Video: Nhìn lại năm 2015

1. Bài diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp giáo triều Roma

Trong buổi tiếp kiến nhân lễ Giáng Sinh và đầu năm mới dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô liệt kê 15 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại giáo triều Roma.

Khoảng 60 Hồng Y và 50 Giám Mục cùng với nhiều giám chức, linh mục và giáo dân lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.

Mở đầu, Đức Hồng Y Angelo Sodano, 87 tuổi, niên trưởng Hồng Y đoàn, đại diện mọi người chúc mừng Đức Thánh Cha và cho biết toàn thể các cộng tác viên thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh hứa hỗ trợ và cộng tác hoàn toàn với Đức Thánh Cha trong việc phục vụ tình hiệp nhất của Giáo Hội và hòa bình giữa các dân tộc. Đức Hồng Y cũng nói rằng tại Vatican mọi người, trong các nhiệm vụ khác nhau, hiệp nhất và dấn thân phục vụ Đức Thánh Cha và Giáo Hội.

Lên tiếng trong dịp này, sau khi gửi lời chúc mừng và cám ơn sự cộng tác của mọi người trong giáo triều Roma, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự kiện các cơ quan trung ương Tòa Thánh họp thành một cơ thể duy nhất, và cũng như mọi cơ thể, có thể có những bệnh tật cần được chữa lành. Trong ý hướng chuẩn bị tâm hồn, xưng tội, để đón mừng Chúa Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã liệt kê một loạt những căn bệnh mà những vị làm việc trong giáo triều Roma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy. Ngài nói:

“Giáo triều được kêu gọi cải tiến, luôn cải tiến và tăng trưởng trong tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng giáo triều, cũng như mỗi thân thể con người, cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt. Và ở đây tôi muốn liệt kê vài căn bệnh có thể, những bệnh của giáo triều. Đó là những bệnh thường xảy ra trong đời sống của giáo triều chúng ta. Đó là những bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa. Tôi nghĩ rằng “danh sách” các bệnh này sẽ giúp chúng ta, như các Đấng Tu Hành trong sa mạc vẫn thường làm danh sách mà chúng ta nói đến hôm nay: danh sách này giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải, là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng Sinh.

Đức Thánh Cha đã liệt kê 15 thứ bệnh, trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được, và lơ là những kiểm điểm cần thiết và thông thường. Một bệnh khác là bệnh Marta, đến từ tên Marta, làm việc thái quá: tức là những người chìm đắm trong công việc, và lơ là với phần tốt hơn, là ngồi bên chân Chúa Giêsu. Cũng có thứ bệnh “chai cứng” tâm trí và tinh thần: nghĩa là bệnh của những người có tâm hồn chai đá. Rồi đến bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng. Các bệnh tiếp theo là phối hợp kém, “suy thoái não bộ tinh thần”, hay là quên đi “lịch sử cứu độ”, lịch sử quan hệ bản thân với Chúa, quên đi mối tình đầu; bệnh cạnh tranh và háo danh; bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình về sự tầm thường và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ hoặc các bằng cấp khác không thể lấp đầy được. Rồi đến các bệnh khác như bệnh ‘ngồi lê đôi mách’, lẫm bẩm và nói hành; bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo; bệnh dửng dưng đối với người khác; bệnh có bộ mặt đưa đám; bệnh tích trữ; bệnh của những nhóm khép kín, trong đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình và trong một số trường hợp, mạnh hơn thuộc về chính Chúa Kitô. Sau cùng là bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng những căn bệnh và cám dỗ ấy cũng là nguy cơ của mỗi Kitô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu, các phong trào Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.

Ngài mời gọi tất cả mọi người hãy sống theo chân lý trong sự thật, nhất là trong mùa Giáng Sinh này, hãy chuẩn bị xưng tội và xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, chữa lành mọi vết thương tội lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn, và xin Mẹ nâng đỡ Giáo Hội và giáo triều để tất cả được lành mạnh, thánh thiện và thánh hóa, hầu tôn vinh Con của Mẹ và để cứu độ chúng ta và toàn thế giới.

Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha đã đích thân đến bắt tay chúc mừng các Hồng Y đứng thành hình vòng cung ở sảnh đường Clemente trong dinh Tông Tòa, và tiếp đến, các Giám Mục cũng như các giám chức, các linh mục khác và các giáo dân ở vị trí lãnh đạo, đến trước Đức Thánh Cha để chúc mừng và bắt tay ngài.

2. Nhận xét của Đức Giáo Hoàng về tờ Charlie Hebdo

Sáng thứ Năm 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh để cầu nguyện cách riêng cho những nạn nhân của vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris

Ngài nói rằng cuộc tấn công này “thể hiện cả sự tàn bạo nhân loại đến cùng cực; lẫn các chiều kích kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố, cả thứ khủng bố riêng lẻ lẫn chủ nghĩa khủng bố nhà nước.”

Đức Thánh Cha than thở: “Con người có thể tàn ác đến là ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thánh lễ này, cho rất nhiều các nạn nhân của sự tàn bạo này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tàn ác như vậy, xin Chúa hoán cải con tim của họ.”

Các vị Hồng Y và Giám Mục Pháp cũng cực lực lên án vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo

Cũng trong ngày thứ Năm 8 tháng Giêng, trong một phút mặc niệm 12 người gồm các ký giả, các nhân viên cảnh sát và người đi đường bị thiệt mạng trong vụ thảm sát một ngày trước đó, nhà thờ Đức Bà Paris đã rung chuông trong một cử chỉ chia buồn với những nạn nhân của một vụ khủng bố được xem là trầm trọng nhất tại Pháp trong nửa thế kỷ qua.

Các vị Hồng Y và Giám Mục Pháp cũng hiện diện trong các cuộc biểu tình lên án bọn khủng bố.

Những thành viên còn sống của tờ Charlie Hebdo đã nhờ các cơ quan ngôn luận tại Pháp giúp tiếp tục tái bản và hôm thứ Tư 14 tháng Giêng đã phát hành với một số lượng lớn gấp 50 lần trước đó là 3 triệu bản, sau đó in thêm thành 5 triệu bản và đang dự trù tăng lên đến 7 triệu bản.

Trong số báo này, tờ báo đã có một biếm họa chỉ trích tiên tri Môhamét của Hồi Giáo nặng nề. Vì thế, hàng loạt những cuộc biểu tình của người Hồi Giáo đã nổ ra trên toàn thế giới. Đặc biệt, nghiêm trọng là tại thủ đô Niamey của Niger. Những người biểu tình đã đốt phá ít nhất 45 thánh đường, hàng quán và cơ sở của Kitô giáo và ít nhất có 10 người bị thiệt mạng, 50 người bị thương, một số phụ nữ Kitô bị hãm hiếp.

Trích dẫn sự tàn phá trên một quy mô quá rộng lớn các nhà thờ và các tổ chức Công Giáo khác và tình hình mất an ninh nghiêm trọng trên toàn lãnh thổ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Niger đành phải đưa ra một biện pháp đau lòng là đình chỉ vô thời hạn các hoạt động của tất cả các trường Công Giáo, trung tâm y tế, từ thiện và các cơ quan phát triển trên cả nước.

Các giám mục yêu cầu anh chị em giáo dân cầu nguyện và suy niệm trên “sự kiện đau đớn mà chúng ta đã chỉ chịu đựng.”

Bên cạnh đó, tờ báo cũng vẽ một biếm họa đả kích Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hàng giáo phẩm Công Giáo Pháp. Biên tập viên của tờ tạp chí viết rằng họ không muốn sự hỗ trợ của Giáo Hội Công Giáo và chế giễu một số nhà lãnh đạo Công Giáo đã tham gia vào các cuộc biểu tình.

Tờ báo viết:

“Điều đã làm cho chúng tôi cười nhiều nhất là các quả chuông của nhà thờ Notre Dame đã rung lên nhằm vinh danh chúng tôi. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô — người cũng là Charlie tuần này: Chúng tôi chỉ chấp nhận các chuông của nhà thờ Notre Dame được đánh lên nhằm vinh danh chúng tôi nếu những quả chuông ấy được đánh bởi những phụ nữ FEMEN”.

(FEMEN là nhóm nữ quyền quá khích mà các thành viên đã thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình để ngực trần bên trong nhiều nhà thờ châu Âu. Diễn biến gần đây nhất là vụ một phụ nữ trong nhóm này để ngực trần chạy trên quảng trường Thánh Phêrô và xông vào hang đá giật đi tượng Chúa Hài Đồng vào ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12).

Thực ra, hàng giáo sĩ Pháp xuất hiện trong các cuộc biểu tình là nhằm lên án hành vi bạo lực của khủng bố Hồi Giáo, chứ không phải là nhằm vinh danh tờ Charlie Hebdo, một tờ báo khét tiếng bài bác tất cả các tôn giáo, không riêng gì là Hồi Giáo.

Hôm thứ Năm 15 tháng Giêng, trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Sri Lanka sang Phi Luật Tân, sau khi cực lực lên án vụ thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo như ngài đã làm trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta đúng một tuần trước đó, Đức Giáo Hoàng so sánh việc báng bổ tôn giáo với việc chửi cha mắng mẹ người khác, và nhận xét rằng xúc phạm cha mẹ người ta, tức là muốn người ta cho mình một cú đấm.

Trả lời câu hỏi của một ký giả Pháp xin ngài nhận định về những vụ khủng bố gần đây tại Paris, và tương quan giữa tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, Đức Thánh Cha nói:

“Cả hai tự do này đều là những quyền căn bản của con người. Kẻ nào chủ trương giết người nhân danh Thiên Chúa thì rơi vào lầm lạc, và những kẻ nào xúc phạm tôn giáo nhân danh quyền được nói những gì mình thích nói cũng là sai lầm. Về tự do ngôn luận: mỗi người không những có tự do và có quyền, nhưng còn có nghĩa vụ nói điều mà mình nghĩ là có thể giúp xây dựng công ích.”

“Chắn chắn là không thể dùng bạo lực để phản ứng lại sự xúc phạm, nhưng cũng đừng khiêu khích. Không thể mạ lỵ tín ngưỡng của người khác, không thể chế nhạo đức tin, vì tự do ngôn luận có một giới hạn, đó là phẩm giá của mỗi tôn giáo”.

Theo thói quen hài hước của ngài, Đức Thánh Cha lấy một ví dụ để minh họa những điều ngài nói:

“Nếu người bạn tốt của tôi là Tiến Sĩ Gasparri đây chửi thề đối với mẹ tôi, ông có thể mong đợi một cú đấm. Đó là bình thường. Đó là bình thường. Bạn không thể kích động. Bạn không thể xúc phạm đức tin của người khác. Bạn không thể mang đức tin của người khác ra làm trò cười.”

Tiến Sĩ Alberto Gasparri là người luôn có mặt trong các cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng. Ông phụ trách việc hoạch định các chuyến tông du của các vị Giáo Hoàng. Ông thường cùng với Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đứng hai bên Đức Thánh Cha trong các buổi họp báo trên các chuyến bay.

Nhiều tờ báo đã dùng thủ đoạn cắt cúp và kết án Đức Giáo Hoàng là bênh vực cho những kẻ khủng bố. Nhẹ nhất thì bênh vực “quyền tự do xúc phạm người khác” như thủ tướng David Cameron của Anh quốc.

Vì thế, Cha Thomas Rosica đã ra một thông báo tường trình toàn bộ nội dung nhận xét của Đức Giáo Hoàng và nêu bật rằng:

“Nhận xét của Đức Giáo Hoàng không có cách nào có thể giải thích là một sự biện minh cho hành vi bạo lực và khủng bố diễn ra tại Paris vào tuần trước”.

Cần lưu ý rằng những lời của Đức Giáo Hoàng “được nói một cách bộc trực, trong bối cảnh thân thiện giữa những người cùng đi và những bạn bè trong cuộc hành trình”

Cha Rosica nói thêm rằng “lời nói của ngài có nghĩa là có những giới hạn khi đùa cợt và châm biếm đặc biệt là trong những cách thức mà chúng ta đề cập đến các vấn đề về tôn giáo và niềm tin.”

Phát ngôn viên nói thêm:

“Phản ứng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tương tự như những gì chúng ta cảm thấy khi những người thân yêu nhất đối với chúng ta bị xúc phạm hoặc bị hại. Phong cách phát biểu không gò bó của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là trong những tình huống như trong một cuộc họp báo, phải được đánh giá trung thực và không thể bị bóp méo hoặc xuyên tạc. Đức Giáo Hoàng đã nói rõ ràng rằng ngài chống lại chủ nghĩa khủng bố và các hành vi bạo lực xảy ra tại Paris và ở miền khác trên thế giới. Bạo lực sinh ra bạo lực. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không hề thốt lời ủng hộ bạo lực trên chuyến bay.”

Trên chuyến bay từ Manila trở về Rôma, trả lời một ký giả, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “trên lý thuyết” tất cả chúng ta đều được dạy phải giơ má bên kia trong trường hợp bị khiêu khích, nhưng thực tế chúng ta là những con người và vì thế sự xúc phạm lập đi lập lại có thể tạo nên một phản ứng sai lầm. Vì lý do này, tự do phải được đồng hành với khôn ngoan.

3. Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 19 tại Vatican.

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em vừa xem thấy là nghi thức làm phép nến và đoàn rước đông đảo gồm 50 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến trong thánh lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 19 do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô hôm thứ Hai 2 tháng 2.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, OFM, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các linh mục dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ những người thánh hiến hãy đạt tới sự khôn ngoan qua sự tuân phục và tuân giữ tu luật. Ngài nhận xét rằng: “Tin mừng của ngày lễ hôm nay 5 lần nhấn mạnh đến sự tuân phục của Mẹ Maria và Thánh Giuse đối với ‘Lề luật của Chúa’ (Xc Lc 2,22.23.24.27.39). Chúa Giêsu không đến để làm theo ý riêng, nhưng là theo ý Chúa Cha, và đây là ‘lương thực’ của Ngài như chính Ngài đã nói (Xc Ga 4,34). Vì thế ai theo Chúa Giêsu thì cũng tiến bước trên con đường vâng phục, như bắt chước ‘sự hạ cố’ của Chúa, hạ mình và đón nhận ý Chúa Cha làm ý mình, đến độ tự hủy và hạ nhục chính mình (Xc Pl 2,7-8). Đối với một tu sĩ, tiến bước chính là hạ mình trong việc phục vụ. Một hành trình giống như con đường của Chúa Giêsu, Đấng ‘không giữ cho mình đặc ân như Thiên Chúa’ (Pl 2,6). Hạ mình trở nên đầy tớ để phục vụ.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng con đường ấy có hình thức là tu luật, thấm đượm đoàn sủng của vị sáng lập. Đối với mọi người, qui luật không thể thay thế được chính là Tin Mừng, là sự hạ mình của Chúa Kitô, nhưng Chúa Thánh Linh, trong tinh thần sáng tạo vô biên, cũng diễn tả điều ấy qua nhiều tu luật của đời sống thánh hiến, và tất cả các tu luật ấy đều nảy sinh từ sự bước theo Chúa Kitô, từ con đường hạ mình phục vụ”.

Đức Thánh Cha xác quyết rằng qua “luật” ấy, những người thánh hiến có thể đạt được sự khôn ngoan, đây không phải là một khả năng trừu tượng, nhưng là công trình và là hồng ân của Chúa Thánh Linh, và dấu chỉ tỏ tường của điều này chính là niềm vui. Đúng vậy, niềm vui của tu sĩ là kết quả của con đường hạ mình như Chúa Giêsu.. Và khi chúng ta buồn sầu, thì chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có đang sống chiều kích hạ mình hay không”.

Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương của hai cụ già, Simeon và Anna, là những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh (Tin Mừng nhắc điều này 4 lần), được Chúa hướng dẫn và linh hoạt. Chúa đã cho họ sự khôn ngoan qua hành trình dài của cuộc sống trên con đường tuân phục lề luật, một sự tuân phục một đàng hạ nhục và hủy diệt, nhưng đàng khác đó là sự tuân phục giữ gìn và bảo đảm hy vọng, và giờ đây đầy tính sáng tạo vì đầy Thánh Linh..

Áp dụng những điều trên đây vào thực trạng của các dòng tu, Đức Thánh Cha nhắc đến sự thích ứng tu luật với thời đại và khẳng định rằng: “sự canh tân đích thực chính là một công trình của đức khôn ngoan, được hun đúc trong tinh thần ngoan ngoãn và vâng phục”.

Tăng cường và đổi mới đời sống thánh hiến diễn ra qua lòng yêu mến nồng nhiệt hơn đối với tu luật, và qua khả năng chiêm ngưỡng và lắng nghe những người cao niên trong hội dòng. Như thế “kho tàng”, đoàn sủng của mỗi gia đình dòng tu được bảo tồn nhờ sự tuân phục và khôn ngoan. Và qua con đường ấy, chúng ta được gìn giữ, tránh được tính trạng sống đời thánh hiến của chúng ta một cách ‘tùy hứng’ và thiếu cụ thể, như thể đó là một thứ tri thức, biến thành một sự “chế nhạo” đời tu, trong đó người ta sống theo Chúa mà không từ bỏ, cầu nguyện mà không có sự gặp gỡ, sống huynh đệ không có hiệp thông, vâng phục mà không tín thác, bác ái mà không có chiều kích siêu việt”

4. Giáo Hội có thêm 20 vị Hồng Y

Sáng ngày 14 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới, trong đó có Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn, đồng thời xác định sẽ tôn phong 4 thánh nữ vào ngày 17 tháng Năm.

Đây là công nghị lần thứ 2 Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô để tấn phong Hồng Y Lần đầu tiên ngày 22 tháng Hai năm 2014 để phong 19 Hồng Y và lần này 20 vị thuộc 18 quốc tịch.

Giống như năm ngoái, hiện diện tại buổi lễ cũng có Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, đáp lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y đẳng Giám Mục và Thượng Phụ. Tiếp đến có 145 Hồng Y, khoảng 100 giám mục và 8 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, bạn hữu và giáo hữu của các tiến chức Hồng Y.

Có một tiến chức Hồng Y xin kiếu không đến dự công nghị được vì tuổi cao sức yếu, đó là Đức Hồng Y José de Jesus Pimiento Rodriguez, 96 tuổi, nên đã xin nhận Mũ Đỏ tại gia.

19 tiến chức Hồng Y ngồi hai bên bàn thờ chính, trong khi các Hồng Y và các GM ngồi phía trước bàn thờ. Trong số các tân Hồng Y có 15 vị dưới 80 tuổi và đến từ 14 quốc gia, gồm 5 vị người Âu, 3 vị Á châu, 3 vị Mỹ la tinh, 2 từ Phi châu và 2 vị từ Úc châu. 2 tiến chức Hồng Y Phi châu đến từ Etiopia và Capo Verde, hai vị người Úc đến từ New Zealand và quần đảo Tonga, 3 vị Á châu là người Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, 3 vị Mỹ châu la tinh đến từ Mêhicô, Urugay và Panama.

Vị Hồng Y duy nhất được Đức Thánh Cha bổ nhiệm cho giáo triều Roma lần này là Đức Hồng Y Dominique Mamberti. Năm 2006, sau 4 năm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng Tòa Thánh. Hồi tháng 11 vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô chọn ngài làm Chủ tịch Tối cao Pháp Viện của Tòa Thánh.

Lễ phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Khi tiến lên bàn thờ chính, Đức Thánh Cha đã đến chào Đức Giáo Hoàng danh dự rồi tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình, thinh lặng cầu nguyện.

Đặc biệt, sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Dominique Mamberti, vị đứng đầu danh sách các tiến chức đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Đức Thánh Cha, đồng thời cũng chào thăm vị Tiền Nhiệm của ngài đang hiện diện.

5. Kỷ niệm 50 năm thánh lễ đầu tiên bằng tiếng địa phương

Ngày 7 tháng Ba năm 1965, Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên bằng tiếng Ý tại giáo xứ Ognissanti, nghĩa là Các Thánh, ở Rôma.

Mở đầu thánh lễ ngài nói:

“Hôm nay chúng tôi khai mạc hình thức mới của Phụng vụ trong tất cả các giáo xứ và nhà thờ trên toàn thế giới, trong tất cả các Thánh Lễ có giáo dân tham dự. Đây là một sự kiện lớn sẽ được nhớ đến như là sự khởi đầu của một cuộc sống thiêng liêng trăm hoa đua nở, và như một nỗ lực mới để tham gia vào các cuộc đối thoại tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con người “.

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày lịch sử này. Để kỷ niệm biến cố đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ Bảy tới, 7 tháng Ba, tại đúng giáo xứ này.

Nhân dịp này một hội nghị mang tên “Hiệp Nhất Trong Lời Tụng Ca” cũng sẽ được tổ chức bởi Giáo phận Rôma, dòng Chúa Quan Phòng Don Orione và Học Viện Giáo Hoàng về Phụng vụ ở Rôma là ngôi trường này nằm ngay bên cạnh giáo xứ Ognissanti.

Diễn giả chính là cha Flavio Peloso, bề trên tổng quyền dòng Chúa Quan Phòng Don Orione, Đức Giám Mục phụ tá Giuseppe Marciante của giáo phận Rôma, và Đức Tổng Giám Mục Francesco Pio Tamburrano, là Giám Mục hiệu toà của Foggia-Bovino.

6. Đức Thánh Cha công bố Năm Thánh Từ Bi

Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô, với phần xưng thú và giải tội cá nhân sau đó. Hiện diện tại Đền thờ có một số Hồng Y và Giám Mục, linh mục và tu sĩ cùng với ngàn ngàn tín hữu.

Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, mọi người đã nghe đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô (2,4-10) trong đó thánh nhân nói về Thiên Chúa giàu lòng từ bi đã làm cho chúng ta từ trong tội lỗi được sống lại với Chúa Kitô: nhờ ơn thánh của Chúa, chúng ta được cứu thoát. Chúng ta là công trình của Thiên Chúa, chúng ta được tạo dựng trong Đức Giêsu Kitô, để làm việc thiện. Tiếp đến là bài Tin Mừng theo thánh Luca (7,36-50) kể lại sự tích Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà người biệt phái Simon. Một người đàn bà tội lỗi mang dầu thơm đến xức chân Chúa và lấy tóc mà lau. Trước phản ứng của người biệt phái, Chúa cho biết tội lỗi của bà ta tuy nhiều, nhưng đã được tha thứ vì bà đã yêu mến nhiều.

Trong bài giảng của Đức Thánh Cha đã phân tích thái độ của người đàn bà tội lỗi và của ông Simon người Biệt Phái.

Trong bài giảng tại buổi cử hành Phụng Vụ thống hối chiều thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha cũng đã công bố Năm Thánh Từ Bi.

Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo Hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Từ Bi. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ‘Các con hãy có lòng từ bi thương xót như Chúa Cha” (Xc Lc 6,36).

Năm Thánh này bắt đầu từ lễ Đức Mẹ Vô nhiễm 8-12 và sẽ kết thúc ngày 20-11-2016, Chúa Nhật lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ và là tôn nhan sinh động của lòng từ bi Chúa Cha. Tôi ủy thác việc tổ chức Năm Thánh này cho Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, để có thể linh hoạt năm này như một giai đoạn mới trên hành trình của Giáo Hội trong sứ mạng mang Tin Mừng từ bi cho mỗi người”.

“Tôi xác tín rằng toàn thể Giáo Hội có thể tìm được trong Năm Thánh này niềm vui để tái khám phá và làm cho lòng từ bi Chúa phong phú, qua đó tất cả chúng ta được kêu gọi mang lại an ủi cho mỗi người nam nữ trong thời đại chúng ta. Ngay từ bây giờ tôi phó thác cho Mẹ Từ Bi, xin Mẹ ghé mắt nhìn chúng ta và canh giữ hành trình của chúng ta”.

7. Bình máu thánh đã khô cứng cuả thánh Gennaro chảy ra thành thể lỏng trước mặt Đức Thánh Cha

Sáng thứ Bẩy 21 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành trọn 10 tiếng đồng hồ để viếng thăm mục vụ tại Đền thánh Đức Mẹ Pompei và tổng giáo phận Napoli, nam Italia. Ngài đã vào Nhà thờ chính tòa kính viếng thánh tích của thánh Gennaro tử đạo và gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh.

Thánh Gennaro là vị giám mục cuả thành phố Napoli, đã chịu tử đạo dưới những cuộc bách hại kinh hoàng cuả hoàng đế Diocletian diễn ra từ cuối thế kỷ thứ 3 cho tới đầu thế kỷ thứ 4. Thánh tích của ngài được giữ trong ngôi thánh đường này là một bình đựng máu khô.

Tuy nhiên, mỗi năm ba lần xảy ra hiện tượng máu hoá lỏng xảy ra trước sự chứng kiến cuả hàng ngàn khách hành hương, một là vào ngày 19 tháng 9, tức là ngày lễ kính thánh Gennaro, một lần nữa vào ngày 16 tháng 12, là ngày lễ quan thầy cuả thành Napoli và lần thứ 3 vào ngày thứ Bảy trước Chúa Nhật tháng 5, là dịp kỷ niệm xương và máu thánh được đưa về đây.

Trước đây bình máu cũng đã từng hoá lỏng trong một dịp khác, đó là dịp tông du cuả một vị giáo hoàng, vào năm 1848 khi Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín tới thăm nơi đây.

Đó là dịp duy nhất đã xảy ra cho một vị giáo hoàng bởi vì những cuộc thăm viếng sau này của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị vào năm 1979 và của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2007 đã không có sự lạ nào xảy ra cả.

Đức Hồng Y Sepe đã cho phép các nữ tu dòng kín được ra ngoài để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Sau khi ngài giới thiệu các nữ tu với Đức Thánh Cha, các chị đã ùa ra tặng quà cho ngài và Đức Hồng Y đã không cản được.

Đức Thánh Cha đã ứng khẩu đưa ra một số lời khuyên cho các linh mục, tu sĩ và chủng sinh mong họ cải thiện mối quan hệ với Thiên Chúa và duy trì tình huynh đệ.

Đặc biệt, đối với các chủng sinh, ngài nói:

“Nếu Chúa Giêsu chưa phải là trung tâm của các con, hãy khoan đừng chịu chức. Nếu các con không chắc chắn Chúa Giêsu là trung tâm của cuộc sống mình, hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa.”

Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các tu sĩ xa lánh của cải thế gian và đừng chiều theo những tin đồn. Ngài nói:

“Phải gọi là ‘chủ nghĩa khủng bố tin đồn’ vì tin đồn là một tên khủng bố ném bom, phá hủy, rồi chuồn thẳng.”

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennaro. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói:

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh San Gennaro thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”

8. Những phản ứng phẫn nộ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ trước nhận xét của Đức Thánh Cha

Trong cuộc họp báo trưa ngày 15 tháng Tư, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã trả lời câu hỏi của một ký giả nêu lên về phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ ngày 12 tháng 4, trong đó ngài gọi đích danh cuộc tàn sát 1.5 triệu người Armeni cách đây 100 năm là “cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20”. Cha nói:

“Những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về cuộc ‘diệt chủng người Armenia phải được xét trong một đường hướng rõ ràng, và trước sau như một, theo hướng đối thoại. Đức Giáo Hoàng đã đắn đo trong bài diễn văn của Ngài và nhắc lại điều đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 khẳng định. Chúng tôi ghi nhận phản ứng của Thổ nhĩ kỳ nhưng chúng tôi không nghĩ đây là trường hợp để tranh luận hoặc để cãi vã nhau. Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng ghi nhận những gì đã xảy ra để có một thái độ thích hợp hầu đạt có một lịch sử tốt đẹp hơn trong tương lai”.

Sau những phản ứng gay gắt của thủ tướng, ngoại trưởng và đại sứ của Thổ nhĩ Kỳ cạnh Tòa Thánh, về bài diễn văn của Đức Thánh Cha, ngày 14 tháng 4, đến lượt tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ muốn “lên lớp” cho Đức Giáo Hoàng và nói rằng: “Tôi muốn cảnh giác Đức Giáo Hoàng đừng lập lại sai lầm ấy nữa”. Ông cũng kêu gọi hãy tín nhiệm “các sử gia để tránh nói sảng” và có một cái nhìn tốt về “các thực tại”.

Hôm trước đó, ngoại trưởng Thổ cho rằng những lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng hôm 12-tháng 4 là một “sự vu khống”, không hợp với luật pháp về từ “diệt chủng”.

Thật ra trong diễn văn đầu thánh lễ ngày 12 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trưng dẫn nguyên văn Tuyên ngôn chung của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Đức Tổng thượng phụ Karekin II của Giáo Hội Armenia Tông Truyền ký kết tại Etchmiadzin ngày 27 tháng 9 năm 2001. Tuyên ngôn này định nghĩa cuộc tàn sát 1.5 triệu người Armenia hồi năm 1915 là “cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20”, và cầu mong mở lại con đường hòa giải giữa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.

Trong bối cảnh này, cần ghi nhận rằng chính tổng thống Erdogan, tuy phê bình mạnh mẽ, nhưng đã lập lại đề nghị với Armenia thành lập một ủy ban chung gồm các sử gia để nghiên cứu văn khố của hai nước về vấn đề này.

9. 12 Hồng Y, 1 vị Thượng Phụ và 99 Giám Mục qua đời trong năm 2015

Sáng thứ Ba 3 tháng 11, Đức Thánh Cha và các vị Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma đã cử hành Thánh Lễ tưởng nhớ đến tất cả các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua.

Trong Thánh Lễ, được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu đức tin của chúng ta được tràn đầy niềm vui nơi chân lý và sự sống đời đời.

Hôm nay chúng ta lặp lại truyền thống dâng lễ hy sinh đền tạ cho các anh em Hồng Y và Giám Mục của chúng ta, những người đã ra đi trước chúng ta trong thời gian mười hai tháng qua.

Có 12 Hồng Y, 1 Thượng Phụ và 99 Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua. Trong số các vị có một người Việt Nam là Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, nguyên Giám Mục giáo phận Phan Thiết, qua đời ngày 6 tháng 5 năm nay, hưởng thọ 88 tuổi, sau 62 năm làm Linh mục và 41 năm làm Giám Mục.

Lời cầu nguyện của chúng ta được phong phú hóa bởi những tình cảm, những kỷ niệm, và lòng biết ơn đối với chứng tá của những người chúng ta đã được hân hạnh quen biết, những người mà cùng với họ chúng ta đã chung vai phục vụ Giáo Hội. Nhiều gương mặt của các vị giờ đây tái hiện trước mắt chúng ta, và tất cả các vị đang được Cha trên trời của chúng ta nhìn đến với ánh mắt yêu thương và thương xót.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của khoảng 1 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người noi gương phục vụ yêu thương của Chúa Giêsu. Ngài nói với cộng đoàn rằng:

“Thiên Chúa đã phục vụ chúng ta trước. Chúa Giêsu là Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Xc Mc 10,45). Vì thế, các thừa tác viên của Ngài chỉ có thể là những mục tử sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Ai phục vụ và trao ban, dường như là kẻ bị mất mát trước mắt thế giới. Nhưng trong thực tế, chính khi mất mạng sống, là lúc tìm lại được nó. Vì một cuộc sống cởi bỏ chính mình, mất mạng trong tình yêu thương, là một cuộc sống noi theo gương Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết và mang lại sự sống cho trần thế. Ai phục vụ, thì cứu thoát. Trái lại, ai không sống để phục vụ, thì sống chẳng ích gì”.

Đức Thánh Cha đã nhắc đến bài Tin Mừng trong đó Chúa Kitô được ví như con rắn được treo lên trong sa mạc, theo hình ảnh con rắn đồng được ông Môisê, theo lệnh của Chúa, treo lên để những ai bị rắn độc cắn, nhìn lên con rắn đồng thì được chữa lành.

Đức Thánh Cha nói: “Một con rắn cứu thoát khỏi các con rắn. Lý luận đó được lặp lại trong thập giá mà Chúa Giêsu ám chỉ đến khi đàm đạo với ông Nicôđêmô. Cái chết của Ngài cứu chúng ta khỏi cái chết của chúng ta”.

Đức Thánh Cha nhận xét tiếp rằng “Cách thức này của Thiên Chúa, cứu chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta và tự hủy mình, có nhiều điều để dạy chúng ta. Chúng ta chờ đợi một chiến thắng huy hoàng của Thiên Chúa; trái lại Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một chiến thắng rất khiêm hạ. Khi bị treo trên thập giá, Chúa để cho sự ác và sự chết hăng say chống lại Ngài trong khi Ngài tiếp tục yêu thương. Đối với chúng ta, thật là khó chấp nhận thực tại này. Đó là một mầu nhiệm, nhưng bí quyết của mầu nhiệm này, của sự khiêm hạ lạ thường ấy hoàn toàn hệ tại sức mạnh của tình thương..

Đức Thánh Cha giải thích rằng “Chúa Giêsu đã biến thập giá thành một chiếc cầu dẫn đến sự sống. Cả chúng ta cũng có thể chiến thắng với Ngài, nếu chúng ta chọn lựa tình thương phục vụ và khiêm tốn, và chiến thắng vĩnh cửu. Đó là một tình thương không khiển trách và áp đặt, nhưng biết tín thác và kiên nhẫn chờ đợi, vì như sách Ai Ca đã nhắc nhở chúng ta, thật là tốt “khi chờ đợi ơn cứu độ của Chúa trong thinh lặng”

Đức Thánh Cha đã dâng lời nguyện xin Đức Mẹ cầu bầu cho các vị Hồng Y và Giám Mục được hưởng niềm vui nơi thành Jerusalem mới, hiệp cùng với tất cả các tín hữu mà các ngài đã phục vụ trên dương thế.

vietcatholic.net