1. Đức Tổng giám mục Silvano Tomasi ủng hộ việc mở các cuộc đàm phán nhân đạo và quân sự với Bắc Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican, Đức Tổng Giám mục Silvano Tomasi, cựu đại diện của Vatican tại các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Geneva, nói rằng “thay vì xây dựng các bức tường và tạo ra những bất đồng hoặc bày tỏ ý muốn dùng đến các khả năng bạo lực”, cả hai nước cần phải có những cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn.
Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói ngài ủng hộ đề nghị của tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in mở ra các diễn đàn “để nói về những nhu cầu an ninh cơ bản của cả Triều Tiên và Hoa Kỳ”. Theo Đức Tổng Giám Mục, các quốc gia châu Á mong muốn sự ổn định hơn là chiến tranh; và điều đó đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán nhằm bảo đảm sự chung sống hoà bình của các quốc gia.
Marie Dennis, đồng chủ tịch tổ chức Pax Christi International, là tổ chức hòa bình Công Giáo, nói rằng tổ chức của cô đang cầu nguyện xin cho cả hai quốc gia ra khỏi cuộc đối đầu hiện nay.
2. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Hán Thành kêu gọi các tín hữu đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình, và kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân
Trước những căng thẳng ngày càng leo thanh giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ, vị tổng giám mục Hán Thành của Hàn Quốc, đã kêu gọi các tín hữu đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình.
Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện với chuỗi Mân Côi nhằm hoán cải những tâm hồn tội lỗi và để bình an có thể ngự trị trên thế giới. Nhắc lại biến cố 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fátima. Đức Hồng Y nói “Kinh Mân Côi là vũ khí tâm linh của chúng ta nhằm đánh bại cái ác một cách hiệu quả, và giúp chúng ta vượt qua những thách đố trong đời sống đức tin cũng như biến đổi chúng ta trở thành những người hoạt động cho hòa bình thế giới.”
Hồng Y Yeom cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên nên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ngài khẩn khoản kêu gọi các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên như sau:
“Vì sự an toàn và tương lai của tất cả người Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên nên đến bàn thảo luận và từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ”.
3. Các giám mục Mỹ và Nam Hàn khẩn khoản kêu gọi thương thảo hòa bình
Các hoạt động ngoại giao và thương thảo chính trị là cần thiết để giải quyết những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và tránh một cuộc xung đột về quân sự, chủ tịch một ủy ban của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã nói như trên trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Trong thư đề ngày 10 tháng 8, Đức Cha Oscar Cantu của Las Cruces, New Mexico, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Mỹ, đã lặp lại lời kêu gọi gần đây của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc cho các cuộc đàm phán để bảo đảm tương lai hòa bình của bán đảo Triều Tiên.
Đức Cha Cantu thừa nhận rằng mối đe dọa càng ngày càng leo thang từ phía nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên không thể bị đánh giá thấp hoặc bỏ qua, nhưng “chắc chắn là bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ gây ra một con số thương vong rất cao cùng với các hủy diệt thảm khốc khác. Vì thế Hoa Kỳ phải làm việc với những tác nhân khác trong cộng đồng quốc tế để tìm ra một giải pháp ngoại giao và chính trị dựa trên đối thoại.”
Bức thư của Đức Cha Cantu bày tỏ mối âu lo của ngài khi theo dõi hàng ngày những mối đe dọa liên tiếp qua lại giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân. Ông Trump đã đe dọa sẽ “khai hỏa một trận cuồng nộ thế giới chưa bao giờ thấy” để đáp lại những lời đe dọa của Kim rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị bắn tên lửa vào vùng biển quanh đảo Guam, một lãnh thổ Hoa Kỳ ở phía tây Thái Bình Dương nơi có hai căn cứ quân sự.
4. Các giám mục Nhật kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình
Các giám mục Nhật đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình trong mười ngày, và chỉ trích các chính khách về những lời lẽ kích động chiến tranh với Bắc Triều Tiên.
Đức Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi của Niigata nói rằng ngài không nghĩ chiến tranh có thể xảy ra, nhưng cáo buộc “các nhà lãnh đạo chính trị mới” đang khai thác sự đối đầu cho những mục đích chính trị của mình.
Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Joseph Takami, chủ tịch hội đồng giám mục Nhật Bản, kêu gọi chính phủ Nhật “thực hiện một cuộc đối thoại chân thành và bền bỉ” hơn là đáp ứng lại các mối đe dọa quân sự. Ngài nhấn mạnh rằng “Hòa bình không thể được xây dựng bằng sức mạnh quân sự”.
5. Linh mục được đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình có thể bị tù tại Ý
Một linh mục người Eritrea đang phải đương đầu với những rắc rối tại Ý liên quan đến việc ngài giúp đỡ cho những người nhập cư bất hợp pháp. Một công tố viên của Italia đã cáo buộc cha Mussie Zerai là cổ vũ việc nhập cư lậu vào Ý, một điều mà cha Mussie Zerai đã quyết liệt bác bỏ.
Cha Mussie Zerai là người đứng đầu một tổ chức gọi là Habeshia, chuyên hoạt động để cứu những người nhập cư đang gặp nguy hiểm. Ngài giải thích rằng công việc của ngài là thường xuyên nhận những lời kêu cứu khẩn cấp từ những tàu thuyền chở người di cư vượt qua vùng Địa Trung Hải.
Cha Zerai khẳng định rằng tổ chức của ngài chỉ đơn thuần là cảnh báo các cơ quan hữu trách, chuyển tiếp thông tin cho các cơ quan cứu trợ quốc tế và cho lực lượng Cảnh sát biển ở Ý.
Cha Zerai nhấn mạnh rằng công việc của ngài “luôn luôn là vì mục đích nhân đạo.” Chính vì công việc đó, ngài đã được đề cử giải Nobel hòa bình năm 2015.
6. Diễn biến vô tiền khoáng hậu: Pakistan cử hành quốc táng cho một nữ tu Công Giáo
Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, Tổng thống Mamnoon Hussein và Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi của Pakistan, nơi tuyệt đại đa số dân theo Hồi Giáo, đã công bố Pakistan sẽ tổ chức quốc táng cho nữ tu Ruth Pfau, người Đức là Y Khoa bác sĩ vừa qua đời ngày 10 tháng 8, thọ 87 tuổi. Đám tang của chị sẽ được cử hành tại nhà thờ chính tòa Karachi.
Thông cáo của văn phòng thủ tướng Pakistan đã ví chị Ruth Pfau như là Mẹ Teresa của Pakistan, một người “đã được sinh ra ở Đức, nhưng trái tim bà luôn ở với chúng ta ở Pakistan này.” Trong khi đó, thông cáo của Tổng thống Mamnoon Hussein nói rằng “Nữ tu Bác sĩ Pfau đã đặt một dấu chấm hết cho bệnh phong ở Pakistan. Ơn đức này là không thể nào quên được. Bà đã rời quê hương mình và biến Pakistan thành nhà của mình để phục vụ nhân loại. Nước Pakistan bày tỏ lòng kính trọng đối với bác sĩ Pfau, và bày tỏ niềm hy vọng rằng truyền thống phục vụ nhân loại tuyệt vời của bà sẽ được tiếp tục.”
Chị Ruth Pfau sinh ngày 9 tháng 9 1929, tại Leipzig trong một gia đình có 6 người con. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nhà cửa của chị bị dội bom, sau đó gia đình lại phải sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức vài năm trước khi vượt biên tìm tự do thành công sang Tây Đức.
Trong thập niên 1950, chị theo học ngành y khoa tại Đại Học Mainz và tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, trước một tương lai rạng rỡ sáng ngời, chị từ bỏ mọi sự và gia nhập Dòng Nữ Tử Trái Tim Đức Mẹ và được gởi sang Ấn Độ. Tuy nhiên, do những trục trặc về visa vào Ấn, chị phải dừng chân tại Karachi, Pakistan.
Trong một cuốn hồi ký, chị Ruth Pfau cho biết vào năm 1960, lúc mới 31 tuổi, chị quyết định dâng hiến đời mình cho việc chăm sóc các bệnh nhân phong cùi tại Pakistan sau khi chứng kiến một thanh niên phải bò bằng chân và tay vào phòng cấp cứu. Trong xã hội Pakistan, những bệnh nhân phong cùi thường bị gia đình, và xã hội bỏ mặc và xa lánh.
Chị Ruth Pfau đã đích thân chăm sóc cho người phong cùi, và mở các trường đào tạo các bác sỹ, và thành lập các trung tâm điều trị. Năm 1996, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố căn bệnh được kiểm soát hoàn toàn ở Pakistan. Theo thống kê mới nhất, số người bị bệnh phong tại quốc gia này đã giảm xuống chỉ còn 531 bệnh nhân.
7. Các vị Thượng Phụ Trung Đông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới trước tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô
Các vị Thượng Phụ Công Giáo và Chính Thống giáo ở Trung Đông đã than phiền về hoàn cảnh tuyệt vọng mà các ngài đang phải đối mặt trong tư cách là những mục tử cuả các Giáo Hội “đang có nguy cơ bị biến mất khỏi Trung Đông.”
Các ngài đã mô tả việc các Kitô hữu bị buộc phải di cư khỏi Trung Đông như “một dự án diệt chủng, một thảm hoạ nhân đạo và một bệnh dịch đối với nền văn minh của thế giới.”
“Lúc này là thời điểm gióng lên một tiếng kêu tiên tri” và để nói lên “sự thật giải phóng chúng ta theo tinh thần của Phúc Âm”. Hội đồng các vị Thượng Phụ Công Giáo và Chính Thống giáo ở Trung Đông đã nhận định như trên trong một tuyên bố được công bố hôm 11 tháng 8, sau cuộc họp ba ngày bắt đầu hôm 9 tháng 8 tại Diman, Li-băng.
“Chúng tôi, những mục tử của những đàn chiên nhỏ đang bị tổn thương vì cuộc di cư của Kitô hữu khỏi vùng đất bản địa của họ ở Trung Đông, kêu gọi Liên hợp quốc và các quốc gia liên quan trực tiếp đến chiến tranh ở Syria, Iraq và Palestine hãy ngăn chặn các cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra, mà hậu quả thê thảm là việc phá hủy, giết chóc, di dời các tín hữu Kitô, cùng với tình trạng khủng bố lan tràn, kèm theo việc việc gia tăng mâu thuẫn giữa các tôn giáo và các nền văn hoá.”
Trong lời kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các vị Thượng Phụ nói, “Chúng tôi còn biết kêu cầu đến ai ngoại trừ Đấng Kế Vị Thánh Phêrô là đá tảng của chúng ta?”
“Chỉ có ngài, thưa Đức Thánh Cha, chỉ có ngài mới có thể kêu gọi các tác nhân đang kiểm soát số phận của các dân tộc, để nhắc nhở họ và thậm chí để mắng họ rằng sự di dời liên tục của các Kitô hữu khỏi Trung Đông chắc chắn là một dự án diệt chủng, một chương trình thanh lọc tôn giáo, và là một bệnh dịch đối với nền văn minh của trái đất.”
Cuối cùng, tuy sống giữa các nghịch cảnh đầy thách đố, các Thượng Phụ đã bày tỏ niềm tin rằng “nước Trời sẽ chiến thắng.”
8. Đức Hồng Y Burke nói Amoris Laetitia không phải là giáo huấn buộc phải theo
Hồng Y Raymond Burke đã lặp lại ý kiến của ngài cho rằng Amoris Laetitia không phải là một giáo huấn buộc các tín hữu phải theo. Ngài đã nói như trên trong một bài thuyết trình tại Louisville, Kentucky.
Đức Hồng Y Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng thấy rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn không viết tài liệu này trong tư cách là Huấn Quyền Hội Thánh.
Ngài nói:
“Ngay cả trong các văn kiện trước đây, tiêu biểu cho một huấn giáo trang trọng hơn, Đức Thánh Cha đã nói rõ rằng ngài không đưa ra các giáo huấn nhưng chỉ muốn trình bày các suy nghĩ của chính mình” .
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Burke nói rằng một số người Công Giáo tiếp tục cho rằng bất cứ tài liệu nào của giáo hoàng đều thể hiện giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Đức Hồng Y nói: “Làm như thế là trái với lý trí và những gì mà Giáo Hội vẫn luôn luôn nghĩ.”
Đức Hồng Y Burke kết luận rằng: “Thực là sai lầm và có hại cho Giáo Hội khi coi mọi lời tuyên bố của Đức Thánh Cha đều là những lời giảng dạy của giáo hoàng hay huấn quyền chính thức của Hội Thánh.”
9. Đức Giám Mục Tô Cách Lan cử hành Thánh lễ trên xe buýt
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là việc giải tội, cử hành thánh lễ, xức dầu bệnh nhân. Tất cả đều được diễn ra trên xe buýt.
Ý tưởng này có thể là mới lạ và ngộ nghĩnh với nhiều người, nhưng rất thành công tại Tô Cách Lan và được các Giám Mục xứ này ủng hộ.
“Mercy Bus”, nghĩa là xe buýt Lòng Thương Xót, là ý tưởng của Hội Huynh Đệ Lòng Thương Xót Tô Cách Lan. Tán thành ý kiến này của họ Đức Giám Mục John Keenan của giáo phận Paisley đã cử hành Thánh lễ trên xe buýt vào ngày thứ Bảy 12 thánh Tám vừa qua. Đây là thánh lễ đầu tiên như thế được tổ chức ở Anh.
Chuyến xe buýt Lòng Thương Xót đang đi một vòng quanh Tô Cách Lan. Các tham dự viên phát bánh kẹo cho người qua đường, mời gọi họ tham dự thánh lễ do Đức Cha John Keenan và các linh mục thay nhau cử hành; cũng như xưng tội trên nóc chiếc xe buýt.
10. Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế kế hoạch hóa gia đình, mặc dù đã bải bỏ chính sách ‘một con’
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã chính thức chấm dứt chính sách một con tàn bạo của mình, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục bị cưỡng bách phá thai, Viện Nghiên cứu Dân số Thế Giới, gọi tắt là PRI, đã cho biết như trên.
Một cuộc điều tra của PRI đã phát hiện ra rằng các biện pháp cưỡng ép về kế hoạch hóa gia đình vẫn còn hiệu lực, và các quan chức chính phủ thậm chí còn trở nên khắc nghiệt hơn ở một số miền. Chủ tịch PRI, là ông Steven Mosher, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chính sách hai con ở Trung Quốc đang được áp dụng ở một số vùng được thực thi nghiêm ngặt hơn chính sách một con.”
Các cặp vợ chồng cần phải có giấy phép của chính phủ trước khi có đứa con thứ 2. Các quy định trong một số khu vực còn đòi hỏi các phụ nữ phải đợi một số năm nhất định sau khi sinh đứa con thứ nhất trước khi có thể có đứa con thứ hai. Một phụ nữ đã trốn tránh sang các vùng khác vì có thai “bất hợp pháp”. Họ nói với chúng ta rằng “Nếu họ bắt gặp bạn mang thai đứa con bất hợp pháp, họ sẽ tịch thu mọi thứ trong nhà của bạn.”
11. Các giám mục Venezuela đòi hỏi chế độ Maduro chấm dứt việc săn đuổi những người đối lập và tôn trọng nhân quyền
Ủy ban công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã lên án những hành động vô nhân đạo đối với các tù nhân chính trị và các tù nhân khác và yêu cầu chế độ Maduro tôn trọng các quyền con người được bảo đảm theo hiến pháp của Venezuela.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 10 tháng 8, trong đó các gm gm lên án chế độ đang ra sức “khủng bố” và “tra tấn thể chất và tâm hồn” của những người bất đồng chính kiến, các Giám Mục nước này nói:
“Chế độ này phải ngưng ngay các cuộc săn đuổi phù thủy chống lại các công dân có suy nghĩ khác với chế độ”
Ủy ban cũng yêu cầu chính phủ tiết lộ nơi ở và tình trạng sức khoẻ của Raúl Baduel, một cựu bộ trưởng quốc phòng và là một nhà lãnh đạo phe đối lập.
12. Một Giám mục buộc tội quân đội Liên Hiệp Quốc đồng lõa trong vụ thảm sát ở Trung Phi
Một giám mục truyền giáo Tây Ban Nha ở Cộng hòa Trung Phi nói rằng các chiến binh của nhóm phiến quân Hồi Giáo Séléka đã thảm sát 50 thường dân ở làng Gambo vào ngày 4 và 5 tháng 8 vì quân đội Liên Hiệp Quốc đã quyết định không giải giáp bọn khủng bố này.
Đức Cha Juan-José Aguirre Muñoz nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka bắt cóc và hãm hiếp các phụ nữ làng Gambo, phần lớn là các tín hữu Kitô, lực lượng Anti- Balaka bảo vệ các Kitô hữu đã phát động một cuộc tấn công để đẩy lùi bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka.
Đức Cha Muñoz nói lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc không giải giáp Séléka, lại còn tạo điều kiện cho các thành viên của Séléka có thể quay lại tấn công cắt cổ 50 người, toàn bộ là phụ nữ và trẻ em.
Đức Cha chua chát nói:
“Những người được gọi là binh lính gìn giữ hòa bình, có nhiệm vụ giải giáp các phe nhóm tham chiến, đã mạnh tay giải giáp Anti-balaka nhưng để mặc Séléka muốn làm gì thì làm. Hậu quả là những kẻ cực đoan này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là một âm mưu đồng lõa mà chúng tôi không hiểu được.”
13. Lãnh đạo Hồi Giáo đồng ý với đánh giá của một giám mục về sự đồng lõa của Liên Hiệp Quốc trong vụ thảm sát tại Gambo
Giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu ở Cộng hoà Trung Phi cũng cho thấy sự mất tin tưởng của ông đối với các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; và đồng ý với nhận định chủa Đức Cha Muñoz rằng họ đã nhắm mắt làm ngơ trước các vụ tàn sát thường dân của các chiến binh Hồi giáo thánh chiến Séléka.
Đức Cha Juan-José Aguirre Muñoz của Bangassou đã cáo buộc rằng các lực lượng Séléka đã có thể thảm sát 50 thường dân trong làng Gambo vào ngày 4 và 5 tháng 8 vì các lực lượng Liên Hợp Quốc đã quyết định không giải giáp chúng.
Imam Oumar Kobine Layama, một nhà lãnh đạo Hồi Giáo ôn hòa, là người đã làm việc với chung với hàng giáo phẩm Công Giáo tại Cộng Hoà Trung Phi đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc loại bỏ những người lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đến từ Ma-rốc.
Ông nói:
“Chúng tôi có những nhân chứng cho thấy tiểu đoàn quân Marốc trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thật sự đã làm ngơ để cho cuộc thảm sát có thể xảy ra.”
14. Phiến quân Colombia ngừng bắn trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng
Các nhà lãnh đạo của Lực lượng Giải phóng Dân tộc (ELN) ở Colombia nói rằng họ hy vọng đạt được thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ nước này trong chuyến viếng thăm vào tháng 9 của Đức Giáo Hoàng.
Một đại diện của ELN nói với thông tấn xã Reuters rằng nếu nhóm này không thể đạt được một sự đồng ý với chính phủ, thì họ cũng sẽ thông báo một lệnh ngừng bắn đơn phương để bày tỏ lòng kính mến Đức Giáo Hoàng.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một vị Giáo Hoàng được nhiều người yêu mến và những gì mà người Colombia có thể làm để đón tiếp ngài là một cử chỉ ủng hộ cho tiến trình hoà bình mà ngài cổ suý.”
ELN hiện đang tiến hành đàm phán với chính phủ Colombia về một hiệp định hòa bình vĩnh viễn. Một nhóm phiến quân lớn khác, là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, đã ký một thỏa thuận hòa bình với chính phủ.
15. Nhà thờ Công Giáo ở Somaliland được mở cửa trở lại, rồi lại bị đóng
Hôm 29 tháng 7, một nhà thờ Công Giáo ở Somaliland được mở cửa trở lại sau 30 năm bị cấm không cho hoạt động. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, nhà thờ đã bị đóng cửa dưới sức ép của người Hồi giáo địa phương.
Somaliland là một lãnh thổ tự trị của Somalia, nơi việc bách hại đạo thánh Chúa rất gay gắt. Chính quyền Somaliland, dưới các áp lực quốc tế, đã cho phép khôi phục và mở cửa trở lại nhà thờ Thánh Antôn thành Padua ở Hargeisa. Đây là một thành phố với 1.5 triệu dân. Cùng với việc cho mở cửa trở lại, chính quyền Somaliland cũng nhấn mạnh cam kết của họ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng.
Tám ngày sau khi nhà thờ được mở cửa, Skeikh Khalil Abdullahi, bộ trưởng bộ tôn giáo Somaliland tuyên bố rằng “chính phủ đã quyết định tôn trọng mong muốn của người dân và các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ, và đóng cửa nhà thờ như trong 30 năm qua”.