Video: Hành xử bạt mạng với coronavirus, Hun Sen làm thế giới âu lo, người Miên có thể phải trả giá đắt

1. Hành xử bạt mạng với coronavirus, Thủ Tướng Hun Sen có thể khiến người Miên phải trả giá đắt

Tính đến 10 giờ sáng thứ Tư 19 tháng Hai, số người chết vì coronavirus, hay chính thức phải gọi là COVID-19 đã tăng vọt lên đến 2,004 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 74,185 người. Như thế, trong ngày thứ Ba đã có thêm 136 người bị thiệt mạng, và thêm 1,749 người được xác nhận là đã nhiễm bệnh. Trung Quốc cho biết trong số những người bị nhiễm bệnh 18% ở trong tình trạng nguy kịch.

 

Bên cạnh đó, trường hợp tử vong đầu tiên đã xảy ra tại Đài Loan và trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Ai Cập. Như thế, dịch bệnh này gần như đã lây lan khắp năm châu, chỉ còn Mỹ Châu Latinh là chưa có trường hợp nào.

Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt vừa làm dậy sóng cộng đồng thế giới với việc cho phép chiếc Westerdam của hãng tàu du lịch Holland America Line với 1,455 hành khách và thuỷ thủ đoàn gồm 802 người cập bến cảng Sihanoukville hôm thứ Sáu ngày 14 tháng Hai.

Tự tin với kết quả âm tính của các du khách, ngay khi chiếc tàu vừa cập bến, thủ tướng thân chinh ra bắt tay, tặng hoa cho các du khách, cho phép họ được lên bờ đi tham quan đền Angkor Wat, tắm biển, tự do trở về xứ sở của họ.

Mặc cho dư luận khen, chê lẫn lộn, ông tuyên bố “Cam Bốt không cho họ cập bến thì họ đi đâu? Đây không phải là lúc để kỳ thị hay sợ hãi mà là lúc để mọi người đoàn kết lại mà giải quyết những vấn nạn mà chúng ta đang phải đối diện”.

Nhưng chỉ vài ngày sau, Mã Lai tuyên bố đã tìm thấy kết quả dương tính trong một phụ nữ 84 tuổi người Mỹ, cũng là du khách đến từ chiếc tàu Westerdam vừa cập bến Cam Bốt. Ngoài con số 236 hành khách và 747 người của thuỷ thủ đoàn, nhà chức trách Cam Bốt và các giới chức của tổ chức y tế thế giới hiện đang vất vả truy tìm 1,219 hành khách và 55 thủy thủ đoàn đã phân tán tứ phương, để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh.

Thủ tướng Hun Sen chỉ được biết đến hung tin này khi ông đang ở Surrey thuộc British Columbia. Tuy nhiên, ông vẫn “nói cứng”: “Chúng tôi có máy dò bệnh, đo nhiệt độ, và chúng tôi không có quan ngại gì về sức khoẻ của chính chúng tôi cả”.

Vị thủ tướng này còn được biết đến với những phát biểu cực kỳ táo bạo khi ông đến thăm Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 2. Trong dịp này, ông ngỏ ý muốn đến Vũ Hán để “khuyến khích các học sinh người Cam Bốt không có gì phải sợ vi khuẩn Corona”. Tuy nhiên, chính Tập Cận Bình còn không dám đến đó, nên nguyện vọng này của ông đã bị nhà cầm quyền Trung cộng bác bỏ, viện cớ chính quyền nước này còn bận rộn với việc chống dịch bệnh, không thể sắp xếp chuyến viếng thăm của ông.

2. Thánh Leopoldo Mandic chính thức là Bổn mạng các bệnh nhân ung thư.

Hôm 11 tháng 02 năm 2020, lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức cũng là Ngày Thế giới các bệnh nhân Lần thứ 28, thánh Leopoldo Mandic, đã chính thức trở thành bổn mạng các bệnh nhân ung thư.

Trong thánh lễ lúc 4 giờ chiều tại Vương cung thánh đường Thánh Antôn ở thành Padova, bắc Italia, Ðức cha Claudio Cipolla, Giám mục giáo phận sở tại, chính thức công bố quyết định của Bộ Phụng tự và kỷ luật bí bích về việc tôn thánh Mandic làm bổn mạng các bệnh nhân ung thư, trong khi chờ đợi ngày lễ chính thức kính thánh nhân vào ngày 12 tháng 05 năm 2020.

Thánh Leopoldo Mandic, người Croát, sinh trưởng tại Montenegro, thuộc dòng Capuchino, người nhỏ bé, phần lớn cuộc đời linh mục, ngài làm cha giải tội. Thánh nhân cũng dành rất nhiều thời giờ ở cạnh giường bệnh các bệnh nhân trầm trọng để an ủi họ. Chính thánh nhân cũng đã bị ung thư thực quản và qua đời về bệnh này hồi năm 1942. Cha được Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh hồi năm 1983 và tôn làm mẫu gương của các cha giải tội.

Thánh nhân cũng nổi tiếng về các phép lạ, hàng chục phép lạ đã được giáo quyền công nhận, và đền Thánh Mandic ở Padova thu hút nhiều tín hữu hành hương và rất nhiều bảng tạ ơn được các tín hữu gửi lại tại đây.

Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cho đưa di hài thánh Mandic và thánh Piô Pietrelcina về Vatican để các tín hữu kính viếng.

Tiến trình xin Tòa Thánh tuyên bố thánh Mandic là bổn mạng các bệnh nhân ung thư đã bắt đầu từ tháng 07 năm 2016, và đã thu thập được 700 ngàn chữ ký, trong đó có nhiều bác sĩ, ủng hộ thư thỉnh nguyện được đệ lên Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, xin cứu xét và tuyên bố thánh nhân là bổn mạng các bệnh nhân ung thư. Nay Tòa Thánh chính thức công bố sắc lệnh về vấn đề này.

3. Ðức Hồng Y Barbarin muốn trở lại làm mục vụ tại Madagascar.

Ðức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng giám mục giáo phận Lyon bên Pháp, cho biết ngài cảm thấy không có tương lai tại giáo phận này và muốn trở lại Madagascar như một linh mục làm mục vụ, giảng tĩnh tâm cho các linh mục hoặc như một linh mục lưu động.

Ðức Hồng Y Barbarin năm nay 70 tuổi, làm Tổng giám mục giáo phận Lyon từ 18 năm nay (2002). Ngài mới được Tòa kháng án ở Lyon tha bổng hôm 30 tháng 01 năm 2020 về tội gọi là “ém nhẹm vụ một linh mục lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên”. Tuyên bố sau khi được tòa án tha bổng, Ðức Hồng Y Barbarin cho biết ngài tái đặt sứ vụ trong tay Ðức Thánh cha, tùy ngài quyết định chung kết, để một trang mới được lật qua cho giáo phận Lyon.

Trong thời gian chờ đợi tòa kháng án xét xử, Ðức Thánh cha đã bổ nhiệm Ðức cha Michel Dubost, nguyên Giám mục giáo phận Evry, làm Giám quản Tông Tòa giáo phận Lyon.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo “Le Point” ở Pháp, Ðức Hồng Y Barbarin tái khẳng định rằng ngài không hề tìm cách ém nhẹm điều gì: “Tôi vẫn luôn tố giác những hành động kinh khủng. Và công lý đã xác nhận tôi vô tội”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là ngày 7 tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Philipe Barbarin Tổng Giám mục Lyon đã bị kết tội “không tố cáo hành vi đối xử tệ bạc với trẻ vị thành niên” của cha Bernard Preynat và bị phạt sáu tháng tù treo.

Đức Hồng Y đã kháng cáo, và hôm thứ Năm 30 tháng Giêng, Tòa Phúc Thẩm ở Lyon đã tuyên bố ngài vô tội.

Sau phán quyết này, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục đã ra Tuyên bố sau.

“Với sự thanh thản, tôi ghi nhận phán quyết của Tòa phúc thẩm Lyon, tuyên bố rằng tôi vô tội đối với những gì tôi bị cáo buộc.

Quyết định này khiến cho có thể lật sang một trang mới. Và đối với Giáo Hội tại Lyon, đây là cơ hội để mở ra một chương mới.

Đây là lý do tại sao, một lần nữa, tôi sẽ trao lại chức vụ Tổng Giám mục Lyon cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đương nhiên, nếu Đức Thánh Cha muốn gặp tôi, tôi sẽ đến Rôma.

Tháng Ba năm ngoái, ngài đã từ chối đơn từ chức của tôi, và chấp nhận cho tôi được tạm nghỉ trong suốt thời gian tố tụng. Giờ đây, tôi có thể yên tâm lặp lại thỉnh cầu của mình.

Suy nghĩ của tôi hướng đến các nạn nhân. Với nhiều anh chị em khác, tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho họ và gia đình họ hàng ngày.

Xin cầu nguyện cho tôi, cho giáo phận Lyon và mỗi cư dân của thành phố này, để “họ có thể được nên một” (Ga 17: 21).

Cám ơn rất nhiều.

+ Đức Hồng Y Philippe Barbarin

4. Ðức Hồng Y giám quản Roma mời gọi cầu nguyện cho ơn gọi và cho các linh mục.

Ðức Hồng Y Angelo De Donatis, giám quản Roma, đã gửi thư cho các cha sở của giáo phận Roma và mời gọi cầu nguyện cho ơn gọi và cho các linh mục.

Ðức Hồng Y giám quản Roma đã thành lập một ngày đặc biệt, thứ Năm, để dâng lên Thiên Chúa ý nguyện đặc biệt này.

“Nhưng chúng ta cầu nguyện cho họ bao nhiêu?”

Trong thư, Ðức Hồng Y De Donatis nhấn mạnh: “Nếu đối với mỗi Kitô hữu, cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, thì đối với một giáo phận, cầu nguyện là hơi thở của toàn thành phố, dù không ý thức, vì nó đang cần Thần khí của Thiên Chúa để sống.” Ðức Hồng Y cũng nhận xét: “Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang sống trong thời gian mà các linh mục sẽ ngày càng ít đi. Chúng ta cảm thấy bối rối khi biết rằng một linh mục gặp khủng hoảng hay rời bỏ sứ vụ. Chúng ta thường phàn nàn rằng có ít chủng sinh trong chủng viện, thiếu linh mục, hoặc họ không có thời gian cho tất cả mọi người. Nhưng chúng ta cầu nguyện cho họ bao nhiêu?”

Và Ðức Hồng Y mời gọi: “Vì thế, tôi xin anh chị em cầu nguyện với tôi, với toàn thể linh mục đoàn giáo phận và với tất cả cộng đồng của anh chị em để Chúa làm cho các linh mục chúng tôi yêu mến Tin Mừng và để Ngài gửi những thợ gặt mới cho mùa gặt của Ngài.”

Ðức Hồng Y cũng gửi cho các cha sở một chương trình cầu nguyện. Thứ Năm đầu tháng cầu nguyện cho các ơn gọi và dành thời gian ban tối thứ Năm và thứ Sáu chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho ý chỉ này. Thứ Năm thứ hai của tháng cầu nguyện cho các linh mục cao niên và đau bệnh, cảm tạ Thiên Chúa vì chứng tá mà họ trình bày cho chúng ta và để họ tiếp tục làm chứng ngay cả bằng việc dâng các đau khổ của họ. Thứ Năm thứ ba của tháng cầu nguyện cho việc thánh hóa các linh mục. Và ngày thứ Năm trong tuần cuối cùng của tháng là cầu nguyện cho các linh mục đang gặp thử thách khó khăn.

5. Quỹ Ðức Thánh Cha Phanxicô của bang Valais, Thụy Sĩ đạt 65 ngàn franc trong năm 2019.

Trong năm 2019, Quỹ Ðức Thánh Cha Phanxicô của bang Valais, Thụy Sĩ (FVPF) đã quyên góp được hơn 65,000 franc. Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm 2016, tức là sau Năm Thánh Lòng Chúa thương xót, Tổ chức này đã phân phối hơn 150,000 franc trợ giúp cho những ai có hoàn cảnh khó khăn.

Trên đây là những số liệu được cha Pierre-Yves Maillard, Tổng đại diện Giáo phận Sion trình bày trong mục “Các Giáo hội” của báo Le Nouvelliste ra vào ngày 8 tháng 2 năm 2020.

Trong những năm qua, Quỹ Ðức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục phát triển. Năm 2019, Tổ chức đã cung cấp hơn 65,000 franc cho những người gặp khó khăn. Năm 2017 số tiền trao cho người nghèo là 30,000 franc và trong năm 2018 là 60,000 franc. Cho tới nay, Tổ chức đã trao 150,000 franc quyên góp được cho những ai gặp khó khăn. Việc phân phát Quỹ được thực hiện dựa trên các hồ sơ của các tổ chức gửi tới. Năm 2020, số hồ sơ xin trợ giúp vượt năm 2019.

Số hồ sơ xin trợ giúp gửi đến Quỹ không ngừng gia tăng, một dấu hiệu cho thấy sự nghèo khó ngày càng tăng của một bộ phận người dân. Vì thế, những những người có trách nhiệm của Quỹ Ðức Thánh Cha Phanxicô cố gắng đảm bảo việc phân bổ số tiền quyên góp cho những người cần hỗ trợ phải đúng đối tượng. Thực tế, khi nhận được hồ sơ xin trợ giúp do các tổ chức gửi tới, Tổ chức thường ưu tiên cho các thành phần như: người vô gia cư, người nghiện ma túy, người mãn hạn tù, người về hưu không có người thân, gia đình cha mẹ đơn thân, gia đình đông con, người di cư.

Theo sau Tông sắc Năm Thánh Lòng thương xót của Ðức Thánh Cha Phanxicô năm 2015, Giáo phận Sion đứng ra thành lập Quỹ bác ái này cùng với sự cộng tác của Tu viện Saint-Maurice và Giáo hội Tin lành Bang Valais. Ðây là một dấu chỉ dấn thân đại kết trong việc phục vụ những người yếu nhất, truyền thống liên đới lâu dài của Kitô giáo.

6. Tổng giáo phận Philadelphia Hoa Kỳ phát động chương trình giáo lý cho người khiếm thính.

“Ðôi tay ân sủng” là tên của chương trình đổi mới do Tổng giáo phận Philadelphia phát triển, nhằm hỗ trợ và tăng trưởng đời sống thiêng liêng cho các tín hữu khiếm thính. Sáng kiến này do cha Seán A. Loomis, tuyên úy Giáo phận cho người khiếm thính đứng ra tổ chức. Mục đích của chương trình là truyền đạt giáo lý Công Giáo cho những người gặp khó khăn trong việc nghe, qua ngôn ngữ ký hiệu (LIS).

Tại Hoa kỳ, ước tính có khoảng 5.4 triệu người Công Giáo khiếm thính. Sáng kiến “Ðôi tay ân sủng” là một chương trình có phiên dịch trong video bằng ngôn ngữ ký hiệu, do cha Loomis thực hiện, một loạt các đĩa DVD chuyên sâu và một cuốn sách giải thích, tập trung vào các khía cạnh trực quan nhằm khuyến khích người dùng học tập tốt và năng động hơn. Bảy khóa đào tạo được lên kế hoạch, cho phép các tham dự viên hiểu sâu giáo lý và đức tin Công Giáo.

Cha Shawn Carey, phụ trách Văn phòng Công Giáo Quốc gia cho người khiếm thính bày tỏ sự hài lòng đối với sáng kiến Chương trình “Ðôi tay ân sủng”. Theo cha, chương trình giúp những người gặp khó khăn trong việc nghe có thể vượt qua các rào cản để đến với Tin Mừng. Theo cách này, các Kitô hữu khiếm thính có thể học cách đánh giá, phân định đức tin của mình một cách cụ thể hơn. Và hơn thế nữa đây là một sáng kiến sẽ giúp người khiếm thính không cảm thấy bị loại trừ và hiểu rằng “Chúa luôn ở bên họ”.

7. 25% các tân linh mục được thụ phong trong những năm gần đây là người Ba Lan

Cứ 4 tân linh mục được thụ phong trong các giáo phận tại Âu Châu, thì có một vị là người Ba Lan. Ủy ban Thống Kê của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan vừa cho biết như trên.

Tuy nhiên, đáng buồn là số các tân linh mục đang giảm dần, trong khi số người rời bỏ chức tư tế lại tăng lên, dẫn đến điều mà ủy ban này gọi là một cuộc khủng hoảng ơn gọi thật sự.

Khoảng 350 tân linh mục Công Giáo đã được tấn phong hàng năm ở Ba Lan trong vài năm qua, chiếm 26% tổng số các tân linh mục tại Âu Châu. Theo ủy ban này, trong năm 2017 có 1,272 vị được phong chức linh mục tại Âu Châu. Tổng số các linh mục được thụ phong trên toàn thế giới vào năm 2017 là 5,800 vị.

Tại Ba Lan và trên toàn cõi Âu Châu, số tân linh mục được thụ phong hàng năm đã giảm dần kể từ năm 2000. Tỷ lệ tân linh mục người Ba Lan so với toàn Âu Châu cũng giảm nhẹ. Vào năm 2013, số tân linh mục Ba Lan chiếm đến 30% số vị được thụ phong tại Âu Châu.

Tổng số linh mục triều trên khắp thế giới đã tăng lên kể từ năm 2000, đạt 281,000 vào năm 2017. Tuy nhiên, ở Âu Châu, xu hướng ngược lại đã diễn ra. Năm 2003, Âu Châu có 141,000 linh mục. Đến năm 2011 chỉ còn 132,000 và năm 2017 chỉ còn 125,000 vị.

Một xu hướng khác được nhấn mạnh trong thống kê này là sự gia tăng số lượng giáo sĩ rời khỏi chức tư tế. Trong khi dữ liệu thay đổi từ năm này sang năm khác, xu hướng toàn cầu là giảm cho đến năm 2009, sau đó lại gia tăng đều đặn, với 739 linh mục triều rời khỏi chức tư tế vào năm 2017.

Ở Âu Châu cũng vậy, nhiều linh mục triều đã rời khỏi chức tư tế trong thập kỷ qua. Cao nhất là vào năm 2012, với 222 trường hợp, so với 146 trường hợp vào năm 2017.

Riêng tại Ba Lan, khoảng 73 linh mục đã rời khỏi chức tư tế vào năm 2017. Con số này là 54 vị vào năm 2012. Tính trung bình từ năm 2000 đến 2017 mỗi năm có 56 vị từ bỏ chức linh mục tại Ba Lan.

Giáo Hội Công Giáo tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng tại Ba Lan, với dữ liệu thường xuyên cho thấy hơn 90% người Ba Lan xưng mình là người Công Giáo. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát năm 2018 của Pew Research chỉ ra rằng chỉ 26% những người dưới 40 tuổi đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Con số này là 55% đối với những người trên 40 tuổi.

8. Malta sẽ là Quốc gia Âu Châu thứ 16 được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm.

Malta sẽ là quốc gia Âu Châu thứ 16 được Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm vào Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 31 tháng 05 năm 2020.

Tin này được Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo hôm 10 tháng 02 năm 2020, và cho biết các chi tiết của cuộc viếng thăm sẽ được thông báo sau.

Giáo Hội Công Giáo tại Malta có hai giáo phận cũng là 2 hải đảo lớn của nước này: Malta và Gozo. Giáo phận thứ nhất có 380 ngàn tín hữu Công Giáo trong số 426 ngàn dân, do Ðức Tổng giám mục Charles Scicluna coi sóc. Ngài cũng là Ðồng tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin, chuyên xét xử kháng án trong những vụ giáo sĩ bị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên; Giáo phận thứ hai Gozo chỉ có 30 ngàn tín hữu Công Giáo trong tổng số 31 ngàn dân, và do Ðức cha Mario Grech coi sóc. Ngài được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm Quyền Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục ngày 02 tháng 10 năm 2019; hiện Ðức cha chuẩn bị thay thế Ðức Hồng Y Lorenzo Baldisseri trong nhiệm vụ mới.

Cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Malta chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày: Sau chuyến bay dài 1 giờ 20, ngài sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu, và sẽ có những cuộc gặp gỡ khác.

Cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô là chuyến viếng thăm thứ tư của 1 vị Giáo Hoàng tại đây trong vòng 30 năm qua, 2 lần với Ðức Gioan Phaolô II năm 1990 và 2001, tiếp đến là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 năm 2010.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *