Cha Andrea Santoro, một linh mục đã dành trọn cuộc đời cho những sáng kiên tông đồ

 

Don Andrea Santoro là ai? Đây là một câu chuyện phức tạp của một linh mục người Roma. Trong Ngài người ta có thể nhận ra những đam mê khác nhau của một người sống đời độc thân như: say mê viết sách, yêu mến việc học hỏi và suy niệm Thánh Kinh, linh hoạt công việc mục vụ ở vùng biên giới, đời sống giáo xứ, tìm kiếm những con đường tốt nhất cho việc đối thoại liên tôn.

Don Andrea Santoro sinh năm 1945, ở Priverno, thuộc tỉnh Latina. Những khó khăn của cuộc xung đột đến từ thế chiến thứ hai đã đẩy cha mẹ cậu bé Andrea phải ra đi. Đầu tiên họ tìm cách đi sang Hoa Kỳ nhưng không được; sau đó vào năm 1956 họ đã chuyển đến Roma. Thời gian này Roma đang trải qua một giai đoạn xây dựng phát triển chóng mặt. Bên cạnh những lợi ích, việc xây dựng này cũng chính là nguyên nhân của sự đầu cơ, vì thế hàng chục ngàn người không tìm được nhà ở và phải ở trong những căn lều tự phát ở trong các khu vực khác nhau của thành phố. Họ dùng những thứ phế liệu để dựng tạm những căn lều, đời sống khó khăn, không có nước, không có điện.

Gia đình của Andrea là một trong số những gia đình này. Cậu bé lớn lên và chứng kiến những khó khăn trong việc mưu sinh của cha mẹ và những người dân. Để phục vụ cho đời sống đạo của khu ổ chuột này, một số linh mục được gửi đến từ Roma. Trong số đó, cha Roberto Sardelli là người đã có ảnh hưởng đặc biệt trên cậu vì những hoạt động tông đồ cùng tâm hồn mục tử của Ngài. Cậu đã nói với cha về những suy nghĩ và ước muốn từ lâu của mình là muốn trở thành một linh mục trong tương lai.

Sau một thời gian, dưới sự hướng dẫn của cha Roberto Sardelli, Andrea gia nhập tiểu chủng viện Roma, rồi đại chủng viện từ năm 1964 đến năm 1970, gần Đền thờ Laterano. Đây là giai của những thay đổi trong đời sống của Giáo hội, trong vài năm có ba vị giáo hoàng vĩ đại kế vị nhau; và trên tất cả Công đồng chung Vatican II bắt đầu. Về mặt xã hội cũng có những biến chuyển phức tạp, những cuộc biểu tình phản kháng của thanh niên. Trong tình hình đó Andrea đã được phong chức linh mục vào năm 1970. Trong ngày chịu chức một người bạn đã hỏi cha: “Công việc mục vụ nào mà bạn ưu tư nhất và muốn thi hành Andrea Santoro?”. Với câu hỏi này cùng với cái nhìn về Giáo hội và xã hội lúc đó, ở nơi Andrea nảy sinh những ước muốn để có thể: Hội nhập, phát triển, về nguồn. Chính vì thế cha đã cố gắng xác định cho mình một con đường để tiến đến trọn lành: Một linh mục thánh, một linh mục thợ, một linh mục có văn hóa, sự tinh tế, một linh mục tông đồ cho người cùng khốn, một nhà truyền giáo. Đó là những ưu tư luôn hiện diện trước mắt cha trong thời gian làm cha xứ của nhà thờ Chúa Biến Hình từ 1972-1980. Quá trình phân định dài, đầy khúc khuỷu, nhưng cha đã được hướng dẫn, giúp đỡ từ những người bạn cùng chí hướng, từ những vị hướng dẫn đồng hành thiêng liêng.

Cha đã tìm những cách thế khác nhau để cố gắng trở thành một linh mục có thể phục vụ phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Cha đã tham gia với một niềm đam mê hội nghị về “trách nhiệm của người Kitô đối với công bình và bác ái của giáo phận”,  theo học tại đại học về triết, tâm lý học. Sau đó được cảm hứng và sức quyến rũ của một mẫu gương của cuộc sống “mới”, Charles de Foucauld (1858-1916) cha xin phép Bề trên đi đến Đất Thánh để tịnh dưỡng. Trong thời gian này, đối với cha đây là một “sự trở lại nguồn” thực sự trước khi tiến tới một sự “phát triển”. Chính vì thế khi trở về trong cha xuất hiện những tâm tình và quyết tâm mới được biểu hiện qua một cuộc sống đạo đức thánh thiện hơn, ước muốn một cuộc sống đơn giản, khiêm tốn.

Vào những năm tám mươi khuôn mặt của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu làm cha bị thu hút. Don Andrea yêu mến ĐGH, đồng thời cha tiếp tục quan tâm đến các chỉ thị mục vụ của các giám mục Ý. Trong các bài viết và sáng kiến của cha luôn liên quan đến những vấn đề được đề cập trong các văn kiện của Hội đồng Giám mục. Điều gì và phải như thế nào là một bản sắc của một giáo xứ? Đường hướng nào để có sự tăng trưởng giáo lý trong đời sống của người Kitô hữu? Đó là tất cả những ưu tư mục vụ của cha.

Tháng 6 năm 2000, với sự đồng ý của Hồng y Ruini, cha đã đến sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, phục vụ các Kitô hữu ở phía Đông của bán đảo Anatolian. Đời sống của giáo dân rất nghèo và không có linh mục chăm sóc mục vụ. Cha đến với tâm tình của một người như là một hiện thân của Giáo hội đang đồng hành với đàn chiên của mình. Ở Thổ Nhĩ Kỳ các hoạt động của cha tập trung vào tình yêu đối với Đất Thánh, tình cảm bao la đối với anh em Hồi giáo. Những tâm tình này của cha có thể  thấy được qua các lá thư được cha gửi đến hiệp hội do cha thành lập với nội dung chính “Cánh cửa cho Trung Đông”.

Trong một thời gian dài, từ năm 1977 cho đến cuối những năm chín mươi, cha  Andrea đã trải qua một số thử thách nội tâm, liên quan đến sự khó khăn không thể xác định được cách thức mục vụ mà cha cảm thấy được kêu gọi. Hành trình gặp rất nhiều khó khăn nhưng cha không bao giờ nản lòng, tiếp tục cầu nguyện và suy niệm Kinh Thánh; Apraham là nhân vật của Kinh Thánh đã giúp cha sống niềm tin sâu đậm nhất để luôn bắt đầu lại, nuôi hy vọng. Hội nhập, trở về nguồn, phát triển là ba tư tưởng chính hình thành nên đường hướng sống của linh mục này. Một linh mục Roma đích thực, người luôn muốn xây dựng và sửa chữa, nhà văn nhanh nhẹn, “du khách tâm linh”, người mang tình yêu của Giáo hội Rôma, con người của đối thoại.

Cha qua đời ngày 5 tháng 2 năm 2006, bị bắn trong khi đang quỳ cầu nguyện tại nhà thờ Santa Maria ở Trabzon. Bên cạnh cha, người ta tìm thấy cuốn Kinh thánh còn đang đọc dở dang (L’OSSERVATORE ROMANO 07-02- 2018)

 

Ngọc Yến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *