Vatican News – Francesca Merlo
Sáng thứ Sáu (16.05.2025), chỉ một tuần sau khi được tuyển chọn vào ngai tòa Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã có cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.
Mở đầu diễn văn, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng tri ân đối với Đại sứ George Poulides của Cộng hòa Síp, nguyên niên trưởng ngoại giao đoàn, vì những năm tháng phục vụ với tất cả lòng nhiệt thành, tinh thần tận tụy và lòng nhân hậu, đồng thời ghi nhận sự quý mến đặc biệt mà Đức nguyên Giáo hoàng Phanxicô cũng như các vị tiền nhiệm đã dành cho ông.
Ngỏ lời với các vị đại sứ, Đức Thánh Cha tái khẳng định sứ mạng của Giáo hội là phục vụ toàn thể nhân loại. Ngài ví cộng đồng ngoại giao như một gia đình “cùng chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn của kiếp người”, được xây dựng trên nền tảng các giá trị nhân bản và thiêng liêng. Trong gia đình ấy, Giáo hội không tìm kiếm đặc quyền, nhưng mở rộng những nhịp cầu – đặc biệt qua con đường ngoại giao độc đáo của mình: một nền ngoại giao được bắt nguồn từ mối quan tâm mục vụ sâu xa.
Tiếp nối di sản của Đức Phanxicô
Đức Thánh Cha Lêô XIV ghi nhận rằng, chính sứ vụ mục tử của mình được tiếp nối từ di sản thiêng liêng của Đức Phanxicô – một vị Giáo hoàng luôn ưu tư đến người nghèo, người bị gạt ra bên lề, đến việc bảo vệ công trình sáng tạo và những thách đố của trí tuệ nhân tạo trong thời đại mới.
Nhìn lại hành trình bản thân – trải dài qua Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Âu – Đức Thánh Cha bày tỏ ước mong được “vượt qua mọi ranh giới”, và làm sâu đậm thêm mối liên hệ của Giáo hội với mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới.
Ba trụ cột: Hòa bình – Công lý – Chân lý
Trọng tâm bài diễn văn của Đức Thánh Cha là ba từ ngài mô tả như những “trụ cột” của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và là nền tảng cho hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh: hòa bình, công lý và chân lý.
Hòa bình
Từ đầu tiên, hòa bình, không chỉ đơn giản là vắng bóng chiến tranh, nhưng là một hồng ân cao quý và đòi hỏi – “hồng ân đầu tiên của Đức Kitô”. Hòa bình đích thực, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, khởi đầu từ chính con tim con người, nhờ vào sự khiêm nhu, lời nói cẩn trọng và việc khước từ kiêu ngạo cũng như tinh thần báo thù. Ngài cảnh báo rằng: “Không chỉ vũ khí mới có thể gây thương tích và cướp đi mạng sống, mà cả lời nói cũng vậy.”
Từ đó, Đức Thánh Cha nêu bật vai trò thiết yếu của tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn trong việc nuôi dưỡng hòa bình. Ngài kêu gọi làm mới lại nền ngoại giao đa phương và khẩn thiết chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang, nhắc lại lời cảnh báo của Đức Phanxicô trong thông điệp Urbi et Orbi cuối cùng: “Không thể có hòa bình đích thực nếu thiếu giải trừ quân bị.”
Công lý
Đề cập đến trụ cột thứ hai – công lý, Đức Thánh Cha hồi tưởng đến Đức Giáo hoàng Lêô XIII và kho tàng học thuyết xã hội phong phú của Giáo hội. Trước thực trạng bất bình đẳng toàn cầu ngày càng gia tăng, ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đầu tư mạnh mẽ cho gia đình và bảo vệ phẩm giá của mọi con người.
Chia sẻ về thân phận là con của những người nhập cư, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể cộng đồng quốc tế vun đắp tinh thần liên đới – một liên đới bắt nguồn từ phẩm giá phổ quát, vượt lên trên mọi hoàn cảnh và quốc tịch.
Chân lý
Từ cuối cùng là chân lý. Trong một thế giới mà thực tại ngày càng bị bóp méo, nhất là trong không gian mạng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhu cầu thiết yếu của truyền thông trung thực và đối thoại hòa bình. Giáo hội, ngài nói, có bổn phận lên tiếng cho sự thật, nhưng phải là một sự thật được nói trong đức ái – dù cho đôi khi bị hiểu lầm hoặc từ chối.
“Chân lý”, Đức Thánh Cha khẳng định, “không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là cuộc gặp gỡ với chính con người của Đức Kitô.” Chính chân lý này cho phép nhân loại đối diện với những thách đố cấp bách nhất – như di cư, công nghệ hay môi trường – với tinh thần hiệp nhất và cùng một mục đích chung.
Hy vọng cho một con đường mới
Khép lại bài diễn văn, Đức Thánh Cha Lêô XIV đặt sứ vụ của ngài trong bối cảnh của Năm Thánh Hy Vọng, như một thời khắc thuận tiện để hoán cải, canh tân và nhất là vượt qua xung đột.
Ngài tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh trong việc đồng hành với mọi quốc gia để xây dựng một thế giới nơi con người có thể sống trong phẩm giá và bình an. Đức Thánh Cha kết thúc:
“Tôi cầu mong điều đó có thể trở thành hiện thực ở khắp nơi, bắt đầu từ những vùng đang chịu đau khổ nặng nề nhất như Ukraina và Thánh Địa.”