1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi các tín hữu tham gia hai tuần cầu nguyện cho tự do tôn giáo
Mỗi năm các giáo phận trên toàn cõi Hoa Kỳ đều tổ chức các sự kiện đặc biệt để làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chọn hai tuần từ ngày 21 tháng 6 – lễ vọng kính hai Thánh John Fisher và Thomas – cho đến ngày 4 tháng 7, Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, làm hai tuần cầu nguyện chung cho tự do tôn giáo.
Trong thông báo trên website của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, các Giám Mục Mỹ than thở rằng tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới đang bị chà đạp trắng trợn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở các quốc gia khác có thâm niên bách hại tôn giáo như Trung Quốc, Ả rập Saudi, Việt Nam, Bắc Hàn và thậm chí ngay cả ở các nước phương Tây dưới các hình thức tinh vi.
Các ngài viết rằng “trong thời kỳ đang có sự phân cực ngày càng gia tăng trong nền văn hoá của chúng ta, chúng ta có thể góp phần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về tự do tôn giáo trong tinh thần tôn trọng mọi người.”
Bên cạnh các hình thức cầu nguyện, các Giám Mục Hoa Kỳ cũng đưa những hướng dẫn ngắn gọn nhằm giúp các Kitô hữu nói chuyện với bạn bè và người lân cận về tự do tôn giáo và làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm về quyền tự do này.
Các Giám Mục nhắc nhở rằng “Chúng ta được kêu gọi đi theo Chúa Kitô như những môn đệ truyền giáo bằng cách tìm kiếm sự thật, phục vụ người khác và sống đức tin của chúng ta trong tất cả những gì chúng ta làm. Chúng ta hãy dành vài phút mỗi ngày từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 để cầu nguyện, suy ngẫm, và hành động về tự do tôn giáo, cả ở Hoa Kỳ này cũng như ở nước ngoài.”
2. Tiểu sử chính thức của 5 vị Hồng Y được tấn phong ngày thứ Tư 28/6/2017
Lúc 4 giờ chiều ngày thứ Tư 28 tháng 6, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Công Nghị Tấn Phong Hồng Y, trao mũ, nhẫn và nhà thờ hiệu tòa cho 5 vị tân Hồng Y.
Dưới đây là tiểu sử chính thức của 5 vị Hồng Y sắp được tấn phong.
a. Đức Cha Jean Zerbo – Tổng giám mục Bamako – Mali
Đức Cha Jean Zerbo sinh tại Segou vào ngày 27 tháng 12 năm 1943. Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 7 năm 1971 tại Segou.
Sau khi được thụ phong linh mục, ngài tiếp tục học tại Lyon, bên Pháp; và sau đó theo học tại Học viện Kinh Thánh ở Rôma từ năm 1977 đến năm 1981, là năm ngài nhận được bằng Cao Học Kinh Thánh.
Từ năm 1982, ngài phục vụ trong tư cách một linh mục chánh xứ ở Markala và là một giảng viên tại đại chủng viện Bamako.
Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của tổng giáo phận Bamako vào ngày 21 tháng 6 năm 1988.
Ngày 19 tháng 12 năm 1994, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Mopti. Bốn năm sau đó, vào ngày 27 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Bamako.
Đức Tổng Giám Mục đã đóng một vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Mali. Ngài dành được sự kính trọng của người dân Mali bất kể lương giáo vì đã đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại sự loại trừ, và trên hết, đã thúc đẩy hòa giải và liên đới giữa người Mali.
b. Đức Cha Juan José Omella – Tổng Giám Mục Barcelona – Tây Ban Nha;
Đức Cha Juan José Omella sinh tại Cretas ngày 21 tháng 4 năm 1946.
Ngài đã hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại chủng viện Zaragoza và tại trung tâm đào tạo linh mục của Hội Truyền Giáo Phi Châu White Fathers ở Leuven và Jerusalem. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 20 tháng 9 năm 1970.
Giữa những năm 1990 và năm 1996, ngài làm cha phó, rồi cha xứ, trước khi được cử làm cha tổng đại diện giáo phận Zaragoza.
Sau đó, ngài sang truyền giáo ở Zaire trong một năm.
Ngày 15 tháng 7 năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá của Zaragoza.
Ba năm sau, ngày 27 tháng 10 năm 1999, ngài được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa của giáo phận Barbastro-Monzón.
Từ ngày 24 tháng 8 năm 2001 đến ngày 19 tháng 12 năm 2003, ngài kiêm nhiệm giám quản Tông Tòa Huesca và từ ngày 19 tháng 10 năm 2001 đến ngày 19 tháng 12 năm 2003, kiêm nhiệm giám quản Tông Tòa Jaca.
Ngày 8 tháng 4 năm 2004, ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Calahorra và La Calzada-Logrorio.
Ngày 6 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài là thành viên của Bộ Giám mục.
Ngày 26 tháng 12 cùng năm, ngài trở thành Tổng giám mục Barcelona.
Trong Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Đức Cha đã là thành viên của Ủy ban mục vụ xã hội cho đến năm 1996, và giữ chức chủ tịch ủy ban này từ năm 2002 đến 2008, và sau đó thêm một nhiệm kỳ nữa từ năm 2014 đến năm 2017.
Ngài cũng là thành viên của Ủy ban Mục vụ, và Ủy ban Tông Đồ Giáo Dân.
Từ ngày 14 tháng 3 năm 2017 đến nay, ngài đã là thành viên của Ban chấp hành Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu.
c. Đức Cha Anders Arborelius, O.C.D. – Giám mục Stockholm – Thụy Điển
Đức Cha Anders Arborelius, Dòng Cát Minh Nhặt Phép, sinh tại Sorengo vào ngày 24 tháng 9 năm 1949. Năm 20 tuổi, ngài mới gia nhập đạo Công Giáo.
Năm 1971, ngài gia nhập Dòng Cát Minh Nhặt Phép ở Norraby, và khấn trọn tại Bruges, bên Bỉ vào năm 1977.
Ngài đã hoàn thành các chương trình triết học và thần học ở Bỉ và tại Teresianum ở Rôma.
Đồng thời, ngài cũng theo học các ngôn ngữ hiện đại tại Đại học Lund.
Vào ngày 8 tháng 9 năm 1979, ngài được phong chức linh mục ở Malmö.
Ngày 29 tháng 12 năm 1998, ngài được tấn phong giám mục tại Stockholm và trở thành giám mục Công Giáo đầu tiên của Thụy Điển, là người Thụy Điển chính gốc, từ sau thời Cải cách Luther năm 1500.
Từ năm 2005 đến năm 2015, ngài là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Scandinavia. Sau khi hết nhiệm kỳ 10 năm, trong cuộc họp khoáng đại năm 2015, ngài được tái cử trong chức vụ phó chủ tịch.
Ngài đã từng là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình từ năm 2002 đến năm 2009.
Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm cố vấn Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống.
d. Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun – Đại diện Tông Tòa của Pakse – Lào
Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun sinh ngày 8 tháng 4 năm 1944 tại Lào, thuộc tu hội Thánh Ý Thiên Chúa (Voluntas Dei). Ngài hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại Lào và Canada; và được thụ phong linh mục vào ngày 5 tháng 11 năm 1972 tại miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.
Bên cạnh tiếng Lào, là tiếng mẹ đẻ, ngài còn thông thạo tiếng Khmer, Pháp và Anh.
Sau khi được thụ phong linh mục, ngài chịu trách nhiệm về việc huấn luyện các giáo lý viên và phụ trách việc truyền giáo trên các vùng sơn cước của Lào; là hai nhiệm vụ cam go và đầy thử thách dưới thời cai trị của Pathet Lào.
Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ và sau đó là tổng đại diện miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.
Ngày 30 tháng 10 năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Đại diện Tông Tòa của Pakse và ngài được tấn phong Giám Mục ngày 22 tháng 4 năm 2001. Sau gần 17 năm cai quản Pakse, miền đất này đã có gần 13 ngàn tín hữu Công Giáo, với 6 linh mục giáo phận, 1 linh mục dòng, 12 chủng sinh, 9 tu huynh và 18 nữ tu.
Ngày 2 tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài kiêm nhiệm Giám quản Tông tòa Viên Chăn.
e. Đức Cha Gregorio Rosa Chávez – Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador – El Salvador.
Đức Cha Gregorio Rosa Chávez sinh tại Sociedad vào ngày 3 tháng 9 năm 1942.
Ngài hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại Đại Chủng viện San José de la Montaña ở San Salvador trong hai giai đoạn từ 1962 đến 1964, và từ 1966 đến 1969.
Năm 1965, ngài làm việc tại tiểu chủng viện của giáo phận San Miguel.
Ngài được phong chức linh mục vào ngày 24 tháng Giêng năm 1970, và từng làm thư ký Tòa Giám mục giáo phận San Miguel từ 1970 đến 1973; trong khi coi sóc giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi, tại thành phố San Miguel.
Trong thời gian này ngài cũng đảm nhận chức vụ giám đốc truyền thông xã hội của giáo phận San Miguel; và làm tuyên úy cho nhiều hiệp hội và phong trào tông đồ giáo dân.
Sau đó, ngài theo học tại Đại học Công Giáo Leuven, Bỉ từ 1973 đến 1976, và đạt được bằng Cao Học về Truyền thông xã hội.
Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha, ngài nói thông thạo tiếng Pháp, và có kiến thức tổng quát về tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý.
Sau khi trở về nước, năm 1977, ngài được Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero bổ nhiệm làm chánh văn phòng truyền thông của tổng giáo phận thủ đô San Salvador; và trực tiếp điều hành một đài phát thanh Công Giáo.
Bên cạnh đó, ngài còn là giám đốc đại chủng viện San José de la Montaña ở San Salvador từ 1977 đến 1982; và là thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Các Chủng Viện Mỹ Latinh từ 1979 đến 1982.
Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Tổng giáo phận San Salvador ngày 3 tháng Bảy năm 1982.
Ngài hiện là linh mục chính xứ giáo xứ San Francisco ở thủ đô San Salvador, và là chủ tịch của Caritas Mỹ Châu Latinh và vùng Caribê. Ngài cũng là giám đốc Caritas El Salvador.
3. Giám Mục Illinois cấm các linh mục không được cho rước lễ và không được cử hành thánh lễ an táng cho những ai sống trong các kết hiệp đồng tính
Đức Cha Thomas Paprocki của Springfield, Illinois, đã chỉ thị cho các linh mục không được ban các phép bí tích cho những người Công Giáo tham gia vào các kết hiệp đồng tính.
Trong một văn bản chính thức được lưu truyền cho các linh mục của giáo phận – nhưng đã nhanh chóng bị lọt ra ngoài cho giới truyền thông thế giới – Đức Cha Paprocki nói rằng vì chính phủ giờ đây công nhận “hôn nhân đồng tính”, nên Giáo Hội “không chỉ có thẩm quyền mà còn có nghĩa vụ nghiêm trọng, là phải khẳng định giáo huấn đích thực về hôn nhân, bảo vệ và nuôi dưỡng những giá trị thánh thiêng của bí tích hôn phối.”
Cụ thể, Đức Cha cho biết, người Công Giáo không nên tham dự vào các “nghi lễ hôn nhân đồng giới”, và các sự kiện như thế không được phép xảy ra trong các nhà thờ hay trên các tài sản của giáo xứ. Những người Công Giáo sống trong các kết hiệp đồng tính không được đọc sách Thánh trong các buổi lễ trong nhà thờ, không được là các thừa tác viên đặc biệt của Bí Tích Thánh Thể; không được đảm nhận các lớp khai tâm Kitô Giáo hoặc các chương trình chuẩn bị cho bí tích Thêm Sức. Họ cũng không được là cha mẹ đỡ đầu.
Đức Cha Thomas cũng hướng dẫn các linh mục trong giáo phận không được cho những người có liên quan đến các kết hiệp đồng tính được rước lễ, cũng như không được cử hành thánh lễ an táng cho họ, trừ khi có những dấu hiệu cụ thể cho thấy các cá nhân này đã ăn năn và chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội trước khi chết. Đức Cha Paprocki chỉ dẫn các linh mục của mình rằng nếu được thông báo một giáo dân trong giáo xứ tham dự vào một kết hiệp đồng tính, các linh mục có nghĩa vụ “giải quyết một cách riêng tư với những người trong hoàn cảnh như vậy, và kêu gọi họ hoán cải.”
Liên quan đến các trẻ em sống chung với những cặp đồng tính, Đức Cha Thomas hướng dẫn rằng các em có thể được rửa tội nếu có một kỳ vọng hợp lý rằng chúng sẽ được nuôi nấng trong đức tin Công Giáo. Tương tự như vậy, trẻ em sống chung với các cặp đồng tính có thể được ghi danh trong các trường Công Giáo, nhưng các bậc phụ huynh phải được hướng dẫn nuôi dạy con trẻ theo những giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.
4. Tòa án Tối cao San Francisco bác bỏ các cáo buộc chống lại hai người đã thu âm lén tổ chức phá thai Planned Parenthood
Hai nhân vật đã từng tung ra các videos tố cáo tổ chức phá thai Planned Parenthood đã bị thưa ra toà với 15 tội danh.
Tòa án Tối cao San Francisco trong tuần qua đã bác bỏ 14 trong số 15 tội hình sự chống lại hai nhà điều tra bí mật của Trung tâm Y Khoa Tiến Bộ (Centre for Medical Progress) gọi tắt là CMP.
David Daleiden, người sáng lập CMP và Sandra Merritt đã bị tổ chức phá thai Planned Parenthood – là cơ quan cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất nước Mỹ – thưa ra tòa về tội thu âm mà không có sự chấp thuận của họ. Các cáo buộc này đã bị hủy bỏ vì Tòa án Tối cao San Francisco cho rằng “không đủ bằng chứng pháp lý”.
Cáo buộc cuối cùng chống lại Sandra Merritt về việc xâm phạm quyền tư ẩn vẫn chưa được hủy bỏ.
Giả làm các nhân viên của một công ty nghiên cứu sinh học, Daleiden và Merritt đã lén quay phim các cuộc thảo luận với các giám đốc điều hành của Planned Parenthood về kỹ thuật thu hoạch các bào thai rất là dã man. Các cuộn băng ghi âm cũng cho thấy Planned Parenthood buôn lậu mô bào thai bất hợp pháp như thế nào.
Planned Parenthood bao gồm 159 cơ quan y khoa và cả những cơ quan không có dính líu gì đến y khoa. Nó điều hành 650 cơ sở phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ và tại 12 quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo thường niên vào năm 2014, Planned Parenthood cho biết đã thực hiện 324,000 vụ phá thai với doanh thu là 1.3 tỷ Mỹ Kim. Bên cạnh số doanh thu khổng lồ này, tổng thống Obama còn ưu ái tặng thêm 530 triệu Mỹ Kim hàng năm và miễn thuế hoàn toàn cho tổ chức này.
Năm ngoái 2016, Tòa án Tối cao tại Houston đã hủy bỏ các cáo buộc tương tự. Tuy nhiên, Planned Parenthood lại sang San Francisco thưa tiếp. Sau phán quyết của Tòa án Tối cao tại SanFrancisco, David Daleiden nói: “Tôi không mong họ thưa kiện tiếp. Nhưng tôi không ngại chuyện đó, chúng tôi có nhiều video chưa được công bố và còn nhiều trận chưa đánh.”