Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 Ga 2,18-21, Ga 1,1-18
✠ Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 1,1-18)
1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố :
“Đây là Đấng mà tôi đã nói :
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
Trú; Trụ (住) (31.12.2024)
Trú; trụ (住 – ở lại; cư ngụ) là chữ hình thanh và hội ý.
Trú; trụ được kết hợp bởi: Bên trái là bộ nhân đứng (亻– người), và bên phải là chữ chủ; chúa (主 – người chủ, người đứng đầu, có quyền trên sự, vật; thống trị). Nhằm diễn tả: Người (亻) làm chủ (主) thì luôn có một chỗ trú (住) ngụ. Tức là nơi chốn ở lại lâu dài để thực thi quyền hành của mình.
Tin Mừng theo thánh Gio-an hôm nay (x.1,1-18) cho ta biết Ngôi Lời là Thiên Chúa; Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người; Ngôi Lời đã ở giữa thế gian; Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ (住) giữa nhân loại chúng ta. Hay nói khác đó chính là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt. 1,23)
Rộn rã, tưng bừng là bầu khí của mùa lễ Giáng Sinh. Ở trong bầu khí đó, Giáo hội mời gọi các Ki-tô hữu hãy hoan hỉ cất tiếng ngợi ca, hãy nhảy múa reo mừng với hết cả tâm hồn, vì Thiên Chúa đã rút hết án phạt tội kiêu ngạo, bất tuân của con người. Ngài đã đến và ở giữa con người để con người không còn phải sợ hãi hay lo lắng điều gì. Ngài đã đến ở thế gian để thế gian được bình an; để con người được hưởng trọn vẹn niềm vui Ơn Cứu Độ.
Từ nay, có Ngôi Lời Thiên Chúa cư ngụ giữa con người phàm trần (x. Ga. 1, 14). Chính Ngài là sức mạnh, là nơi ẩn náu, là nơi nương tựa, là phần rỗi, và hạnh phúc đời đời cho nhân loại.
Nhưng để niềm vui có Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, có Đấng cứu độ ở giữa nhân trần, có ơn cứu rỗi chan hòa; thiết nghĩ – Chúng ta – Các Ki-tô hữu hãy vui trong Chúa. Nghĩa là vui trong tình yêu, vui trong Lòng Thương Xót Chúa; chứ không vui bằng niềm vui của thế gian, niềm vui của ích kỷ, của hưởng thụ… Vì niềm vui đích thực chỉ đến từ tình yêu của Thiên Chúa, bằng những cử chỉ thân ái, ân cần, hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau.
Như thế, điều phải làm khi Thiên Chúa đến và ở (住) giữa chúng ta, chính là hãy sống công bình, bác ái, sống lương thiện, sống yêu thương nhau.
Sống công bình khi biết khước từ những ích kỷ, tham lam, gian dối… và sống bác ái là khi biết sẵn sàng chia sẻ những gì mình có với người gặp khó khăn, thiếu thốn…
Khi sống thiếu công bình, bác ái, chắc chắn ngôi nhà chúng ta đang cư ngụ sẽ không có niềm vui của Thiên Chúa; nơi Cộng đoàn chúng ta đang sinh hoạt không có hạnh phúc của tình yêu vì tâm hồn chúng ta trống trải, không có Chúa.
Tình yêu, niềm vui và hạnh phúc mà mỗi người chúng ta có được là do tình yêu và từ tình yêu, niềm vui, hạnh phúc của Thiên Chúa. Nên chỉ khi – Vì chúng ta – Thiên Chúa hân hoan, vui mừng thì chúng ta mới được hưởng niềm vui và hạnh phúc của Ngài.
Hằng ngày, chúng ta thường đi gặp Thiên Chúa ở ngoài cuộc sống của mình; trong khi đó chính Thiên Chúa đã nhập thể làm con người cụ thể trong cuộc sống hằng ngày đó.
Hôm nay, toàn thể Giáo hội mừng kính thánh Giáo hoàng Xin-vét 1 (Sylvester I); Ngài là vị Giáo hoàng thứ 33 của Giáo hội Công giáo.
Nói đến Giáo hoàng Xin-vét 1 (270-335), chúng ta nghĩ ngay tới sắc lệnh Mi-lan (313): Các Ki-tô hữu được tự do, Giáo hội được công nhận như một tôn giáo hợp lệ sau những năm tháng trốn tránh trong các hang toại đạo; Giáo hội được tự do phát triển cùng với sự xuất hiện các đại giáo đường như: Đền thờ thánh Gio-an La-tê-ra-nô, đền thờ Thánh Phê-rô và các đền thờ khác; Ngài cũng chủ tọa Công đồng Ni-cê-a (325), Công đồng tuyên bố rằng Con của Thiên Chúa (Ngôi Hai) xuống thế làm người (homo-ousios) cũng đồng bản tính (consub-stantialis) với Đức Chúa Cha và các sự kiện quan trọng khác nữa. Nhưng đa số các sự kiện này đều được Hoàng đế Công-tăn-tin hoạch định hoặc tạo ra.
Đức Xin-vét 1 là một con người mạnh mẽ, khôn ngoan; Ngài đã sống một đời sống thánh thiện, luôn nhắm tới việc bảo vệ Giáo hội và củng cố lòng tin của anh em. Ngài là một trong những Giáo hoàng không tử vì đạo. Ngài đã duy trì sự độc lập của Giáo hội (thần quyền) trước Hoàng đế Công-tăn-tin (thế quyền).
Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con nhận biết vinh quang Thiên Chúa đang ở cùng chúng con qua bản tính con người của Ngôi Lời và ban ơn cho chúng con nhận ra phẩm giá cao quý của con người qua việc Người đã lấy chính xác thịt chúng con làm nơi cư ngụ (住)
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, con tín thác vào Chúa. Xin cho chúng con nhìn thấy hình ảnh Chúa Giáng Sinh nơi những người chung quanh, những người mà chúng con vẫn gặp mỗi ngày. Amen.
CÁT BIỂN
Ngôi Lời đã đến và ở cùng chúng ta (31.12.2022)
Ghi nhớ:
“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 11-12).
Suy niệm:
Gần đây giới Y khoa có chú ý và theo dõi những trường hợp được coi như đã chết và sau đó hồi tỉnh lại và trong 1.370 trường hợp trở về từ cõi chết ấy các bác sỹ người Mỹ và người Đức đã điều tra thì sau cùng họ đưa ra một kết luận: Có một cuộc sống khác ở bên kia, hạnh phúc hơn cuộc sống hiện tại trên trái đất này! Sau khi chết đi, sống lại những người đó không còn sợ chết nữa và đồng thời họ cũng không còn mê man tiền tài, dạnh vọng và lạc thú nữa!
Trong một chương trình: “Những điều bạn có thể chưa biết” mà đài truyền hình VTV3 đã phát sóng, có tường thuật lại một sự việc sau: “Một phụ nữ nọ bị bệnh nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở và được coi như là đã chết. Nhưng sau nhiều giờ chị đã tỉnh lại. Các bác sỹ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời:
Tôi thấy rằng mình được bay bổng trên cao và khi nhìn xuống tôi thấy các bác sĩ các y tá đang chăm sóc cho mình, tôi nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men và các dụng cụ y tế. Chị nói lại còn nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ mầu xanh da trời, đế đã mòn, giây giầy mầu trắng, một đầu thòng xuống dười đáy giầy.
Nghe những lời chị nói các bác sỹ và y tá đã điều tra, tìm kiếm. Một vị bác sỹ đã đi đến căn nhà đối diện với bệnh viện và bà giật mình khi ở căn nhà này ở tầng ba, trên môt gờ xi măng rất cheo leo có một chiếc giầy tennis đã cũ mà ai đó đã để ở đây từ bao giờ. Vị bác sỹ ấy quan sát kỹ và thấy chiếc giầy này trùng khớp với chiếc giầy mà người chết đi sống lại vừa mô tả.
Mở đầu quyển sách Tin Mừng thứ IV của thánh sử Gio-an là những lời giới thiệu về Chúa Giê-su, Ngôi Lời nhập thể và căn tính của Người đã đến trong thế gian: “Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngài luôn hướng về Thiên Chúa và ở trong cung lòng của Đức Chúa Cha. Nhờ Người và trong Người mà muôn vật được tạo thành. Ngôi Lời là sự sống, là Ánh Sáng”. Nói cách khác Ngôi Lời là nguồn của Chân Lý, của sự sống, của bình an và hạnh phúc…
Điều quan trọng và cốt lõi là Ngôi Lời đã đến trong thế gian và cư ngụ giữa chúng ta. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình nên không ai có thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt được. Nhưng qua Ngôi Lời đã nhập thể làm Người. Người đã trở nên phàm nhân, bằng xương bằng thịt và vì thế chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận thấy một cách cụ thể một Thiên Chúa hữu hình. Từ Vị Thiên Chúa Ngôi Hai giáng trần, chúng ta được mặc khải về Chúa Cha, về mầu nhiệm nước trời, về tình thương mà Thiên Chúa Cha đã dành cho nhân loại. Nếu không có Ngôi Lời nhập thể thì nhân loại sẽ muôn đời sống trong u tối, không bao giờ có thể nhận biết Thiên Chúa Cha cũng như Chúa Thánh Thần và thiên đàng vĩnh cửu dành cho những ai sẽ đón nhận và tin vào Thiên Chúa.
Ngôi Lời đã đến, nhưng nhân loại mà cụ thể là nhiều kẻ cầm quyền ngày nay trên thế giới vẫn thờ ơ lạnh nhạt không chịu đón tiếp Người. Bằng chứng là; đó dây trên khắp thế giới vẫn còn chiến tranh giặc giã, vẫn còn cấm cách chống phá Đạo, vẫn dối trá lừa gạt, vẫn còn thù hận… Con người ngày nay vẫn còn để cho bóng tối tử thần bao vây, thao túng… mặc cho Ánh Sáng bình minh ấm áp đã chiếu vào đến khung cửa nhà mình nhưng người ta vẫn không chịu mở cửa ra cho Ánh Sáng ấy tràn vào.
Nếu con người biết đón nhận Ngôi Lời thì từ nguồn sung mãn của Người, tất cả sẽ được chữa lành và lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác; nhất là ơn bình an, hạnh phúc và sau cùng là sự sống vĩnh cửu đời sau.
Như vậy, con người thật là diễm phúc vì đã có Đấng từ trời xuống thế để nói cho biết những điều mà không thể có người nào trên thế gian có thể biết được để khai mở tâm trí cũng như lòng tin cho mọi người, để từ đó con người có thể mở cửa tâm hồn ra để đón nhận Đấng Cứu Thế cho được hạnh phúc, bình an và sự sống. Thế nhưng nhiều người đã khước từ ân sủng này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Vầng Đông chiếu toả Ánh Sáng soi chiếu và dẫn đưa mọi người thoát khỏi bóng tối của lầm than và sự chết. Xin Chúa cho chúng con biết tỉnh thức đón nhận Chúa để nhờ Ánh Sáng của Người soi đường chúng con sẽ tìm đến được sự sáng, bình an, hạnh phúc đích thực và cuối cùng chúng con tìm về được Nước Hằng Sống mà Chúa Cha hằng hiển trị. Amen.
Sống Lời Chúa:
Nhớ và luôn cầu nguyện cùng làm việc lành hướng về những người chưa nhận biết Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Huyền nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai (31.12.2021)
Trong thiên nhiên có nhiều điều kỳ lạ, càng tìm hiểu chúng ta càng cảm nhận được sự huyền bí của các loài sinh vật trên mặt đất, trong đại dương và thời gian chuyển động của dòng nước, khí hậu thời tiết trên trái đất cứ theo một quy luật tự nhiên sắp đặt sẵn của Đấng Tạo Hóa, “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” TV 104,24. Cho dù ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển tột bậc nhưng các nhà khoa học, chuyên gia, càng nghiên cứu về một lĩnh vực tự nhiên nào đó càng kính sợ và khâm phục Đấng Toàn Năng đã tác tạo nên thế giới vạn vật, mỗi loài vật đều có đặc điểm riêng từ diện mạo, đến chu kỳ hoạt động đời sống… Theo Công Đồng Vaticanô I: “Thế giới được tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa” . Bạn có biết chu kỳ sống của loài cá hồi trên thế giới, đặc trưng của cá hồi Bắc Đại Tây Dương là cá ngược sông để sinh sản: chúng sinh ra tại khu vực nước ngọt, di cư ra biển, sau đó quay trở lại vùng nước ngọt để sinh sản. Truyền thống dân gian cho rằng loài cá này trở về đúng nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng (bách khoa toàn thư). Thánh Tôma Aquinô chia sẻ : “Chính chìa khóa tình thương đã mở bàn tay Người để sản sinh vạn vật”.
Mọi việc xảy ra trong đời sống chúng ta đều có bàn tay an bài của Thiên Chúa, trong bài Tin Mừng hôm nay theo thánh Gioan : “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa” Ga 1,1, Vì sao thánh Gioan lại khẳng định Chúa Giê-su là Thiên Chúa? Có phải vì thánh Gioan được Chúa yêu thương nhiều hơn các môn đệ khác hay vì ngài đã đi theo và đứng dưới chân thập giá, chứng nhân khi Thầy Giê-su hấp hối, nên ngài đã tin. Chúng ta có niềm tin như thánh Gioan chăng, ngài là người đầu tiên đã tin Chúa sống lại. Các tác phẩm Tin Mừng của ngài đã thể hiện rõ nét minh chứng sự tỏa sáng vinh quang Chúa: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Ga1,9
Chúng ta vừa vui mừng hân hoan kỷ niệm ngày giáng sinh của Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi,…” Ga 1,14. Ngài có hai bản tính: Thiên Chúa và loài người. “Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta” Ga 1,18. Khi ở trần gian Chúa Giê-su vẫn cầu nguyện với Chúa Cha và vâng theo thánh ý Chúa Cha. Sứ mạng của người Kitô hữu là làm chứng rằng Chúa Giê-su luôn hiện diện ở giữa loài người, “Đối với Hội Thánh, Người hiện diện dưới nhiều hình thức : trong Lời Chúa; trong kinh nguyện của Hội Thánh, “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy”; trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày; trong các bí tích do Người thiết lập; trong hy tế thánh lễ và nơi thừa tác viên; “nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể” (GLCG 1373). Người Ki tô hữu sẽ là chứng nhân của sự sáng, nếu biết nói cho nhau về Lời Chúa, giới thiệu Chúa Giê-su cho mọi người xung quanh và sống theo Lời Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã được Chúa ban ơn đức tin, xin giúp chúng con nhận biết Chúa vẫn đang hiệp hành với chúng con, để chúng con nhiệt thành trong sứ vụ đem Chúa đến với những người chưa tin và chưa biết Chúa.
Anna Anh
Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa Tình Yêu (31.12.2020)
Ai đã từng đến quần thể Tràng An tỉnh Ninh Bình sẽ không thể quên được phong cảnh thiên nhiên sông núi thơ mộng hữu tình, ngay các nhiếp ảnh gia cũng khó mà thể hiện được hình ảnh sống động về vẻ đẹp mang nét huyền bí của tự nhiên. Đây là một trong các danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới, chưa kể đến thắng cảnh các nước khác trên thế giới. Thánh Augustino chia sẻ: “Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, của biển khơi, của khí trời nở phồng và lan tỏa, của bầu trời…, hãy hỏi tất cả những thực tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn: “hãy xem đó, chúng tôi quả là đẹp”. Vẻ đẹp của chúng là một lời tuyên xưng, ai đã làm ra những vẻ đẹp thiên biến vạn hóa ấy, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ đổi thay”. Chúng ta ca ngợi Đấng đã tác tạo nên những điều kỳ diệu, một Đấng mà dân tộc khắp năm châu tôn vinh với nhiều danh xưng là Đấng Toàn Năng, Đấng Tối Cao , Đấng Hằng Sống… và là Thiên Chúa của vũ trụ. Thánh Césaire d’ Aries từng nói: “ Đức tin của mọi Kitô hữu đều dựa trên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi”.
Tin Mừng hôm nay thánh sử Gioan khẳng định: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa”, chúng ta có thể nói rằng “Thiên Chúa là khởi nguyên của muôn vật, muôn loài hiện hữu”. Nói theo ngôn ngữ của khoa học hiện đại “Ngài có trước vụ nổ Big Bang tạo nên vũ trụ, và là nguồn gốc của các quy luật tự nhiên”. (Docat 16, 2) “Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành”.
Chúng ta đang được thừa hưởng kỳ công của Đấng Quyền Năng đã tạo nên thế giới muôn sắc màu và lý trí con người có khả năng nhận biết sự tồn tại của Thiên Chúa. Lễ Giáng sinh là dấu ấn của ngày Con Thiên Chúa viếng thăm thế gian hòa mình cùng với loài người, đem ánh sáng Cứu Độ cho người cô thế, người nghèo khó. “Thiên Chúa đã làm người để con người có thể hiểu Thiên Chúa là ai. Đức Giêsu là ngôn ngữ diễn đạt của Thiên Chúa” (Docat 21,9) .
Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương con người, từ thời xa xưa Thiên Chúa đã lần lượt sai các ngôn sứ đến dạy bảo và dẫn dắt dân Người “Chúa ban Lề Luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô”. Chúa Giêsu đến mang theo nguồn suối yêu thương, tấm lòng nhân hậu, bao dung, mở ra cho con người nhiều cơ hội trở thành con Thiên Chúa, các bí tích được thành lập, lưu truyền trong Giáo Hội và trở thành nguồn ân sủng thiêng liêng dành cho những tín hữu cậy trông vào Ngài.“Phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên Con Thiên Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến, tôn thờ và cảm tạ Chúa đã an bài cho cuộc sống chúng con. Thông điệp Caritas in Veritate được Giáo hoàng Bênêđictô XVI (2009) diễn tả về tình yêu của Thiên Chúa: “Mọi thứ đều bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, mọi thứ đều được định hình bời tình yêu, mọi thứ đều quy hướng về tình yêu. Tình yêu là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho con người; tình yêu là lời hứa của Ngài và là niềm hy vọng của chúng ta.
LHTH
Còn có điều gì quí báu hơn mà Thiên Chúa có thể tặng ban cho chúng ta?
Ghi Nhớ:
Ngôi Lời đã trở nên người Phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (Ga 1, 14).
Suy Niệm:
Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Có lẽ không có định nghĩa nào đầy đủ hơn định nghĩa mà Thánh Gioan đưa ra. Thiên Chúa là Tình yêu và vì tình yêu mà Ngài đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta, để chúng ta cảm nhận và sống trong tình yêu của Ngài. Thánh sử cho ta niềm xác tính cao cả: “Ngôi Lời đã trở nên người Phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, Ngài đến trần gian để đảm nhận thân phận yếu đuối, phận hèn của nhân loại. Nhờ đó, Thiên Chúa Cha đã cảm thấu hiểu tất cả những gì là khổ đau, hèn kém, tội lỗi của nhân loại, và cũng chính từ lúc ấy chúng ta có được niềm hy vọng, cậy trông, tin tưởng, phó thác có niềm tin vào Ngài, để chúng ta có thể vượt qua bao khó khăn, ba thù luôn rình rập linh hồn của từng người.
Lời Thiên Chúa giờ đây không chỉ là các sứ điệp được các ngôn sứ mang đến cho nhân loại, nhưng là tiếng nói trực tiếp của Thiên Chúa nói với chúng ta. Chúa “trở nên người phàm” và “cư ngụ giữa chúng ta” là để giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận những điều Người muốn “phán dạy” chúng ta. Như thế, chúng ta không còn cho rằng điều Chúa dạy bảo ta là những điều cao siêu trên trời hoặc xa lạ với ta, nhưng là những điều thực tế, sống động, rõ ràng và giúp chúng ta thực hành “quyền trở nên con Thiên Chúa” của chúng ta.
Tất cả chúng ta đều đang sống, chúng ta có nhận ra, sự sống này được Ngôi Lời ban cho chúng ta mỗi ngày không ? Cuộc sống của mỗi chúng ta, đời sống cộng đoàn của chúng ta, thế giới chúng đang sống, nếu không đón nhận Lời Chúa, để cho Lời Chúa tiếp tục sáng tạo soi sáng, dẫn dắt, nuôi sống thì cũng sẽ rơi vào tình trạng hỗn mang và tăm tối như thế, nghĩa là rơi vào tình trạng chết chóc. Điều thánh Gio-an muốn chúng ta phải suy nghĩ, đó là: “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Chúa đến nhà tâm hồn chúng ta, nhưng ta không đón nhận Người! Ơn cứu độ rõ như ban ngày! Chúng ta không thể làm ngơ, vì Chúa đang gõ cửa chờ ta mở cho Người!
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Ngôi Lời Nhập thể, xin Ngài giúp và thánh hóa con, môi miệng, tâm hồn, cách hành động của mỗi người chúng con, để ánh sáng của Thiên Chúa là nguồn sống, nguồn tình yêu, bình an và hy vọng cho hành trình dương gian của mỗi người biết tìm về nẻo chính đường ngay để ngày sau hết, Thiên Chúa cho được hưởng phúc muôn đời trên nước Trời. Amen.
Thiên Chúa làm người (31.12.2016)
1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho mọi người, mọi dân tộc về nguồn gốc thiên tính của Hài Nhi Giêsu.
Hài Nhi được sinh ra ở hang đá, nơi tránh gió đông lạnh giá của đàn gia súc ngoài cánh đồng Be-lem và mẹ em, một trinh nữ đang cố giữ ấm cho em bằng vòng tay đầy ắp tình mẫu tử và những vuông vải đơn sơ, mỏng manh của hạng người bình dân, nghèo khó. Xa xa, thành Be-lem ồn ào, náo nhiệt bởi nhiều người, từ các nơi xa xôi trở về quê quán để kiểm tra dân số theo lệnh của vua Xê-sa-rê Au-gut-tô. Ồn ào, phố xá đông đúc nhộn nhịp, người người hưởng thụ lối sống tiện nghi, ăn uống linh đình và khi đêm về họ quây quần bên đống lửa ấm áp, tiếp tục cuộc vui.
Ở nơi ấy, mấy ngày trước, các quán trọ, quán ăn đã chẳng xót thương từ chối hoặc xua đuổi một đôi vợ chồng quê mùa, chất phác, người vợ lại sắp tới ngày sinh nở, khiến họ phải tìm đến hang đá hôi hám, ẩm mốc ngoài cánh đồng hoang vắng này; thành Be-lem đã từ chối đón tiếp một nhân vật cao quý, quyền uy ẩn thân nơi hình hài một trẻ thơ sắp chào đời mà không ngờ. Ngược lại, trong đêm diễm phúc khi Hài nhi sinh ra, những trẻ mục đồng (đại diện cho hạng người nghèo khổ, có cuộc sống đơn sơ chất phác) đã được thiên sứ loan báo và họ đã nhanh chóng đến bái chào Hài Nhi quấn trong tã và đặt nơi máng cỏ của bò lừa, chiên cừu. Hài Nhi ấy được thánh sử Gio-an giới thiệu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, mặc lấy xác phàm làm người, để ở giữa loài người chúng ta mà cứu chuộc chúng ta.
Trình thuật Tin Mừng mô tả: Ngôi Lời, lời Thiên Chúa hiện hữu cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; Người là tư tưởng, là ý muốn của Thiên Chúa, Người hành động cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong công trình dựng nên muôn loài muôn vật, dựng nên loài người và đặt chúng vào một lộ trình phát triển, đồng thời hướng dẫn chúng đến chỗ hoàn hảo. Nhưng tiếc thay, con người là loài thụ tạo thượng đẳng, đã nghe lời ma quỷ bất trung, bất phục lệnh truyền của Thiên Chúa, đánh mất sự sống là sự công chính, bình an, niềm vui và hy vọng; do đó, nguyên tổ và con cháu phải chìm đắm trong bóng tối của tội lỗi là những tư tưởng xấu xa và hành động gian ác. Thiên Chúa toàn năng và nhân từ, Ngài không bỏ mặc con người là loài thụ tạo mà Ngài đã dựng nên, phải hư đi. Ngài thiết lập lời hứa Cứu độ và kiên trì thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại.
Thiên Chúa nhân từ đã ban Lời để biểu lộ lòng thương xót của Ngài: Trong công trình sáng tạo nhờ Lời quyền năng mà mọi vật hiện hữu; khi nguyên tổ loài người bất trung phạm tội, Thiên Chúa ban lời hứa cứu độ; khi chuẩn bị ơn cứu độ cho con người, Thiên Chúa lập lại lời hứa với Noe, với Áp-ra-ham và lập Giao ước Si-nai với dân tộc Í-ra-en qua trung gian là ông Mô-sê – người đã được Ngài tuyển chọn để thống lĩnh dân Ít-ra-en thoát khỏi kiếp nô lệ ở Ai –cập; trong hành trình dẫn đưa dân Í-ra-en về đất hứa, Thiên Chúa còn dùng các ngôn sứ để truyền đạt thánh chỉ của Ngài.
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa tiếp xúc và nói với dân của Ngài qua hình thức khả giác; nhưng đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã trực tiếp gặp gỡ và nói với nhân loại bằng ngôn ngữ loài người. Ngài đã cho Ngôi Hai là Ngôi Lời nhập thế, nhập thể làm người để ở giữa loài người mà giảng dạy lời chân lý, nêu gương sống quảng đại yêu thương và sau cùng chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá để minh chứng sự thật và ban ơn cứu rỗi, giải thoát nhân loại khỏi nô lệ cho tội lỗi; giúp nhân loại từ bỏ những việc làm xấu xa, gian ác của ma quỷ mà lãnh nhận phúc trường sinh.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Thánh sử Gio-an đã tuyên tín mầu nhiệm “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” và với những trải nghiệm của một môn đệ đã hơn ba năm theo Đức Giêsu, bôn ba khắp nơi; ông được nghe những lời khôn ngoan đầy uy quyền, được chứng kiến những việc siêu phàm vượt quá khả năng con người của Đức Giêsu; ông làm chứng: Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
Như ánh sáng bùng lên xua tan bóng tối, Hài nhi Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, xuất hiện để thực hiện lời hứa cứu độ của Thiên Chúa, và Người đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại qua cuộc tử nạn trên thập giá, rồi vinh hiển phục sinh và lên trời, sau thời gian dài công khai rao giảng Nước Thiên Chúa và mời gọi nhân loại sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ.
Tin vào Đức Giêsu Kitô- Ngôi Lời Thiên Chúa, là điều kiện tiên quyết để được thừa hưởng lời hứa cứu độ. Nhờ tin và đón nhận Người, tức là lắng nghe giáo huấn của Người và nỗ lực đem áp dụng trong cuộc sống, sẽ biến đổi tư tưởng, hành vi và ngôn từ nên giống Người, nhờ đó Người ban cho quyền làm con Thiên Chúa. Dân Ít-ra-en là con cháu Áp-ra-ham, là những người thừa kế thuộc dòng tộc của vua Đavít, họ trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến như lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ họ; nhưng khi Người xuất hiện, họ không nhận ra Người và loại trừ Người.
Nơi Đức Giê-su Ki-tô tràn đầy ân sủng và sự thật, khi tin và đón nhận Người, nhân loại được kín múc từ trái tim bị lưỡi giáo của lý hình đâm thủng ơn khôn ngoan và sự sống đời đời để bước vào sự sống thần linh Thiên Chúa nhờ Con Một của Người.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
- Tin tưởng, yêu mến và tôn thờ Hài Nhi Giêsu đã sinh ra cho nhân loại, nơi hang đá Be-lem xưa. Người là ánh sáng, chiếu soi đẩy lui bóng tối sự chết; Người là sự sống, sẽ làm tái sinh những ai đặt trọn niềm tin vào Người.
- Thành Be-lem và hạng quyền quý, giàu sang ngày xưa đã bỏ lỡ cơ hội đón tiếp Hài Nhi Giêsu- Con Một Thiên Chúa làm người, vì đã cư xử bất công và không có lòng thương cảm đối với người nghèo là thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a bạn trinh khiết của ông. Hãy cảm thông và giúp đỡ những người nghèo khổ, cơ nhỡ khi có cơ hội.
2. CẦU NGUYỆN
Kính lạy Hài Nhi Giêsu! Ngôi Lời Thiên Chúa, Ngài đã khiêm tốn từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm mà cư ngụ giữa chúng con; Ngài là lời tình yêu giúp con biết yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em con; Ngài là lời cứu rỗi giúp con biết hoán cải để được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa và sống hòa hợp với anh em; Ngài là thánh chỉ, là mệnh lệnh của Thiên Chúa giúp con luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa để hưởng phúc vĩnh cửu với Chúa. Lạy Chúa, con tin, con thờ lạy, con trông cậy, con yêu mến Chúa.
3. SỐNG TIN MỪNG
Chuyên cần lắng nghe và thực thi Lời Chúa mỗi ngày.
Ngôi Lời đến ngự giữa thế gian (31.12.2015)
1- Ghi nhớ:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14)
2- Suy niệm:
Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa nhưng Ngài đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Kinh nghiệm trong cuộc sống, người ta sẽ cảm thấy hãnh diện khi được quen thân với những người có quyền cao chức trọng, giầu sang phú quý. Chính vì thế, người đời thường nói “thấy người sang, bắt quàng làm họ”. Nhưng với Đức Giê-su, Ngài lại muốn đến làm bạn với những người hèn mọn, bé nhỏ để được chung sống cùng họ và giúp họ thăng tiến trong cuộc sống. Đó chính là tình yêu thương không bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa thật là cao trọng như thế mà lại yêu thương con người hèn mọn chúng ta, Ngài đã tự hủy vinh quang quyền thế xuống trần gian và nhận trần gian là nhà của Chúa, nhận con người thấp hèn chúng ta là người nhà của Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa và luôn sẵn sàng rộng mở tấm lòng để đón nhận Chúa là nguồn tình yêu thương dành cho chúng ta.
3- Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin chúng cho con biết chạy đến kín múc ơn Chúa và sự hiểu biết nơi Đức Giê-su Kitô, để mỗi ngày chúng con hiểu biết Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.
4- Sống Lời Chúa:
Biết đón nhận Chúa một cách thành tâm tha thiết, để Chúa ngự trị nơi mỗi người chúng ta và ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta sống xứng đáng là con cái của Chúa.
HOÀI THANH
Cúi mình sự nhập thể
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. ” (Ga 1,14).
Suy niệm: Tin Đức Giê-su, con người lịch sử bằng xương bằng thịt, lại là Thiên Chúa thật đồng nghĩa với việc ta phải chấp nhận những kết luận rất ư là khác thường. Chẳng hạn như Đấng Tạo Hóa chấp nhận thân phận làm tạo vật, đại dương rộng lớn đựng vừa khít trong một chiếc thùng; cả bầu trời bao la nằm gọn trong một vũng nước nhỏ; mặt trời được nhìn qua một lỗ kim. Một đàng, Thiên Chúa là Đấng cao cả, quyền năng, ngàn trùng chí thánh; đàng khác, Ngài lại chấp nhận làm người, gần gũi, thân thiết với con người. Thiên Chúa, Đấng không ai biết được, cũng chẳng ai có thể mon men đến gần được, nay tự làm cho mình được con người biết đến và đụng chạm được qua Đức Giê-su. “Người cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”: quả thật, đại dương bao la đựng vừa khít trong một chiếc thùng (theo cha S. O’Flynn, O.F.M.).
Mời Bạn: Cùng với thánh Gio-an, bạn xác tín Đức Giê-su là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, Đấng từ Chúa Cha mà đến với con người, làm người ở giữa con người, ‘nói’ cho con người biết Thiên Chúa là ai, yêu thương con người như thế nào, để rồi đưa dẫn con người về hưởng hạnh phúc với Chúa Cha.
Sống Lời Chúa: Tôi cúi mình tạ ơn Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên người phàm vì yêu thương con người. Tôi cố gắng sống trong tâm tình cảm tạ ấy suốt ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã yêu thương xuống thế làm người với chúng con. Xin cho chúng con luôn sống trong tâm tình cảm tạ này.
Vì loài người chúng ta…
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14).
Suy niệm: “Người đã ăn, uống, ngủ, thức; Ngài đã cảm thấy chán nản, biết buồn, biết vui. Ngài khóc, cười, đói, khát; Ngài đổ mồ hôi, Người vất vả, cầu nguyện, đến nỗi giữa Ngài với ta không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không, ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa và Ngài vô tội” (M. Luther). Con Thiên Chúa đã làm người trọn vẹn, Ngài cũng có một khuôn mặt nhân loại, một cái tên, một quê hương, và cuộc sống với tất cả vui buồn sướng khổ của kiếp người. Tuy nhiên, Ngài cũng là Ngôi Hai Thiên Chúa, ở với Thiên Chúa, nên có thể mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa. Là Ngôi Hai Thiên Chúa, nơi Ngài tràn đầy sự sống và ân sủng, ánh sáng và sự thật, vinh quang và tình yêu. Tất cả nguồn sung mãn ấy được Ngài tuôn đổ trên tất cả ai tin và đón nhận Ngài.
Mời Bạn: Qua bài Tự ngôn mở đầu, thánh Gioan đưa ta tiếp cận với bản tính cao siêu mầu nhiệm của Chúa Giêsu, dẫn ta giáp mặt với Ngôi Hai vĩnh cửu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Cũng như thánh nhân, càng có mối tương quan gắn bó, thân thiết và sâu sắc với Chúa Giêsu, bạn càng nhận ra sự phi thường, siêu phàm và cao cả của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người này.
Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian mỗi ngày Chúa nhật để tìm hiểu về Chúa Giêsu qua sách giáo lý hay sách viết về Ngài, cũng như dành thời gian cầu nguyện với Ngài mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể làm người, chúng con cảm tạ Chúa đã đưa chúng con đi vào gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin cho chúng con ngày càng thêm hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Amen.