Sáu Bậc Sống – Bậc sống trọn lành toàn hảo (P.5)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

VI. Bậc sống trọn lành toàn hảo (bậc nhiệm hiệp)

– Trong ân sủng

– Trong phẩm chất thánh thiện

– Trong tình yêu

1.   Nhiệm hiệp với Thiên Chúa, sống là kéo dài cuộc sống của  Chúa Ki-tô.

2.   Mọi sự của linh hồn là của Chúa, luôn xem mình là người quản lý tạm thời mọi sự mình có.

3.   Ý của linh hồn là ý Chúa, ý của Thiên Chúa là ý của linh hồn.

4.   Luôn được Thiên Chúa gìn giữ và thanh tẩy những tì vết của linh hồn.

5.   Linh hồn chìm đắm trong những kiến thức thần bí, có những khả năng, hiểu biết vượt trên tự nhiên.

*.*

2. Mọi sự của linh hồn là của Chúa, luôn xem mình là người quản lý tạm thời những gì mình có

A! Ước gì các con, chúng ta hiểu được ý nghĩa lời Thánh Kinh diễn tả “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Và chúng ta cũng hiểu thấu đáo được ý nghĩa thiêng liêng lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói về Giê-ru-sa-lem, cũng là nói về thân phận của mỗi người chúng ta “Gốc gác ngươi, dòng họ ngươi là người A-mô-ri, mẹ ngươi là người Khết…” (Ed 16,3). Là đất mà Thiên Chúa đã thanh tẩy bằng máu lửa chiến tranh, là hai dân tộc mà Thiên Chúa đã ra lệnh cho Dân riêng phải đánh đuổi đi cho khuất mắt Người. Những dân tộc tội lỗi và thờ những tượng thần phù phiếm làm Thiên Chúa ghê tởm. Thiên Chúa đã cho mặt trời mặt trăng dừng lại theo lời cầu của tôi tớ Ngài, để cho Dân “trị tội của địch thù” (Gs 3,10; 10,1-13; 11,3).

Con người đã có gì khi chính mình được dựng nên từ hư vô, bản thể được tạo thành từ bụi đất? Rồi chút bụi đất ấy sau  tội nguyên tổ ra thê thảm thế nào “Lúc chào đời ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tã bọc cho. Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi chỉ một trong những điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi…” (Ed 16,4-5). Thực trạng phận người sau tội nguyên tổ bị đuổi khỏi Địa Đàng, tức vườn hạnh phúc trong sủng ân tác tạo tuyệt vời. Con người đã mất hết mọi hạnh phúc, mất cả ân sủng sự sống vĩnh tồn khi mở lòng kiêu ngạo, nghe theo ma quỉ mà bất tuân lệnh Chúa. Niềm tin vào Thiên Chúa đã mất, mặc lấy án phạt sự chết vào linh hồn, hậu duệ của A-dong, E-va chỉ còn là đứa trẻ lọt lòng mẹ, bị mẹ bỏ rơi, không còn ai thương xót. Cảm nghiệm yêu thương này thánh Gioan Vian-ney đã thốt lên “Trong mình ta chẳng có gì là của riêng ta cả, chỉ có ý riêng ta thật là của ta mà thôi” (“Cuộc  Đời Thánh Gioan Vianney” – M.Carilô).

“Mọi sự của linh hồn là của Chúa” một trong những đích đến của tâm linh, trong đời sống tu đức mà tất cả những ai hướng về ơn cứu độ nơi Đức Ki-tô đều phải kiếm tìm. Nó cũng là sự trần trụi tâm linh của thánh Gioan Thánh Giá, nghèo khó trọn vẹn của thánh Phanxicô Assisi. Các thánh ở Bậc Sống Trọn Lành Toàn Hảo đã vươn đến và sống ung dung trên đỉnh hoàn thiện này. Linh hồn trên hành trình đức tin tìm về với Thiên Chúa, tìm về với cội nguồn của chính mình, tìm về Nguồn Sống – nơi mình được tác tạo nên. Bằng con đường siêu thoát tạo vật và chính mình, và nhìn nhận Tình Yêu Chủ Nhân của thân xác và linh hồn, cùng tất cả những gì Thiên Chúa ban cho. Có thể con người mới trả được lẽ công bằng cho Thiên Chúa, và thực hiện được đức khiêm hạ giúp linh hồn xua tan đi đám mây thế tục trước mắt, nhìn rõ ra Chân Lý Sự Sống, mà xưa kia tổ tông đã đánh mất bởi lòng ham muốn chiếm cả vị trí độc tôn Chủ Nhân, của Thiên Chúa cho mình nơi mình,  trên mình và cả cuộc đời mình.

Chỉ nơi Thiên Chúa mới có Sự Sống Vĩnh Hằng, Nguồn Sống cho tạo vật. Tạo vật khước từ Ngài, tạo vật sẽ chết. Đó là tiến trình của qui luật tự nhiên có sinh sẽ có diệt. Nếu Thiên Chúa không xót thương, ngay cả sự sống tự nhiên nơi mình còn lại, A-dong E-va cũng không thể giữ lại cho mình “Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giẫy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: “Cứ việc sống!” (Ed 16,6). Thế mà khi đã được sống, con người cứ ảo tưởng mình là trung tâm, là chúa tể, là chủ nhân đích thực những gì hiện hữu ở nhân gian. Nào hay nhân gian tất cả chỉ một thời, và “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả” (Gv 12,8). Có cảm nghiệm được sâu sắc thân phận người cát bụi, cỏ rác, hóa sinh từ hư vô của mình bởi lời truyền của Thiên Chúa. Mới thấy những gì thuộc về thế gian thật tạm bợ, thật phù phiếm, chóng qua. Thật khờ dại và dốt nát khi đem cả lòng mình bám víu vào những sự thế gian, đánh đổi sự sống vĩnh hằng để có nó. Thánh Phao-lô nói “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì này, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức ki-tô và được kết hợp với Ngài” (Pl 3,7-9).

Một nét đẹp cao quí ở sự sống động của các thánh đạt đến sự trọn lành toàn hảo, là luôn nhận biết mình chỉ là người quản lý tạm thời tất cả những gì mình có. Đối lại các ngài luôn sống trọn vẹn ý nghĩa “tất cả là hồng ân”. Các thánh nhân đã vươn lên trên đường thánh thiện, rất thánh thiện, tột mức thánh thiện. Vì thế, nơi các ngài tỏa ra hương thơm tuyệt vời của thánh thiện “Hỡi con, thánh thiện không ở tại sự hiện hữu, mà ở sự chấp nhận vô hữu” (“Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu” – Margarita).

Các thánh không dừng lại ở mức không sở hữu những cái ở ngoài mình, như ông Giop:

“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,

tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.

Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi:

xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1,21).

Kể cả những phần quí báu nhất của linh hồn các ngài cũng sẵn sàng dâng hiến nó, để nó thuộc về Thiên Chúa, còn mình chỉ tạm thời quản lý “Bạn hãy đem hết kho báu, ơn thánh, công đức gửi vào lòng Mẹ: vì đây là chỗ linh thiêng, chỗ đáng kính, chỗ đáng quí trọng mọi đàng. Vì đây là nơi đã chứa đựng chính Thiên Chúa với đầy đủ các sự trọn lành của Người” (Sách Vàng). Bố xin kết thúc phần này với lời cầu nguyện của thánh Augustin “Con chỉ biết điều này, là ngoài Chúa ra, không những ở ngoài con mà cả trong con, con cũng cảm thấy khó ở, và, đối với con, mọi sự giàu có không phải là Chúa, thì chỉ là nghèo nàn” (TT Q.13.IX).

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007