Video: Những hình ảnh tuyệt đẹp về Lễ Ba Vua và Lễ Giáng Sinh trên thế giới

 

1. Lễ Chúa Giáng Sinh Chính Thống Giáo

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ Vọng Giáng Sinh do Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cử hành tại nhà thờ chánh tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ của thủ đô Cộng Hòa Liên Bang Nga vào ngày thứ Bẩy 6 tháng Giêng.

Chính Thống Giáo Nga được thành lập vào năm 988 và hiện có số tín hữu đông nhất trong thế giới Chính Thống Giáo với 150 triệu tín hữu, 368 Giám Mục, 35,171 linh mục và 4,816 phó tế theo thống kê mới nhất thực hiện hồi tháng 7 năm 2016.

Theo niên giám của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa, bên trong lãnh thổ Nga có 34,764 giáo xứ, 926 tu viện trong đó 455 tu viện dành cho nam giới và 471 tu viện dành cho nữ giới.

Cụm từ “bên trong lãnh thổ Nga” được dùng là vì Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa khẳng định quyền tài phán cả ở những nước thuộc khối Liên Xô cũ như Georgia, Amernia, Belarus, Ukraine, Estonia, Latvia và Moldova. Mặc dù khẳng định này thường bị các Giáo Hội Chính Thống địa phương phủ nhận.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa có cả các giáo xứ tại Cuba, Nhật Bản và Trung quốc.

Trong khi đó, tại Istanbul, Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô đã cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh vào chiều ngày 6 tháng Giêng tại nhà thờ chánh tòa Thánh George dưới sự bảo vệ của một lực lượng an ninh hùng hậu.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô là Thượng Phụ đại kết, nghĩa là đứng đầu trong khối Chính Thống Giáo. Cụm từ “đứng đầu” ở đây chỉ có tính chất nghi lễ chứ không có quyền tài phán thực sự. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô không có vai trò Giáo Hoàng như vị Giám Mục Rôma.

Trong khi khối Chính Thống Giáo gồm khoảng 300 triệu tín hữu, các tín hữu thành Constantinope do Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô coi sóc chỉ có 3.5 triệu người. Chính Thống Giáo Nga có đến 150 triệu tín hữu.

Tuy các nghi lễ đã được diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm nhặt, không một nghi thức hay một truyền thống nào bị bỏ qua, kể cả truyền thống “bơi lội tìm thánh giá”.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã ném một thánh giá bằng gỗ xuống hồ Golden Horn. Nhiều người đã nhảy xuống giành giật cây thánh giá vì họ tin là sẽ đem lại may mắn trong suốt năm cho gia đình nào có được thánh giá ấy.

2. 1.2 triệu người Ba Lan tham gia các cuộc rước long trọng lễ Hiển Linh

Ba Lan là một trong số 22 quốc gia cử hành lễ Hiển Linh đúng ngày 6 tháng Giêng. Trong dịp này, 1.2 triệu người Ba Lan tại 660 thành phố và thị trấn ở Ba Lan và nước ngoài đã tham gia trong các cuộc rước long trọng có chủ đề “Bóg jest dla wszystkich” , nghĩa là “Thiên Chúa là dành cho tất cả mọi người”

Sự kiện năm nay được đi kèm với việc gây quỹ cho cho các cơ sở giáo dục và văn hoá hoạt động ở phía Đông Ba Lan.

Các cuộc rước long trọng lễ Hiển Linh là một phần trong những sự kiện lớn nhất trong năm 2018 nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc gia này giành lại được độc lập. Trong các cuộc rước những người tham dự các cuộc diễn hành đã hát vang 14 bài hát Giáng sinh truyền thống của Ba Lan được in trong một tập nhạc phát miễn phí cho công chúng. Album nhạc này ngoài các bản nhạc còn có những bài viết về lịch sử các bài hát.

Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, ông Andrzej Duda, cũng đã tham gia vào cuộc diễn hành tại thủ đô Warsaw nơi những người tham dự trong đoàn rước đầy màu sắc đã nhảy múa tại quảng trường Pilsudski với bài hát “Chúa đã Giáng Sinh”. Sau bài hát này, các vị vua kính cẩn quỳ gối trao quà cho Chúa Hài Đồng Giêsu.

Năm nay, ba vị vua không chỉ là đại diện của ba lục địa, mà còn là đại diện của ba thế hệ: những người trẻ, những người có gia đình và người cao niên.

3. Diễn hành Ba Vua tại thủ đô Madrid trong bối cảnh an ninh chặt chẽ

Cuộc diễn hành Ba Vua tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã diễn ra trên các đường phố của Madrid trong bối cảnh an ninh chặt chẽ vào tối thứ Sáu mùng 5 tháng Giêng, đêm trước ngày Lễ Hiển Linh, kỷ niệm cuộc viếng thăm Chúa Hài Đồng của Ba Vua từ phương Đông đến triều bái Ngài với vàng, nhũ hương và mộc dược.

Cuộc diễn hành Ba Vua diễn ra trong bối cảnh các tín hữu Kitô Tây Ban Nha vẫn còn rúng động trước các cuộc tấn công khủng bố.

Thật vậy, chỉ mới cách đây vài tháng, tại Barcelona, lúc 4:50 chiều thứ Năm 17 tháng 8, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã lái một chiếc xe tải nhỏ tông vào khách bộ hành trên đường Las Ramblas giết chết 13 người và làm hàng chục người khác bị thương. Vài tiếng đồng hồ sau đó, một cuộc tấn công khủng bố khác đã diễn ra ở thị trấn duyên hải Cambrils khiến cho một người chết và hàng chục người khác bị thương. 5 tên khủng bố bị cảnh sát bắn chết. Ít nhất 7 tên khác trong nhóm khủng bố được tin là đã chạy thoát được sang biên giới với Pháp.

Cảnh sát đã lục soát một đền thờ Hồi Giáo tại Ripoll, bắt giữ một thày giảng Kinh Koran tên là Abdelbaki Es Satty, tịch thu hàng trăm ống ga chứa các chất độc hóa học được chuẩn bị cho một vụ khủng bố quy mô lớn.

Cho đến nay vụ khủng bố tại Barcelona được kể là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất với một con số đông nhất các tên khủng bố tham gia và số tang vật lớn nhất bị tịch thu; cùng với sự tham gia trực tiếp của hàng giáo sĩ Hồi Giáo.

Ba Vua theo tin tưởng của người Tây Ban Nha có tên là Melchior, Caspar và Balthazar, được tháp tùng bởi hàng trăm những nhân vật khác ăn mặc theo nhiều kiểu cách từ xa xưa đến hiện đại, đã phát kẹo cho hàng ngàn trẻ em xếp hàng dọc theo các đại lộ chính của thủ đô Tây Ban Nha.

Chính quyền Madrid đã triển khai cả ngàn nhân viên cảnh sát và quân đội, một số được trang bị vũ khí hạng nặng. Họ dựng các hàng rào bê tông để ngăn chặn xe cộ ra vào các đường phố. Đặc biệt, nhà chức trách đã cấm tất cả các xe tải không được di chuyển vào thủ đô trong dịp này. Biện pháp này đã được đưa ra nhằm đề phòng một cuộc tấn công tương tự như vụ khủng bố hồi tháng 8 tại Barcelona.

Cuộc diễn hành Ba Vua là một ngày hội lớn trong dịp lễ Giáng Sinh ở Tây Ban Nha. Hầu hết các thành phố của Tây Ban Nha đều tổ chức diễn hành nhưng cuộc diễn hành tại Madrid được kể là lớn nhất.

4. Đức Thánh Cha bất ngờ viếng thăm bệnh viện Bambino Gèsu

Trong khuôn khổ nối dài các cuộc viếng thăm ngày thứ Sáu đã được bắt đầu trong năm thánh Lòng Thương Xót, lúc 3 giờ chiều ngày 5 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đến thăm cơ sở Palidoro của bệnh viện nhi đồng Bambino Gèsu – Chúa Hài Đồng Giêsu, cạnh bờ biển, cách Rôma khoảng 30 cây số.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được hướng dẫn thăm các khu vực khác nhau trong nhà thương, chào thăm khoảng 120 em bệnh nhân đang được điều trị tại đây, cùng với cha mẹ các em.

Đức Thánh Cha đã tặng quà cho cả 120 trẻ em đang điều trị tại bệnh viện này và cha mẹ các em như một cử chỉ chia sẻ với họ những mệt mỏi và đau đớn hàng ngày. Một lưu ý ngắn gọn của phòng báo chí Tòa Thánh báo cáo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với nhiều người, và trao tặng cho mỗi người một món quà. Những người được gặp gỡ với Đức Thánh Cha xúc động sâu sắc, ngạc nhiên, vui mừng và reo cười.

Cơ sở Palidoro, được Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thành lập vào năm 1978, với ý hướng chuyên về điều trị bệnh bại liệt. Chỉ trong vòng vài năm sau đó bệnh viện đã trở thành một trung tâm y tế và phẫu thuật tiên phong.

5. Fides: Hàng trăm sinh viên Ấn Giáo cực đoan tấn công một trường cao đẳng Công Giáo

Trong những năm qua, được kích động bởi các giáo sĩ Ấn Giáo, một bộ phận các tín hữu Hindu tại Ấn Độ thường có những biểu hiện tiêu cực trước việc mừng đón Giáng Sinh trong xã hội. Nhẹ nhàng thì tẩy chay, cấm con cái tham gia; bạo lực hơn thì tấn công vào các nhà thờ đang cử hành thánh lễ hay các địa điểm tụ tập hát thánh ca Giáng Sinh.

Các hành động bạo lực thường được thực hiện bởi những người bình dân, ít học. Tuy nhiên, trong bản tin ngày 5 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc lên tiếng cảnh báo về một làn sóng bạo lực nguy hiểm lần đầu tiên xuất phát từ các học sinh và sinh viên, là những người được hưởng một nền giáo dục nhất định.

Hàng trăm cảnh sát đã được triển khai tại trường Cao Đẳng Đức Maria ở thành phố Vidisha, giáo phận Sagar thuộc bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ sau khi hàng trăm sinh viên Hindu đe doạ thực hiện các nghi lễ Ấn Giáo trong khuôn viên nhà trường.

Đức Giám Mục Theodore Mascarenhas, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ, là người đang theo dõi vấn đề, nói với Fides như sau:

“Hàng trăm sinh viên đã tràn vào bên trong nhà trường vào ngày 30 tháng 12 mặc dù có tới 20 cảnh sát đang hiện diện. Sau khi trật tự được tái lập, họ đe dọa sẽ thực hiện nghi thức Aarti Bharat Mata, tức là nghi thức xông hương cho nữ thần Durga, được coi là hiện thân quốc gia của Ấn Độ, và các nữ thần Hindu khác trong trường.”

Ngài cho biết thêm:

“Cảnh sát đã tung ra một lực lượng lớn để bảo vệ nhà trường sau khi có tin trên báo chí là vào ngày 4 tháng Giêng, hơn 900 sinh viên sẽ xông vào nhà trường một lần nữa để ‘thánh hiến’ nhà trường này cho các nữ thần Hindu. Chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn. Chúng tôi vẫn đang liên lạc thường xuyên với Bộ Nội vụ liên bang”

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong mùa Giáng sinh, một nhóm giáo dân và các linh mục tại Satna đã bị tấn công khi họ hát thánh ca Giáng sinh.

6. Không khí đón Giáng Sinh lại tưng bừng tại Tòa Bạch Ốc

Sau 8 năm dưới thời tổng thống Obama, không khí đón Giáng Sinh lại tưng bừng trở lại tại Tòa Bạch Ốc.

Kính mời quý vị và anh chị em xem qua vài nét về mùa lễ năm nay trong video clip vừa được Tòa Bạch Ốc công bố.

7. Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ nói không có chức tư tế đích thực nếu không có tình bạn với Chúa Giêsu

Đức Hồng Y Beniamino Stella , tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, đã cử hành Thánh Lễ hôm 4 tháng Giêng tại Đại Chủng viện Pháp ở Rôma.

Không bao giờ được “bỏ qua tầm quan trọng của Chúa Giêsu”, Đức Hồng Y nhấn mạnh như trên, khi ngài kêu gọi các chủng sinh phải tăng cường mối quan hệ của họ với Chúa Kitô thông qua việc cầu nguyện và đọc Thánh Kinh.

Đức Hồng Y Stella nói thêm: “Chúng ta có thể là những nhà quản trị giỏi, có được những tước vị quan trọng, có phẩm chất của một người quản lý, hoặc cũng có thể là những chuyên gia về phụng vụ và các nghi thức thiêng liêng, nhưng nếu không có Chúa Giêsu thì sẽ không có chức tư tế đích thực.”

8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bày tỏ âu lo về tình hình thế giới

Trong thông điệp năm mới của mình, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres than thở rằng tình hình trên thế giới đã trở nên tệ hại hơn về nhiều mặt trong năm ngoái 2017.

Hô hào cộng đồng quốc tế hiệp nhất với nhau trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng, ông Tổng thư ký nói:

“Vào ngày đầu năm mới năm 2018, tôi không đưa ra lời kêu gọi nào cả. Nhưng, tôi đưa ra một lời cảnh báo – một lời báo động đỏ cho thế giới của chúng ta”

Các vấn đề đã trở nên tồi tệ

Khi nhậm chức vào ngày 1 tháng Giêng năm 2017, ông Guterres khích lệ các quốc gia cộng tác với nhau để biến năm 2017 thành một năm của hòa bình. Nhìn lại một năm qua, ông nói: “Thật không may, về nhiều khía cạnh khác nhau, thế giới đã đi theo chiều hướng ngược lại”.

Xung đột ở nhiều nơi gia tăng, những hiểm họa mới ló dạng, nguy cơ chiến tranh hạt nhân trở nên rõ rệt hơn bao giờ. Trong khi đó tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, sự bất bình đẳng đang gia tăng và nhân quyền bị vi phạm ngày càng trắng trợn ở nhiều nơi trên thế giới. Chủ nghĩa dân tộc và xu thế bài ngoại đang gia tăng nhanh chóng.

Hiệp nhất xung quanh các mục tiêu chung

Trước những thực trạng tồi tệ và những nguy cơ nghiêm trọng của thế giới, ông Guterres vẫn tin rằng nhân loại có thể vượt qua được nếu các giá trị chung được bảo vệ.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh thêm “Đoàn kết là con đường. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.”

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi trên thế giới thu hẹp các cách biệt và chia rẽ, đồng thời xây dựng lại niềm tin bằng cách hiệp nhất với nhau xung quanh các mục tiêu chung.

9. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các giáo viên Công Giáo Italia

Đức Thánh Cha kêu gọi các giáo viên Công Giáo Italia giáo dục về nền văn hóa gặp gỡ, gia tăng tương quan giữa nhà trường với các phụ huynh, đồng thời thăng tiến giáo dục về việc bảo vệ môi trường.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 5 tháng Giêng dành cho 400 thành viên thuộc Hiệp Hội giáo viên Công Giáo Italia, vừa kết thúc 3 ngày đại hội toàn quốc ở Roma về đề tài: “Ký ức và tương lai. Những vùng ngoại ô và biên giới kiến thức chuyên nghiệp”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và nói rằng “Chúng ta được kêu gọi kích thích các học sinh cởi mở đối với người khác, như những khuôn mặt, những con người, những anh chị em cần được nhận biết và tôn trọng, với lịch sử, những ưu điểm và khuyết điểm, những phong phú và giới hạn của họ. Vấn đề ở đây là cộng tác vào việc đào tạo các học sinh cởi mở và quan tâm đến các thực tại xung quanh, có khả năng chăm sóc và dịu dàng, không chiều theo các thành kiến phổ biến trong đó người ta quyết liệt đòi phải cạnh tranh, gây hấn, cứng cỏi với những người khác, nhất là những người khác biệt, người ngoại quốc hoặc bất kỳ những người nào bị coi là điều cản trở sự thành đạt của mình.”

Mặt khác, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng tương quan giữa trường học và gia đình ngày nay không còn như xưa, không còn có sự kích thích lẫn nhau giữa giáo chức và phụ huynh. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nói, cần cố gắng gia tăng dấn thân nhằm đạt tới một sự cộng tác xây dựng giữa hai bên, để mưu ích cho các học sinh.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đặc biệt cổ võ sự giáo dục về bảo vệ môi trường. Ngài nói: “Đây không phải chỉ cung cấp một số ý niệm, tuy điều đó là cần thiết, nhưng là giáo dục về một lối sống dựa trên thái độ chăm sóc căn nhà chung của chúng ta là thiên nhiên. Đây là một lối sống không điên dại, ví dụ chăm sóc các động vật bị đe dọa triệt tiêu, nhưng lại cố tình không biết đến những vấn đề của người già; hoặc bảo vệ rừng cây Amazzonia nhưng lại lơ là với các quyền của công nhân được hưởng đồng lương xứng đáng, v,v. Cần phải giáo dục một nền môi sinh toàn diện, nhất là dạy về tinh thần trách nhiệm. Đây không phải là thông truyền những khẩu hiệu mà người khác phải làm, nhưng là khơi dậy ước muốn thực hành một nền luân lý đạo đức về môi sinh, đi từ những chọn lựa và cử chỉ thường nhật”.

10. Đức Hồng Y Tổng Giám mục Caracas: Các cuộc bầu cử cần phải được minh bạch

Trong thông điệp năm mới, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino Tổng Giám mục Caracas bày tỏ sự mong đợi của ngài rằng các cuộc bầu cử trong năm mới sẽ minh bạch với các kết quả mà các công dân có thể tin tưởng, để giảm bớt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến đất nước.

Ngài nói: “Năm 2017 là một năm rất bi thảm đối với Venezuela, đánh dấu bởi bạo lực chính trị với số người thiệt mạng lên đến hơn 120 người trong các cuộc tấn công vào những người biểu tình. Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với siêu lạm phát và tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.”

Tổng thống Nicolas Maduro, sẽ được bầu lại vào năm nay, khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2019. Tháng 7 năm ngoái, một trò hề bầu cử do Maduro đạo diễn đã dẫn tới việc thành lập một Quốc hội Lập hiến, thay thế cho Quốc hội, nơi các thành phần đối lập chiếm đa số.

Các cuộc biểu tình quần chúng chống lại Quốc hội Lập hiến đã được tổ chức, trong đó hơn 120 người đã bị các lực lượng an ninh giết chết.

Sau khi bác bỏ bạo lực “từ mọi phía” và khuyến khích các tín hữu bảo vệ hoà bình và các quyền của mọi người, Đức Hồng Y nói rằng “để giải quyết tình trạng hiện nay, bắt nguồn từ các băng hoại chính trị, cần phải tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống đã được hiến pháp quy định. Để làm điều đó, cần đảm bảo các điều kiện công bằng và hợp lý cho các cuộc bầu cử minh bạch mang lại các kết quả mà người dân có thể tin cậy được.”

Thông điệp đầu năm mới được ký bởi Đức Hồng Y và bốn vị Giám Mục Phụ Tá của ngài và được đọc trong tất cả các giáo xứ của tổng giáo phận Caracas trong hai ngày 6 và 7 tháng Giêng.

Đức Hồng Y và các vị Giám Mục Phụ Tá cũng đã nhắc lại lời kêu gọi thả “các tù nhân bị giam giữ vì những hoạt động chính trị”.

Hơn 180 tù nhân chính trị đã bị bắt ở Venezuela và chính phủ tuyên bố đã thả 80 người trong số họ như là một cử chỉ thiện chí vào dịp Giáng sinh.

Với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, Đức Hồng Y và các vị Giám Mục Phụ Tá đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết với những người nghèo qua những hành động cụ thể nhằm giảm bớt bi kịch của người nghèo, đặc biệt là các trẻ em suy dinh dưỡng.

Sự thất vọng tại Venezuela đã dâng cao trong nhiều năm do các chính sách kinh tế tồi tệ dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao, thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản như sữa, lương thực hàng ngày và thuốc men.

11. Đức Hồng Y Jean Louis Tauran kêu gọi đối thoại tại Trung Đông

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran , Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tái kêu gọi thương thuyết hòa bình tại Trung Đông, đứng trước những căng thẳng hiện nay.

Tình hình trở nên căng thẳng cao độ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố nhìn nhận thành Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel hôm 6 tháng 12 vừa qua, và ra lệnh di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, bất chấp sự phản đối của thế giới và đặc biệt là các nước Arập và Hồi giáo. Vì thế, chính phủ Palestine tuyên bố không nhìn nhận Mỹ là người trung gian đối thoại nữa.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Quan sát viên Roma số ra ngày 31 tháng 12 vừa qua, Đức Hồng Y Tauran đưa ra lời kêu gọi đối thoại tại Trung Đông và nhắc đến một ví dụ tích cực là sự thành lập nhóm làm việc liên tôn của Palestine vào ngày 6 tháng 12, đúng vào ngày tổng thống Mỹ tuyên bố quyết định về thành Jerusalem. Đức Hồng Y mô tả cuộc gặp gỡ tại Vatican của nhóm làm việc chung này là một ví dụ rất ý nghĩa đối với cuộc đối thoại liên tôn, một dấu hiệu cụ thể cho sự xích lại gần nhau trong tình thân hữu, chống lại sự xách động oán thù và thịnh nộ chống đối nhau.

Đức Hồng Y Tauran nói: “Cả khi các lập trường có vẻ xa cách nhau, chúng ta vẫn luôn luôn phải dành chỗ cho sự đối thoại chân thực”.

Theo Đức Hồng Y Tauran, điều này không những có giá trị đối với việc đối thoại với Hồi giáo, nhưng cả với các tôn giáo khác nữa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng tỏ trong cuộc viếng thăm của ngài tại Miến Điện và Bangladesh hồi cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm vừa qua.

12. Đức Hồng Y Vinko Puljić : 10,000 người Công Giáo di tản khỏi Bosnia mỗi năm vì bị kỳ thị

Bosnia và Herzegovina đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu – đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna , đã lại báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia . Khoảng 10,000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Hồng Y cho biết như sau:

Thưa Đức Hồng Y, xin ngài cho biết khái quát về tình hình hiện tại của người Công Giáo ở Bosnia và Herzegovina

Trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.

Điều gì làm họ hoảng sợ nhất, thưa Đức Hồng Y?

Không có quyền bình đẳng đối với họ trong những miền mà người Công Giáo là thiểu số so với đa số dân là người Hồi giáo hay Chính thống Serbia. Phân biệt đối xử được thể hiện rõ rệt trong các điều khoản chính trị và hành chính, nhất là ở nơi làm việc. Chúng tôi rất âu lo cho tương lai. Nếu không có người Croatia ở đó, thì người Công Giáo càng ít đi rất nhiều.

Đức Hồng Y có thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào không?

Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.

Các Kitô hữu đóng góp như thế nào để vượt qua những hậu quả của chiến tranh, thưa Đức Hồng Y?

Chúng tôi cho rằng thật là một ân sủng lớn lao để được sống đức tin của mình. Chúng tôi kín múc hy vọng và sức mạnh từ lời cầu nguyện cộng đồng và cá nhân. Thánh Lễ Chúa Nhật và các cuộc hành hương của chúng tôi là một nguồn sức mạnh quan trọng. Chúa Giêsu đã đến với chúng ta trong thực tại của con người, và do đó chúng ta nên trải nghiệm Giáng sinh trong mọi chiều kích thực tại của nó. Trước Hài Nhi Giêsu, chúng ta được kêu gọi để minh chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa là nguồn vui đích thực của chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều là những thụ tạo được Chúa yêu thương.

Cũng giống như Thiên Chúa đã đến và sống giữa chúng ta, Emmanuel là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, vì vậy chúng ta cũng phải gần gũi với nhau và gần gũi với Chúa hơn. Tôi thiết nghĩ chúng ta phải chữa lành các vết thương bằng cách tha thứ cho nhau và phó thác mọi sự cho sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa.

13. Đền Thờ Thánh Phêrô được trang bị đàn phong cầm điện tử cho các buổi cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng

Một đàn phong cầm điện tử (digital organ) mới tinh và thật tối tân đã được lắp đặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô cho các buổi lễ của Đức Giáo Hoàng. Giám đốc ca đoàn Sistina nói rằng cây đàn này đáp ứng các nhu cầu thiết thực về âm thanh trong đền thờ và các cải cách Phụng Vụ của Công đồng Vatican II.

Đức Ông Massimo Palombella, Giám đốc Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh nói: “Những nhu cầu mới đòi hỏi phải có những giải pháp mới”.

Nhận xét của Đức Ông đã được đưa ra sau khi những lời khen ngợi nổi lên trước những tiếng đàn thánh thót lần đầu tiên được nghe thấy tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24 tháng 12 vừa qua.

Đàn phong cầm điện tử này đã được công ty Allen Organ, một công ty hàng đầu tại Hoa Kỳ về đàn phong cầm trong suốt 70 năm qua, trao tặng cho Tòa Thánh.

Đức Ông Palombella nói rằng hệ thống mới này có thể lấp đầy “tuyệt vời” toàn bộ không gian âm thanh của một trong những nơi thờ phượng lớn nhất thế giới.

Đàn Đại Phong Cầm truyền thống

Mặc dù có sự xuất hiện của đàn phong cầm điện tử mới này trong các buổi lễ lớn, đàn Đại Phong Cầm truyền thống với những ống sáo tuyệt đẹp vẫn là một điều không thể thay thế được trong các sự kiện được tổ chức tại Bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Đức Ông. Palombella nói: “Nó thực sự hoàn hảo cho không gian ở đó, vang vọng mọi chiều kích với những âm thanh thật sự của các ống sáo, mà không cần bất cứ máy khuếch đại nào”.

Tuy nhiên, trong các nghi thức được tổ chức tại bàn thờ chính, âm thanh phát ra từ đàn Đại Phong Cầm cần phải được thu lại bằng các microphone và phát lại qua các máy tăng âm kỹ thuật số khắp Đền Thờ và Quảng trường Thánh Phêrô. Phương pháp này gây ra các biến dạng âm thanh không thể tránh khỏi và có khá nhiều vấn đề liên quan đến những tiếng ồn hậu cảnh (background noise).

14. Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho tự do tôn giáo ở Châu Á

Trong thông điệp video đầu năm mới trình bày những ý cầu nguyện trong tháng Giêng, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta đừng quên những ai đang phải vật lộn để có được tự do sống đức tin của mình.

Đức Thánh Cha nói:

Trong thế giới văn hoá đa dạng ở Châu Á, Giáo Hội đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và sứ mạng của Giáo Hội ngày trở nên khó khăn hơn vì thực tế là các Kitô hữu chỉ là thiểu số trong xã hội.

Những rủi ro này, và những thách thức này các truyền thống tôn giáo thiểu số khác cũng gặp phải. Họ cũng là những người mong muốn hiểu biết sự khôn ngoan, sự thật và sự thánh thiện.

Khi chúng ta nghĩ đến những người bị bách hại vì tôn giáo, chúng ta vượt lên trên những khác biệt về lễ nghi hay hệ phái: Chúng ta đặt mình bên cạnh những người nam nữ đang phải chiến đấu để có thể giữ được bản sắc tôn giáo của mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, xin cho các Kitô hữu, và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở các nước châu Á, có thể thực hành đức tin của họ trong tự do đầy đủ.

15. Lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh trong nghệ thuật Kitô Giáo tiên khởi

Khi Giáo Hội cử hành tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh, Vatican News đã đưa ra một đoạn video miêu tả về lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh trên các tác phẩm nghệ thuật của các Kitô hữu tiên khởi trưng bày trong bảo tàng viện Vatican.

Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa và việc tỏ mình ra của Ngài cho nhân loại (Epiphany) là những đặc điểm chính trong các tác phẩm của các nghệ nhân Kitô Giáo tiên khởi khi họ cố gắng dùng nghệ thuật để trình bày những câu chuyện về ơn Cứu Rỗi.

Trong số những chủ đề đầu tiên được linh hứng bởi các sách Phúc Âm, các họa sĩ Kitô Giáo thường chú ý đến biến cố ba vua thờ lạy Hài nhi Giêsu (Mátthêu 2: 1-12), và mô tả biến cố này như việc hoàn thành các lời tiên tri trong Kinh thánh, theo đó Đấng Mết-si-a sẽ được thờ lạy bởi các vua của trái đất này.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 4, đặc biệt là sau khi Lễ Giáng sinh bắt đầu được cử hành cách trang trọng trong Phụng Vụ như một ngày đại lễ, các cảnh khác liên quan đến sự ra đời của Chúa Giêsu đã lan rộng, chẳng hạn như những người chăn cừu thờ lạy Hài Nhi Giêsu, nhất là cảnh hang đá với Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ cùng với mẹ Maria, và Thánh Giuse.

Các bức tranh, và ảnh tượng được trưng bày trong bảo tàng viện Pio Cristiano – tất cả được chạm khắc vào thế kỷ thứ 4 – chứng tỏ sự lan truyền rộng rãi của những cảnh này trong nghệ thuật Kitô Giáo tiên khởi.

16. Tổng thống Trump nói Hoa Kỳ “quá ngu” khi cúng cho Pakistan mỗi năm 33 triệu Mỹ Kim

Pakistan đã phải đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của quốc tế về việc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm 4 tháng Giêng nói Hoa Kỳ đã đặt Pakistan vào danh sách cần theo dõi đặc biệt vì “những vi phạm nghiêm trọng” về tự do tôn giáo. Một số quốc gia khác cũng bị liệt vào hàng “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” vì quyền tự do tín ngưỡng của công dân bị chà đạp.

Phát ngôn viên Heather Nauert nói:

“Ở quá nhiều nơi trên toàn cầu, người ta vẫn tiếp tục bị bách hại, bị truy tố một cách bất công, hoặc bỏ tù vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng”

“Ngày nay, một số chính phủ vi phạm quyền tự do cá nhân ngăn cản không cho công dân chấp nhận, thay đổi, hoặc từ bỏ tín ngưỡng của họ; cấm họ không được thờ phượng theo niềm tin tôn giáo của mình, hoặc cưỡng ép họ theo một niềm tin nào đó”.

Theo đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, Hoa Kỳ hàng năm đưa ra danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Sudan, Ả-rập Xê-út, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đều đã bị đưa vào danh sách trong năm nay .

Pakistan đã phải đối mặt với sự lên án quốc tế đối với việc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các Kitô hữu, những người Hồi Giáo Ahmadi và các tín hữu Ấn Giáo. Hàng chục người đã phải đối mặt với cái chết hoặc bị bỏ tù theo luật báng bổ của nước này, trong khi bạo lực gia đình vẫn tiếp tục gia tăng.

Quyết định này đến cùng lúc với việc Hoa Kỳ đình chỉ trợ giúp an ninh cho Pakistan vì đã không “hành động quyết liệt” chống lại các nhóm khủng bố cực đoan.

Tổng thống Donald Trump nói trong diễn từ hôm thứ Hai rằng Hoa Kỳ đã “quá ngu” khi cúng cho Pakistan hơn 33 tỷ Mỹ Kim viện trợ trong 15 năm qua và không nhận lại được gì ngoài “những lời nói dối và các trò lừa đảo”.

Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện, là dân biểu Ed Royce, của đảng Cộng Hòa, đơn vị California, cho biết việc đưa Miến Điện vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm là thích hợp, vì chính sách thanh lọc chủng tộc người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, ông Royce nói ông không hài lòng khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách.

Ông nói: “Tôi cảm thấy rất phiền khi Việt Nam lại không được đưa vào danh sách trong năm nay. Người dân Việt Nam tiếp tục bị chà đạp quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác. Mỹ không nên bỏ qua việc điểm mặt các nước lạm dụng như vậy”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *