Tổng thư ký Liên HĐGM chết vì virút Tầu. Những cảnh ngoạn mục trong lễ tuyên thệ của vệ binh Thụy Sĩ

 

1. Đức Hồng Y Parolin chủ sự thánh lễ cho các tân vệ binh Thụy Sĩ

Sáng ngày 6 tháng 5, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh đã chủ sự thánh lễ cho 34 tân vệ binh Thụy Sĩ và ngài kêu gọi họ hãy sống gắn bó với Chúa để có thể phục vụ như những môn đệ thừa sai của Chúa trong cuộc sống thường nhật.

Hiện diện trong thánh lễ, cũng có ban chỉ huy, các vệ binh khác, cũng như quí khách.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn của Tòa thánh đối với đoàn Vệ binh Thụy Sĩ, trong ngày kỷ niệm 147 vệ binh đã hy sinh tính mạng, ngày 6 tháng 5 năm 1527, trong vụ loạn quân cướp phá thành Roma, để cứu mạng Đức Giáo Hoàng Clemente VII.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nhắc đến lời tuyên thệ của các tân vệ binh bày tỏ quyết tâm hết sức tận tụy, kể cả hy sinh mạng sống nếu cần để phục vụ Đức Giáo Hoàng, vì lòng yêu mến Chúa. Lời tuyên thệ này, đòi phải có đức tin và sức mạnh tâm hồn, vì cùng với kỷ luật bên ngoài không thể thiếu được, còn cần phải có kỷ luật nội tâm thiết yếu.

Trong chiều hướng đó, Đức Hồng Y Parolin nhắn nhủ các tân vệ binh hết sức cố gắng sống gắn bó với Chúa, “ở lại trong Chúa”: Đây không phải chỉ là trở thành Kitô hữu xác tín, hay đồng hóa với cách suy nghĩ và hành động với Chúa Giêsu, không phải chỉ dành cho Chúa những không gian giới hạn, thời giờ cầu nguyện và dự lễ hằng ngày, nhưng còn cần làm sao để sự hiện diện của Chúa lan tỏa trong các tương quan, trong các hoàn cảnh, tư tưởng, quan tâm, hy vọng và cảm xúc của chúng ta, tóm lại là trọn cuộc sống và con người của chúng ta.

Tiếp theo chiều kích hướng tâm đó là chiều kích ly tâm, đi ra ngoài. Tiêu chuẩn hành động ở đây là những đòi hỏi do sứ mạng của Giáo hội, sứ mạng truyền giáo. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nói: “Khi phục vụ cạnh Người Kế vị thánh Phêrô, chúng ta hãy cầu xin ơn đón nhận lời mời gọi thi hành sứ mạng truyền giáo, không phải đi tới những nước xa xăm, nhưng là làm chứng về Chúa Giêsu tại nơi chúng ta đang sống và phục vụ, để phổ biến sự hiện diện của Chúa cho những người chúng ta gặp, qua sự dịu dàng, đơn sơ và nhất là qua tấm gương. Tóm lại, ở lại trong Chúa Giêsu và loan báo Chúa Giêsu, đó là căn tính của môn đệ. Chúng ta có thể tóm tắt trong hai từ: hiệp thông và sứ vụ.


Source:Vatican News

2. 34 tân vệ binh Thụy Sĩ tuyên thệ trung thành với Đức Thánh Cha và Tòa thánh

Trưa ngày 6 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp 34 tân vệ binh Thụy Sĩ. Hiện diện trong buổi tiếp kiến, cũng có các thân nhân của các tân vệ binh và các sĩ quan trong đoàn quân này.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Các chức năng của đoàn vệ binh Thụy Sĩ, tuy có tính chất quân sự, nhưng là một việc phục vụ đặc biệt dành cho Người Kế vị thánh Phêrô và Tòa thánh, để mưu ích cho toàn thể Giáo hội. Vì thế thật là điều đáng đánh giá cao những người trẻ quyết định dành vài năm trong cuộc sống để quảng đại phục vụ Đức Giáo Hoàng và cộng đoàn Giáo hội… Nhân dịp này, tôi công khai cám ơn tất cả các thành viên đoàn vệ binh Thụy Sĩ, vì lòng chuyên cần chu toàn việc phục vụ. Tôi đánh giá rất cao khả năng của anh em liên kết các khía cạnh chuyên nghiệp với khía cạnh tâm linh, qua đó biểu lộ lòng quí mến và trung thành của anh em với Tòa thánh. Các tín hữu hành hương và du khách đến Roma cũng có thể cảm nghiệm những thái độ lịch sự và sẵn sàng của các vệ binh tại các lối vào thành Vatican. Anh em đừng bao giờ quên những đức tính đó, đó là một chứng tá thật đẹp và là dấu chỉ tinh thần tiếp đón của Giáo hội”.

Lúc 5 giờ chiều cùng ngày, 34 tân vệ binh Thụy Sĩ đã làm lễ tuyên thệ tại sân Damaso của dinh Tông tòa, do Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa thánh, chủ tọa. Trong số các quan khách hiện diện, cũng có ông bà tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin. Ông bà đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến riêng vào ban sáng.


Source:Vatican News

3. Mới nhậm chức chưa được 2 tháng, Tổng thư ký Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu chết vì virus Tầu độc địa

Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu, gọi tắt là Imbisa, bao gồm chín nước là Angola, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, São Tomé và Príncipe São Tomé và Príncipe, Nam Phi, và Zimbabwe.

Tháng Ba năm nay, cha Linus Ngenomesho, Tổng thư ký Imbisa, thuộc dòng Hiến Sinh Đức Mẹ Vô nhiễm, gọi tắt là OMI, được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa giáo phận Rundu ở Namibia. Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu đã chọn nữ tu Helena, 63 tuổi, người Namibia, thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu (MSC), thay thế cha Linus.

Sơ Helena từng làm Bề trên Giám tỉnh và tổng cố vấn của dòng, đã bắt đầu nhiệm vụ Tổng thư ký Imbisa từ tháng Ba năm nay,

Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu đau buồn thông báo rằng Sơ Helena đã chết vì Covid-19, hôm Chúa nhật 2 tháng 5 vừa qua, tại nhà thương Công Giáo ở Windhoek, thủ đô của Namibia.

Hội đồng Giám mục Imbisa kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho linh hồn nữ tu Helena.

Namibia có gần 2.6 triệu dân, trong đó gần 50,000 người bị nhiễm Coronavirus và 670 người đã chết.


Source:ACI Africa

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 9 tháng 5

Chúa Nhật 9 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục sinh, Bài Phúc Âm của ngày lễ có chủ đề: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật này (Ga 15: 9-17) sau khi so sánh chính Người với cây nho và chúng ta với cành, Chúa Giêsu giải thích những ai ở lại với Người sẽ sinh hoa kết trái như thế nào: hoa trái ấy là tình yêu. Ngài lại lặp lại một động từ quan trọng: đó là ở lại. Ngài mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu thương của Ngài để niềm vui của Ngài ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được tràn đầy (câu 9-11). Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy tự hỏi: tình yêu này là gì mà Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ở lại để có được niềm vui của Người? Tình yêu này là gì? Thưa: Đó là tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8). Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, tuôn chảy như dòng sông trong Con của Người là Chúa Giêsu và nhờ Người đến với chúng ta, là những tạo vật của Người. Thật vậy, Người nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15: 9). Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta cũng giống như tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Ngài: đó là tình yêu thuần khiết, tình yêu được ban cho một cách nhưng không, vô điều kiện. Tình yêu ấy không thể mua bán, tình yêu ấy là nhưng không. Khi trao cho chúng ta tình yêu ấy, Chúa Giêsu đối xử với chúng ta như những người bạn – và với tình yêu thương này, Người khiến chúng ta nhận biết Chúa Cha, và Người đưa chúng ta vào cùng sứ mệnh của Người đối với sự sống của thế giới.

Chúng ta có thể tự hỏi, làm thế nào để chúng ta sống trong tình yêu này? Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (câu 10). Chúa Giêsu đã tóm tắt các điều răn của Ngài trong một điều duy nhất, đó là điều này: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (câu 12). Yêu như Chúa Giêsu có nghĩa là hiến thân phục vụ anh chị em mình, như Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Điều đó cũng có nghĩa là đi ra ngoài chính chúng ta, tách mình ra khỏi sự chắc chắn của con người chúng ta, khỏi những tiện nghi trần thế, để mở lòng mình ra với những người khác, đặc biệt là những người đang quẫn bách. Nó có nghĩa là làm cho bản thân luôn sẵn sàng, trong tình trạng hiện nay của chúng ta và với những gì chúng ta có. Điều này có nghĩa là yêu không phải bằng lời nói mà bằng hành động.

Yêu như Chúa Kitô có nghĩa là nói ‘không’ với những thứ ‘yêu’ khác mà thế gian dành cho chúng ta: yêu tiền, chẳng hạn, những người yêu tiền không yêu như Chúa Giêsu yêu, yêu thành công, phù phiếm, yêu quyền lực…. Những con đường lừa dối của “tình yêu” này khiến chúng ta xa rời tình yêu của Chúa và khiến chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, tự ái, hống hách. Và hống hách dẫn đến suy thoái tình yêu thương, lạm dụng người khác, làm cho những người thân yêu của chúng ta đau khổ. Tôi đang nghĩ đến tình yêu không lành mạnh biến thành bạo lực – và có biết bao những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ngày nay. Đây không phải là tình yêu. Yêu như Chúa yêu chúng ta có nghĩa là đánh giá cao những người bên cạnh chúng ta, tôn trọng tự do của họ, yêu họ như họ vốn có, không phải như chúng ta muốn một cách vô cớ. Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta ở lại trong tình yêu của Người, ở trong tình yêu của Người, chứ không ở lại trong các ý tưởng của chúng ta, không ở lại trong sự tự tôn thờ chính chúng ta. Những người sống trong sự tôn thờ bản thân thì sống như đang đứng trước gương: luôn nhìn vào chính mình. Trái lại, những người đang sống trong tình yêu Chúa thì vượt qua được tham vọng muốn kiểm soát và quản lý người khác. Anh chị em đừng kiểm soát, những hãy phục vụ tha nhân. Hãy mở lòng với người khác, đây chính là yêu thương, là trao ban chính mình cho người khác.

Anh chị em thân mến, việc ở lại trong tình yêu của Chúa sẽ dẫn chúng ta đến đâu?Thưa: Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (câu 11). Chúa Giêsu hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha nên Ngài có được niềm vui, đó là niềm vui Ngài muốn chúng ta cũng được hưởng khi chúng ta được kết hợp với Ngài. Niềm vui khi biết mình được Chúa yêu thương, cho dù chúng ta không chung thủy, giúp chúng ta có thể tự tin đối mặt với những thử thách của cuộc sống, khiến chúng ta sống qua những cơn khủng hoảng để vươn lên khỏi chúng tốt hơn. Việc chúng ta trở thành nhân chứng đích thực bao gồm việc sống niềm vui này, bởi vì niềm vui là dấu chỉ đặc biệt của một Kitô hữu chân chính. Kitô hữu chân chính không buồn; họ luôn có niềm vui đó bên trong tâm hồn, ngay cả trong những thời khắc khó khăn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn ở trong tình yêu của Chúa Giêsu và lớn lên trong tình yêu đối với mọi người, để làm chứng cho niềm vui của Chúa Phục Sinh.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến!

Với mối quan tâm đặc biệt, tôi đang theo dõi các sự kiện đang xảy ra ở Giêrusalem. Tôi cầu nguyện rằng Thánh Địa có thể là một nơi gặp gỡ và không xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực, một nơi cầu nguyện và hòa bình. Tôi mời mọi người tìm kiếm các giải pháp được tán đồng ngõ hầu bản sắc đa tôn giáo và đa văn hóa của Thành phố Thánh được tôn trọng và tình anh em được đề cao. Bạo lực sinh ra bạo lực. Những cuộc đụng độ đã quá đủ.

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày hôm qua ở Kabul: một hành động vô nhân đạo đã nhắm vào rất nhiều nữ sinh khi họ đang rời trường học. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong số họ và cho gia đình của họ. Và cầu xin Chúa ban hòa bình cho Afghanistan.

Ngoài ra, tôi cũng muốn bày tỏ sự lo lắng của mình đối với những căng thẳng và các cuộc đụng độ bạo lực ở Colombia, đã khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Có rất nhiều người Colombia ở đây; chúng ta hãy cầu nguyện cho quê hương của anh chị em đó.

Hôm nay, tại Agrigento, Rosario Angelo Livatino, một vị tử đạo vì công lý và đức tin, đã được phong chân phước. Khi phục vụ cộng đồng với tư cách là một thẩm phán xuất sắc, vị tân Chân Phước không bao giờ cho phép mình băng hoại, ngài đã cố gắng đưa ra các phán quyết không phải để kết án nhưng là để cải huấn. Ngài luôn đặt công việc của mình “dưới sự che chở của Chúa”; vì lý do này, ngài đã trở thành nhân chứng cho Tin Mừng cho đến cái chết anh hùng của mình. Cầu mong tấm gương của ngài là động lực cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với các thẩm phán, để trở thành những người bảo vệ trung thành cho luật pháp và tự do. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước!

Tôi xin gửi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em, người dân thành phố Rôma và những người hành hương. Cảm ơn anh chị em đã ở đây! Đặc biệt, tôi chào những người bị chứng cơ xơ hóa: Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với họ và tôi hy vọng rằng sự chú ý đến căn bệnh đôi khi bị bỏ qua này có thể được tăng lên.

Và chúng ta không thể quên những người mẹ! Chúa Nhật này, ở nhiều quốc gia, là Ngày Hiền Mẫu. Chúng ta hãy gửi lời chào đến tất cả những người mẹ trên thế giới, kể cả những người không còn ở bên chúng ta nữa. Xin anh chị em một tràng pháo tay dành cho các bà mẹ!

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng!


Source:Holy See Press Office

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *