24 Tháng Sáu Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

24 Tháng Sáu
Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Đức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: “Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan…” Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: “Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta” (Luca 7,28).

Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.

Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: “Ngài phải nổi bật lên; tôi phải lu mờ đi” (Gioan 3,30).

Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3,14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, “Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng ấy, quả thực ngài thuộc về Ðấng Cứu Tinh.

Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan – cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.

Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias.

Lời Bàn

Thánh Gioan thách đố mọi Kitô hữu chúng ta hãy có lối sống xứng hợp của những người theo Ðức Kitô – hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha, qua Ðức Kitô. Ngoại trừ Mẹ Thiên Chúa, không ai có chức năng cao cả hơn trong việc khai mở ơn cứu độ. Tuy nhiên, Ðức Giêsu nói, người bé mọn nhất Nước Trời còn cao trọng hơn Thánh Gioan, vì chính ơn sủng tinh tuyền nhất mà Thiên Chúa Cha đã ban cho. Sự khắc khổ cũng như sự nổi tiếng của Thánh Gioan, khi ngài can đảm tố giác những điều xấu xa – tất cả là bởi ngài tận hiến triệt để và hoàn toàn cuộc đời ngài cho thánh ý Thiên Chúa.

Lời Trích

“Và điều này không chỉ đúng có một lần từ lâu trong quá khứ. Nó luôn luôn đúng, vì điều ngài kêu gọi là sự sám hối và đó luôn luôn là con đường dẫn vào Nước Trời. Ngài không phải là một nhân vật mà chúng ta có thể quên đi vì Ðức Giêsu, sự sáng thật, đã xuất hiện. Thánh Gioan luôn luôn xứng hợp vì ngài kêu gọi sự chuẩn bị mà tất cả mọi người cần phải thi hành. Do đó, hàng năm có bốn tuần lễ trong lịch trình Giáo Hội để chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ðó là các tuần Mùa Vọng” (Giáo Lý Công Giáo).

 


http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm