Video: Tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô Ai Cập

Những gì diễn ra sau cuộc tấn công kinh hoàng gần đây tại nhà thờ Coptic ở Cairo là một vòng lẩn quẩn quen thuộc. Đầu tiên là những biểu hiện đau buồn và tức giận; sau đó là những lời lên án; rồi tới các đám tang và sự than khóc của một cộng đồng các nạn nhân đang run rẩy trong sợ hãi; sau đó là các lời kêu gọi thống nhất quốc gia của chính phủ, cùng với những lời hứa rằng các lực lượng an ninh sẽ làm tất cả trong khả năng của họ, vân vân và vân vân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn đấy, Ai Cập là một quốc gia nguy hiểm cho các Kitô hữu, và trong tương lai gần, tình trạng có lẽ còn tệ hại hơn.

Hôm thứ Sáu 24 tháng Hai, bọn khủng bố Hồi Giáo xông vào nhà của anh Kamel Youssef tại thị trấn El Arish, trong khu vực bán đảo Sinai, và bắn chết anh ta trước mặt vợ con. Chúng bắt đi đứa con gái của anh và người ta tìm thấy xác của cháu bé sau đó ngay bên cạnh một đồn cảnh sát.

Trước đó chỉ hai ngày, tức là hôm thứ Tư 22 tháng Hai, cũng tại thị trấn El Arish, trong khu vực bán đảo Sinai, một địa danh rất quen thuộc trong Kinh Thánh, bọn khủng bố giết chết một Kitô hữu khác và thiêu sống đứa con trai của anh.

Tính chung từ đầu tháng Hai đến nay đã có 7 Kitô hữu Coptic trong vùng bị khủng bố Hồi Giáo giết chết.

Những biến cố bi đát này đã khiến hàng ngàn Kitô hữu trong bán đảo Sinai lập tức bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo. Các linh mục địa phương cho biết nhiều anh chị em giáo dân còn nhận được cả những lời lẽ đe dọa trong điện thoại cầm tay của mình.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cảm nhận chung của nhiều người là, cũng như tại các nơi khác, Kitô hữu đang biến mất dần khỏi Ai Cập. Và nếu là như vậy, Ai Cập không có tương lai Không có thiểu số Kitô hữu, Ai Cập sẽ là một quốc gia nghèo nàn hơn về mọi mặt văn hóa, kinh tế, chính trị và tư tưởng; và trong tư cách là một quốc gia không thể ngăn chặn các vụ giết người vì xung khắc tôn giáo, không ai dám du lịch đến một quốc gia không an toàn cho bất cứ ai.

Người ta có thể tranh luận rằng nguyên nhân thực sự của tất cả các vụ khủng bố này là kinh tế, và trên thực tế Ai Cập đúng là một nơi khắc nghiệt đối với người nghèo, người trẻ, là những người sống vô vọng trong tình cảnh thất nghiệp triền miên. Họ là những mồi ngon cho chủ nghĩa khủng bố. Nhưng nguyên nhân của khủng bố không chỉ đơn giản là kinh tế, vì có nhiều xã hội còn nghèo hơn Ai Cập, nhưng ở đó chủ nghĩa khủng bố không phải là một vấn đề. Khủng bố chỉ khởi sắc ở những nơi mà lòng khoan dung đã khô héo.

Những vụ khủng bố tại Ai Cập không bùng lên một cách ngẫu nhiên. Chúng là hệ quả của những Fatwa do những thày giảng Kinh Koran tung ra tới tấp trước sự sụp đổ tan tành của cái gọi là “Nhà nước Hồi Giáo” khi quân Iraq chỉ còn cách đền thờ Hồi Giáo tại Mosul nơi Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập nhà nước này có vài cây số.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ai Cập, một trong cái nôi của văn hóa thế giới, rộng 1,010,407 km vuông, là nước rộng lớn thứ 30 trên thế giới.

Thánh Máccô thánh sử đã đem Kitô giáo đến với Ai Cập ngay từ thế kỷ thứ Nhất. Đạo Thánh Chúa lan nhanh tại Ai Cập. Dưới triều đại đế La Mã Diocletian, tức là từ năm 284 đến năm 305 các Kitô hữu Ai Cập đã bị đàn áp dã man. Tuy nhiên, máu đào các vị tử đạo là hạt giống đức tin. Số người được rửa tội tiếp tục tăng nhanhvà Tân Ước đã được dịch sang tiếng Ai Cập. Sau Công Đồng Chalcedon vào năm 451, Giáo Hội Coptic được thành lập và ly khai với Rôma.

Trong cuộc chiến ba năm từ 639 đến 642, Ai Cập bị xâm lược và chinh phục bởi đế chế Hồi giáo của người Ả Rập Hồi giáo. Người Ả Rập truyền bá Hồi giáo Sunni đến đất nước này và thực hiện cuộc cải đạo cưỡng bách tại đây.

Ngày nay, quốc gia này có 85,300,000 dân trong đó 90% là người Hồi Giáo, chủ yếu là Hồi Giáo Sunni, 9% là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic. Người Công Giáo Coptic hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ chiếm 163,700 tín hữu trong số 1% còn lại.

Trong cao trào các cuộc nổi dậy tại Trung Đông, các cuộc biểu tình khổng lồ từ 25 tháng Giêng Năm 2011 đến ngày 11 tháng Hai năm 2012 tại Ai Cập đã lật đổ tổng thống Hosni Mubarak sau gần 30 năm cầm quyền của ông này.

Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo nắm ngay cơ hội này để tiến hành biến Ai Cập thành một thứ Nhà nước Hồi Giáo xây dựng trên luật Hồi Giáo Sharia. Lãnh tụ của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo được đưa lên làm tổng thống vào ngày 17/6/2012.

Mohammed Morsi, một mặt ký các hiệp ước kinh tế có lợi cho Hoa Kỳ và Âu Châu để tranh thủ sự ủng hộ của họ, một mặt tiến hành ngay chính sách Hồi Giáo hóa Ai Cập.

Các cuộc biểu tình khổng lồ đã liên tục nổ ra sau đó vì Mohammed Morsi lãnh đạo đất nước tồi tệ, lạm phát gia tăng và dung dưỡng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tấn công vào các tôn giáo khác, kể cả Hồi Giáo Shiite.

Ngày 30 tháng 6 năm 2013, hàng triệu người xuống đường biểu tình kêu gọi Mohammed Morsi từ chức.

Sáng ngày 1 tháng 7 năm 2013, trước sự hỗn loạn của đất nước, quân đội ra tối hậu thư cho Mohammed Morsi phải giải quyết tình hình trong vòng 48 giờ.

Tối hôm sau, Mohammed Morsi phát đi tuyên bố cuối cùng nhất quyết không thoái vị cũng không đáp ứng các yêu cầu của quân đội và phe đối lập.

Ngày 3 tháng 7 năm 2013, hết hạn tối hậu thư, quân đội bắt giữ Mohammed Morsi, lật đổ chế độ và đưa ông Adly Mansour, chánh án Tối Cao Pháp Viện lên làm tổng thống lâm thời.

Lo âu sợ mất các đặc quyền kinh tế, tổng thống Obama và một số nhà lãnh đạo phương Tây làm ầm lên, đòi quân đội phải tái lập lại chính quyền của tổng thống Mohamed Morsi đã bị quân đội lật đổ.

Mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ai Cập 1.2 tỷ Mỹ Kim cùng với 250 triệu Mỹ Kim viện trợ kinh tế. Nguồn viện trợ này đã bị cắt bỏ sau khi Hoa Kỳ không áp lực được quân đội nước này phải tái lập lại chính quyền của tổng thống Mohamed Morsi.

“Cảm giác của tôi với Ai Cập là nguồn viện trợ này tự nó không thể đảo ngược được những gì chính phủ lâm thời đã làm”, tổng thống Obama đã nói như trên hôm 22/08/2013.

Các nước phương Tây cũng phản ứng ồn ào không kém. Cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết lên án việc lật đổ ông Mohamed Morsi, dù Morsi là một thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, là một tổ chức trước đây được chính Hoa Kỳ và các nước phương Tây cho là một tổ chức khủng bố nguy hiểm có liên hệ chặt chẽ với trùm khủng bố Bin Laden của Al Qaeda.

Lập trường lắt léo của Hoa Kỳ và các nước phương Tây chủ yếu là do những nhượng bộ có tính chất chiến lược của Mohamed Morsi sau khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền. Những hứa hẹn của Mohamed Morsi, và những nguồn đầu tư khổng lồ đổ vào Ai Cập sau ngày 11 tháng Hai năm 2011 đã khiến Hoa Kỳ và các nước phương Tây có một “cảm tình đặc biệt” với bọn khủng bố Huynh Đệ Hồi Giáo.

Những phản ứng này của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khích lệ nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo huy động các cuộc tổng biểu tình chống lại quân đội.

Các đồn bót lẻ tẻ của cảnh sát, các nhà thờ Kitô Giáo lập tức bị tấn công đồng loạt. Nhiều đồn cảnh sát được ghi nhận là không còn cảnh sát viên nào sống sót. Các dinh thự của chính phủ bị đốt phá. Cảnh sát chết la liệt trên nhiều con đường của Cairo khiến cho bộ trưởng nội vụ ban hành lệnh khẩn cấp cho phép các cảnh sát viên được nổ súng tự vệ bằng mọi giá.

Trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tất cả các nhà thờ phải đóng cửa. Chỉ nội trong ngày 15 tháng 8 năm 2013, 36 nhà thờ tại thủ đô Cairo bị đốt phá.

Quân đội đã dẹp tan được các vụ bạo động và đưa Mohamed Morsi và 105 thành viên Huynh Đệ Hồi Giáo ra tòa. Tuy nhiên, làn sóng bạo động có vẻ vẫn chưa lắng dịu vì những thày giảng Kinh Koran vẫn tiếp tục tung ra những Fatwa kêu gọi tổ chức những “ngày cuồng nộ” tại quảng trường Rames. Những lãnh tụ tinh thần này cách nào đó là bất khả xâm phạm.

Ngày nay tại Ai Cập, có một thứ gọi là “văn học thánh chiến” mà chính phủ Ai Cập đang tìm cách loại bỏ khỏi các thư viện, các nhà sách, và các nhà thờ Hồi giáo. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên trong bản tin hôm 25 tháng 6 năm 2015.

Giáo sĩ Mohammed Abdel Razek, một quan chức của Bộ tôn giáo chính phủ, nói rằng văn phòng của ông đang phối hợp với Bộ an ninh quốc gia nhằm loại bỏ thứ văn học thánh chiến.

Văn phòng của ông đã mở các cuộc hội thảo để chống lại ảnh hưởng của trào lưu cực đoan, và cảnh báo các quan chức Hồi giáo rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các thứ được sử dụng trong đền thờ Hồi giáo của họ.

Tháng 5 năm 2015, tòa án tối cao tại Ai Cập tuyên án tử hình Mohammed Morsi. Tuy nhiên, trước các áp lực quốc tế, tháng 11 năm ngoái 2016, án tử hình này bị hủy bỏ. Mohammed Morsi vẫn còn bị giam và chờ ngày ra tòa.

Sau một thời gian yên ắng, các vụ khủng bố tại Ai Cập lại rộ lên khi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo cực đoan thấy rằng cái gọi là “Nhà nước Hồi Giáo” đang trên đà diệt vong tại Syria và Iraq.

Tiêu biểu cho các vụ khủng bố này là cuộc nổ bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Thánh Máccô ở Cairo, hôm 13 tháng 12 năm ngoái, khiến 26 người bị thiệt mạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *