Theo Kasper, cao điểm của mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa được tiên tri Hô-sê diễn tả. Tiên tri Hô-sê sống trong bối cảnh bi thảm suy sụp của dân tộc Ít-ra-en trong vòng 20 năm, khiến vùng Sa-ma-ri bị xâm chiếm và dân chúng phải lưu đày. Bối cảnh bi thảm này tương hợp với sứ điệp mạnh mẽ được viết trong sách của tiên tri Hô-sê. Hô-sê đi vào lịch sử như vị ngôn sứ bị vợ lừa dối, nhưng vẫn hằng yêu mến nàng. Đó cũng là hình ảnh của dân Ít-ra-en bất trung và bội tín với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn thương xót dân của Ngài. Tiên tri Hô-sê đã tố cáo một dân sống dửng dưng, và ông tiếp tục rao giảng trong lúc vương quốc sắp sụp đổ, ông báo trước hình phạt dành cho dân vô trách nhiệm và bất trung với Giao Ước. Bên cạnh đó, Hô-sê hiểu Thiên Chúa là nhà giáo dục và Người có lý do để răn đe và cho phép những tai hoạ xảy ra. Chính nhờ phương thế này, mà Ít-ra-en quay trở về. Thiên Chúa, Đấng trung tín và đầy lòng thương xót, lại cầm tay của dân Người và cứu độ họ. Tuy nhiên, lúc đầu Thiên Chúa đã quyết định không còn tỏ lòng thương xót với dân bất trung nữa (Hs 1,6), và dân của Ngài không còn là dân của Ngài nữa (Hs 1,9). Với quyết định đó, tưởng chừng tất cả mọi viễn tượng tương lai của dân Ít-ra-en tan thành mây khói, nhưng có một khúc quanh quyết định:
“Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi!
Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!
Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,
để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được?
Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8).
Thiên Chúa biểu lộ sự cảm thông với dân Ngài, và Ngài không muốn hoàn toàn trừng phạt dân Ngài. Lòng thương xót này tương hợp với chính Thiên Chúa, Đấng hiện hữu cho và với con người, đặc biệt khi con người rơi vào hố sâu tối tăm. Đó là cách hành xử của Thiên Chúa, của Đấng Thánh, chứ không phải của người phàm:
“Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh,
và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,9).
Như thế, Thiên Chúa thánh thiện không tỏ mình ra trong phẫn nộ và giận dữ, mà Ngài tỏ mình ra trong lòng thương xót và nhân hậu. Thật vậy, lòng thương xót chính là cách diễn đạt sống động về bản chất của Thiên Chúa. Với những tâm tình của tiên tri Hô-sê, chúng ta nhận ra ở trong chiều sâu, Thiên Chúa trong Cựu Ước không phải là Thiên Chúa của giận dữ mà là Thiên Chúa của lòng thương xót. Ngài cũng không phải là Thiên Chúa dửng dưng với các đau khổ của con người. Ngài là Thiên Chúa có một trái tim hoá giải mọi sự giận dữ, và biến đổi mọi sự trong lăng kính của lòng thương xót. Qua đó, một đàng Thiên Chúa tự tỏ ra rất gần gũi với con người, đàng khác Ngài lại mạc khải chính mình hoàn toàn khác với tất cả mọi sự thuộc về con người. Ngài mạc khải chính Ngài là Đấng Thánh, là Đấng hoàn toàn khác với con người. Bản chất phân biệt Ngài với con người chính là lòng thương xót vô bờ bến của Ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa chính là sự cao cả đầy quyền năng của Ngài, một bản chất thánh thiện. Quyền năng của Thiên Chúa ở đây được diễn tả mạnh mẽ qua sự tha thứ của Thiên Chúa đối với dân bất trung của Ngài. Tha thứ gắn chặt với lòng thương xót thuộc về bản chất thánh thiện của Thiên Chúa.
“Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,
giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin” (Tv 86,5).
Thiên Chúa nhân hậu đầy lòng thương xót vượt trên mọi thước đo và chuẩn mực của con người. Các tư tưởng thần học dù có hay đến mấy cũng không thể nhốt Thiên Chúa vào trong những khuôn chữ thông minh mang tính cách con người. Khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, con người không thể dùng ngôn ngữ của con người để diễn tả cho hết được. Chúng ta chỉ có thể chân nhận rằng: Lòng thương xót của Thiên Chúa là một sự mạc khải về sự siêu việt của Ngài vượt trên mọi điều và mọi sự mang tính cách con người, và vượt trên cả mọi sự tính toán của con người. Thật vậy, đừng có giỡn chơi với Chúa, đừng có giam giữ Thiên Chúa vào tư tưởng của con người. Vì thế, Thiên Chúa giàu lòng xót thương không đơn giản là một Thiên Chúa tốt bụng không màng tới những điều xấu xa và tội lỗi của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa hướng chúng ta về với sự khác biệt trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng như hướng chúng ta về sự thánh thiện hoàn hảo không thể hiểu thấu của Ngài, và đó cũng là cách diễn đạt của tình yêu Thiên Chúa luôn tuôn tràn đầy ân sủng.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ