Video: Câu chuyện Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu

1. Kitô hữu chân đứng trên mặt đất, mắt hướng về Trời cao

Người Kitô hữu sống trong trần gian để tuyên xưng Chúa Giêsu, nhưng mắt luôn hướng về Trời cao để liên kết mật thiết với Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 26 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Có ba điểm để tham chiếu về hành trình người Kitô. Thứ nhất là ký ức. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Galilê là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Để trở thành Kitô hữu, mỗi người phải có ký ức về lần đầu tiên ấy, lần đầu tiên gặp gỡ Chúa. Trong ký ức, không chỉ có lần đầu tiên, mà cuộc gặp gỡ vẫn tiếp diễn nhiều lần sau đó.

Điểm tham chiếu thứ hai là cầu nguyện. Khi Chúa lên trời, Chúa xa cách chúng ta về thể lý, nhưng Người luôn gần gũi chúng ta và luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Người tỏ cho chúng ta thấy Chúa Cha, Người cũng cho chúng ta thấy cái giá Người phải trả để cứu độ chúng ta. Thế nên, chúng ta cần nguyện xin ân sủng để chiêm ngưỡng Thiên Đàng, để trong cầu nguyện, chúng ta thấy Chúa đang lắng nghe chúng ta và ở cùng chúng ta.

Điều thứ ba là thế giới. Trong bài Tin Mừng ngày Lễ Chúa Lên Trời, trước khi Chúa rời xa các môn đệ, Chúa nói: Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Hãy đi: nơi chốn của người Kitô hữu là khắp thế gian để loan báo Lời Chúa, để tuyên xưng rằng chúng ta được cứu độ, rằng Chúa đã đến để ban ơn cho chúng ta, và để đưa chúng ta về với Chúa Cha.

Tương ứng với ba nơi chốn: Galilê, Thiên Đàng và thế giới, là ba điều quan trọng: ký ức, cầu nguyện và sứ mạng. Một Kitô hữu phải tiến bước trong ba chiều kích ấy.

Xin ơn về ký ức: đó là đừng quên giây phút tôi được chọn, đừng quên giây phút tôi gặp gỡ Chúa. Tiếp đến là cầu nguyện, là mắt hướng về Trời, vì ở nơi đó Chúa đang chuyển cầu cho chúng ta. Thứ ba là ra đi thực thi sứ mạng. Chúng ta phải ra đi để sống và làm chứng cho Tin Mừng và làm cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu. Nếu không thực thi những điều Chúa nói, thì chúng ta sống đâu khác gì người ngoại đạo.

Nếu chúng ta sống trong ký ức, cầu nguyện và thực thi sứ mạng, cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp và tràn đầy niềm vui. Đây là câu cuối mà Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: ngày đó các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con sẽ không ai lấy mất được, ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa. Không ai có thể lấy mất niềm vui của chúng ta, vì chúng ta khắc ghi cuộc gặp gỡ với Chúa, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng Chúa Giêsu ở trên Thiên Đàng đang chuyển cầu cho chúng ta, và trong cầu nguyện, tôi can đảm nói rằng: tôi có thể ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, để bằng chính cuộc sống của tôi mà làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại và vẫn đang sống.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban ân sủng để chúng ta hiểu được những điều ấy trong đời sống người Kitô, để đời sống chúng ta tươi vui, tràn ngập niềm vui, và không ai có thể lấy mất khỏi chúng ta niềm vui ấy.

2. Câu chuyện Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người dân Italia có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc rước rất lớn diễn ra tại thành phố Turinô do Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia dẫn đầu.

Cuộc rước tuy diễn ra vào ngày thứ Tư 24 tháng 5, là một ngày làm việc, cũng đã lôi cuốn hàng trăm ngàn người.

Tại các giáo phận khác của Italia cũng có các cuộc rước mừng lễ “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”. Nhưng cuộc rước tại Turinô là lớn hơn cả vì nơi đây thánh Gioan Don Bosco đã xây dựng một Vương Cung Thánh Đường dành riêng kính “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lòng tôn kính Đức Maria dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu” đã có từ lâu trong Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội chính thức thiết lập lễ kính Đức Mẹ Phù hộ trong phụng vụ vào ngày 24 tháng Năm, bắt đầu từ năm 1816, tức là 201 năm trước đây.

Vào những năm đầu của thế kỷ 19, Hoàng đế Napoleon Bonaparte đã bắt giam Đức Thánh Cha Piô VI và quản thúc Ngài trong tù. Ngài đã chết ở đó. Sau đó, Đức Thánh Cha Piô VII lên kế vị và Ngài cũng bị Napoleon tống giam. Từ năm 1809 đến năm 1812, tức trong suốt 5 năm trời, Ngài bị giam lỏng ở thành phố Savona nước Ý. Đức Thánh Cha liên tục khấn xin Đức Mẹ ‘Đấng Phù hộ các giáo hữu’ che chở và giải cứu Ngài. Tại thành phố này, Ngài đến đặt một triều thiên trên tượng ‘Đức Mẹ của lòng Thương xót’ và xin Mẹ giúp Ngài được giải thoát.

Đến năm 1812, Ngài bị đưa sang Paris nước Pháp và tiếp tục bị giam giữ tại Fontainbleau. Trong trại giam, Đức Thánh Cha bị hoàng đế Napoleon đối xử rất tồi tệ và vị tướng quân cao ngạo này đã dùng nhiều hình thức để lăng nhục Ngài. Ngài không thất vọng, nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng vào sự phù trợ của Đức Maria.

Chúa quan phòng đã an bài thật nhiệm mầu. Đến năm 1814, quân đội của Napoleon liên tục bị thất trận và quyền lực của ông bắt đầu suy yếu. Dưới áp lực của dân chúng, Napoleon bắt buộc phải phóng thích Đức Thánh Cha để Ngài trở về Rôma.

Trên con đường trở về điện Vatican, Ngài dừng chân tại Ancona và đến trước tượng “Nữ vương các thánh”, dâng lên Mẹ một cây phủ việt bằng vàng để tôn vinh quyền lực của Đức Maria, đồng thời diễn bày lòng tri ân Mẹ vì đã giải cứu Ngài. Vì thế, chúng ta thấy trên tượng Đức Mẹ Phù hộ có mũ triều thiên và một phủ việt cầm trên tay.

Dân chúng rất vui mừng đón chào Đức Thánh Cha trở về Rôma. Đi đến đâu, Ngài luôn được cả đám đông khổng lồ vây kín, diễn bày tâm tình hoan vui cũng như lòng biết ơn đối với Đức Mẹ. Ngày 24 tháng Năm năm đó, Ngài chính thức tiến vào Vatican trong sự nô nức cuồng nhiệt của đông đảo dân chúng.

Để tri ân Người đã giải cứu mình, Đức Thánh Cha Piô VII chính thức thiết lập phụng vụ mừng kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu vào ngày 24 tháng 05 hằng năm, đồng thời cũng ghi nhớ ngày Ngài được Đức Mẹ giải thoát và trở về Rôma.

Ngày nay, lòng sùng kính Đức Mẹ với tước hiệu ‘Phù hộ các giáo hữu’ đã lan tỏa khắp nơi trong Giáo Hội Công Giáo. Ngay ở Việt Nam, tại La vang hay tại Trà kiệu, Đức Mẹ cũng đã ra tay can thiệp để che chở giáo dân, và khi hiện ra tại những nơi này, Đức Mẹ cũng mang hình dáng của “Đấng Phù trợ các tín hữu”. Xin Mẹ bảo toàn đức tin nơi mỗi người chúng ta.

Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành. Cầu cho chúng con.

Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu. Cầu cho chúng con.

3. Hãy can đảm nói sự thật dù bị bách hại

Nhiều người bị bách hại vì dám lên tiếng chống lại thế gian. Còn thần dữ thì luôn muốn một Giáo Hội không có rủi ro, một Giáo Hội an toàn êm ấm. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 23 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta

Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương sáng ngời của Đức Cha Oscar Romero Tổng Giám Mục San Salvador. Ngài bị chế độ bắn chết vì Ngài dám lên tiếng tố cáo bạo lực và bảo vệ người nghèo.

Điều này được lặp lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ: có khi dân Chúa bình yên hoặc không bị đe dọa nhưng lại đầy tinh thần thế gian và thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân, và các ngài thường bị bách hại. Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, Phaolô và Sila nói sự thật và các ông bị bách hại, bị đánh nhừ tử, bị tống giam.

Tôi nhớ tại rất nhiều nơi, có nhiều người, rất nhiều người nam nữ, những người rất tốt, họ bị đuổi đi, họ bị bắt bớ. Chúng ta hãy nghĩ đến Chân Phước Romero? Điều gì xảy ra khi ta nói sự thật? Trong số những người bị bắt bớ ấy trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều người ngay cả tại Châu Âu. Tại sao? Bởi vì thần dữ luôn thích một Giáo Hội yên ắng không chút rủi ro, một Giáo Hội giống kiểu doanh nghiệp với đầy sự thoải mái ấm êm.

Chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ kể về câu chuyện thánh Phaolô trừ quỷ cho người đầy tớ gái. Trước đó, cô này bị quỷ nhập và hành nghề bói toán. Chính nghề của cô đem lại nhiều nguồn lợi cho các người chủ của cô. Nhưng sau khi cô được trừ quỷ, các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi tiêu tan, nên đành túm lấy ông Phaolô và Sila mà đi tố cáo. Thế đó, thần dữ luôn xuất phát từ túi tham. Và khi Giáo Hội trở thành một tổ chức yên phận yên thân êm ấm, thì hãy nhìn mà xem những chuyện kinh doanh buôn bán diễn ra.

Khi nói sự thật, Phaolô và Sila bị ngược đãi, nhưng các ông luôn có niềm vui của Chúa. Khi các ông bị giam trong ngục, Chúa đã sai thiên thần đến giải thoát các ông. Nửa đêm thấy mọi cửa đều mở toang, nghĩ là các tù nhân đã trốn thoát, viên cai ngục định tự tử, nhưng Phaolô trấn an ông: chúng tôi vẫn còn đây mà. Sau đó viên cai ngục và tất cả mọi người trong nhà của ông đều nhận phép rửa với lòng tràn ngập mừng vui. Đó là hành trình hoán cải hằng ngày của chúng ta: chuyển từ đời sống trần tục an nhàn, sang đời sống tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Chuyển từ một thứ tôn giáo kiểu trục lợi, sang con đường đức tin tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa.

Đây là phép lạ mà Chúa Thánh Thần thực hiện. Chúng ta hãy đọc chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ để thấy những gì Chúa đã làm với các vị tử đạo của Người. Chính khi ấy mà Hội Thánh tiếp tục tiến về phía trước. Một Giáo Hội mà vắng bóng các vị tử đạo, là Giáo Hội không đáng tin. Giáo Hội ấy, kiểu Giáo Hội không có các vị tử đạo, là một Giáo Hội sợ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, sợ xua trừ ma quỷ, và Giáo Hội ấy không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Trong cầu nguyện, chúng ta hãy nài xin ân sủng và tạ ơn Chúa vì Người đã đổi mới chúng ta. Chúng ta cũng nài xin ơn sủng để Người gìn giữ sự đổi mới ấy. Tất cả chúng ta hãy nguyện xin ơn này: đó là ơn đổi mới, để biến đổi từ lối sống chỉ biết đi tìm sự yên ấm, sang đời sống công bố niềm vui của Chúa Giêsu Kitô.

4. Khi trái tim khép kín, Chúa Thánh Thần không thể ngự vào

Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy cho chúng ta tuyên xưng rằng: Đức Giêsu là Chúa. Chúng ta cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần, để có thể sống cuộc đời làm chứng cho Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 22 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy cho chúng ta ca khen rằng: Đức Giêsu là Chúa. Nếu không có Thánh Thần, chẳng ai có thể nói điều ấy, chẳng ai có thể cảm nhận điều ấy, chẳng ai có thể sống điều ấy. Có lần Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần rằng: Ngài sẽ dẫn anh em tới Sự Thật toàn vẹn, và Ngài sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em, Ngài sẽ dạy anh em mọi điều. Thế đó, Chúa Thánh Thần là người bạn đồng hành của mỗi người tín hữu Kitô, Ngài cũng là bạn đồng hành của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần chính là quà tặng quý giá mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Chúa Thánh Thần là món quà tuyệt vời Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Nhưng mà Chúa Thánh Thần ở đâu? Trong bài đọc thứ nhất trích sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta gặp hình ảnh của người phụ nữ tên là Lydia. Bà là một trong những người biết làm thế nào để cho Chúa có thể mở rộng tâm hồn mình, để đón nhận Lời Chúa.

Chúa đã mở rộng tâm hồn bà, Chúa Thánh Thần ngự vào, và biến đổi bà trở thành người môn đệ. Nơi tất cả cõi lòng mình, là nơi chúng ta mang lấy Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà Giáo Hội gọi Chúa Thánh Thần là vị khách ngọt ngào của tâm hồn. Nhưng nếu trái tim ấy khép kín, thì Chúa Thánh Thần không thể ngự vào. À, ở đâu bạn có thể mua chìa khóa để mở cửa tâm hồn? Không. Đó là một món quà, là quà tặng từ Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin mở cửa tâm hồn con, để Chúa Thánh Thần có thể ngự vào và giúp con hiểu được rằng: Đức Giêsu là Chúa. Có lời cầu nguyện mà chúng ta phải nhẩm đi nhắc lại trong những ngày này là: Lạy Chúa, xin mở rộng cõi lòng con để con có thể hiểu được điều Người đang dạy con, để con có thể khắc ghi Lời Người, để con có thể sống theo Lời Người, và để con có thể tiến gần đến sự thật toàn vẹn.

Chúng ta cần mở rộng tâm hồn, khi đó Chúa Thánh Thần sẽ ngự vào và chúng ta lắng nghe tiếng nói của Ngài. Có hai câu hỏi mỗi người trong chúng ta có thể tự hỏi lòng mình. Trước hết, tôi có nài xin ân sủng của Chúa để trái tim tôi có thể rộng mở hay không? Thứ hai, tôi có cố gắng lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe những gợi ý của Ngài, lắng nghe những gì Ngài nói trong trái tim tôi, lắng nghe để tôi có thể tiến bước trong cuộc sống người Kitô, lắng nghe để tôi có thể sống chứng nhân cho Chúa Giêsu?

Hãy suy nghĩ về hai điều ấy trong ngày hôm nay. Tâm hồn tôi đang rộng mở hay khép kín? Tôi có cố gắng lắng nghe điều Chúa Thánh Thần đang ngỏ lời trong lòng tôi hay không? Và khi làm như thế, khi mở rộng tâm hồn và lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ tiến bước hướng về phía trước trong đời sống người Kitô hữu, để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *