1. Đức Thánh Cha gửi một lá thư tới những người tham gia Công ước Liên Hợp Quốc COP-23 về biến đổi khí hậu
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư tới những người tham gia Công ước Liên Hợp Quốc COP-23 về biến đổi khí hậu, diễn ra tại Bonn, bên Đức từ ngày 6 đến 17 tháng 11.
Đức Thánh Cha đã chúc mừng các nhà lãnh đạo thế giới hiện diện tại hội nghị COP-23 và mời gọi họ “tiếp tục duy trì việc hợp tác cao độ”.
Ngài nhắc lại “lời mời gọi khẩn cấp” phải có những cuộc đối thoại mới mẻ “về cách chúng ta xây dựng tương lai của hành tinh này.”
Ngài nói, “Chúng ta cần có sự trao đổi trong đó hiệp nhất tất cả chúng ta, bởi vì những thách đố về môi trường mà chúng ta đang trải qua, và những căn nguyên của vấn đề xuất phát từ phía con người, đang liên quan đến tất cả chúng ta, và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.”
Đức Thánh Cha đã cảnh báo những người tham gia đừng rơi vào “bốn thái độ đang thịnh hành” về tương lai của hành tinh, đó là “phủ nhận, thờ ơ, thoái thác và tin tưởng vào các giải pháp không thích đáng.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã gửi những lời chúc tốt đẹp của ngài tới hội nghị và hy vọng rằng COP-23 sẽ “lấy cảm hứng từ tinh thần hợp tác đã thể hiện tại COP-21” mà qua đó hiệp ước lịch sử Paris đã được hình thành.
2. Nhận định của ngoại trưởng Tòa Thánh về hội nghị COP-23
Khi hội nghị về khí hậu Bonn đi đến kết luận hôm thứ Sáu 17 tháng 11, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, cùng với các cá nhân và tổ chức, “duy trì động lực” thúc đẩy quyết tâm bảo vệ môi trường.
Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các đảo quốc trong vùng Thái Bình Dương, sau khi các vị đã gặp Đức Giáo Hoàng trên đường tới hội nghị Bonn.
Mô tả hiệp ước Paris vào năm 2015 là một biến cố lịch sử, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhận xét rằng: “Cộng đồng quốc tế hiếm khi đồng thuận với nhau về một vấn đề như thế này”, nhưng ngài nói thêm rằng hiệp ước này chỉ là mới “bắt đầu”.
Nhấn mạnh sự cần thiết là Giáo hội phải tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, Đức Tổng Giám Mục nói: “Đây là điều mà Giáo Hội phải tham gia vì đó là bản chất của tôn giáo. Biến cố nhập thể là sự gắn bó của Thiên Chúa đối với nhân loại và chúng ta phải tiếp tục sự gắn bó này nhằm bảo vệ tương lai của nhân loại, không những về mặt tinh thần mà thôi, nhưng còn phải tạo điều kiện cho mọi người khao khát được biết đến Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, cùng sống và yêu thương những người hàng xóm của họ”.
Ngài đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống, sửa đổi một số hành vi của mình, chẳng hạn như sử dụng xe ít hơn và đi bộ nhiều hơn, tất cả những điều này có thể góp phần vào việc chống lại sự thay đổi khí hậu.
3. Ngày Thế giới người nghèo lần thứ nhất tại Vatican.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành một Thánh lễ đặc biệt với người nghèo và những người đã giúp đỡ họ vào ngày 19 tháng 11, ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên.
Thánh lễ được cử hành vào lúc 10h sáng bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Theo tin tức từ Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức Ngày Thế giới người nghèo lần I, sẽ có hơn 4,000 người nghèo tham dự Thánh lễ này.
Sau Thánh lễ sẽ có 1,500 người nghèo ăn trưa với Ðức Giáo hoàng Phanxicô tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Trong khi đó 2,500 người khác sẽ được đón tiếp tại các nhà ăn, chủng viện và học viện Công Giáo của Roma bao gồm chủng viện Giáo hoàng Bắc Mỹ, chủng viện tông đồ Leone, nhà ăn San Pietro, nhà ăn Caritas Roma, cộng đồng thánh Egidio
Sẽ có 40 phó tế của giáo phận Roma và khoảng 150 tình nguyện viên đến từ các giáo xứ của các giáo phận khác phục vụ những người nghèo.
Trong các sáng kiến chuẩn bị cho Ngày Thế giới người nghèo lần thứ nhất, Hội đồng Tòa Thánh nhấn mạnh đến chương trình chăm sóc sức khỏe, hoạt động từ thứ Hai, 13 tháng 11 đến Chúa Nhật 19 tháng 11 tại quảng trường Pio XII gần quảng trường thánh Phêrô. Các dịch vụ y tế được thực hiện miễn phí cho những người có nhu cầu.
Thứ Bảy 18 tháng 11, lúc 20 giờ, tại nhà thờ thánh Lorenzo ngoại thành sẽ có buổi canh thức cầu nguyện cho những tình nguyện viên, những người hàng ngày âm thầm phục vụ trợ giúp và đem niềm vui đến cho rất nhiều người nghèo khổ.
Ngày Thế giới người nghèo, đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô đề ra ngõ hầu tất cả cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi đưa tay ra với ngừoi nghèo, người yếu thế, những người nam nữ bị chà đạp nhân phẩm. Ngoài những người nghèo ở Roma và vùng Lazio sẽ hiện diện trong Thánh lễ, cũng sẽ có sự hiện diện của người nghèo đến từ các giáo phận khác như Paris, Lyon, Nantes, Varsaw, Krakow, Malines-Brussel và Luxembour.
4. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thăm Tòa Bạch Ốc
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 13/11, Tòa Bạch Ốc cho biết Phó Tổng thống Mike Pence đã tiếp Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại dinh tổng thống Hoa Kỳ.
Hai bên đã tái khẳng định sự hợp tác bền vững và lâu dài giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh những giá trị cơ bản mà Hoa Kỳ và Tòa thánh cùng cam kết tham gia trên toàn cầu để thúc đẩy nhân quyền, chống lại sự đau khổ của con người và bảo vệ tự do tôn giáo.
Phó Tổng thống bày tỏ lòng biết ơn đối với nỗ lực của Tòa Thánh nhằm khôi phục lại nền dân chủ ở Venezuela và mong đợi chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại Burma và Bangladesh đem lại những thành quả tốt đẹp.
Các nhà lãnh đạo đã đồng ý về nhu cầu giải quyết các vấn đề nhân đạo và ổn định ở Iraq và Syria, trong đó bao gồm các Kitô hữu và các cộng đồng thiểu số dễ bị tổn thương khác.
Phó Tổng thống cũng khen ngợi những nỗ lực của Tòa thánh chống lại nạn buôn người và bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh về vấn đề này vì đây là ưu tiên của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay.
5. Ước vọng của Đức Hồng Y Reinhard Marx đối với hội nghị khí hậu tại Bonn
“Đã đến lúc chúng ta phải tiến tới việc giảm lượng khí thải gây nguy hại cho khí hậu. Tương tự như thế, các nước phát triển phải tài trợ cho các biện pháp nhằm giảm thiệt hại và tổn thất gây ra do sự biến đổi khí hậu ở các nước nghèo”.
Trên đây là những ước vọng của Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, trước khi kết thúc hội nghị khí hậu tại Bonn gọi tắt là Cop23.
Các nguyên thủ quốc gia và các thành viên chính phủ các nước từ khắp nơi trên thế giới đã đến Bonn hôm Thứ Tư 15 tháng 11. Ngày Thứ Năm 15 tháng 11 là buổi họp cuối cho giai đoạn sau cùng của Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc.
Nhắc đến thông điệp Laudato Si, Đức Hồng Y nói rằng “tất cả các chính trị gia phải chịu trách nhiệm về ‘ngôi nhà chung’ của chúng ta, như Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh”.
Ám chỉ đến các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Berlin nhằm hình thánh một chính phủ liên minh; và các cuộc đàm phán về khí hậu ở Bonn, Đức Hồng Y Marx nói rằng “lợi ích cá nhân không thể được đặt lên trên thiện ích chung của nhân loại”.
6. Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan khuyên Đức Giáo Hoàng không nên dùng thuật ngữ Rohingya.
Các nhân vật hàng đầu trong Giáo Hội Công Giáo và chính trị quốc tế đã khuyên Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nên sử dụng thuật ngữ Rohingya trong chuyến tông du Miến Điện cuối tháng này vì những nhạy cảm về chính trị.
Ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra đề nghị trên trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican với Đức Thánh Cha hôm 6 tháng 11.
Hàng trăm nghìn người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi Miến Điện sau cuộc đàn áp quân sự mà Liên Hợp Quốc mô tả là một cuộc thanh lọc sắc tộc. Tuy vậy, đa số Phật tử Miến Điện không chấp nhận thuật ngữ Rohingya và không công nhận họ là công dân của Miến Điện hay một nhóm dân tộc thiểu số của quốc gia này.
Nhiều người đề nghị Đức Giáo Hoàng nên dùng thuật ngữ “người Hồi giáo ở bang Rakhine”. Nhưng thực sự rất khó tiên đoán được liệu Đức Thánh Cha sẽ hành động như thế nào. Ngài đã từng sử dụng nhiều lần thuật ngữ Rohingya. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi bởi các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và cả các chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ.
Ông Kofi Annan đã đoạt giải Nobel Hoà bình và là tác giả của một báo cáo tư vấn cho chính quyền Miến Điện về chính sách đối với người Hồi Giáo ở bang Rakhine. Ông đã giao cho chính quyền Miến Điện báo cáo này hồi tháng Tám năm nay.
Ông Annan đã trao bản sao của báo cáo này cho Đức Giáo Hoàng. Báo cáo dài tổng cộng 63 trang, trong đó không hề sử dụng từ Rohingya nhưng chỉ đề cập đến “những người Hồi giáo ở bang Rakhine”.
Lakhdar Brahimi, cựu ngoại trưởng Algeria và nhà hòa giải các xung đột quốc tế của Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng báo cáo của ông Annan là “rất chí lý”.
7. Tổng giáo phận Harare lên tiếng về việc quân đội đảo chánh Robert Mugabe
Trong một báo cáo gởi cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, tổng giáo phận Harare, Zimbabwe cho biết quân đội đã nắm quyền kiểm soát tại quốc gia này sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 14 tháng 11.
Cha Frederick Chiromba, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Zimbabwe, nói các nhà lãnh đạo giáo hội tại Zimbabwe đã có một cuộc họp khẩn cấp trong đó các vị bày tỏ hy vọng rằng cuộc đảo chánh này mở ra những triển vọng sáng suả cho tương lai của đất nước.
Bày tỏ sự đồng tình với quyết định đảo chánh của quân đội, các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Zimbabwe kêu gọi một chính phủ lâm thời sớm được thành lập để “giám sát quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang bầu cử tự do và công bằng”.
Các vị cũng kêu gọi quân đội “tôn trọng nhân phẩm và các quyền của con người.” Một linh mục thuộc tổng giáo phận Harare được tin là đang thương thảo với quân đội để tổng thống Robert Mugabe và gia đình có thể rời khỏi Zimbabwe trong danh dự. Vị tổng thống vừa bị lật đổ và gia đình hiện đang bị quản thúc tại gia.
Robert Mugabe, năm nay 93 tuổi, đã lãnh đạo Zimbabwe trong 37 năm qua; và đã đưa đất nước vào một cảnh lầm than cùng cực khiến hàng triệu người phải rời khỏi đất nước này, hầu hết đến sinh sống tại Nam Phi.
Robert Mugabe già yếu và lú lẫn nên trong những năm trở lại đây quyền lực thực sự rơi vào trong tay phu nhân ông ta là bà Grace Mugabe. Đầu tháng này, bà Grace và phe nhóm bất ngờ sa thải phó tổng thống Emmerson Mnangagwa. Ông Emmerson chạy sang Nam Phi tị nạn và nói rằng sinh mạng củ ông bị đe dọa.
Sau thánh lễ Chúa Nhật 12 tháng 11 tại một nhà thờ tại thủ đô Harare, bà Grace tuyên bố với những người trong nhà thờ là bà xứng đáng và hoàn toàn có khả năng trở thành người kế vị chồng mình.
Trước những dấu chỉ cho thấy bà Grace đang muốn kéo dài chế độ Mugabe trong nhiều thập niên nữa, quân đội đã làm binh biến.
8. Giám mục California kêu gọi cầu nguyện sau vụ thảm sát tại Tehama County
Đức Giám Mục Jaime Soto của giáo phận Sacramento, California, đã yêu cầu các giám mục anh em tại Baltimore cầu nguyện cho những nạn nhân của thảm kịch giết người bừa bãi mới nhất tại Hoa Kỳ.
Các vị Giám Mục đang tập trung tại Baltimore để tham dự hội nghị mùa thu hàng năm vào ngày 14 tháng 11. Sáng sớm hôm đó tại miền bắc California, một tay súng đã bắn bừa bãi gần một trường học khiến ít nhất bốn người chết và 10 người khác bị thương.
Cảnh sát đã bắn chết tay súng, được xác định là Kevin Janson Neal, 43 tuổi. Hung thủ là người tử vong thứ năm trong vụ này. Ít nhất có ba trẻ em nằm trong số những người bị thương.
Quận Tehama thuộc giáo phận Sacramento.
Chỉ vài phút sau khi xảy ra vụ nổ súng, Đức Cha Jaime Soto được thông báo và đã nói với các Giám Mục Mỹ:
“Năm người đã bị thiệt mạng; nhiều người khác bị thương; trong đó có cả các trẻ em. Vì thế, tôi xin các hiền huynh dành ra ít phút để cầu xin Lòng Thương Xót Chúa không chỉ trên những người bị hại trong thảm kịch vô nghĩa này; mà còn trên tất cả các nạn nhân của bạo lực súng đạn trong thời gian này. Cùng nhau chúng ta hãy xin Đức Mẹ chuyển cầu: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen. Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con”.
9. Các Giám mục Hoa kỳ đồng thanh khởi án phong thánh cho Nicholas Black Elk.
Hôm 14 tháng 11 năm 2017, trong đại hội mùa thu đang diễn ra tại Baltimore, các Giám mục Hoa kỳ đã đồng thanh trong cuộc tham khảo theo giáo luật về án phong chân phước cho một thầy thuốc và giáo lý viên Nicholas Black Elk, gốc thổ dân Lakota.
Ðức cha Robert D. Gruss của Rapid City, bang South Dakota, giáo phận quê hương của Black Elk cho biết, ngay cả trước khi trở lại Công Giáo, Black Elk là một thầy thuốc nổi tiếng, được biết như là một người thánh thiện và một nhà huyền bí. Sau khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, Black Elk đã hoàn toàn sống theo Công Giáo và trở thành một giáo lý viên hăng say, đã hoán cải hơn 400 người Mỹ thổ dân bản xứ.
Black Elk sinh giữa các năm 1856 và 1866. Giống như nhiều vị tổ tiên của ông, ông phục vụ như một thầy thuốc với các vai trò bác sĩ, cố vấn tinh thần và tư vấn. Năm 1892, ông kết hôn với Katie War Bonnet. Họ có 3 người con. Sau khi người vợ trở lại Công Giáo, các con của họ cũng được rửa tội. Sau khi người vợ qua đời, Black Elk trở lại Công Giáo và được rửa tội ngày 06 tháng 12 năm 1904, ngày lễ thánh Nicola, và ông đã chọn thánh nhân là tên rửa tội vì ngưỡng mộ sự quảng đại của ngài. Năm 1905, ông thành hôn với Anna Brings White, một góa phụ có 2 con. Họ có với nhau thêm 3 người con. Năm 1941, người vợ thứ hai của ông Black Elk qua đời.
Vào thời của Black Elk, các tu sĩ dòng Tên ở giáo phận Rapid City thường chọn các tín hữu Công Giáo người Lakota làm giáo lý viên dạy đức tin cho các người cùng bộ tộc với họ. Họ đi bộ hoặc cỡi ngựa, đi truyền bá Tin mừng, cầu nguyện và chuẩn bị cho các dự tòng bằng tiếng Lakota.
Năm 1907, Black Elk trở thành một giáo lý viên, được chọn vì sự nhiệt thành và trí nhớ xuất sắc của ông trong việc học Kinh thánh và giáo lý Hội thánh. Ông cũng là một trong những người ký vào án phong thánh cho thánh Kateri Tekakwitha, một vị thánh người Mỹ gốc thổ dân bản xứ. Black Elk qua đời ngày 19 tháng 08 năm 1950 tại Pine Ridge.
Năm 2016, hơn 1,600 người đã ký vào đơn thỉnh cầu, được gia đình của Black Elk gửi đến đức cha Gruss để xin mở án phong thánh cho ông. Hôm tháng 10 năm 2017, giáo phận Rapid City đã tổ chức Thánh lễ chính thức mở án phong thánh cho ông.
Ðức cha Gruss nói rằng chứng tá của Black Elk là một nguồn linh hứng cho các tín hữu Hoa kỳ bản xứ cũng như không phải bản xứ, bởi vì ông đã sống Tin mừng mọi ngày trong cuộc sống.
10. Sứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội và dân nước Myanmar
Hôm 17 tháng 11, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp cho Giáo Hội và nhân dân Miến Điện nơi ngài sẽ đến viếng thăm từ ngày 27 đến 30-11 tới đây.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Tôi đến để công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, một sứ điệp hòa giải, tha thứ và hòa bình. Cuộc viếng thăm của tôi muốn củng cố cộng đoàn Công Giáo tại Miến Điện trong niềm tin của họ nơi Thiên Chúa và trong việc làm chứng tá của họ cho Tin Mừng, Tin Mừng này dạy phẩm giá của mỗi người nam nữ và đòi chúng ta phải cởi mở tâm hồn cho tha nhân, nhất là những người nghèo túng.”
“Đồng thời tôi cũng muốn viếng thăm Quốc gia Miến Điện trong tinh thần tôn trọng và khích lệ mọi nỗ lực nhắm xây dựng sự hòa hợp và cộng tác trong việc phục vụ công ích. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ các tín hữu và những ngừơi thiện chí ngày càng cảm thấy cần tăng trưởng trong sự cảm thông và tôn trọng nhau, nâng đỡ nhau như những phần tử của cùng một gia đình nhân loại duy nhất. Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi biết nhiều người ở Miến Điện đang làm việc nhiều để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của tôi và tôi cám ơn họ. Tôi xin mỗi người hãy cầu nguyện để những ngày tôi ở với anh chị em có thể là nguồn hy vọng và khích lệ cho tất cả mọi người. Tôi khẩn cầu phúc lành an vui trên tất cả anh chị em và gia quyến. Hẹn sớm gặp lại anh chị em.”
Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Miến Điện có rất nhiều điểm tế nhị. Vì thế, sáng ngày 17 tháng 11 Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đức Hồng Y Charles Bo, là Tổng Giám Mục giáo phận Yangon. Ngài là nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Miến Điện.
11. Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội Tông Đồ giáo sĩ
Sáng 16-11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 70 tham dự viên Đại hội quốc tế của Liên đoàn Hiệp Hội tông đồ giáo sĩ và ngài cổ võ mọi người sống linh đạo hiệp thông.
Đây là một hội qui tụ các Giám Mục, linh mục và Phó tế thuộc các giáo phận dấn thân giúp đỡ nhau để thể hiện sung mãn cuộc sống theo Thánh Linh, qua việc thi hành sứ vụ. Hội đặc biệt nhấn mạnh tình huynh đệ phát xuất từ bí tích truyền chức thánh. Hội được thành lập và được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 17-4 năm 1921.
Đại Hội lần này của Liên đoàn có chủ đề là “Trong, cho và với cộng đoàn giáo phận”. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của linh đạo hiệp thông. Để sống linh đạo này trước tiên cần trở về cùng Chúa Kitô, ngoan ngoãn cởi mở đối với hoạt động của Thánh Linh và đón nhận những người anh em. Sự phong phú của hoạt động tông đồ không tùy thuộc khía cạnh tổ chức, nhưng trước tiên nhờ hoạt động của Chúa. Vì thế ngày nay cũng như xưa kia, các thánh là những nhà rao giảng Tin Mừng hữu hiệu nhất và tất cả các tín hữu đều được mời gọi nên thánh.
Đức Thánh Cha không quên nhắn nhở các giáo sĩ giáo phận hãy nhìn xa hơn ranh giới giáo phận của mình và quan tâm đến toàn thể Giáo Hội. Khi trở thành thừa tác viên, chúng ta phục vụ Giáo Hội địa phương, nhưng với ý thức mình là thành phần của Giáo hội hoàn vũ, vượt lên trên ranh giáo của giáo phận và đất nước của mình.
12. Đức Thánh Cha được tặng một xe hơi hiệu Lamborghini để bán đấu giá giúp các qũy bác ái
Hôm thứ Tư 15 tháng 11 năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được một hãng chế tạo xe hơi nổi tiếng của Ý trao tặng chiếc xe hiệu Lamborghini Hurucan
Đức Giáo Hoàng đã nhận chìa khóa, làm phép và ký tên trên chiếc xe tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài sẽ để cho hãng Sotheby ở Luân Đôn đem đấu giá chiếc xe và số tiền thâu được sẽ nhân danh Đức Giáo Hoàng đem chia cho 4 cơ quan bác ái.
Chiếc xe kiểu thể thao sơn màu trắng và có sọc vàng biểu tượng cho y phục của Đức Giáo Hoàng. Giá căn bản cho một chiếc xe Lamborghini Huracan là 183,000 Euros, nhưng chiếc xe của Đức Giáo Hoàng được chế tạo đặc biệt nên khi đấu giá, theo các chuyên gia, giá trị còn tăng hơn nữa.
Thông cáo văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết một phần tiền đấu giá sẽ dành cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ để cơ quan này giúp xây dựng nhà cửa, các nhà thờ, và các tòa nhà công cộng ở vùng bình nguyên Niniveh bên Iraq. Thông cáo cho biết mục tiêu giúp khu vực Niniveh là để nhằm giúp các người Kitô giáo đang tỵ nan tại khu vực Kurdistan, Iraq trở về quê quán sau khi họ bị bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS tàn sát và đuổi đi hồi naăm 2014.
Một phần tiền đấu giá dành cho tổ chức có tên là Cộng Đoàn Gioan XXIII để giúp đỡ các nạn nhân trong các vụ buôn bán phụ nữ phục vụ tình dục.
Hai cơ sở bác ái khác ở Phi Châu cũng sẽ nhận được tiền đấu giá chiếc xe để dùng vào việc hỗ trợ y tế cho phụ nữ và trẻ em.