Theo như chính Thánh Đa Minh muốn, cử hành phụng vụ long trọng và cộng đoàn phải được kể vào số những bổn phận chính của ơn gọi chúng ta… Cử hành phụng vụ là trung tâm và là trái tim của toàn thể đời sống chúng ta. Sự thống nhất của đời sống này đặc biệt bén rễ trong chính việc cử hành ấy (HP. 57).
Toàn bộ đời sống tâm linh của Thánh Đa Minh được đặt nền tảng trên việc cử hành phụng vụ thánh. Thánh nhân đã kín múc được hứng khởi này từ cuộc sống tại kinh sỹ hội Osma, và đã canh tân lại nhờ việc lui tới với các đan sỹ Xitô, nơi thánh nhân đã lãnh tu phục, không phải vì muốn trở thành đan sỹ, nhưng chỉ vì lòng gắn bó với hình thức sống hoàn toàn hướng về phụng vụ.
Phụng vụ là sự diễn tả cách công cộng cuộc sống của Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội. Thiên Chúa đã dùng nhiều cách để liên lạc với con người. Và Người đã chọn cách thế nhập thể. Người sử dụng ngôn ngữ con người, thứ ngôn ngữ dựa trên các từ ngữ và những dấu chỉ trao cho nhau. Qua phụng vụ, Thiên Chúa ở trong tình trạng liên lạc thường xuyên và nhạy bén với con người. Người nuôi dưỡng họ nhờ lời được công bố. Người đào luyện họ qua các bí tích, nguồn mạch sự sống. Người triệu tập họ trong cuộc tụ họp huynh đệ. Người lắng nghe lời cầu nguyện của họ và đáp lời họ.
Thánh Đa Minh thiết lập Dòng của mình giữa lòng Giáo Hội. Mặc dù các anh em của Người, kể cả các linh mục, không phải là thành phần của hàng giáo sỹ trực thuộc giám mục, nhưng vẫn thực thi tác vụ linh mục, tác vụ phụng vụ. Việc giảng thuyết của anh em là một tác vụ được Giáo Hội trao phó. Anh em cử hành Thánh Lễ là nguồn mạch, trọng tâm và đỉnh cao của phụng vụ. Anh em thi hành tác vụ thứ tha tội lỗi, là phụng vụ canh tân đời sống thiêng liêng nơi các tâm hồn đã bị thương tích. Dù các anh em không cử hành thường xuyên các bí tích –như các mục tử–, thì họ vẫn có khả năng thi hành.
Nhưng trên hết, Thánh Đa Minh truyền lại cho các anh chị em của Người là cử hành mỗi ngày Phụng Vụ Các Giờ Kinh.
Người cũng rất muốn các anh chị em của Người cầu nguyện chung. Không phủ nhận sự cần thiết của việc cầu nguyện riêng, họ nhận lấy trách vụ là thường xuyên dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và khẩn cầu thay cho Giáo Hội. Thánh Đa Minh yêu cầu các anh chị em của Người coi việc cầu nguyện chung này là trọng tâm và trái tim của nếp sống tu trì tông đồ.
Người muốn rằng thời giờ của các anh chị em phải được nhấn mạnh bằng việc cử hành này, mặc dù thời khoá biểu của họ được sắp xếp để thi hành việc học thần học và giảng thuyết. Bởi vì chính thời gian cũng cần được thấm nhuần Tin Mừng. Phụng vụ thánh hoá năm, tuần, ngày, và các giờ.
Các nữ đan sĩ Đa Minh dành trọn cuộc sống để cử hành phụng vụ lời Thiên Chúa, Lời mà các anh em có sứ vụ rao giảng. Việc các chị chuyên cần cử hành phụng vụ cũng như tầm quan trọng các chị dành cho việc cử hành làm cho các chị bước theo Thánh Đa Minh cách trọn vẹn. Qua việc cử hành này, các chị tham dự tích cực vào mục đích của Dòng là ơn cứu độ các linh hồn.
Về phần mình, các anh em phải tự nuôi dưỡng mình bằng các Thánh vịnh cũng như Tin Mừng mà anh em có bổn phận rao giảng. Hiến Pháp xác định :
Trong phụng vụ, nhất là trong hy lễ Tạ Ơn, mầu nhiệm cứu độ hiện diện và hoạt động ; mầu nhiệm mà khi cử hành, anh em tham dự và chiêm ngưỡng, cũng như dùng việc giảng thuyết mà loan báo cho nhân loại, để nhờ các bí tích đức tin họ được sáp nhập vào Đức Ki-tô.
Trong phụng vụ, làm một với Đức Ki-tô, anh em tôn vinh Thiên Chúa vì kế hoạch muôn thuở do ý muốn của Người và sự ban phát lạ lùng ân sủng của Người ; anh em khẩn cầu Chúa Cha giàu lòng thương xót cho đoàn thể Hội Thánh cũng như cho những nhu cầu và ơn cứu độ của toàn thế giới. Vì thế, việc cử hành phụng vụ là trung tâm và là trái tim của toàn thể đời sống chúng ta. Sự thống nhất của đời sống này đặc biệt bén rễ trong chính việc cử hành ấy (HP 57).
Về vấn đề này, dưới đây là chứng từ của rất hay của cha Ventura, khi ấy –năm 1221– là tu viện trưởng tu viện Bologna :
Ngay cả trong các chuyến đi, Thánh Đa Minh cử hành Thánh Lễ hầu như mỗi ngày, nếu tìm được nhà thờ… Cũng vậy, mỗi khi ở ngoài tu viện, ngay khi nghe tiếng chuông đầu tiên từ đan viện, Đa Minh liền thức dậy và đánh thức các anh em ; các vị cùng nhau cử hành Kinh Thần Vụ rất sốt sắng, ngày cũng như đêm, vào những giờ Giáo Hội quy định, không bỏ sót phần nào (VIE, tr. 36).
Và cha Rodolpho xác nhận : Người siêng năng đọc Kinh Thần Vụ, và cùng tham dự với cộng đoàn cả tại cung nguyện lẫn bàn ăn.
Điều này cho thấy rằng phụng vụ thấm nhuần toàn bộ đời sống anh em. Đời sống của họ có tính phụng vụ, và phải nói rằng Chúa được ca tụng trong mọi lúc. Các nghi thức tại bàn ăn, mối tương giao huynh đệ, diễn tiến các buổi họp và cả sự thinh lặng làm nên nét phụng vụ trong đời sống các anh em giảng thuyết.
Còn anh Stephano thì ghi nhớ một kỷ niệm về sự can thiệp của Đa Minh trong giờ kinh phụng vụ, khi anh em không cầu nguyện sốt sắng như Người mong muốn.
Các giờ cầu nguyện ban đêm của Thánh Đa Minh rất thường kéo đến tới giờ cử hành kinh ban mai ; Người cũng đọc chung với anh em, đi từ bên này sang bên kia cung nguyện, khuyến khích và thúc đẩy anh em hát to và sốt sắng (VIE tr. 63).
Hiến pháp nguyên thuỷ của Dòng còn giữ lại một dấu vết trong đó có sự can thiệp của Thánh Đa Minh.
Các anh em phải cùng với nhau tham dự kinh ban mai, thánh lễ, và các giờ kinh khác do Giáo Hội quy định. Về bữa ăn cũng thế, trừ một vài người được bề trên chuẩn chước. Tất cả các giờ kinh đều được cử hành tại nhà nguyện cách ngắn gọn và chặt chẽ, sao cho anh em không mất sự sốt sắng và việc học không bị ảnh hưởng. Đây là điều chúng tôi chỉ thị anh em phải làm : giữa câu phải có nghỉ một chút, không kéo dài giọng vào quãng ngắt và cuối câu, nhưng như đã nói, phải chấm dứt cách ngắn gọn và chặt chẽ. Điều này được tuân giữ tuỳ thời gian phụng vụ (VIE tr. 165-166).
Từ bản văn trên, có thể rút ra vài điểm hữu ích :
1) Trái với lối cử hành của các đan sĩ, nhất là vào thời Thánh Đa Minh, các anh em giảng thuyết không dành quá nhiều thời giờ trong cung nguyện. Họ có trách nhiệm giảng thuyết và học hành để chuẩn bị giảng thuyết. Có thứ tự về các yêu cầu. Dù vẫn đánh giá tầm quan trọng của việc cử hành phụng vụ, Thánh Đa Minh vẫn xếp việc này vào hàng thứ hai chứ không phải là phụ thuộc.
2) Việc chuẩn chước do Thánh Đa Minh đưa ra không phải chỉ là điều khoản do lòng thương xót đối với các anh em đau bệnh không thể đến cung nguyện được, nhưng thật sự đây là một phương thế không thể thiếu trong cuộc đời nhà giảng thuyết. Tất cả mọi người anh em đều có thể được chuẩn chước, không phải tham dự chung giờ kinh nguyện (nhưng không được miễn khỏi việc đọc kinh riêng, nếu là linh mục) vì lý do giảng thuyết hay học hành.
3) Việc xác định rằng đọc kinh phải ngắn gọn và chặt chẽ có 2 mục đích : một phần là không đánh mất sự sốt sắng, phần khác là không ảnh hưởng đến việc học hành và giảng thuyết.
4) Bữa ăn và giờ kinh phụng vụ đi liền với nhau. Đời sống cộng đoàn là nét đặc trưng trong đời sống các con cái Thánh Đa Minh.
Chúa nói : “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Thánh Đa Minh cũng vậy, Người đi theo và noi gương các tông đồ, Người là một con người phục vụ cho ký ức. Ký ức không chỉ là kỷ niệm. Nhắc nhớ một kỷ niệm là trở về một quá khứ đã qua. Có những biến cố, những tình huống, những con người để lại dấu ấn là họ đã từng hiện diện. Họ để lại những kỷ niệm. Người ta nhắc nhớ đến họ. Họ lưu lại sự tưởng nhớ, hay ngược lại, lưu lại cảm tưởng xấu.
Nhưng ở đây là tưởng niệm. Đây là hiện tại hoá những biến cố Đức Ki-tô giáng sinh, bị phản bội, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Chính hôm nay, tôi đang sống, lúc này đây, tôi đang sống biến cố Đức Giê-su trao tặng Mình và Máu Người qua bí tích. Chính hôm nay tôi đang nghe công bố “như vào lúc ấy tôi đã hiện diện” lời của Thiên Chúa và lời ấy tác động đến tôi. Lời ấy tác động đến tôi theo nghĩa thể lý của từ ngữ.
Do ơn gọi giảng thuyết của mình, Thánh Đa Minh nhận được ơn hiện tại hoá hành động cứu độ của Chúa, qua việc giảng thuyết cũng như qua đời sống của Người. Đối với tất cả những ai tham dự vào phụng vụ thánh, dù theo tư cách nhà giảng thuyết cử hành, hay theo tư cách người tín hữu lắng nghe và rước lễ, họ cần phải thực hiện lệnh truyền của Chúa : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”