Ráng chiều…!!

Ngót hai mươi năm, tôi chưa có dịp quay về nơi ấy, nơi mà Ông tôi thường nói nó là nơi “ chôn nhau cắt rốn”. Những ngày xưa xa còn in đậm nét trong lòng tôi, năm dài, tháng rộng, đất trời xoay bao nhiêu vòng tuần hoàn, ấy thế mà trang quá khứ tuổi thơ tôi vẫn mỏng mảnh ghi đầy “ Một thời thơ ấu” không phai nhòa.
Ráng chiều lên đẹp lắm!
Ông tôi ngồi bên hiên cửa, miệng mấp máy điếu thuốc quấn bằng loại giấy quyến mỏng tanh, mắt nhìn xa xôi, thăm thẳm theo ráng chiều. Bà tôi lụi hụi dưới bếp, gom gom chút than tàn, nhóm lại, bắt thêm ấm nước sôi, để pha bình trà, đêm đến để Ông và Ông Tám xóm trên có chút nhâm nhi mà nói chuyện đồng, chuyện áng, chuyện làng trên, xóm dưới, rồi lẩn quẩn, lấn cấn sang chuyện con Ông Tám lấy chồng Đài Loan: – Con nhỏ thiệt là may mắn. Ta nói, con người ta có số. Đâu phải ai cũng được như nó đâu!?
Những lúc Ông Tám nhắc đến đứa con gái. Tôi thấy ánh mắt ông là lạ, tay bưng lẹ tách trà nốc ừng ực, như muốn nuốt cạn cơn nghèn nghẹn, rồi đưa ánh nhìn vào bóng đêm thăm thẳm. Tiếng côn trùng đêm cứ râm ran bản tình ca muôn thuở, lắm khi rả rích, não nùng.
 Tối nào cũng như tối nào, mấy câu chuyện cũ xì cứ nhai đi nhai lại, nhưng mỗi lần kể là mỗi lần ánh mắt Ông Tám mang “tầm cỡ” biểu cảm khác nhau, trông như mới toanh còn thơm mùi sơn mới, mùi cỏ dại, mùi ngai ngái của rơm rạ đồng áng, hoặc mùi hương lúa đòng đòng.
Chuyện làng, chuyện xóm, mỗi câu chuyện, mỗi đêm, cứ như kéo dài thêm hơi thở, sức sống, cho những mộng mị, hoài bảo, của các cụ già, ông bố, bà mẹ, các thanh thiếu niên, trẻ em của cái làng vốn dĩ quanh năm quần quật với đồng áng, nắng sớm mưa chiều…
Mỗi cuộc đời như chiếc bóng khắc đậm trên vách nhà trong đêm leo lét ánh đèn, rồi tan mau khi sớm mai.  Đậm đặc như những vết hằn, hình hài, đường nét của ngôi làng trên nếp nhăn quá khứ của bao người từng sống nơi đây hoặc trôi dạt nơi đâu…
Một bức tranh đẹp cứ lung linh mờ ảo trong tôi, không gì có thể xóa nhòa, không gì có thể tẩy sạch, nó dính chặt như máu thịt, như ruột liền da. Cái hình ảnh Bà tôi, ông tôi ngập ngụa trong tôi khi nghĩ về…
Chiều nào cũng thế, Bà tất tả trở về sau rặng cây. Bóng bà đổ nghiêng nghiêng theo vạc nắng héo hắt rải đều trên bản làng. Trên tay Bà lúc nào cũng có ôm củi khô, nắm rau dại, có hôm nách còn kẹp thêm tàu lá dừa khô kéo lê lếch phía sau. Vừa về đến căn chòi nhỏ là Bà cặm cụi nhóm bếp, vo gạo, bắt cơm, khi nồi cơm sôi sùng sục, gạt bớt tàn lửa, mấy nhánh củi còn đang cháy mạnh được chuyển sang cái cà ràng kế bên có sẵn nồi nước luộc rau.
Tôi lẩn quẩn bên chân Bà, bàn tay xíu xiu nhặt nhạnh cọng rau, miệng đon đả chữ tròn chữ méo, lắm khi ngã quẹo trên cái chõng tre khò khò lúc nào chẳng hay biết. Lắm lúc Bà phải giật dậy: – Dậy, dậy, dậy kẻo mặt trời đè con ạ! Dậy phụ bà dọn chén, cơm nước xong, tối hẳn ngủ tiếp. Lắm khi mắt nhắm mắt mở, tôi lững thững bước đi theo tiếng gọi của bà, rồi chới với xém ngã khi vấp vướng mấy cái rỗ rá loạng choạng.
Hú hồn!
Những lúc như thế mắt tôi tỉnh ngủ hẳn, còn linh hồn bà muốn rớt ra vì sợ nhỡ tôi có chuyện gì. Bà hay ôm gọn tôi vào lòng rồi xoa xoa lên đầu: _Cháu Bà không sao chứ? Những lúc như thế tôi thấy lòng mình râm ran niềm hạnh phúc, giống như làn sóng nhỏ gợn lăn tăn trong tim, cơn gió nhè nhẹ thổi mát trong hồn. Tôi muốn nằm im, muốn níu giữ mãi cảm giác ấy, giữ mãi, giữ mãi…
… Nhớ ngày Ông mới dựng căn chòi nhỏ xinh xinh. Ai ngang qua cũng trầm trồ, khen ngợi ông thợ khéo tay, căn chòi tuy nhỏ nhưng phơi mái, gọn gàng, khoe mình khỏe khoắn, giữa nắng sớm. Căn chòi nơi cất giữ bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của tôi, bao nhiêu ước vọng, mong mỏi của Ông Bà. Nó che chắn ba mảnh đời chấp vá dính víu vào nhau.
– Thiệt là tình!
Đôi mắt thăm thẳm nhìn ráng chiều lên cao, miệng thốt ra một câu dường như không dính líu ăn nhập vào đâu so với cái khoảng không gian và thời gian. Nhưng thực ra trong sâu thẳm con tim ông đang dập nát. Ông đang cau mày, nghĩ ngợi, hối hận, nuối tiếc, thậm chí đang dò dẫm tìm về cái ngày xa xưa cũ kỹ ấy…
Ông kể chuyện:
-Giá như cái làng này đừng mọc lên cái quán nước đầu ngõ hẻm …
Ông buông lửng câu nói rồi nhìn tôi lắc đầu. Ánh mắt ông đượm buồn, nó xoáy vào tận tâm can tôi, nó rờn rợn da thịt tôi. Những lúc như thế tôi không muốn nghe câu chuyện của Ông.
Con gái người ta may thời phước chủ, lấy chồng Đài Loan, vài ba năm xây nhà cao cửa rộng. Đổi đời, áo quần bảnh bao, đôi chân chưa rủ hết bùn, một bước lên mây, nở mặt nở mài với làng trên xóm dưới. Còn ông, phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, có được mụn con gái thì chửa hoang. Cũng tại cái quán nước đầu làng, nơi tập tụ đình đám, nơi hãm hại đám trai gái trong làng. Thực ra con ông đâu đến nỗi, nó cũng ngoan ngoãn, mà tại ông kém phần, kém phước. Cứ nghĩ đến chuyện đó là máu ông sôi sùng sục.
Rồi không kiềm chế được mình, ông đã cầm chổi đánh đuổi con gái mình giống y như đuổi đứa cùi hủi. Nó quỳ xuống van xin, ánh mắt sợ hãi của nó, nước mắt đầm đìa trên mặt nó không làm nguôi cơn giận dữ đang trào ngược từ chân lên đầu ông. Bà có van xin thế nào, ông cũng một mực không tha, quyết không tha “cái của” bôi tro trét trấu lên mặt ông, làm hoen ố gia tộc.
Bà khóc nhiều, khóc đến sưng húp mắt.
Nó bỏ đi!
Lòng ông đau lắm. Mỗi chiều, ông ra cửa ngóng, nhìn theo ráng chiều lên, tâm can ông như ai vò xé, trái tim ông, từng cơn, từng cơn, nhức buốt. Ông không thể làm khác được. Tổ tiên đang trừng mắt nhìn ông. Đòn roi gia tộc đang sẵn sàng quất xéo ngang dọc khắp người ông. Gia giáo bao đời truyền lại, dù nghèo khổ khốn khó, ông chưa hề làm gì sai trái.
Rồi một chiều, bà nói nhặt được đứa bé ở đầu làng. Người ta bỏ. Nó khát sữa khóc. Bà nâng niu nó. Mặt Bà ngời ngời hạnh phúc.
Ông lặng người. Ông biết!
Đứa bé cứ lững thững lớn lên bên ông bà. Nó là niềm vui, là nỗ lực sống của bà, nó như xoa dịu cảm giác mất mát trong ông, gỡ nhẹ, vá lại vết trầy truạ trong tận cõi lòng ông. Ông biết, chính nó, chính nó…
Rồi một hôm, ráng chiều lên cao đẹp lắm!
Ông dõi mắt nhìn theo cái ráng chiều và lịm đi.
Ông đi rồi, tôi và bà cũng không nuối tiếc chốn này. Mẹ tôi về, khóc ông. Dòng nước mắt nhạt nhòa tuôn y như bức tranh ông hay vẽ trên trang trí nhớ trắng toanh của tôi khi kể chuyện với ông Tám. Ông nằm lại đó nơi chôn nhau cắt rốn. Ông nằm đó với nỗi khắc khoải ánh mắt chờ mong. Nằm giữa căn chòi khỏe khoắn lộng gió.
Mẹ về đón bà và tôi lên ở cùng. Căn nhà mặt dóc ngược ra phố, không lớn lắm, chỉ đủ cho ba người. Nhưng đó là nỗ lực gần cả đời mẹ, nỗ lực để sửa chữa sai lầm, nỗ lực vì lẽ gì?
Tôi và bà bước đi mặt ngoảnh nhìn lại ráng chiều đang lên!
 
Tiểu Hổ.