3 Tháng Bảy Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853)

3 Tháng Bảy
Thánh Philipphê Phan Văn Minh
(1815-1853)

Philipphê Phan Văn Minh, Sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, Linh mục, bị xử trảm ngày 3/07/1853 tại Ðình Khao dưới đời vua Tự Ðức.Đức Cha Lêo XIII suy tôn cha Philiphê Phan Văn Minh lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 3/07.

Bên kia bờ sông Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long trước khi đến Cái Sơn Bè, theo thói quen người ta dọn một bữa ăn ngon cho tử tội trước khi xử trảm. Nhưng tử tội linh mục Philphê Minh đã từ chối, chẳng phải lo sợ hãi nuốt không nổi, vì trên đường ra pháp trường cha đã chẳng luôn hiên ngang tươi cười đó sao ?

Thế nhưng chỉ còn ít phút nữa để hoàn thành sứ mạng nơi trần thế, ít phút nhưng không phải thời gian tầm thường, ít phút là cao điểm của một kiếp nhân sinh. Để sống trọn vẹn vài phút đó, cha Minh đã chọn một thức ăn khác, như một thứ lương thực cần thiết cao quý hơn: cha quỳ xuống ngửa mặt lên trời âm thầm cầu nguyện. Và sau bữa ăn tâm linh cuối cùng, cha nói ngắn gọn với lý hình: “Đã xong rồi.”

Một hồi chiêng trống vang lên, thời gian như chùng lại trang trọng và linh thiêng trong giờ phút cuối cùng của đời cha. Những giây phút thật ý nghĩa, thật trọn vẹn thật tràn trề trôi qua, cha được bước vào cõi hạnh phúc vĩnh cửu sau khi lý hình vung nhát gươm kết liễu cuộc hành trình làm chứng cho Đức Kitô.

Sinh trưởng trong một gia đình đạo đức và lễ nghĩa thuộc làng Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Vĩnh Long, năm At Hợi (1815). Philiphê Phan Văn Minh con ông Đaminh Phan Văn Đức và bà Anna Tiếu, là người con út trong gia đình có 14 anh chị em. Cha mẹ cậu mất sớm mọi việc trong nhà đều do một mình người chị đảm đang “người chị thư’ hai” này đã lo cho các em cả về vật chất lẫn tinh thần. Cậu Minh được học hỏi giáo lý chu đáo để rước lễ lần đầu, rồi lãnh nhận bí tích thêm sức năm 13 tuổi. Sau đó cậu được Đức Cha Tabert Từ nhận cho đi học chủng viện Lái Thiêu. Nhưng chỉ ít lâu, do sắc lệnh cấm đạo 1833 của vua Minh Mạng chủng viện phải giải tán.

Thời gian này thầy Minh được theo Đức cha Từ qua Thái Lan, rồi đến trọ tại chủng viện Pénang, Mã Lai. Thày có vinh dự được Đức Cha gọi qua Calcutta (Ấn Độ) để hợp tác với ngài soạn bộ từ điển La Tinh – Việt Nam năm 1838. khi Đức Cha qua đời thầy lại trở về Pénang tiếp tục học thần học, các giáo sư và bạn đọc đều quý mến thầy, một sinh viên xuất sắc, học giỏi và có tinh thần đạo đức.

Hết thời gian học tại Pénang, thầy Minh trở về nước và được Đức Cha Cuênot Thể truyền chức linh mục năm 1940 tại Gia Hữu. Sau khi vua Minh Mạng băng hà, Giáo hội được hưởng một thời kỳ an bình dễ chịu hơn. Vua Thiệu Trị lên ngôi tuy không huỷ bỏ những sắc lệnh cấm đạo, nhưng không gắt gao thi hành như trước nữa. Nhờ đó cha Minh có thể đi thăm viếng, dạy kinh cho các tín hữu ở vùng Tiền Giang, Hậu Giang. Những làng như Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Búng, Ba Dòng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi San… đều còn ghi dấu chân truyền giáo của cha. Khi vua Tự Đức lên ngôi năm 1847, việc cấm đạo vẫn lắng dịu ít lâu. Nhưng sau đó lại trở nên dữ dội hơn bao giờ hết.

Sau chiếu chỉ tháng 08.1848, và nhất là chiếu chỉ tháng 03.1851 truyền phải chém đầu thả trôi sông Tây dương đạo trưởng, tra tấn và xử tử các các giáo sĩ bản quốc cố chấp, phát lưu những người theo Gia tô tử đạo. Vua còn ghi rõ các quan phải triệt để thi hành mệnh lệnh này.

Trong tình hình hết sức khó khăn đó, cha Minh vẫn bình tĩnh chu toàn bổn phận của một mục tử : cha vẫn đi lại khuyến khích các tín hữu, mở các lớp giáo lý và trao ban các bí tích.

Khi đó ở làng Mặc Bắc, có một người tên Nhẫn, vì có lần xin tiền cha Lựu không được, nên để tâm thù oán và đi tố giác với quan. Ngày 26.02.1853, quan sai lính đến vây nhà ông trùm Lựu nhưng cha Lựu đã đi nơi khác, còn cha Minh và vài chủng sinh đang ở trọ đó. Để cứu cha Minh ông trùm Lựu đứng ra nói: “Thưa quan không có đạo trưởng Lựu ở đây. Lựu chính là tên tôi.” Họ thấy dáng dấp cụ chỉ là nông dân lam lũ, nên tiếp tục đi lục soát khắp nhà. Khi đó cha Minh sợ quan quân, vì mình mà hại gia đình ông Trùm, nên ra mặt nhận mình là linh mục. Thế là cùng với bảy vị chức dịch trong vùng, cha bị bắt trói và đeo gông và đẩy đưa xuống thuyền đưa về giam tại Vĩnh Long.

Tại đây quan tổng đốc hạch hỏi cha về các linh mục khác, những nơi đã trú ẩn, nhưng không khai thác được gì cả. Những ngày sau quan dùng mọi cách, khi thì dụ dỗ khi thì dọa nạt, khi quân lính kéo cha qua khỏi Thập Giá để bắt cha chối đạo. Nhưng cha Minh vẫn giữ lập trường của mình, trung thành với Đức Kitô và gíao hội. Thấy cha còn trẻ mới 38 tuổi, lại hiền lành học thức, các quan muốn tìm cách cứu cha, họ không bắt cha bước qua Thập Giá nữa chỉ cần cha nói miệng là “đã bỏ đạo” cũng được tha. Nhưng cha Minh một mực từ chối đề nghị này.

Không thể làm gì hơn được, các quan cho lính đưa cha về giam tại Tuyên Phong chờ ngày lãnh án. Nghe án xử từ kinh đô đã gửi về cha Minh quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi an ủi các anh em bạn tù nên vui lòng tuân theo ý Chúa, hẹn tái ngộ trên nước trời. Cha nói : “Xin anh em vững dạ cậy trông Chúa, ngài chẳng từ bỏ ai và ngài sẽ thưởng công bội hậu cho những ai tận tâm tôn thờ ngài”. Cha cũng căn dặn một tín hữu ở ngoài : tiền bạc của cha nếu còn lại, đừng phí tổn ma chay lớn làm chi, cứ đem phân phát hết cho người nghèo.

Cuối cùng ngày mong đợi của cha đã đến. Cha vui vẻ lần chuỗi tiến ra pháp trừơng, qua bờ Sông Long Hồ đến Cái Sơn Bé, quân lính dọn bữa ăn sau cùng, nhưng cha Minh không thiết gì nữa. Cha chăm chú cầu nguyện, sau hồi chiêng trống rền vang. Lưỡi gươm lý hình đã đưa linh hồn vị anh hùng tiến thẳng về thiên Quốc. Lời nguyện cầu thánh thiện sau hết của cha Minh còn âm vang trong lòng những người hiện diện.

“Lạy Chúa xin thương xót con, lạy Đức Giêsu, xin cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ để vinh danh ngài. Lạy Mẹ Maria xin nâng đỡ con “.

Hôm đó là ngày 03.07.1853. thi thể vị tử đạo được an táng dưới nền một nhà lớn vừa được đốt phá ở Cái Mơn. Năm 1960, di cốt ngài được đưa về Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn trong dịp lễ cung hiến.

Đức Cha Lêo XIII suy tôn cha Philiphê Phan Văn Minh lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Chủng viện giáo phận Vĩnh Long đã nhận thánh Philiphê Minh làm bổn mạng.

Nguồn từ thư viện Đa Minh

Ngày 25/12/1842 Thầy Philipphê viết lời phi lộ
cho việc xướng họa chủ đề Giatô Cơ Ðốc

Giatô Cơ Ðốc đấng con Trời
Ðặc cách lâm phàm cứu khắp nơi
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp
Không dùng vương bá để xây đời
Vâng lời Thiên mệnh đành thân diệt
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ
Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời

——————-

Phan Văn Minh còn khai hội thơ cho một đợt khác,
50 bài với chủ đề Vịnh Ê-Van

Gia cang đất nước với thân danh
Tô điểm Ê-Van tận gốc nhành
Cơ cấu nhân sinh theo Ðạo Thánh
Ðốc hành thế sự với tâm thành
Con đường bác ái khi chung sống
Ðức độ công bằng lúc đấu tranh
Chúa đã hoằng khai nguồn cứu độ
Trời cao không bỏ kẻ ngay lành

——————–

Sài Gòn 25/12/1842 Tác giả Thánh Philipphê Phan Văn Minh Linh mục Tử đạo
Dưới chủ đề Nước Trời Ca, Nhà thơ Họ Phan đã sáng tác 29 bài ca

Nước Trời giống một vật chi
Ví như hột cải tí ti đen tròn
Gieo vào đất một thời gian
Mọc lên đâm tược nẩy nhành xum xuê
Chim trời bốn hướng bay về
Nắng thì núp bóng, mưa thì an thân

——————–

Sài Gòn 25/12/1842 Tác giả Thánh Philipphê
Phan Văn Minh Linh mục Tử đạo

Nước Trời rộng mở gian trần
Hễ ai trung tín hiến thân vì Người
Máu đào tử đạo sáng tươi
Thấm sâu đất Việt rạng ngời chiếu soi
Cháu con các Thánh giống nòi
Anh hùng nhân chứng học đòi noi gương
Cha Ông Tiên Tổ dẫn đường
Ngày sau hội ngộ, hành hương nước Trời

——————–

Trường thi tử Đạo.

Phan Văn Minh sinh năm Ất Hợi (1815)
Tại Cái Mơn quê nội Vĩnh Long
Cha mẹ mất sớm long đong
Người chị lo liệu từ trong chí ngoài

Thật khôn khéo thật tài lo liệu
Như Mẹ hiền túng thiếu đông em
Tinh thần vật chất nghèo hèn
Chị tôi thật khéo đáng khen kiên trì

Tinh thần vật chất thì chu đáo
Cho học hành cơm cháo đói no
Lần đầu rước lễ mừng lo
Chu toàn thêm sức cũng do Ðức Thầy (Ðức Cha)

Lái Thiêu học, nơi đây chủng viện
Ðược ít lâu tai biến can qua
Nhà tràng giải tán cho ra
Thầy đi lánh nạn Ðức Cha Berd Từ

Cùng Giám mục định cư xứ Thái (Thái Lan)
Thầy vô chủng viện tại Pénang
Sau rồi Ấn Ðộ gọi sang
Tự điển La Việt giỏi giang tuyệt vời

Và ngược lại Việt La tự điển
Thầy thông minh đặc biệt gắn liền
Với Ðức Cha Berd soạn biên
Ấn in hai cuốn đầu tiên phát hành

Thầy Minh đã nổi danh từ đấy
Về thần học hồi ấy Pénang
Giáo sư bạn học lân bang
Rất là quý mến tôn hàng thông minh

Rồi sau đó hồi kinh về nước
Chúa quan phòng đạo được tự do
Thầy đi phục vụ chăm lo
Dạy kinh dạy bổn giúp cho các miền

Ðức cha Thể ngài liền công bố
Phong linh mục một số quý thầy
Cha Minh được chọn từ đây
Ngài đi thăm viếng miền Tây chuyên cần

Cha vẫn lo bản thân thánh hóa
Còn quan tâm đến cả tương lai
Tông đồ nối nghiệp lâu dài
Chủng sinh đệ tử do ngài đảm lo

Vua Tự Ðức gởi cho chiếu chỉ
Khắp các nơi tu sĩ khó khăn
Cha Minh ngài vẫn siêng chăm
Chu toàn bổn phận đi thăm khắp miền

Ðến họ đạo kế liền Mặt Bắc
Có tên Nhẫn lặt vặt xin tiền
Ðể tâm thù oán như điên
Lên quan tố giác lính liền bổ vây

Cha Minh ở nơi đây Trùm Lựu
Ông nhận ngay không chịu chỉ ai
Cha lo liên lụy vì ngài
Nhận mình linh mục, quan sai trói liền

Mang gông cổ xuống thuyền thị trấn
Tại Vĩnh Long quan trấn hỏi cha
Các nơi trú ẩn gần xa
Thấy cha học thức rất là thông minh

Các quan muốn thực tình để cứu
Không ép cha kéo níu dắt qua
Chỉ cần nói, bỏ đạo mà
Cha Minh khẳng định chẳng thà chết thôi

Thấy không đạt phải ngồi chờ án
Giam Tuyến Phong vua phán gởi về
Bạn tù yên ủi say mê
Hẹn ngày tái ngộ trên quê Nước Trời

Ngày mong đợi kíp thời đã đến
Cha hiên ngang dâng hiến pháp trường
Nguyện cầu Ðức Mẹ xót thương
Cầu bầu cùng Chúa dẫn đường con đi

Sau chiêng trống tức thì đao phủ
Cầm thanh gươm chém đủ đầu rơi
Cái Mơn an táng nghỉ ngơi
Rồi sau hài cốt về nơi Sài Gòn

Phúc tử đạo sử son chép lại
Năm Quý Sửu (1853) trảm tại Ðinh Khao
Canh Tý (1900) Toà Thánh ban trao
Suy tôn Á thánh trời cao hộ phù

Lời bất hủ: Cha Minh an ủi các bạn tù nên vui lòng tuân theo ý Chúa, hẹn ngày tái ngộ trên nước Trời, Cha nói: “Xin anh em vững lòng tin và hết dạ cậy trông Chúa. Ngài chẳng từ bỏ ai, và sẽ thưởng công bội hậu cho những ai tận tâm tôn thờ Ngài”. Lời nguyện sau cùng của cha: “Lạy Chúa, xin thương xót con, lạy Ðức Giêsu, xin cho con sức mạnh và cam đảm chịu khổ để vinh danh Ngài. Lạy Mẹ Maria , xin nâng đỡ con”.