Học Nơi Các Thánh Dòng (07.11 – Lễ Kính Các Thánh Dòng Anh Em Thuyết Giáo)

Bài đọc : Hc 44,1-15 ; 2Cr 6,4-10; Tin Mừng : Mc 10, 28-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

28 Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! “29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

Học Nơi Các Thánh Dòng

Ngày mùng 1 tháng 11, Giáo Hội hoàn vũ cử hành lễ Các Thánh, mừng kính tất cả những người có tâm hồn trong sạch, những người đã được nhìn thấy Thiên Chúa, và đồng thời, cũng muốn nhắn nhủ con cái Thiên Chúa hãy nhìn lại lời mời gọi nên thánh của mình.

Cùng ý nghĩa đó, nhiều dòng tu cũng mừng lễ các thánh của dòng mình. Dòng Đaminh là một trong số các dòng mừng lễ kính các thánh trong Dòng vào một ngày riêng, ngày 7 tháng 11, đúng một tuần sau ngày mừng lễ các thánh.

Tại sao chúng ta lại phải mừng lễ kính các thánh Dòng vào một ngày riêng?

Trong thư phúc đáp thỉnh cầu của Đức Hồng Y Vincent Maria Orsini, OP, năm 1674, Đức Giáo Hoàng Clement X viết: Nhất định rồi, thưa Đức Hồng y, Dòng của ngài phải cử hành trọng thể lễ các Thánh Dòng vào một ngày được ấn định; vì, giả như chúng tôi chấp thuận cho mỗi vị thánh của Dòng có một ngày lễ riêng, thì e rằng chúng ta phải soạn lại một lịch phụng vụ mới, và chỉ riêng các thánh của Dòng ngài thôi thì cũng đã kín hết lịch rồi.

Theo số liệu thống kê, các thánh Dòng chúng ta được Hội thánh tuyên phong là 76 thánh (57 vị tử đạo), 283 chân phúc (194 vị tử đạo) thuộc nhiều thành phần tuổi tác khác nhau: Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, trợ sĩ, nữ tu, giáo dân đã để lại gương sáng bằng nếp sống, tình thân mật bằng sự hiệp thông và lời chuyển cầu.

Như thế, Dòng không chỉ có đặc ân được mừng lễ các vị “Đại Thánh” như Cha Thánh Đa Minh, Thánh Tôma Aquinô, Thánh Anbêtô Cả, Thánh Máctinô, Thánh Phêrô Vêrôna, Thánh Catarina Siêna, hay các chân phúc của Dòng, mà chúng ta còn cử hành lễ mừng tất cả các anh chị em thánh, gồm các anh em, các đan sĩ, các nữ tu và giáo dân Đa Minh trải dài hơn 800 năm.

Đâu là lý do để chúng ta mừng lễ các thánh Dòng?

Lý do mừng lễ các thánh Dòng chính là để mời gọi các phần tử của Dòng đang sống hãy biết học hỏi nơi các anh chị em đi trước, để vững bước trong ơn gọi nên thánh và giúp cho mọi người đạt tới đích điểm của cuộc đời.

Sách Hiến Pháp Dòng chúng ta cũng dạy như thế khi viết rõ, các ngài đã “để lại cho chúng ta gương mẫu về đời sống, sự đồng phận do hiệp thông và sự trợ giúp do lời chuyển cầu,” để rồi chúng ta có thể “noi gương các ngài và được thêm vững mạnh trong tinh thần của ơn gọi mình” (x. SHC 16 và 67).

Như thế, chúng ta thấy thật ý nghĩa khi chúng ta dành ngày hôm nay để mừng lễ các thánh Dòng; và cũng thật ý nghĩa khi chúng ta có những giờ phút quý giá này, để dừng lại và ngắm nhìn các anh chị em của Dòng sau hơn 800 năm thành lập.

Nhưng vì thánh của Dòng chúng ta rất nhiều, nên chúng ta chỉ nhìn lại một vài vị thánh tiêu biểu, mà nhắc đến thì hầu như ai cũng biết:

Trước tiên, nói đến các thánh trong Dòng Đaminh, chúng ta không thể không nói tới Thánh Tổ Phụ Đaminh. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu nguyên do tại sao Dòng Đaminh có nhiều thánh và trong mọi lãnh vực, chúng ta không thể bỏ qua Thánh Tổ Phụ Đaminh; vì nhờ ngài thiết lập ra đường lối mà các con cái của ngài có thể thành công trong bước đường nên trọn lành như vậy.

Nói về thánh Đaminh, chân phước Giôđanô Saxônia, Bề trên Tổng Quyền Dòng Đaminh đã viết về ngài như sau: Thánh Đaminh đã biểu lộ sự nghèo khó thật sự của ngài bằng cái nhìn, cách ăn mặc và cử chỉ của ngài. Thường xuyên cầu nguyện, dạt dào trong cảm xúc bằng cách tuôn trào nước mắt cho các con cái của ngài, và ngài rất nhiệt thành trong việc cứu rỗi các linh hồn… Những việc làm của ngài chứng minh, và những nhân đức và những phép lạ của ngài làm chứng cho loại người nào ngài đã sống giữa chúng ta trong trái đất này.

Thứ hai, Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần Tôma  Aquinô: Đây là một vị thánh mà nhiều người tôn vinh là có kiến thức như thiên thần. Tác phẩm vô giá của người để lại trong vô số tác phẩm là bộ Tổng Luật Thần Học mà Giáo Hội vẫn không ngừng tham khảo để giải quyết các vấn đề thuộc mọi phạm vi, nhất là trong lãnh vực tín lý và luân lý. Ngài để lại cho chúng ta một gương sáng về việc say mê với lý tưởng sống cho người nghèo và làm việc tri thức để truyền bá cho những người khác chân lý mà Ngài đã suy nghĩ, nghiền ngẫm, hay chiêm niệm. Lý tưởng và tinh thần của thánh Ðaminh đã đánh động ngài tới tận căn, nên ngài đã quyết định xin vào dòng thánh Ðaminh vào năm 1244.

Thứ ba, thánh Martin de Porres, vị thánh của anh chị em nghèo và đau khổ mà chúng ta vừa mừng kính Chủ Nhật vừa qua. Điều làm nhiều người ngạc nhiên khi thấy Dòng Đaminh có một vị thánh như thánh Martin de Porres. Ngài không làm việc lớn như thánh lập Dòng, cũng không khôn ngoan xuất chúng như thánh Tôma Aquinô; nhưng ngài chỉ làm những việc rất tầm thường và nhỏ mọn của một anh trợ sĩ, nhưng với tấm lòng bác ái vượt bực. Ngài đã thấm nhuần đức bác ái của Thiên Chúa và của Thánh Tổ Phụ để nhiệt thành yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người nghèo và bệnh tật. Ngài đã săn sóc những anh chị em khốn khổ này như săn sóc chính Thiên Chúa.

Qua một vài nét chính của ba vị thánh được đơn cử trong rất nhiều vị thánh của dòng, chúng ta cũng đủ cảm thấy tự hào mình được sống và nối tiếp một truyền thống phong phú, tốt đẹp và đầy thánh thiện mà thánh tổ phụ Đaminh để lại.

Chúng ta tự hào Dòng chúng ta có nhiều vị thánh, không phải tự hào về số lượng, nhưng có nhiều vị thánh thì chúng ta có nhiều gương nhân đức để chúng ta dễ dàng noi theo.

Chúng ta tự hào và chúng ta tiếp nối lý tưởng và sứ vụ mà thánh tổ phụ đã đề ra. Để làm được điều đó, chúng ta cần học hỏi Kinh Thánh và đọc lại lịch sử cuộc đời các thánh Dòng để tìm được ngọn lửa nhiệt thành, nhờ đó, giúp chúng ta vững bước trên con đường nên thánh. Amen.

Bình Minh

Thánh…

Khi chiết tự chữ Thánh (), ta thấy:

Ở phía trên: bên trái là bộ Nhĩ (tai), và bên phải là bộ Khẩu ( miệng)

Và phía dưới là bộ chủ ( – người đứng đầu).

Tai để nghe. Miệng để nói.

Theo nghĩa đen câu chữ, thánh là người làm chủ cái tai, và cái miệng của mình.

Theo nghĩa bóng, thánh được dùng để nói về những người tu dưỡng nhân cách tới cõi cùng cực: sáng suốt, anh minh, thông suốt lẽ đời; thánh là người đạo đức, tài cao học rộng, vượt khỏi cái tính phàm trần mà vào cảnh giới thánh thiện.

Tóm lại, phàm cái gì mà đạt tới tột bực đều gọi là thánh,

Hôm nay, Dòng Đa Minh kính nhớ cách riêng các thánh của Dòng. Qua đó, gia đình Đa Minh và mọi người quan tâm sẽ được thưởng lãm chân dung của các ngài tỏ tường hơn, tuy các ngài mỗi người mỗi vẻ nhưng đều có một mẫu số chung; đó là: “những người biết làm chủ cái tai và cái miệng” của mình vậy.

Các thánh Dòng đã làm chủ tai – miệng mình qua nếp sống sinh hoạt bình thường hàng ngày bằng một tinh thần phi thường:

Các thánh Dòng luôn lắng nghe Lời Chúa, luôn gẫm suy Lời Chúa để không còn chỗ để nghe những sàm kiến, những lạc thuyết, những mạn ngôn bất kính… Từ đó các ngài làm chủ lời nói của mình: không nói những lời vô ích; mà chỉ chọn cách nói với Chúa trong thinh lặng; nói về chúa trong đời thường cho mọi người nghe biết; nói những lời chứng đức tin của mình cho thiên hạ tỏ tường. Mặc dù, các ngài biết khi nói về niềm tin vào Chúa có thể sẽ bị mất mạng sống; nhưng các ngài vẫn can đảm nói lên niềm tin của mình vào Thiên Chúa hằng sống, bởi các ngài vững tin lời Chúa đã hứa với những ai vì Chúa, vì Tin Mừng bị thiệt thòi, ngược đãi, thậm chí mất mạng mà không được phần thưởng gấp trăm và sự sống vĩnh cử đời sau (x. Mc 10,29-30)

Các thánh Dòng thuộc đủ mọi phẩm trật: giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân… nam có nữ có.

Các thánh Dòng còn thuộc đủ mọi cấp bậc: giáo hoàng, tiến sĩ, thừa sai, tử đạo, và các trinh nữ…

Các thánh Dòng đã noi theo linh đạo của Cha Đa Minh, để làm chủ tai – miệng của mình; bằng cách:

Lắng nghe Lời Chúa`và những đòi hỏi của Tin Mừng cách triệt để;

Lắng nghe nhu cầu của thời đại mình trong giòng chảy lịch sử;

Và các thánh Dòng đã góp phần vào bàn tiệc Nước Trời nhiều hoa thơm trái ngọt là những lời nói minh triết, những lời đức hạnh, soi sáng cho những ai lầm đường lạc lối biết tìm về chân lý, tìm về với Thiên Chúa là Cha nhân lành muôn đời giàu lòng thương xót.

Lạy Chúa, để mừng kính các thánh Dòng trọn vẹn, xin Chúa cho con biết noi theo gương các ngài, biết lắng nghe nhu cầu của thời đại, của môi trường mình đang sống, biết thích ứng hoàn cảnh hiện tại để biết nói Lời Chân Lý cho mọi người. Amen.

CÁT BIỂN

Theo Thầy

1. Ghi nhớ:

Ông Phêrô lên tiếng thưa với Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10,28).

2. Suy niệm: 

Thánh Phêrô lên tiếng hỏi Chúa Giêsu, một câu hỏi rất thật, cũng như bao người Kitô hữu cũng thắc mắc cùng một câu hỏi như Ngài: “Chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy” chúng con sẽ được lợi ích gì? Phàm là con người ai cũng lo toan tính lợi nhuận, được – mất – hơn – thua cho mình trước tiên. Nhưng Chúa Giêsu lại dạy chúng ta rằng: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau”.

Chọn lựa cho sự sống đời đời ở đời sau, chính là từ bỏ chính con người mình, từ bỏ “hỉ, nộ, ái, ố, tham sân si” của cuộc đời. Từ bỏ đó là sự hy sinh hay chịu đựng bao đắng cay đau khổ ở đời. Đó là mỗi sáng ta bỏ lại chăn ấm, nệm êm để thức dậy đến với Thiên Chúa trong Thánh Lễ hàng ngày. Hay bỏ qua những cuộc vui chơi thâu đêm, để về cùng gia đình quây quần trong giờ kinh tối. Từ bỏ đó là không tranh giành những thắng thua trong xã hội, nơi cộng đoàn hoặc Huynh đoàn của mình. Để xây dựng một môi trường thân ái hòa bình, mỗi người chúng ta hãy trở nên nhỏ đi, biết chịu đựng và nhường nhịn nhau, sống tình huynh đệ với mọi người để anh chị em được lớn lên trong tình yêu thương.

Từ bỏ là không bon chen, không tranh giành quyền lực địa vị, không phô trương thân thế, tiền tài, nhưng ta đi tìm sự thanh tịnh, tìm an bình hay buông bỏ vật chất, sân si chọn theo Chúa, với thái độ dứt khoát, xa lánh trần thế như Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Theo Chúa  là từ bỏ mọi vinh quang cuộc đời,  mà vác thập Giá cùng Chúa  lên đồi Gôn-go-tha. Ta sống trong Chúa là sự hy sinh, mất mát lớn trong đời, nhưng từ bỏ là được thêm lòng mến Chúa, sự thánh thiện, sự bình an, và niềm vui được phục vụ.

Xét cho cùng cuộc sống trần gian, hiếm có ai từ bỏ ý riêng mình, nhưng vẫn còn có người biết chạy đến cùng Chúa trong sự từ bỏ để chiến thắng bản thân mình.
Sống luôn là cuộc chiến đấu không ngừng với bao va vấp, hư hỏng, đừng than trách ai? Hãy cảm ơn Chúa, cách nào đó ta được Thiên Chúa quan phòng, để thắng lại, đã dùng để thánh hóa ta,  và giúp ta đi tìm vinh phúc cho hạnh phúc đời sau.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Từ bỏ là chúng con đánh đổi tất cả vinh quang trần thế, để theo Chúa đi tìm sự sống vĩnh cửu đời sau. Xin cho chúng con chọn và đi đúng hướng theo Ngài đến trọn đời. Amen.

M.Liên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *