Video: Các cuộc diễn hành phò sinh trên thế giới

1. Phiên họp khoáng đại Hội Đồng Giám Mục Italia

Sáng thứ Hai 22 tháng 5, các Giám Mục Italia thuộc 62 tổng giáo phận và 163 giáo phận đã tham dự phiên họp khoáng đại tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican.

Trong những lời nhận xét ngắn gọn với các giám mục trong phiên khai mạc vào sáng 22 tháng 5, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Giám Mục thảo luận một cách tự do và cởi mở, vì “khi cuộc đối thoại bị dập tắt, tin đồn sẽ được gieo rắc.” Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát biểu thẳng thắn những ý kiến khác nhau.

Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Hồng Y Bagnasco vì sự phục vụ của ngài trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia trong 10 năm qua. Ngài nói đùa rằng công việc của Đức Hồng Y đã rất khó khăn vì “không dễ dàng làm việc với Đức Giáo Hoàng này”.

Trong bài diễn văn sau cùng của mình với tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, Đức Hồng Y Bagnasco đã nói về tầm quan trọng của phúc âm hóa những người trẻ tuổi tại Ý.

2. Các cuộc tuần hành phò sinh tại Canada

Hôm 11/05, trong cuộc Tuần hành quốc gia vì Sự sống lần thứ 20, Đức Hồng Y Thomas Collins của Toronto đã nói với hàng ngàn người ủng hộ sự sống rằng eutanasia (làm chết êm dịu) và sự chà đạp quyền lương tâm “làm cho quốc gia chúng ta xấu hổ”.

Đức Hồng Y nói: Chúng ta ở đây thật là quan trọng. Chúng ta không sở hữu sự sống. Chúng ta thật sự được ủy thác món qua đó từ giây phút thụ thai cho đến cái chết tự nhiên.”

Ngài nói rằng các nhà lập pháp và các quan tòa đã quay lưng lại với sự thánh thiêng của sự sống, khi để việc bảo vệ các trẻ chưa được sinh ra và những người đang đối diện với cái chết tự nhiên cho người khác bảo vệ.

Đức Hồng Y mời gọi mọi người dùng đôi tay của họ để phục vụ những ai cần tình yêu và sự chăm sóc để đưa họ ra xa khỏi eutanasia. Dân chúng có thể dùng trái tim của họ, đặc biệt trong thinh lặng của cầu nguyện, để xin Thiên Chúa hướng dẫn cách thức chiến đấu cho sự sống cách có hiệu quả và có thể dùng đầu của họ để lượng định điều họ đang làm và hỏi ‘Nó có hiệu quả không?’

Bên cạnh cuộc tuần hành vì sự sống ở thủ đô Canada với khoảng 15 ngàn người, các cuộc tuần hành nhỏ cũng diễn ra tại Regina, Saskatchewan; Edmonton, Alberta; và Victoria, British Columbia.

8 Giám mục Công Giáo và hai Giám mục Anh giáo cũng hiện diện ở đồi Quốc hội. Đức Tổng giám mục Terrence Prendergast của Ottawa giải thích rằng các Giám mục Quebec đang đi “ad limina” ở Roma và đã gửi những lời chúc tốt nhất đến những người tham dự cuộc tuần hành.

3. Cuộc diễn hành vì sự sống tại Birmingham

Hôm thứ Bẩy 20 tháng Năm, bất chấp mưa và những đe dọa của các nhóm phò phá thai, hàng ngàn người đã tham dự cuộc tuần hành vì sự sống tại quảng trường Victoria của thành phố Birmingham, là thành phố lớn thứ hai tại Anh, chỉ sau thủ đô Luân Đôn.

Nhiều người biểu tình đã không thể vào được quảng trường Victoria vì các nhóm phò phá thai chặn các con đường vào quảng trường này. Cảnh sát đã hướng dẫn những người biểu tình đi vòng qua nhà thờ chánh tòa Anh Giáo Thánh Philiphê. Nhưng lại một lần nữa họ bị các nhóm phò phá thai chặn lại.

Cảnh sát đã phải chặn những người biểu tình lại để tránh xô xát với đám đông các nhóm phò phá thai đang ồn ào đe dọa dùng bạo lực. Trong khi chờ đợi cảnh sát tăng viện, những người biểu tình đã ngồi xuống các bãi cỏ hay ngay trên đường để đọc kinh Mân Côi.

Một lực lượng lớn cảnh sát đã được tăng viện và đưa được những người biểu tình phò sinh vào trong quảng trường Victoria.

Trong các diễn từ được nói lên tại cuộc biểu tình có cả diễn từ của một cựu bác sĩ phá thai là Catherine Adair. Cô nói: “Không có vấn đề nào của tôi đã được giải quyết bằng việc giết con tôi. Những người làm việc trong các phòng khám phá thai có thể là những người tốt, nhưng họ bị lừa dối. Xin cầu nguyện cho họ.”

4. Cuộc diễn hành vì sự sống tại Rôma

Cuộc diễn hành phò sinh lớn nhất tại Italia đã được tổ chức hôm 20 tháng 5 như là một sự kiện quốc gia của phong trào Phò Sinh để đề caao tính chất bất khả xâm phạm của cuộc sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên.

Các hiệp hội, gia đình, phong trào, đến từ khắp nơi trên đất Ý, và có cả những đại diện từ khắp nơi trên thế giới, nhằm tái khẳng định sự thánh thiêng của cuộc sống con người, phản đối các cuộc tấn công chống lại gia đình và định chế hôn nhân truyền thống, và chống lại việc gieo rắc ý thức hệ giới tính trong các trường học.

20 quốc gia đã có những đại diện của khoảng 100 tổ chức phò sinh tham dự trong biến cố này là Bỉ, Croatia, Pháp, Đức, Ireland, Ba Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Tiệp, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Á Căn Đình, Canada, Nigeria, St Lucia, Malta, Nam Phi, Venezuela, và New Zealand.

5. Công nghị tấn phong Hồng Y ngày 28 tháng 6

Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 21 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố với các tín hữu rằng ngài sẽ triệu tập Công Nghị Tấn Phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 để tấn phong 5 vị tân Hồng Y.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, tôi muốn thông báo với anh chị em rằng vào ngày Thứ Tư, 28 Tháng Sáu, tôi sẽ triệu tập một Công Nghị để tấn phong 5 Hồng Y mới”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “xuất xứ của các vị là từ những nơi khác nhau trên thế giới thể hiện tính Công Giáo của Giáo Hội, lan rộng trên khắp trái đất “.

Một ngày sau ngày đó, vào ngày 29 tháng 6 Lễ Trọng Kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, các tân Hồng Y sẽ đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với các vị tổng giám mục được bổ nhiệm trong vòng một năm qua, là những vị được nhận dây pallium từ Đức Thánh Cha trong buổi lễ đó.

Năm vị tân Hồng Y là: Đức Tổng Giám Mục Jean Zerbo, của tổng giáo phận Bamako, Mali; Đức Tổng Giám mục Juan José Omella của Barcelona, Tây Ban Nha; Đức Giám Mục Anders Arborelius của Stockholm, Thụy Điển; Đức Giám Mục José Gregorio Rosa Chávez, là giám mục phụ tá của San Salvador, El Salvador và Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Đại Diện Tông Tòa của Pakse, Lào và Giám Quản Tông Tòa của Viêng Chăn.

Trong danh sách các vị được tấn phong, điều đáng kinh ngạc là ngài đã chọn Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez (75 tuổi), là giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador thay vì chọn Đức Tổng Giám Mục Jose Luis Escobar Alas (58 tuổi). Tổng giáo phận San Salvador đã được Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero chăn dắt cho đến khi ngài bị bắn chết vào ngày 24 tháng Ba năm 1980, khi đang cử hành thánh lễ. Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez, lúc ấy là một linh mục, được xem là một cộng sự viên đắc lực của Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

6. Chân dung vị tân Hồng Y Gregorio Rosa Chavez

Đức Cha Gregorio Rosa Chavez, 75 tuổi, là giám mục phụ tá tổng giáo phận San Salvador, của El Salvador, vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo vinh thăng Hồng Y trong một trường hợp gây kinh ngạc cho nhiều người trên thế giới.

Vào ngày 28 tháng Sáu tới đây, Đức Cha Gregorio Rosa Chavez, sẽ là vị Hồng Y tiên khởi của El Salvador trong một trường hợp gây lúng túng không ít cho hàng giáo phẩm quốc gia này.

Đức Thánh Cha đã không chọn Đức Tổng Giám Mục Jose Luis Escobar Alas, năm nay mới 58 tuổi để vinh thăng Hồng Y; nhưng đã chọn một Giám Mục Phụ Tá. Hơn thế nữa vị Giám Mục Phụ Tá này trên thực tế chỉ là một cha sở ở một họ đạo ven đô của thủ đô San Salvador.

Vị Hồng Y tân cử là con của một nông dân nghèo. Nghèo đến mức, trong thời niên thiếu, cậu Rosa Chavez chưa từng bao giờ dám mơ ước trở thành một linh mục. Nhưng khi được 14 tuổi, cha cậu đã nhờ một người bạn đưa cậu vào một chủng viện.

Cậu Rosa Chavez có một sự thích thú đặc biệt với radio. Mở mắt dậy là cậu nghe radio; và luôn kết thúc một ngày với chiếc radio bên tai khi đang chìm dần vào giấc ngủ.

Biết ngài có hứng thú đặc biệt với công việc phát thanh; năm 1977, khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục San Salvador; Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero đã bổ nhiệm cha Rosa Chavez làm chánh văn phòng truyền thông của Ngài. Cha Rosa Chavez thành lập một đài phát thanh; và cùng nhau hai vị đối diện với những khoảnh khắc khó khăn nhất của Giáo Hội trong thời kỳ nội chiến tại nước này.

Chính đài phát thanh này đã phát ra những lời nổi tiếng của Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero:

“Trước lệnh giết người do ai đó ban ra, luật pháp của Thiên Chúa theo đó ‘Ngươi chớ giết người!’ phải thắng thế. Không một người lính nào có nghĩa vụ phải tuân theo một lệnh lạc chống lại luật pháp của Thiên Chúa… nhân danh dân tộc đau khổ này, dân tộc mà tiếng kêu than của họ bay tới trời cao càng ngày càng thống thiết hơn, tôi van xin anh em, tôi khẩn cầu anh em, và tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa, ngưng ngay tức khắc sự đàn áp này”.

Một ngày sau diễn từ nẩy lửa này, hôm 24 tháng Ba, năm 1980, Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero bị bắn chết.

Sau khi Đức Tổng Giám Mục Fernando Sáenz Lacalle là người kế vị Đức Tổng Giám Mục Romero qua đời vào năm 1994, nhiều người tin rằng cha Rosa Chavez sẽ lên thay, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.

Cha Rosa Chavez đã rất thẳng thắn trong cuộc chiến chống lại sự lạm dụng quyền hành của chính phủ, công khai chỉ trích chính phủ đã giết hại sáu linh mục Dòng Tên vào năm 1989. Chính phủ El Salvador chụp mũ ngài là “cộng sản” và ngài nhiều lần bị dọa giết.

Tuy nhiên, trong lòng các tín hữu, Đức Cha Phụ Tá Rosa Chavez nổi danh là một người bình dân, hiền hoà, chậm bất bình và nhanh chóng mỉm cười.

7. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc nói: chiến tranh tại Mosul sắp kết thúc – 16,000 quân thánh chiến Hồi Giáo tử trận

Hôm thứ Hai 22 tháng 5, trong cuộc điều trần tại Hội đồng Bảo an, ông Jan Kubis vừa trở về từ Iraq nói cuộc chiến giải phóng Mosul sắp chấm dứt và ngày tàn của cái gọi là “Nhà nước Hồi Giáo” đang đếm từng ngày.

Tuy nhiên, vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc tại Iraq nói nói cuộc chiến vẫn còn là “một thách đố to lớn” về nhân đạo, vì các chiến binh thánh chiến đang ráo riết sử dụng thường dân làm lá chắn sống trong “một nỗ lực cuối cùng trình bày trước thế giới sự tàn bạo vô nhân đạo vốn có của những kẻ khủng bố”.

Ông Kubis đã lên tiếng ca ngợi các lực lượng an ninh Iraq và liên quân trước các cố gắng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của các hoạt động quân sự trên thường dân “thậm chí nếu điều đó đi kèm với giá phải trả là chiến dịch này phải kéo dài và thương vong cao của quân đội”.

Chiến dịch giải phóng Mosul đã được khởi sự từ đêm 16 rạng 17 tháng 10, năm ngoái 2016 và đã kéo dài hơn 7 tháng.

Theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng Iraq, tính đến ngày 16 tháng 5, phía Iraq có 774 binh sĩ bị thiệt mạng và hơn 4,600 người bị thương. Quân Kurd thiệt mất 30 binh sĩ và khoảng 100 người bị thương. Hoa Kỳ có 2 quân nhân bị thiệt mạng trong khi Iran có 2 người bị giết.

Khoảng 5,000 dân thường bị thiệt mạng và 3,000 người khác bị thương. Theo ước lượng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, hơn 630,000 người phải tị nạn chiến cuộc.

Theo ước lượng của Bộ Quốc Phòng Iraq, 16,000 quân thánh chiến Hồi Giáo đã tử trận trong 7 tuần qua. Số quân thánh chiến Hồi Giáo còn lại khoảng 600 người vẫn kiểm soát được khoảng 5% diện tích Mosul và vẫn dùng dân thường làm bia đỡ đạn, chiến đấu cho đến chết chứ không đầu hàng.

8. Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo Ả Rập chống lại việc giết hại các tín hữu Kitô

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo Ả Rập diễn ra tại Riyadh, tổng thống Donald Trump nói về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc bách hại người Do Thái và các Kitô hữu.

Ông nói:

“Đây không phải là một trận chiến giữa các tôn giáo khác nhau, các giáo phái khác nhau, hoặc các nền văn minh khác nhau. Đây là một trận chiến chống lại những tên tội phạm dã man là những kẻ tìm cách tiêu diệt đời sống con người, nhân danh tôn giáo.”

“Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều đó có nghĩa là đối diện một cách trung thực với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các hình thái khủng bố Hồi giáo. Chúng ta phải dừng lại những gì họ đang làm để kích động, vì họ không linh hứng điều gì khác hơn là giết người.”

Tổng thống Trump nói thêm:

“Và nó có nghĩa là đứng chung với nhau chống lại việc giết người những người Hồi giáo vô tội, áp bức phụ nữ, đàn áp người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải hoàn toàn rõ ràng về điều này – sự man rợ sẽ chẳng mang lại cho các bạn chút vinh quang nào”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *