20 Khi ấy, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói :
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.
22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”
Có Chúa là có tất cả (11.09.2024)
“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”
Lời Chúa Giê-su dạy về bốn mối phúc và bốn mối họa. Bốn mối phúc để khích lệ. Bốn mối họa để cảnh báo. Bốn mối phúc đó là: nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị ghét bỏ vì Chúa. Bốn mối họa là: giàu có, no nê, vui thú, được ca tụng. Tin Mừng của sự sống cần phải đi ngược dòng đời đang lao mình vào sự chết.
Trong khi ai cũng ham chuộng sự giàu có trần gian, và cho là hạnh phúc, thì Chúa lại bảo hãy ham chuộng cách sống nghèo khó. Ai cũng muốn thụ hưởng của ăn vật chất này cho no say, thì Chúa lại bảo hãy vui sống đói khát. Ai cũng né tránh đau khổ, thì Chúa lại bào phúc cho kẻ đau khổ khóc than. Ai cũng thèm an thân thì Chúa lại nói phúc cho người bị ghét bỏ vì danh Chúa. Chúa muốn mỗi người hãy có Chúa, là có tất cả!
Vâng! Chúa Giê-su không phủ nhận giá trị cuộc sống đời này, vì sự chóng vánh, ngắn ngủi của nó, giúp chúng ta hướng lòng đến sự sống đời sau vĩnh cửu. Người muốn chúng ta không nặng lòng để phải bị lệ thuộc vào danh, lợi dục ở trần gian. Từ chỉ một sợi tơ tình tiền mong manh, trần gian này có thể nhốt mỗi người vào trong cái mạng nhện của sự chết ngàn thu, không lối thoát.
Vì thế, Chúa muốn mỗi người, mỗi nhà, hãy sống tinh thần nghèo khó, đói khát, đau khổ của Chúa Giê-su là khiêm nhường, bé nhỏ, chấp nhận hy sinh vì yêu, hy sinh cho người khác hạnh phúc, thì ấy mới chính là hạnh phúc thật. Không dễ gì lội ngược dòng đời. Vì thế, ước gì các gia đình trước tiên là phải nhận ra Lời Chúa là chân thật, lời Chúa dẫn lối hạnh phúc, rồi lắng nghe và thực hiện Lời Chúa. Có Chúa là có tất cả, có sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc đích thực.
Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng yêu mến Chúa Giê-su, luôn chú ý lắng nghe và thực hiện Lời Chúa dạy trong đời thường. Amen
BCT
Tinh thần nghèo khó (07.09.2022)
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)
Chị là một người giáo dân Đa Minh bình thường như mọi người, chỉ có điều khác thường đó là: lòng mến Chúa yêu người của chị luôn được thể hiện ra ngoài rất cụ thể: Hằng ngày chị phải đi làm theo ca năm tiếng đồng hồ với công việc lao công khá vất vả mà tiền lương cũng hạn hẹp, sau giờ nghỉ chị mau mắn về nhà chu toàn trách nhiệm trong gia đình, chị ngày nào cũng thu xếp tốt đẹp được công việc để đến nhà thờ dự Thánh Lễ, tham gia đầy đủ các giờ kinh của Huynh Đoàn Đa Minh, và khi có bệnh nhân trong hội đoàn bị đau ốm, chị lại nhanh nhẹn đi thăm hỏi tận tình, ai có hoàn cảnh nghèo khổ thiếu thốn, chị sẵn sàng chia sẻ những gì mình có “ Của ít lòng nhiều”, chị mời gọi thêm các hội viên khác cùng chung tay để hỗ trợ giúp nhau vượt qua cơn bĩ cực.
Nhìn thấy chị luôn bình an vui vẻ, sắc diện hiền hòa thư thái, dù nhà nghèo bé tẻo teo, áo quần ăn mặc rất đơn sơ đạm bạc, nhưng chưa bao giờ ai nghe thấy chị than thân trách phận lần nào, có được nghe thì chỉ nghe những lời tốt đẹp từ cửa miệng thánh thiện của chị mà thôi. Có lần một người bạn hỏi: “ Tại sao chị đi làm kiếm tiền mà không chịu mua sắm đồ xịn để xài, toàn xử dụng mấy thứ cũ xỉn…?”. Chị chỉ mỉm cười khẽ đáp: “ Vì mình thích sống theo tinh thần nghèo khó Chúa dạy, bởi chung quanh chúng ta còn có nhiều hoàn cảnh thiếu thốn hơn mình, họ cần được sẻ chia nâng đỡ, lắm gia đình còn không có cả mái nhà che nắng che mưa, cơm ăn áo mặc bốn mùa vẫn tả tơi…!”.
Trong Huynh Đoàn Đa Minh tại Sài Gòn đây, cũng có nhiều các anh chị nhà giàu , nhưng vẫn biết sống theo tinh thần nghèo khó của Chúa thật đáng quý, anh chị em đã trải qua mùa dịch Covid khủng khiếp năm ngoái, nên giờ biết ý thức sống tình huynh đệ : Hiệp hành- hiệp thông- tham gia sứ vụ của một người tín hữu nói chung, và đặc biệt là một người Đa Minh nói riêng, sống theo tinh thần đường lối của Cha Thánh Tổ Phụ Đa Minh chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp cho tất cả anh chị em chúng con, luôn biết sống theo Lời Chúa dạy, để chúng con mỗi ngày được thăng tiến hơn, trong ơn gọi là người giáo dân Đa Minh giữa thời đại ngày nay. Amen.
BCT
Phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao (09.09.2020)
Tin Mừng hôm nay nằm trong nội dung “Bài giảng trên núi” của Chúa Giêsu, hay còn gọi là “Tám mối phúc thật”, lấy từ Tin Mừng Mátthêu (Mt 5,1-12). Còn thánh Luca ở đây chỉ ghi bốn mối phúc thật và bốn mối chúc dữ thành từng đôi một đối nhau, làm cho thông điệp của tác giả càng nên mạnh mẽ: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó… -Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…”. Chúa như đang ở trước hai nhóm người. Nhóm một là các môn đệ nghèo khó, thấp cổ bé miệng yếu thế, đói khát khóc lóc, hạng người đang chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội đã được Người chúc cho bốn điều phúc. Rồi với nhóm thứ hai, những người giầu có, kinh sư và Pharisêu, họ đang cầm quyền, được ăn trên ngồi trốc, được no nê, vui cười, được người ta ca tụng hầu hạ… lãnh bốn điều chúc dữ.
Vậy thì phải chăng cứ người giàu có, quyền chức địa vị… là bị chúc dữ? Hay người cứ nghèo đói, khóc lóc khổ sở là được chúc phúc? chưa hẳn là như vậy!
Hai lớp người trên, thời nào cũng có, họ cần nhau. Bởi vì Thiên Chúa ban cho con người tài năng, sức khỏe trí tuệ… kẻ kém cái này, người hơn cái nọ. Giờ đây bạn thấy mình đang có nhiều đặc trưng của nhóm người nào?
-Nhóm số một chăng? Nếu vì người khác, vì công ích hay vì lý tưởng Chúa dạy mà nghèo khó thì thật phúc cho bạn. Nhưng nếu vì kém khả năng, vì lầm lỗi thì bạn có quyền dùng khả năng Chúa ban mà vượt lên. Nếu chưa vượt được bạn cũng hãy yên tâm vì Chúa vẫn đang hiện diện cùng lời chúc của Người. Còn nếu nghèo khó mà đang hậm hực thù hằn, than thân trách phận thì chắc Chúa chẳng hài lòng.
-Bạn ở nhóm “người giầu có” chăng? Đừng vội sợ! Điều quan trọng là bạn đã thực thi lời Chúa hàng ngày thế nào? Sự giàu có bằng việc làm ăn chân chính hoặc của trời cho thì chưa hẳn là tội. Nhưng tội là những gì bạn cố tình không thực thi lời Chúa. Bạn hãy lo vì lời Chúa đã cảnh báo cho bạn: “Vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi”. Chúa muốn bạn phải cho đi. Vì nhiều khi sự giàu có của bạn lại do chính người nghèo làm nên. Bạn đã làm được những gì như “người Samari nhân hậu” (Lc10,29-37)? Bạn có dám trở nên người “giầu có Tin Mừng” như thánh Gioan Phaolô II dạy: “Người giầu có là người có nhiều khả năng cho đi”? Bạn có dám làm một chút lời Chúa dạy anh thanh niên giầu có sau đây không? :“Hãy về bán hết gia tài cho người nghèo rồi đến theo Ta”! (Lc 18,22).
Ở bộ phim Ôshin – Nhật Bản, có cảnh kho gạo với hàng nghìn tấn bị hỏa hoạn thiêu rụi. Chủ kho gạo đã rầu rĩ phàn nàn: “Sao ông trời lại gửi cái tai họa này cho tôi giữa cơn đói kém cơ cực của dân chúng này ?”. Rồi bà nhủ thầm: “Hay vì có lần mình đã cố tình gom gạo chờ giá, lên giá, ém giá… cho… cả những người nghèo khổ?”.
Lạy Chúa! Xin ban cho con sự khôn ngoan, sức mạnh của Chúa, để dù cuộc đời có thế nào, con luôn sống trong nhóm người được Chúa chúc phúc thì phúc cho con biết mấy. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó (11.09.2019)
Tin Mừng hôm nay có nhiều tên gọi: Bài giảng trên núi, Tám mối phúc thật, hay còn gọi là Hiến chương nước trời. Đây là một bài nổi bật trong Tin Mừng vì chủ đề của nó. Nhưng cũng nổi bật vì sự cao xa mầu nhiệm mà độc giả chưa hiểu hết nội dung của nó nữa.
Chúa Giêsu chúc phúc cho những người khi đòi hỏi họ phải coi thường, vượt lên trên mọi thú vui, tiền tài danh vọng, vật chất ở trần gian này. Mà những thứ ấy cả thế gian mọi người ai mà không ưa chuộng?
Chúa mời gọi mọi người khi bước theo tám mối phúc thật phải cố gắng, hy sinh vì muốn cho họ hưởng hạnh phúc bất diệt trong Nước Thiên Chúa. Điều mà thánh Phao lô đã mô tả: “Sự đau khổ hy sinh ở đời này sánh sao được với vinh quang bất tận đời sau. (Rm 8,18). Chúa cũng muốn những người theo Chúa trong Hội Thánh tại thế này được nếm ngay hạnh phúc Nước Trời trước khi về hưởng hạnh phúc bất tận. Đó là niềm vui yêu thương, an bình nhường nhịn thứ tha, chứ không phải chỉ thấy giành giật trách móc ghen tị hận thù.
Chúa chúc “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”. Chắc không phải là Chúa chúc phúc cho những kẻ đang nghèo khó mà mà căm giận, hằn học oán thù. Nhưng trước hết Chúa đang nói với các tông đồ, những người vừa được Chúa yêu thương mời gọi và những người đang yêu mến theo Người bấy giờ. Họ đều là lớp dân nghèo, thấp cổ bé miệng, cô thân, cô thế. Họ cũng nhận ra thân phận nghèo hèn của mình và quyền năng cao cả của Thiên Chúa, mà chỉ biết bám víu vào Người để cậy nhờ.
Chúa cũng chúc phúc cho những kẻ “đang phải đói khát”, “đang phải khóc lóc”, “đang bị người ta oán ghét loại trừ”. Chắc chắn Chúa rõ hoàn cảnh từng người đang theo Chúa đó. Sức riêng họ chẳng có khả năng gì làm khác đi được. Cũng chẳng dám làm gì để chống lại một xã hội bất công hiện hành, mà chỉ biết vui lòng tìm đến Chúa cầu xin cứu giúp.
Cuối cùng là bốn chúc dữ Chúa dành cho những người đang sống đời sống ngược với những người Chúa chúc phúc ở trên: Khốn cho các ngươi là “những kẻ giàu có”, “những kẻ đang no nê vui cười”, “đang được mọi người ca tụng”. Chắc chắn không phải rằng cứ “những người đang giàu có, đang no nê vui cười, đang được mọi người ca tụng” là Chúa ghét, Chúa chúc dữ. Nhưng có lẽ với cái nhìn thông biết mọi sự của Chúa, thì những người giàu có, no nê vui cười này chắc phải là những nguyên nhân gây đau khổ cho những con người ở trên. Họ giàu có no nê mà chẳng biết thương xót chia sẻ cho ai. Họ cũng chẳng biết đến quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã ban cho họ mà cảm tạ tri ân. Họ đáng phải lãnh những lời chúc họa mà Chúa dành cho. Mỗi chúng ta giờ đây tự xét mình xem đang ở lớp người nào? Thuộc lớp người được Chúa chúc phúc hay lớp người Chúa chúc họa?
Lạy Chúa! Xin cho con luôn yêu mến điều Chúa chúc phúc, mà ra sức thực thi với anh chị em con, hầu được lãnh phần thưởng đúng như Chúa đã hứa. Amen.
Gs. Ngọc Năng
Sống hết mình (12.09.2018)
Ngày 12.09: Lễ Nhớ Danh Thánh Đức Ma-ri-a
Đức Giêsu được mọi người biết đến là một người nghèo. Nghèo từ khi sinh ra đến lúc từ giã thế gian để về với Chúa Cha.
Chính Đức Giêsu đã ví cuộc đời của mình như: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu”.
Lúc sinh thời, nhất là trong thời gian loan báo Tin Mừng, từ lối sống đến hành động, Ngài luôn quan tâm đến tận cùng kiếp sống con người, nhất là những người khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền. Nên Đức Giêsu không ngần ngại để sống với những người nghèo hèn, cảm thông cho những người tội lỗi và ăn uống với họ, đồng thời luôn coi họ như những bạn. Sẵn sàng đứng về phía họ để bênh đỡ, chở che.
Tinh thần và lối sống đó hôm nay được Đức Giêsu chính thức chúc phúc, và qua đó như một lời mời gọi mọi người đi theo con đường đó để được hạnh phúc: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”.
Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lối sống lỗi thời và Ngài cổ súy cho cái nghèo để rồi những ai muốn đi theo Ngài thì phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?
Thưa! Hẳn là không rồi! Qua mối phúc này, Đức Giêsu muốn cho con người được hạnh phúc hoàn toàn, khi không bị chi phối bởi lòng ham muốn tiền bạc, vì nếu mê mẩn với chúng thì sẽ trở thành nô lệ cho tiền bạc mấy hồi!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Đức Giêsu và quy chiếu cuộc đời của ta với Ngài để vui mừng khi được sống tinh thần nghèo khó như Ngài.
Một cách cụ thể, đó là sống hết mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân, nhất là những người bần cùng trong xã hội.
Cần phải xác định thật rõ rằng: gia tài đích thực của chúng ta là Thiên Chúa. Giá trị lớn lao nhất là sống cho Thiên Chúa qua cung cách phục vụ tha nhân. Cùng đích của con người không phải là của cải chóng qua đời này mà là cuộc sống mai hậu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để mặc lấy tâm tình nghèo khó như Ngài, ngõ hầu chúng con được tự do để dấn thân phục vụ người nghèo cách vô vị lợi như Chúa khi xưa. Amen.
Phúc cho những ai nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (13.09.2017)
“Có tâm hồn nghèo khó” nghĩa là không đặt lòng tin tưởng vào sự giàu sang, nhưng tin vào tình yêu của Thiên Chúa và sự quan phòng của Người. Thường thì chúng ta “giàu” những bận tâm về sức khỏe, gia cảnh của bản thân, những lo lắng về của cải vật chất, những lo toan về tính kế sinh nhai… Tất cả những điều này có thể “nhốt” chúng ta lại, khiến chúng ta đóng kín bản thân và ngăn trở không cho chúng ta đến cùng Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, chính trong những giây phút đó, “người có tâm hồn nghèo khó” tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa và trút bỏ mọi lo lắng cho Người, để rồi họ cảm nghiệm được tình yêu của một Người Cha nhân từ, đầy lòng thương xót.
Trong cuộc sống: người người hối hả
Tìm vinh hoa với cả giàu sang
Đam mê, hưởng thụ vội vàng
Thoảng trong chốc lát, tiêu tan nhất thời
Đó chỉ là tạm thời, giả tạo
Không vững bền, chỉ hão huyền thôi
Đến khi mọi việc xong xuôi
Trở về “tay trắng” để rồi “trắng tay”
Nghèo đói thường đi với cực khổ và cũng thường gắn liền với tự ti mặc cảm. Do đó, đối với nhiều người, coi nghèo khó là hạnh phúc như lời Đức Giêsu thật là điều nghịch lý! Thật ra, Chúa không đề cao tình trạng “khố rách áo ôm” hay chạy ăn từng bữa, nhưng Ngài cổ võ cho lối sống phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa, trong tinh thần liên đới với người lân cận. Nghèo khó mà Đức Giêsu muốn dạy chúng ta là tinh thần nghèo khó, lấy Chúa làm nền tảng của mọi giá trị, cùng đích cho cuộc đời mình, chứ không dựa vào của cải. Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc khó nghèo qua cuộc sống hoàn toàn phó thác nơi Cha: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
Thế cho nên từng ngày đang sống
Tìm Nước Trời, lẽ sống bình yên
“Khó nghèo” vẫn cứ vui lên
Cậy trông váo Chúa, vững bền tâm can
Dù “đói khát”: không than, chẳng trách
Hoặc đau buốn “khóc lóc” lệ rơi
Vẫn luôn chấp nhận vui cười
Vì Chúa hứa thưởng Nước Trời mai sau
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai sống nghèo khó, đói khát, khóc lóc và bị người đời chê bai, sỉ vả. Ngược lại, Ngài cũng đưa ra lời cảnh báo cho những ai đang vui sống trong cảnh giàu có, no nê, vui cười và được người đời ca tụng. Vì thật ra, những ai đang sống trong cảnh “nhung gấm lụa là”, họ sẽ dễ dàng để cho những thứ vật chất ấy chiếm lĩnh tâm hồn họ. Còn những ai đang sống trong cảnh khó khăn, cơ cực, đang chịu cảnh bắt bớ và vu khống, thì họ dễ dàng thông phần vào cuộc thương khó và Vượt Qua của Chúa Giêsu. Và như thế, Nước Trời gần với họ hơn.
Cũng có thể thương đau khổ ải
Bởi người đời sa thải ghét chê
Phỉ báng, trục xuất: ê chề
Cam lòng chịu đựng, chẳng hề tủi thân
Chúa dành sẵn muôn phần hoan hỷ
Cho bao người chung thủy trước sau
Ngày nay đau khổ u sầu
Ngày mai hưởng phúc dài lâu Nước Trời
Lạy Chúa, xin cho giúp chúng con biết quy tụ về bên Chúa, để được Chúa giảng dạy những mối phúc ngọt ngào và êm ái. Xin cho chúng con biết quý trọng và sống theo những tinh thần các mối phúc đó, hơn là những giá trị chóng qua của thế gian này. Xin Chúa soi dẫn để chúng con biết tìm kiếm những gì là vĩnh cửu trong cuộc sống hiện tại, để chúng con biết ý thức mục đích của đời người chúng con là sống cho Chúa, vì tha nhân và tìm kiếm Nước Trời vinh hiển. Amen.
HOÀI THANH
Những mối phúc theo thánh Luca (07.09.2016)
Ở đời người ta có nhiều nhận xét về hạnh phúc. Một cô nàng lấy được chồng giàu, con cái khỏe mạnh, có nhiều tiền tha hồ mua sắm đủ thứ tiện nghi thoải mái, mọi nhu cầu được thỏa mãn, ấy là hạnh phúc. Một anh chàng có vợ đẹp con khôn, nghề nghiệp ổn định là giấc mơ của nhiều người. Khao khát tìm kiếm danh vọng, địa vị đến khi đạt được mong muốn là niềm hạnh phúc cho những người dầy công cố gắng bấy lâu…
Còn trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại quảng bá những mối phúc nghe có vẻ ngược đời:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…” (Lc 6, 20). Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng, mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định, để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6, 21). Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa với cái nhìn của con người, như trong lời kinh ngợi khen của Đức Maria: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”. Những người cùng khốn đang phải khóc lóc sẽ được Thiên Chúa an ủi. Người chịu đau khổ thử thách sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an. Họ vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa, Ngài sẽ biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. Bởi vì chính Ngài là Đấng sẽ lau sạch nước mắt họ.
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6, 22-23). Khi gặp đau khổ thử thách vì sống công chính, ta không than thân trách Chúa hay mất niềm tin tưởng nơi Ngài, nhưng biết liên kết đau khổ với Chúa thì sẽ được hưởng vinh quang với Ngài. Chính Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc này trong cuộc đời bôn ba rao giảng, bị chống đối, loại trừ, sỉ vả và lên án tử trên thập giá đau thương nhục nhã. Nhưng Người đã chiến thắng khải hoàn trong vinh quang. Các thánh tử đạo cũng theo bước chân Người mà chịu muôn cực hình để minh chứng đức tin và giành được phúc tử đạo.
Thánh sử Luca đưa ra bốn mối phúc và bốn điều họa. Những điều họa ngược với các mối phúc ở trên, như là những lời cảnh báo sẽ bị mất hạnh phúc nếu sống tinh thần ngược lại với các mối phúc đó. Bởi vì cửa hẹp dẫn tới vinh quang, đường rộng thênh thang đưa tới diệt vong, nhưng rất nhiều người lại thích đi qua đó.
Chúa ơi! Chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh, mất hạnh phúc khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, ngay hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ
Chấp nhận (09.09.2015)
1. Ghi nhớ: “ Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả .. ” . (Lc 6,22)
2. Suy niệm: Để trở thành người Kitô hữu thì rất dễ, nhưng sống đời Kitô hữu lại quá khó. Cuộc sống đời thường ảnh hưởng nhiều đến đời sống đức tin. Nghèo đói, bệnh tật, bị người khác khinh khi nhục mạ … luôn là thử thách cho người Kitô hữu. Chúng làm cho đức tin ta dễ bị lung lay khi nghĩ rằng: Có Thiên Chúa hay không? Nếu có tại sao Ngài lại để cho tôi chịu những cái bất hạnh, kém may mắn thế này trong khi tôi giữ đạo ngoan ngoãn? Chúa Giêsu trả lời: Phúc cho ai vì danh Ngài mà phải mang lấy thánh giá. Chính trong hoàn cảnh khó khăn người ta mới hiểu được giá trị của đời sống đức tin, chính lúc Giáo Hội gặp đau buồn là lúc Giáo Hội cần chúng ta hơn bao giờ hết. Chính lúc xã hội sống trong trụy lạc là lúc Thiên Chúa cần chúng ta làm chứng về Tin mừng của Ngài hơn hết.
3. Sống Lời Chúa: Chấp nhận mọi biến cố trong cuộc đời là vác thánh giá theo Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian này để dạy cho chúng con biết được giá trị của đau khổ. Xin Chúa cho con ý thức rằng đau khổ trong cuộc sống là phương tiện, là chìa khoá để chúng con bước vào Nước Trời . Amen.