Dòng Đa Minh Thế Kỷ XIII (W. Hinnebusch OP)

Chương II. Dòng Đa Minh Thế Kỷ XIII

Trích “HÀNH TRÌNH CHÂN LÝ”
(The Dominicans, a short history, W. Hinnebusch OP
Brève histoire de l’Ordre Dominicain, Guy Bedouelle OP)
Lm Px. Đào Trung Hiệu op và lớp tập 1992-93.

Thế kỷ XIII là thời phát triển cực thịnh của anh em Thuyết Giáo. Thời kỳ này, với sức sống và nhiệt tâm tràn đầy, dòng đã thu hút được những nhân vật tài giỏi và đã giúp họ tận dụng được khả năng của mình. Lý tưởng cao quí và những đường hướng của Dòng, vì phù hợp với thời đại, nên đã lan rộng với sức mạnh nguyên tuyền và mãnh liệt. Sức mạnh này cộng với sự gia tăng nhanh chóng số thành viên đã cho phép Dòng mở rộng thêm nhiều sứ vụ mới.

Thánh Đa Minh lúc sinh thời, đã lập nhiều tu viện tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Scandinavie. Dưới sự điều hành của ngài, tổng hội thứ hai năm 1221, đã phân chia anh em ở Âu Châu thành tám tỉnh dòng, và gửi nhiều anh em đến các nước Hungari, Balan, và Anh quốc. Ngày cha Đa Minh từ giã cõi trần, người ta đếm được gần 20 tu viện và khoảng 300 tu sĩ.

Thời gian 35 năm sau đó, Dòng tăng trưởng cách kỳ diệu. Năm 1256, theo một lá thư bề trên tổng quyền Humberto Roman gửi cho thánh Louis vua nước Pháp, Dòng đã có 10.000 linh mục. Và ta có quyền thêm vào con số này khoảng 3.000 tập sinh, sinh viên và trợ sĩ nữa. Những tài liệu thống kê vào cuối thế kỷ cho ta con số 12.600 người.

Tổng hội năm 1366 đã ấn định thực hiện bản thống kê khác, nhưng dù thống kê này đã được thực hiện, chúng ta không còn dấu tích nào của nó cả. Đến khi cơn Dịch Đen hoành hành (1348-1349), số tu sĩ Dòng cũng như số giáo sĩ bị sút giảm trông thấy. Những xáo trộn của thời đại diễn ra ở mọi nơi, sẽ khiến cho việc tuyển sinh cuối thời Trung cổ trở nên khó khăn.

Dầu vậy, chúng ta vẫn có thể thẩm định được mức phát triển của Dòng nhờ đối chiếu ba bản thống kê tu viện. Thống kê 1277 ghi nhận 12 tỉnh Dòng và 404 tu viện. Thống kê 1303 cho biết đã có 18 tỉnh dòng và 590 tu viện. Thống kê 1358, không kể thêm tỉnh dòng mới nào, nhưng tổng số tu viện đã tăng lên 630. Sự tăng triển này sau đó chậm lại, cho tới thời khai phá các thuộc địa tại Mỹ Châu và Á Châu. Sau năm 1358, ba tỉnh dòng của Pháp chỉ thiết lập thêm được 20 tu viện mới. Trong khi tại Anh, chỉ thành lập thêm một tu viện, còn số tu viện của tỉnh dòng Scandinavie không thay đổi.

Ngày thánh Đa Minh qua đời, số nữ đan viện chỉ có bốn (đó là Prouille, Saint Sixto, Madrid và Saint Etienne tại Tây Ban Nha). Tới năm 1277 số nữ đan viện lên tới 58 ; năm 1303 đã là 141 và năm 1358 tăng thành 157. Các nữ tu tại các nhà khác, tuy theo hiến pháp của Dòng và mặc y phục Đa Minh, nhưng chị em sống dưới quyền quản trị của Giám mục. Thường các đan viện này, được ủy thác cho Dòng phụ trách việc huấn đức.

Năm 1211 : 06 tỉnh dòng, 20 tu viện, 4 đan viện
Năm 1277 : 12 tỉnh dòng, 404 tu viện, 58 đan viện
Năm 1303 : 18 tỉnh dòng, 590 tu viện, 141 đan viện
Năm 1358 : 18 tỉnh dòng, 630 tu viện, 157 đan viện

Khi số tu viện và số anh em gia tăng, nhiều tỉnh dòng cảm thấy khó khăn hơn trong việc quản trị. Thế nhưng, cho tới cuối thế kỷ XIII, các tổng hội không lập thêm tỉnh dòng nào mới, vì sợ các thể chế làm phân tán lực lượng. Cho đến năm 1294, vua nước Sicile xin đức thánh cha để các anh em Đa Minh trong lãnh thổ của ông được tách khỏi tỉnh dòng Roma, và thiết lập tỉnh dòng Sicile.

Từ năm 1301 đến 1303, tỉnh dòng Aragon được sát nhập vào tỉnh dòng Tây Ban Nha ; tỉnh dòng Bohême vào tỉnh dòng Balan ; tỉnh dòng Saxe vào tỉnh dòng Đức; và tỉnh dòng Toulouse vào tỉnh dòng Provence. Sau mãi đến thế kỷ XIV, người ta mới có thể thêm vào danh mục tên những tỉnh dòng mới thực sự.

Việc quản trị Dòng và đời tu Đa Minh

Tinh thần sâu sắc trong căn tính của Dòng đã đón nhận từ cha Đa Minh góp phần vào sự tăng triển của Dòng. Những yếu tố theo căn tính của Dòng bao hàm tinh thần cầu nguyện, lòng khát vọng ơn cứu độ cho mọi người, lòng yêu mến Kinh thánh, việc chuyên chủ học tập và hiểu biết, một ý thức sâu sắc về sứ vụ giảng thuyết của Dòng và những phương thế để chu toàn sứ vụ đó. Tất cả nối kết họ thành một gia đình, với sự thống nhất chặt chẽ. Trong thế kỷ XIII, hai yếu tố mới tăng cường cho tinh thần thống nhất và căn tính này là việc thống nhất trong phụng vụ thần học thánh Thomas.

Việc tuyển chọn năm bề trên tổng quyền kế vị thánh Đa Minh là điều may mắn cho Dòng : cha Jordano de Saxe (1222-37), cha Raymundo Penafort (1238-40), Cha Gioan Teutonique (1241-52), cha Humberto Roman (1254-63) và cha Gioan Verceil (1264-83). Các vị vừa tài giỏi vừa thông thái, lại còn là những vị thánh nữa. Giáo hội đã suy tôn hiển thánh cho cha Raymundo và suy tôn chân phước hai cha Jordano và Gioan Verceil. Các ngài đã biết đón nhận và kính trọng hứng khởi nền tảng của Đấng Sáng Lập, cổ võ sự phát triển cách đúng đắn, và khôn ngoan xây dựng trên những nền tảng do thánh Đa Minh đề ra.

Dưới nhiệm kỳ của các vị và đặc biệt trong nhiệm kỳ của cha Jordano de Saxe, Dòng được củng cố vững chắc, với một tổ chức hoàn chỉnh và hình thành một hệ thống đào tạo thích hợp cho sứ vụ tông đồ của Dòng : sứ vụ giảng thuyết và truyền giáo phương xa, nhằm phục vụ Hội Thánh và phục vụ dân Chúa.

Sau khi cha Gioan Verceil qua đời, một phần tư thế kỷ trôi qua với các vị bề trên tổng quyền, do nhiệm kỳ quá ngắn ngủi lại gặp nhiều trở ngại, nên không thể quản trị như các vị tiền nhiệm. Đó là các vị tổng quyền : Munio de Zamora (1285-91), Stêphanô Besançon (1292-94), chân phước Nicolas Boccasino (1296- 98) Albert Chiavari (1300) và Bernard de Jusix. Từ đó, sức sống và hoạt động của Dòng có vẻ bị suy giảm.

Sau khi thánh Đa Minh qua đời, nhiều tu sĩ dòng được chọn làm giám mục, đến nỗi có người sợ Dòng bị thất thoát các nhân tài. Chính cha Jordano de Saxe đã chủ trương cản trở khuynh hướng đó, ngài cấm anh em không được nhận chức giám mục nếu không có phép. Tuy nhiên ngài không thể ra lệnh cho đức thánh cha, nên anh em vẫn tiếp tục được chọn vào phẩm trật của giáo hội.

Năm 1244, đức Innocentê IV tấn phong hồng y cho cha Hugues de Saint-Cher. Đây là tu sĩ Đa Minh đầu tiên được lãnh áo đỏ. Từ đó đến cuối thời Trung Cổ, Dòng đã đóng góp cho giáo hội hai vị giáo hoàng : Chân phước Innocentê V (Phêro thành Tarentaise) và chân phước Benedicto XI (Nicolas Boccasino), 28 hồng y và khá đông các giám mục. Một số tu sĩ khác đảm nhiệm chức tôn sư thánh điện, nghĩa là thần học gia của giáo triều, hoặc đảm nhiệm chức vụ giải tội, linh hướng hay các trách vụ kém quan trọng hơn tại giáo triều.

Cha Raymundo Penafort, một cha giải tội của Tòa Thánh cũng là một luật gia tầm cỡ, đã góp công trong việc san định lại bộ giáo luật. Năm 1230, đức Gregorio IX đã trao cho cha trách vụ đó và năm 1234, ngài ban hành bộ sưu tập với danh hiệu “Những Nghị Quyết của đức Gregorio IX” (Décrétales) sẽ thành bộ giáo luật chính thức của giáo hội.

Các thần học gia và giám mục Đa Minh cũng tham dự các công đồng chung thời Trung Cổ. Khảo luận do cha Humberto soạn thảo, theo lời đức Gregorio X kêu mời các giám mục và các bề trên tổng quyền, là một bằng chứng sống động về đóng góp của Dòng trong công đồng Lyon II. Đây là công đồng đầu tiên khẳng định sự hiện diện của dòng. Cha Humberto đã làm sáng tỏ những mục tiêu đức thánh cha vạch ra cho công đồng : an ninh cho các kitô hữu nơi thánh địa ; hiệp nhất các giáo hội La-tinh và Đông phương ; và việc cải tổ giáo hội.

Ba mươi giám mục Đa Minh đã dự công đồng, trong đó có giám mục Alberto Cả và một số nhà thần học của Dòng. Tu sĩ Guillaume Moerbecke OP đã từng hoạt động thừa sai tại Hy lạp, và Gioan thành Constantinople (Ofm), hai vị đã cùng hát lên Kinh TIN KÍNH bằng tiếng Latinh và Hy Lạp để ca ngợi sự hiệp nhất các Giáo hội mà công đồng vừa công bố. Cha Guillaume nổi tiếng vì công trình dịch những tác giả cổ Hi-lạp sang tiếng Latinh, theo yêu cầu của thánh Thomas Aquinô, thánh nhân qua đời trên đường đi dự công đồng.

Ngoài thánh Đa Minh, giáo hội đã tuyên phong cho khá nhiều anh chị em Đa Minh. Đó là các thánh Gia Thịnh, Magarita nước Hung, Raymundo Penafort, Alberto Cả, Thomas Aquinô, Vinh Sơn Ferrier và Antonino Florencia. Ngoài ra, Dòng còn tôn kính 21 anh, chị cùng với chân phước Gioanna Aza, mẫu thân của thánh Đa Minh, và nhiều vị tử đạo, tập thể hoặc riêng biệt, đã đổ máu đào vì đức tin.

Năm 1233, cha Jordano de Saxe đã chuyển di hài thánh Đa Minh từ nơi hầm mộ an táng người sang một ngôi mộ đơn giản bằng cẩm thạch. Năm 1267, cha Gioan Verceil lại chuyển hài cốt người đến một thạch mộ được trang hoàng bằng những bức chạm trổ, được gán cho Nicolas Pisano, với sự hỗ trợ của thày Guillaume de Pise. Bức chạm trổ đó diễn tả thánh Đa Minh như một vị tông đồ và một vị sáng lập. Chắc hẳn thạch mộ đủ chứng tỏ tầm ảnh hưởng của Dòng với quần chúng vào khoảng 50 năm sau khi thành lập, nhưng cũng chứng tỏ người ta đã quên tinh thần giản dị mà cha Đa Minh mong muốn và anh em đã thực hiện trong thời kỳ đầu.

Dần dần ngôi mộ có hình thức hiện nay với một số thay đổi, được trang hoàng thêm do những nhà điêu khắc danh tiếng, trong đó có Michel-Ange. Ngôi mộ của thánh Phêro Verona, cũng được xây cùng thời, hiện vẫn đang ở Milan, cho ta ý niệm về dáng vẻ nguyên thủy của mộ thánh Đa Minh năm 1267.

Việc quản trị và lập pháp Dòng Đa Minh    

Các tổng hội từ sau khi thánh Đa Minh về với Chúa đến năm 1228 đã hoàn thiện dần hệ thống quản trị Dòng và tỉnh Dòng ; chấp nhận cho các tỉnh dòng được độc lập nhiều hơn và cho tỉnh hội quyền kiểm soát các chức vụ được bầu. Các tổng hội này cũng qui định quyền hạn tương xứng và riêng biệt của giám tỉnh và giám định viên, những thành viên chính thức của tổng hội. Các tổng hội này đã đề ra cách lập luật : để thành luật, phải qua ba tổng hội liên tiếp. Sau cùng các tổng hội này cũng cấm đi ngựa, cấm mang tiền khi đi đường và cấm ăn thịt.

Tổng hội năm 1228 ban hành hầu hết các khoản luật mới trên và thiết lập thêm bốn tỉnh dòng mới. Tổng hội này và tổng hội 1236 được tuyên bố là “tổng hội đặc biệt“, vì các bản văn và quyết định của chúng có giá trị bằng ba tổng hội bình thường. Từ năm 1245, nhiều thành phố khác như Cologne, Montpellier, Trèves, Luân Đôn, Budapest hay Metz đã được chọn để mở tổng hội, nơi qui tụ anh em từ khắp các miền Âu Châu về hội nghị.

Sau khi đắc cử bề trên tổng quyền, cha Raymundo Penafort đã giúp cho việc tham khảo hiến pháp được dễ dàng, bằng cách sắp đặt hiến pháp cách hợp lý và chính xác hơn. Bố cục bản hiến pháp này đã được duy trì trong Dòng cho mãi tới năm 1924, khi được canh tân cho phù hợp với giáo luật 1917.

Nếu cha Raymundo là người điển chế luật Dòng, thì chính cha Humberto mới là người uốn nắn tinh thần của Dòng. Các tác phẩm ngài viết sau khi mãn nhiệm bề trên tổng quyền, có tầm ảnh hưởng quan trọng tạo nên căn tính của Dòng Đa Minh. Các sách ấy là kết tinh những suy tư và kinh nghiệm lớn lao của ngài. Trong đó, ngài trình bày về đời tu, tập hợp những tài liệu và các dàn bài giảng thuyết, hơn nữa, ngài còn đưa ra được nhiều giải pháp cho những khó khăn của Giáo hội bấy giờ.

Ảnh hưởng của cha Humberto đối với các thế hệ sau này chủ yếu nơi ba tập sách : một giải thích tỉ mỉ tu luật thánh Augustino, cuốn thứ hai còn dang dở bàn về hiến pháp và cuốn thứ ba bàn về các chức vụ trong Dòng. Trong tác phẩm cuối này, ngài đề cập tới tất cả các chức vụ, từ bề trên tổng quyền xuống đến người gác cổng tu viện, phân định trách nhiệm từng chức vụ và cách thức chu toàn trách vụ đó. Các ấn bản hiến pháp Dòng cho đến thế kỷ XIX, vẫn dựa vào tác phẩm này của ngài. Việc chấp nhận dường như chính thức tác phẩm này cùng những tập giải thích khác cho thấy : Dòng coi chúng như bản cương lĩnh về tinh thần và sứ vụ của Dòng trong giáo hội.

Phụng vụ Đa Minh

Những diễn biến đưa đến việc Dòng có phụng vụ riêng chứng tỏ Dòng luôn yêu quí phụng vụ và đời sống cầu nguyện riêng. Thực ra nỗ lực thống nhất phụng vụ Dòng đã bắt đầu từ thời thánh Đa Minh, và đã hoàn thành khá sớm nhờ việc biên soạn bản nghi lễ Đa Minh đầu tiên và sách nhật tụng.

Năm 1245, nhiều bản thỉnh nguyện yêu cầu soạn nghi thức thống nhất toàn dòng đã đưa tới việc chọn một ủy ban gồm bốn anh em, các anh em này đã đưa ra nhiều đề nghị để sửa đổi, tuy đã được chấp thuận năm 1248, song vẫn chưa làm thỏa mãn mọi người. Chính vì thế, tổng hội 1254 ủy nhiệm cho cha Humberto, tân tổng quyền, tiến hành lại việc thống nhất phụng vụ này. Công việc được hoàn thành năm 1256 và được tổng hội năm đó châu phê. Năm 1257, Giáo hội qua đức Clêmentê IV, đã cho phép Dòng sử dụng nghi lễ riêng đó. Nghi lễ Đa Minh được duy trì cho đến cuộc canh tân phụng vụ sau Vatican II, tạo nên một mối giây thống nhất trong cùng một gia đình.

Anh em với các nữ đan sĩ

Trong giai đoạn này Dòng cũng giải quyết được một vấn đề nội bộ khác. Số đan viện sau khi thánh Đa Minh qua đời gia tăng quá nhanh, đến nỗi anh em e rằng sẽ gặp khó khăn cho sứ vụ giảng thuyết. Mối lo ngại quả là chính đáng, vì theo thông lệ, Dòng phải cử vài anh em cho mỗi đan viện, để chăm sóc cho chị em từ tinh thần đến vật chất. Nhiệm vụ này đòi hỏi ngày càng nhiều anh em, nên theo lời đề nghị của cha Raymundo Penafort, tòa thánh miễn cho anh em khỏi nhiệm vụ này.

Đến sau, hai đan viện Saint-Sixto ở Roma và Saint Agnes ở Bologne là hai trong các đan viện tiên khởi lên tiếng khiếu nại, đức thánh cha tuyên bố quyết định trên không áp dụng cho họ. Nhưng đang khi mọi chuyện êm thắm, Hồng y Hugues de Saint Cher, đặc sứ Tòa thánh tại Đức gây nên cuộc tranh luận mới. Ngài truyền các tu sĩ Đa Minh Đức phải chăm sóc các đan viện như thuở trước.

Cha Gioan Teutonique đưa vấn đề ra tổng hội 1252. Tổng hội này đã liệt kê những ưu tiên theo sứ vụ của Dòng : việc coi sóc các linh hồn, việc truyền giáo phương xa, trách vụ trí thức và yểm trợ thập tự quân. Việc chăm sóc các nữ đan viện không được kể vào đó. Đức Innocentê IV đồng ý với tổng hội, từ nay chỉ có hai đan viện Prouille và Saint Sixto được Dòng bảo lãnh. Những đan viện khác có thể mang áo dòng và giữ luật dòng, nhưng không thể đòi buộc anh em phải giúp đỡ như bổn phận.

Cuộc chiến thắng giả tạo đó đã bị các nữ đan viện phản ứng. Năm 1267, Đức Clêmentê IV đặt họ dưới quyền tài phán của bề trên tổng quyền. Một thỏa hiệp mới được chấp thuận. Từ nay, Dòng có bổn phận thiêng liêng với các nữ đan viện, về việc giảng dạy và giải tội, nhưng không chịu trách nhiệm về đời sống vật chất nữa. Thế là mối giây liên kết bền chặt được tái củng cố, sẽ không hề bị cắt đứt, kể cả khi công đồng Trento đặt tất cả mọi đan viện kín dưới quyền tài phán của giám mục.

Trước khi cuộc tranh luận về chị em được giải quyết, cha Humberto Roman đã cố thống nhất sinh hoạt các nữ đan viện. Cho đến nay, họ vẫn giữ hiến pháp đầu tiên đã được thánh Đa Minh đặt ra cho đan viện Prouille và gọi là “Qui luật Saint Sixto“. Khoảng giữa năm 1228-32, các chị đã bổ xung vào đó một số qui định để đời tu am hợp hơn với sinh hoạt của các linh mục và anh em. Sau đó, các vị tổng quyền và giám tỉnh sẽ bổ xung một số qui định theo địa phương cho từng đan viện. Để các qui định này được sắp xếp trật tự hơn, cha Humberto đã ban hành bản hiến pháp đã tu chính năm 1259. (từ đây xuất hiện từ Dòng Nhì) Mãi cho đến năm 1932, đây vẫn là bản hiến pháp được áp dụng trong tất cả các đan viện Đa Minh.

Cuộc khủng hoảng mục vụ       

Vừa khi các vấn đề gia đình được giải quyết ổn thỏa, Dòng phải đối đầu với cuộc xung đột đầu tiên về mục vụ. Mọi người đều muốn anh em hợp tác với các giám mục và các cha sở : đó là ý muốn của Giáo hội. Đa số các giám mục và linh mục trong địa phận đã hân hoan đón nhận anh em. Nhưng sau năm 1240, thái độ đố kị của nhiều vị trong hàng giáo sĩ đối với Dòng ngày càng rõ rệt.

Số tu sĩ gia tăng nhanh, việc mở rộng sứ vụ và những thành công anh em đã tạo nên những chống đối. Khi các giám mục và linh mục thấy anh em thi hành những sứ vụ vượt khỏi sự kiểm soát của họ, thì một số vị đã ngăn trở các Dòng Hành Khất. Giữa thế kỷ XIII, cuộc xung đột đưa đến một cuộc khủng hoảng đích thực. Việc công kích nhắm thẳng đến sự tồn vong của anh em Đa Minh và Phan Sinh.

Cuộc tranh cãi chủ yếu xoay quanh ơn miễn trừ khỏi quyền tài phán của giám mục và sứ vụ của anh em, nhất là sứ vụ giảng thuyết vì ảnh hưởng đến vấn đề tài chính. Nếu như những kẻ công kích toàn thắng, thì tính cách độc đáo của những dòng tu mới sẽ không tồn tại nữa, và việc phát triển đời tu sẽ chậm lại nhiều thế kỷ. Trong khi đó các giáo hoàng lại ủng hộ các tu sĩ Hành Khất, và xác nhận họ hữu ích trong việc phục vụ theo ý hướng của Giáo hội.

Mối nguy hiểm trở nên nặng nề khi trường đại học Paris cũng tham gia vào cuộc tranh luận và muốn loại trừ các anh em đang giữ ghế giáo sư tại đây. Tháng 11-1254, dưới sức ép của Guillaume de Saint Amour và các đại biểu của trường đại học, đức Innocentê IV đã bãi bỏ các đặc ân của anh em và đặt hoạt động của anh em dưới quyền kiểm soát của hàng giáo sĩ địa phương. Thế nhưng thành công này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Hai tuần sau, đức Innocentê băng hà. Đức Alexandro IV đã hủy bỏ sắc chỉ mới ban hành được một tháng của vị tiền nhiệm.

Cuộc tranh luận về quyền giải tội còn kéo dài cho đến năm 1281, khi đức Martino IV chấp thuận cho bất cứ tu sĩ Đa Minh và Phan Sinh nào đã được bề trên xác nhận về khả năng, sẽ được quyền giải tội không cần xin phép ai nữa. Không những đức thánh cha ủng hộ sứ vụ của anh em, ngài còn chính thức xác nhận cho các giáo hữu quyền được tự do xưng tội với bất cứ linh mục nào được phép giải tội, miễn là giữ việc xưng tội mỗi năm một lần với cha xứ của mình. Đó là bước tiến dài về việc tôn trọng lương tâm và để việc trao ban bí tích đem lại hiệu năng hơn.

Tuy nhiên cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn cho đến năm 1300, cách hòa giải khéo léo của đức Bonifacio VIII xem ra mới giải quyết được những khó khăn chính gây nên xung đột, bằng cách nhượng cho mỗi bên một số đặc quyền. Các tu sĩ từ nay không bị cản trở việc rao giảng, chỉ trừ việc giảng trước sự hiện diện của đức giám mục và khi vị này đang giảng. Về quyền giải tội, tu viện trưởng sẽ phải giới thiệu với giám mục những linh mục dòng có khả năng ban bí tích. Nếu giám mục không chấp nhận, họ vẫn có thể xin phép trực tiếp với đức thánh cha để giảng dạy và giải tội. Thủ tục này được áp dụng để lãnh nhận năng quyền trên. Thế nhưng, dù quyết định của đức Bonifacio VIII là một thỏa hiệp chấp nhận được, thì cuộc xung đột vẫn âm ỉ tiếp diễn; mãi đến khi công đồng Trento thiết lập luật như hiện nay, nghĩa là tất cả mọi linh mục đều phải lãnh nhận năng quyền từ Đấng bản quyền địa phương.

Dù sao đi nữa, cuộc xung đột trên cũng mang lại một số điều hữu ích. Vì giả như anh em không gặp khó khăn, anh em có thể bị chìm sâu vào tổ chức xứ đạo, thì các dòng hành khất sẽ không phát triển mạnh mẽ và hoạt động hữu hiệu như họ đã làm. Và bởi vì sứ vụ của anh em gặp chống đối, Tòa thánh mới bênh vực họ và chấp nhận cho các dòng hành khất được hưởng những quyền lợi và những đặc quyền, được miễn trừ khỏi quyền giám sát của hàng giám mục, bảo đảm tính hiệu năng, linh động và uyển chuyển mà họ chưa có khi dòng mới khai sinh.

Từ đây, sứ vụ giảng thuyết, quyền ban bí tích, việc anh em hỗ trợ và linh hướng các tín hữu, được đặt ra ngoài sự can thiệp của hàng giáo sĩ địa phận. Những đặc quyền của các dòng hành khất khi phát triển tối đa bao gồm những điểm sau : trực thuộc Tòa Thánh ; miễn trừ khỏi quyền giám sát của giám mục trong những việc nội bộ ; quyền xây dựng nhà thờ và nhà nguyện công ; quyền nhận mai táng tín hữu trong nghĩa trang tu viện ; quyền miễn thuế thập phân các tặng phẩm, vật di chúc và bổng lễ cho việc mai táng; quyền dạy thần học trong tu viện của mình và trong các đại học .

Cuộc xung đột còn mang lại lợi ích khác nữa. Việc các giáo sĩ triều phản ứng đã dung hòa cách thức hoạt động của các dòng hành khất. Nếu không có sự đối kháng đó, các tu sĩ có thể làm rối loạn tổ chức của Giáo Hội. Dĩ nhiên cần phải hội nhập vào cơ chế Giáo hội, nhưng không phải theo cách thế mà hàng giáo sĩ địa phận mong đợi. Các tu sĩ hành khất, với sự hỗ trợ của quyền bính giáo hoàng sẽ sinh động và vững chắc hơn sau cuộc công kích. Nói chính xác hơn, khi bị cưỡng ép nhờ đến các giáo hoàng, anh em tránh được nguy cơ sai lạc giáo lý đưa đến lạc giáo như một số phong trào đương thời : nhóm Huynh Đệ (Fraticrelli), Vaudois hay các anh em Khiêm Hạ (Humiliati).

Để kết thúc, chúng ta ghi nhận một vài nhân tố tích cực trong chuyển biến lịch sử này : chính sức mạnh của việc cầu nguyện đã nâng đỡ Dòng trong cuộc khủng hoảng ; trong những lúc bi đát nhất của cuộc xung đột với đại học Paris, anh em đã cùng đọc các Kinh Cầu và cầu nguyện liên lỷ. Ngoài ra, chính nhờ giai đoạn này, việc hợp tác giữa Dòng Đa Minh và Phan Sinh trở nơi khắng khít hơn, các tu sĩ sẽ sử dụng những đặc quyền của mình cách chừng mực hơn, biết tìm cách hòa hợp với hàng giáo sĩ địa phương. Sau cùng, Dòng duy trì được mối liên lạc chặt chẽ với Tòa Thánh.

Huấn luyện trí thức và sứ mệnh Thần học

Thánh Đa Minh đã đề ra những nền tảng cho sứ vụ trí thức và hệ thống huấn luyện của Dòng. Ngài đã tìm cách để bảo đảm cho con cái mình được đón nhận một nền thần học vững chắc. Với sự hướng dẫn của ngài, năm 1220, hiến pháp đã tiên liệu rằng : mỗi tu viện sẽ thiết lập một trường thần học và qui định các sinh hoạt của giáo sư và sinh viên.

Khi Dòng đã phát triển về nhân sự và mở rộng theo địa dư, Dòng cũng qui định tỉ mỉ hệ thống đào tạo theo mạng lưới trường các cấp : sau các trường thuộc tu viện, trường của tỉnh hạt để học triết và thần học, thêm vào đó là một chương trình học nâng cao tại các nhà được gọi là Tổng Học Viện (studia generalia), thường được kết hợp với các đại học.

Hệ thống trường học này đã phát triển sớm ở cấp đầu và cấp cuối, nghĩa là các trường tu viện và Tổng Học Viện. Ngay khi một tu viện thành lập, tại đó bắt đầu có giảng khóa. Khi thánh Đa Minh qua đời, đã có 15 tu viện; đến năm 1277, trong cuộc thống kê chính thức đầu tiên, đã có 404 tu viện được công nhận. Người ta có bằng chứng rằng hiến pháp đã được thi hành nghiên chỉnh, theo đó mỗi tu viện đều đã chỉ định một tu sĩ chuyên việc giảng dạy. Như thế, vào năm 1277, đã có tới 404 trường thần học Đa Minh.

Tổng Học Viện là nơi dành riêng cho các tu sĩ được tuyển chọn để nghiên cứu thần học ở cấp cao. Tổng Học Viện Paris đã được thành lập vào năm 1227. Khi các tu sĩ đã tới đây, Dòng phải nhờ Gioan de Saint Alban, một giáo sĩ triều, phụ trách đứng lớp. Khi Roland de Crémone được tuyển chọn vào năm 1229, Dòng mới có ghế giáo sư thần học đầu tiên tại đại học. Năm sau, Dòng Đa Minh có vị giáo sư thứ hai, khi Gioan de saint Gilles, một giáo sĩ triều xin nhập Dòng. Cũng vào khoảng thời gian ấy, một giáo sư triều khác ở Anh,  giáo sư Đại Học Oxford xin nhập Dòng là Robert Bacon.

Dựa theo quy chế về tỷ lệ, mỗi tỉnh dòng gửi về Paris 03 sinh viên. Đến sau, vì Dòng phát triển khá đông, Học Viện Paris không thể dung nạp hết số anh em muốn đến học, nên phải chấp nhận giải pháp tạm thời là các trường cấp tỉnh dòng. Đến năm 1248, tổng hội đã đề ra một phương án rất hữu ích, khi chỉ thị thành lập thêm bốn Tổng Học Viện tại Oxford, Bologne, Montpellier và Cologne. Mỗi Tổng Học Viện này có thể tiếp nhận hai sinh viên từ mỗi tỉnh dòng.

Mặc dầu chỉ thị này không thể thực hiện ngay tức khắc tại cả bốn thành phố, nhưng khoản chỉ thị này rất quan trọng. Albert Hauck, một sử gia người Đức, đã cho thấy rõ điều đó :

Trước tiên, việc đặt nền móng cho bốn Tổng Học Viện này, đã nhắm tới mục đích đào tạo một tập thể đông đảo các tu sĩ có khả năng, nâng cao việc đào tạo theo trình độ đại học. Cho tới khi đó, chưa từng có ai nghĩ đến một giải pháp chặt chẽ, việc đề ra tổ chức học hành được để tùy cơ ứng biến.

Thứ hai : khi tập trung tại các cơ sở dành riêng những nhân vật có khả năng nhất để chuẩn bị giáo sư cho tương lai, Dòng đã phân biệt việc nghiên cứu thần học cấp cao với việc học thần học để làm mục vụ.

Thứ ba : khi dành riêng các cơ sở mới này cho bộ môn thần học, Dòng đã tạo nên một bước tiến lớn trong việc xếp môn học. Lần đầu tiên, thần học xuất hiện như một ngành học chuyên khoa.

Vào cuối thế kỷ XIII, nhiều Tổng Học Viện khác đã được thành lập. Tổng hội 1304 yêu cầu tất cả các tỉnh dòng, chỉ trừ ba tỉnh nhỏ nhất, phải xây dựng Tổng Học Viện. Ngay sau đó, đã có tới 115 Học Viện Đa Minh được thành lập tại Âu châu. Mối liên hệ mật thiết giữa các Học Viện này với các đại học, sẽ giúp các tu sĩ Đa Minh luôn ở trong trào lưu trí thức ảnh hưởng đến Âu châu. Thực ra cho đến giữa thế kỷ XV, chỉ trừ đại học Paris và Oxford, Tòa thánh dành riêng việc dạy thần học cho các học viện  của các tu sĩ các dòng hành khất.

Vào năm 1259, tại tổng hội Valencia, lần đầu tiên Dòng đã công bố bản chương trình học của mình. Đó là công trình của năm vị tôn sư thần học là Alberto Cả, Thomas Aquino, Pherô de Tarentaise, Florent de Hesdin và Bonhomme de Bretagne. Một tổng hội đã chỉ định các vị để soạn thảo bản chương trình này dựa theo cađch tổ chức của đại học Paris, tại phân khoa nhân văn, từ năm 1255, đã phát triển rất nhanh những giảng khóa về triết học.

Trong một văn kiện ngắn gọn, ủy ban năm vị tôn sư đã qui định khá nhiều vấn đề liên quan đến việc học hành trong dòng Đa Minh. Trước đây, trong thập niên 1240-50, đã có hai tỉnh dòng cho phép tu sĩ đưa môn triết vào trường của mình. Điều cần thiết bây giờ là phải quan tâm hơn đến môn học này và đưa vào lớp các tác phẩm của Aristote và những triết gia cổ đại khác. Bản chương trình học đã biến nó thành luật, mở rộng điều đã khởi sự và cho phép thiết lập trường triết học ở các nơi khác.

Điều này sẽ chuẩn bị cho việc tiếp nhận môn biện chứng và luận lý như khí cụ hợp pháp và hoàn hảo để khảo cứu thần học, một bước tiến hoàn toàn tương ứng với những khuynh hướng năng động nhất của tư duy thời đó, và làm hoàn chỉnh hệ thống giảng dạy của dòng. Đường hướng này đã được cha Đa Minh vạch ra khi dẫn những môn sinh tiên khởi đến tham dự các giảng khóa thần học của Alexandre Stavenby ; đường hướng ấy nay đã thành tựu.

Bản chương trình học năm 1259 đã dự kiến để các sinh viên Đa Minh sinh hoạt theo cùng thể thức với những đại học, bao gồm việc dự giảng khóa, thảo luận, giải quyết và ôn tập. Nó vạch ra các bổn phận của giáo sư, những vị phụ khảo, các tu viện trưởng, các vị giám học và sinh viên. Năm vị tôn sư đã đề ra cách tuyển chọn sinh viên có khả năng và các khoản luật bảo đảm quyền lợi của các giáo sư cũng như sinh viên, cho phép chuẩn miễn cho họ trong quá trình học tập và nghiên cứu khỏi một số trách vụ. Cuối cùng, các vị yêu cầu chính các tu viện trưởng và giáo sư, khi không giảng dạy cũng hãy siêng năng tham dự lớp. Các vị cũng quy định về sách vở sinh viên phải sử dụng khi đến lớp cũng như những phương tiện mua sắm những sách vở ấy.

Các vị cũng đã dự kiến việc kiểm tra định kỳ công tác giảng dạy. Trước đây, hiến pháp đã qui định vị kinh lý hàng năm phải kiểm tra về việc huấn luyện trí thức trong các tu viện. Bản  chương trình còn mở rộng thêm trách vụ của những vị kinh lý, yêu cầu họ đề xuất những anh em có khả năng học lên cao hơn, yêu cầu họ báo cáo xem các giáo sư có chu toàn đều hòa các giảng khóa, thảo luận và giải đáp các cuộc hội thảo hay không. Các vị kinh lý này còn phải làm một bản tường trình cho tỉnh hội và nói rõ ràng tu viện nào còn thiếu giáo sư.

Nhờ vào tổ chức đào tạo theo sự tiên liệu của bản chương trình này, các sinh viên Đa Minh khi đến các Tổng Học Viện (Studia generalia) để nâng cao việc nghiên cứu, họ không hề gặp khó khăn trong việc xin tuyển nhận vào đại học, vì họ đủ khả năng để đua tài với các sinh viên đã theo học khoa nhân văn.

Việc nghiên cứu triết học trong Dòng đã gặp phải những khó khăn cũnh như trong toàn Giáo hội. Các anh em khá cao niên và bảo thủ thì đặt vấn đề có nên học triết lý hay không ? Cả những nhân vật thông thái như Gioan de Saint Gilles, dù ý thức cần phải có triết học để nghiên cứu về thần học cách khoa học, cũng không khỏi không e dè khi phải đề cập đến những tư tưởng cổ đại. Tuy không chống việc sử dụng triết học, các vị nhắc nhở các nhà thần học tránh việc sùng bái triết học Aristote. Một số vị khác như Vincent de Bauvais đã đưa vào các tác phẩm của mình nhiều đoạn trích dẫn từ Aristote nhưng cũng phải rào đón trước sau và cũng thấy bối rối.

Bản chương trình học vụ là một thành công của thánh Alberto Cả và các vị tôn sư, với sự ủng hộ của bề trên tổng quyền Humberto Roman, đã bênh vực việc sử dụng triết lý trong nghiên cứu thần học. Sự nghiệp của Thomas Aquino, những tác phẩm vừa nhiều vừa trác tuyệt được phổ biến rộng rãi của ngài, song song với việc áp dụng bản chương trình học vụ, quả là một bằng chứng sống động về giá trị của bộ môn triết học. Việc thi hành bản chương trình học vụ này sẽ cung cấp cho Dòng hàng loạt giáo sư và văn sĩ giữ vững được vị trí tiên phong trong lãnh vực suy tư thần học. Nó cho thấy rõ nhờ đâu Dòng đã có thể chu toàn cách triệt để sứ vụ tín lý của mình.

Sứ vụ giảng dạy bị đặt vấn đề        

Chính vào thời điểm thánh Thomas Aquino được chọn làm phụ khảo (1252), khi cha Humberto đang là bề trên tổng quyền (1254), giới giáo sĩ triều ở Paris đã tăng cường những cuộc tấn công chống lại các tu sĩ Dòng, song song với cuộc tranh luận mà chúng ta đã nói (về mục vụ). Thiếu hiểu biết về lý tưởng sống mới mẻ của các tu sĩ hành khất, các giáo sĩ quan niệm những tu sĩ này chỉ là những đan sĩ, vì thế không được giảng thuyết, không được dạy học, cũng không được làm mục vụ nữa. Ngoài ra, vì ganh tị với danh tiếng của các giáo sư thuộc những dòng tu mới, các giáo sư ở Paris không chấp nhận quyền độc lập của các tu sĩ, nhất là việc họ xin Roma chuẩn chước và ban các đặc quyền. Họ cũng không hiểu nổi việc các tu sĩ này thiếu quan tâm đến những vấn đề địa phương, liên quan đến hàng giáo sĩ tại Paris ; trong khi những tu sĩ này đang tích cực chăm lo huấn luyện các thành viên mới cho một sứ vụ tông đồ rộng lớn, sứ vụ canh tân cả thế giới kitô giáo.

Các tu sĩ Đa Minh bị chiếu tướng cách riêng, vì khi đó họ đã giữ tới hai ghế giáo sư thần học. Dòng có chính sách đặt các vị phụ khảo nối nghiệp thày mình, khi vị này đã làm giáo sư được hai năm. Điều này đem lại cho hệ thống đào tạo của Dòng Đa Minh sức sống năng động và trẻ trung, đó là điều các giáo sư triều ngồi quá lâu trên ghế giáo sư không chấp nhận nổi.

Các tu sĩ Đa Minh đã thảo luận những vấn đề nóng bỏng của thời đại với một nhãn quan rộng mở, họ đề ra những giải pháp ôn hòa và quân bình. Những nhân vật như Robert Kilwardby, Rémi Florence, Pherô Tarentaise, Bernard Trilia và Richard Knapwell, chưa kể đến thánh Alberto Cả và Thomas Aquino, đã phổ biến hàng loạt những tác phẩm, vượt quá số đầu sách nhỏ nhoi của các giáo sư triều.

Vào cuối năm 1255, mối ganh tị với các tu sĩ dòng lên đến cực điểm, đến độ tại Paris, tu viện thánh Giacobê của Dòng như bị phong tỏa. Các thày dòng liều lĩnh đi ra ngoài đã bị ném bùn, đất, đá, sỏi và cát, kèm theo những lời lăng nhục. Đại học Paris từ chối không nhận Thomas làm giáo sư thần học, dù chính đức Alexandro IV đã cho phép ngài được giảng dạy. Thế nên, khi Thomas đứng lớp trong buổi ra mắt năm 1256, quân đội của vua thánh Louis (IX) đã phải đến để bảo vệ ngài.

Sau khi đã đọc các bài do thánh Alberto viết trả lời cho cuốn sách của Guillaume de Saint Amour, có nhan đề “Về những Hiểm Họa Của Thời Đại“, đả kính các tu sĩ Hành khất, đức thánh cha đã kết án sách này, ngài trục xuất tác giả cùng các đồ đệ của ông ra khỏi Paris. Cũng giai đoạn này, thánh Thomas và thánh Bonaventura giải đáp cặn kẽ từng điểm một của cuốn sách. Sau khi Guillaume bị lưu đày, cuộc tranh chấp tạm êm.

Thế nhưng 10 năm sau, Gérard Abbeville, một đồ đệ hăng hái của Guillaume, đã làm tái bùng nổ cuộc tranh chấp. Trước đây, thánh Thomas đã rời Paris đi dạy học tại Ý từ năm 1259, nay ngài phải trở lại Paris (1269), và viết nhiều tác phẩm bênh vực các dòng hành khất. Người ta có thể ước lượng mức độ nguy cơ cho các dòng này khi tại công đồng Lyon II (1274), nhiều giám mục đã đề nghị xóa sổ các dòng hành khất. Tuy nhiên, công đồng Lyon II chỉ giải tán những hội dòng nhỏ, quyết định duy trì các dòng Cát Minh, Augustino, và tán dương các tu sĩ Phan Sinh và Đa Minh.

Cuộc công kích chống giáo thuyết của thánh Thomas sau khi ngài qua đời, đã thúc đẩy Dòng tiến tới việc chính thức công nhận học thuyết của ngài. Điều này sẽ tạo nên một mối giây thống nhất trong Dòng Đa Minh. Cuộc công kích đầu tiên diễn ra vào năm 1277, khi vị giám mục Paris là Stêphanô Templier và tổng giám mục Cantobéry là Richard Kilwardby, nguyên Giám tỉnh Tỉnh dòng Anh đã xếp một số luận đề của Thomas vào danh mục những luận đề bị lên án.

Khác với Kilwardby, thánh Alberto đã rời Bologne đến Paris để bênh vực cho người học trò của mình, dù ngài khác quan điểm với Thomas trong một số vấn đề. Năm sau, tổng hội đã đặc cử hai sứ giả đến gặp những người muốn bôi nhọ các tác phẩm của thánh Thomas. Thánh nhân đã có nhiều môn sinh tại Pháp và Anh đứng ra bảo vệ học thuyết của ngài, bằng lời nói cũng như bằng chữ viết. Tổng hội 1279, cách chừng mực đã bênh vực cho tư tưởng và thanh danh của ngài. Tổng hội 1286 thì yêu cầu anh em phổ biến và bảo vệ tư tưởng của thánh nhân “ít ra cũng như một quan điểm”. Những ai không chấp thuận thì ít ra cũng không được công kích. Tổng hội 1313 khẳng định niềm vinh dự cho thánh Thomas Aquino, khi tuyên bố học thuyết của ngài là học thuyết “lành mạnh và phổ quát nhất“. Trước đó khá lâu, những anh em học tập tại Paris đã đem những tác phẩm của ngài về tỉnh dòng mình, nay nhờ đó có thể trình bày và khai triển tư tưởng của ngài. Họ thực hiện những bản tóm tắt, những tập đối chiếu, những bản giải thích và những bản mục lục, hỗ trợ cho việc phổ biến học thuyết được dễ dàng hơn.

Những tác phẩm của anh em Đa Minh    

Anh em Đa Minh đã chú tâm cách đặc biệt đến việc học Kinh Thánh và thần học, nhưng họ cũng xác tín rằng chân lý được trình bày dưới nhiều hình thức và có thể giảng dạy bằng nhiều cách, điều đó đưa họ đến việc sử dụng nhiều tuyến đường tri thức khác nhau. Qua nhiều thế kỷ, người ta có thể đếm được hàng ngàn bộ sách. Ở đây, chúng ta chỉ có thể trình bày cách khái quát về một vài tác giả đã viết vào thế kỷ XIII.

Đa số những tác phẩm này viết về thần học, Thánh Kinh và triết học. Nhiều anh em đã chú giải sách Thánh kinh. Riêng hồng y Hugues de Saint-Cher, đã chú giải toàn bộ. Ở Paris đã có những nhóm tu sĩ cho xuất bản cuốn “Đối chiếu Kinh Thánh” (Concordantia) và sửa lại bản Kinh thánh Vulgata. Thánh Alberto Cả, một thiên tài bách khoa, đã viết nhiều khảo luận về động vật, thực vật, khoáng vật và thảo mộc, thêm vào đó là một cuốn bình giải bách khoa về triết học Aristote, cùng với những tác phẩm thần học và Thánh kinh.

Về thần học mục vụ, lịch sử và những lãnh vực khác, các tu sĩ Đa Minh đã soạn ra những sách tham khảo, sách tổng yếu, sách tóm tắt và những cuốn thủ bản. Cuốn thủ bản hữu ích nhất do cha Raymundo Penafort viết, dành riêng cho các linh mục giải tội, nhưng cũng được nhiều giáo sư và các nhà giảng thuyết sử dụng. Cuốn sách nổi tiếng nhất là cuốn “Toàn Cảnh”  (Speculum maius), một tác phẩm bách khoa vĩ đại của cha Vincent de Beauvais tập trung nhiều kiến thức, đề cập đến nhiều lãnh vực. Còn những nhà giảng thuyết thì sưu tập những bài giảng, hạnh tích các thánh và những gì có thể dùng trong việc giảng thuyết. Cuộc đời nhiều vị thánh được cha Jacques de Voragine sắp xếp trong bộ “Truyền Kỳ Vàng Son” (La Légende dorée), vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Một số anh em khác thì soạn những cuốn cẩm nang dành cho tín hữu, như cha Laurensô Orleans đã viết cho vua Philippe III, nước Pháp cuốn “Chỉ Nam Cho Nhà Vua” một cuốn sách bán chạy nhất trong thời Trung Cổ.

Các sách về lịch sử trong dòng Đa Minh được khởi sự khi cha Jordano de Saxe viết về cuộc đời cha Đa Minh và thời sơ khai của Dòng, một tài liệu gốc quí giá cho các sử gia. Cha Bernard Gui đã chuyên chú hẳn vào việc tìm hiểu lịch sử Dòng, trong khi nhiều anh em khác quan tâm đến quá khứ của một quốc gia, một thành phố, một danh nhân. Riêng Theodoric Borgognani thành Lucques, con trai một bác sĩ phẫu thuật và cũng là một nhà phẫu thuật, đã xuất bản một tác phẩm về nghề nghiệp của mình. Các vị như Moneta de Crémone, Bernard Gui và Nicolas Eymeric, vốn là pháp quan tòa tra, thì chuẩn bị những văn bản hữu ích cho các đồng nghiệp. Cha Thomas de Cantipré, ngoài cuốn “Hạnh Các Thánh“, còn biên soạn cuốn “Bản Tính Sự Vật” và một cuốn bách khoa đầu tiên về khoa học tự nhiên. Ngoài ra, cuốn “Catholicon” của Gioan Balbus thành Gênes, được hoàn thành năm 1286, là cuốn tự điển đầu tiên thời Trung cổ về văn phạm, tu từ học, cách làm thơ và chính tả La ngữ của cuối thời Cổ Đại và Trung Cổ.

Sứ vụ giảng thuyết

Dòng đã hoàn tất được nhiều sứ vụ, đặc biệt là sứ vụ giảng thuyết và sứ vụ truyền giáo phương xa, được phát triển cực thịnh dưới thời các bề trên tổng quyền Gioan Teutonique và Humberto Roman. Xưa chính vì thiếu những nhà giảng thuyết tài ba và thiếu những nhà giảng thuyết đúng nghĩa mà thánh Đa Minh đã nghĩ đến chuyện lập dòng. Việc giảng thuyết chính là mục đích được ngài vạch rõ trong hiến pháp : “Dòng của chúng ta được thành lập, ngay từ đầu, đã chuyên chú hẳn vào việc giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn”. Danh xưng “Dòng Thuyết Giáo” tóm lại bản chất và trách vụ của Dòng được đề ra như một thách đố phải thực hiện.

Thánh Đa Minh tổ chức đời sống của Dòng nhằm đến việc giảng thuyết với nhiều sáng kiến mới. Ngài đề ra chương trình đào tạo về phẩm cũng như về lượng để chuẩn bị cho việc giảng thuyết. Ngài loại bỏ những công việc tay chân, cho các bề trên quyền chuẩn miễn rộng lớn và ngăn cấm anh em đảm nhận các giáo xứ. Nếu ngài nối liền việc chiêm niệm với sứ vụ và nhấn mạnh đến nếp sống nghèo hành khất, chính là để có thể cung cấp cho Giáo hội một tập thể luôn sẵn sàng có những nhà giảng thuyết đầy khả năng.

Trong Hiến Pháp, thánh Đa Minh đã chỉ dẫn cho những nhà giảng thuyết : “Hãy ra đi như những người tìm kiếm ơn cứu độ cho chính mình và cho người khác“, cuộc sống của anh em phải “như những người sống Tin Mừng”, đi theo dấu chân Đấng Cứu Thế của mình, “Chỉ nói về Chúa hay nói với Chúa, cho nhau hoặc với những người khác“. Để trở thành những chứng nhân cho đời sống tông đồ, anh em phải trở thành những người lữ hành, đi chân không, không mang tiền bạc cũng không hành khất khi anh em rao giảng tin mừng. Chỉ những người chín chắn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể được trao phó thi hành chức vụ này.

Cuộc đời và sự nghiệp của cha Guillaume Peyrault phản ảnh đúng chính xác những gì hiến pháp mong đợi nơi một nhà thuyết giáo. Được đào tạo trong một Tổng Học Viện của Dòng, việc giảng thuyết và các sách cha viết đã cho thấy rõ đường lối thể hiện lý tưởng Đa Minh mà thánh Đa Minh đã quan niệm. Những người đương thời đã nói đến sức mạnh do khả năng, đến đời sống đạo đức và lòng nhiệt thành vô vị lợi của cha. “Qua việc tuyên khấn sống đời tu trì, cha đã truyền bá tin mừng bằng lời nói, bằng chữ viết và bằng gương sáng. Vì thế cả khi đã khuất cha vẫn không ngừng rao giảng”. Thật kỳ lạ, cha chưa bao giờ được chọn làm tổng giảng viên, cũng chưa từng đến Paris để học hỏi và giảng dạy. Sự nghiệp của cha trải rộng một phần lớn của thế kỷ. Cha sinh trước năm 1200, vào Dòng và qua đời vào thập niên 1270.

Những anh chị em Đa Minh nổi tiếng trong thế kỷ đều cùng thời với cha : Reginaldo, hai nữ chân phước Dianna và Cêcilia, Raymundo, Alberto, Thomas, Gioan de Verceil. Cha Guillaume de Peyrault đã giảng dạy trong suốt nhiều năm. Mỗi mùa chay, cha giảng và giải tội cho mãi tới khuya tại những vùng thung lũng đèo heo hút gió miền núi Alpes. Ngài đã phổ biến ba tuyển tập gồm khoảng 500 bài giảng và đã viết bốn tác phẩm khác, đặc biệt là cuốn “Tổng luận về nhân đức và tật xấu” (La somme des vertus et des vices), một khảo luận thần học hết sức hoàn chỉnh và tiện dụng cho những nhà giảng thuyết, càng khẳng định sự thành công lớn lao của cha. Chúng ta biết rằng, khá nhiều anh em có những sự nghiệp tương đương với cha Guillaume, nhưng cũng còn biết bao anh em giảng thuyết khác mà chúng ta không biết đến danh tánh.

Dòng thường chỉ định những anh em có nhiều kinh nghiệm nhất vào chức vụ “Tổng giảng viên“. Để đạt được vinh dự này phải là một anh em có hiểu biết chắc chắn về thần học, đã giảng thành công ở nhiều nơi và trong nhiều tình huống. Để chu toàn nhiệm vụ này, họ phải giảng thường xuyên, sẵn sàng giảng trong những hoàn cảnh riêng biệt và được tham dự tỉnh hội. Mỗi tu viện chỉ có thể có một tổng giảng viên, thế nhưng khi người ta quan tâm đến danh dự hơn là sứ vụ, số người mang tước hiệu này ngày càng đông.

Chúng ta thử đan cử trường hợp một vị tổng giảng viên nổi tiếng là Stêphanô de Bourbon, để nhận định về tài năng của cha. Khi cha đến tu viện ở Lyon, thì cha Humerto Roman đang là bề trên, cha chung sống với các cha Guillaume Peyrault và Phêrô Tarentaise, tổng giám mục Lyon và sau là giáo hoàng Innocente V. Suốt 10 năm liền, cha Stêphanô đi giảng khắp nước Pháp, đặc biệt là ở vùng Đông Nam và miền Bourgogne. Là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất miền, cha đã tiếp xúc với hầu hết những vị danh tiếng thời đó. Vào cuối đời, cha soạn một tập thủ bản cho những nhà giảng thuyết thu lượm các tích chuyện, mà qua kinh nghiệm, đã từng giúp cho những bài giảng của mình được sống động và đặc sắc.

Tác phẩm của Stephanô là một trong hàng trăm tác phẩm do các tu sĩ Đa Minh biên soạn cho những nhà giảng thuyết. Anh em đã thu thập những bài giảng và dàn bài, viết thành những sách tham khảo và khảo luận, sách đối chiếu, trình bày kỹ thuật giảng, sắp xếp những thủ bản đầy những chuyện ly kỳ và tất cả những điều có thể hữu dụng. Cuốn “Toàn Cảnh“, tác phẩm bách khoa của Vincent de Bauvais là một kho tàng cho những nhà giảng thuyết. Ở thế kỷ XIV, cuốn “Summa Praedicandum” của một tu sĩ Anh, Gioan Bromyard cũng là một kho kiến thức cho sứ vụ giảng thuyết, về thần học và lịch sử, kèm theo nhiều tích chuyện để minh họa cho bài giảng.

Những tác phẩm khác tạo nên nguồn vốn cho những nhà giảng thuyết gồm điển ngữ Thánh Kinh, những sách chú giải và sách đối chiếu Kinh Thánh (Concordantia), tập “Những Nghị Quyết của đức Gregorio IX“, sách ký sự, sách lịch sử, hạnh các thánh và những tác phẩm của các giáo phụ. Những sách này dễ dàng tìm thấy trong thư viện các tu viện Đa Minh.

Chia sẻ kinh nghiệm, cha Stêphanô Bourbon nhắn nhủ về lợi ích của việc dùng gương chuyện:

“Chúng tôi đã học được sau một thời gian dài thực hành rằng: những nhà thuyết giáo uy tín và thời danh nhất là những người sử dụng những gương chuyện hay nhất. Vì gương chuyện thì hữu ích cho tất cả mọi người và trong bất cứ tình huống nào ; giúp làm nổi bật nội dung muốn khai triển. Chúng giúp các tín hữu tội lỗi trở lại, giúp họ nhớ lâu và đạt được muôn điều thiện hảo. Chúng có thể dùng trong mọi lúc, ở mọi nơi, trong mọi loại bài giảng và các bài huấn dụ”

Những nhà giảng thuyết thời Trung cổ đã sử dụng các lưu truyền, thuật lại những hiện tượng tự nhiên, trích dẫn những biến cố trong lịch sử và những sự kiện khoa học lấy ra từ cuộc đời các vị thánh hay từ những kinh nghiệm cá nhân của mình.

Mỗi lần nói tới “Anh Em Hành Khất” người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một nhà giảng thuyết lữ hành. Người ta có thể mường tượng vị đó đang tiến bước trên đường mòn hoặc trên phố xá, thỉnh thoảng dừng chân đứng giảng tại ngã tư đường, trong khu chợ hoặc tại góc phố nào đó. Có nhiều bài giảng ngoài trời trong thời đại này, nhất là tại những vùng khí hậu nóng. Những cây Thánh giá chỉ vị trí giảng thuyết được dựng lên ở nhiều ngã tư và cả trong những nghĩa trang. Chúng ta biết rằng một số tu viện ở Brecon, Bristol, Luân Đôn, Norwich và Herford ở bên Anh đã có những thánh giá kiểu này. Những thánh giá của hai tu viện sau hiện vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên, việc giảng thuyết ngoài đường phố không phải là luật chung. Thường anh em quen giảng tại nhà thờ riêng của mình và các nhà thờ họ đạo nếu được phép. Khi số anh em gia tăng, Dòng đã chỉnh đốn lại hoạt động giảng thuyết của mình. Mỗi tu viện hoạt động và khất thực trong vùng ranh giới (diète) xác định. Anh em thường xuyên đi rảo khắp khu vực đó, đặc biệt là trong mùa vọng và mùa chay. Đa số thời gian anh em giảng tại các thị trấn và thành phố, và chỉ đến các làng mạc ngoài các mùa phụng vụ.

Cha Siger thành Lille, trong thập niên 1230 đã đi giảng rất thành công tại quê quán của mình, trước khi một tu viện được thành lập tại đó. Cha trở thành vị linh hướng cho bà Marguerite d’Ypres và nhóm phụ nữ do bà qui tụ.

Các tu viện sẽ phân chia vùng ranh giới của mình thành các khu vực hoạt động (terme) và đặt một nhà giảng thuyết lão luyện phụ trách khu vực đó, được gọi là “terminaire”, (ông thày khu vực) một tên gọi danh tiếng hoặc tai tiếng về một tu sĩ hành khất tại Chaucer :

Có một tu sĩ, hay đùa và vui tính
Ông thày khu vực, một chàng trai vui tươi

Vào thế kỷ XIV, tu viện Langres phụ trách đến tám khu vực lớn và tám khu vực nhỏ. Trong đó có một khu vực bao gồm 58 giáo xứ. Khi anh em đi giảng ở những vùng xa xôi, thường anh em lưu trú tại đó một thời gian. Sang thế kỷ XV, anh em sử dụng những giảng đường nhỏ hơn, nơi anh em đôi khi ở lại trong nhiều tuần.

Sau năm 1240, khi anh em hành khất biết rõ các linh mục triều không muốn cho anh em giảng trong nhà thờ của họ, anh em liền xây cất ngay trong tu viện những thánh đường rộng lớn có thể chứa được nhiều người. Để thu lượm được nhiều kết quả hơn trong sứ vụ giảng thuyết và công tác giải tội kèm theo, anh em xin Tòa thánh cho phép ban các ân xá, quyền tha các tội dành riêng, cử hành phụng vụ trong thời kỳ cấm chế và được an táng các tín hữu trong nhà thờ của mình.

Để phục vụ đại chúng, anh em cổ võ huynh đoàn Dòng Ba, thành lập các hiệp hội Kính Danh Chúa Giêsu, Hội Đức Mẹ hoặc hội kính Thánh Đa Minh, đồng thời phát huy các việc tôn sùng mới. Các việc tôn kính ấy được ghi đậm nét bằng những buổi rước truyền thống cả bốn chủ nhật trong tháng, để tỏ lòng tôn kính : Đức Maria, kính Thánh Danh Chúa, kính Thánh Thể và kính thánh Đa Minh. Mỗi cuộc rước đều phát xuất từ bổn phận của một hiệp hội. Trong các buổi rước và trong những ngày họp của hiệp hội, người ta hát những bản thánh ca cộng đồng nhất là các bài ca kính Đức Mẹ. Thường quần chúng ở lại sau bản hát kinh “Lạy Nữ Vương” cuối giờ kinh tối để hát thêm nhiều bài kính Đức Mẹ. Một số linh mục triều đã công khai phản đối việc anh em rút gọn giờ kinh nguyện thần vụ để dành nhiều giờ hơn cho việc giảng thuyết, cho đó là một loại “mánh” bất hợp pháp.

Linh mục Matthêu Paris, một tu sĩ Biển Đức người Anh, một người không ưa gì Dòng Đa Minh, đã vô tình làm chứng về nhiệt tâm của anh em khi cằn nhằn họ “coi nặng việc giảng thuyết”, đã làm cho các “Dòng hợp pháp”, nghĩa là các Kinh sĩ và Đan sĩ, bị thất thu về bổng lộc. Ông ta cho biết anh em sống thế nào : “Họ sống nghèo về lương thực và y phục… đi qua các thành phố, làng mạc và thị trấn để rao giảng Lời Chúa… đến nỗi có khi, chân vẫn còn đi giày, họ nằm ngủ mà vẫn mặc nguyên quần áo, ngả lưng trên miếng cói hoặc túi xách, được dùng làm gối để tựa đầu“.

Các tu sĩ Đa Minh giảng thuyết thường xuyên. Số bài giảng cho giáo dân tại nhà thờ tu viện, đếm chừng từ 240 đến 250 bài mỗi năm. Anh em giảng cả sáng lẫn chiều suốt mùa chay, các ngày chuẩn bị mừng Giáng Sinh và lễ Hiện Xuống, trong các lễ cầu mùa, các thứ bảy bốn mùa, các tuần bát nhật Phục Sinh và Hiện Xuống.

Những vị giảng thuyết kêu gọi sám hối như Gioan Vicence, Vinh Sơn Ferrier, Manfred de Verceil và Savonarola, được mọi người biết đến vì những bài giảng lưu loát, với những lời lẽ hùng hồn. Thánh Vinhsơn Ferrier giảng hàng ngày, đôi khi có ngày hai ba lần suốt 40 năm trường.

Một số khá đông tu sĩ Đa Minh vừa giữ vai trò giáo sư vừa là nhà giảng thuyết như thánh Albertô và thánh Thomas. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các vị giáo sư các trường Dòng và đại học, là phụ trách giảng thuyết trong những ngày dành riêng. Thánh Vinhsơn Ferrier đã là một giáo sư và là một diễn giả được yêu chuộng trước khi khởi sự việc rao giảng, sẽ khiến ngài được xếp hạng vào số những nhà loan báo Tin Mừng nổi tiếng nhất trong Giáo hội.

Nội dung việc giảng thuyết bao trùm toàn bộ giáo lý và đời sống đạo : “Hoàn toàn được chọn để giảng Lời Chúa, phá tan những lạc thuyết, khử trừ các tật xấu, để giáo huấn đức tin và đào luyện những con người sống đạo đức”. Các tu sĩ Đa Minh đã đưa những nội dung giáo lý cần thiết vào bài giảng của mình, thường được trình bày kèm theo nhiều thí dụ để minh họa cho điều muốn trình bày. Họ tránh chỉ nói những lời khuyên suông.

Khi lập Dòng Thuyết Giáo, cha Đa Minh đã giúp cho các giám mục thi hành được những nghị quyết của công đồng Latran IV, bằng cách ủy nhiệm việc giảng thuyết cho anh em. Các đức thánh cha cũng thấy nơi anh em, những trợ thủ hữu hiệu để hoàn tất các dự án của mình. Các ngài thường trao cho họ tờ ủy nhiệm đặc biệt lo việc giảng thuyết. Mỗi lần ra sắc lệnh hô hào Binh Thánh Giá, các ngài cũng nhờ đến anh em thuyết giáo. Trong số nhiều anh em, ta phải kể đến thánh Albertô cũng là người cổ võ cho Thập Tự quân.

Trước những lời báng bổ và xúc phạm đương thời, Công đồng Lyon II (1274) đã tìm cách chữa trị bằng cách truyền các tín hữu biểu lộ lòng tôn kính Thánh Danh Chúa Giêsu : “Phục lạy trong tâm hồn, khi biểu lộ bằng việc cúi đầu”. Sau công đồng, đức Gregorio X ủy nhiệm cho các tu sĩ Đa Minh việc giảng thuyết về Thánh Danh Chúa Giêsu. Chính vì đó mà về sau hiệp hội Thánh Danh ra đời, và sẽ đạt được biết bao thành quả trong việc hướng dẫn tín hữu sống bí tích tại Mỹ Châu vào thế kỷ XX của chúng ta. Vào thế kỷ XIV, đức Gioan XXII còn ủy thác cho các dòng hành khất việc giảng thuyết bài trừ cờ bạc nữa.

Thánh Đa Minh, khi mở ra cho Dòng mình cánh cửa giảng thuyết, đã phục vụ rất nhiều cho cộng đoàn dân Chúa. Chúng ta nhận thấy việc giảng thuyết ít được cổ võ, vì biết rằng từ thời các giáo phụ đến thời thánh Đa Minh, chỉ có một số rất ít bài giảng được bảo tồn. Khi thánh Đa Minh lập Dònh vào thế kỷ XIII, số nhà giảng thuyết không những là hiếm, mà nói được là biến mất. Một khi cánh cửa giảng thuyết ấy đã được thánh Đa Minh mở ra, các Dòng khác và các giáo sĩ triều cũng sẽ cùng tiến bước. Thánh Đa Minh đã cất đi những mối giây hạn chế việc giảng thuyết hoặc dành riêng công tác đó cho các cha sở. Vào thế kỷ XIII, các tu sĩ Phan Sinh cũng giảng thuyết thường xuyên như các tu sĩ Đa Minh vậy.

Việc giảng thuyết đưa các tu sĩ Đa Minh đến hàng loạt những hoạt động tông đồ liên hệ. Sau bài giảng, nhà giảng thuyết sẽ ngồi tòa giải tội. Các tín hữu đủ loại, từ thường dân, giới quí tộc, đến vua chúa và đôi khi, các đức giáo hoàng đã chọn anh em làm vị giải tội. Con cái thánh Đa Minh làm linh hướng cho hoàng gia Anh mãi đến khi ngành Plantagenêt chấm dứt với vua Richard II. Các anh em khác giữ các chức vụ như đặc sứ, sứ giả, trọng tài, người thực hiện chúc thư, vị kinh lược các giáo xứ và đan viện, hoặc làm người hòa giải trong các cuộc xung đột.

Cha Godefroi de Beaulieu là vị giải tội cho vua thánh Louis, đã cùng ông tham dự cuộc thánh chiến tại Tunis, và đã thuật lại cho chúng ta biết về cuộc đời đức vua. Năm 1239, vua Louis IX đã cử hai tu sĩ Giacobê và Anrê Longjumeau đến Constantinople, để mang về Paris mão gai Chúa, món quà của vua Baudouin II. Vua Louis sẽ cho xây cất thánh đường Sainte-Chapelle để lưu giữ thánh tích này. Đức Honorio III và Gregorio IX thì đánh giá cao sự khôn ngoan mưu trí của cha Guala de Bergame khi các ngài phái cha đi giải quyết nhiều vấn đề tế nhị, đặc biệt là sứ vụ hòa giải tại Lombardie.

Từ năm 1233, các tu sĩ Đa Minh dấn thân trong sứ mạng kêu gọi hòa bình trong hoạt động giảng thuyết, được gọi là sứ mạng “Alleluia“. Nhà giảng thuyết “du kích”, nếu được phép gọi như vậy, đi kêu gọi hòa bình, việc đền tội và sự từ bỏ chính mình. Ngài tìm cách nối kết các phe nhóm, dàn xếp những mối bất hòa đang gây ra xáo trộn tại Lombardie. Các tu sĩ Đa Minh khác, với thủ lãnh là Gioan de Vicence cũng liên đới với phong trào này. Các tu sĩ Phan Sinh về sau cũng nhập cuộc. Kết quả, các thành phố này đã chấp nhận hòa giải với nhau. Một số thành phố ủy thác cho cha duyệt chính lại luật lệ của mình. Thành phố Vicence và Vérona còn gọi ngài là “quan tòa” (Podestà). Sau một số thành công trong công tác hòa giải, cha Gioan thử kêu gọi một nền hòa bình phổ quát, bằng một bài giảng công khai, từ trên một sân thượng ở Paquara ngày 28-8-1233. Các nhà biên niên sử ghi nhận số người đến nghe phải hơn 400.000. Nhưng nền hòa bình mà cha Gioan kêu gọi cũng ngắn ngủi như sự nghiệp của ngài vậy. Cũng năm 1233, khi đạt được đỉnh cao về thế lực, cha Gioan ra nắm chính quyền, cũng là lúc ngài bị mất ảnh hưởng và thất bại trong cuộc vận động hòa bình. Đó là số phận chung của những nỗ lực tại Italia trước và sau toan tính của cha Gioan Vicence : có lẽ tham vọng cá nhân của đương sự đưa đến thất bại ấy.

Hưởng ứng nhiệt tâm tông đồ của các tu sĩ, các tín hữu mời họ đến khu vực mình để lập tu viện, giúp đỡ họ xây dựng cơ sở và xin được an táng trong các nhà thờ của Dòng. Vua thánh Louis là một thân hữu quảng đại của Dòng. Nhà vua đã thanh toán tiền xây cất tu viện thánh Giacobê ở Paris, xây dựng tu viện Caen và Compiège, khích lệ xây dựng tu viện Évreux. Vào thế kỷ XIV, các vua nước Anh thường gửi tặng tiền bạc và lương thực cho các tu sĩ Đa Minh, các ông đã cho người xây dựng tu viện King’s Langley và một nữ đan viện tại Dartford.

Đối kháng giữa tu sĩ Đa Minh và Phan Sinh

Những thành công của anh em Đa Minh đã gây ra sự đối kháng đáng tiếc với anh em Phan Sinh. Là anh em với nhau trong tinh thần và trong sứ mạng, những người con của thánh Đa Minh và thánh Phanxicô lại đối kháng với nhau về tư tưởng thần học, về việc xây dựng cơ sở và về bổng lộc. Để cổ võ ơn gọi, mỗi Dòng đều đề cao đặc tính tông đồ của mình, đã theo sát mẫu gương của 12 tông đồ mà Dòng kia không đạt tới. Là những người sống theo gương các tông đồ trong việc giảng thuyết và sống khó nghèo, nhưng họ lại đi ngược với các tông đồ vì duy trì mối tham vọng và tìm kiếm lợi ích cho mình.

Thực ra, nói cho cùng thì hai Dòng tu rất giống nhau. Các tu sĩ Đa Minh bắt chước Đức Kitô, Đấng rao giảng đã sống khó nghèo, còn anh em Phan Sinh bắt chước Đức Kitô, Đấng khó nghèo đã giảng Tin Mừng. Vì thế mà thỉnh thoảng họ không thể tránh được những xung đột. Dẫu sao, ngay trong những cuộc xung đột này, vẫn phát sinh lòng tôn trọng lẫn nhau và một mối tình tương thân tương ái. Theo thói quen qua nhiều thế kỷ, anh em Đa Minh thường đến Dòng Phan Sinh chủ sự nghi thức phụng vụ ngày lễ thánh Phanxico, còn anh em Phan Sinh sẽ đến chủ sự lễ kính thánh Đa Minh, đó là biểu tượng sự hòa hợp sâu xa giữa đôi bên.

Tôn giáo pháp đình (Tòa Tra)

Chính đức Gregorio IX, vị sáng lập tôn giáo pháp đình thời Trung cổ năm 1231, đã ủy nhiệm nó ngay từ đầu cho các tu sĩ Đa Minh. Tuy nhiên không phải chỉ có họ là nhân viên các tòa tra. Kể từ khi được giám tỉnh bổ nhiệm vào trách vụ này, thì suốt thời gian thi hành nhiệm vụ, họ gần như không chịu sự giám sát của Dòng nữa. Đây là một công tác mà cha Humberto Roman phải dùng đến thuật ngữ “đáng ghét”, vì nó làm cho dân chúng xa cách anh em và cả sứ vụ của Dòng nữa. Tuy nhiên, dù ngày nay ta coi Tòa Tra như một sai lầm, thì ý hướng nền tảng của nó, nhằm bảo vệ đức tin và giao hòa các anh em lạc giáo, lại phù hợp với ơn gọi của Dòng Tu chuyên công bố Lời Chúa và chống lại việc xuyên tạc Lời Chúa.

Trong một số quốc gia như Anh Quốc, Tòa Tra không bao giờ hoạt động, và cách nó tiến hành cũng chẳng giống nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Ngay từ thời đầu của Tòa Tra (1242), nhóm Albigeois mà cha Đa Minh đã từng muốn cải hóa, đã sát hại chân phước Guillaume Arnauld, nhân viên tòa tra Toulouse cùng với hai cộng sự viên và nhiều linh mục triều ở Avignonnet. Vị tử đạo thời danh hơn cả là thánh Phêrô Verona, và một thày trợ sĩ, bạn đồng hành, bị phục kích và bị giết tại miền nam nước Ý năm 1252.

Sang thế kỷ XIV, Tòa tra Avignon đã bắt giam linh mục Thomas Waleys, một tu sĩ Đa Minh người Anh, vì dám công khai chống lại những quan điểm sai lệch của đức Gioan XII về sự hưởng kiến mà ngài chủ trương với tư cách là nhà thần học. Khi các nhân viên Tòa Tra thêm những lời buộc tội khác, cha Thomas đã bị giáo hoàng bắt giam tại nhà tù giáo triều 11 năm.

Các nạn nhân nổi tiếng nhất của Tòa Tra thời Trung cổ là các tu sĩ Dòng Đền thờ, thánh nữ Jeanne d’Arc, cha Savonarola và hai đồng bạn. Cả ba trường hợp này xuất phát từ những động lực hèn hạ. Các anh em Đa Minh, có liên lụy trong trường hợp đầu, đã hợp tác bất đắc dĩ trong trường hợp sau và trở thành nạn nhân trong trường hợp thứ ba.

Mười tám năm cuối thế kỷ    

Năm vị bề trên tổng quyền kế vị thánh Đa Minh đã quản trị Dòng tổng cộng 62 năm. Năm vị kế tiếp chỉ quản trị vỏn vẹn có 18 năm, từ 1285 đến 1303. Việc cha Munio Zamora đắc cử năm 1285, đã đánh dấu chấm dứt một giai đoạn lớn của Dòng. Một số người coi đây là thời hoàng kim của Dòng, nhưng thuật ngữ hoa mỹ ấy không phù hợp với thực tế. Vì ngay trong những ngày đầu và tốt đẹp nhất của giai đoạn này, Dòng vẫn phải theo đuổi các tu sĩ bỏ Dòng hoặc chạy trốn : bắt giam những kẻ bất trị, trừng phạt người tham vọng hoặc sốt sắng nhưng thiếu thận trọng ; hòa giải các cuộc tranh chấp giữa các tu viện hoặc giữa các tỉnh dòng, và áp dụng kỷ luật cho hàng loạt anh em. Dầu sao đây cũng là một giai đoạn lớn của Dòng.

Giai đoạn này kết thúc khi cha Munio lên cầm quyền. Nhiều biến cố quá lớn xảy đến mà sức người khó lòng chế ngự nổi. Có những khuynh hướng mới bắt đầu xuất hiện mà cho dù phân đoán sắc sảo nhất, các kế hoạch tinh vi nhất, các tài năng sắc sảo nhất cũng không kiển soát nổi. Kinh tế khó khăn, chiến tranh và thiên tai đang núp bóng ở hậu trường khi cha Munio nhận trách nhiệm.

Việc chọn lựa cha Munio đem lại một hy vọng lớn lao rằng Dòng trong những năm sau đó sẽ tiến theo đà của mình nhờ tài năng quản trị của ngài. Cha Munio là một nhân vật cương quyết muốn chỉnh đốn lại kỷ luật và nâng cao đời sống đạo đức bao nhiêu có thể. Các tổng hội do ngài điều khiển nghiêm khắc phê phán những vi phạm đức thanh bần, tham vọng của những kẻ chạy theo danh vọng, chức vị và những dư luận đồn đãi đi đến chỗ vu khống mà lỵ.

Chính cha Munio cũng là nạn nhân của những tin đồn này. Tổng hội 1287 đã đưa ra hình phạt nghiêm khắc cho một số anh em tung ra những lời tố cáo cha mà không có nền tảng. Thế nhưng năm 1291, đức Nicolas IV đã giải nhiệm cha Munio. Vị giáo hoàng đã khơi lên ngọn lửa khi trao cho hai hồng y Đa Minh quyền hạn rộng lớn “Để quyết định, truất phế, sửa chữa, cải tổ và làm bất cứ điều gì mà các vị, trước nhan Chúa, xét thấy lợi ích cho bước tiến của Dòng“. Bốn tu sĩ được hai vị hồng y ủy nhiệm đã đến tổng hội 1290, mang theo các văn thư và chỉ thị của hai hồng y. Các giám định viên có bổn phận phải khuyên bề trên tổng quyền từ chức, và nếu ngài không chịu, thì phải giải nhiệm ngài.

Thế nhưng sau khi kiểm tra lại hạnh kiểm cha Munio, các giám định viên đã đổi hẳn thái độ và lên tiếng tán dương ngài. Khi bốn tu sĩ nói trên lộng hành tuyên bố truất phế vị tổng quyền, tổng hội đã khiếu nại lên Tòa thánh và yêu cầu toàn Dòng khẩn nài với Đức Nữ Trinh Maria trong thánh lễ, trong giờ kinh sáng và kinh chiều. Đức Nicolas IV tỏ ra vững như bàn thạch. Ngài truyền lệnh cho cha Munio phải ngưng chức vụ tại tổng hội kế tiếp năm 1291 và xác định với các giám định viên rằng, quyền hành của cha sẽ chấm đứt ngay khi khai mạc tổng hội. Thế nhưng cha Munio vẫn không từ chức, và lá thư của giáo hoàng không đạt hiệu quả. Kết cuộc đức Nicolas IV giải nhiệm vị tổng quyền bất hạnh, ngài phải về hưu tại quê hương Tây Ban Nha.

Năm 1294, cha Munio được chọn làm giám mục Palencia, đức Celestino V đã phê chuẩn. Thế nhưng ngay cuối năm đó, các đối thủ của vị giám mục lại tìm cách triệt hạ ngài. Dưới thời đức Bonifacio VIII, đức cha Munio lại bị tố cáo một lần nữa, và sau cuộc điều tra, ngài được tuyên bố trắng án. Thế nhưng ngài đã chán ngấy lên rồi. Được đức giáo hoàng đồng ý, ngài xin từ nhiệm trách vụ giám mục và về Roma, sống tại tu viện Sabina. Năm 1300 ngài qua đời và được an táng trong thánh đường.

Có lẽ cha Munio đã bị kẹt do chính sách phức tạp của giáo triều liên quan đến vương quốc Aragon, vùng đất này thuộc quyền tài phán của ngài khi còn là bề trên tỉnh dòng Tây Ban Nha. Dù chúng ta không thể thấu triệt được lý do việc chống đối ngài trong nội bộ Dòng, thì hình như một phần, vì ngài có ý qua các tổng hội do ngài chủ tọa, điều chỉnh những lạm dụng.

Tổng hội 1290 nhấn mạnh đến đời sống chung và ngăn cản ý muốn gia tăng sự an thân bằng cách kiếm thêm nhà cửa, máy xay lúa và các nguồn hoa lợi cố định. Cũng thế, việc trao tặng chức tổng giảng viên vào những năm 1280 cho quá nhiều giáo sư, bề trên nhà và các giám tỉnh, đã tạo nên một tham vọng khôn lường. Càng ngày chức vị này càng trở thành một món quà thưởng cho người đã làm việc thay vì là một trách vụ phải đảm nhiệm.

Cha Munio Zamora đã soạn một văn bản quan trọng cho hoạt động và ảnh hưởng của Dòng khi ngài công bố bản QUI LUẬT DÒNG BA (1285). Có lẽ đây là văn kiện trong thời ngài quản trị đem lại hiệu quả phong phú nhất. Dòng Ba Phan Sinh và Đa Minh phát triển khởi từ các phong trào hãm mình trong giáo dân từ thế kỷ XII. Các anh chị em Hãm Mình này, không gia nhập Dòng nào, nhưng nhờ các linh mục sống gần đó làm linh hướng. Đến khi những tu viện các anh em Đa Minh và Phan Sinh được xây dựng, những nhóm này quy tụ bên họ tùy theo khu vực địa dư. Dù bản quy luật Dòng Ba mãi đến năm 1405 mới được giáo hoàng châu phê, thì ngay năm 1286, đức Honorio IV đã mặc nhiên phê chuẩn văn kiện này khi ban các đặc ân cho các anh em chị em Hãm Mình thánh Đa Minh.

Tổng kết

Thế kỷ đầu tiên của Dòng (1215-1303) quả là giai đoạn phát triển mạnh về sứ vụ, giai đoạn ổn định xong hệ thống huấn luyện. Tất cả rực sáng lên nhờ tầm hiểu biết xuất sắc và tài quản trị tuyệt vời của hàng loạt những vị Bề trên Tổng Quyền ưu việt, vừa nắm bắt được thời đại, vừa biết lắng nghe tiếng nói Chúa Thánh Linh. Dưới sự hướng dẫn chính xác của các ngài, anh em đã triển khai được nhiều sứ vụ tông đồ đa dạng : từ các hình thức giảng thuyết, đến sứ vụ truyền giáo và hoạt động truyền bá đức tin. Nhiều tu sĩ Đa Minh nằm trong danh sách các giám mục, pháp quan tòa tra, đặc sứ, sứ giả, trọng tài hoặc người hòa giải. Người ta thấy họ tại các công đồng chung để cổ võ sự hiệp nhất giữa giáo hội Latinh với các giáo hội Đông phương.

Sự thánh thiện của các tu sĩ Đa Minh tiên khởi biểu lộ bằng lòng nhiệt thành, phát sinh từ bí quyết biết liên kết hoạt động với chiêm niệm, như cố vươn lên đến đỉnh cao của sự hoàn thiện. Đỉnh cao này tập trung ở việc theo sát Đức Kitô – Nhà Giảng Thuyết, Một Thiên-Chúa-làm-người sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, và là Đấng loan báo Tin mừng Cứu độ. Người tu sĩ Đa Minh, nam cũng như nữ, nhờ chiêm ngắm và cảm nghiệm về LỜI Thiên Chúa, LỜI đã mặc xác phàm và LỜI đã được ghi chép, họ trở nên những người “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, những vị tông-đồ-chiêm-niệm đang hoạt động cho Nước Chúa và cho ơn cứu độ của nhân loại.

Nhiều động lực khác đã góp phần vào việc phát triển của Dòng trong thế kỷ đầu. Cha của họ, thánh Đa Minh, đã biết mở lòng lắng nghe Chúa Thánh Linh và Hội thánh. Dòng của Ngài là quà tặng của Chúa Thánh Linh dành cho Giáo hội, đã đem đến lời giải đáp cho những nhu cầu cấp bách của Giáo hội và xã hội bấy giờ. Các tu sĩ Thuyết Giáo là một trong những Dòng tu đầu tiên đã chứng minh cách rõ rệt về năng lực tông đồ của đời tu. Cho tới thời thánh Đa Minh, sứ vụ hoạt động được coi như thành phần phụ trội chứ không phải như thành tố cấu thành đời tu. Thánh Đa Minh đã khai mở một con đường mới, mà tiếp theo đó, nhiều Dòng tu khác có thể tiến bước.

Sau một thế kỷ hiện diện, Dòng bắt đầu có dấu hiệu suy yếu, nhưng cũng là đồng cảnh ngộ với Giáo hội và Nước Kitô tại Tây Phương. Các xung đột giữa đức Bonifacio VIII với Philippe le Bel vua nước Pháp và Edouard vua nước Anh, những vị vua của các tân quốc gia, báo hiệu cho một giai đoạn mới. Thời đại mới này sẽ vẫn vĩ đại nhờ các nhà thần bí và các vị thánh, nhưng suy yếu do nhiều thiên tai, hỗn độn và ly giáo. Dòng Đa Minh sẽ chia sẻ với thời đại ấy trong cả điều vĩ đại lẫn những suy yếu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *