Bài hát và suy niệm (23.10.2022 – Chúa Nhật XXX Thường Niên năm C)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

Năm 26.10.2016: – Khánh Nhật Truyền Giáo

NL: BƯỚC VÀO CUNG THÁNH

ĐC: THIÊN THẦN CHÚA

DL: TIẾN DÂNG LÊN

HL: HƯỚNG ĐẾN THA NHÂN

KL: CHUỖI NGỌC VÀNG KINH

 

Lời Chúa: Hc 35,15-17.20-22a; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 

Biết Mình Để Khiêm Hạ

Bởi một số người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác, nên Đức Giêsu mới kể dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, với tâm tình và hai thái độ khác nhau. Người Pharisêu ngẩng cao đầu, vừa kiêu ngạo mà khinh chê người khác rằng “con không tham lam, ngoại tình… như tên thu thuế kia…”, rồi kể một lô thành tích cá nhân của mình. Còn người thu thuế thì đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực nhìn nhận mình và xin ơn thương xót. Đức Giêsu chấm kết quả rõ ràng: trở về người thu thuế được “nên công chính”, còn người Pharisêu thì không. Người chấm bằng một thang điểm như đảo lộn ngược đời: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (Lc 18,14).

Người Pharisêu chỉ nhìn thấy những điều tốt của mình, không thấy chi tội lỗi nên dường như không cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì làm sao mà được đón nhận ơn cứu độ? Xem ra ông là người công chính mà lại bị mất điểm của người công chính rồi. Còn người thu thuế thì ngược lại, ông nhận biết thân phận tội lỗi của mình và thấy mình cần đến lòng thương thứ tha của Thiên Chúa. Khi biết nhìn nhận sự thiếu thốn, phận hèn tội lỗi của mình và mở lòng khát khao ơn Chúa, ắt sẽ được Chúa đổ đầy ơn thương xót và thứ tha. Hay hơn nữa, từ thận phận tội lỗi kém cỏi, trở về ông lại được Chúa nâng lên, đã được “nên công chính rồi”.

Sách Huấn ca trong bài đọc một cũng mô tả kết quả của thái độ kiêu căng hay khiêm hạ khi cầu nguyện: “Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má, và tiếng bà kêu chẳng cáo tội kẻ làm bà phải khóc sao? Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng. Sẽ đến lúc Người đập gãy lưng bọn tàn ác, và báo oán chư dân. Sẽ đến lúc người tiêu trừ lũ ngạo ngược, đập tan vương trượng bọn ác nhân.” (Hc 35,15-21).

Theo tiêu chí của Đức Giêsu, như người thu thuế, tôi cần trở về mà “học biết mình” trong mối tương quan với Chúa. Nhưng biết mình không phải là chuyện dễ, biết được lầm lỗi của mình lại càng khó hơn. Chính con mắt của ta, nó gần mình nhất mà lại khó thấy nhất. Ta không thể biết mắt mình đẹp hay xấu nếu không soi gương hoặc nhận biết từ người khác. Thầy Giêsu từng dạy muốn “dẫn dắt người” thì phải tự xét mình, phải biết mình trước đã. Khổ nỗi nhìn người khác thì chỉ thấy rõ những cái xấu chình ình mà không thấy điều tốt lành của họ. Nếu có nhìn vào mình thì chỉ thấy “ngon”, chẳng thấy được “cái tôi to đùng” bên trong. Vậy làm sao để biết được mình? Thánh Augustinô cho thấy ta  không tự mình biết được, mà phải xin Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Chỉ khi nào biết trở về với Chúa, trong ánh sáng của Người soi chiếu vào mọi ngõ ngách sâu thẳm hồn ta, mới thấy rõ con người thật của mình. Chính Chúa sẽ hoán cải, đổi thay, chữa lành, thanh tẩy bụi bẩn, giải thoát ta khỏi những ngộ nhận và làm cho ta có sức thay đổi cách sống. Trong khiêm nhường, ta sẽ biết được phận mình mà không còn dám phê bình, chỉ trích tha nhân nữa.

Lạy Chúa! lòng yêu thương, quảng đại bao dung của Chúa ngàn lần lớn hơn những gì chúng con đang có và nghĩ suy. Xin Chúa cho chúng con biết khiêm hạ với những gì chúng con đang có, biết nhìn nhận và tạ ơn vì điều ấy, vì tất cả là nhờ bởi ơn Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn nhận anh em bằng ánh mắt yêu thương của Chúa, để đỡ nâng và cùng nắm tay chung xây hạnh phúc  nước trời. Amen.

 Én Nhỏ 

Sống trọn đời khiêm nhường

1- Ghi nhớ:

   “Ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn những ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên” (Lc 18,4).

 2- Suy niệm:  

 Chuyện kể rằng: Có một tu sĩ mà người ta đồn thổi là rất thánh thiện, được đặc ân xuất thần và nhìn thấy Chúa. Tin đồn ngày một lan xa, khiến Đức Giáo Hoàng phải quan tâm. Ngài liền sai thánh Phi-lip-phê Nê-ri đi điều tra xem thực hư ra sao?

Trên đường đi đến nơi vị tu sĩ ở thì trời đổ mưa rất to. Nước ngập, Thánh nhân bị ướt đến đầu gối, khi đến nơi Thánh nhân cho gọi vị tu sĩ thánh thiện đến để Ngài gặp. Vừa nhìn thấy vị tu sĩ bước vào, thánh nhân ra lệnh ngay.

– Hãy quì xuống và cởi giầy cho ta.

Vị tu sĩ đứng im, mắt ngước lên trần nhà không trả lời mà còn tỏ thái độ như khinh khi người vừa ra lệnh cho mình. Không hỏi thêm gì nữa, lập tức Thánh nhân trở về và trình lại mọi sự cho Đức Giáo Hoàng nghe. Sau đó Ngài kết luận:

– “Một người mà có thái độ tự kiêu như vậy, thì không thể nào là một vị thánh được.”

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết sống khiêm nhường. Nhân đức khiêm nhường có thể gọi là nền tảng của các nhân đức khác, vì nếu kiêu căng và tự phụ thì mọi đức tính khác đều không còn giá trị trước mặt Thiên Chúa nữa.

Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giếu thường biểu dương và ban ơn cho những người có tâm hồn khiểm nhường. Thánh Phêrô nói: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, và ban ơn cho những kẻ khiêm nhường.” (1Pr 5,5). Khi Cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi, chục kinh đầu tiên mà Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta suy gẫm, đó là mẫu gương khiêm nhường tuyệt vời của Đức Maria, để chúng ta xin được ơn nên giống như Mẹ, Sống trọn đời khiêm nhường.

Chỉ khi nào thực lòng khiêm tốn, chúng ta mới nhận biết rõ mình chỉ là con người hèn mọn, yếu đuối, tội lỗi;  rất cần đến sự tha thứ, lòng thương xót và sự đỡ nâng  của Thiên Chúa là Cha nhân từ mà thôi.

 3- Cầu nguyện

Lạy Chúa, chỉ vì kiêu ngạo mà Lucifer đã chống lại Chúa và đã bị Ngài trừng phạt. Cũng vì kiêu ngạo muốn được bằng Thiên Chúa mà Ađam và Eva đã tự cắt đứt mối tương quan Cha con rất gần gũi, găn bó và thân thiết với Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết thân, biết phận của mình là một tạo vật hèn mọn, có được bởi Chúa, sống được bởi Chúa và  làm được gì cũng bởi Chúa. Để rồi chúng con luôn biết sống thật lòng khiêm nhường trước mặt Chúa và cả trước mặt anh chị em của mình nữa. Amen.

 4- Sống Lời Chúa :

Không bao giờ dám coi thường bất cứ một ai, và luôn tâm niệm rằng: Thiên Chúa ở trong anh em.

 

  ĐA MINH TRẦN VĂN CHÍNH

***

1. Quyền năng từ trên cao

2. Hãy đi khắp thế gian

3. Yêu thương những người con lưu lạc – Lc 24,44-53

4. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

5. Rao giảng Tin Mừng với tình bác ái

6. Anh em là chứng nhân

7. Khánh nhật Truyền giáo

8. Đức Maria, mẫu gương truyền giáo

1. Quyền năng từ trên cao 

(Trích dẫn từ ‘Manna’)

Nếu Đức Giêsu phục sinh không sai gửi Thánh Thần thì chúng ta sẽ chẳng có một Hội Thánh truyền giáo.

Các tông đồ được lệnh phải chờ ở Giêrusalem. Chờ mặc lấy quyền năng từ trời cao ban xuống. Chờ Đức Giêsu sai gửi Đấng Cha đã hứa ban. Chờ lãnh nhận phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5). Không có sức mạnh của Ngôi Ba Thiên Chúa, các tông đồ chẳng dám đi rao giảng cho muôn dân, và trở nên chứng nhân của Đức Giêsu cho cả thế giới.

Không có Thánh Thần thì không có hoạt động truyền giáo. Điều này vẫn đúng cho thời đại chúng ta.

Thánh Thần vẫn thôi thúc bao tâm hồn đi gieo Tin Mừng, vẫn hiện diện và hướng dẫn Hội Thánh trong việc rao giảng, vẫn khơi dậy bao sáng kiến mới mẻ trong việc truyền giáo.

Kitô hữu tự bản chất là chứng nhân. Các tông đồ đã làm chứng vì họ đã thấy tận mắt. Chúng ta chỉ có thể làm chứng nếu thấy bằng đức tin. Thấy bằng đức tin mạnh chẳng kém gì thấy bằng mắt. Kitô hữu là người thấy được Đấng Vô Hình, có tương quan thân thiết với Đấng họ mến tin.

Truyền giáo không phải là tuyên truyền một lý thuyết, mà là đưa người khác đến gặp một Ngôi Vị, là chia sẻ cho họ niềm xác tín và yêu mến của mình.

Chúng ta cần tự hỏi tại sao sau gần 4 thế kỷ Kitô giáo ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh.

Phải chăng vì đức tin chúng ta đã nhạt nhòa, vì đời sống chúng ta chẳng có gì đáng nói? Hay phải chăng chúng ta đã lơ là với việc rao giảng, hoặc không biết cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp? Có thể tất cả những lý do trên đều đúng.

Truyền giáo hôm nay đòi ta cộng tác với mọi người thiện chí, để xây dựng một thế giới công bằng, nhân ái hơn, đòi ta yêu thương và phục vụ những người nghèo nhất.

Truyền giáo là đưa Tin Mừng vào nền văn hoá Việt Nam, và đưa những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam vào việc sống và làm chứng cho Tin Mừng.

Chúng ta tin một Thánh Thần duy nhất đã hoạt động nơi các dân tộc trước khi Ngôi Lời nhập thể, vẫn luôn hoạt động trong đời Đức Giêsu và trong Hội Thánh, và còn đang hoạt động nơi các tôn giáo, các nền văn hoá của mọi dân tộc trong thế giới hôm nay.

Phải làm sao để trình bày Tin Mừng cách dễ hiểu, gần gũi với tâm thức của đồng bào. Phải làm sao để bày tỏ một khuôn mặt Đức Giêsu nhân từ, dễ mến, đem lại hạnh phúc cho con người.

Hội Thánh Việt Nam cần biết bao những người công giáo biết làm văn, làm nhạc, làm thơ, biết viết kịch, viết báo… Tinh thần Chúa Kitô phải từ từ thấm vào mọi lãnh vực.

Có thể Kitô hữu mãi mãi vẫn là một thiểu số, nhưng phải là một thiểu số đóng góp nhiều cho dân tộc.

Gợi ý chia sẻ

Có người bảo đạo Công Giáo là đạo ngoại lai. Bạn nghĩ sao? Có tôn giáo nào ở Việt Nam không đến từ nước ngoài? Làm sao để đạo Công Giáo gần gũi với lối sống, lối nghĩ của người Việt Nam hơn?

Đức Thánh Cha nói: không truyền giáo là dấu hiệu của khủng hoảng đức tin. Bạn nghĩ sao?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.

2. Hãy đi khắp thế gian 

(Trích dẫn từ ‘Manna’)

Suy Niệm

“Hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng…”

Lời Đức Giêsu mời gọi làm chúng ta nhức nhối.

Thế giới chẳng phải ở đâu xa. Thế giới là quê hương tôi với gần 80 triệu dân. Thế giới là những người tôi vẫn gặp, những nơi tôi vẫn sống. Thế giới ấy, chân tôi chưa một lần đi hết, miệng tôi chưa một lần loan báo tin vui.

Tôi có lòng tin không? Tôi có dám tin Lời Chúa không?

Chúa hứa cho những ai tin được khả năng trừ quỷ, nghĩa là giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô lệ, khả năng chữa bệnh để xoa dịu nỗi đau của trần gian, khả năng nói những ngôn ngữ mới để đem lại hiệp nhất. Các tông đồ đã tin và thấy Chúa cùng làm việc với mình. Họ chẳng bao giờ cô đơn trên bước đường rao giảng.

Có nhiều cách loan Tin Mừng, nhiều cách truyền giáo.

Cách thứ nhất là bằng chính cuộc sống bản thân. Nếu các Kitô hữu đều siêu thoát danh lợi, sống trung thực, thanh khiết, sống chung thủy, yêu thương… Một Kitô hữu nghèo mà vui tươi, hạnh phúc, thì đó là một lời chứng đáng tin cậy.

Làm cho xã hội được tốt đẹp hơn, đó cũng là một cách loan báo Tin Mừng rất hiệu quả. Kitô giáo phải góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ, công bằng và ấm no, nơi nhân phẩm của từng người được tôn trọng, nơi bóng tối của sự ích kỷ tàn nhẫn bị đẩy lui.

Mẹ Têrêxa Calcutta đã âm thầm loan báo Tin Mừng bằng những cử chỉ nhân ái với bao người cùng khổ. Mẹ đã đi nhiều nơi trên thế giới để lập các cộng đoàn.

Còn thánh Têrexa nhỏ đã truyền giáo tại chỗ bằng lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé. Chị là nữ tu dòng Kín, sống trong bốn bức tường, nhưng lại được phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Chị đã đi khắp thế giới, không phải bằng đôi chân, nhưng bằng lòng ước ao của một trái tim cháy bỏng.

Phải sống sao để người ta thắc mắc, đặt câu hỏi. Nhưng cũng phải sẵn sàng trình bày câu trả lời.

Dù bạn chẳng uyên thâm về giáo lý nhưng hãy bập bẹ nói về Chúa bằng kinh nghiệm của bạn.

Truyền giáo là giới thiệu cho người khác Đấng tôi đã quen. Có thể người ấy đã biết Đấng này từ lâu rồi.

Anrê đã gọi Simon, Philipphê đã gọi Nathanaen đến gặp Chúa. Cần tập đến với người khác như Đức Giêsu đã đến với người phụ nữ Samari. Hãy xin nước uống, trước khi nói về Nước Hằng Sống. Hãy tìm hiểu người đối diện trước khi loan báo Tin Mừng. Chúng ta cần thấm nhuần văn hóa dân tộc thì mới biết cách nói về Chúa Cha cho đồng bào mình.

Nếu cả đời, mỗi Kitô hữu mời được một người theo đạo, thì nguyện ước của Đấng Phục Sinh được thành tựu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Thánh Têrêxa nhỏ đã được tôn phong làm tiến sĩ Hội Thánh. Bạn nghĩ gì về kiểu truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh của chị? Bây giờ có hợp thời không?

Mẹ Têrêxa hiến đời mình cho người cùng khổ, bệnh tật, không phân biệt tôn giáo, màu da… Bạn nghĩ gì về kiểu truyền giáo này? Nó có đánh động trái tim con người hôm nay không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.

Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: nơi Trái Tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh. Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con được thực hiện. (dựa theo lời của thánh Têrêxa)

3. Yêu thương những người con lưu lạc – Lc 24,44-53 

(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Hùng và Cường là hai anh em trong một gia đình hạnh phúc và êm ấm tại một thôn làng nhỏ ở miền Trung. Đời sống an bình bên luỹ tre xanh kéo dài chưa được bao lâu thì chiến tranh nổ ra dữ dội khiến gia đình Hùng và Cường phải theo đoàn người sơ tán.

Trên con đường lánh nạn, bom đạn vô tâm đã trút xuống đầu dân lành vô tội, gây nhiều cái chết đau thương. Dưới lằn bom đạn kinh hoàng, ai nấy cắm đầu chạy trối chết và rồi sau đó, khi đến nơi an toàn, cha mẹ của Cường không thấy Cường đâu nữa. Thế là cả ba người – cha, mẹ và Hùng – quay quắt tìm kiếm Cường suốt cả mấy ngày nhưng cũng hoài công. Bị lạc mất con, cha mẹ Cường gặm nhấm nỗi đau buồn suốt ngày nầy qua tháng khác.

Vì quá thương nhớ Cường, nên trong mỗi bữa ăn, khi dọn cơm lên, ngoài những chén cơm của hai ông bà và Hùng, cha mẹ còn dọn thêm cho Cường một chén, mặc dù Cường không hiện diện. Rồi khi dựng lại ngôi nhà mới, cha mẹ cũng dành riêng cho Cường một phòng, có cả giường, gối hẳn hoi, dù hiện thời không biết Cường lưu lạc phương nao.

Thường ngày, ông bà vẫn nhắc nhở Hùng hãy cố gắng cất bước tìm em: “Con ơi, lòng cha mẹ rất buồn đau, ngồi đứng không yên khi vắng bóng em con trong ngôi nhà nầy. Con đã khôn lớn rồi, con hãy lên đường tìm em về cho cha mẹ”.

Nghe lời cha mẹ nỉ non, Hùng cảm thấy chột dạ, nên cũng dạ dạ vâng vâng nhưng rồi mãi lo vui chơi với bạn bè, nên cũng chẳng cất bước tìm em.

Qua những lần sau, cha mẹ Hùng lại năn nỉ: “Xưa rày ở cùng cha mẹ, con được ăn ngon mặc đẹp, được cắp sách đến trường… nhưng em con có thể đang phải đói khát, thất thểu bơ vơ, không người săn sóc… Con hãy tìm kiếm và đưa em con về đoàn tụ dưới mái nhà nầy. Được thế, cha mẹ có nhắm mắt cũng an lòng thoả dạ…”. Lần nầy cũng như bao lần trước, Hùng cứ dạ dạ vâng vâng rồi để đó. Cậu cứ mãi lo việc mình, lo vui đùa với chúng bạn, không màng gì đến em…

* * *

Người cha người mẹ trong câu chuyện trên đây là biểu tượng của Thiên Chúa nhân lành. Hùng tượng trưng cho những người con trong gia đình Thiên Chúa. Cường tượng trưng cho những anh chị em còn đang ở ngoài.

Thiên Chúa là Cha chung của hết mọi người. Ngài yêu thương tất cả không trừ ai và đặc biệt yêu thương những người con lưu lạc. Đã bao lần Ngài van lơn và thúc giục chúng ta, những đứa con trong nhà, hãy đi tìm đứa em lưu lạc và đem nó trở về, nhưng chúng ta cứ dạ dạ vâng vâng… rồi để đó!

Là con cái trong nhà, hằng ngày chúng ta được Thiên Chúa cho ăn ngon mặc đẹp. Lời Chúa là thức ăn bổ dưỡng được Chúa trao ban hằng ngày. Chúa lại còn trao ban cả Mình Máu thánh Ngài để bồi bổ, tăng cường sức sống cho chúng ta. Chúa trang điểm chúng ta bằng bao lời khuyên dạy khôn ngoan giúp chúng ta trở thành người có phẩm chất cao đẹp. Chẳng có gì cần thiết cho đời sống tâm linh mà Chúa lại không cung cấp cho chúng ta.

Thế nhưng khi Chúa truyền dạy chúng ta lên đường tìm đứa em lưu lạc, đưa em về sum họp với gia đình để cùng chia sẻ cuộc sống ấm no hạnh phúc với mình thì chẳng mấy ai quan tâm.

Như thế, việc loan Tin Mừng, giới thiệu Đức Ki-tô cho lương dân và đưa họ về với Chúa là bổn phận phải làm vì đức ái, vì tình huynh đệ. Ai thoái thác là lỗi đức ái đối với anh em mình.

Ngoài ra, tất cả chúng ta, nhờ bí tích rửa tội, được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Giêsu, được trở thành chi thể của Ngài.

Là chi thể của Chúa Giêsu, chúng ta không thể từ khước tham gia vào công việc hệ trọng nhất của Ngài là Đầu và của Thân Mình Ngài là Hội Thánh.

Một chi thể không làm theo mệnh lệnh của đầu là một chi thể tê bại và một chi thể tê bại thì luôn gây cản trở cho hoạt động của toàn thân.

Vậy, lý do thứ hai khiến chúng ta phải tham gia truyền giáo vì đây là đòi buộc tất yếu đối với các chi thể của Chúa Giêsu. Chi thể nào không tham gia vào sứ mạng tối thượng nầy là tự tách mình ra khỏi Đầu là Chúa Giêsu và Thân Mình Ngài là Hội Thánh.

* * *

Lạy Chúa, con chỉ muốn yên thân, yên phận trong căn nhà ấm cúng với đầy đủ tiện nghi. Phải ra đi, phải cất bước lên đường đến những nơi xa lạ, đương đầu với bao nhọc nhằn vất vả để đi tìm người anh em lưu lạc quả là một thách thức rất lớn đối với con.

Xin cho con có đủ nghị lực để đáp lại tiếng gọi khẩn thiết phát xuất từ nghĩa vụ và từ lòng yêu thương.

4. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 

THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, BẬC THẦY TRONG NGHỆ THUẬT TRUYỀN GIÁO

Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được phong thánh năm 1925, tức 28 năm sau khi từ trần. Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê năm 1927 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 10 năm 1997.

Khi tuyên bố thánh Têrêxa là tiến sĩ Hội Thánh, là bậc thầy trong đời sống đức tin, điều đó cũng có nghĩa Đức Giáo Hoàng muốn nói với các tín hữu toàn cầu rằng: Têrêxa là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo.

Khi chiêm ngắm thánh nữ Têrêxa như là bậc thầy nghệ thuật truyền giáo chúng ta sẽ thấy xuất hiện một nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ tại sao một nữ tu nhà kín suốt đời sống trong bốn bức tường mà lại được chọn làm bổn mạng cho các xứ truyền giáo?

Nói đến truyền giáo là nói đến hai động từ Đi và Nói.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”. Sách Ngôn sứ Isaia viết: “Vinh quang thay, những bước chân đi truyền rao Tin Mừng ơn cứu độ”. Phải đi, nhưng Têrêsa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào dòng kín. Người nữ tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào dòng Cát minh.

Thánh Phaolô bảo rằng: “Làm sao người ta tin nếu không nghe nói. Làm sao người ta nghe nói nếu không có người đi rao giảng. Làm sao có người rao giảng nếu không có ai được sai đi”. Nhưng Têrêsa lại không nói gì với ai. Đời sống của các nữ tu Dòng Kín thì rất nghiêm ngặt.

Như thế xem ra rất nghịch lý. Một nữ tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai mà lại được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Chính từ cái nghịch lý ấy mà chúng ta khám phá ra điều này: Giáo Hội mời gọi hãy thay thế câu hỏi truyền giáo làm gì? bằng câu hỏi là gì? Nếu nói làm gì với Têrêxa thì không đúng, vì thánh nữ Têrêsa chẳng làm gì cả. Nếu đặt câu hỏi Têrêxa là ai thì lập tức ta sẽ khám phá ra chiều sâu trong đời sống của thánh nữ. Ngài trở thành bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo nhờ sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng con đường nhỏ.

  1. Tình yêu là tất cả

Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêxa khám phá ra điều này: Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc. Và Ngài nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu. Vì thế tôi sẽ là tất cả. Têrêxa đã sống và âm thầm loan truyền sứ điệp của mình là yêu và chấp nhận được yêu. Càng ngày càng trở nên nhỏ bé để được Thiên Chúa bồng bế trên tay Người. Đời sống tận hiến làm hy lễ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Tận tụy làm vinh danh Giáo Hội bằng cách cứu vớt các linh hồn. Nghệ thuật truyền giáo của Têrêsa chính là tình yêu. Không đi đến đâu, không nói với ai, nhưng chỉ yêu thôi. Chính Têrêxa đã sống một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tất cả mọi người. Têrêxa cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế “. Biết mình nhỏ bé, Ngài luyện tập những nhân đức bé nhỏ. Thích âm thầm chuyên lo làm vui lòng Chúa bằng những hy sinh nhỏ mọn mà chỉ một mình Chúa biết. Ngài không bỏ qua một dịp hy sinh nào có được và cố gắng làm cho đời mình thành một cuộc tử đạo vì tình yêu Chúa. Chẳng hạn: uống thuốc đắng từng giọt để “kéo dài một việc hãm mình nhỏ mọn”; trong công việc chung, chọn những phần khó nhọc hơn, hay khi trời nóng, chọn nơi ngồi bất tiện hơn cho mình để dành chỗ mát mẻ cho chị em; chấp nhận cho kẻ khác đến quấy rầy mình; tránh tìm kiếm tiện nghi, v.v. Có tình yêu thì việc nhỏ sẽ trở thành việc có giá trị lớn. Thánh nữ gọi làm những việc như thế là “tung hoa” cho Chúa: “Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó … Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến… Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa … rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát (làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu…. Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng “hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau’ (Thủ bản Tự Thuật).

Khi Têrêxa chọn một lối sống như thế thì chính tình yêu đã chắp cánh cho Ngài đi khắp nơi và nói chuyện với mọi người. Tình yêu làm nên như thế, không đi bằng bước chân nhưng đi bằng trái tim. Không nói bằng lời nhưng nói bằng cầu nguyện. Thiên Chúa đã ban cho Têrêxa một huyền nhiệm về tình yêu. Têrêxa đã đến với mọi người, đến với mọi trái tim. Têrêxa đã sống nghệ thuật truyền giáo theo nghĩa như thế.

  1. Con đường nhỏ

Chẳng bao lâu, sau khi Têrêxa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo “con đường thơ ấu thiêng liêng” của Ngài. Đó là một trong những “trường tu đức” (linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo thánh nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. “Con đường thơ ấu thiêng liêng” là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ.

Thánh Têrêxa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm, đó là: trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những đứa con thảo đầy tin tưởng và phó thác. Thánh Têrêxa bám chắc vào giáo lý này với tất cả sức lực của Ngài và cố gắng thực hành nó gần như sát mặt chữ. Sống thật sự như trẻ thơ là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ bởi vì Chúa Giêsu đã dạy chỉ các trẻ em và những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời. Đứa bé càng nhỏ, càng yếu đuối thì lại càng phải và có thể cậy dựa vào lòng thương xót, sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của cha mẹ và những người khác chung quanh.

Têrêxa viết trong Thủ Bản gởi Mẹ bề trên Mari Gôngdaga năm 1897: “Thưa Mẹ, như Mẹ biết, con hằng ước ao được nên thánh, nhưng than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các ngài và con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi cao chót vót và một hột cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Nhưng thay vì thối chí, con lại tự nhủ: Chúa không khơi dậy những ước muốn không thể thực hiện được; dù thấp hèn, con cũng vẫn có thể khao khát nên thánh. Tự làm cho mình lớn lên thì không được, nên con có thế nào thì đành phải chịu như vậy với tất cả những khuyết điểm của con. Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu có đã thay những thang cổ điểm bằng thang máy, thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn kiếm một cái thang máy để nâng con lên tới Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ quá, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế rồi con đi tìm trong Sách Thánh … và con đã đọc những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: ‘Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta’ (Cn 9,4)…. Thế rồi con đã đến vì con đoán con đã gặp được điều con đang tìm kiếm … Chiếc thang máy đưa con lên tận trời là chính đôi cánh tay Chúa đấy, Chúa Giêsu ôi! Vì thế mà con chả cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày sẽ càng bé dần đi mãi. Ôi lạy Chúa, Chúa đã ban cho con hơn sự con mong đợi, và con, con muốn ca ngợi lòng thương xót của Chúa…” (Thủ bản Tự Thuật).

Áp dụng “phương pháp lên trời” hay sử dụng “chiếc thang máy” này, thánh Têrêxa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ! Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêxa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

Nghệ thuật truyền giáo của Thánh Têrêxa là tình yêu và con đường nhỏ.Tình yêu là tâm điểm, là nguyên tắc, là tận cùng của con đường thơ ấu thiêng liêng. Sống tâm tình con thảo với tất cả tình yêu, người Kitô hữu thực thi sứ vụ truyền giáo của mình theo Gương Thánh Têrêxa.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho Têrêxa và làm phép đền thờ Lisieur được xây cất kính Thánh nữ, đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người… Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi… Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêxa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất hiện đại.

Con đường nên thánh của Têrêxa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường nhỏ của một vị Thánh lớn. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều người đã sống và trở nên những nhà truyền giáo cho muôn dân.

 

5. Rao giảng Tin Mừng với tình bác ái 

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Tháng 10 còn là tháng truyền giáo

Bước vào tháng 10 tháng Mân Côi, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy khám phá lại nét đẹp của lời Kinh này và siêng năng đọc kinh Mân Côi cầu cho nền hoà bình trong thế giới. Tháng 10 còn là tháng truyền giáo. Giáo hội cũng kêu gọi con cái mình dấn thân cho những công cuộc truyền giáo, bước theo Chúa Giêsu trong cuộc hành trình Đức Tin, và có Mẹ Maria Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi Mân Côi và là Nữ Vương truyền giáo đi đầu dẫn đưa tất cả chúng ta đến với Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế và dạy chúng ta mang Chúa đến cho tha nhân.

Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.

Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa… trong ngày sau hết” (x. Is 1, 1-5). Thánh Phaolô cho người con tình thần của mình biết rằng: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hội, chứng tỏ bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Gn 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Đây là một sứ mạng duy nhất, một sứ điệp duy nhất, phát xuất từ Thiên Chúa và được gởi đến cho mọi người, ngõ hầu họ được cứu chuộc khỏi tội lỗi và trở nên con cái Thiên Chúa.

“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho các con” (Mt 28,19-20).

“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16, 15-16).

“Chúa Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24, 46-48).

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hay nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Rao giảng Tin Mừng là phần cơ bản của các môn đệ Đức Kitô và là một sự dấn thân liên tục giúp sinh động hoá đời sống của Hội Thánh” (Sứ điệp truyền giáo 2013, số 1)

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là bổn phận của “toàn thể Giáo hội”, vốn “bởi bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”

Đức Bác Ái như là linh hồn của sứ mạng truyền giáo.

Thánh Phaolô viết:”Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (x. 2 Co 5, 14). Đức Kitô thúc bách chúng ta những người đã chịu phép Rửa tội nam phục cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu và những người nghèo, khi đã đón nhận Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng Tình yêu ấy và mang đến cho tất cả mọi người Tình yêu ấy, bằng lời nói và bằng chứng tá cụ thể của đức bác ái. Truyền giáo là loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Ngài không những đã hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người Ngài gặp gỡ, mà còn hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu đó. Hơn thế nữa, Ngài mạc khải tình yêu đó, nhập thể tình yêu đó nơi chính bản thân mình. Ngài là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa. Nơi Ngài tình yêu đó đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa trở thành Tin Mừng Phục Sinh, Niềm Hy vọng cho toàn thể nhân loại.

Nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: “Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng rao giảng cho thế giới Tình Phụ Tử của Thiên Chúa, bằng việc rao giảng và bằng chứng tá của những con cái mình…nhờ việc thực hành mệnh lệnh tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em”. Ngài cũng đã khuyến khích mọi thành phần Giáo hội, hãy can đảm khởi hành “mùa truyền giáo mới”, vì “Giáo Hội cần đến với con người, với sự tế nhị và tôn trọng của một người phục vụ. Và Giáo Hội tin tưởng rằng công việc phục vụ trước tiên và cao cả nhất là công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô”, ngài kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ: hãy mở toang mọi cửa để tiếp đón Chúa Kitô”(Huấn Đức ngày 22 tháng 10/2000, tại Roma).

Cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm nay trong khi chuẩn bị bế mạc Năm Đức Tin. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sứ điệp của mình rằng: ” Đức tin là hồng ân của Chúa. Tuy nhiên đức tin cần được đón nhận. Vì Đức tin là một ân huệ mà không ai được giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ” (số 1)…Nếu chúng ta chỉ muốn giữ lấy nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu bị cô lập, khô cằn và ốm yếu.

Kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II, Năm Đức Tin thúc đẩy toàn thể Hội Thánh hướng tới một ý thức mới về sự hiện diện của mình trong thế giới hôm nay và sứ mạng của mình giữa các dân tộc và các quốc gia. Công đồng Vaticanô II đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ truyền giáo là thế nào: mở rộng các ranh giới của đức tin, và là nhiệm vụ của mọi người đã rửa tội và của mọi cộng đoàn Kitô, bởi vì “dân Thiên Chúa sống trong các cộng đoàn, đặc biệt trong các giáo phận và giáo xứ, và một cách nào đó trở nên hữu hình ở đó. Chính các cộng đoàn này có nhiệm vụ làm chứng về Đức Kitô trước các dân tộc” (Ad gentes, 37). Vì vậy mỗi cộng đoàn được chất vấn và được mời gọi lấy làm của mình sứ mạng đã được Chúa Giêsu uỷ thác cho các Tông đồ, là trở thành “những chứng nhân của Người tại Giêrusalem, trên khắp xứ Giuđêa và Samaria và tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đây là khía cạnh cơ bản của đời sống Kitô hữu: tất cả chúng ta được mời gọi cùng với anh chị em mình đi trên các nẻo đường của thế giới để rao giảng và làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Đức Kitô và trở nên những sứ giả Tin Mừng của Người (số 2).

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Xaviê, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là quan thầy các xứ truyền giáo, nhất là của Mẹ Maria Ngôi Sao truyền giáo, cầu thay nguyện giúp chúng ta chu toàn sứ mạng của người kitô hữu. Amen.

6. Anh em là chứng nhân 

(Trích dẫn từ ‘Manna’)

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã làm một điều quan trọng, đó là đào tạo những chứng nhân.

Hội Thánh tương lai phải được xây nền vững chắc trên những con người có kinh nghiệm cá nhân về cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Chính vì thế Ngài đã hiện ra cho Simon, cho hai môn đệ về Emmau, cho các tông đồ. Ngài cho họ xem chân tay và Ngài đã ăn bánh để họ đừng nghi Ngài là ma. Hơn nữa Ngài còn soi sáng cho họ để họ hiểu những lời Kinh Thánh nói về Ngài. Các môn đệ đã là chứng nhân, đã tử đạo để làm chứng cho điều mình xác tín.

Mỗi năm Hội Thánh dành một ngày Chúa Nhật để nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình, bổn phận truyền giáo cho thế giới. “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”

Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các tông đồ, vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân.

Để truyền giáo, chúng ta phải quen thân với Chúa Giêsu, có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài thật sâu lắng, sống cái chết của Ngài mỗi ngày và nếm được niềm vui phục sinh Ngài ban tặng.

Để truyền giáo cần có nhiều tình yêu: tình yêu đối với Chúa Giêsu và đối với con người. Chính vì mến yêu Ngài mà ta muốn Ngài được mọi người nhận biết. Chính vì mến yêu mọi người mà ta muốn chia sẻ hạnh phúc mình đang hưởng.

Thế giới hôm nay đầy lạc thú và hưởng thụ, nhưng vẫn là một thế giới buồn. Buồn vì nạn phá thai, ly dị, tự tử; buồn vì hận thù, thất vọng và lo âu. Nhiều bạn trẻ tìm quên trong vui chơi, nghiện ngập, vì không thấy cuộc sống có ý nghĩa. Như thế truyền giáo là loan báo tin vui cho một thế giới buồn.

Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ giới trẻ: “Hội Thánh ủy thác cho giới trẻ nhiệm vụ hô to lên cho thế giới biết niềm vui vì gặp được Đức Kitô… Hãy đi rao giảng Tin Mừng giải thoát. Hãy là những điều ấy với tâm hồn hân hoan.” Chúng ta không thể là những chứng nhân buồn. Chính cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui, sự lạc quan và sự sống của Chúa Phục Sinh. Chỉ như thế chúng ta mời hy vọng đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của thế giới đang bước vào đệ tam thiên niên kỷ.

Gợi Ý Chia Sẻ

Có khi nào bạn nói về Chúa cho một người bạn không? Bạn có thấy mình cần học giáo lý và cầu nguyện để có thể truyền giáo tốt hơn không?

Hơn 90% người Việt Nam chưa tin Chúa. Theo ý bạn, chúng ta có truyền giáo đủ chưa? Phải sửa đổi gì để việc truyền giáo có hiệu quả hơn?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.

7. Khánh nhật truyền giáo – Lm Trần Ngà

Mến Chúa và yêu người là hai giới răn trọng nhất. Điều đó thì trẻ con cũng thuộc. Nhưng điều quan trọng là làm sao thực thi lòng mến Chúa qua việc yêu thương con người là hiện thân của Thiên Chúa.

Yêu Chúa mà lại ghét người thân cận thì thật là điều trớ trêu như câu chuyện sau đây:

Có một vị hoàng thái tử vào rừng săn bắn gặp một cô gái hái củi trong rừng. Không hiểu Trời xui đất khiến làm sao mà họ yêu nhau tha thiết ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên.

Hoàng tử quay về triều như kẻ mất hồn, ngày đêm tương tư cô gái nghèo mà anh đã đem lòng thương mến và rồi anh khẩn khoản xin vua cha cưới nàng cho bằng được.

Để tìm hiểu xem cô gái có thực sự yêu thương con trai mình bằng tình yêu chân thực hay không, vua cha dạy cho hoàng tử cải trang làm nông dân để thử lòng cô gái…

Thế là hoàng tử hoá thành người nông dân, đến cắm lều gần nhà cô gái, ngày ngày vác cuốc ra đồng làm lụng. Anh lân la đến làm quen với cô gái trong hình hài một nông dân.

Mặc dù cô gái vẫn thầm yêu và mong được kết hôn với hoàng tử, nhưng cô tạ không nhận ra hoàng tử nơi người nông dân nghèo khổ nầy. Cô đã đối xử với anh rất lạnh nhạt và cuối cùng đã xua đuổi anh.

Tiếc thay, cô đã đánh mất cơ hội vô cùng quý báu: mất vinh dự trở thành công nương, thành hoàng hậu tương lai.

Như vị hoàng tử kia hoá thân thành nông dân để thử lòng cô gái, Thiên Chúa cũng hoá thân thành người phàm để thử thách tình yêu của chúng ta. Ngài đã từ trời xuống thế, hoá thân làm người, cắm lều ở giữa loài người, trở nên người thân cận của mỗi người.

Thế nên, khi yêu thương người thân cận là chúng ta yêu thương Chúa, và khi chúng ta từ khước hay bạc đãi người thân cận là bạc đãi Chúa. Tình yêu thương người thân cận là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Mẹ Têrêxa là người giữ điều răn yêu thương nầy cách tuyệt hảo. Mẹ nhìn thấy Chúa trong những người phong cùi, trong những người bần cùng khốn khổ và mẹ tận tình yêu thương săn sóc những người ấy hết sức tận tình.

Mẹ dạy nữ tu của mẹ: “Con thấy linh mục nâng niu trân trọng Mình Thánh Chúa trong thánh lễ ra sao thì con hãy làm như thế đối với người cùng khổ.”

Mẹ là người vừa yêu mến Thiên Chúa trên trời lại vừa yêu mến Chúa hịên diện trong những người khốn khổ. Mẹ không tách rời hai giới răn mến Chúa và yêu người, nhưng mẹ đã yêu Thiên Chúa trong con người.

Khi hỏi tại sao người công giáo chúng ta truyền đạo mà không thu hút được nhiều người về với Hội Thánh?

Chắc chắn là vì chúng ta chưa sống theo đạo yêu thương. Nếu chúng ta theo phương cách sống đạo của mẹ Têrêxa Calcutta, tha thiết yêu mến Thiên Chúa nơi con người, thì đạo chúng ta trở thành hấp dẫn, và bản thân chúng ta cũng có sức thu hút được nhiều người như mẹ Têrêxa đã minh chứng bằng đời sống của mẹ: Mẹ được người đời xem là bà thánh sống, được mọi người yêu mến, cả những người Hồi Giáo, Ấn giáo, Bà La Môn và các đạo khác đều vô cùng quý mến mẹ.

Nhân ngày Truyền Giáo, xin cho chúng ta biết áp dụng phương thế truyền giáo tuyệt hảo của mẹ Têrêxa là yêu mến Thiên Chúa trong con người, hy vọng nhờ đó, đạo Chúa trở thành một tôn giáo rất đẹp, rất hấp dẫn và nhiều người sẽ quay về với đạo yêu thương nầy.

 

8. Đức Maria, mẫu gương truyền giáo

(Suy niệm của Lm. Hoàng kim Toan)

Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Chúa Nhật Truyền Giáo lại được nhắc trong tháng Mân Côi, tháng dâng kính Đức Mẹ, cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa, bằng những tràng chuỗi đơn sơ và thành kính nhất qua lối cầu nguyện theo Tin Mừng. Những dòng suy niệm này trả lời cho tôi câu hỏi đó.

Những trang Tin Mừng về Đức Maria thật là phấn khởi cho trần thế chúng ta. Có một người phụ nữ, mang trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa vào trong lòng nhân thế. Nhân loại vui mừng bởi sự đón nhận này của Mẹ Maria, “để từ nay mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những kỳ công lớn lao nơi Mẹ và còn làm những điều lớn lao ấy cho nhiều tâm hồn nhân thế chúng ta.

Sự chuẩn bị một tâm hồn vô tì tích là sự chuẩn bị của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Đức maria những điều lớn lao, bởi Mẹ là người đã để Chúa Thánh Thần hoạt động và làm phát sinh hoa trái của Người. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1, 35), hoa trái của Chúa Thánh Thần là hoan lạc và bình an. Mẹ đã mang hoan lạc và bình an của Thiên Chúa cắm rễ vào trong trái đất. Maria, công trình tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, nhân thế có một con người được Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho sự toàn vẹn để xứng đáng đón nhận Đức Giêsu, Con thiên Chúa vào trong lòng nhân thế, lịch sử đã đổi hướng đi về nguồn ơn cứu độ, về niềm vui của Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, và trở nên hiện thực trong sự cưu mang này. Đức Maria trở nên người diễm phúc là nhờ sự chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần có thể làm cho con người tội nhân của Eva cũ, xuất hiện một Eva mới vô tì tích, trong trắng đẹp lòng trước mặt Thiên Chúa. Maria, công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện cho nhân loại.

Maria, là người Mẹ truyền giáo đúng nghĩa nhất, bởi sự tinh tuyền của Mẹ, bởi Mẹ là kỳ công của Chúa Thánh Thần hoạt động trên trái đất này. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa cho thế gian và đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian và đó là Tin Mừng đúng nghĩa nhất cho trần thế. Từ nay, nhân loại nhận ra rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Đức Giêsu Con lòng Mẹ, một Người Con của nhân loại, một người Con của Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ, suối trào niềm vui cho nhân thế.

Người loan báo Tin Mừng là người được Chúa Thánh Thần tác động cách đặc biệt trên cuộc đời của họ. “Đức Maria lên đường vội vã” (Lc 1, 39). Sự vội vã của con người mang niềm vui khôn tả, thúc đẩy mau mắn lên đường, nhắc lại hình ảnh xưa Isaia đã tiên báo: “Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị” ”. (Is 52, 7). Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi, không thể không vui và niềm vui chất ngất, thúc đẩy lên đường loan báo tin vui. Nếu trong lòng tôi và trong lòng bạn mang niềm vui ngập tràn như thế tôi và bạn cũng sẽ vội vã lên đường loan báo. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng đúng nghĩa bởi vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo.

Không chỉ là loan báo mà thôi, Đức maria còn là người công bố Tin Mừng. Người công bố là người đã xác tín một cách chắc chắn về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đức Maria đã nghiệm thấy như thế trong cuộc đời của Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình, người loan báo sẽ đi xa hơn nữa để, công bố Tin Mừng Thiên Chúa đã làm cho mình. Sự công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy. Sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay, cần chứng nghiệm nơi người loan báo Tin Mừng như thế, bởi vì người ta đang cần chứng nhân hơn thày dạy. Đức Maria nhận ra bàn tay Toàn Năng của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nên Mẹ là người công bố sứ điệp chắc chắn về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Niềm xác tín của Đức Maria mang một chiều kích rất riêng tư, nhờ Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3, 51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình, là cuộc trao đổi, đối thoại giữa nhưng khó khăn, thử thách. Đức Maria trở thành người công bố Tin Mừng, bởi Mẹ đã chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện cho dân tộc, cho chính Mẹ. Sự chiêm ngắm, đối thoại dẫn đến một xác tín riêng tư chắc chắn để đi đến một công bố cho muôn người. Con đường cầu nguyện của Đức maria đã đi qua là con đường mời gọi những người truyền giáo hôm nay thực hiện.

Truyền giáo không là công cuộc cày xới những mảnh đất hoang, cũng không là công cuộc cải đạo cho những người khác niềm tin. Đối với Đức Maria truyền giáo có nghĩa là đem chính Đức Giêsu cho nhân loại. Đức Giêsu có là niềm vui cho bạn không? trước khi là niềm vui công bố cho người chung quanh bạn, trở lại niềm xác tín này chúng ta trở lại niềm xác tín của Đức Maria, khi Mẹ xác tín: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui của Đức Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria không mang niềm vui nào khác ngoài niềm vui: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Niềm vui của Thiên Chúa trong ngày Thiên Chúa đoái thương, ngày nào không là ngày Thiên Chúa đoái thương, nhưng đôi lúc chúng ta lại quên mất cảm nghiệm thực sự điều này, để rồi sứ vụ truyền giáo của mỗi thành viên chúng ta cứ hoài dang dở. Đức Maria đã mang chính Đức Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.

Dù là người loan báo, dù là người công bố Tin Mừng đi chăng nữa, Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Không thể tách rời Đức Maria khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Dù Đức Maria có được như thế nào chăng nữa, Mẹ cũng luôn đặt mình trong tâm khảm của người: “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48). Người truyền giáo cũng thế, không thể tách rời Chúa Thánh Thần với hoạt động của mình được. Ai có thể chinh phục sự sâu thẳm của lòng người quy hướng về Thiên Chúa, nếu đó không phải là tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mời gọi con người theo nhiều nẻo đường khác nhau, để quy tụ cho Thiên Chúa một Dân được hiến thánh. Chúng ta là những dụng cụ Thiên Chúa dùng, và hãy đặt cuộc đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa.

Không có công trình nào là thua mất cả với ánh mắt nhìn đức tin của Đức Maria, đôi khi gặp những người cứng cỏi quá sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, như người gieo giống chỉ biết chờ đợi cho hạt giống nảy mầm. Đức Maria đã thấy nghiệm điều này trong cuộc đời của Mẹ: “Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51). Chúng ta cần biết chờ đợi điều Thiên Chúa sẽ cho mọc lên, sự chờ đợi là một bài học cuối kết thúc cho sứ vụ truyền giáo chúng ta học nơi Đức Maria.

Kính dâng Mẹ những suy nghĩ này, bởi hơn ai hết Mẹ là vị Thày tốt nhất dạy chúng con sống sứ vụ truyền giáo.