Tôn giáo bao giờ cũng thiết yếu là một “cái gì đó” để người ta sống, chứ không phải để trưng bày hoặc khoe mẽ. Giáo Hội cũng cần thiết là một “cái gì đó” để sống : Giáo Hội thực sự là một bà mẹ. Như thế, người ta không thể đứng ngoài nhìn ngắm Giáo Hội như một đồ vật, hoặc như một công trình nghệ thuật, cho dù tác giả của công trình là Thiên Chúa đi nữa; hoặc như một nhân vật nào đó xa lạ, ở bên cạnh ta và ta có thể khen ngợi hoặc chê trách. Tất cả những kiểu đến với Giáo Hội như vậy không thể nào giúp hiểu thấu “tấm lòng” của Giáo Hội được. Giáo Hội là một bà Mẹ, người ta chỉ có thể hiểu được Mẹ khi sống tâm tình của một người con. Giáo Hội là lời kêu gọi những đứa con đến với mình sống trong vòng tay và cùng chia sẻ sức sống yêu thương. Người Kitô hữu, một mặt, vừa là con cái trong Giáo Hội, mặt khác, vừa là chính Giáo Hội.
Bộ mặt Giáo Hội trần thế không bao giờ hoàn toàn đẹp đẽ. Giáo Hội thời thánh Ða Minh càng có nhiều điều đáng nói hơn nữa. Nhiều người đã nhận ra vẻ xấu xí, già nua của Giáo Hội và họ chỉ trích, chê bai, rồi cuối cùng “thoát ly” khỏi gia đình Giáo Hội, đó là những người lạc giáo. Người ta thường hiểu người lạc giáo là những người có giáo lý sai lạc khác với giáo lý của Giáo Hội. Ðiều đó đúng. Nhưng sâu xa hơn, lạc giáo chính là một thái độ cư xử đối với Mẹ Giáo Hội như một người xa lạ, như một ai đó ở ngoài mình, khác với mình. Lạc giáo trước khi là một giáo lý sai lạc, đã là một tâm tình sai lạc, một mối tương quan lệch lạc.
Thánh Ða Minh cũng đã nhìn thấy những nét nhăn nheo xù xì trên gương mặt Mẹ Giáo Hội, nhưng thay vì chê bai trách móc, thay vì nhắm mắt làm ngơ, thay vì mặc kệ dửng dưng, ngài đã đảm nhận trọn vẹn vai trò của mình. Một mặt, như một người con trong Giáo Hội, thánh Ða Minh đã cố gắng tìm lại những nguồn mạch phong phú của Tin Mừng và cách sống của các tông đồ, nhằm để làm đẹp bộ mặt của Giáo Hội. Mặt khác, như một người của Giáo Hội, thánh Ða Minh đã nỗ lực kêu gọi những người lạc giáo hãy trở về với Giáo Hội; ngài lao vào công việc đó bằng gương sáng, bằng lý lẽ, bằng lời giảng, bằng lời cầu nguyện, bằng kinh Mân côi … Ngài đã xử sự như một người con, một người con trưởng thành, dám đảm nhận trách nhiệm và hết sức yêu thương Giáo Hội, Mẹ của mình. Chính từ thái độ đó, từ lòng yêu mến đó mà Dòng Ða Minh đã được khai sinh để mãi mãi đóng trọn sứ mạng mà Thánh Tổ Phụ đã lãnh nhận đối với Giáo Hội.
Giáo Hội là một bà Mẹ, bà Mẹ này có thể đã già nua, chậm chạp, nhưng dù sao đó là “bà Mẹ của tôi”, bà Mẹ đã sinh ra tôi và đã nuôi dưỡng tôi. Ðức Hồng Y Marty nói : “Tôi đã sống Giáo Hội trước khi ý thức Giáo Hội là gì. Tôi đã yêu mến Giáo Hội cũng như tôi đã yêu mến mẹ tôi, tôi không học mà cũng biết người đàn bà đó đã cho tôi sự sống và mạc khải tình yêu cho tôi. Ðó là điều không quên được”.
Cuộc sống nhân loại không phải là một bãi chiến trường, ở đó người ta phải cạnh tranh nhau để dành phần hơn và phải đẩy người khác ra để dành chỗ đứng cho mình. Không ít người đã sống trong xã hội như thế và cũng sống trong Giáo Hội như thế. Ðúng hơn, nhân loại là một gia đình, mọi người là anh em một Cha. Hơn thế nữa, Giáo Hội cũng là một gia đình, trong đó người ta cần học chấp nhận nhau vô điều kiện.
Bao giờ cũng thế, Giáo Hội trần thế luôn có những vết nhăn, vì Giáo Hội bao gồm những con người, gồm những “nhân vô thập toàn”. Thế nhưng, Giáo Hội luôn mang đặc tính Giáo-hội-thánh-thiện. Tính cách thánh thiện này không do chính Giáo Hội hoặc nhờ những con người cụ thể nào trong Giáo Hội, nhưng do sự thánh thiện của Chúa, do sứ vụ thánh hóa trần gian mà Giáo Hội đã nhận được nơi Ðầu của mình là Ðức Kitô. Tin vào Chúa Kitô, chúng ta có thể nhận xét về Giáo Hội, phê bình và xây dựng, nhưng không được phê phán hay phá bĩnh cách này cách khác. Một gia đình mà không có tình yêu thì không còn là một gia đình nhưng là một hỏa ngục.