Con đường hiệp nhất giữa Anh Giáo và Công Giáo

1. Đức Hồng Y Bo kêu gọi: ”Hãy ăn năn để cứu hành tinh chúng ta đang sống; Hãy khẩn cấp bảo vệ môi trường sinh thái”

Đức Hồng Y Bo nói: “Hôm nay chúng ta đang phải đối diện với một cuộc hủy hoại môi trường, một thời điểm rất tinh tế mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chống lại thảm họa sắp xảy ra này khi Ngài nói về tội thời đại, ‘tội hủy hoại môi sinh’ của cá nhân và tập thể của con người, phá hủy Đất Mẹ là Trái đất chúng ta đanh sinh sống”. Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám mục của Yangon, trong một bài phát biểu tại hội nghị các nữ tu của vùng châu Á và châu Đại Dương, hiện đang được tổ chức trong những ngày ở Yangon.

Đức Hồng Y nhận xét:… “Cái điều tệ hại đã làm dấy lên một khủng khoảng sinh thái đối với Mẹ Trái đất trước sự biến đổi khí hậu là có thật và hành tinh Trái đất quá nóng, gây ra hàng ngàn ‘tai nạn môi trường”. Biến đổi khí hậu là một quả bom nguyên tử đang chờ bục phá! Chúng ta đang ở trên ngưỡng cửa của ngày cùng tận về sinh thái. Viễn kiến khủng hoảng về sinh thái này là kết quả của một chuỗi tội làm hủy hoại môi sinh đi ngược lại với công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa “.

Đại hội này đã hình thành một kháng thư do những người nữ tu của vùng châu Á và châu Đại Dương soạn: “Đây là điều cấp bách được hỗ trợ cho viễn ảnh tiên tri, biến họ thành những nhà truyền giáo của lòng thương xót hầu thúc đẩy tất cả làm việc bảo vệ cho môi sinh”. Hai tài liệu của Đức Giáo Hoàng về thông điệp Laudato si ‘và Misericordiae vultus là tài liệu cho việc tham chiếu, Đức Hồng Y Bo cho biết: “Chúng tôi có thể nói về sự chuyển đổi sinh thái toàn cầu”, khi nhắc lại cụm từ đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phalô II giới thiệu và nhấn mạnh trước nạn bất công kinh tế và không bình đẳng.

Chỉ có 1% những người giàu có, Đức Hồng Y Bo nói, trên thực tế họ sở hữu 50% của cải trên thế giới: “Từ đây đem lại sự bất công về môi trường và bất công về sinh thái trước sự kiện nhà kính làm tăng vọt độ ấm toàn cầu do các quốc gia giàu mạnh. Chẳng hạn Hoa Kỳ, với một dân số khoảng 6% của thế giới, mà sản lượng khí thải nhà kính lên đến 40%. Ai sẽ lãnh nhận những hậu quả khôn lường này? Người nghèo và các nước nghèo bị tổn thương nhiều nhất trước sự tăng vọt độ nóng của toàn cầu! Gây ra các cơn lốc xoáy, động đất, lũ lụt, gây ra cảnh màn trời chiếu đất cho hàng ngàn nạn nhân trước các thảm họa tự nhiên.

Đây là một chủ nghĩa khủng bố môi trường sinh thái. Sức mạnh của thế giới này quyết định ai sẽ sống hay chết. Khủng bố kinh tế và môi trường sinh thái được tung ra chống người nghèo “. Đức Hồng Y nhắc lại nhu cầu “một cách tiếp cận tích cực trong cuộc chiến chống nghèo đói là bảo vệ thiên nhiên” và Ngài tuyên bố: “khủng hoảng môi trường sinh thái là một cuộc khủng hoảng về đạo đức, nó là một cuộc khủng hoảng hiện sinh: bản chất của nó là cắt xén do lòng tham lam kinh tế “.

“Nhân loại đã phá vỡ hiệp ước với thiên nhiên”, Ngài tiếp tục, “và đây là lý do tại sao đây là một vấn nạn luân lý sâu xa: tội hủy hoại môi trường sinh thái, chúng ta cần chuyển đổi sang làn sóng bảo vệ môi trường sinh thái và loan báo Tin Mừng môi sinh lành mạnh”.

Trước ngưỡng cửa Mùa Chay, Đức Hồng Y kêu gọi: “Hãy ăn năn, sự sáng tạo của Thiên Chúa đang gặp nguy cơ, chúng ta hãy thay đổi cuộc sống mình để cứu lấy hành tinh trái đất chúng ta đang sinh sống”

2. Án xin Phong thánh cho một số Tôi tớ Chúa

Đức Hồng Y Angelo Amato SDB, Chủ tịch Hội đồng Phong thánh đã đệ trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Triều yết Hồ sơ xin Phong thánh cho một số các Tôi tớ Chúa.

Tử đạo:

– Tôi tớ Chúa Linh mục Tito Zeman, một linh mục người Slovakia thuộc Tu hội Salesian Don Bosco (1915-1969).

Nhân Đức Anh Hùng của các Tôi tớ:

– Tôi tớ Chúa Giám mục Octavio Ortiz Arrieta, người Peru thuộc Tu hội Salesians Don Bosco (1878-1958);

– Tôi tớ Chúa linh mục Antonio Provolo, người Ý, là Đấng sáng lập Tu hội Đức Maria chuyên lo giáo dục cho những người mù và câm điếc (1801-1842);

– Tôi tớ Chúa linh mục Antonio Repiso Martínez de Orbe, người Mexicô thuộc dòng Tên, sáng lập Tu hội Nữ tỳ Chúa Chiên (1856-1929);

– Tôi tớ Chúa María de las Mercedes Cabezas Terrera, người Tây Ban Nha, sáng lập Tu hội Truyền giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu (1911-1993);

– Tôi tớ Chúa nữ tu Lucia Mẹ Vô Nhiễm (tên trên giấy khai sinh là Maria Ripamonti), người Ý thuộc Dòng Nữ tử Bác ái (1909-1954);

– Tôi tớ Chúa Pedro Herrero Rubio, một giáo dân người Tây Ban Nha (1904-1978);

– Tôi tớ Chúa Vittorio Trancanelli, một người giáo dân và một ông bố người Ý (1944-1998).

3. Buổi cử hành đại kết nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh.

Ngày 22 tháng 03 tới đây, một buổi phụng vụ đại kết sẽ được cử hành tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Chúa Giêsu.

Ngay chính giữa Nhà Thờ Mộ Thánh, là một cấu trúc, tiếng Anh gọi là Edicule, được xây bao phủ quanh Mộ Chúa Giêsu.

Sau 9 tháng thực hiện việc trùng tu, các Giáo Hội Công Giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni Tông truyền – coi sóc đền thờ thánh Anatasio – đã cùng nhau quyết định rằng các khách hành hương và du khách sẽ có thể thăm viếng Mộ Chúa Giêsu, sau khi các giàn giáo bao quanh được tháo gỡ.

Antonia Mariopoulou, kỹ sư của Học viện bách nghệ của Athen và điều hợp viên khoa học của công trình chia sẻ: “9 tháng trùng tu đã được đánh dấu bởi những thời khắc lịch sử. Ðầu tiên là việc mở Mộ Chúa Giêsu vào tháng 10 – lần đầu tiên sau 200 năm – và là lần thứ 3 trong lịch sử.” Bà nói tiếp: “Chúng tôi đã thấy một lớp đá cẩm thạch và dưới đó, một lớp đá cẩm thạch khác màu xám, bị phủ bởi bị đất. Với sự cho phép của 3 cộng đoàn Kitô giám quản, chúng tôi đã đào lớp đất này lên. Chúng tôi đã tìm thấy, chứ không phải là khám phá ra, một phiến đá được chạm khắc và chúng tôi đã hiểu chính ở đây, một ai đó được chôn cất, ở đây, xác của Chúa Giêsu được đặt ở đây.”

Cấu trúc Edicule bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 1809-1810, là công trình xây dựng cuối cùng sau công trình thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ chứa xác Chúa Giêsu, sau khi được hạ xuống khỏi thập giá. Kiến trúc nhanh chóng có những dấu hiệu không chắc chắn; sự thay đổi của vữa, thời tiết, khói nến hay hơi thở của số đông du khách và khách hành hương đã làm cho công trình thêm suy yếu.

Trong 9 tháng, các chuyên gia và nhân công đã làm việc hết mình, ngày cũng như đêm, làm một công việc tỉ mỉ và phục hồi tinh tế. Edicule đã bị tháo dỡ hoàn toàn; tẩy sạch, gia cố, được xây dựng lại như ban đầu. Chỉ những mảnh không thể phục hồi mới bị thay thế.

4. Hơn 10 triệu trẻ em Syria phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh.

Tổ chức UNICEF Nhi đồng thế giới trực thuộc Liên Hiệp Quốc vừa lên tiếng kêu gọi bảo vệ quyền của trẻ em tại Syria.

Nhân dịp các phe phái liên hệ trong cuộc chiến tại Syria, được kêu gọi tái khai diễn cuộc hòa đàm dự định tổ chức tại Genève, Thụy Sĩ, UNICEF kêu gọi chú ý đến số phận của hơn 10 triệu trẻ em đang phải hứng chịu hậu quả của chiến cuộc kéo dài từ gần 6 năm nay tại đây.

Chỉ trong gần 2 tháng đầu năm 2017, đã có ít nhất 20 em tử thương trong các cuộc tấn công hay giao tranh và bao nhiêu em khác bị thương, trong số này có cả một bé gái mới sinh 1 ngày. Ngoài ra khoảng 2 triệu trẻ em khác không được cứu trợ khẩn cấp.

Cho tới lúc này, chỉ có 3 lần các tổ chức cứu trợ thiện nguyện có thể đi vào những lãnh thổ giao tranh để cứu cấp người bị thương. Trên toàn nước Syria, trẻ em tiếp tục đau khổ vì bạo lực chiến tranh và vì thiếu mọi nhu cầu cơ bản nhất hầu sống còn.

UNICEF lập lại những lời kêu gọi hướng đến cộng đồng thế giới và nhất là những phe lâm chiến, hãy làm sao để khẩn cấp ngưng tiếng súng đạn. Hơn 10 triệu trẻ em Syria đang trực tiếp hứng chịu hậu quả cuộc chiến tàn khốc vô nhân này chỉ mong muốn một điều duy nhất là hòa bình để chúng có thể phục hồi cuộc sống trẻ thơ của mình.

5. Vẫn còn 653 triệu người thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới.

Tổ chức Lương Nông quốc tế, gọi tắt là FAO, có trụ sở tại Roma đã lên tiếng báo động rằng nếu không có những nỗ lực dấn thân cần thiết thì vào năm 2030, vẫn còn 653 triệu người thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới.

Lời báo động này được đưa ra trong báo cáo mới công bố của tổ chức FAO với tựa đề: Tương lai thực phẩm và nông nghiệp: khuynh hướng và thách đố. Trong đó, tổ chức nhấn mạnh rằng nếu không có những nỗ lực mới nhắm thăng tiến phát triển nơi các dân tộc nghèo khó, giảm thiểu sự chênh lệch và bảo vệ những kẻ yếu đuối nhất, thì vào năm 2030 tới đây, vẫn còn 653 triệu người thiếu dinh dưỡng.

Khả năng tìm kiếm thực phẩm của con người trong tương lai đang bị đe dọa bởi khai thác tài nguyên thiên nhiên quá độ, sự tăng trưởng bất công xã hội và đe dọa thay đổi khí hậu.

Báo cáo nhấn mạnh là mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống nạn đói và thiếu dinh dưỡng trong ba thập niên gần đây, sự gia tăng sản xuất thực phẩm nhiều khi đã được thực hiện với sự phá hủy môi trường thiên nhiên, vượt quá khả năng của trái đất.

Tổ chức FAO ước lượng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ lên đến khoảng 10 tỷ người và nhu cầu thực phẩm toàn cầu gia tăng 50% so với hiện nay. Ðiều này có nghĩa là trái đất sẽ phải cố gắng sản xuất thêm 50% nữa, mặc dù hiện nay đang lâm vào tình trạng kiệt quệ. Rồi sẽ có thêm các biến đổi thực phẩm ăn kiêng vì quá dư thừa, tiêu thụ nhiều thịt thà, hoa trái rau củ đã được pha chế, khiến tài nguyên thiên nhiên bị lạm dụng đến mức tối đa. Ðó là chưa kể đến hậu quả của mối nguy biến đổi khí hậu như hạn hán hay mưa lũ bão tố làm giảm hạ lượng thực phẩm thu hoạch và có thể dẫn đến tình trạng đói kém.

Chính vì thế, tổng giám đốc FAO ông José Da Silva kêu gọi thế giới đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, song song với những nghiên cứu phát triển hầu tìm ra những phương thế mới, có thể chịu đựng được trong lãnh vực sản xuất, đặc biệt là tìm ra những biện pháp giải quyết việc thiếu nước dùng và đối diện với các nguy hại của hiện tượng biến đổi thời tiết.

6. Đức Thánh Cha tiếp kiến cộng đồng Capodarco

Trong buổi tiếp kiến 2,600 thành viên cộng đồng Capodarco sáng ngày 25 tháng 2, Đức Thánh Cha khích lệ cộng đồng này trong việc đón nhận và hội nhập những người khuyết tật hoặc gặp các khó khăn khác nhau.

Cộng đồng này do Cha Franco Monterubbianese sáng lập cách đây 50 năm sau khi hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức và Loreto, và hiện nay có 14 chi nhánh tại các miền ở Italia. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Cha Vinicio Albanesi, đương kim chủ tịch của Cộng đồng Capodarco.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng chất lượng cuộc sống trong xã hội phần lớn được đo lường theo khả năng xã hội ấy có bao gồm những người yếu thế và túng thiếu trong niềm tôn trọng nhân phẩm của họ hay không.. Cả những người khuyết tật và yếu đuối về thể lý, tâm lý hoặc luân lý cũng phải được tham gia vào đời sống xã hội và được giúp đỡ để thực thi các tiềm năng của mình trong các chiều kích khác nhau”.

Từ tiền đề trên đây, Đức Thánh Cha ca ngợi hoạt động từ 5 chục năm qua của cộng đồng Capodarco , quan tâm tới cuộc sống và lắng nghe những người có khả năng bị giới hạn. Ngài nói: “Phương pháp tiếp cận của anh chị em đối với những người yếu thế vượt lên trên thái độ duy đạo đức hoặc duy trợ giúp, để tạo điều kiện cho những người gặp khó khăn giữ vai chính trong cộng đoàn, không khép kín vào mình, nhưng cởi mở đối với xã hội.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục con đường này, đề cao hoạt động của chính những người khuyết tật. Đứng trước các vấn đề kinh tế và những hậu quả tiêu cực của sự hoàn cầu hóa, cộng đồng của anh chị em tìm cách giúp đỡ những người bị thử thách không cảm thấy mình bị loại trừ, hoặc bị gạt ra ngoài lề, trái lại bước đi hàng đầu, làm chứng về kinh nghiệm bản thân của họ. Vấn đề ở câu là thăng tiến phẩm giá và sự tôn trọng mỗi người, giúp những người cảm thấy bị thất bại trong cuộc sống cảm thấy được sự dịu dàng của Thiên Chúa là Cha yêu thương mỗi thụ tạo của Ngài.

7. Đức Thánh Cha tiếp khóa học về hôn nhân và gia đình

Sáng ngày 25 tháng 2, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 350 cha sở và các linh mục tham dự khóa học về hôn nhân và gia đình. Ngài kêu gọi các vị giúp chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ và giúp giải hôn phối cho những cặp gặp khó khăn và tin rằng hôn phối của họ kết ước bất thành.

Khóa họp do Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma tổ chức với các vị thẩm phán giảng huấn trong khóa học.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng các cha sở, các linh mục là những người đầu tiên tiếp xúc với các bạn trẻ muốn cử hành hôn phối và những người đã kết hôn mà gặp khó khăn, hoặc hôn nhân của họ bị tan vỡ và muốn khởi sự tiến trình xin xác nhận hôn nhân vô hiệu. Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục hãy đồng hành với họ để làm chứng tá và nâng đỡ các tín hữu ấy, làm chứng về bản chất của bí tích hôn phối như hình ảnh của Thiên Chúa là cộng đoàn hiệp thông trọn vẹn giữa Ba Ngôi.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Anh em cũng hãy quan tâm nâng đỡ những người nhận thấy cuộc kết hợp của họ không phải là một bí tích hôn phối đích thực và muốn ra khỏi tình trạng ấy. Trong công tác tế nhị và cần thiết này, anh em hãy làm sao để các tín hữu nhận thấy anh em không phải là những chuyên gia bàn giấy hoặc chuyên gia về các qui luật pháp lý, nhưng như những người anh đặt mình trong thái độ lắng nghe và cảm thông. Đồng thời anh em cũng hãy gần gũi với lối sống của Tin Mừng trong việc gặp gỡ và đón tiếp những người trẻ muốn sống chung mà không kết hôn. Trên bình diện tinh thần và luân lý, họ thuộc vào số những ngừơi nghèo và bé nhỏ mà Giáo Hội muốn là người Mẹ không bỏ rơi họ, theo gương Thầy và Chúa của chúng ta, nhưng gần gũi và chăm sóc họ.

8. Bài giảng của Ðức giáo hoàng Phanxicô trong giờ hát Kinh Chiều tại nhà thờ “Các Thánh” của Anh giáo ở Roma.

Trước khi kết thúc chương trình, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em, toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Các Thánh của Anh Giáo.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúa Nhật 26 tháng Hai năm 2017, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm Nhà thờ “Các Thánh” của Anh giáo ở Roma để dự lễ kỷ niệm 200 năm ngày Giáo Hội Anh giáo cử hành phụng vụ lần đầu tiên ở Roma, tức là ngày 27 tháng Mười năm 1816.

Trong dịp này, Ðức giáo hoàng đã tham dự giờ Kinh Chiều theo phụng vụ Anh giáo; và tại buổi hát Kinh Chiều này, Ðức giáo hoàng đã có bài giảng như sau:

Anh Chị Em thân mến,

Tôi muốn cảm ơn Anh Chị Em đã có nhã ý mời tôi tham dự lễ kỷ niệm này của giáo xứ cùng với Anh Chị Em. Hơn hai trăm năm đã qua kể từ khi buổi phụng vụ Anh giáo công khai đầu tiên được tổ chức tại Roma dành cho một nhóm cư dân người Anh ở thành phố này. Từ đó đã có bao thay đổi ở Roma và trên thế giới. Trong hai thế kỷ qua, cũng đã có nhiều đổi thay giữa Anh giáo và Công Giáo, là những người trong quá khứ đã từng nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ và thù địch. Ngày nay, với tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta nhận ra nhau như chúng ta thật sự là thế: anh chị em trong Chúa Kitô, qua phép rửa chung của chúng ta. Như những người bạn và những người hành hương, chúng ta muốn cùng nhau tiến bước, cùng nhau đi theo Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Anh Chị Em đã mời tôi làm phép cho bức ảnh Chúa Kitô Cứu Thế. Chúa Kitô nhìn chúng ta, và ánh mắt của Chúa là ánh mắt của sự cứu rỗi, của tình yêu và lòng thương xót. Cũng chính ánh mắt đầy thương xót ấy đã đâm thấu con tim của các Tông đồ, là những người bỏ lại quá khứ sau lưng để bắt đầu một hành trình đời sống mới, để đi theo và loan báo Chúa. Trong bức icôn này, khi Chúa Giêsu đoái nhìn chúng ta, Người như cũng mời gọi chúng ta: “Con có sẵn sàng từ bỏ mọi sự của quá khứ của con để theo Thầy không? Con có muốn làm sứ giả tình yêu và lòng thương xót của Thầy không?”

Ánh mắt xót thương của Thiên Chúa là khởi nguồn của toàn bộ thừa tác vụ Kitô giáo. Tông đồ Phaolô nói với chúng ta điều ấy, qua những lời ngài viết cho các tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe. Ngài viết: “Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4, 1). Thừa tác vụ của chúng ta xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót ấy nâng đỡ tác vụ của chúng ta và giữ cho nó luôn có sức sống.

Thực tế, không phải lúc nào Thánh Phaolô cũng có mối tương quan dễ chịu với cộng đoàn ở Corintô, như những bức thư của ngài đã cho thấy. Ðã từng có một chuyến viếng thăm đau xót đến cộng đoàn này, với những lời lẽ mạnh mẽ trong thư viết. Nhưng đoạn này cho thấy Phaolô đã vượt qua những bất đồng trong quá khứ. Khi sống sứ vụ của mình trong ánh sáng của lòng thương xót đã đón nhận, ngài không đầu hàng những chia rẽ, nhưng ra sức hoà giải. Khi chúng ta, cộng đoàn những Kitô hữu được rửa tội, thấy mình đứng trước những bất đồng và quay về với dung mạo đầy thương xót của Chúa Kitô để vượt qua những bất đồng ấy, chúng ta sẽ yên tâm biết rằng mình đang làm như Thánh Phaolô đã làm nơi một trong những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên.

Thánh Phaolô đã xoay xở với công việc này như thế nào, đã bắt đầu từ chỗ nào? Bằng lòng khiêm tốn, vốn không chỉ là một đức tính đẹp, nhưng còn là một vấn đề về căn tính. Phaolô tự nhận mình là một người tôi tớ, ngài không rao giảng chính mình, nhưng rao giảng Ðức Giêsu Kitô là Chúa (c. 5). Và ngài thi hành sứ vụ này theo lòng thương xót được bày tỏ cho ngài (c. 1.): không dựa vào khả năng hay sức mạnh của chính mình, nhưng tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dõi nhìn và lấy lòng thương xót nâng đỡ sự yếu đuối của mình. Trở nên khiêm tốn có nghĩa là ra khỏi mình, nhìn nhận mình phụ thuộc vào Thiên Chúa như một người ăn xin lòng thương xót: đây là điểm khởi đầu để Thiên Chúa có thể hoạt động trong chúng ta. Một vị cựu chủ tịch Hội đồng Thế giới các Giáo Hội đã mô tả việc truyền giáo của Kitô giáo là “một người ăn xin bảo một người ăn xin khác biết có thể xin bánh ở đâu”. Tôi tin là Thánh Phaolô cũng đồng ý như thế. Ngài cảm nhận mình đã “được nuôi dưỡng bằng lòng thương xót” và ưu tiên của ngài là chia sẻ bánh cho những người khác: đó là niềm vui được Chúa yêu và yêu Chúa.

Ðó là điều quý giá nhất của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, và chính trong bối cảnh này mà Phaolô trình bày một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của ngài, hình ảnh mà mọi người chúng ta có thể áp dụng cho chính mình: “chúng tôi chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành” (c. 7). Chúng ta chỉ là những chiếc bình sành, nhưng chúng ta lại mang trong mình những kho tàng vĩ đại nhất của thế gian. Các tín hữu Corintô biết rõ rằng thật là ngu ngốc khi đựng đồ quý giá trong bình sành, tuy rẻ tiền nhưng dễ vỡ. Ðựng đồ giá trị trong đó sẽ có nguy cơ bị mất. Phaolô, một tội nhân được tha thứ, đã khiêm tốn nhận ra mình mong manh như chiếc bình sành. Nhưng ngài cảm nghiệm và biết rằng chính ở nơi đó mà đau khổ của con người mở ra cho hành động thương xót của Thiên Chúa; Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Ðó là cách thức “quyền năng phi thường” của Thiên Chúa hoạt động (c. 7).

Tin tưởng vào sức mạnh khiêm tốn này, Phaolô phục vụ Tin Mừng. Nói về mấy kẻ chống đối ngài ở Corintô, Phaolô gọi họ là những “Tông đồ siêu đẳng” (2 Cr 12,11), có lẽ có chút mỉa mai, vì họ đã phê bình ngài là yếu đuối còn họ thì không. Trái lại, Phaolô dạy rằng chỉ khi nào chúng ta nhận mình là những bình sành yếu đuối, là những tội nhân luôn cần đến lòng thương xót, thì kho tàng của Thiên Chúa mới được tuôn đổ vào chúng ta và qua chúng ta, cho những người khác. Bằng không, chúng ta sẽ chỉ chất đầy các kho báu của mình, vốn hư thối trong những chiếc bình ra vẻ xinh đẹp. Nếu chúng ta nhận ra yếu đuối của mình và xin ơn tha thứ, thì lòng thương xót chữa lành của Thiên Chúa sẽ tỏa sáng ở trong chúng ta và sẽ tỏ lộ ra bên ngoài; qua chúng ta, một cách nào đó những người khác sẽ nhận thấy vẻ đẹp khả ái của dung mạo Chúa Kitô.

Một lúc nào đó, có lẽ vào lúc khó khăn nhất của cộng đoàn ở Côrintô, Tông đồ Phaolô đã huỷ chuyến viếng thăm Corintô mà ngài đã dự định, cũng như không nhận những quà tặng của họ mà lẽ ra ngài sẽ nhận (2 Cr 1,15-24). Mặc dù những căng thẳng vẫn tồn tại trong tình bạn giữa hai bên, nhưng những căng thẳng ấy không phải là tiếng nói cuối cùng. Mối tương quan đã được phục hồi và Phaolô lại đón nhận những tặng phẩm để giúp đỡ Giáo Hội tại Giêrusalem. Các tín hữu ở Corintô lại tiếp tục cộng tác với các cộng đoàn khác đã được Phaolô đến thăm, để nâng đỡ những ai túng thiếu. Ðây là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự hiệp thông được đổi mới. Công việc mà cộng đoàn của Anh Chị Em đang thực hiện cùng với các cộng đoàn nói tiếng Anh khác ở Roma có thể được nhìn trong ánh sáng này. Thật vậy, sự hiệp thông vững chắc đang phát triển và được xây dựng khi mọi người cùng nhau làm việc để giúp đỡ những ai túng thiếu. Nhờ chứng tá chung trong công việc bác ái, khuôn mặt đầy thương xót của Chúa Giêsu trở nên hữu hình trong thành phố của chúng ta.

Là người Công Giáo và người Anh giáo, chúng ta khiêm tốn tạ ơn vì, sau nhiều thế kỷ nghi kỵ lẫn nhau, giờ đây chúng ta nhận ra được rằng ân sủng hiệu quả của Chúa Kitô cũng đang hoạt động nơi người khác. Chúng ta tạ ơn Chúa vì mong muốn xích lại gần nhau hơn giữa các Kitô hữu đang gia tăng, biểu lộ trong việc cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng, nhất là nơi nhiều hình thức phục vụ của chúng ta. Ðôi khi, tiến độ trong hành trình hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn của chúng ta dường như chậm lại và bấp bênh, nhưng hôm nay chúng ta lại được khích lệ qua cuộc gặp gỡ này. Lần đầu tiên, một Giám mục Roma đến thăm cộng đoàn của Anh Chị Em. Ðó là một hồng ân và cũng là một trách nhiệm: trách nhiệm củng cố mối quan hệ của chúng ta, để ca ngợi Chúa Kitô, trong việc phục vụ Tin Mừng và phục vụ thành phố này.

Chúng ta hãy khích lệ nhau trở nên những người môn đệ của Chúa Giêsu càng ngày càng trung tín, càng ngày càng thoát khỏi những thành kiến của mình trong quá khứ và càng ngày càng mong muốn cầu nguyện cho người khác và với người khác. Một dấu hiệu tốt đẹp của mong muốn này là hôm nay diễn ra “lễ kết nghĩa” giữa giáo xứ Các Thánh của Anh Chị Em và giáo xứ Các Thánh Công Giáo. Nguyện xin các thánh của mỗi hệ phái Kitô giáo, đang hiệp thông trọn vẹn trên Giêrusalem thiên quốc, mở ra cho chúng ta dưới trần thế này con đường có thể dẫn đến một hành trình Kitô giáo huynh đệ chung. Nơi nào chúng ta hiệp nhất trong Danh Chúa Giêsu, nơi đó có Chúa (x. Mt 18,20), và Ngài đưa mắt xót thương nhìn đến chúng ta, kêu gọi chúng ta hiến thân trọn vẹn cho hiệp nhất và tình yêu. Xin tôn nhan Chúa chiếu soi Anh Chị Em, gia đình của Anh Chị Em và toàn thể cộng đoàn này!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *