Xuân Nhạn yêu thương

Được sự chấp thuận và đồng hành của Ban Phục Vụ Huynh Đoàn Giáo xứ Kẻ Sặt. Trong năm kính Lòng Thương Xót,  Giới trẻ Huynh đoàn mang theo 45 phần quà gồm gạo, mì tôm, các nhu yếu phẩm cần thiết và quần áo cũ đến chia sẻ với các bệnh nhân thuộc giáo xứ Xuân Nhạn, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Dưới ánh nắng chan hòa, nhà thờ Xuân Nhạn dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Sau khi chào cha xứ, mọi người nhanh chóng ổn định rồi chia làm 3 tổ mang theo những phần quà tỏa đi ba giáo họ: Mân côi, Phê rô và Thánh gia. Những chiếc xe cải tiến, xe máy được cha xứ điều động để chở “niềm vui” đến với những bệnh nhân đang đau bệnh về tâm hồn hoặc thể xác, giúp họ phần nào vượt qua cơn khó khăn.

Nhóm chúng tôi chất đồ rồi cưỡi lên một chiếc xe cải tiến đi về khu Thánh Gia. Con “trâu già” oằn mình kêu rin rít mỗi khi gặp ổ voi ổ gà. Hai miếng tôn chắn bùn ở hai bánh xe cứ vẫy lên vẫy xuống vì đường xóc nhìn như hai cái tai trâu phe phẩy. Thỉnh thoảng các bạn nữ cứ la lên oai oái khi gặp đoạn đường xấu, ngồi trên xe mà nhiều lúc muốn té xuống đất. Mấy bạn trai cười phá lên tinh nghịch “đi xe mà như cưỡi bò tót”. Đang cười đắc chí thì “bốp”….do không để ý bạn Vũ bị một cành cây đập vào mặt, may mà không sao. Vùng đất ở đây người thì ít mà cây thì nhiều. Những hàng cây trồng ven đường xanh mướt, tán cây chìa ra đung đưa trong gió như những cánh tay chào đón khách lạ đến chơi nhà.

Sau một đoạn đường “gian nan”, chúng tôi dừng lại trước cửa nhà bà Tư. Bà đang dở tay chăm sóc con heo nái sắp đẻ, mấy hôm nay nó bệnh nên bỏ ăn. Thấy chúng tôi, bà đon đả mời vào uống nước. Bên cốc chè xanh, những câu chuyện đơn sơ, mộc mạc như chính những con người nơi đây được bà kể một cách say sưa. Nào là đàn gà bà mới mày mò tự ấp ra sao, con heo nái mấy lần trước dễ đẻ là thế mà sao kỳ này nó lại dở chứng cứ nhảy lung tung…

Bọn trẻ thành phố chúng tôi nghe mà cứ tròn xoe đôi mắt vì từ trước đến giờ nào có biết con gà ấp ra sao, con heo đẻ thế nào. Để không làm mất thời gian của bà Tư, chúng tôi đề nghị được “mục sở thị” con heo nái nhân thể nhìn bà chăm sóc nó. Chắc thấy người lạ, nó tông cửa chuồng dượt đuổi chúng tôi chạy chí mạng. Bà Tư vừa lùa heo vừa cười tủm tỉm: “biết heo sắp đẻ là thế nào rồi nhé”.

Tạm biệt bà Tư, chúng tôi lên đường đến thăm nhà chị Thanh. Căn nhà thấp lè tè nằm hiu hắt bên một con sông. Bước vào trong, đập vào mắt chúng tôi là tấm di ảnh chồng chị mới mất cách đây được mấy tháng. Chị có 3 đời chồng, 3 người này lần lượt qua đời để lại cho chị bốn đứa con nhỏ, đứa lớn mười hai tuổi, đứa bé một tuổi. Một thân một mình làm thuê làm mướn kiếm miếng rau miếng cháo sống qua ngày. Khi kể về hoàn cảnh của mình, phần vì nhớ chồng, phần vì nghĩ đến cảnh mấy đứa con của chị sống bấp bênh bên mé sông, chị ngẹn ngào không nói nên lời. Bạn Hồng nắm tay chị yên lặng đồng cảm, dường như tất cả những lời nói bây giờ đều trở nên thừa thãi. Chúng tôi quay đi để lau vội những giọt nước mắt đang trực trào ra. Trên đời này có nỗi đau nào bằng nỗi đau sinh ly tử biệt.

Cuộc hành trình của chúng tôi tiếp tục đến với những bệnh nhân khác. Đó là một bà cụ hơn 90 tuổi, suốt bảy năm trời phải nằm liệt trên giường bệnh, mọi nhu cầu hằng ngày phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân. Một bà cụ khác khi được hỏi thăm hoàn cảnh gia đình đã không dấu được những đau buồn dồn nén bấy lâu, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của người phụ nữ đã trải qua những cay đắng của cuộc đời.

Bà nói : “Tôi chỉ ước mong Chúa gọi tôi về là tôi mãn nguyện … “. Anh phụ trách giới trẻ an ủi : “Thôi cụ ạ, sống chết mình muốn cũng không được, chi bằng thời gian này cụ hãy kết hợp những đau khổ của mình với cuộc khổ nạn của Chúa để phần nào đền tội cho mình và gia đình, đồng thời cũng sớm tối cầu nguyện cho con cháu…. “.

Những gia đình chúng tôi đến thăm nhà thì có đạo nhà thì không, nhưng ai cũng nhắc đến cha sở với lòng yêu mến. Được biết từ khi đến quản xứ từ năm 2013 đến nay, cha Giuse ngoài việc đẩy mạnh đời sống đạo đức trong xứ, cha còn thường xuyên đi thăm các gia đình Công Giáo cũng như bên lương, đặc biệt là các bệnh nhân. Hàng tháng, giáo xứ đều có những phần quà cho người nghèo và bệnh nhân không phân biệt tôn giáo. Sống trong bối cảnh đa số là người theo Phật giáo, nên tương quan tốt đẹp với tôn giáo bạn được cha duy trì và phát triển.

Ni Cô chùa Pháp Quang cũng nhận xét tốt về cha xứ : “Từ xưa đến nay, chưa có linh mục nào đến thăm chùa, cha là người đầu tiên đấy”. Người theo Phật giáo cũng có cái nhìn thiện cảm và yêu mến người Công Giáo. Hằng năm, giáo xứ vui mừng được đón khoảng 10 người lương giáo nhập đạo. Số gia đình tân tòng hiện nay chiếm tỉ lệ hơn 1/3. Ánh sáng của Chúa ngày càng được lan tỏa nơi đây.

Mỗi chuyến đi bác ái đều để lại trong chúng tôi những bài học khó quên. Có tận mắt chứng kiến mới hiểu, một sự đóng góp dù nhỏ nhất về vật chất hay tinh thần là một ngọn nến thắp lên tia hy vọng cho những con người mà mình gặp gỡ. Nếu nhìn vào ánh mắt vui mừng của họ khi nhận được quà, bạn sẽ hiểu chúng quan trọng và quý giá với họ đến dường nào. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ bạn sẽ cảm thông với những lo lắng của mẹ, biết ơn với những nhọc nhằn vất vả của cha, từ đó biết sống sao cho xứng đáng.

Kết thúc chuyến đi, mọi người bước lên xe ra về với những đôi chân lấm lem bùn đất cùng những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi nhưng gương mặt ai nấy đều rạng rỡ vì được tham dự một chuyến đi đầy ý nghĩa. Tạm biệt Xuân Nhạn, tạm biệt những con người mộc mạc hiếu khách nơi đây, lòng đầy hân hoan, anh chị em hẹn nhau trong những chuyến đi kế tiếp với những trải nghiệm mới và những niềm vui mới. Hành khúc Đaminh được các bạn trẻ cất lên rộn rã như thúc dục mọi người ra đi thi hành xứ vụ : “Tuổi trẻ Đaminh luôn hăng say gieo bước, tuổi trẻ Đaminh mang trái tim xây đời, tuổi trẻ Đaminh qua bao gian nan dẫu ngàn nguy khó, đi ta ra đi xây dựng nước trời để danh Chúa muôn đời vinh sáng… “

 

                                                           Kim ( Kẻ Sặt)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *