1. Tòa Thánh lên tiếng bác bỏ tin giả cho rằng Đức Thánh Cha bị nhiễm coronavirus
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ bị cảm lạnh.
Trong một tuyên bố vào tối thứ Ba, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ bị cảm lạnh thông thường, và ngài không có các triệu chứng gây ra bởi các bệnh khác.
“Đức Thánh Cha vẫn cử hành thánh lễ hàng ngày và theo dõi các bài tĩnh tâm đang diễn ra tại Trung tâm ‘Nhà Thầy Chí Thánh’, Casa Divin Maestro, của tu đoàn thánh Phaolô ở Ariccia, thuộc giáo phận Albano, cách Rôma khoảng 30 cây số về hướng nam,” ông Matteo Bruni nói.
Cũng trong ngày 3 tháng Ba, ký giả Franca Giansoldati chuyên về Vatican của tờ Il Messaggero cho biết khi Đức Thánh Cha bắt đầu có các triệu chứng cảm lạnh. Các bác sĩ của ngài ngay lập tức đã kiểm tra xem liệu ngài có nhiễm coronavirus hay không, nhưng may mắn là các xét nghiệm đã cho kết quả âm tính. Nói cách khác, Đức Thánh Cha Phanxicô không hề nhiễm coronavirus như những đồn thổi trên các phương tiện truyền thông.
2. Bác bỏ tin giả cho rằng Đức Thánh Cha bị nhiễm coronavirus
Trong một diễn biến đáng lo ngại, vì tình trạng sức khoẻ, Đức Thánh Cha đã không thể tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolô ở Ariccia, thuộc giáo phận Albano, cách Rôma khoảng 30 cây số về hướng nam.
Tuy nhiên, trong thời gian này, nhiệt độ trung bình tại Rôma chỉ khoảng 14 độ C, và có gió mạnh, nghĩa là khá lạnh. Do đó, tại Rôma vào mùa này nhiều người vẫn thường bị cảm lạnh. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 1 tháng Ba, Đức Thánh Cha cho biết ngài bị cảm lạnh, và không thể tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay của giáo triều Rôma.
Trong những ngày qua, trích dẫn một email của Bộ Thông Tin Tòa Thánh, trên các mạng xã hội như Twitter, và thậm chí trên các cơ quan truyền thông chính mạch như tờ Express của Anh đã xuất hiện các tin giả cho rằng Đức Thánh Cha, và hai vị phụ tá của ngài đã nhiễm coronavirus.
Email của Bộ Thông Tin Tòa Thánh được nêu ở trên thực ra chỉ là một lời nhắc nhở các nhân viên về các biện pháp phòng ngừa nên được thực hiện.
Dưới đây là toàn văn email này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Lan Vy.
Ngày 2 tháng 3 năm 2020
Các đồng nghiệp thân mến,
Chúng tôi muốn thông báo cho anh chị em rằng, như một biện pháp phòng ngừa, kể từ Chúa Nhật, ngày 1 tháng Ba, một trong những đồng nghiệp của chúng ta làm việc tại Palazzo Pio sẽ trải qua một thời hạn cách ly dự kiến sẽ rất hạn chế. Vị này phải làm như thế bởi vì trong cộng đồng tôn giáo của ngài ở Rôma, cụ thể là trường đại học St. Louis của Pháp, đã có trường hợp một linh mục, đã thử nghiệm dương tính với coronavirus. Chẩn đoán dương tính đã được xác nhận tại Pháp, là quốc gia nơi vị này hiện đang sống. Từ thông tin nhận được, dường như vị này đã cư ngụ trong cộng đồng tôn giáo ở Rôma vào khoảng giữa tháng 2, ngài sau khi đã đáp máy bay từ Pháp sang. Trước khi về nước, vị ấy đã dừng chân ở miền bắc nước Ý.
Đồng nghiệp của chúng ta hiện có sức khoẻ tốt và không có triệu chứng gì cả; việc cách ly đối với anh ta và tất cả các thành viên khác trong cộng đồng tôn giáo này được quy định bởi các thể thức y tế như là một biện pháp thận trọng và phòng ngừa. Các cơ quan y tế có thẩm quyền đã liên lạc với Cục Y tế và Vệ sinh của quốc gia Thành Vatican, để xác định xem việc kiểm dịch có thực sự cần được tiếp tục trong vài ngày tới hay không. Như đã đề cập ở trên, lần cuối cùng vị được xét nghiệm dương tính với coronavirus lưu lại trong cộng đồng tôn giáo ở Rôma là giữa tháng hai. Như thế, 14 ngày dự kiến trong các quy trình y tế cho việc áp dụng chế độ kiểm dịch đã trôi qua rồi.
Các giao thức y tế, được xác nhận bởi Cục Y tế và Vệ sinh của quốc gia Thành Vatican, không bắt buộc phải có các hạn chế hoặc giới hạn trong liên lạc gián tiếp đối với các trường hợp cách ly loại hai, tức là tình trạng cách ly của những người khoẻ mạnh tự cô lập như một biện pháp phòng ngừa. Vì thế, hiện tại không có quy định hay biện pháp cụ thể nào liên quan đến Palazzo Pio.
Như một biện pháp thận trọng, Cục Y tế và Vệ sinh của quốc gia Thành Vatican đã khử trùng văn phòng đồng nghiệp của chúng ta và các khu vực chung khác.
Chúng tôi sẽ thông báo cho anh chị em trong trường hợp có thêm tin tức liên quan đến cộng đồng chúng ta.
Thân ái,
Paolo Ruffini
Tổng trưởng Bộ Thông Tin Tòa Thánh
Các ký giả làm việc cho tờ Il sismografo cho biết thêm vị được xác định nhiễm coronavirus là Cha Alexandre Comte, 43 tuổi, linh mục người Pháp của tổng giáo phận Paris.
Như thế, email của Bộ Thông Tin không hề đề cập đến tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha hay các vị phụ tá của ngài. Các tin tức cho rằng Bộ Thông Tin Tòa Thánh xác nhận Đức Thánh Cha bị nhiễm coronavirus chỉ là tin giả.
3. Bà Asia Bibi muốn xin tị nạn tại Pháp.
Bà Asia Bibi, người Pakistan, đã từng bị kết án tử hình vì tội gọi là “Phạm thượng chống Hồi giáo”, muốn xin tị nạn tại Pháp.
Bà Bibi bị giam 8 năm trời trong khu tử tội và sau cùng đã được tòa án tối cao của Pakistan tha bổng, rồi được lưu vong sang Canada.
Báo Công Giáo Pháp La Croix, số ra ngày 24 tháng Hai năm 2020 cho biết, bà Asia Bibi đã được bà thị trưởng Paris Anna Hildago tiếp kiến ngày 25 tháng Hai năm 2020 tại tòa đô sảnh, và nhân dịp này trao tặng bà tước hiệu công danh danh dự của thành Paris.
Canada đã cam kết đón nhận bà Asia Bibi trong một năm trời. Theo bà Bibi, Liên hiệp Âu châu đang thăm dò xem nước nào trong Liên hiệp có thể đón nhận bà.
Ông Jan Figel, đặc ủy của Liên hiệp Âu châu về tự do tôn giáo ngoài Liên hiệp, bày tỏ lòng biết ơn đối với bà Bibi vì sự dấn thân trong lãnh vực này. Hồi cuối tháng giêng năm 2020, cuốn sách về cuộc giam cầm của bà Bibi đã được xuất bản bằng tiếng Pháp.
Bà Asia Bibi là một tín hữu Công Giáo. Hồi năm 2010, những người láng giềng của bà tố cáo bà Bibi đã xúc phạm đến Hồi giáo và do đó bà bị tòa kết án tử hình. Nguyên do vụ tố cáo này là vụ tranh chấp trong việc sử dụng giếng ở trong làng. Những người Hồi giáo cho rằng giếng này trở nên ô uế vì một tín hữu Kitô.
Trong thời gian bà Bibi bị giam ở khu vực tử tội, một chiến dịch quốc tế đã được phát động để đòi chính phủ Pakistan trả tự do cho bà Bibi. Cả Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng dấn thân trong lãnh vực này. Tại Pakistan, hai chính trị gia lên tiếng bênh vực bà Asia Bibi đã bị những người Hồi giáo cực đoan giết chết.
Cuối năm 2018, tòa án tối cao Pakistan hủy bỏ án tử hình của bà Bibi và một thời gian sau, bà được sang Canada lưu vong. Tại đây, bà sống trong bí mật về danh tánh và nơi cư trú, vì luôn bị những thành phần cực đoan và cuồng tín dọa giết.
4. Công Giáo Ba Lan sắp có thêm một Chân phước tử đạo.
Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan sẽ có thêm một Chân phước tử đạo, đó là cha Jan Macha sinh năm 1914 và qua đời năm 1942, bị Ðức quốc xã sát hại lúc mới 37 tuổi.
Hôm 21 tháng Hai năm 2020, Hội đồng Giám mục Ba Lan cho biết, Ðức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, sẽ đại diện Ðức Thánh Cha chủ sự nghi thức phong Chân phước cho cha Jan Macha, vào ngày 17 tháng 10 năm 2020, tại Nhà Thờ chính tòa tổng giáo phận Katowice.
Cha Jan Macha sinh năm 1914 và thụ phong linh mục hồi tháng 6 năm 1935, khi được 24 tuổi. Khi làm cha sở cộng đoàn Ruda ở miền thượng Schlesia, dưới thời Ðức quốc xã chiếm đóng, cha Macha đặc biệt nâng đỡ các gia đình Ba Lan. Tháng 09 năm 1941, cha Macha bị mật vụ Gestapo của Ðức quốc xã bắt và bị kết án tử hình hồi tháng 07 năm 1942 sau đó, và bị chém đầu ngày 03 tháng 12 cùng năm 1942.
Hồi tháng 11 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Jan Macha, sau sáu năm điều tra.
Trong thời thế chiến thứ hai, Ðức quốc Xã đã sát hại 1 phần 4 số linh mục Ba Lan. Cho đến nay có hơn 100 vị đã được phong chân phước.
5. Tiểu sử Đức Cha Tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức
Đức Cha Bätzing sinh ra ở Kirchen và lớn lên ở Niederfischbach. Ngài từng là một cậu bé giúp lễ, ca viên trong dàn hợp xướng nhà thờ và chơi đàn organ trong các thánh lễ. Sau khi hoàn tất bậc trung học, ngài gia nhập đại chủng viện Giáo phận Trier. Ngài học thần học và triết học tại Đại học Trier và Đại học Freiburg, và tốt nghiệp năm 1985.
Trong tư cách phó tế, ngài giúp xứ cho giáo xứ Sankt Wendel. Ngài được Đức Cha Hermann Josef Spital phong chức linh mục tại Trier vào ngày 18 tháng 7 năm 1987. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm cha phó tại trung tâm hành hương Thánh Mẫu Heimsuchung ở Klausen và tại giáo xứ Thánh Giuse ở Koblenz cho đến năm 1990. Sau đó, ngài là Phó Giám Đốc đại chủng viện Giáo phận Trier cho đến năm 1996. Cùng năm đó, ngài nhận được bằng tiến sĩ và trở thành hiệu trưởng đại chủng viện.
Một trong những thành công lớn của ngài là tổ chức vào năm 2012 cuộc hành hương Heilig-Rock-Wallfahrt ở Trier. Đó là một cuộc hành hương viếng các thánh tích quan trọng nhất của nhà thờ chính tòa thành Trier, bao gồm chiếc áo liền một mạch không có đường khâu của Chúa Giêsu, được trưng bày trong nhà thờ vào ngày 13 tháng 4 năm 2012. Lần đầu tiên chiếc áo này được trưng bày là vào năm 1996.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2012, Cha Bätzing được bổ nhiệm làm tổng đại diện của Giáo phận Trier, phụ tá cho Đức cha Stephan Ackermann. Năm 2016, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Limburg thay thế cho Đức Cha Franz-Peter Tebartz-van Elst. Đức Hồng Y Rainer Woelki, Tổng Giám mục Köln đã tấn phong Giám Mục cho ngài vào ngày 18 tháng 9 năm 2016.
Kể từ ngày 3 tháng 3 năm 2020, Đức Cha Bätzing là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức thay cho Đức Hồng Y Reinhard Marx của Münich và Freising, và sẽ lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ sáu năm.
Hai phần ba các Giám Mục Đức là có xu hướng cấp tiến. Đức Cha Bätzing cũng được xem là một người có khuynh hướng này. Tuy nhiên, việc bầu Đức Cha Bätzing làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức gây thất vọng lớn cho Ủy ban Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK.
Trước phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức tại Mainz, ZdK kỳ vọng Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück, hay Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch, của tổng giáo phận Berlin, hay Đức Cha Franz-Josef Overbeck của giáo phận Essen, sẽ được bầu làm chủ tịch. Đức Cha Bätzing có khuynh hướng dè dặt và tôn trọng Tòa Thánh hơn ba vị kia.
Những người Công Giáo có khuynh hướng đề cao các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội hy vọng nơi sự thắng cử của Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của tổng giáo phận Bamberg. Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick là một trong 7 Giám Mục Đức lên tiếng quyết liệt chống tiến trình công nghị tại Đức.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick, Đức Cha Bätzing, và Đức Cha Franz-Josef Overbeck là những vị được nhiều phiếu nhất nhưng không ai đủ túc số hai phần ba.
Đức Cha Franz-Josef Overbeck, Giám Mục giáo phận Essen, là người rất cấp tiến. Ngài đứng đầu cơ quan trợ giúp nhân đạo của các giám mục Đức tại Châu Mỹ Latinh, và đã tài trợ phần lớn cho sự chuẩn bị của Thượng Hội Đồng Amazon. Ngài đã tiên đoán Thượng hội đồng này sẽ dẫn dắt Giáo hội đến “một điểm không thể quay trở lại”, và do đó, Giáo Hội Công Giáo “không có gì sẽ giống như trước nữa”.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông huấn Querida Amazonia hôm 12 tháng Ba, Đức Cha Franz-Josef Overbeck bày tỏ sự thất vọng với tài liệu này vì thiếu sự ủng hộ cho đề nghị phong chức linh mục cho những người đã kết hôn, và nói rằng ngài ước gì Đức Giáo Hoàng tuân theo các quyết định của Thượng hội đồng và “cho phép việc phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn được chứng minh có đức hạnh (được gọi là viri probati) trong khu vực Amazon như một ngoại lệ.”
Sau vòng bỏ phiếu thứ hai, cả ba vị vẫn không đạt được đủ túc số hai phần ba. Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick rút lui. Trong vòng bỏ phiếu sau cùng, Đức Cha Bätzing đã bỏ xa Đức Cha Franz-Josef Overbeck, và trở thành chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.
6. Các nơi thánh tại Thánh Ðịa vẫn mở cửa dù lo ngại coronavirus.
Sau khi có tin 18 người trong đoàn khách hành hương Nam Hàn viếng thăm Thánh Ðịa từ ngày 08 đến 15 tháng Hai năm 2020 bị nhiễm coronavirus, phát ngôn viên của Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem cho biết các giới chức quan tâm đến sự ảnh hưởng của virus này đối với việc hành hương Mùa Chay và Phục Sinh 2020.
Israel đã cấm các chuyến bay đến từ Nam Hàn và Nhật Bản.
Theo phát ngôn viên của Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh, Wadie Abunassar, “quyết định của Israel cho phép và không cho phép ai nhập cảnh là một thử thách lớn đối với nhiều khách hành hương, nhưng dĩ nhiên chúng tôi hiểu lý do. Chúng tôi lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến những người hành hương đang có ý định đến thăm Thánh Ðịa lúc này hoặc trong tương lai gần và chắc chắn là trong mùa Phục Sinh sắp tới.”
Giáo hội khuyên mọi người theo các chỉ dẫn của bộ y tế và thận trọng nhưng đừng loan truyền tin đồn. Ông Abunassar nói: “Ðó là một thách thức lớn và chúng tôi cầu nguyện để sớm vượt qua nó với số thương vong tối thiểu có thể.”
Theo điều tra của Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh, không có nhân viên nào của Giáo hội có liên lạc với các khách hành hương Hàn quốc bị nhiễm coronavirus. Các nhà thờ tại Thánh Ðịa vẫn hoạt động bình thường. Cho đến nay, không có nhà thờ nào ở Palestine cũng như ở Israel được yêu cầu đóng cửa hay ngưng đón nhận khách hành hương.
7. Thánh lễ cầu nguyện cho nạn nhân cộng sản Tiệp Khắc.
Thứ Bảy 22 tháng Hai năm 2020, một thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân chế độ cộng sản Tiệp Khắc đã được Ðức cha Jan Vokal, Giám mục giáo phận Hradec Kralove, chủ sự tại Ðan viện dòng Prémontré Zeliv ở mạn nam Cộng hòa Tiệp.
Như đài phát thanh Praha đưa tin, trong thánh lễ, Ðức cha Jan Vokal có nhắc đến tên cha sở Josef Toufar bị công an mật vụ cộng sản tra tấn cho đến chết, cách đây 70 năm, ngày 25 tháng Hai năm 1950.
Thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân nằm trong chương trình Hội nghị kéo dài hai ngày về cha Toufar.
Ðan viện Prémontré ở Zeliv, là nơi được nhà nước cộng sản Tiệp Khắc dùng làm nơi giam giữ các linh mục và tu sĩ Công Giáo trong thập niên 1950. 464 giáo sĩ bị giam tại đây, trong đó có Ðức Tổng giám mục Karel Otcenasek, của giáo phận Hradec Kralove, và vị sau này là Ðức Hồng Y Frantisek Tomasek, Giáo chủ Công Giáo Tiệp Khắc. Hồi tháng 08 năm 1968, ngài đã tổ chức một cuộc hành hương với các linh mục đồng tù đến Ðan viện Prémontré ở Zeiv.
Từ năm 1954, khu nhà Ðan viện này được nhà nước cộng sản dùng làm nhà thương tâm trí, và sau khi chế độ Tiệp khắc sụp đổ năm 1991, Ðan viện được trả lại cho dòng Prémontré và nay tiếp tục là một Ðan viện như từ đầu.