6 Tháng Sáu Thánh Norbert (1080-1134)

6 Tháng Sáu

Thánh Norbert

(1080-1134)

Thánh Norbert sinh ở Xanten, Rhineland khoảng năm 1080. Khi là thanh niên, Norbert rất yêu chuộng thế gian và các vui thú của nó. Ðó là thói quen từ một gia đình quyền quý và được nối tiếp trong sinh hoạt của triều đình nước Ðức. Không một cuộc vui nào mà anh không có mặt. Ðể đảm bảo cho việc thăng quan tiến chức trong triều đình, anh không do dự chấp nhận chức kinh sĩ, là một chức thánh, và các lợi lộc tài chánh của chức vụ đó. Tuy nhiên, anh đã do dự khi trở thành một linh mục với tất cả các trách nhiệm của ơn gọi ấy.

Các biến cố xảy ra trong đời là để Thiên Chúa thức tỉnh con người. Một ngày kia, trong cơn bão, Norbert đã ngã ngựa và bất tỉnh gần một giờ đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã. Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên anh tự hỏi là, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Và tận đáy tâm hồn, anh nghe như có câu trả lời, “Hãy tránh xa sự dữ và làm việc lành. Hãy tìm kiếm bình an và theo đuổi sự bình an ấy”.

Anh bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối. Sau khi chịu chức linh mục năm 1115, Cha Norbert thay đổi hoàn toàn đến độ các bạn bè cũ trong triều đình đều cho là ngài giả hình. Ngài phản ứng bằng cách phân phát hết của cải cho người nghèo và đến xin Đức giáo hoàng cho phép ngài đi rao giảng.

Với hai linh mục bạn, Cha Norbert đi khắp Âu Châu để truyền giáo. Và để ăn năn đền tội, ngài đi chân đất giữa mùa đông buốt giá. Không may, hai linh mục bạn đã lâm bệnh và từ trần. Tuy nhiên, ngài bắt đầu được cảm tình của các giáo sĩ trước đây từng khinh miệt ngài. Ðức giám mục của Laon muốn ngài canh tân các kinh sĩ trong giáo phận, nhưng các kinh sĩ lại không muốn thay đổi theo kiểu của Cha Norbert, họ cho là quá khắt khe. Vị Giám mục không muốn mất con người thánh thiện này, nên đã tặng cho Cha Norbert một phần đất đai để ngài có thể khởi sự một cộng đoàn. Trong thung lũng cô tịch ở Premontre, ngài đã khởi sự một tu hội với mười ba kinh sĩ. Dù với quy luật khắt khe, càng ngày tu hội càng thu hút được nhiều người, kể cả các kinh sĩ trước đây từng chống đối ngài.

Dù được sự giúp đỡ của các nhân vật thế lực trong triều, Cha Norbert biết không sức mạnh nào có thế lực cho bằng uy quyền của Thiên Chúa. Do đó, tu hội Premonstratensian đặc biệt sùng kính Thánh Thể, và các tu sĩ đã thành công trong việc hoán cải các người lạc giáo, hoà giải các kẻ chống đối Giáo Hội và kiên cường đức tin cho các tín hữu.

Trong tu hội, còn có các giáo dân thuộc hàng vương tước của triều đình, và khi tham dự lễ cưới của một bá tước, Cha Norbert được Hoàng Ðế Lothair để ý và chọn ngài làm Giám mục của Magdebourg. Với nhiệt huyết canh tân Giáo hội, ngài đã cải tổ giáo phận và gặp nhiều sự chống đối cũng như có lần bị ám sát hụt. Chán nản vì giáo dân không muốn cải tổ, ngài bỏ đi nhưng được hoàng đế và Đức giáo hoàng gọi lại.

Khi hai vị Giáo hoàng kình địch nhau sau cái chết của Ðức Honorius II, Ðức Norbert đã giúp hàn gắn Giáo Hội bằng cách thúc giục hoàng đế hậu thuẫn cho vị Giáo hoàng được chọn đầu tiên, là Ðức Innôxentê II. Vào cuối đời, Ðức Norbert được chọn làm Tổng giám mục, nhưng ngài đã từ trần sau đó không lâu, khi 53 tuổi.

Lời Bàn

Một thế giới khác biệt không thể hoàn thành bởi những người thờ ơ, lãnh đạm. Ðiều đó cũng đúng với Giáo Hội. Giáo Hội không thể nào thay đổi phù hợp với tinh thần của Công Ðồng Vatican II nếu hàng giáo sĩ và giáo dân không tha thiết với việc xây dựng đức tin. Noi gương Thánh Norbert, chúng ta phải trung thành với Giáo Hội, nhiệt tâm sùng kính Thánh Thể để có sức mạnh giúp chúng ta sống theo đường lối của Ðức Kitô.

Lời Trích

Trong dịp tấn phong linh mục của tu hội, Thánh Norbert giảng, “Ôi linh mục! Bạn không còn cho chính bạn, vì bạn là tôi tớ và thừa tác viên của Ðức Kitô. Bạn không còn thuộc chính mình, vì bạn là hôn phu của Giáo Hội. Bạn không còn là chính bạn, vì bạn là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Bạn không có gì là của mình, vì bạn là hư không. Vậy linh mục là gì? Là người không có gì cả và cũng là người có tất cả. Ôi linh mục! Hãy cẩn thận, đừng để những gì người ta nói về Ðức Kitô trên thập giá lại là điều nói với bạn: ‘Hắn cứu được người khác, nhưng không cứu được chính mình!’”

http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm