4 Tháng Hai
Thánh Giuse ở Leonissa
(1556 – 1612) Thánh Giuse sinh ở Leonissa thuộc Vương Quốc Naples, ngài gia nhập dòng Capuchin ở nơi ngài sinh trưởng năm 1573. Ngài rèn luyện bản thân bằng cách kiêng ăn thịt và khước từ những tiện nghi, chuẩn bị cho thiên chức linh mục và cuộc đời rao giảng. Năm 1587 ngài đến Constantinople để chăm sóc những người Kitô giáo đang làm nô dịch cho các chủ nhân người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài bị cầm tù vì công việc ấy, và được cảnh cáo là không được tái phạm sau khi được thả tự do. Nhưng ngài lại tiếp tục sứ vụ và lại bị cầm tù, lần này ngài bị kết án tử hình. Lạ lùng thay, ngài được trả tự do và trở về Ý, là nơi ngài rao giảng cho người nghèo và hòa giải hận thù giữa các gia đình, cũng như sự tranh chấp giữa các thành phố đã kéo dài trong nhiều năm trời. Ngài được phong Thánh năm 1746. Lời Bàn Các thánh thường làm chúng ta nhột nhạt, vì đời sống các ngài như thách đố chúng ta hãy suy nghĩ về những gì chúng ta cho là cần thiết của “một đời sống thoải mái.” Chúng ta nghĩ, “Tôi sẽ hạnh phúc khi…,” và chúng ta tốn không biết bao nhiêu thời giờ để lo lắng cho cái bề ngoài của cuộc sống. Những người như Thánh Giuse ở Leonissa thách đố chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời, và hãy nhìn vào tâm điểm của nó: đó là một đời sống với Thiên Chúa. Thánh Giuse quả thật là một người rao giảng đại tài, vì ngài đã minh chứng lời ngài nói bằng chính cuộc đời của ngài. Lời Trích Trong một bài giảng, Thánh Giuse ở Leonissa nói: “Mỗi Kitô hữu phải là một cuốn sách sống động mà người ta có thể đọc được sự giảng dạy của Phúc Âm. Ðây là điều mà Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô, ‘Hiển nhiên anh em là bức thư của Ðức Kitô mà tôi được giao phó, một bức thư không viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng xương thịt trong tâm hồn con người. (2 Côrintô 3:3). Tâm hồn chúng ta là những mảnh giấy da; qua sứ vụ của tôi, Chúa Thánh Thần là người viết vì ‘lưỡi tôi như cây bút của người viết’ (TV 45:1)”. http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm |