Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện

Lúc 5g chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, qua đó tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ và ông hy vọng sẽ tạo ra một động lực cần thiết cho nỗ lực tái tranh cử của mình.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden. Trong khi đó, Tổng thống Trump hy vọng việc đề cử này sẽ khích lệ những người ủng hộ ông trong cuộc tranh cử chống lại ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Là người thừa kế tư tưởng của Thẩm phán bảo thủ đã quá cố Antonin Scalia, cô Barrett sẽ điền vào chiếc ghế trống sau cái chết của Ruth Bader Ginsberg, người vốn được coi là biểu tượng của trào lưu cấp tiến. Đây sẽ là sự thay đổi tư tưởng rõ nét nhất kể từ khi Clarence Thomas thay thế Thẩm phán Thurgood Marshall gần ba thập kỷ trước. Barrett sẽ là thẩm phán thứ sáu được bổ nhiệm bởi đảng Cộng hòa và là người thứ ba được Tổng thống Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Khi bắt đầu buổi công bố, Tổng thống Trump nói:

“Nguy hiểm đối với đất nước của chúng ta là rất cao”

Ông nói với cô Barrett:

“Tôi biết cô sẽ làm cho đất nước của chúng ta rất, rất tự hào.”

Nhiều người cho rằng chiến thắng năm 2016 của Tổng thống Trump chủ yếu dựa vào sự ủng hộ từ các Kitô hữu về lời hứa sẽ thay thế Scalia với một người bảo thủ. Cho nên, đề cử mới nhất này cách nào đó mang lại hy vọng hơn nữa cho việc tái đắc cử một nhiệm kỳ nữa của ông.

Ngay cả trước khi Ginsburg qua đời, Tổng thống Trump đã xác nhận sẽ bổ nhiệm 200 thẩm phán liên bang, nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra một thế hệ các nhà hoạt động pháp lý bảo thủ.

“Điều lớn nhất bạn có thể làm là bổ nhiệm các thẩm phán, nhưng đặc biệt là việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao,” Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ vào tối thứ Sáu tại một cuộc vận động tranh cử ở Newport News, Virginia. “Nó thiết lập giai điệu của đất nước chúng ta trong 40 năm, 50 năm. Ý tôi là, một thời gian dài. “

Thông báo về việc bổ nhiệm thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện được đưa ra trước khi Ginsburg được chôn cất bên cạnh chồng vào tuần tới tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Vào thứ Sáu, bà là người phụ nữ đầu tiên mà thi hài được đặt tại Điện Capitol, và những người đưa tang đã đổ xô đến Tòa án Tối cao trong hai ngày trước đó để bày tỏ lòng kính trọng.

Trong vòng vài giờ sau khi Ginsburg qua đời, Tổng thống Trump nói rõ rằng ông sẽ đề cử một phụ nữ vào ghế đó và cho biết ông đang cân nhắc năm ứng cử viên. Nhưng Barrett là người được yêu thích sớm nhất và là người duy nhất gặp Tổng thống Trump.

Barrett là thẩm phán kể từ năm 2017, khi Tổng thống Trump đề cử cô vào Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ số 7 có trụ sở tại Chicago. Nhưng với tư cách là một giáo sư luật lâu năm của Đại học Notre Dame, cô đã tự khẳng định mình là một người bảo thủ đáng tin cậy theo khuôn mẫu của Scalia, người mà cô đã gắn bó vào cuối những năm 1990.

Barrett sẽ là thẩm phán duy nhất tại Tối Cao Pháp Viện không nhận được bằng luật tại một trong 8 trường của liên đoàn các trường Đại Học Ivy. Tám thẩm phán kia đều theo học Harvard hoặc Yale.

Barrett được đánh giá là người bảo thủ mẫu mực đã được Tổng thống Trump biết đến phần lớn sau khi cô phải trải qua một tiến trình xác nhận gay go cho chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm vào năm 2017 trong đó các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ đã tấn công đức tin Công Giáo của cô. Tổng thống cũng đã phỏng vấn cô vào năm 2018 để thay cho thẩm phán Anthony Kennedy nghỉ hưu, nhưng cuối cùng Tổng thống Trump đã chọn Brett Kavanaugh.

Tổng thống Trump và các đồng minh chính trị của ông đang muốn có một cuộc chiến khác về đức tin trong khi Thượng Viện Hoa Kỳ xác nhận Barrett. Nếu họ lập lại việc tấn công đức tin của Barrett, thì đó là một cơn gió chính trị phản tác dụng nặng nề đối với các đảng viên Dân chủ. Các cử tri Công Giáo ở Pennsylvania, được xem như là một nhóm quan trọng trong vùng xôi đậu này chắc chắn sẽ dồn phiếu cho Tổng thống Trump nếu Barrett bị hạch sách tại Thượng Viện Hoa Kỳ.

Trong khi đảng Dân chủ tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn việc xác nhận Barrett tại Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát, họ đang tìm cách sử dụng tiến trình này để làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump.

Thật thế, đối với những người phò phá thai, sự đề cử Barrett vào Tối Cao Pháp Viện có thể trở thành một sự tái xét luật phá thai, là một vấn đề đã chia rẽ nhiều người Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua. Ý tưởng lật ngược hoặc cắt bỏ phán quyết hợp pháp hóa phá thai Roe chống Wade, vào năm 1973, luôn là một đề tài tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ. Giờ đây, với sự thay đổi dường như mang tính quyết định trong cấu trúc ý thức hệ của tòa án, các đảng viên Đảng Dân chủ hy vọng cử tri của họ sẽ bỏ phiếu vì thất vọng với sự lựa chọn Barrett vào Tối Cao Pháp Viện.


Source:Sydney Morning Herald

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *