Trong buổi tiếp kiến chung dành cho khoảng 10 ngàn tín hữu vào sáng thứ tư 05/12, ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý mới về “Kinh Lạy Cha”. Kinh Lạy Cha xuất phát từ đời sống cầu nguyện của chính Chúa Giêsu và Chúa đã dạy cho các môn đệ.
Chúa Giêsu là người cầu nguyện
Tin mừng thánh Marco thuật lại với chúng ta về chi tiết này ngay từ trang đầu nói về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (x. 1,35). Ngày khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu tại Caphácnaum đã kết thúc cách thành công. Khi mặt trời lặn, nhiều người đau yếu đã tìm đến nơi Chúa Giêsu đang ở: Đấng Cứu Thế giảng dạy và chữa lành. Những lời tiên tri xưa kia và các chờ mong của dân chúng đang đau khổ được thực hiện: Chúa Giêsu là Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa giải phóng. Nhưng đám đông đó vẫn chỉ là một số nhỏ so với nhiều đám đông khác sẽ tụ họp xung quanh vị ngôn sứ của Nadarét; đôi khi là đám đông ở bờ biển và Chúa Giêsu ở trung tâm của tất cả, là niềm mong chờ của dân chúng, là chung cục của niềm hy vọng của Israel.
Đấng Cứu Thế đúng nghĩa, không gắn chặt với dân chúng
Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không để mình bị bó buộc; Người không trở thành con tin của những mong đợi của những người đã chọn Người làm lãnh đạo. Có một nguy hiểm đối với những người lãnh đạo, đó là quá gắn chặt với dân chúng, không giữ khoảng cách. Chúa Giêsu nhận ra điều này và không trở thành con tin của dân chúng. Từ đêm đầu tiên ở Caphácnaum, Chúa Giêsu đã chứng tỏ mình là một Đấng Cứu Thế đúng nghĩa. Khi đêm gần qua, khi mà bình minh đang bắt đầu ló dạng, các môn đệ vẫn đang tìm kiếm Chúa nhưng vẫn không thể tìm thấy Người. Cuối cùng, Phêrô tìm thấy Người ở một nơi vắng vẻ, hoàn toàn đắm mình trong cầu nguyện. Ông nói với Chúa Giêsu: “Tất cả mọi người đang tìm Thầy!” (Mc. 1,37). Câu than vãn cho thấy sự thành công được mọi người nhìn nhận, chứng cứ của sự thành công tốt đẹp của một sứ vụ.
Nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng Người phải đi nơi khác; không phải là dân chúng tìm kiếm Người nhưng trên hết, chính Người sẽ đi tìm kiếm họ. Đối với Chúa, không được bén rễ ở một nơi nhưng cần tiếp tục là một người hành hương trên những nẻo đường xứ Galilê (cc. 38-39). Và cũng là người hành hương về với Chúa Cha, nghĩa là bằng cầu nguyện. Trong hành trình cầu nguyện. Tất cả xảy ra trong một đêm cầu nguyện.
Cầu nguyện hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu
Trong một số trang Kinh thánh, dường như việc Chúa Giêsu cầu nguyện, sự gắn bó thân mật của Người với Chúa Cha hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu; ví dụ trong đêm ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Bức tranh cuối cùng về cuộc hành trình của Chúa Giêsu (chắc chắn là giờ phút khó khăn nhất trong số những điều Chúa Giêsu đã làm cho đến nay) dường như được thấy rõ nghĩa trong việc Chúa Giêsu liên tục lắng nghe Chúa Cha. Chắc chắn đó là một lời cầu nguyện không dễ dàng, thật ra là một cơn hấp hối thật sự, hổn hển như các vận động viên trong cuộc thi, nhưng là một lời cầu nguyện có thể nâng đỡ cuộc hành trình thập giá.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện
Chúa Giêsu đã cầu nguyện sốt sắng trong những buổi cầu nguyện chung khi chia sẻ phụng vụ với dân của Người nhưng Người tìm những nơi để suy tư, tách biệt khỏi cơn lốc của thế giới, những nơi cho phép đi vào sâu thẳm của linh hồn mình: Người là vị tiên tri biết những hòn đá của sa mạc và trèo lên núi cao. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu, trước khi thở hơi cuối cùng trên thập giá, là các lời của các thánh vịnh, nghĩa là những lời cầu nguyện của người Do thái: Người cầu nguyện bằng những kinh nguyện mà mẹ đã dạy cho Người.
Chúa Giêsu là thầy dạy cầu nguyện
Chúa Giêsu đã cầu nguyện như mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, trong cách thế cầu nguyện của Người, có một điều mầu nhiệm, một điều gì đó mà chắc chắn các môn đệ của Người đã nhìn thấy, do đó họ xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Họ thấy Chúa cầu nguyện và họ muốn học cầu nguyện như Người. Và Chúa Giêsu không từ chối lời cầu xin của họ, Người không ghen tương nếu các môn đệ có mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha, nhưng Người đã đến chính là để giới thiệu với chúng ta mối tương quan này. Và như thế Chúa đã trở thành thầy dạy cầu nguyện của các môn đệ, và chắc chắn Người cũng muốn là thầy dạy cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Cả chúng ta cũng phải cầu xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Luôn phải học cầu nguyện!
Ngay cả nếu dường như chúng ta đã cầu nguyện từ nhiều năm, chúng ta luôn phải học cầu nguyện! Lời cầu nguyện của con người, khao khát này nảy sinh cách tự nhiên từ linh hồn con người, có lẽ là một trong những bí ẩn sâu xa nhất của vũ trụ. Và chúng ta thậm chí không biết nếu những lời cầu nguyện mà chúng ta thưa với Chúa có thực sự là những điều mà Người muốn nghe chúng ta thưa không.
Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe
Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy những lời cầu nguyện không xứng hợp, cuối cùng bị Thiên Chúa từ chối: chỉ cần nhớ dụ ngôn của người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Chỉ người thu thuế từ đền thờ trở về nhà được nên công chính, vì người Pha-ri-sêu kiêu ngạo và thích được dân chúng thấy mình cầu nguyện và họ giả vờ cầu nguyện: trái tim của họ thì lạnh giá. Và Chúa Giêsu nói: người này không được nên công chính, “vì ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Bước đầu tiên để cầu nguyện là khiêm nhường, đến với Chúa Cha và thưa: “Nhưng, thưa Cha…”, đến với Đức Mẹ: “Nhưng, xin Mẹ nhìn con, con là đứa tội lỗi, con yếu đuối, con xấu xa…”. Nhưng chúng ta luôn bắt đầu với sự khiêm nhường và Chúa lắng nghe chúng ta. Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe.
“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”
Vì thế, khi bắt đầu loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, điều đẹp nhất và thích hợp nhất mà tất cả chúng ta phải làm đó là lập lại lời cầu xin của các môn đệ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”. Chắc chắn Chúa sẽ không để cho lời cầu xin của chúng ta rơi vào trong hư không.
Hồng Thủy – Vatican