Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/02/2019: ĐHY Rainer cảnh báo xu hướng bội giáo của một số Giám Mục Đức

 

1. Các giám mục Venezuela tố cáo các hành động phi pháp của Biệt đội Tử thần

Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Venezuela vừa đưa ra lời kêu gọi các lực lượng an ninh phải tôn trọng các nguyên tắc được ghi trong Hiến pháp nhằm bảo vệ quyền chính đáng của các công dân.

Các giám mục Venezuela Venezuela đã lên án những gì các ngài gọi là sự vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của con người bởi lực lượng cảnh sát và an ninh mật và kêu gọi các Công tố viên thực thi quyền lực của mình nhân danh công lý.

Bất kể nguyện vọng chính đáng của người dân Venezuela được thể hiện qua hàng loạt các cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người trở lên, tên độc tài Nicolas Maduro đã cố gắng bám víu quyền lực bằng bạo lực. Hắn cho Biệt đội Cảnh sát Hành động gọi tắt là FAES ban đêm đến nhà những người tham gia vào các cuộc biểu tình để đe dọa và trong nhiều trường hợp đã giết hại những người này. Người dân Venezuela gọi FAES là “Biệt đội Tử thần”. Chúng đeo mặt nạ và giết người trong đêm khuya.

Một tuyên bố được đưa ra bởi Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Venezuela đã tố cáo các cuộc đột kích vào ban đêm, những vụ bắt giữ, giam giữ và thủ tiêu gần đây do lực lượng an ninh thực hiện chống lại các thành viên của các tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền.

Tuyên bố nhấn mạnh các vi phạm liên tục từ phía cảnh sát, đặc biệt là về các quyền liên quan đến sức khỏe con người, đặc biệt là việc từ chối cung cấp thuốc cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính và nghiêm trọng.

Tuyên bố chỉ ra rằng một phần lớn các loại thuốc này đã được các nhà tài trợ quốc tế quyên góp trong nỗ lực hỗ trợ người dân dễ bị tổn thương trong tình trạng khẩn cấp về nhân đạo.

Ủy ban nói rằng lời kêu gọi của mình được gởi đến các công tố viên dựa trên Tin Mừng và Học thuyết xã hội của Giáo hội, cũng như Hiến pháp Venezuela.

Các giám mục nói rằng các ngài “phản đối và lên án các hành vi vi phạm các nhân quyền cơ bản theo Điều 83 và 84 của Hiến Pháp” và chỉ ra rằng những Điều khoản đó buộc nhà nước phải thực thi nghĩa vụ của mình là bảo đảm mọi quyền của công dân.

Tiêu đề trong tuyên bố của Ủy ban Công lý và Hòa bình Venezuela được linh hứng từ Tám Mối Phúc Thật “Phúc cho ai chịu bách hại vì thực thi điều ngay thẳng, vì nước Trời là của họ”

Tuyên bố được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Robert Luckert là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Venezuela, và là Tổng Giám mục tổng giáo phận Coro, và vị Tổng Thư Ký Ủy ban là Cha Saul Ron Braasch.

2. Tổng Giám Mục Madagascar tố cáo cảnh sát cho cướp thuê vũ khí đi cướp bóc, giết chết một linh mục

Trong bản tin đánh đi từ Madagascar hôm 20 tháng Hai, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Đức Cha Odon Marie Arsène Razanakolona, Tổng Giám mục Antananarivo, đã bày tỏ sự tức giận của ngài trước cái chết thương tâm của Cha Nicolas Ratodisoa, nạn nhân của một vụ tấn công tàn bạo vào ngày 9 tháng 2 và chết vào ngày 14 tháng 2 do vết thương quá nặng của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Odon Razanakolona tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại về cái chết của vị linh mục làm việc tại trung tâm đào tạo Soanavela.

Cha Ludovic Rabenatoandro, Tổng Đại Diện của Tổng Giáo Phận Antananarivo, là người đã thu thập lời khai của Cha Nicolas vài ngày trước khi vị linh mục qua đời, cho biết như sau: Vào ngày 9 tháng Hai, khoảng 6h30 tối, khi đang đi xe máy tại khu vực Mahitsy trên đường về trung tâm đào tạo Soanavela sau khi trao Mình Thánh Chúa cho một bệnh nhân tại một thị trấn nông thôn nằm cách thủ đô chỉ 30 km, Cha Nicolas bị một số tên cướp chặn lại.

Cha cố thoát thân nhưng bị bọn tội phạm bắn ngài từ sau lưng. Khi ngài đã ngã gục trên mặt đất, chúng bước lên người ngài và đá thêm ngài vài cú trước khi bắn thêm lần thứ hai.

Đức Tổng Giám Mục Odon Razanakolona đã nộp đơn khiếu nại cảnh sát về sự thiếu hiệu quả trong việc bảo vệ an ninh cho một khu vực chỉ cách thủ đô chưa đầy 30 km.

Ngài đòi hỏi lực lượng cảnh sát phải tiến hành rà soát lại lực lượng của mình và bài trừ nạn thm nhũng. Thực thế, một số cảnh sát viên đã đồng lõa với bọn tội phạm. Khi bị bắt một số tên cướp khai rằng chúng thuê vũ khí của cảnh sát và một số cảnh sát viên đã bị giam giữ chung với bọn cướp về tội này.

Trong vụ phục kích mà Cha Nicolas là nạn nhân, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng các lực lượng an ninh đã không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của dân chúng, và đã đến nơi phục kích với sự chậm trễ đáng kể. Người dân trong khu vực Mahitsy đã phàn nàn về sự thiếu phản ứng của lực lượng cảnh sát trong các cuộc tấn công khác trong vùng lân cận thành phố của họ.

Ủy ban Giám mục “Công lý và Hòa bình” cũng kêu gọi cảnh sát thực hiện các biện pháp để chống lại sự bất an đang gia tăng trong nước.

Tám người đã bị bắt liên quan đến vụ giết Cha Nicolas. Bộ trưởng Tư pháp đã cách chức viên chỉ huy trưởng cảnh sát Mahitsy và một số cảnh sát viên trong khu vực hiện đang bị điều tra về tội cho cướp thuê vũ khí đi cướp bóc.

3. Một linh mục từng giúp người tị nạn Venezuela bị giết.

Vào khoảng 7 giờ tối, giờ địa phương, thứ Hai, ngày 18 tháng 2 năm 2019, tại khu phố Tierra Buena của Patio Bonito, thuộc thị trấn Kennedy, phía nam thủ đô Bogotà của Colombia, linh mục Carlos Ernesto Jaramillo, 65 tuổi, bị sát hại. Văn phòng Công tố đang tiến hành điều tra tội phạm này.

Theo thông tin từ thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, người dân của khu chung cư nơi linh mục đã từng sống cho biết linh mục là người đang giúp đỡ những người di cư Venezuela, tận tụy với sứ vụ, là một vị linh mục đầy kinh nghiệm truyền giáo. Họ cho biết một số thanh niên giết linh mục để cướp của. Một nghi phạm trẻ vị thành niên trong lúc cảnh sát thẩm tra nói rằng linh mục đã cố lạm dụng người này. Cảnh sát hoài nghi lời tố cáo này.

Một người hàng xóm của cha Jaramillo nói: “Cha Jaramillo là một người rất tốt, ngài luôn mời mọi người đến tham dự thánh lễ. Ðêm qua cha ở cùng với hai thanh niên trong căn hộ của cha, và rồi một người bất ngờ báo với chúng tôi rằng người kia đã tẩu thoát với hai bàn tay dính đầy máu. Khi chúng tôi đến gặp, chúng tôi thấy linh mục bị thương”. Những người cứu hộ đã đưa cha đến bệnh viện, nhưng cha đã chết vì bị vô số vết thương do dao đâm. Cảnh sát đang phân tích các video an ninh và cho biết có thể có nghi phạm thứ ba liên quan đến tội phạm này.

4. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Köln /kœln/khuyên các Giám Mục Đức đừng tạo ra một “Giáo Hội mới”.

Ghi nhận những thách thức mà Giáo Hội ở Đức phải đối diện, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki /ˈraɪ̯nə maˈriːa ˈvœlki/ của tổng giáo phận Köln /kœln/ (tiếng Anh là Cologne /kəˈloʊn/) nói với hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ rằng trong cuộc tranh cãi về đường hướng của Giáo Hội, các giám mục được kêu gọi bảo tồn đức tin Công Giáo chứ không phải là đập đổ.

“Tình hình hiện tại ở Đức thực sự khó khăn. Và dường như có một cuộc tranh cãi về đường hướng chung của Giáo Hội khơi lên một phần từ những tai tiếng lạm dụng tính dục. Giờ đây, có những người cho rằng đã đến lúc phải xóa bỏ tất cả những gì chúng ta có cho đến nay. Từ bỏ thời xa xưa. Tôi nghĩ đó là một khái niệm rất nguy hiểm,” Đức Hồng Y Woelki nói với Martin Rothweiler, giám đốc các chương trình truyền hình của EWTN, hôm 13 tháng 2.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki đã dành cho EWTN cuộc phỏng vấn trên để bày tỏ các phản ứng của ngài trước một bức thư ngỏ được công bố trên các phương tiện truyền thông vào hôm Chúa Nhật 3 tháng Hai bởi chín người Công Giáo Đức, trong đó có hai linh mục Dòng Tên nổi tiếng.

Trong bài “Open letter to Cardinal Marx urges changes to Church teaching on sexual morality” – “Thư ngỏ gởi cho Đức Hồng Y Marx để thúc giục các thay đổi đối với giáo huấn của Giáo Hội về luân lý tình dục”, Anian Christoph Wimmer của thông tấn xã Catholic News Agency cho biết chi tiết về bức thư này như sau:

Những người ký tên đã đòi Giáo Hội phải đoạn tuyệt với các giáo huấn về luân lý tình dục.

Họ cũng kêu gọi tái cấu trúc Giáo Hội, cụ thể là “sự phân chia quyền lực” giữa Vatican và các Giáo Hội địa phương, phong chức linh mục cho phụ nữ, chấm dứt tình trạng độc thân linh mục bắt buộc và một loạt những thay đổi khác.

Bức thư được gửi đến Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, và kêu gọi ngài và các giám mục khác hãy quyết liệt “dẫn đầu phong trào Cải cách”, và hứa hẹn rằng các giám mục “cải cách” sẽ nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối của những người ký tên.

Tình hình Giáo Hội tại Đức hiện nay rất lạ lùng. Trước đây, những người hô hào “cải cách” là các nhà thần học hay các linh mục “nổi loạn” như Martin Luther, người đã dẫn đến việc hình thành đạo Tin Lành, trong khi đó các Giám Mục là những người quyết liệt bảo vệ đạo lý Công Giáo. Tình hình hiện nay ngược hẳn lại. Một số các Giám Mục Đức, như Đức Hồng Y Reinhard Marx, và Đức Hồng Y Walter Kasper lại là những người đặt hết vấn đề này sang vấn đề khác: cho người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, cho cả những người không Công Giáo rước Mình Thánh Chúa, tản quyền cho các Hội Đồng Giám Mục…

Trong số những người đã ký bức thư cần phải nhắc đến linh mục dòng Tên Ansgar Wucherpfennig, hiệu trưởng trường đại học Sankt Georgen ở Frankfurt, và một linh mục dòng Tên khác là cha Klaus Mertes. Ngoài ra, cũng phải kể thêm cha Julian zu Eltz Trưởng khoa Công Giáo của thành phố Frankfurt.

Các vị tên tuổi lẫy lừng này yêu cầu Giáo Hội Công Giáo nên nhấn nút “reset”, nghĩa là “xóa bàn làm lại” loại bỏ các giáo huấn truyền thống để tạo ra một khởi đầu mới về đạo đức tình dục, bao gồm cả “sự đánh giá hợp lý và công bằng về đồng tính luyến ái”.

Bức thư tiếp tục kêu gọi các giám mục theo đuổi một “sự phân chia quyền lực thực sự”, tuyên bố rằng điều này sẽ “phù hợp hơn với sự khiêm nhường của Chúa Kitô” và “mở ra khả thể phong chức cho phụ nữ”. Hơn nữa, những người ký tên còn yêu cầu rằng các linh mục triều phải được tự do lựa chọn có nên sống cuộc sống độc thân hay không.

Đáp lại trước những đòi hỏi này, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nói:

“Chúng ta là một phần của một Truyền thống vĩ đại. Giáo Hội cũng tiêu biểu cho những sự thật vượt thời gian. Và như thế nhiệm vụ của chúng ta bây giờ không phải là tự mình phát minh ra một Giáo Hội mới. Giáo Hội không phải là đòn bẩy mà chúng ta đã được trao để thao túng [khi chúng ta thấy thích hợp]. Trái lại, nhiệm vụ của chúng ta, trong tư cách các giám mục, là phải giữ gìn đức tin của Giáo Hội, vì đức tin này đã được truyền cho chúng ta từ các thánh Tông Đồ, và chúng ta được giao trọng trách công bố đức tin ấy một cách mới mẻ trong thời đại của chúng ta, và bảo tồn đức tin cho các thế hệ mai sau, cũng như truyền lại cho họ với những cách thức sao cho họ cũng có thể gặp gỡ Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ của họ.”

Đức Hồng Y Woelki nhận xét rằng, “một trong những thách thức cơ bản” mà Giáo Hội ở Đức phải đối mặt là giữ cho sống động câu hỏi về Thiên Chúa trong toàn xã hội chúng ta. Ngày càng có nhiều người tin rằng họ có thể sống cuộc sống của họ thoải mái và tốt đẹp hơn nếu không có Chúa. Chính tại đây, Giáo Hội có một nhiệm vụ rất quan trọng là làm rõ rằng Thiên Chúa hiện hữu, và trên thực tế, Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả mọi loài trên trời dưới đất. Do đó, câu hỏi về Thiên Chúa đối với tôi là một trong những thách thức cơ bản mà chúng ta cần phải giải quyết.”

Đức Hồng Y Woelki, 62 tuổi, đã làm Tổng giám mục Köln từ năm 2014. Ngài được thụ phong linh mục tại tổng giáo phận này vào năm 1984, và trở thành Giám Mục Phụ Tá vào năm 2003. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Berlin từ năm 2011 cho đến khi trở về Köln, sau khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong Hồng Y vào ngày 18 tháng Hai, 2012.

Ngài là một trong bảy giám mục Đức đã viết thư cho Vatican năm ngoái để yêu cầu làm rõ “sáng kiến” do Đức Hồng Y Marx khởi xướng và được các Giám Mục “cải cách” tại Đức ủng hộ nhằm cho người phối ngẫu theo đạo Tin lành của người Công Giáo được rước lễ.

Về vấn đề lạm dụng tính dục, Đức Hồng Y Woelki nói với EWTN rằng người Công Giáo ở Đức rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng lạm dụng: “Đã có một sự mất niềm tin lớn cả trong và ngoài Giáo Hội. Thách thức bây giờ là làm thế nào có thể phục hồi được niềm tin này.”

Về những đề nghị cải cách Giáo Hội, theo Đức Hồng Y Woelki, “phải nói một cách đơn giản rằng Giáo Hội chưa bao giờ được đổi mới bằng cách trở nên ít đi, nhưng bằng cách nhiều hơn” so với văn hóa xung quanh Giáo Hội. Một lần nữa, chúng ta phải nhận ra rằng là Kitô hữu, chúng ta phải nuôi dưỡng một nền văn hóa thay thế, liên kết chặt chẽ với các tiêu chuẩn của Tin Mừng và thánh ý Chúa Giêsu Kitô. Và như thế, chúng ta không ít đi để chiều theo văn hóa đương đại, nhưng phải luôn luôn nhiều hơn để thay đổi xã hội theo những tiêu chí của Tin Mừng.”

Văn hóa Kitô giáo này, theo ngài, “không thể đạt được bằng cách xóa bỏ tình trạng độc thân linh mục. Cũng không thể đạt được bằng cách phong chức cho phụ nữ. Và nó cũng chẳng đạt được bằng cách nói rằng chúng ta phải có một nền đạo đức tình dục mới. Không, Tin Mừng là và tiếp tục phải là hòn đá tảng. Đức tin của Giáo Hội phải tiếp tục là hòn đá tảng, giống như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày cho chúng ta trong Giáo lý của ngài”.

“Thách thức thực sự là làm chứng và công bố đức tin vượt thời gian này sao cho dễ hiểu và dễ cảm nhận đối với con người ngày nay. Đây là một thách thức mà chúng ta phải đối mặt, chứ không phải là thoái lui”.

Nền tảng cho niềm hy vọng cho Giáo Hội tại Đức, “là Chúa Kitô hiện hữu và tiếp tục là Chúa của Giáo Hội, và Thánh Thần của Ngài được hứa ban cho chúng ta tiếp tục nâng đỡ và hướng dẫn Giáo Hội”.

“Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn này. Dĩ nhiên, chúng ta phải mở lòng ra với Ngài để Thánh Thần Chúa có thể hoạt động trong chúng ta và hướng dẫn chúng ta. Và chúng ta không được tự mình đóng vai Chúa Thánh Thần”.

Ngài giải thích rằng “với tư cách là các giám mục, chúng ta phải tuân theo Lời Chúa và cũng như tất cả mọi người và các giám mục đi trước chúng ta, chúng ta phải làm chứng và công bố Lời Chúa. Nói cách khác, Chúa Kitô hiện hữu, Chúa Kitô vẫn hiện hữu và Ngài hiện diện bên cạnh chúng ta. Ngài là Chúa của Giáo Hội. Như Ngài đã dẫn dắt Giáo Hội của Ngài vượt qua những thời khắc khó khăn trong quá khứ, Ngài chắc chắn sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn hiện tại này.”

Niềm tin của Đức Hồng Y Woelki cũng được tìm thấy nơi con người, ngài nói: “khi tôi gặp những người trẻ, những người đã để mình bị đốt cháy bởi đức tin của Giáo Hội. Và những người trẻ tuổi tìm kiếm chính xác những gì là ‘nhiều hơn’ nơi đức tin Kitô giáo, những người thấy mình có một chỗ trong ngôi nhà Giáo Hội, có một chỗ trong Bí tích Thánh Thể, tham dự các Thánh Lễ và chầu Thánh Thể, trong sự hiểu biết rằng cuộc sống của họ được Chúa Kitô chạm đến”.

“Đó là điều gì đó khuyến khích tôi, bởi vì những người trẻ này – như tôi trải nghiệm – là những người sống đích thực và có niềm tin. Và họ đem đến cho tôi hy vọng nơi chứng tá của họ.”

5. Đức Thánh Cha chấp thuận bốn ưu tiên mục vụ của Dòng Tên trong thập kỷ tới

Tập trung vào việc hòa giải, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận bốn ưu tiên mục vụ của Dòng Tên trong thập kỷ tới vừa được công bố hôm 19 tháng 2.

Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên, là người Venezuela, nói rằng các ưu tiên mục vụ sẽ hướng dẫn Dòng Tên tiến tới năm 2029 dựa trên truyền thống phân định, quan tâm đến những người bên lề xã hội, chăm sóc môi trường và đồng hành cùng những người trẻ tuổi.

Trong bức thư gửi tới 15,536 thành viên Dòng Tên trên toàn thế giới, Cha Sosa đã giải thích thêm về bốn nguyên tắc dẫn đạo nói trên.

Những nguyên tắc quan trọng này bao gồm một lời khích lệ các thành viên tham dự các chương trình Linh Thao. Tiếng Anh là Spritual Exercises – là thực hành do Thánh Ignatiô Loyola khởi xướng bao gồm việc thiền định, cầu nguyện và chiêm niệm để đào sâu mối quan hệ với Chúa, và một lời kêu gọi “đồng hành với người nghèo, những người bị ruồng bỏ trên thế giới, những người có nhân phẩm bị chà đạp, trong sứ mệnh đi tìm sự hòa giải và công lý.”

Đức Thánh Cha nói rằng các ưu tiên mục vụ của Dòng Tên, được hình thành trong hai năm qua, “phù hợp với các ưu tiên hiện tại của Giáo hội như được thể hiện thông qua huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, giáo huấn của đấng bản quyền trong Thượng Hội Đồng Giám Mục và các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới.”

Cha Sosa cho biết kế hoạch tông đồ phổ quát khó có thể tính đến tất cả các yếu tố cơ sở của các tu sĩ Dòng Tên trong vô số nhiệm vụ của họ trên khắp thế giới do “các nhu cầu khác nhau của Giáo hội trong các lãnh thổ cụ thể với các điều kiện cụ thể”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, chính ngài cũng là một tu sĩ Dòng Tên, đã nhấn mạnh rằng ưu tiên mục vụ đầu tiên là “căn cơ vì nó giả định như một điều kiện cơ bản mối quan hệ của người tu sĩ Dòng Tên với Chúa, với đời sống cầu nguyện và phân định trong bối cảnh cá nhân và cộng đoàn của người tu sĩ ấy.”

“Không có thái độ cầu nguyện này, phần còn lại sẽ không hoạt động”, ngài nói thêm trong lá thư tiếng Tây Ban Nha gửi cho cha Sosa ngày 6 tháng Hai.

Cha Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên đã trả lời bằng văn bản cho Đức Thánh Cha rằng “chúng con nhận ra rằng trừ khi chúng con sống các chương trình Linh Thao – nếu chúng con không phải là người tham gia vào việc phân định – chúng con không thể giúp đỡ người khác hoặc đóng góp cho người khác trong sự phân định của họ. Chúng con phải sống sâu sắc.”

6. Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna phàn nàn rằng có những người được thuê để lăng mạ ngài trên Internet

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna /tʃɑːlz sɪ̈-klʊ-nɑ/ đã lên tiếng phàn nàn rằng có một mạng lưới những kẻ lừa đảo trực tuyến được trả tiền để chỉ trích và lăng mạ ngài bất cứ khi nào ngài mở miệng.

“Một số trong những phản ứng trực tuyến chống lại tôi là từ những người bị thao túng và một số khác xuất phát từ những kẻ được người ta trả tiền để làm như thế”. Đức Tổng Giám Mục đã nói như trên trong một cuộc phỏng vấn trên RTK, một thông tấn xã của Kosova, hôm 14 tháng Hai. “Có những người được trao nhiệm vụ tấn công mọi lời bình luận của tôi. Nếu ý Chúa muốn, tôi sẵn sàng tiếp tục lên tiếng để những kẻ này có thể tiếp tục kiếm được cơm bánh hàng ngày của họ bằng cách chỉ trích từng lời nói của tôi.”

Ngài nói thêm rằng các cơ quan truyền thông Giáo Hội có trách nhiệm rất lớn trong việc chống lại tin giả và họ không được sợ những hậu quả của việc nói lên sự thật.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna cũng cảnh báo rằng các phương tiện truyền thông xã hội “đã và đang tạo ra một hình thức nghèo nàn mới” vì nhận xét trực tuyến của cá nhân một người thường được nhắm mắt chia sẻ bởi nhiều người khác với rất ít hoặc chẳng có một chút động não nào xem thực hư ra sao. Đó là một hình thức “nghèo nàn tư duy”.

Ngài nhận xét chua chát rằng:

“Thông thường, những người bình luận trực tuyến hành động rất khác với khi họ đối mặt với những người mà họ đang chỉ trích. Những người tấn công các chính trị gia trên Internet, chẳng hạn, họ nói chuyện với các chính trị gia này rất khác khi người ta gõ cửa thăm tận nhà” để tìm hiểu xem tại sao họ nói như thế.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, người Malta, nguyên là công tố viên hàng đầu của Vatican về các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin hôm 13 tháng 11 năm ngoái 2018.

Giữa một mối quan tâm toàn cầu ngày càng tăng về việc đối phó với các trường hợp lạm dụng tính dục và che đậy trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài trở lại nhiệm sở cũ của mình; mặc dù vị giám mục sẽ tiếp tục lãnh đạo Giáo hội ở Malta.

Giữa những trách nhiệm khác, Bộ Giáo Lý Đức Tin có trách nhiệm thụ lý các cáo buộc lạm dụng chống lại các giáo sĩ, và Đức Cha Scicluna cũng là chủ tịch của phân bộ này.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã từng là một thành viên toàn thời gian của Bộ Giáo Lý Đức Tin cho đến năm 2014, khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài về coi sóc Malta.

Trước đây, tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Cha Scicluna đã làm việc dưới quyền Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, và cả hai vị là những người đã tuyên án hàng ngàn các linh mục lạm dụng tính dục, trong đó có Cha Marcial Maciel Degollado, người Mễ Tây Cơ, là sáng lập viên Dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Theo kết quả của hai cuộc điều tra trong năm qua bởi Đức Cha Scicluna, và Đức Ông Jordi Bertomeu, người Tây Ban Nha, một viên chức của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận ngài đã sai lầm trong đánh giá tình hình ở Chí Lợi. Đức Thánh Cha đã xin lỗi những nạn nhân bị lạm dụng tính dục và triệu tập các Giám Mục Chí Lợi đến Rôma. Các Giám Mục Chí Lợi đã từ chức đồng loạt sau cuộc họp đó.

7. Đức Thánh Cha chia buồn về tai nạn sạt lở đất tại một khu vực mỏ tại Gbanipea, Liberia

Hôm thứ Hai 21 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi trận sạt lở đất tại một khu vực mỏ tại Gbanipea, Liberia, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi trận sạt lở đất bi thảm ở một một khu vực mỏ Gbanipea đã chôn sống ít nhất 44 người.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi thay mặt cho ngài đến Đức Cha Anthony Fallah Borwah, Giám Mục Gbarnga, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người được báo cáo vẫn còn mất tích, ở vùng mỏ Gbanipea.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần cho các thân nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan dân sự và các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

Theo nguồn tin địa phương đến nay đã có 65 người bị bắt vì lai vãng đến khu vực bị nhà cầm quyền phong tỏa. Họ là những phu mỏ liều mạng làm việc để kiếm tiền bất chấp lệnh cấm của nhà chức trách địa phương.

8. Diễn từ khai mạc của Đức Thánh Cha trong Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội

Sáng thứ Năm 21 tháng Hai, tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha đã khai mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội trước 190 tham dự viên trong đó có 115 vị là chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới.

Trong diễn từ khai mạc, Đức Thánh Cha nói:

Anh em thân mến, chào buổi sáng!

Trước các tác hại kinh hoàng đối với các trẻ vị thành niên gây ra bởi tai ương lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, tôi muốn hỏi ý kiến các anh em là các Thượng Phụ, Hồng Y, Tổng giám mục, Giám mục, và Bề trên và các nhà Lãnh đạo các dòng tu, để cùng nhau chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần và trong sự ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Ngài, chúng ta hãy nghe tiếng khóc của những trẻ thơ cầu xin công lý. Trong cuộc họp này, chúng ta cảm nhận được sức nặng của trách nhiệm mục vụ và giáo hội bắt buộc chúng ta phải thảo luận cùng nhau, một cách đồng đoàn, thẳng thắn và sâu sắc, làm thế nào để đối đầu với cái ác đang gây hại cho Giáo hội và nhân loại. Dân thánh của Thiên Chúa nhìn vào chúng ta, và mong đợi từ chúng ta không phải là những lời lên án đơn giản và có thể dự đoán được, nhưng là các biện pháp cụ thể và hiệu quả sẽ được thực hiện. Chúng ta cần phải cụ thể.

Vì vậy, chúng ta bắt đầu tiến trình này với đức tin và một tinh thần thật thẳng thắn, can đảm và cụ thể.

Để giúp vào tiến trình này, tôi sẽ chia sẻ với bạn một số tiêu chí quan trọng được xây dựng bởi các Ủy ban và Hội Đồng Giám Mục khác nhau – những tiêu chí ấy đến từ anh em và tôi đã tổ chức lại phần nào. Chúng là những hướng dẫn để hỗ trợ cho những suy tư của chúng ta và giờ đây chúng sẽ được trao cho anh em. Chúng đóng vai trò là một điểm khởi hành đơn giản xuất phát từ anh em và giờ đây trở lại với anh em. Chúng không có ý muốn làm mất đi tình thần sáng tạo rất cần thiết trong cuộc họp này.

Thay mặt cho anh em, tôi cũng xin cảm ơn Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, Bộ Giáo lý Đức tin và các thành viên của Ban tổ chức vì đã làm việc xuất sắc và tận tâm trong việc chuẩn bị cho cuộc họp này. Cảm ơn rất nhiều!

Cuối cùng, tôi xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta trong suốt những ngày này, và giúp chúng ta biến điều xấu xa này thành cơ hội để nhận thức và thanh tẩy. Xin Đức Trinh Nữ Maria soi sáng cho chúng ta khi chúng ta tìm cách chữa lành vết thương nghiêm trọng mà tai tiếng ấu dâm này đã gây ra, cả ở những người trẻ thơ và giữa các tín hữu. Cảm ơn anh em.

9. Tại sao Đức Thánh Cha đề xuất Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội?

Đức Thánh Cha đã giải thích ý định của ngài rất rõ ràng trên chuyến bay trở về từ Panama. Ngài muốn giúp các giám mục hiểu rõ những gì các ngài phải làm. Chính trong ý nghĩa này, ngài đã nói về một khoá “giáo lý”. Chương trình “giáo lý” này sẽ được bắt đầu với các chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục.

Thứ nhất, Đức Thánh Cha muốn họ nhận thức được bi kịch, những đau khổ của các nạn nhân. Từ đó sẽ nảy sinh ý thức trách nhiệm mạnh mẽ về phía cá nhân các giám mục, về phía các giám mục nói chung và về phía cộng đồng rộng lớn hơn, đó là Giáo hội.

Thứ hai, ngài muốn các giám mục biết những gì họ cần làm: các thủ tục là gì, những nhiệm vụ nào cần phải hoàn thành ở nhiều cấp độ khác nhau (giám mục giáo phận, giám mục tổng giáo phận, Hội Đồng Giám Mục, Tòa thánh Vatican). Điều này sẽ dẫn đến việc chịu trách nhiệm với nhau và nhiệm vụ mà mỗi người phải làm trong mối tương quan với các giám mục khác trong Giáo hội và những người khác trong xã hội.

Điều này giả định trước sự minh bạch liên quan đến các nhiệm vụ, thủ tục và cách thức thực hiện chúng.

Theo cách này, uy tín của Giáo hội và niềm tin của người dân vào Giáo hội có thể được phục hồi.

10. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cuộc khủng hoảng lạm dụng

Kính thưa quý vị và anh chị em

Trong hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng tình dục giáo sĩ kết thúc hôm Chúa Nhật 24 tháng Hai tại Vatican, phản ứng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước các tai tiếng lạm dụng tính dục đã được trích dẫn nhiều lần bởi các thuyết trình viên, khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhiều người cho rằng Giáo Hội chỉ bắt đầu xem xét vấn đề này một cách nghiêm chỉnh và đầy ưu tư dưới thời Đức Bênêđíctô XVI.

Tờ Crux, cùng với Đài truyền hình Ba Lan TVP1, đã có một buổi nói chuyện với người gần gũi nhất với Đức Gioan Phaolô II, là Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz của tổng giáo phận Krakow, về chính sách của vị Giáo Hoàng Ba Lan đối với tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Đức Hồng Y Dziwisz đã bảo vệ mạnh mẽ di sản của thầy mình.

Khi Đức Gioan Phaolô II phát hiện ra sự thật đằng sau những lời buộc tội lạm dụng tình dục, “ngài vô cùng kinh hoàng”, Đức Hồng Y Dziwisz nói.

“Ngài luôn sống rất mãnh liệt các vấn đề của Giáo Hội: ngài rất thích những điều tốt đẹp về Giáo Hội và cảm thấy buồn trước mọi biểu hiện của tội ác. Tin tức về các linh mục và tu sĩ, những người mà ơn gọi của họ là giúp đỡ mọi người trong việc gặp gỡ Thiên Chúa, lại là nguyên nhân gây ra rất nhiều đau khổ cho những người trẻ tuổi và tai tiếng cho mọi người, làm tổn thương ngài rất nhiều.”

“Don Stanislao” là thư ký riêng của Đức Hồng Y Karol Wojtyła, trong 12 năm ở Krakow trước khi cùng ngài đến Vatican trong 27 năm triều giáo hoàng của ngài. Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần qua, Đức Hồng Y Dziwisz nói với tờ Crux: “Sự kiện này phù hợp với cách hành động của Đức Gioan Phaolô II.”

Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Theodore McCarrick làm Giám Mục tiên khởi Metuchen, New Jersey, năm 1981; Newark năm 1986; và Washington, D.C. vào năm 2000 – cũng như nâng ông lên hàng Hồng Y vào năm 2001. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Dziwisz cũng khẳng định rằng nếu Đức Gioan Phaolô II còn sống ngài cũng trục xuất McCarrick khỏi hàng giáo sĩ nếu biết rõ tội lỗi của ông này. Những quyết định bổ nhiệm của vị Giáo Hoàng Ba Lan chắc chắn dựa trên các báo cáo của Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ và Bộ Giám Mục.

“Tôi thấy quyết định gần đây về việc loại bỏ McCarrick khỏi Hồng Y đoàn và khỏi chức tư tế hoàn toàn phù hợp với định hướng mà John Paul II đã chỉ định,” Đức Hồng Y Dziwisz nói.

“Trong suốt triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II gần gũi với những người đau khổ, đứng về phía họ và bảo vệ họ, bao gồm những người bị tổn thương bởi những người của Giáo Hội.”

Đức Hồng Y Dziwisz cho biết điều làm ngài hài lòng đó là ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã trích dẫn các tài liệu được trình bày trong thời giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II như là một điểm tham chiếu quan trọng. Ngài đã khen ngợi Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston và Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, cả hai được xem như các nhà cải cách hàng đầu trong việc đối phó với tai ương lạm dụng tính dục, vì đã nhớ lại những lời của Gioan Phaolô II rằng “không chỗ trong đời sống linh mục và tận hiến cho những kẻ làm hại giới trẻ.”

Một số người tại Đức hô hào tản quyền từ Vatican cho các Hội Đồng Giám Mục các nước thường cáo buộc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cố gắng tạo ra một “triều đình” giáo hoàng, tập trung quyền lực xung quanh mình. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Dziwisz khẳng định rằng đó chỉ là một lời cáo gian.

“Đức Gioan Phaolô II là một người của Công Đồng Vatican Hai. Tính đồng đoàn (collegiality) đối với ngài là một quy tắc cơ bản trong Giáo Hội. Các cộng tác viên của ngài, đặc biệt là những vị đang lãnh đạo các bộ tại Vatican, đã có một liên hệ cá nhân với Đức Gioan Phaolô II và các vị luôn có thể nói chuyện thoải mái với ngài. Các vấn đề quan trọng đã được quyết định cùng nhau tại các cuộc họp các nhà lãnh đạo các bộ, các hội đồng và các ủy ban.”

Đức Hồng Y Dziwisz cũng phủ nhận việc tự mình nắm lấy quyền lực vô song, đặc biệt là khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã già yếu.

“Bí thư cá nhân của Đức Thánh Cha không bao giờ có thể thay thế các nhà lãnh đạo các bộ trong Giáo triều Rôma,” ngài nói.

11. Những tai tiếng lạm dụng tính dục đầu tiên

Những tai tiếng lạm dụng tính dục đầu tiên bùng nổ dữ dội trên các phương tiện truyền thông là tại Canada và Ireland trong hai thập niên 80 và 90 của thế kỷ qua, trước khi cơn bão đổ bộ vào Hoa Kỳ vào đầu những năm 2000. Đức Hồng Y Dziwisz thừa nhận rằng Vatican vào thời điểm đó chỉ mới bắt đầu nhận ra ra sự nghiêm trọng của vấn đề.

“Lúc đó, chúng ta không nhận thức được toàn bộ quy mô của hiện tượng lạm dụng tình dục hoặc bản chất toàn cầu của nó, như chúng ta thấy rõ những vấn đề này ngày hôm nay,” Đức Hồng Y nói với tờ Crux.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y Dziwisz, Đức Gioan Phaolô II cố gắng tìm ra một định hướng đúng để đương đầu với tai ương này.

“Đức Gioan Phaolô II thấy rằng vấn đề không chỉ giới hạn nơi thảm kịch của các nạn nhân, mà còn có nguy cơ trầm trọng hơn bởi phản ứng sai lầm của các bề trên và các vị bản quyền. Ngài thấy rằng mặc dù có giáo luật và các thủ tục của Giáo Hội, nhưng không phải lúc nào những điều này cũng được các giám mục áp dụng.”

Đức Hồng Y Dziwisz chỉ ra rằng “chính Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đầu tiên áp đặt nghĩa vụ báo cáo từng trường hợp lạm dụng giáo sĩ trực tiếp lên Bộ Giáo Lý Đức Tin, lúc bấy giờ do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, vị Giáo Hoàng tương lai, lãnh đạo. Ngài là người mà Đức Gioan Phaolô II tuyệt đối tin tưởng.”

Động thái này, theo Đức Hồng Y Dziwisz, là “nhằm ngăn chặn cám dỗ chôn vùi những vấn đề đau đớn này dưới tấm thảm.”

Khi được hỏi liệu có văn hóa im lặng tại Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay không, Đức Hồng Y Dziwisz nói rằng “Ngài là một người rất rõ ràng và không mơ hồ. Bất cứ ai gặp và hợp tác với ngài đều biết rõ rằng trong ngài không có sự chấp nhận hay thỏa hiệp có ý thức với bất kỳ tội ác nào.”

“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tin rằng Giáo Hội cần sự minh bạch, nhưng cũng có trách nhiệm phải đối xử với mọi người đúng với phẩm giá của họ.”

“Ngài nói rằng trong thời đại chúng ta, Giáo Hội phải nỗ lực hết sức minh bạch giống như một ngôi nhà kính, và đây là hành động đúng đắn.”

Theo Đức Hồng Y Dziwisz, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có một cái nhìn bao quát về cuộc khủng hoảng lạm dụng.

“Ngài nhận thức rõ rằng cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến Giáo Hội mà còn toàn xã hội, và nó có liên quan đến sự rối loạn sâu sắc trong lĩnh vực đạo đức tình dục. Ngài đã chẩn đoán vấn đề này từ rất sớm trong triều giáo hoàng của mình.”

Theo Đức Hồng Y Dziwisz, kết luận của Đức Gioan Phaolô II rất rõ ràng: “Cách duy nhất để đối mặt với cuộc khủng hoảng này và những nguyên nhân tạo ra nó là cổ vũ sự trưởng thành và trách nhiệm trong tình yêu và tình dục của con người.”

Đức Hồng Y Dziwisz kết luận rằng:

“Đức Gioan Phaolô II nhìn thấy điều ác này, nhưng không bao giờ mất hy vọng. Ngài nhìn mọi thứ với một niềm tin mãnh liệt rằng Chúa có thể mang lại những điều tốt lành từ cả từ những sự ác tồi tệ nhất. Ngài tin rằng nơi nào tội lỗi gia tăng, ân sủng sẽ tuôn tràn lai láng.”

Đức Hồng Y nhớ lại hơn một lần, Đức Gioan Phaolô II nói với ngài rằng “Chính cuộc khủng hoảng có thể giúp Giáo Hội thanh lọc chính mình và củng cố Giáo Hội trong sự thánh thiện.”

12. Thư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gởi dân Chúa về đường hướng tương lai đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục

Tâm chấn hiện nay của cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục là tại Hoa Kỳ. Chính vì thế, ngay sau Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội, diễn ra tại Vatican từ 21 đến 24 tháng Hai, vừa kết thúc, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gởi thư sau cho dân Chúa.

“Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Ngài, với tất cả những ai kêu cầu Ngài trong sự thật.” (Thánh Vịnh 145: 18)

Những ngày hội nghị này là những ngày đầy thách đố, và mang lại nhiều hoa trái. Các chứng từ của các nạn nhân đã vạch ra cho chúng tôi thấy, một lần nữa, những vết thương sâu trong Thân thể Chúa Kitô. Lắng nghe các chứng từ của họ làm thay đổi trái tim anh chị em. Tôi thấy điều đó nơi khuôn mặt các giám mục anh em của tôi. Chúng tôi mắc nợ các nạn nhân một sự cảnh giác kiên định mà chúng tôi không bao giờ được phép thất bại một lần nữa.

Làm thế nào để băng bó các vết thương? Thưa: Hãy tăng cường Hiến chương Dallas. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là người mà tôi muốn cám ơn bội phần vì hội nghị này, đã kêu gọi chúng tôi đề ra “các biện pháp cụ thể và có hiệu quả.” Một loạt các thuyết trình viên từ các Hồng Y đến các Giám Mục, cho đến các nữ tu và các nữ giáo dân đã nói về một bộ các quy tắc ứng xử dành cho các giám mục, các giao thức cụ thể để giải quyết các cáo buộc chống lại các giám mục, các cơ chế báo cáo thân thiện và vai trò thiết yếu của tính minh bạch trong quá trình chữa lành.

Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi phải có sự tham gia và hợp tác tích cực của anh chị em giáo dân. Giáo hội cần những lời cầu nguyện, chuyên môn và ý tưởng của anh chị em. Như chúng ta đã học được từ các hội đồng xét duyệt giáo phận, cần có một loạt các kỹ năng tổng hợp để đánh giá các cáo buộc và để bảo đảm rằng các chính sách và quy trình địa phương thường xuyên được tái xét để phản ứng chữa lành của chúng ta tiếp tục có hiệu quả. Tất cả các mô hình được thảo luận trong tuần này đều dựa vào sự giúp đỡ tốt lành của dân Chúa.

Tôi và các giám mục Hoa Kỳ cảm thấy được khẳng định trong công việc đang được tiến hành. Được tăng cường bởi những gì tôi đã trải nghiệm ở Rôma này, chúng tôi sẽ chuẩn bị để thúc đẩy các đề xuất, trong tình hiệp thông với Tòa Thánh, trong mỗi lĩnh vực này để các giám mục anh em tôi có thể xem xét những đề nghị đó tại Đại hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ vào tháng Sáu tới. Điều khẩn cấp là chúng ta phải luôn đáp lại trước tiếng kêu của các nạn nhân. Tôi cũng nhận thức được rằng các bước tiếp theo của chúng tôi có thể là nền tảng vững chắc để phục vụ cả các chủng sinh, nữ tu và tất cả những người có thể sống dưới sự đe dọa của lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng quyền lực.

Trong đức tin, chúng tôi cảm nhận được sự đau đớn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nó có thể gây ra cảm giác bị cô lập và bị bỏ rơi, nhưng Phục sinh là lời hứa chữa lành của Chúa. Khi băng bó các vết thương đang ở trước mặt chúng ta đây, chúng ta sẽ gặp Chúa Phục sinh. Chỉ mình Ngài là tất cả hy vọng và chữa lành.

Tôi cũng muốn thêm ở đây một lời cám ơn chân thành đến nhiều người đã cầu nguyện cho tôi và cho tất cả để cuộc gặp gỡ này là một thành công.

+ Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo

Tổng Giám Mục Galveston-Houston

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *