Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
03.07: Lễ Kính Thánh Tôma Tông Đồ
Lời Chúa: Ep 2,19-22, Ga 20,24-29
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 20,24-29)
24 Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
Cô độc (03.07.2024)
Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
“Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế doạ sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất… Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường.
Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe doạ của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời…
Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.
Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe doạ của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hoá ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại…
Buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường…
Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.
Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ…”
Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc…
Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh tông đồ Toma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin… Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôi không kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng…
Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối…
Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin… Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân… Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chúng ta chỉ là một thiểu số cô độc.
Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Đức tin của Tôma (03.07.2023)
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Tôma (còn có tên gọi là Đi-đi-mô), ông là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu .Tôma là người Do-thái, miền Ga-li-lê, làm nghề chài lưới, Chúa Giêsu đã chọn ngài vào số mười hai tông đồ, và ngài đã từ bỏ mọi sự để chỉ còn thuộc về thầy chí thánh mà thôi.
Có lẽ thánh Tôma được biết đến nhiều nhất bởi sự kiện được ghi trong Tin Mừng hôm nay: các tông đồ khác kể lại cho ông là đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với họ, nhưng ông không tin và đòi được tận mắt nhìn sự việc thì mới tin. Tám ngày sau, khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa với các tông đồ, cũng có mặt Tôma, thì ông đã tin và thốt lên câu nói nổi tiếng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Lời tuyên xưng ấy đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước. Nhờ ngài mà Kitô hữu có được lời nhận định của Chúa Giêsu: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
Từ lâu, người ta thường nhìn thấy nơi thánh Tôma là một con người hoài nghi, chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi ông, khi đức tin chúng ta bị lung lay bởi sự hoài nghi. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, vào chiều ngày Phục Sinh, mặc dù các môn đệ khác đã kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin. Ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại. Ông muốn thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.
Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói làm sao tin được một người chịu cực hình đến chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó được. Cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh.
Tám ngày sau, Chúa Giêsu hiện đến và nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây,… đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Và Tôma đã chịu tin. Chúng ta thấy nơi Tôma: ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin, không bao giờ nói mình hiểu khi mình không hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi sự. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến. Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến một đức tin chắc chắn. Và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng. Với Tôma không có chuyện nửa vời. Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của thánh Tôma, xin Chúa thêm đức tin cho chúng con là những người đang sống trong thế giới duy vật này. Xin cho chúng con biết quyết tâm noi gương thánh nhân, luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Kitô, để giúp những người cứng lòng tin nhận rằng Người là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian. Amen.
Joston
Chứng nhân hôm nay (03.07.2021)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với ông Tô-ma, vị tông đồ muốn nhìn thấy để tin. Và nhờ sự “cứng lòng tin” của ông, mà ông được Chúa cho xem và sờ chạm vào những vết thương trên tay, trên cạnh sườn của Người. Để từ đó cuộc đời và lời rao giảng của Tô-ma chính là lời chứng hùng hồn sống động về Chúa Phục Sinh; là nền móng cho đức Tin tông truyền.
Thật vậy, ngày hôm nay dù ta không được tận mắt nhìn thấy Chúa hiện ra, nhưng hễ ta tin vào lời chứng của các tông đồ – những người đã thấy Chúa – thì đã là hạnh phúc thật sự: Phúc cho những người không thấy mà tin. Và hễ ai tin, thì tâm hồn họ sẽ được sự bình an của Chúa Phục Sinh.
Mỗi người chúng ta thấy được gì trong đại dịch Corona virus đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới ? Ta có nhận thấy và tin rằng quyền chủ tể của Thiên Chúa trên mọi bệnh tật và tai ương hay không ? Qua lây nhiễm bệnh và chết chóc hàng ngày vẫn đang xảy ra, ta có thấy được bài học của Thiên Chúa luôn nhắm cho người ta hối cải và canh tân quay về với Ngài hay không ? Ta có nhận thấy và tin rằng đại dịch toàn cầu hiện nay chính là kết quả của lối sống trong một thế giới kiêu căng, tự phụ, phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa hay không ? Ta có nhận thấy và tin rằng dịch bệnh là lời nhắc nhở mọi người hãy nhớ cuộc sống trần gian này là vô thường và có thể kết thúc bất cứ lúc nào hay không ?.
Lạy Chúa, biết bao lần trong đời, Chúa đã gởi đến cho con những dấu chỉ để con ngày thêm vững tin vào quyền năng và tình thương của Người; xin Chúa ban thêm đức Tin cho con, ngõ hầu con khỏi phải sa chước cám dỗ; xin Chúa cứu con khỏi mọi Sự Dữ. Amen.
CÁT BIỂN
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (03.07.2020)
Ghi nhớ:
Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin, phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Suy niệm:
Một viên sỹ quan quân đội Nga đến gặp vị linh mục Hungary hắn xin được nói chuyện với ngài, tên này là một chàng trai trẻ, tính khí hung hãn và dương dương tự đắc.
Khi cửa phòng khách được khép lại. Viên sỹ quan liền chỉ lên cây thánh giá đang treo trên tường và nói với vị linh mục:
– Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các ông bày ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những kẻ giầu có dễ dàng kìm hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận rằng; ông không hề bao giờ tin rằng Chúa Giê-su Ky- tô là Con Thiên Chúa.
– Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật.
– Ông đừng lừa dối và diễu cợt tôi nữa! Viên sỹ quan hét lên. Sau đó anh ta rút súng ra, chĩa thẳng vào vị linh mục và hăm dọa.
– Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một sự dối trá thì tôi sẽ nổ súng!
Vị linh mục vẫn bình thản trả lời:
– Tôi không thể nói khác được, vì sự thật Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.
Lúc đó viên sỹ quan vứt khẩu súng xuống sàn, chạy đến ôm vị linh mục và nói:
– Đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có người dám chết để bảo vệ đức tin cho đến khi chính tôi đã khám phá ra đều này. Tôi xin cảm ơn cha, vì đã củng cố lòng tin cho tôi. Bây giờ thì chính tôi cũng có thể chết cho Đức Ky-tô, cha đã chứng minh cho tôi rằng điều này có thể làm được!
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ vị tông đồ Tôma, người đã tỏ ra cứng lòng tin Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết, mặc dầu trước đó các tông đồ khác đã quả quyết với ông là Thầy Giê-su đã sống lại.
Bài Tin Mừng được dùng trong phần phụng vụ lời Chúa hôm nay, thánh Gioan đã thuật lại sự việc Chúa Giê-su hiện đến với các ông khi căn nhà mà các ông đang hội họp đều đóng kín cửa, lúc này có sự hiện diện của ông Tôma“cứng lòng”! Chúa đến rồi sau lời chúc bình an cho các ông. Chúa liền“vào đề” ngay: “Tôma hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy, Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Lúc này sự thật đã hiển nhiên bày ra trước mắt nên Tôma chỉ còn biết thưa lên rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đây là lời thánh Tôma tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa, đồng thời cũng là lời tạ tội với Chúa vì sự cứng lòng tin của mình (có vẻ như lần hiện ra này Đức Giê-su chỉ có một mục đích duy nhất là củng cố niềm tin cho ông Tôma!).
Ngày nay chúng ta không có diễm phúc được tậm mắt nhìn thấy Chúa, được đụng chạm vào thân thể của Ngài cách trực tiếp như các Tông Đồ xưa. Nhưng trước mắt chúng ta Thiên Chúa luôn hiện hữu và hiện diện trong cả cuộc đời của mỗi người. Hãy nhìn xem trời đất biển cả, núi đồi…“Trời cao tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Người làm”. Qua đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và điều hành cũng như an bài mọi sự.
Nếu chúng ta thực sự muốn cho cuộc đời của mình không trở thành vô nghĩa; nếu chúng ta muốn sống cho xứng đáng là một loại thụ tạo khôn ngoan, được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài, thì điều kiện trước hết là chúng ta phải nhận biết có một Đấng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và chính chúng ta để rồi đặt trọn niềm tin vào Ngài. Bởi Ngài là Thiên Chúa duy nhất của chúng ta, Đấng yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và hằng muốn cho chúng ta được hạnh phúc muôn đời.
Hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi và nghiêm túc trả lời nó: Tôi từ đâu mà có? Sự hiện diên của tôi trong thế giới này là để làm gì? Và mai này sau khi tôi chết đi, tôi sẽ ra sao? Khi thành tâm trả lời nhưng câu hỏi này chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được lẽ sống của cuộc đời mình. Và như lời văn hào. N. Ostrovsky nói: “Chúng ta chỉ sống một lần trên cõi đời này nên hãy sống thế nào để sau này không xót xa ân hận vì đã sống hoài, sống phí cuộc đời của mình”.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa. Ngài đã sinh ra chúng con theo hình ảnh của Ngài. Là được khôn ngoan, có lòng yêu thương, cao trọng nhất là đặt trong thân xác chúng con một linh hồn bất tử. Xin cho chúng con nhận biết, tin và tôn thờ Đấng đã sinh ra mình mà ra sức thi hành các lệnh truyền của Ngài để trong cuộc sống trần gian chúng con biết đầu tư, xây dựng cho mình kho tàng mai sau là Nước Thiên Đàng, nơi đó chúng con được hoan hỷ chiêm ngưỡng và ca ngợi Thiên Chúa muôn muôn đời. Amen.
Sống Lời Chúa:
Sống giới thiệu Chúa đến với mọi người bằng cuộc sống tột đời đẹp đạo.
Đaminh Trần Văn Chính.
Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin (03.07.2019)
Tin Mừng hôm nay dành riêng cho Tôma và làm ông nổi tiếng vì câu chuyện này.
Đọc chuyện này người ta chê trách con người Tôma khô cứng như chỉ thấy có vật chất trong ông mà Chúa cũng như đã trách ông: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đừng cứng lòng nưã nhưng hãy tin”. Nhưng thực ra không phải chỉ có mình Tôma như thế, mà còn nhiều người cũng như vậy nữa. Vì lòng trí hạn hẹp, chỉ ưa những chuyện vật chất, những chuyện “ở dưới đất”. Chả thế mà bao người Do Thái xưa đã đòi Chúa làm phép lạ mới tin và đã bị Chúa khiển trách (Lc11,29). Đọc Tin Mừng hôm nay nhiều người lại cũng ganh tị với Tôma. Dù đòi hỏi ngược ngạo “… nếu tôi… không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi chẳng có tin”. Nhưng tình thương của Chúa chẳng hề thấy suy giảm, mà còn ban lời chúc phúc: “Bình an cho anh em”. Những yêu sách của Tôma không những không bị trách mà còn được Chúa chiều chuộng một cách đặc biệt. Kể cũng là xứng đáng, khi được lần chiều chuộng ấy ông Tôma đã để lại cho bao thế hệ bài học đời đời lời tuyên xưng đức tin mãnh liệt của ông: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng ông đã nhận ra, Chúa Giêsu không chỉ là Chúa của 12 ông, của mấy trăm môn đệ, nhưng Người là Chúa tể cả trời đất muôn vật “Thiên Chúa của con”.
Vậy là được thọc vào lỗ đinh và cạnh sườn Người Tôma đã tin. Chẳng được “thọc vào lỗ đinh và cạnh sườn Người” mà bao triệu người cũng tin yêu. Họ lại được Chúa chúc phúc như hơn cả Tôma nữa: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Như thế lại còn hơn Tôma, lớp người này gồm cả chúng ta đây đã được Chúa yêu thương chọn gọi một cách huyền nhiệm nữa.
Giờ đây ta càng cảm nhận sự quý giá về ơn Đức tin mà mỗi người đang có. Nó đang ở trong ta mà không phải do ta. Đức tin của Tôma nếu không được Chúa thương chiều chuộng thì ông sẽ chẳng có. Còn chúng ta hôm nay nếu không được Chúa ban cách riêng thì lại càng chẳng có, vì có được thấy, được “thọc” vào Chúa đâu. Đến như Phêrô kể như là khôn ngoan hơn anh em, mau mắn tuyên xưng đức tin nơi Thầy mình: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”, vậy mà đã nhận ngay được lời phán quyết: “Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).
Một dịp được nghe người thầy tâm sự với các học viên lớp giáo lý dự tòng: “Người Công giáo chúng tôi mỗi ngươi đều có một đức tin không thể phai mờ, được Thiên Chúa khắc ghi ngay từ nhỏ. Nên khi muốn lập gia đình với người Công iáo, đừng ai hy vọng họ sẽ bỏ đức tin của họ…Vậy muốn cho gia đình yên vui bền vững hơn hãy tìm hiểu và sống cùng đức tin với bạn mình. Bằng không nên chia tay là tốt, cho dù Giáo Hội cho phép kết hôn khác đạo”.
Lạy Chúa! con cảm tạ Chúa đã ban cho con, cho gia đình, dòng tộc con một đức tin vào Thiên Chúa, vào Giáo Hội của Người. Đó là một phúc duy nhất cho đời chúng con. Vì nhờ đức tin ấy, con được hưởng phúc lộc vĩnh cửu trên trời Chúa đã hứa cho con. Amen.
Gs. Ngọc Năng
Lời chứng của các Tông đồ… (03.07.2018)
Sự cứng lòng tin của thánh tông đồ Tô-ma, nhất quyết khăng khăng đòi thấy tận mắt các dấu đinh ở tay Chúa Giê-su, và được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, cũng như nếu không được đặt cạnh bàn tay mình vào cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa; thì ông nhất quyết không tin là thầy của mình đã sống lại, sau khi thầy đã chịu đóng đinh treo trên thập giá, đã chết, và đã an táng ba ngày rồi.
Nhờ như thế mà Chúa Giê-su phục sinh đã hiện ra cùng các tông đồ nhiều lần nữa, để thỏa mãn cơn khát lòng tin của Tô-ma: Được thực tế sờ chạm những vết thương trên thân thể của thầy mình.
Qua đó, Chúa Giê-su muốn nói với ông, và tất cả mọi người rằng: Từ nay không cần phải mắt thấy, tai nghe, và bàn tay được sờ chạm… thì mới tin là Người đã phục sinh. Nhưng chỉ cần dựa vào lời chứng của các tông đồ là đủ.
Khi xưa,
Dân làng Na-da-rét đã không tin Chúa Giê-su là Ngôi Lời nhập thể làm người, vì thấy Chúa chỉ là con một ông thợ mộc tầm thường;
Nhiều người đã không tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa, vì họ thấy Chúa sống giống như một con người;
Các môn đệ đã ngã lòng tin Chúa, khi thấy Chúa chịu treo và chết trên thập giá.
Ngày nay,
Cũng có lúc con cũng không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh nhỏ bé đơn sơ;
Cũng có khi con hoài nghi Chúa đang hiện diện trong một linh mục yếu đuối và nhiều bất toàn;
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho con, để con được khiêm tốn thấy Chúa đang hiện diện giữa những điều bình thường trong cuộc sống. Amen.
CÁT BIỂN
Nỗi oan Tôma (03.07.2017)
Đối với phần đông tín hữu Việt Nam, danh xưng Tôma khơi gợi về một thái độ, rất riêng tư nhưng cũng rất điển hình, chẳng những không tích cực mà xem ra còn để lại nhiều tai tiếng. Gặp một tâm hồn cứng cỏi trước những biểu cảm của niềm tin, người ta đã khéo ví von “cứng lòng như Tôma”; thấy ai biểu lộ do dự hoặc nghi ngờ trước những sự kiện tôn giáo, người ta đã vội đưa vào gia phả “con cháu thánh Tôma”. Kể cũng oan.
Thật ra, đi liền với danh xưng Tôma lại là một bài học dẫn đến niềm tin, và cũng còn đó lời gọi sống sao cho mối phúc thứ chín, như người ta gọi về lời Chúa Giêsu kết thúc trang Tin Mừng hôm nay “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”, được trở thành hiện thực trong đời mỗi Kitô hữu.
1. LẠY CHÚA TÔI, LẠY THIÊN CHÚA CỦA TÔI
Niềm tin của Tôma vào Đấng Phục Sinh là cả một chặng đường trong đó yếu tố trước hết chính là cộng đoàn: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chính vì chứng từ của cộng đoàn này mà Tôma đã tự vấn để rồi sau đó mới đi tới đức tin. Ngay việc các môn đồ hội họp vào ngày thứ nhất trong tuần cùng với lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh, làm bối cảnh hình thành truyện Tôma, cũng cho thấy vai trò của cộng đoàn trong việc khai sinh đức tin nơi một người.
Nhưng yếu tố chủ động hơn phải được tìm thấy trong phản tỉnh của cá nhân ông. “Nếu tôi không thấy… tôi không tin”. Câu nói tự phát ấy đã trở thành tai tiếng khiến nhiều người nghĩ rằng Tôma là một kẻ cứng đầu cứng cổ, đòi hỏi, nghi ngờ. Nhưng thực ra, ông là người thực tiễn. Chính nhờ ông lên tiếng mà ta mới thấy rõ hơn thế nào là trăn trở của đức tin thuở ban đầu và thế nào là nỗ lực cá nhân làm cho niềm tin có được bản sắc riêng không thể lẫn với người khác. Nếu hôm trước Tôma đòi thấy mới tin, thì tám ngày sau, qua tiếp xúc cá nhân với Đấng Phục Sinh, ông đã tuyên xưng không phải bằng công thức chung nữa, mà bằng một cách rất riêng làm thành đỉnh cao tuyên tín Phục Sinh: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.
Và niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo, nhưng đã được Đức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn. Thay vì phải thấy mới tin, ông nhận ra rằng phải tin mới thấy trọn vẹn: thấy Đấng Phục sinh và con người Giêsu cũng là một, thấy Đấng Phục sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.
2. ĐỪNG CỨNG LÒNG, NHƯNG HÃY TIN
Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ nỗi oan Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân.
Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Có biết đâu tin như thế là không còn tin nữa, mà một cách nào đó đã là cả tin. Vì tin tất cả nên cả tin, hay vì cả tin nên tin tất cả? Chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Có biết đâu tin như thế cũng không còn là tin nữa, mà xem ra lại gần với sự bất tín! Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ ngoan ngùy, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt. Lúc đạo giáo hưng thịnh xem ra không có vấn đề, nhưng khi sự đạo phải bước vào thầm lặng thì biết đâu bởi vì dễ tin nên cũng dễ bỏ niềm tin trước bất cứ ai?
Thành ra, phải xem trường hợp Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niềm tin của ông như một kinh điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống. Đừng cứng lòng! Phải chăng là lời gọi hãy xa đi những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: “Nhưng hãy tin!”
3. PHÚC CHO KẺ KHÔNG THẤY MÀ TIN
Cũng từ nỗi oan Tôma, tín hữu hôm nay cảm nhận hơn niềm vui trong đức tin của mình. Niềm vui của Tôma là được thấy Chúa nên tin, còn niềm vui của đời tín hữu lại là tin để được thấy Chúa. Tin như thế là một hạnh phúc.
Trong hạnh phúc ấy, sau này các tông đồ đã qui tụ cho Chúa những kẻ tin, và những kẻ tin sơ khai đã vui mừng cử hành niềm tin của mình một cách sống động, không những qua nghi thức phụng vụ, mà còn qua cách sống cộng đoàn biết chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, và niềm hạnh phúc, cuối cùng, sẽ là sức mạnh chiến thắng.
Nhưng với kẻ tin hôm nay, tất cả vẫn còn ở phía trước. Bổn phận của ta là phải khổ công vun đắp niềm tin của mình sao cho thắm đượm hồng ân Thiên Chúa mà vẫn không quên nỗ lực đóng góp của con người, sao cho chan hòa với nhịp sống cộng đoàn mà vẫn không triệt tiêu bản sắc cá nhân. Và một khi niềm tin muốn khơi dậy niềm tin, thì cái bổn phận kia đã trở thành trách nhiệm loan báo hạnh phúc cho những người đồng thời.
Tuy nhiên, phải thú nhận rằng niềm tin hạnh phúc ấy còn lắm nhạt nhòa. Đó đây trong nhịp sống chung Giáo Hội cũng như trong nếp sống riêng mỗi tín hữu, vẫn có thể có những lúc ngại tin hoặc chậm tin vào điều mình không thấy. Nhất là phải hy sinh những hạnh phúc chính đáng thấy được để vươn đến một thứ hạnh phúc ở ngoài tầm nhìn khả giác. Quả là vất vả. Nhưng chính lúc ấy, Tôma xuất hiện như một người bạn tri âm, như một người thầy đã từng trải nghiệm. Và lời Đức Giêsu nói với ông lại trở thành lời vỗ về đem lại sức mạnh. Nghe trong mối phúc thứ chín có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy; và chừng như cũng có lời ước hẹn:tin điều mình không thấy sẽ được thấy điều mình tin.
Ngày nay nỗi oan Tôma vẫn còn đó. Một mình ông chịu tai tiếng để sau này người ta biết đường mà tránh. Một mình ông chịu quở là cứng lòng tin để tín hữu hiểu rằng phải vượt trên những điều nhìn thấy mới gặp được lối đi hạnh phúc của niềm tin. Và như thế, liệu ta có thể bảo rằng nỗi oan Tôma là một nỗi oan hạnh phúc? Cùng với mầu nhiệm đức tin khi bánh rượu được truyền phép hôm nay, ta sẽ lặp lại lời tuyên xưng của Tôma. Để xin thêm đức tin cho những tấm lòng còn nghi ngại, củng cố đức tin cho những người đang yếu đuối, và xin được hạnh phúc cho mọi kẻ tin.
ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống