THÁNH TÔMA ĐÀO ĐÌNH TOÁN
Thày giảng dòng ba Đaminh – (1764- 1840)
Kính ngày 27 tháng 06
Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.
Tuổi Già can đảm.
Sau 13 ngày bị lột trần phơi nắng phơi sương, không một hạt cơm vào bụng, quân lính đem bày trước mặt tử tội một mâm cơm đầy thức ăn ngon và mời mọc. Thế nhưng cụ già 76 tuổi đó đã từ chối : “Nếu ăn mà phải xuất giáo, tôi không bao giờ ăn !”. Cụ già dũng cảm đó là thày giảng Tôma Đào Đình Toán.
Sinh năm 1764 tại làng Cần Phán, tỉnh Thái Bình, Tôma Đào Đình Toán vừa là hội viên dòng ba Đaminh, vừa là thày giảng có uy tín làm nhiệm vụ truyền giáo ở Trung Linh. Đức cha trao cho thày chức phụ tá quản lý nhà chung tại đây. Thời vua Minh Mạng bách hại, thày Tôma Toán là cánh tay phải đắc lực của cha già Tuyên trong việc tông đồ.
Sa ngã và thống hối
Trong làng Trung Linh có ông lang Tư, vì ham tiền thưởng tố cáo với quan phủ Xuân Trường rằng làng có đạo trưởng, nên ngày 16.12.1839, quân lính đến càn quét lục sóat làng này. Cha già Tuyên may mắn trốn xuống hầm nên thoát nạn. Thày Toán không kịp lẩn tránh nên bị điệu ra trình diện. Thày khai tên là Thi và ngồi chung với dân làng. Nhưng do sự chỉ điểm của ông lang Tư, quân lính tiến về phía thày, kéo khăn trên trán ra và tri hô lên : “Tên này sói đầu đúng là đạo trưởng đây”. Về sau chúng biết thày không phải là linh mục, nhưng vì tội không chịu xuất giáo nên vẫn bắt giam thày.
Cuộc tử đạo của thày Toán được ghi dấu bằng hai lần chối đạo :
– Lần thứ nhất, sau một tháng bị tra khảo, ngày 19.1.1840 thày đã nhát sợ bước qua Thánh Giá. Thế nhưng tổng đốc Trịnh Quang Khanh vẫn chưa tha cho thày về ngay, còm muốn thử xem thày có thật lòng bỏ đạo không. Khi lính đưa thày già về ngục, cha thánh Giuse Hiển OP đã ân cần nhủ khuyên thày thống hối và tiếp tục tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.
– Lần thứ hai, ngày 18.4, quan Trịnh Quang Khanh bắt hai người đã xuất giáo đến xúi giục thày Toán, và dọa nếu không thành công sẽ giết cả hai. Những người này năn nỉ khóc lóc xin thày thương kẻo họ bị chết, và họ nói nhiều lời phạm đến Chúa và Đức Mẹ suốt hai ngày liền. Để họ khỏi phạm thượng, thày Toán một lần nữa lại bước qua Thánh Giá. Lần này thấy mình quá dại dột để bị đánh lừa, thày thống hối khóc lóc đêm ngày không ai ngăn cản được. Mười lăm ngày sau, cha thánh Đaminh Trạch OP bị bắt cũng được dẫn tới giam chung một ngục, cha an ủi và giải tội cho thày. Từ đây thày trở thành một con người mới, đủ sức đương đầu cách phi thường với những thử thách nặng nề hơn trước.
Không gì lay chuyển
Ngày 9.5, trước khi xử chém cha Giuse Hiển, thày Toán cũng bị đưa ra tòa với cha. Sau khi hai vị cương quết không đạp lên Thập Giá, quan cho quản tượng lùa hai thớt voi đến sau lưng húc xô hai vị. Thày Toán và cha Hiển bình tĩnh cố tránh qua một bên, nhất định không bước qua Thập Giá. Trịnh Quang Khanh tức giận truyền đưa thày già về ngục, và ra lệnh đưa vị linh mục ra pháp trường xử chém tức khắc.
Một hôm viên quan khôi hài nói với lính : “Dẫn lão Toán ra đây để nó bước qua Thập tự, kẻo nó quên”. Nhưng ông hoàn toàn thất vọng, người chiến sĩ đức tin lần này gan dạ lạ lùng, dù bị tra tấn dã man, thày vẫn một lòng trung thành với đạo Chúa. Sau một trận đòn tưởng chết, quân lính lôi thày bước qua Thánh Giá, thày liền vùng dậy quỳ phục xuống đọc kinh Ăn Năn Tội, quan giận dữ cho giam thày nơi khác, bắt nhịn ăn, nhịn khát, và cho lính muốn bày trò hành khổ gì tùy ý.
Thế là quân lính liền lột hết quần áo thày, buộc hai Thánh Giá nhỏ vào hai bàn chân, bắt phơi nắng 13 ngày liền không được ăn uống gì cả. Trong khi đó, chúng vây quanh trêu chọc thày. Hết bứt râu, giựt tóc, nhéo tai, đến vuốt mũi… Khi thấy thày rơi vào tình trạng đuối sức, người như lả đi, quan Trịnh Quang Khanh âm mưu cho dọn một mâm cơm rượu thịt thơm ngon và nói : “Ăn đi, rồi bước qua Thập tự”. Nhưng vị anh hùng đức tin thà chết đói hơn là phải bỏ đạo, thày nói : “Nếu ăn mà phải xuất giáo, tôi không bao giờ ăn cả”. Quan tức mình tống giam, bắt thày nhịn đói thêm năm ngày nữa cho chết rũ tù. Có người lính canh tên Thám tội nghiệp, ngấm ngầm tiếp tế đôi chút, nhưng rồi anh bị phát hiện và bị trừng phạt.
Cho tới hơi thở cuối cùng.
Từ đó thày già Đào Đình Toán phải chịu đói khát hoàn toàn cho đến khi ngã gục và tắt hơi thở trong tù ngày 27.6.1840. Thi hài thày Toán được chôn cùng với các tù nhân. Bẩy tháng sau, anh Dậu cải lên an táng tại Lục Thủy chung với nhiều vị tử đạo khác.
Đức Lêo XIII suy tôn thày Tôma Đào Đình Toán lên bậc Chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.