16 Tháng Tám Thánh Stêphanô ở Hung Gia Lợi (975-1038) Giáo Hội thì phổ quát, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương–dù tốt hay xấu. Không có Kitô Hữu nào được coi là “nguyên bản” cả; có người là Công Giáo Mễ Tây Cơ, hay Công Giáo Ba Lan, hay Công Giáo Việt Nam. Dữ kiện này được nhận thấy hiển nhiên trong cuộc đời Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộc và quan thầy của nước Hung Gia Lợi. Sinh trong một gia đình ngoại giáo, ngài được rửa tội khi lên 10 cùng với cha của mình là thủ lãnh nhóm Magyar, là những người khai phá đã đến Danube trong thế kỷ thứ chín. Khi 20 tuổi, ngài kết hôn với Gisela, người em của hoàng đế tương lai là Thánh Henry. Khi kế vị cha mình, Stêphanô theo chính sách của một quốc gia Kitô Giáo vì các lý do chính trị cũng như tôn giáo. Ngài triệt hạ được các cuộc nổi loạn của giới quý tộc ngoại giáo và thống nhất người Magyar thành một tổ chức lớn mạnh trong nước. Ngài đến Rôma để xin Giáo Hội phê chuẩn và cũng để xin đức giáo hoàng phong ban tước vua cho mình. Vào lễ Giáng Sinh 1001, ngài được đội vương miện. Stêphanô đã thiết lập một hệ thống thuế thập phân để hỗ trợ các nhà thờ và cha xứ, cũng như giúp đỡ người nghèo. Cứ 10 thành phố thì một thành phố phải xây một nhà thờ và cấp dưỡng cho một linh mục. Ngài bãi bỏ các tục lệ ngoại giáo với ít nhiều sự ép buộc, và ra lệnh tất cả mọi người phải kết hôn, ngoại trừ giáo sĩ và tu sĩ. Ai ai cũng có thể đến với ngài, nhất là những người nghèo. Vào năm 1031, con trai trưởng của ngài là thái tử Emeric từ trần và quãng thời gian kế đó đầy dẫy những tranh chấp quyền kế vị. Ngay cả người cháu cũng mưu toan ám sát ngài. Stêphanô từ trần năm 1038 và được phong thánh năm 1083. Lời Bàn Ðược trở nên thánh thiện là có được lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân giống như Ðức Kitô. Ðức ái nhiều khi phải mang bộ mặt lạnh lùng nghiêm khắc vì lợi ích của sự thiện. Ðức Kitô đã lên án sự giả hình của người Pharisêu, nhưng khi từ trần, Người đã tha thứ cho họ. Thánh Phaolô ra vạ tuyệt thông người loạn luân ở Côrintô “để có thể cứu rỗi linh hồn” ông ta. Một số Kitô Hữu đã chiến đấu trong các cuộc Thập Tự Chinh với một tinh thần cao thượng, bất kể các động lực bất chính của người khác. Ngày nay, sau các cuộc chiến tranh vô nghĩa, và với những hiểu biết sâu xa hơn về sự phức tạp của các động lực con người, chúng ta chùn bước trước bất cứ bạo lực nào, về hành động hay “im lặng” đồng lõa. Sự phát triển tốt đẹp này vẫn còn được tiếp tục khi người ta tranh luận rằng có thể nào một Kitô Hữu trở nên người yêu hoà bình tuyệt đối hay đôi khi sự dữ phải bị tiêu diệt bằng vũ lực. Lời Trích “Dù Giáo Hội đã góp phần rất nhiều trong việc phát triển văn hóa, kinh nghiệm cho thấy, vì hoàn cảnh, đôi khi thật khó để hài hòa văn hóa với giáo huấn của Giáo Hội. “Những khó khăn này không nhất thiết gây thiệt hại cho đời sống đức tin. Thật vậy, chúng có thể khích lệ tâm trí để thấu hiểu đức tin cách chính xác hơn. Vì các cuộc nghiên cứu và khám phá mới đây của khoa học, lịch sử và triết học đã nêu lên các vấn đề mới có ảnh hưởng đến đời sống và đòi hỏi phải có các cuộc nghiên cứu mới về thần học” (Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 62) http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm |