Lời tâm tình của Ba

Thế là các con của ba đã lớn khôn, trưởng thành.

Ba không muốn các con trưởng thành mà không nên người; nên người tốt và hữu ích. Hữu ích cho bản thân, hữu ích cho gia đình và hữu ích cho xã hội.

Ba mong muốn các con trở thành người hữu ích mà phải biết: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Trong đó, các con hãy hiểu biết sâu sắc về Lễ mà đối xử với nhau cho trọn.
Biết lấy Lễ mà đối xử với một quả tim yêu thương như Chúa Giêsu dạy, thì các con của ba sẽ nên trọn lành.

Hôm nay, ba nói với các con bằng tình bạn, để các con cảm nhận được điều mong ước của ba. Trong tộc Hoàng, ông bà, cha bác, chú cô cùng các anh em con cháu luôn đối xử hòa nhã, yêu thương, kính trên, nhừong duới, cũng do gìn giữ cái lễ mà được. Cũng có lúc Hoàng tộc sóng gió, nhưng nhờ có Lễ mà người dưới biết vâng lời, bề trên biết rộng lượng nên mọi chuyện đều tốt đẹp.

Nhưng các con cũng đừng vì cái Lễ mà kết tội anh em mình. Phải biết yêu thương và tha thứ, nhân từ và rộng lượng như Chúa đã dạy thì mới đạt được hạnh phúc.

Lễ ở đây các con cũng nên biết, đó là:

Lễ phép

Lễ nghi

Lễ hỉ

Lễ hiếu

Lễ nhạc

Và Của Lễ

Lễ là sự thực hiện các phép tắc, khuôn mẫu mà người xưa đã thực hiện; là hình thức thể hiện việc tổ chức giao tế xã hội.

Ví dụ: các cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp, cách ứng xử trong cuộc sống đời thường; các hình thức cúng bái, tế lễ, cầu nguyện, v.v…

Khổng Tử nói: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời”.

Ở đây ba không bàn sâu về các Lễ, ba chỉ nói nội dung ý nghĩa để các con hiểu và giữ, sau này các con sẽ hiểu sâu hơn.

Lễ phép:

Có thái độ được coi là đúng mực đối với người trên, tỏ ra có lòng biết kính trọng người trên.

Ở đây ta có hai thái độ: một là thái độ của trên; hai là thái độ của người dưới.

Lễ phép: là sự tôn trọng của mình đối với người khác và cũng là tự tôn trọng mình.

Thái độ người trên: sống đúng mực để trở nên tấm gương sáng; rộng lượng và khoan dung; yêu thương và tha thứ; nhân từ và cương trực; tâm cao đức rộng; 

Thái độ người dưới: vâng lời, tôn kính, khiêm nhường, biết ơn, trân trọng, kính mến, không phê phán chỉ trích, nói lời hay ý đẹp, phong cách nghiêm trang, vui tươi, đi đứng nhẹ nhàng, ôn hòa, từ tốn, cung kính. Biết nhận lỗi và xin lỗi.

Lễ nghi: là nghi thức và trình tự tiến hành một cuộc lễ.

Đám cưới, đám tang cử hành đúng lễ nghi, tức là các nghi thức được tiến hành đầy đủ, tuần tự, từ đầu cho đến kết thúc theo lễ nghi đám cưới hoặc đám tang.

Lễ hỉ: là các nghi thức hân hoan, vui tươi được thực hiện trong ngày lễ cưới – hỏi. Như những lời chúc mừng, tiếng vỗ tay, tiếng cười …

Lễ tang: là các nghi thức tang chế thực hiện trong ngày lễ đưa tiễn người quá cố hay ngày giỗ. Như khăn tang, lời chia buồn, tiếng khóc …

Lễ nhạc: là các bài hát, bài hò, bài tế … Tiếng đàn, tiếng trống, tiềng kèn… phù hợp trong nghi thức của buổi lễ.

Các con thân yêu của ba, các Vị Thánh Hiền, các bậc Quân tử luôn giữ Lễ rất nghiêm minh cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Ba còn nhớ câu chuyện về Đức Khổng Tử giữ lễ: một hôm, đang trên đường đi, Khổng Tử gặp một đám đưa tang, Khổng Tử dừng lại, ngả nón, cúi đầu. Cho đến khi đám tang đi qua, Khổng Tử mới đi tiếp.

Các con nên nhớ, giữ lễ đối với người sống, đối với người chết và cả với đất trời.
Còn ba và các con, hãy noi gương Chúa Giêsu mà giữ Lễ.

Chúa Giêsu đã giữ Lễ, lập nên Lễ Mới và thực hiện một cách toàn thiện.

Ngày từ khi bắt đầu đi rao giảng, Chúa Giêsu đã chịu phép rửa bởi ông Gioan Tiền hô. Đây là nghi lễ thanh tẩy có truớc Chúa Giêsu, Chúa vẫn giữ và nâng lên một tầm cao mới là: Rửa trong Thánh Thần để tái sinh ta lại làm con Chúa.

Trong tiệc cuới Cana, Chúa Giêsu cũng đến để chúc phúc. Đây là nghi lễ cưới hỏi.
Mỗi khi Chúa Giêsu làm một việc gì, Chúa luôn ngửa mặt lên trời, đọc lời chúc tụng rồi thực hiện. 

Khi nói chuyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu luôn thưa: Lạy Cha; Thưa Cha. Chúa Giêsu giữ Lễ với Chúa Cha.

Chúa đã dạy các Tông đồ hãy biết phục vụ người dưới bằng một nghi thức rửa chân cho các Tông đồ: Thầy là Thầy và là Chúa còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Lễ của người trên đối với người dưới.

Trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã lập một Lễ rất quan trọng, là tâm điểm của đạo Công Giáo, đó là Lễ Misa. Cũng vậy, những ai tin vào Chúa Giêsu mà không giữ cho trọn Lễ Misa thì khó có thể được sự sống đời đời.

Các con của ba, đến đây phần nào các con đã hiểu về Lễ, các con hãy cố gắng giữ cho trọn. Đặc biệt là các con hãy giữ Lễ Hiếu cho tốt và sống kết hiệp mật thiết với Thánh  Thể trong Lễ Misa để các con được hạnh phúc và nên trọn lành, để sau này được hưởng hạnh phúc muôn đời.

Các con hãy nhớ lời Ba.

Gã Đầu Bạc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *