nho nhỏ trong nhà thờ. Tôi đã xa rời giáo xứ nhưng tôi rất chuyên nghiệp trong các trò chơi và linh hoạt và Chúa đã làm như thế để chạm đến tôi.

Niềm vui mà tôi tận hưởng là thật và chân thành. Từ đó Thiên Chúa làm cho tôi cảm thấy Ngài hơn và chúng tôi ở cùng chỗ với nhau và tôi trở nên nhậy cảm với việc Ngài đến và đi trong cuộc sống của tôi. Ai biết đã bao lần chúng tôi đi cùng thang máy mà không nhận biết. “Phát súng ân huệ” xảy đến vào năm 2000, khi họ đề nghị tôi cùng đi Roma tham dự Đại hội Giới trẻ với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tôi khởi hành cùng một nhóm nhỏ thanh niên với mục đích rõ ràng là để tìm bạn gái. Nhưng cô gái tôi gặp là một cô gái đặc biệt với tên gọi Đức tin, Đức tin vào Thiên Chúa, được cảm nhận như một ao ước cầu nguyện sâu thẳm. Tôi nhìn thấy các Linh mục vui cười, đùa giỡn, làm thành những vòng tròn cùng với các thanh thiếu niên. Tôi trở về nhà, giữa một cô gái mà tôi đã quen biết trên chuyến xe lửa từ Roma về Genova và Đức tin mà tôi mới gặp thấy, có một cuộc chiến tốt đẹp trên mặt trận trái tim của tôi. Ai sẽ thắng? Nhưng khi Chúa Giêsu đẩy trên máy gia tốc thì khó có ai vượt qua Ngài và những Linh mục vui tươi hạnh phúc như thế gợi lên trong tôi một ước muốn chiến thắng hạnh phúc như họ: ‘Tại sao họ hạnh phúc còn anh thì không?’ Và trong giây phút đó, đúng trong khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu ơn gọi của mình. Tôi đã rời bỏ công việc và sở thích của mình, vũ trường và cửa hàng điện thoại và gia nhập chủng viện vào tháng 9 năm 2000.”

Được hỏi giới trẻ phản ứng thế nào với hình thức loan báo Tin mừng bằng âm nhạc của cha, cha Roberto cho biết trước hết bạn phải thử sống điều bạn loan báo và bạn sẽ trở nên đáng tin và giới trẻ kính trọng và đi theo bạn. Lắng nghe những yếu đuối của họ cũng là loan báo Tin mừng. Làm cho họ nhìn thấy nơi bạn không phải là những robot mang cổ trắng của Linh mục, nhưng là thanh thiếu niên như họ. Trước khi trách rằng giới trẻ không lắng nghe, không tham dự Thánh lễ, chúng ta tự hỏi mình xem chúng ta có đến với họ chưa.

Vũ trường Kitô giáo mà cha Roberto thành lập đúng hơn là một làng du lịch, nơi có không gian rộng lớn trên bãi biển nơi các thanh thiếu niên sinh hoạt ca hát và trình bày chứng từ và sứ điệp. Còn chương trình radio “Giữa các nốt nhạc” dùng âm nhạc để đưa các thanh thiếu niên đến gần với các giá trị của cuộc sống: giá trị của chia sẻ, của bình đẳng, sự quý giá và duy nhất của sự sống mà chúng ta không thể vất bỏ đi. Các thanh thiếu niên được hướng đến suy tư về những vấn đề quyết định mà thường họ không nghĩ đến và là cơ hội để Giáo hội đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa. (Cristiani Today 16/02/2016).

 

Hồng Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *