HĐ Cựu Tu Sinh: Chuyến đi bác ái ở Giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức (Cờ Trắng)

Hai ngày cuối tuần của tháng 9/2016, anh em Huynh đoàn Cựu Tu Sinh Đaminh đã tìm đến Gx. Cờ trắng theo lời mời gọi của linh mục quản xứ. Đoàn chúng tôi gồm bảy anh chị em cùng đồng hành trên chặng đường gần 350km từ Sài Gòn đến vùng đất xa xôi giáp biên giới thuộc tỉnh Kiên Giang. Sau khi qua địa phận tỉnh An giang, vừa đi vừa hỏi đường với những người dân địa phương, chúng tôi cũng đã đến Huyện Kiên lương, liên lạc với cha xứ để hỏi tiếp đường đi, vượt qua  một chiếc cầu sắt chênh vênh trên cao, chiều ngang cầu vừa đủ chỗ cho 1 xe ô tô nhỏ và 1 xe máy chiều ngược lại. Chúng tôi đã đến khu vực xã Hòa Điền, theo hướng dẫn của cha: xuống dốc cầu rẽ trái và đi tiếp một đoạn đường khá xa  qua 2 xứ đạo, lại tiếp tục hỏi thăm nhà thờ Cờ trắng. Từ ngã rẽ sau khi qua cầu, nhà của người dân càng vào sâu càng nghèo ! Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi tầm 4 giờ chiều, ê ẩm vì đường xa và dằn xóc do nhiều ổ gà!

Xe vừa dừng, cha xứ Trần Trọng Trí đã chạy đến bắt tay chào hỏi từng người, ai cũng ngạc nhiên vì dáng người nhỏ nhắn của cha như một cậu học sinh với cặp kính cận trên gương mặt luôn tươi cười! Cha Trí mời mọi người vào nhà xứ uống nước, nghỉ giải lao một chút rồi chuẩn bị cùng đi đến 2 căn nhà tình thương mà đoàn đã giúp xây dựng. Trước đó, anh trưởng đoàn đã chuyển 50 triệu đồng xuống cho cha để cha lo liệu, trị giá mỗi căn nhà không tính tiền mặt bằng đã lên đến gần 30 triệu. Ghé vào căn nhà thứ nhất, nền xi măng ở hiên thềm nhà vừa tráng xong còn lót ván để bước qua. Chúng tôi được giới thiệu : chủ nhân nhà này là ông bà cố của một Soeur đã khấn trọn, gia đình đã chuyển từ Nam định vào đây, góp nhặt toàn bộ gia sản vừa đủ mua một lô đất cặp con đường đá lởm chởm.

Sau màn chào hỏi thân mật, chúng tôi đã trao tấm biển “nhà tình thương của huynh đoàn cựu tu sinh tặng” cho ông cố  và ghi lại vài ảnh lưu niệm và chia tay với gia đình để đi tiếp sang nhà thứ hai.

Xe tiếp tục di chuyển vào một ngõ khác rồi dừng lại trước một căn nhà cũng vừa mới hoàn thành. Cha Trí bước xuống trước và giới thiệu chúng tôi với gia đình, được biết đây là những người tân tòng nhưng rất nhiệt thành. Mọi người trong nhà rất vui khi chào đón đoàn, gia đình này được thừa kế lô đất và dựng lên một chỗ trú chân bằng vật liệu tạm bợ, trong một lần đến thăm  họ, cha Trí đã chạnh lòng và hứa giúp xây dựng lại một căn nhà tươm tất hơn.

Chúng tôi quan sát thấy nhà này được xây dựng có vẻ bài bản hơn vì người nhà có tay nghề, tranh thủ hỏi thăm gia đình và chúc mừng, đoàn trao tấm biển nhà tình thương và ghi lại những tấm ảnh, sau đó mọi người từ giã gia đình trở về nhà xứ để cha chuẩn bị dâng thánh lễ chiều thứ Bảy vào lúc 5h. Kết thúc công việc của ngày thứ nhất!

Trong bữa cơm thân mật tối thứ bảy, chúng tôi được cha xứ chiêu đãi các món đặc sản vùng biển: cá nướng, ghẹ hấp, lẩu.., dưới ánh sáng mờ mờ của đèn compact, câu chuyện về cuộc đời mục tử xứ truyền giáo dần dần được cha xứ tâm sự.

Xuất thân ở vùng quê Kiên Giang, sau khi xong đại học, cha đã tìm đến ơn kêu gọi ở Đại Cjhủng Viện Long xuyên trải qua quá trình  đào tạo và thử thách, cha đã được thụ phong linh mục. Với tuổi đời 42, cha Trí đã có 7 năm là mục tử, cách đây 5 năm bề trên đã bổ nhiệm cha về giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức thuộc ấp Cờ trắng, xã Hòa Điền, H. Kiên Lương, T. Kiên Giang để thay cho một cha tiền nhiệm lớn tuổi. Ngày ông bà cố tiễn cha đến nhiệm sở mới, nhìn thấy cảnh hiu quạnh, nhà thờ , nhà xứ nằm giữa vùng đất trũng ngập nước, hai ông bà nhìn nhau gạt nước mắt xót xa. Trước đó, cha thường hay đau yếu với nhiều căn bệnh, thế nhưng dường như có ơn Chúa trợ giúp, cha đã vượt qua những khó khăn và từng bước củng cố, phát triển giáo xứ. Một tình tiết khá hài là khi cha đến một cơ sở y tế để khám bệnh, lần lượt qua các xét nghiệm và kết quả là: “bệnh nhân bị u xơ buồng trứng!” Một phút lặng người lo âu về giới tính? Sau đó cơ sở phát hiện là nhầm với một bệnh nhân nữ khác, may quá!

Để có nguồn tài chính, cha đã xin phép các Đấng bản quyền tổ chức những đợt lạc quyên khắp nơi  giúp cho giáo xứ. Trong một lần cha đã đến với Gx. Hà đông – hạt Xóm Mới và đã gặp anh chị cố Tuế,  đó cũng là cơ duyên chúng tôi có mặt nơi này. Hiện nay cha đang xây dựng ngôi thánh đường mới với dáng vẻ hoành tráng, thiết kế đẹp mắt với kinh phí tính đến thời điểm hiện tại đã hơn 6 tỉ, một con số đáng kinh ngạc! Ai cũng nói: “cha tuy nhỏ con nhưng có võ”!

Ngôi thánh đường đang xây dựng khá đẹp

Theo dự kiến thì công trình này phải thêm 1 năm nữa mới hoàn thành vì còn nhiều hạng mục cần làm ở xung quanh nữa. Đồng hành với cha Trí và xứ đạo , các cha dòng Camelo đã đến khảo sát và giúp trang bị một hệ thống lọc nước rất hiện đại trị giá 200 triệu để cung cấp nước tinh khiết cho bà con trong khu vực không phân biệt lương giáo. Vùng đất cha đang phục vụ cách biển khoảng 10km nên các kênh rạch đều mặn vì thế đời sống của cư dân nơi đây rất khó khăn, khoan giếng nước cũng mặn, nhu cầu nước dùng trong  sinh hoạt ngoài mùa mưa đều phải mua nước ngọt từ Hà Tiên đưa vào, việc trồng trọt chỉ diễn ra trong các tháng mưa! Phía sau Nhà Xứ hiện có khoảng hơn 70 bể chứa nước mưa, mỗi bể chứa khoảng hơn 1600 lít để dự trữ (các bể này được đúc tại chỗ).

Sáng hôm sau là Chúa nhật, dâng lễ xong tất cả cùng ăn điểm tâm, đoàn lại lên xe sang nhà tình thương đầu tiên để làm nghi thức thánh hóa nhà mới. Gia đình ông bà cố chủ nhà mời đoàn ở lại để dùng bữa mừng tân gia nhưng mọi người từ chối vì chương trình còn tiếp tục. Lại quay về nhà xứ chờ phương tiện đường sông, khoảng 9h mọi người chuyển một số phần quà xuống chiếc “vỏ lãi” (một loại xuồng thông dụng bằng composite gắn máy đuôi tôm), sau đó cha xứ, ông chánh trương và mọi người bước xuống ngồi dọc theo chiều dài của xuồng, bắt đầu khởi hành để đến thăm và trao quà cho bà con ở cách Gíao xứ khoảng 15km.

Xuồng rẽ vào con kênh thứ hai, dọc theo bờ kênh có cắm biển: “khu vực biên giới”, cả  một vùng rộng lớn mà nhà cửa lại thưa thớt, có lẽ vì không có điều kiện mưu sinh?  Xa xa xuất hiện những con chim màu đen nhìn giống như cò, hỏi thăm thì được biết chúng có tên là “cồng cộc”, chuyên lặn xuống nước để bắt cá và thường sinh sống ở những vùng kênh rạch nước mặn.

Hơn một giờ ngồi trên xuồng mới đến điểm dừng, mọi người lên bờ và tiếp tục đi bộ hơn 1km mới đến khu nhà của bà con tập trung. Nghỉ chân, uống nước xong các thành viên trong đoàn lần lượt trao quà cho bà con theo danh sách có sẵn (mỗi phần trị giá 200.000, đoàn đã nhờ cha xứ chuẩn bị trước). Rời căn nhà tập trung vừa rồi, đoàn đã ghé thăm một nhà của người Khmer, cả hai vợ chồng đêu đi làm thuê. Căn nhà lá này cha xứ cũng có ý định giúp sửa lại vì đang trong tình trạng  xiêu vẹo, phía sau nhà có một bể nước do cha xứ tặng mới vừa đúc xong chưa tháo khuôn. Đây là món quà mà cha xứ đã thực hiện giúp cho hàng trăm gia đình nghèo, mỗi bể trị giá khoảng 1 triệu đồng.

Tiếp tục di chuyển ra chỗ xuồng neo đậu, lần này các thành viên được bà con chở dùm nên không phải cuốc bộ! Trên đường về, đoàn đã ghé vào thăm một căn nhà nát khác của một gia đình bên lương (hiện nay họ đang trú nhờ trên đất của người khác), cha đã hứa nếu họ mua được nền (20 triệu) thì cha sẽ vận động giúp xây dựng nhà. Trở về nhà xứ cũng đã 12h trưa, mọi người lo vệ sinh cá nhân xong ngồi vào bàn dùng cơm trưa với cha xứ. Ngoài các món ăn của nhà bếp còn có thêm 2 phần “cẩu nhục” do nhà mới của ông bà cố gửi sang biếu, mọi người cùng trò chuyện rôm rả, thân mật, gắn bó. Ăn trưa xong, một thành viên trong đoàn đã đại diện cám ơn cha xứ về sự đón tiếp nhiệt tình qua từng bữa ăn, sắp xếp chỗ nghỉ đêm… Trước khi chia tay chúc cha được nhiều ơn Chúa phần hồn cũng như phần xác để cha có thể chu toàn sứ vụ của một mục mục tử nơi xứ truyền giáo heo hút này.

Từ giã giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức ( ấp Cờ trắng) trong sự xúc động và bịn rịn, đoàn lên xe ra về, mọi người ai cũng thấy vui vì đã thực hiện một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Cũng qua chuyến đi này, hình ảnh người mục tử xả thân hết lòng vì đàn chiên được nhớ mãi, bởi việc truyền giáo không chỉ bằng những bài giảng về Chúa nhưng bằng những việc làm mà qua đó người ngoài Công Giáo nhận ra Chúa đang hiện diện và thúc đẩy họ. Điều này nói thì dễ nhưng thực thi lại không phải ai cũng có thể!

Trên đường về , khi xe đến phà Vàm Cống đã hơn 7h tối, một hàng dài các phương tiện nối đuôi nhau chờ, nhìn thấy nản lòng. Vừa lúc đó có 1 tay cò chạy xe máy cặp theo và nói: nếu muốn đi tắt thì chi 100,000 ( gồm: vé 25 ngàn +nhân viên phà 50 ngàn + cò 25 ngàn) giá cả rạch ròi và cụ thể! Thế là xe chạy theo hướng dẫn của có phà và thời gian chờ rút ngắn một cách hiệu quả! Đúng là dân ta rất thông minh và nhạy bén xử lý trong mọi tình huống!

Tạ ơn Chúa.

Ngày 30/9/2016

Lê Luận exOP 64

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *