11.03: Thánh linh mục Đaminh Đỗ Đình CẨM, TOP (38 Tử đạo gia đình Đaminh)

THÁNH ĐAMINH ĐỖ ĐÌNH CẨM

Linh mục dòng ba Đaminh – (?-1859)
Kính ngày 11 tháng 03

Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.

Trên đường nhiệm vụ

Đi bất cứ nơi nào khi trách vụ đòi hỏi. Đó phải chăng là kỷ luật một người lính ? Như vậy thì cha Cẩm đích thực là một người lính của Chúa Kitô, chiến đấu cho tình thương.

Đó phải chăng là đức tính của một người tôi trung ?- Cha Đỗ Đình Cẩm cũng đúng thực là một người đầy tớ khôn ngoan và trung thành “đúng giờ phân phối thóc gạo cho gia nhân”, và luôn “cầm đèn sáng chờ đợi chủ về”.

Đi bất cứ nơi nào khi trách vụ đòi hỏi. Điều đó có vẻ đơn giản quá, bình thường quá, chưa có nét gì là một cuộc ra đi “vĩ đại”, một cuộc lên đường đảo lộn cuộc đời. Thế nhưng nó vẫn là một cuộc lên đường thực sự trong từng công việc bình thường, và nếu như cái vẻ bề ngoài của một cuộc lên đường còn chưa bộc lộ hết tấm lòng cương quyết, trung kiên của một người lính, một người tôi trung, thì trong cuộc đời cha Cẩm, chính cái chết, phải, chính cái chết đã làm trọn tất cả, bộc lộ được những gì cao đẹp nhất của những lần lên đường. Vì thật ra nó chỉ là một cuộc lên đường duy nhất về Nhà Cha.

lmtop_cam.jpg

Linh mục nhiệt thành

Đaminh Đỗ Đình Cẩm sinh tại làng Cẩm Giàng (hay Cẩm Chương), xứ Kẻ Roi, tỉnh Bắc Ninh. Vì thông minh sắc xảo ngay từ nhỏ, nên cậu Đaminh Cẩm được thu nhận vào nhà Chúa. Sau khi mãn khóa thần học, thầy Cẩm được lãnh chức linh mục. Vị linh mục trẻ trung này chẳng bao lâu đã xin gia nhập dòng ba Đaminh. Cha rất nhiệt thành với việc tông đồ, và được bề trên cũng như mọi người quý mến.

Năm 1848, khi tòa thánh chia giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai giáo phận Đông (Hải Phòng) và Trung (Bùi Chu) thì cha Đaminh Cẩm tuy sinh quán Bắc Ninh (thuộc giáo phận Đông), lại được cử phục vụ ở giáo phận Trung có số tín hữu đông gấp ba lần. Tại đây khi cuộc bách hại trở nên gay gắt, vì lợi ích của giáo dân cha phải lẩn trốn hết nơi này đến nơi khác. Nhưng mỗi khi trách nhiệm mục vụ đòi hỏi cha Cẩm luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, dù có nguy cơ bị bắt bớ.

Đầu năm 1859, khi cha về Hà Lan ẩn náu, một người phát hiện ra cha và tố cáo với quan (lúc này người nào khai báo các thừa sai hay linh mục, đều được thưởng tiền bạc chức tước). Do đó quan quân đến vây bắt cha tại Hà Lan ngày 21-1-1859 và giải cha về Hưng Yên.

Trước mặt quan tổng đốc, cha Đaminh Đỗ Đình Cẩm khẳng khái nhận mình là linh mục công giáo và sẵn sàng chấp nhận mọi hình khổ, chư không bao giờ chà đạp Thánh Giá. Sau nhiều lần khuyến dụ và đe dọa nhưng không kết quả, quan Tổng Đốc ra lệnh nhốt cha vào cũi chật hẹp ròng rã mấy tháng trời.

Hào quang thiên quốc

Trong thời gian bị giam, tư cách và đức độ của cha Cẩm đã khiến quân lính cảm kích, nên họ dễ dãi cho phép nhiều giáo hữu lui tới thăm viếng cha. Noi gương thánh Phaolô tông đồ, cha nhân cơ hội này tiếp tục giảng tin mừng và khuyên nhủ mọi người trung thành giữ vững đức tin, hết lòng đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa. Nhờ các giáo hữu liên lạc, nhiều lần cha đã viết thư cho đức cha Valentinô Vinh, bày tỏ lòng trung kiên với Đức Kitô và mong mỏi khao khát được phúc tử đạo. Đức cha cho linh mục Hương vào thăm và giải tội cho cha Cẩm ngày 30-01.

Khi nhận được tin bị kết án trảm quyết, cha Đaminh Đỗ Đình Cẩm biểu lộ niềm hân hoan vui mừng. Trên đường đến pháp trường cha hiên ngang như một chiến sĩ khải hoàn. Bà Maria Huệ, một giáo dân hiện diện trong giờ hành quyết đã làm chứng : “Khi tới nơi xử cha cầu nguyện một lát, rối vui vẻ làm hiệu cho lý hình thi hành phận sự”.

Quân lính vung gươm chém cha ba nhát mà đầu vẫn chưa đứt. Họ phải cứa đi cứa lại nhiều lần, đầu cha mới lìa khỏi thân. Hôm đó là ngày 11-3-1859. Thi thể sau được rước về an táng ở Cẩm Chương là nguyên quán của vị tử đạo.

Ngày 29-4-1951, đức Piô XII suy tôn cha Đaminh Đỗ Đình Cẩm cùng với 24 vị tử đạo khác lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.