Video: Phép lạ do lời cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

 

1.Đức Thánh Cha quở trách các cựu viên chức Vatican “tự xem mình như những vị tử đạo”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích các quan chức Vatican vì “tham vọng”, “kiêu căng” và “thói tự quy chiếu” trong bài phát biểu quan trọng hàng năm của ngài trước giáo triều Rôma hôm thứ Năm 21 tháng 12.

Diễn từ hàng năm trước Giáo triều Rôma, được đưa ra vào những ngày trước Giáng sinh, trong những năm gần đây thường được xem một “lời mời gọi bừng tỉnh”. Năm 2014, Đức Phanxicô đã đưa ra danh sách các loại “bệnh tật” như “tâm thần tinh thần” và “tâm thần phân liệt hiện sinh”.

Năm nay, Đức Giáo Hoàng lại đưa ra những chỉ trích nghiêm khắc đối với các nhân viên của ngài, liên quan đến các cuộc tranh luận công khai gần đây.

Đức Giáo Hoàng đã tố cáo một “logic không cân bằng và thoái hoá trong các mưu toan và những hội kín mà trên thực tế đại diện cho… một căn bệnh ung thư dẫn đến sự tự quy chiếu về mình”.

Ngài cũng nhắc đến các cựu viên chức đã bị loại sau khi bị “băng hoại bởi tham vọng và kiêu căng”, và sau khi rời khỏi chức vụ của họ, họ đã coi mình là các vị “tử vì đạo” của hệ thống, của “một vị giáo hoàng không hề báo trước”, của “một kẻ bảo thủ già nua”.

Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) đã là trọng tâm của cuộc tranh luận gần đây. Ba quan chức đã bị loại khỏi chức vụ của họ, bất chấp những lời phản kháng của Đức Hồng Y Gerhard Müller, là người sau đó cũng không được lưu nhiệm sau khi hết nhiệm kỳ. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử Vatican hiện đại.

Đức Hồng Y Müller đã phàn nàn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã không đưa ra lý do. Cũng như ngài đã không đưa ra lý do nào để miễn nhiệm ba thành viên có năng lực cao của CDF vài tháng trước đó “.

Đức Hồng Y Müller nói thêm: “Tôi không thể chấp nhận cách làm việc này. Là một giám mục, ta không thể đối xử với con người theo cách này.”

Một quan chức nổi bật khác đã bị loại trong năm nay là ông Libero Milone, tổng kiểm toán viên của Vatican, là người đã tuyên bố rằng ông bị buộc thôi việc bởi vì ông ta đang điều tra những vụ tham nhũng tài chính.

Trong bài diễn văn sáng 21 tháng 12, Đức Giáo Hoàng cũng ca ngợi các quan chức trong giáo triều Rôma làm việc với “sự tận tụy và thánh thiện tuyệt vời”.

Nhưng ngài thừa nhận những khó khăn trong việc cải tổ giáo triều khi trích dẫn một nhà chính trị sống ở thế kỷ XIX là người cho rằng: “Thực hiện cải cách ở Rôma giống như làm sạch các con Nhân sư Ai Cập bằng bàn chải đánh răng”.

2. Đức Thánh Cha phê bình thói lôi tin cũ ra đánh bóng thành tin mới của các ký giả

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích một thói xấu của các nhà báo là lôi các vụ xì căng đan cũ ra, thêm mắm dặm muối vào để làm thành tin mới. Ngài cho rằng đó là một “tội lỗi rất nghiêm trọng” làm tổn thương tất cả những người tham gia.

Trong buổi tiếp kiến dành cho các phương tiện truyền thông Công Giáo hôm thứ Bảy 16 tháng 12, Đức Thánh Cha nói rằng các nhà báo thực hiện một sứ mệnh nằm trong số những “nền tảng” cơ bản nhất đối với các xã hội dân chủ.

Nhưng ngài nhắc nhở họ phải cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và không thể chỉ có một chiều.

Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em không nên rơi vào những tội lỗi của truyền thông: đó là thông tin sai lệch, một chiều, thêm mắm dặm muối, phỉ báng, tìm kiếm những tin tức cũ đã được xử lý rồi thêm thắt để đưa ra như những tin mới”.

Ngài gọi những hành động đó là “tội lỗi nặng nề làm tổn thương đến nhà báo và làm tổn thương người khác”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Trong thời đại chúng ta, nhiều người thường lo lắng vì vận tốc, vì ước muốn truyền đi những tin giật gân, mà ít để ý đến sự chính xác và đầy đủ, bị cảm xúc hướng dẫn; thay vì những suy tư chín chắn, đáng tin cậy với những dữ kiện và tin tức được kiểm chứng, không nhắm gây ngạc nhiên và cảm xúc, nhưng chủ ý làm tăng trưởng nơi các độc giả một ý thức lành mạnh phê bình, giúp họ đặt những câu hỏi thích hợp và đạt tới những kết luận có lý chứng”.

Trong sứ điệp truyền thông sắp tới của mình, Đức Thánh Cha sẽ bàn về tác hại của “tin giả”.

3. Hội Đồng Thần Học bộ Tuyên Thánh công nhận một phép lạ do lời cầu bầu của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, được Đức Thánh Cha Phêrô Phanxicô tuyên chân phước vào năm 2014, có nhiều hy vọng sẽ được tuyên thánh trong năm 2018.

Trong một bài báo có tựa đề “Năm của Thánh Phaolô Đệ Lục”, tạp chí hàng tuần của giáo phận Brescia, là tờ La voce del popolo, viết rằng vào ngày 13 tháng 12, các nhà thần học thuộc Bộ Tuyên Thánh Vatican đã công nhận một phép lạ do sự cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Montini, sau khi Hội Đồng Tư Vấn Y Khoa của Bộ Tuyên Thánh xác nhận là phép lạ. Tại thời điểm này, nếu được các Hồng Y trong Bộ Tuyên Thánh, và Đức Giáo Hoàng đồng thuận Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sẽ được tuyên thánh.

Phép lạ liên quan đến sự chào đời của một bé gái tại thành phố Verona tên là Amanda. Năm 2014, thai nhi đã sống sót trong nhiều tháng mặc dù thực tế là nhau thai đã bị bể.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên chân phước cho vị tiền nhiệm của mình vào ngày 19 tháng 10 năm 2014, khi kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Gia đình.

Nhật báo của giáo phận Brescia viết “Những tin đồn nhất quán và những diễn biến nhanh chóng cho chúng ta thấy rằng năm 2018 chắc chắn sẽ là năm tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục”. Tất cả các thủ tục chính thức cuối cùng đã diễn ra vào ngày 13 tháng 12 tại ủy ban thần học. Phép lạ được cho là do lời cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Montini về việc chữa lành một bào thai vào năm 2014 đã được chấp thuận. Một người mẹ đang mang thai ở Verona, có nguy cơ sảy thai, đã đến đền thánh “delle Grazie” để cầu nguyện cùng vị Giáo Hoàng vừa được tuyên Chân Phước vài ngày trước đó.

Sau đó, một bé gái sức khoẻ tốt đã được chào đời mặc dù các bác sĩ đã hoàn toàn bó tay vì nhau thai đã bị bể.

Tờ La voce del popolo kỳ vọng rằng Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục có thể sẽ được tuyên thánh vào tháng Mười năm 2018 khi xảy ra Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên từ ngày 3 đến 28 tháng 10.

4. Nhiều khách hành hương hủy bỏ chuyến đi mừng Chúa Giáng Sinh tại Thánh Địa

Hôm 6 tháng 12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố Hoa Kỳ sẽ chuyển Đại sứ quán của mình từ Tel Aviv, nơi có hầu hết các đại sứ quán nước ngoài, tới Giêrusalem. Tuyên bố này đã khởi đầu cho những lời lên án và các cuộc biểu tình trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Gaza, Bờ Tây và Giêrusalem.

Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa, giám quản tông tòa của Tòa Thượng Phụ Nghi Lễ Latinh Giêrusalem, cho biết tuyên bố của ông Trump đã tạo ra căng thẳng xung quanh vấn đề Giêrusalem và một số khách hành hương đã hủy bỏ chuyến đi của họ tới Giêrusalem trong mùa lễ này. Giáo Hội địa phương đang phải vật lộn với những khó khăn để Giáng sinh vẫn “được cử hành với niềm vui”.

Giáo hội đã không hủy bỏ bất kỳ sự kiện Giáng sinh công cộng truyền thống nào, mặc dù thị trưởng Nazareth đã hủy bỏ một số lễ mừng do thành phố tổ chức.

Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nói tuyên bố của ông Trump làm tăng thêm sự thất vọng của người Palestine, là những cảm thấy thế giới đang cư xử bất công đối với họ trong việc giải quyết các xung đột với Israel. Ngài nói, mọi người đang mệt mỏi vì bạo lực dưới mọi hình thức, và đang chờ đợi “công lý, quyền và chân lý”.

Người Palestine cũng mệt mỏi vì vẫn phải vật lộn với những vấn đề như đoàn tụ gia đình và tự do đi lại.

5. Quan điểm của Tòa Thượng Phụ Giêrusalem về tuyên bố của tổng thống Trump

Tình trạng hiện tại của Giêrusalem cần phải được giữ nguyên cho đến khi người Palestine và người Do Thái đạt được thỏa thuận với nhau, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, giám quản tông tòa của Tòa Thượng Phụ Nghi Lễ Latinh Giêrusalem nhấn mạnh như trên trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 20/12.

“Hiện trạng của thành thánh Giêrusalem đang ảnh hưởng đến cuộc sống mong manh giữa các cộng đồng khác nhau. Nó chỉ nên được thay đổi thông qua đối thoại”, Đức Tổng Giám Mục nói với các nhà báo tại Toà Thượng phụ Latinh.

Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nói thêm: “Tôi không thấy có vấn đề gì khi Giêrusalem là biểu tượng quốc gia của cả người Palestine và Israel, nhưng Giêrusalem không chỉ là vấn đề về chính trị, chủ quyền và biên giới. Đó là cái gì đó vượt xa hơn những điều đó. Nó là một biểu tượng phổ quát cho hàng tỷ tín hữu, và chúng ta không thể quên điều đó.”

Giêrusalem được xem là thánh địa thiêng liêng đối với Kitô hữu, người Hồi giáo và Do Thái và cả Palestine lẫn Israel đều muốn xem đây là thủ đô tương lai của mình. Tình trạng tương lai của thành phố này đã là một điểm then chốt trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, vốn đã bị trì hoãn kể từ năm 2014.

Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi chống lại các quyết định đơn phương của một người nhằm chống lại người kia.”

Khi được hỏi ngài sẽ nói gì với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence, là người dự kiến sẽ thăm viếng Giêrusalem vào tháng Giêng 2018 tới đây, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nói ngài sẽ đề nghị Hoa Kỳ: “Hãy lắng nghe nhiều hơn. Đó là thông điệp của tôi với ông ta”

Trả lời một câu hỏi khác, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nói rằng các nhà thờ địa phương sẽ lúng túng nếu vào thời điểm đó các quan chức Mỹ yêu cầu đến thăm các nơi thánh với tư cách chính thức.

“Nếu họ đến như những người hành hương, chúng tôi không thể từ chối… nhưng đôi khi chúng ta không thể bỏ qua các hậu ý chính trị. Chúng tôi muốn giữ liên lạc với người Mỹ. Nhưng chúng tôi phải tìm ra một phương cách thận trọng”.

6. Thánh lễ an táng Đức Hồng Y Bernard Law, một đại ân nhân của người tị nạn Việt Nam

Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã cử hành thánh lễ an táng cho Đức Hồng Y Bernard Law, một trong những đại ân nhân của người tị nạn Việt Nam, tại Bàn Thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô hôm thứ Năm 21 tháng 12.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Sodano nói: “Thật không may, mỗi người trong chúng ta đôi khi có thể không trung thành với sứ mệnh của mình. Đó là lý do tại sao, vào đầu mỗi Thánh Lễ, chúng ta đọc “Kinh Cáo Mình”, với lời cầu nguyện bắt đầu như sau: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều.”

Đức Hồng Y Law đã qua đời tại một bệnh viện ở Rôma vào sáng Thứ Tư 20 tháng 12.

Đức Thánh Cha Phanxicô, như thông lệ đối với các thánh lễ an táng của các vị Hồng Y qua đời ở Rôma, đã đến vào cuối Thánh lễ để chủ sự nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt (Commendatio and Valedictio). Trong nghi thức tang lễ Công Giáo, nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt cuối cùng là những lời cầu nguyện chính thức ủy thác người đã chết cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng đọc những lời cầu nguyện bằng tiếng Latinh, rảy nước thánh và xông hương trên chiếc quan tài của Đức Hồng Y. Nhưng ngài không đưa ra nhận xét gì về Đức Hồng Y hay cuộc đời của người quá cố.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Sodano đã nói với một nhóm nhỏ chừng 200-250 người tháp tùng trong những giờ phút sau cùng rằng Đức Hồng Y Bernard Law đã cống hiến cuộc sống của mình cho Giáo Hội với 56 năm phục vụ như là một linh mục, giám mục và Hồng Y của tổng giáo phận Boston trước khi được bổ nhiệm làm Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma.

Đức Hồng Y Sodano nói: “Chính ở đây, ở Rôma, ngài nhắm mắt trước thế giới này để lại mở mắt ra trong ánh sáng vĩnh hằng.”

Có 30 Hồng Y hiện diện tại lễ tang, bao gồm các Hồng Y Hoa Kỳ là Raymond Burke, Edwin O’Brien, James Harvey và Kevin Farrell.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và người tiền nhiệm của ngài, là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, cũng hiện diện trong thánh lễ.

Bà Callista Gingrich, tân đại sứ Hoa Kỳ, là người sẽ trình quốc thư lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong vai trò đại sứ Mỹ tại Toà Thánh vào sáng thứ Sáu 22 tháng 12, và chồng bà, là cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, cũng tham dự tang lễ.

Đức Hồng Y Sean O’Malley, người kế nhiệm Đức Hồng Y Law ở Boston, nói trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Theo truyền thống Công Giáo, Thánh lễ an táng người Kitô hữu là thời điểm chúng ta nhận ra sự mỏng dòn của chúng ta, khi chúng ta thừa nhận rằng tất cả chúng ta cố gắng để được nên thánh trong một cuộc hành trình có thể được đánh dấu bởi những thất bại lớn nhỏ.”

Đức Hồng Y sẽ được chôn cất dưới tầng hầm Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, nơi ngài đã làm Giám Quản từ năm 2004 đến năm 2011.

Đám tang của Đức Hồng Y Law đã làm bùng lên những phản ứng tiêu cực của giới truyền thông. Đó là dịp để khơi lại những cáo buộc cho rằng ngài đã che đậy cho các linh mục lạm dụng tình dục tại tổng giáo phận Boston. Có thể Đức Hồng Y đã mắc những sai lầm trong cách thức đương đầu với những tai tiếng trầm trọng. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, ngài vẫn là một vị đại ân nhân.

Thật vậy, năm 1975, giữa làn sóng người Việt tị nạn đặt chân tới Hoa Kỳ, Ðức Giám Mục Law đã giúp định cư cho tất cả 166 Tu Sĩ và Chủng Sinh Dòng Ðồng Công. Thấu hiểu hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam, vào năm 1991, Ðức Hồng Y Law đã viếng thăm Việt Nam và tại Hà Nội Ngài đã gặp Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.

Ngài cũng từng tham dự và đi kiệu cùng với khoảng 60, 000 giáo dân Việt Nam tại Ðại Hội Thánh Mẫu Dòng Ðồng Công vào năm 2002. Để nâng đỡ Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh bị thử thách, sau biến cố Tòa Khâm Sứ, ngày 22 tháng 11 năm 2009, Đức Hồng Y Bernerd Law đã tới Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội để đồng tế với Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

7. Những cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong Mùa Giáng Sinh

Theo thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, trưa 24 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và du khách hành hương và ban huấn từ liên quan đến Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng.

Lúc 9 giờ 30 phút tối 24 tháng 12, ngài sẽ cử hành Thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trưa ngày 25 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” gởi dân thành Rôma và toàn thế giới và ban phép lành Tòa Thánh cho những người hiện diện cũng như tất cả những ai theo dõi qua các đài phát thanh, các đài truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Chiều ngày cuối năm 31 tháng 12, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể “Te Deum” tạ ơn Chúa đã ban muôn ơn lành cho Giáo Hội trong năm 2017.

8. Những hoạt động của Đức Thánh Cha trong Tháng Giêng

– Sáng ngày 1 tháng Giêng, lúc 10h sáng, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Ngày Hoà bình Thế giới.

– Ngày 6 tháng Giêng, lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 10h sáng.

– Một ngày sau đó, ngày 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa tại nhà nguyện Sistina và ban phép rửa tội cho một số trẻ sơ sinh.

– Từ ngày 15 đến 22 tháng Giêng, Đức Thánh Cha tông du Chile và Peru. Đây là chuyến tông du thứ sáu của ngài tại Mỹ Châu. Trước đó, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Brazil, Ecuador, Bolivia, Paraguay, Cuba, Mễ Tây Cơ và Colombia.

9. Nhận định của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô về vai trò của tôn giáo trong thế giới ngày nay

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, là Thượng Phụ Danh Dự của Chính Thống Giáo, đã được Đại Học Hebrew ở Giêrusalem trao bằng tiến sĩ danh dự. Trong bài phát biểu của ngài nhân dịp này, được Tòa Thượng Phụ Contantinople công bố hôm 21 tháng 12, Đức Thượng Phụ đã nêu ra một số nhận định sau:

Sự bùng phát liên tục của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và những hành vi bạo lực khủng khiếp nhân danh tôn giáo đã tạo ra thêm các luận cứ chống lại đức tin cho những nhà phê bình tôn giáo hiện đại. Họ không ngần ngại đồng hóa tôn giáo với các khía cạnh tiêu cực.

Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay là một vấn đề thuộc linh. Nó liên quan đến cách mà chúng ta nhận thức mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với chính chúng ta, đối với những người đồng loại của chúng ta và với thiên nhiên như một tổng thể. Tôn giáo có thể tạo ra nguồn cảm hứng tinh thần và đưa ra các định hướng rất cần thiết cho thời đại chúng ta. Thực tế là tôn giáo có thể nhân bản hóa con người và có thể hỗ trợ cho cuộc đấu tranh cho tự do, hòa bình và công lý.

Tuy nhiên, chẳng may là tôn giáo cũng có thể bị lạm dụng để xô đẩy con người đến chỗ cuồng tín và vô nhân đạo khi người ta nuôi dưỡng những thái độ cực đoan, bất bao dung và hiếu chiến. Do đó, tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nhân loại hiện nay không phải là “có tôn giáo hay không có tôn giáo”, mà là: “loại tôn giáo nào.” Tôn giáo chân thật phải đóng góp vào việc bảo vệ tự do của con người, đối thoại – hướng dẫn mọi người thay đổi tâm trí và cuộc sống – và đưa con người đến chiều sâu Chân lý.

Sai lầm lớn nhất của chúng ta không phải là chúng ta mong đợi quá nhiều từ tôn giáo trước các vấn đề liên quan đến hòa bình, tình liên đới, ý nghĩa của cuộc sống và đích điểm vĩnh cửu của con người và tạo vật, mà đúng hơn là chúng ta đã ngưng không mong đợi gì từ sức mạnh tâm linh vĩ đại này – vốn có nguồn gốc sâu xa trong tâm hồn con người.

10. Cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về tình trạng của Giêrusalem

193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức một phiên họp đặc biệt khẩn cấp vào ngày thứ Năm 21 tháng 12 theo yêu cầu của các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel.

Đặc sứ của Palestine tại Liên Hiệp Quốc, là ông Riyad Mansour, nói rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu cho một dự thảo nghị quyết kêu gọi tổng thống Trump hủy bỏ tuyên bố hôm 6 tháng 12 của mình. Điều này đã bị Hoa Kỳ bác bỏ trong phiên họp 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai.

14 thành viên khác của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Ai Cập, không đề cập cụ thể đến Hoa Kỳ hay tổng thống Trump, nhưng đã bày tỏ “rất tiếc về những quyết định gần đây liên quan đến tình trạng của Giêrusalem”.

Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley, trong bức thư gửi tới hàng chục quốc gia Liên hợp quốc hôm thứ Ba cảnh báo rằng chính quyền Trump sẽ ghi tên những quốc gia nào bỏ phiếu cho nghị quyết chỉ trích quyết định của tổng thống Trump.

“Tổng thống sẽ theo dõi cuộc bỏ phiếu này một cách cẩn thận và yêu cầu tôi báo cáo về những quốc gia nào đã bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Chúng tôi sẽ lưu ý đến từng cuộc bỏ phiếu về vấn đề này”, bà Haley viết.

Bà cũng lặp lại lời cảnh cáo này trên Twitter.

Tuy nhiên, bất chấp những đe dọa từ phía Hoa Kỳ 128 nước đã bỏ phiếu chống lại quyết định của tổng thống Trump, 35 nước bỏ phiếu trống và 9 nước bày tỏ sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ.

Các nước đồng minh chính của Hoa Kỳ là Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản nằm trong danh sách 128 quốc gia đã bỏ phiếu chống lại quyết định của tổng thống Trump. Úc Đại Lợi và Gia Nã Đại nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trống.

Cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về tình trạng của Giêrusalem chỉ có tính chất chính trị nhằm gây sức ép lên chính quyền Hoa Kỳ. Nó không có một hiệu lực pháp lý cụ thể nào.

11. Giáng Sinh tại miền đất vừa được giải phóng khỏi bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Trong các ngôi làng của họ trên vùng đồng bằng Nineveh, các Kitô hữu Iraq đang ăn chay 9 ngày trước lễ Giáng sinh. Đây là lễ Giáng Sinh đầu tiên của họ kể từ khi khu vực này được giải phóng khỏi bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Lễ Giáng sinh trên vùng bình nguyên Ninivê không chỉ là lễ kỷ niệm Ngôi Hai xuống thế làm người, mà còn là một thể hiện cho niềm hy vọng phục sinh của Kitô giáo.

Hơn 150,000 Kitô hữu đã bị trục xuất khỏi quê hương của mình qua chiến dịch diệt chủng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chỉ còn 250,000 Kitô hữu được ước tính đang ở lại Iraq. Trong tháng 12 này Ủy ban Tái thiết Nineveh cho biết 1/3 số người Kitô hữu di dời đã trở về nhà của họ.

Kitô hữu đang xây dựng lại ngôi nhà, nhưng tốc độ chậm. Thị trấn không có nước uống, và các gia đình đang dựa vào máy phát điện riêng để cung cấp điện cho ngôi nhà của mình. Chi phí trung bình để xây dựng lại một ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn là 60,000 Mỹ Kim. Ước tính tối thiểu để sửa chữa ngôi nhà bị hư hỏng nhẹ là khoảng 5,000 Mỹ Kim. Đó là một chi phí quá cao cho những Kitô hữu sống sót sau chiến dịch diệt chủng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Khoản tiền tiết kiệm của họ đã bị mất trong chiến tranh hoặc đã phải bỏ ra chi tiêu trong thời gian đi tị nạn.

Cha Salar Kajo, Tổng đại diện của giáo phận Alqosh, nói với tờ National Catholic Register của Hoa Kỳ rằng tại Telleskuf các Kitô hữu đang dần dần “bước vào cuộc sống bình thường. Họ đã tái thánh hiến và mở cửa trở lại nhà thờ Thánh George. Những người trẻ đã làm một hang đá lớn cùng một cây thông Noel thật cao.

“Chúng tôi cảm thấy rằng Giáng sinh này là một Giáng sinh rất đặc biệt đối với chúng tôi sau ba năm bị di dời khỏi làng mạc của chúng tôi”, Cha Kajo nói.

Cha Jarhola, không được may mắn như cha Kajo, nhà thờ của ngài vẫn chưa được tái thiết. Năm nay ngài sẽ cử hành thánh lễ nửa đêm dưới bầu trời đầy sao bên trong một ngôi thánh đường bị cháy rụi chỉ còn sót một vách tường.

Tuy nhiên ngài nói: “cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ bị đốt cháy sẽ gửi một thông điệp lớn: cuộc sống đã vươn lên từ cái chết.”

12. 250,000 nhân viên cảnh sát được triển khai để bảo vệ lễ Giáng Sinh tại Indonesia

Indonesia sẽ triển khai khoảng 250,000 nhân viên cảnh sát trong dịp Giáng Sinh và đầu Năm Mới. Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Tito Karnavian cho biết như trên hôm thứ Năm 21 tháng 12.

Ông lên tiếng kêu gọi dân chúng bình tĩnh sau khi một nhóm Hồi giáo cực đoan đe doạ tiến hành “chiến dịch thanh trừng” chống lại các doanh nghiệp buộc người Hồi giáo phải đội nón ông già Noel như một hình thức quảng cáo.

Riêng tại thủ đô Jakarta 155,000 nhân viên cảnh sát đã được triển khai vào dịp Giáng sinh và Năm mới – trong một buổi lễ khởi động Chiến dịch Lilin tại Quảng trường Tượng đài Quốc gia ở Jakarta.

Trong buổi lễ này trước hàng ngàn sĩ quan cảnh sát, quân đội và cơ quan công an, tướng Tito đã đánh giá thấp mối quan ngại về các cuộc tấn công. Ông nói:

“Chúng tôi đã không phát hiện bất kỳ mối đe dọa tấn công của các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cảnh giác, có thể có những con sói hoặc những cá nhân có thể mở các cuộc tấn công.”

“Sói đơn độc là những cá nhân đã trở nên cực đoan hơn đối với những nội dung trên internet. Họ học cách chế tạo bom từ internet và nơi ở của họ khó bị phát hiện. Chúng ta chỉ có thể bắt giữ họ sau một cuộc tấn công”.

Đầu tháng này, tổ chức chống khủng bố quốc gia Densus 88 đã bắt giữ 20 nghi can khủng bố ở bốn tỉnh.

“Chúng ta đã mở các cuộc hành quân và chúng ta đã bắt giữ hầu hết các nhóm mà chúng ta tin là có tiềm năng tấn công khủng bố.”

Tito cho biết cảnh sát sẽ tăng cường an ninh tại các nhà thờ và các điểm giải trí.

13. Đức Thánh Cha gởi tặng các tù nhân 350 chiếc bánh Panettoni mừng Giáng Sinh

Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày thứ Sáu 22 tháng 12 cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi tặng cho các tù nhân trong trại tù Rebibbia 350 chiếc bánh Panettoni để mừng Giáng Sinh.

Bánh Panettoni là một loại bánh truyền thống người Ý thường ăn trong các dịp lễ lớn. Loại bánh này không chỉ được ưa chuông tại Ý mà còn rất phổ biến cả ở các cộng đồng người Ý ở hải ngoại.

Nhà tù Rebibbia ở vùng ngoại ô nằm ở phía Đông Bắc Rôma đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm và dâng lễ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2 tháng Tư 2015. Khi cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà nguyện “Padre Nostro” trong khuôn viên nhà tù, Đức Thánh Cha đã rửa chân cho một số nam tù nhân trong trại Rebibbia và cả một số nữ tù nhân đến từ một nhà tù phụ nữ gần đó.

Trước đó, vào Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng 18 tháng 12 năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng đã viếng thăm nhà tù Rebibbia. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là một cuộc gặp gỡ rất xúc động. Ngài ân cần trò chuyện với các phạm nhân trong thời điểm gần Giáng Sinh khi họ cảm thấy nhớ nhà, bị bỏ rơi, xã hội không ai quan tâm đến họ.

14. Thái tử Charles: Tôi nghẹn lời trước tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô

Thái tử xứ Wales nói rằng ông “xúc động sâu xa” khi được biết về cuộc bách hại mà các Kitô hữu đã phải chịu đựng ở Trung Đông

Trong bài phát biểu với các thành viên của cộng đoàn Công Giáo Melkite nghi lễ Đông phương hôm 19 tháng 12, Thái tử Charles nói ông cảm thấy “bàng hoàng đến nghẹn lời” trước những cuộc bách hại mà họ đã phải chịu đựng ở Syria.

Ông nói: “Là một người trong suốt cuộc đời, đã cố gắng, trong bất kỳ mọi cách dù nhỏ đến đâu đi nữa, nếu có thể tôi luôn thúc đẩy sự hiểu biết giữa những người có niềm tin, và xây dựng các cây cầu giữa các tôn giáo lớn trên thế giới, tôi thật đau lòng không nói lên lời trước bao nhiêu nỗi đau và nỗi buồn những Kitô hữu đang phải chịu đựng, ngày hôm nay cũng như thời gian qua, chỉ vì đức tin của họ.”

“Trong tư cách là các Kitô hữu, tất nhiên, chúng ta nhớ lời Chúa đã kêu gọi chúng ta hãy yêu thương kẻ thù của chúng ta và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình. Nhưng trước những người phải đối mặt với hận thù và áp bức như vậy, tôi hình dung ra thật là cực kỳ khó khăn để noi theo gương Chúa Kitô”

Buổi gặp gỡ giữa thái tử Charles và cộng đoàn Công Giáo Melkite nghi lễ Đông phương đã diễn ra tại nhà thờ Anh Giáo St Barnabas Anglican ở Pimlico, nơi đã hào hiệp cho phép những người Công Giáo Melkite nghi lễ Đông phương chạy trốn cuộc bách hại ở Trung Đông được cử hành Phụng vụ mỗi Chúa Nhật.

Bài phát biểu của thái tử được đưa ra một năm sau khi ông nói với đài BBC rằng cuộc bách hại chống lại các Kitô hữu đang bị người ta cố ý lờ đi. Ông nhớ lại đã gặp một linh mục Dòng Tên từ Syria, người đã phác hoạ cho ông thấy “cuộc sống trở nên thê thảm như thế nào đối với những Kitô hữu không chạy thoát được” bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

“Rõ ràng đối với những người như vậy, tự do tôn giáo là sự lựa chọn hằng ngày giữa cuộc sống và cái chết. Quy mô của cuộc bách hại tôn giáo trên toàn thế giới không được đánh giá đúng mức, và cũng không phải chỉ giới hạn đối với các Kitô hữu trong các vùng khói lửa Trung Đông.

15. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những nạn nhân bão lụt ở Phi Luật Tân

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người bị mắc kẹt trên đảo Mindanao tại Phi Luật Tân, nơi có ít nhất 200 người thiệt mạng vì lũ lụt và sạt lở đất và nhiều người bị mất tích.

Sau kinh truyền tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn bảo đảm lời cầu nguyện của tôi với người dân trên quần đảo Mindanao ở Phi Luật Tân, nơi đã gánh chịu một cơn bão gây ra thiệt hại nặng cho rất nhiều nạn nhân và tàn phá rất nghiêm trọng”.

“Nguyện xin Chúa nhân từ đón nhận linh hồn của những người quá cố, và an ủi những người đau khổ vì thiên tai này”.

Các nhân viên cứu cấp ở Phi Luật Tân đang tìm kiếm những người còn sống sót sau cơn bão Tembin.

Chính phủ Phi Luật Tân bày tỏ lo ngại rằng số người chết có thể sẽ tăng lên khi các toán cứu cấp đến được cộng đồng nông trại xa xôi và các khu vực ven biển. Theo các quan chức Phi Luật Tân 159 người bị liệt kê là mất tích trong khi khoảng 70,000 người đã bị buộc phải rời khỏi nhà cửa của họ.

Binh lính và cảnh sát đã tham gia cùng các nhân viên tình nguyện để khẩn cấp tìm kiếm những nạn nhân và những người bị mất tích, làm sạch môi trường và khôi phục lại điện và đường giao thông.

Phi Luật Tân còn phải gánh chịu thêm một tai họa khác là cái chết của ít nhất 37 người trong một đám cháy tại một trung tâm mua sắm vào đêm Giáng sinh ở thành phố Davao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *