Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dừng lại sau trình thuật chóp đỉnh của công trình cứu độ mà Đức Giêsu Kitô “Con Thiên Chúa làm người” đã thực hiện: đó là cuộc thương khó hiến tế chính thân mình trên thập giá để đền thay tội lỗi của toàn thể nhân loại mà cứu chuộc và đem vào vương quốc tình yêu của Người. Giaó hội mời gọi chúng ta suy niệm để cảm nếm lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa Tình Yêu.
SUY NIỆM
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu viên mãn tràn đầy và Ngài muốn chia sẻ thông ban.
Tự Thiên Chúa đã có sáng kiến tạo dựng vạn vật để thông ban tình yêu của mình. Sách Kinh Thánh đã trình bày kế hoạch yêu thương đó (Stk 1, 1 – 31 ); kể cả khi con người là thụ tạo đã bất trung, phản bội, khước từ tình yêu thương của Người (Stk 3, 1-15 ) thì Người vẫn trung tín giữ lời giao ước.
Chương trình cứu độ con người và cho con người phục hồi phẩm giá cao quý đã bị nguyên tổ làm hư hỏng; được Thiên Chúa hoạch định và thực hiện qua các thời kỳ trình bày trong sách Kinh Thánh. Giáo hội gọi đó là Lịch sử Cứu độ.
Lịch sử cứu độ là những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện từ sáng thế cho đến tận thế, qua những biến cố, lời nói, việc làm để ban ơn cứu độ cho loài người.
– Những kỳ công này thể hiện tình yêu thương vô lượng của Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho nhân loại qua việc tuyển chọn dân riêng, huấn luyện và hướng dẫn họ trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại để tiến về Nước Trời vĩnh cửu. Công trình này được Thiên Chúa chuẩn bị trong thời Cựu Ước và thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô trong thời Tân Ước.
I. THỜI CỰU ƯỚC
1. Giai đoạn sáng tạo
a)Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương con người
Thiên chúa tạo dựng vũ trụ cùng muôn loài muôn vật và tạo dựng con người giống hình ảnh Người để thông ban tình yêu, một tình yêu không hạn lượng.
Bằng một cách thức khác với khi tạo dựng vũ trụ và muôn loài, Thiên Chúa tạo dựng con người từ bụi đất rồi thổi hơi ban cho sự sống. Thiên Chúa tạo dựng con người và ban cho con người có một phẩm giá vô cùng cao quí, có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến cũng như thông hiệp với những người khác (x. GLCG 357).
b) Con người bất trung phản bội Thiên Chúa
Được dựng nên cách thánh thiêng để sống hòa hợp với Thiên Chúa và với các thụ tạo, nhưng con người đã lạm dụng tự do, làm theo ý mình, muốn bằng Thiên Chúa nên mất tin tưởng và không vâng phục Người. Hậu quả bi đát nhất đến với con người là cái chết; và từ tội đầu tiên này, sự dữ đã lan tràn và thống trị khắp thế giới.
c) Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ
Thiên Chúa là Đấng toàn năng và trung tín, không những đã không bỏ rơi con người sau khi họ sa ngã, mà còn tìm đến với con người (x. St 3, 8 – 10); đồng thời lên án kẻ đã gây ra sự tội và Ngài còn hứa ban Đấng cứu độ: 15“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (x St 3,15).
2. Giai đoạn chuẩn bị (Thiết lập giao ước với nhân loại)
Tội lỗi của nhân loại ngày càng nặng nề, sự xúc phạm đến Thiên Chúa mỗi ngày thêm nghiêm trọng; thế nhưng, Thiên Chúa nhân hậu đã nhẫn nại chịu đựng và thiết lập các giao ước với con người để dẫn đưa con người về đường ngay nẻo chính; qua những vị đại diện là :
a) Với ông Noe (x. St 9,1-15)
Dưới thời của ông Nô-e, để thanh tẩy sự gian ác, tà vạy đang hủy hoại con người; Thiên Chúa đã dùng đại hồng thủy để rửa sạch mặt đất. Duy chỉ có gia đình ông Nô-ê là người công chính được Thiên Chúa chỉ cho cách đóng một con tàu để thoát cơn thịnh nộ của Người.
Sau cơn đại hồng thủy, Thiên Chúa ban phúc lành cho gia đình ông Nô-ê và thiết lập giao ước: “… Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa.”
b) Với ông Áp-ra-ham (x. St 12)
Để chuẩn bị một dân tộc mới làm dân riêng của Chúa; Thiên Chúa đã chọn gọi ông Áp-ra-ham là người đã tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Thiên Chúa thiết lập giao ước với ông:
– Một dân tộc sẽ phát xuất từ Áp-ra-ham.
– Một đất nước thuộc sở hữu dân It-ra-en.
– Một phúc lành ban xuống cho dân nhờ Áp-ra-ham.
Sự cứu độ cả nhân loại bắt đầu với niềm tin của tổ phụ Áp-ra-ham.
c) Với ông Môi-sê
– Trong cuộc thần hiện tại Hô-rép, Thiên Chúa đã chọn Môi-sê làm thủ lãnh dân It-ra-en. Thiên Chúa đã mặc khải thánh danh của Ngài và thiết lập giao ước với con người.
– Trong biến cố vượt qua Biển Đỏ, Gia-vê Thiên Chúa đã tỏ hiện quyền năng khi giải thoát dân It-ra-en khỏi ách thống trị của người Ai Cập, giúp dân vượt qua Biển Đỏ để tiến về miền đất hứa. (Xh 14, 15 – 31). Cùng với những thử thách và thanh luyện trong hành trình về đất hứa, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với dân It-ra-en: “…Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh…”(x. Xh 19, 5-6). Đây là Giao ước quan trọng nhất trong thời Cựu Ước và là giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Ít-ra-en qua vị đại diện là ông Môi-sê trên núi Si-nai.
Giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Ít-ra-en, có nội dung: Thiên Chúa hứa sẽ chăm sóc và hướng dẫn dân Ít-ra-en; ngược lại dân Ít-ra-en phải nhìn nhận và phụng sự một mình Ngài là Thiên Chúa duy nhất.
Ngoài ra, Thiên Chúa còn ban Mười Điều răn để làm nền tảng cho lề luật mà dân It-ra-en phải tuân giữ để tôn thờ Người.(x. Xh 29, 1-17) đồng thời Người sai các ngôn sứ đến với dân để truyền đạt ý định của Ngài. Tiêu biểu như ngôn sứ I-sa-i-a, Giê-rê-mi-a, Đa-ni-en, Ê-dê-ki-en:
Mặc dầu Thiên Chúa đã thử thách và tôi luyện sự trung tín của dân trong hành trình 40 mươi năm về đất hứa, nhưng dân vẫn vi phạm giao ước. Thế nên, Thiên Chúa đã nhiều lần sai các ngôn sứ đến nhắc nhở, khiển trách và trừng phạt dân để họ trở về với Người.
Qua các biến cố, các sự kiện trong hành trình về đất hứa; Thiên Chúa rất mực khoan dung, nhân hậu, chịu đựng và tha thứ cho dân It-ra-en. Đồng thời để củng cố niềm mong đợi được giải thoát của It-ra-en, Thiên Chúa đã ban cho các dấu hiệu báo trước về Đấng Cứu Thế như:
Mạch nước tuôn trào từ tảng đá (x. Xh 17, 1-7); Con rắn đồng được treo lên (x. DS 2I, 4-9); Manna (x. Xh 16, 3-5)
II. THỜI TÂN ƯỚC (Giai đoạn thực hiện ơn cứu độ)
Để thực hiện ơn Cứu độ, Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, rao giảng Nước Trời, kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng.
1. Sứ mệnh của Gio-an Tiền Hô
Thánh Gio-an Tiền Hô đã được sai đến để trực tiếp dọn đường cho Đức Ki-tô, thánh nhân là “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1,76). Ngài trổi vượt hơn tất cả mọi ngôn sứ và là vị ngôn sứ khai mạc thời kỳ Tân ước.
2. Sứ mệnh của Đức Ma-ri-a
Để thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại, Thiên Chúa sai sứ thần đến loan báo cho Đức Ma-ri-a: “ Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc1, 31).
Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị Đức Maria bằng ân sủng của Người. Nơi Đức Maria, Thánh Thần đã thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ và bởi Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã thụ thai và sinh hạ người Con Thiên Chúa (GLCG 723). Cuối cùng, nhờ Đức Maria, Thánh Thần đã đưa con người vốn được Thiên Chúa yêu thương vào trong mối hiệp thông với Đức Ki-tô.
3. Thiên Chúa nhập thể
Theo cách nói của Thánh Gio-an tông đồ: “ Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Con Thiên Chúa đã mang lấy bản tính nhân loại để thực hiện trong bản tính ấy việc cứu độ chúng ta. Hội Thánh gọi đó là mầu nhiệm nhập thể.(x. Pl 2, 5-8)
4. Ngôi Lời sinh hạ làm người
Tin Mừng theo thánh Lu-ca tường thuật, Sứ thần đã báo tin cho các mục đồng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2, 11 – 12) đó là Đức Gêsu Kitô.
a. Cuộc đời thơ ấu của Đức Gêsu
Bao gồm một chuỗi các sự kiện liên quan đến mầu nhiệm nhập thể của Đấng Cứu Thế như : Giáng sinh, tuân giữ luật cắt bì, các nhà thông thái đến kính viếng, dâng Chúa vào đền thờ, việc chạy trốn sang Ai Cập và việc vua Hê-rô-đê tàn sát các trẻ thơ,…
b. Cuộc đời ẩn dật của Đức Gêsu
Sau khi Hê-rô-đê băng hà, thánh Giu-se đem Chúa Giê-su trở về quê hương Na-gia-rét và sống ẩn dật ở đó trong khoảng 30 năm. Biến cố quan trọng của thời kỳ ẩn dật này là con trẻ Giê-su, năm 12 tuổi, đã ngồi đàm đạo với các thầy thông luật trong đền thờ Giê-ru-sa-lem (x Lc 2, 41 )
c. Cuộc đời công khai của Đức Gêsu
– Đức Gêsu chịu phép rửa
Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai bằng phép rửa của Gio-an tiền hô ở sông Gio-đan. Với phép rửa của Gio-an, Đức Giê-su chấp nhận và khai mạc sứ mạng của “Người tôi tớ đau khổ”. Ngài để cho mình bị kể vào số tội nhân. Ngài đã là “ Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa, cửa trời mở ra và nước được thánh hóa, báo trước cuộc sáng tạo mới sắp bắt đầu (GLCG 536)
– Giáo huấn đầu tiên:
Khởi đầu công khai rao giảng, Đức Ki-tô công bố Tin Mừng của Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)
– Đức Giê-su rao giảng Nước Thiên Chúa
Tất cả mọi người được kêu gọi gia nhập Nước Trời. Tuy thế, Nước Thiên Chúa được dành ưu tiên cho kẻ nghèo hèn, bé mọn và tội lỗi: (Lc 4,18 – Mt 11, 25 – Mc 2, 17)
– Cuộc thương khó của Đức Giê-su Kitô
Sau ba năm giảng dạy chân lý cứu độ, Đức Giê-su bị các nhà lãnh đạo và dân It-ra-en kết án: Bị bắt, bị tra tấn và bị đóng đinh, treo trên thập giá; Đức Giê-su đã chịu chết, được mai táng trong mồ, đến ngày thứ ba Người sống lại và lên trời.
d. Hiến tế đền tội và tạ ơn
Toàn bộ cuộc sống của Đức Giê-su là một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa Cha: bởi những đau khổ nơi tâm hồn Người đã gánh chịu khi bị người đồng hương khinh bỉ, miệt thị, khi bị người đời nhạo báng phỉ nhổ; bởi những đau đớn tột cùng nơi thân xác trong cuộc khổ nạn. Khi bị treo trên Thập giá, Người vừa là tư tế, vừa là tế đàn, vừa là của lễ hiến dâng lên Chúa Cha để cứu độ con người.
e. Vinh hiển sống lại và lên trời
+ Sống lại
– Đức Ki-tô phục sinh là một biến cố có thật với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận. Trong thư Thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Cô-rin-tô : “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, 4rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3-4).
+ Lên trời
Sau khi phục sinh khoảng bốn mươi ngày, Đức Giê-su đã về trời ( Lc 24, 50-53 ). Người đã từ Thiên Chúa mà đến thì nay Người trở về cùng Thiên Chúa là Cha của Người: “….Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.
Ba biến cố: tử nạn, phục sinh và lên trời của Đức Giê-su không thể tách biệt nhau, mà liên kết chặt chẽ trong mầu nhiệm Vượt Qua và trở thành tâm điểm chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa như thánh Phê-rô đã minh định trước mặt dân chúng: “Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy,31và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội” (Cv 5, 30-31)
f. Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi lời nhập thể đã hoàn tất công trình cứu độ:
Trong thời kỳ thực hiện ơn cứu độ, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước mới với nhân loại qua trung gian là chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Ngài.
Trong giao ước cũ, Thiên Chúa thường dùng máu chiên bò để ký giao ước với loài người. Còn trong giao ước mới, Thiên Chúa đã dùng chính máu Con Một Người là Đức Giê-su Ki-tô.
Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giê-su Kitô trong ngày thứ ba TAM NHẬT THÁNH, chúng ta nhìn lại những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho loài người từ thời Sáng Thế…vì tội lỗi chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Nhờ đó cảm nếm sâu xa hơn lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta mà tin tưởng, yêu mến ném cả cuộc đời mình vào tình yêu vô biên của Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ngài đã chẳng nuối tiếc khi ban Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô làm giá cứu chuộc con thoát khỏi tội lỗi. Xin cho con biết cậy nhờ ơn Chúa mà sống hiệp thông với Đức Giê-su qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người để con luôn xứng đáng với lòng Chúa xót thương.