Tham nhũng
Tham nhũng là cám dỗ xưa như cõi lòng tội lỗi của con người. Người tham nhũng là người chỉ nghỉ đến mình, bất chấp thiệt hại có thể gây ra cho người khác. Xúc phạm đến con người, tham nhũng rốt cuộc cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa.
Chính vì tính cách trầm trọng của tham nhũng, nên Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: “Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của”, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.
Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng “thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?”. Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hàng ngày, liệu chúng ta có thể chống lại tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?
Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là để mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. “Không ai có thể làm tôi hai chủ” của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.
Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng ta biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân.
Đạo đức giả – căn bệnh của tâm hồn (11.11.2017)

Khi con người đã đạt được sự no đủ về vật chất chính là lúc họ chú trọng đến những khía cạnh của tâm hồn. Chẳng hạn, Người ta thường muốn được mọi người kính phục, tôn trọng mình, họ không muốn bị người khác xem thường hay chê bai, khiển trách. Để đạt được điều đó, họ phải nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, có nhiều người muốn đi “lối tắt”, muốn “đốt cháy giai đoạn” để đạt được những mục đích ấy. Chính vì lẽ đó, thói đạo đức giả đã xuất hiện.
Trong xã hội ngày nay, thói xấu ấy đã trở thành căn bệnh khó chữa của con người. Trước tiên, chúng ta cần phải nhận thức được đạo đức giả cũng là một cách gian dối, lừa gạt người khác. Thói xấu ấy khiến con người thoái hóa về nhân cách, nó làm cho người ta không còn quan tâm đến các giá trị thực sự của lòng đạo đức mà chỉ chú trọng đến vẻ bên ngoài, đến những gì người khác nghĩ về họ. Bên cạnh đó, thói đạo đức giả còn khiến con người ngày càng kiêu căng, ngạo mạn bởi nó mang lại cho người ta những vinh quang mà họ chưa xứng đáng để nhận được điều đó.
Nếu con người cứ mãi đắm chìm trong thứ hư danh ảo ấy, một ngày nào đó, những giá trị đạo đức thuần túy sẽ bị diệt vong. Không chỉ vậy, thói đạo đức giả khiến người khác ỷ lại, không muốn nỗ lực vươn lên để xứng đáng với những lời khen ngợi ấy mà chỉ cần tỏ vẻ đạo đức ở bên ngoài là đủ. Dần dần, con người sẽ bị sự giả dối bao trùm và khiến chúng ta ngày càng xa cách Thiên Chúa.
Căn bệnh này không chừa bất cứ ai, tất cả mọi người đều có thể là đối tượng của nó. Đặc biệt, những người có sức ảnh hưởng đến người khác dễ mắc phải nhất. Vì sao ư? Thưa, vì họ là trung tâm của dư luận, họ là đối tượng được mọi người chú ý. Chính vì thế, họ cần phải có một vỏ bọc hoàn hảo nhất có thể, mà cách nhanh nhất để đạt được điều đó mà không cần tốn nhiều công sức chính là trở thành những kẻ đạo đức giả.
Nói như vậy không có nghĩa là những người bình thường sẽ tránh được căn bệnh ấy. Đã là con người, ai cũng có mong muốn được người khác tôn trọng, nó trở thành nhu cầu không thể thiếu của họ. Đó chính là lí do khiến căn bệnh đạo đức giả phát triển không ngừng trong xã hội hiện đại. Nó là một cơn cám dỗ có sức hút khó cưỡng, khiến những người tham muốn thanh danh tìm mọi cách để đạt được. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, đó là căn bệnh chết người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phê phán những người Pharisêu rằng; “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trươc mặt Thiên Chúa”. Quả thật, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Người hiểu rõ tâm can các ông; người đời xem các ông là người công chính vì họ không thể biết, nhưng Thiên Chúa thì khác, Người biết rõ các ông nghĩ gì. Do đó, nếu cứ mãi cố chấp bước theo con đường danh lợi hão ấy, các ông sẽ phải lãnh những trừng phạt thích đáng.
Lời Chúa trách mắng những Người Pharisêu hôm nay cũng chính là bài học Người muốn dạy chúng ta: Đừng trở nên những kẻ đạo đức giả, nó là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, bất chấp tất cả vì nó sẽ khiến chúng ta phải chết. Mỗi người chúng ta hãy tự ngẫm lại, liệu có bao giờ ta vô tình trở thành những kẻ đạo đức giả hay chưa? Một khi chúng ta hành động chỉ vì mong muốn nhận được sự đánh giá tích cực của người khác, không quan tâm liệu điều đó có đi ngược lại với những giá trị đạo đức truyền thống hay không. Khi đó, chúng ta đã trở thành một trong những người Pharisêu bị Chúa trách mắng hôm nay. Ước mong sao mỗi người chúng ta biết tự nhìn nhận lại những thiếu sót của bản thân, biết ước ao những điều thuộc về Thiên Chúa, đừng vì vinh hoa của thế gian làm cớ khiến chính mình bị vấp phạm.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng đạo đức giả là căn bệnh nguy hiểm của tâm hồn, Thế nhưng, vốn mỏng giòn, yếu đuối, chúng con khó có thể vượt qua những cám dỗ ấy. Xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh để chống lại nó; đồng thời, cho chúng con biết cùng nhau chung tay đẩy lùi căn bệnh ấy, đặt biệt là trong xã hội ngày nay. Amen.
Petrus Sơn
Khôn ngoan sử dụng tiền của (05.11.2016)
1. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Đức Giêsu về việc sử dụng của cải chóng qua ở đời này.
Tiền của được ví như người cộng sự, người đầy tớ tốt lành; nhưng nó cũng có thể trở thành kẻ phản trắc, quay lưng gieo tai họa, khổ đau cho những ai ngu muội để nó chi phối, điều khiển. Ngay sau dụ ngôn người quản lý bất trung, Đức Giêsu khen sự khôn ngoan, ma mãnh của tên quản lý đã biết lợi dụng thời điểm, quyền hành và của cải bất chính hắn chiếm dụng của chủ, mà giảm nợ cho các con nợ, để sau này khi bị đuổi việc, hắn sẽ có người đền đáp, tiếp đón.
Đức Giêsu không khuyến khích hành động gian xảo, bất lương của tên gia nhân trong việc quản lý tài sản của chủ, nhưng Người muốn nhấn mạnh đến việc sử dụng của cải vất chất như thế nào để đem lại hạnh phúc đích thực không những ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Hạnh phúc đó là được phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em, làm cho tình thương của Thiên Chúa lan tỏa đến với mọi người; nhất là đối với người nghèo khổ, cơ nhỡ, tật nguyền.
Của cải vật chất là phương tiện đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống, “có tiền mua tiên cũng được”. Biết sử dụng tiền của, vật chất vào các việc tốt lành hữu ích cho bản thân, cho gia đình và những việc công ích cho xã hội, đó là điều đáng trân trọng. Ngược lại, “ném tiền qua cửa sổ”, hoang phí như người con trai thứ trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng”; hoặc keo kiệt “đóng cửa lòng lại” như người phú hộ giàu có trước nỗi khốn cùng, nghèo đói của La-da-rô bên ngoài cửa nhà ông ta, đều có một chung cuộc đó là phải “đau khổ và nghiến răng khóc lóc” ở nơi dành sẵn cho những kẻ như thế. Khi đó, tiền của đã hóa thân thành ông chủ độc ác sai khiến, điều khiển họ đi vào cõi chết.
Người con trai hoang đàng và ông phú hộ đã bị tiền của che khuất tầm nhìn đến “hạnh phúc mai sau”, khiến họ trở nên ích kỷ, thực dụng. Cả hai: một phung phí tiền bạc vào các việc vô bổ như cờ bạc, gái gú, ăn nhậu vô độ với đám bạn bè xấu nết, cốt thỏa mãn những dục vọng thấp hèn, lòng tham và hư danh hảo huyền; một tôn sùng tiền của, vật chất, đã giầu có còn muốn tích cóp nhiều hơn, khiến ông trở nên vô cảm, vô tâm trước La-da-rô đang khốn khổ, van xin lòng thương hại
Còn Giu-đa It-ca-ri-ot, cũng đã bị ba mươi đồng bạc sai khiến để phạm sai lầm “bán thầy”; chỉ vì lòng tham ông ta đã mê muội để các thượng tế, kỳ lão Do Thái dùng số bạc nhỏ nhoi (trị giá bằng giá mua một tên nô lệ) sai khiến và ông ta đã vâng phục mà chỉ điểm cho họ bắt bớ, giết hại thầy mình.
Tiền bạc, của cải là phúc lộc Thiên Chúa tặng ban con người, thông qua đôi bàn tay lao động và sự khôn khéo của mỗi người để sinh tiện ích cho bản thân, cho gia đình và cuộc sống tươi đẹp của xã hội. Mỗi người trở thành người quản lý một số tài sản của Thiên Chúa và được mời gọi làm cho sinh lời. Trình thuật Tin Mừng nhấn mạnh đến vai trò người quản lý ân huệ của Thiên Chúa: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”.
Thực tế trong cuộc sống, vì ham hố của cải vật chất, nhiều người đã bất chấp thủ đoạn, mánh khóe để chiếm hữu, làm giàu bất chính; họ coi thường pháp luật, coi thường mạng sống và sự an nguy của người khác: buôn bán ma túy, chất cấm; cướp của, giết người, gian lận trong việc làm hoặc vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau khổ của tha nhân. nhiều người đã phung phí tiền của vào những việc vô ích…
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
Hãy là người quản lý trung tín của Thiên Chúa, khôn ngoan sử dụng những phúc lộc Thiên Chúa trao ban là sức khỏe, thời giờ, tiền của mà sắm sẵn hạnh phúc Nước Trời qua những việc làm cụ thể gồm tóm trong kinh “thương người có mười bốn mối”
2. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con ý thức giá trị đích thực của tiền bạc và của cải; là vật chất chóng qua nhưng lại là ân huệ Chúa tặng ban để giúp con đạt được hạnh phúc ở đời này và chuẩn bị, sắm sẵn hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Xin cho con biết dùng tiền của cách hợp lý mà sinh ích cho phần rỗi bản thân và cho các lnh hồn.
3. SỐNG TIN MỪNG
Nỗ lực thực thi đức ái trong cuộc sống thường ngày, nhất là với những người đau khổ, túng nghèo.