1. Ghi nhớ:
“Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ nữa, còn phải chịu đựng các ngươi cho đến bao giờ nữa” (Mc 9, 19).
2. Suy niệm:
Thánh Mác-cô viết: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin”. Chúa Giêsu đang nói về ai? Ngài nói về các tông đồ, nhưng nói chung cho tất cả mọi người, mọi thời trong chúng ta. Cụm từ thế hệ qua các thế hệ để lý giải sự mâu thuẫn, chuẩn mực, tư tưởng, suy nghĩ từ các thế hệ Ông Bà, Cha Mẹ, con cái và nhiều ngành v.v… Qua bài Tin Mừng hôm nay, phản ứng đầu tiên Chúa Giêsu rất khó chịu, Ngài đáp: “Tôi phải ở cùng các ngươi cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các ngươi cho đến bao giờ nữa” (Mc 9, 19). Lời quở trách của Người bao hàm mọi ý nghĩa, bởi chưa đủ lòng tin nên mới thất bại. Phản ứng của Chúa cho ta thấy: “giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện thôi” (Mc 9, 29)
Khi khoa học công nghệ ngày càng tiên tiến và hiện đại, con người ngày càng tự tin vào năng lực bản thân để thấu hiểu hết tự nhiên và thay đổi thế giới. Tuy nhiên, kinh nghiệm ngàn đời ông Cha đã đúc kết lại rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Đối với niềm tin Kitô hữu, niềm tin ấy càng được xác tín qua lời Chúa nhắc nhở ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7). Vậy nên, chỉ có lời cầu nguyện, ơn trông cậy và lòng tin và Thiên Chúa mới có thể giúp ta bình an và sống hy vọng trong cuộc sống.
Khi còn bé, tôi được Ba mẹ dạy cách cầu nguyện bằng kinh Mân Côi sáng tối, liên lỷ mỗi ngày, đến khi cắp sách đến trường cũng vậy khi qua Thánh Đường cũng được Mẹ dắt vào viếng Mình Thánh Chúa. Rồi tôi lớn lên, phải đối diện với bao thử thách của cuộc sống, dòng đời có lúc xô đẩy nghiệt ngã, nhưng chưa lúc nào tôi quên cầu nguyện, vì đó như là một phần gắn liền trong cuộc đời tôi. Có những lúc nguy kịch tưởng chừng đã ngã quỵ, nhưng có bàn tay Chúa quan phòng dẫn đưa đã mở lối cho cuộc đời tôi rất nhiều. Một trong những kỷ niệm không thể quên là sau giải phóng, gia đình tôi bồng bế nhau đi lên vùng kinh tế mới để mưu sinh.
Vì chồng tôi làm y tá nên về quê kiếm sống với nghề ông ký còm. Một hôm, sau khi chích cho một em bé khoảng ba tuổi bị ho, không may em đó bị phản ứng thuốc, lúc bấy giờ cứng đơ người cứ ngỡ là đã chết. Nhiều người còn la lên “đem khăn trắng trải ra, cháu nó chết rồi”. Tôi tím tái mặt mày, bên ngoài chồng lo cứu em bé, còn nước còn tát, còn tôi chạy vào phòng quỳ xuống bàn thờ cầu nguyện van xin thống thiết cùng Thiên Chúa cùng lời cầu bầu Mẹ Maria xin cứu sống em bé, cho gia đình con vượt qua cơn nguy khốn này và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện, em bé đã sống lại như một phép lạ huyền nhiệm. Đây là một dấu ấn mà tôi cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện là tìm được sự bình an trong Chúa, “lòng tin qua sức mạnh của sự cầu nguyện” để tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, và Ngài luôn hiện diện trong cuộc đời ta, chờ đợi ta, ngay cả khi ta yếu lòng tin hay chảnh mảng trong lời cầu nguyện. Hoặc ngay cả những lúc ma quỷ cám dỗ, làm tôi bất an, để trừ được chúng, tôi phải cầu nguyện, có Chúa đồng hành cứu cánh cho tôi, dắt dìu tôi đi trong Chúa, thoát cảnh ba đào.
Cũng vậy, là người đoàn viên Đa Minh, mỗi người theo gương Thánh Tổ Phụ luôn “nói với Chúa và nói về Chúa”. Thánh nhân luôn cầu nguyện khóc lóc, van nài xin Chúa ban ơn cứu độ cho con người; đặc biệt ơn hoán cải và tha thứ cho tội nhân.
3. Gợi ý và chia sẻ:
Chúng ta tự hỏi:
– Tôi có phải là người kém lòng tin không?
– Đối với tôi cầu nguyện có khó không?
4. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin ban lòng tin qua sức mạnh của lời cầu nguyện, để chúng con tin rằng Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con trên cuộc đời lữ thứ trần gian này. Amen.
M.Liên