Lá Thư Đặc Trách
Tháng 5 / 2015
Anh chị em thân mến,
Quan niệm sáng tạo trong sách Sáng Thế đã là một cuộc “cách mạng” lớn trong dòng lịch sử nhân loại. Hầu hết các nền văn hóa và tôn giáo ngoài Sách Thánh vốn coi vũ trụ thiên nhiên như một “Đại Vũ Trụ”, bao bọc con người như “tiểu vũ trụ”, cao quý hơn và là mô mẫu cho con người. Trong khi đó, Sách Sáng Thế trình bày Thiên Chúa sáng tạo con người với một tầm quan trọng đặt biệt. Con người được đặt ở trung tâm vũ trụ và được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ coi sóc vũ trụ.
Theo Thánh Kinh, con người được sáng tạo trong một vị thế : là thụ tạo của Thiên Chúa, nhưng lại được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Trong các nền văn hóa Đông phương, quan niệm “hình ảnh Thiên Chúa”, được dành riêng cho các vị vua; vua là Thiên Tử, là con Trời, để cai trị người khác. Trong khi đó, trong Kinh Thánh, con người nói chung, tất cả mọi người, đều mang hình ảnh Thiên Chúa, và không phải để cai trị người khác, mà là để cai quản vũ trụ:
“Thiên Chúa phán : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”(St 1, 26)
Quả thật, nhân học của Sách Thánh, từ trong nền tảng thần học, đã đặt con người ở địa vị cao cả : được cộng tác vào công trình trình sáng tạo của Thiên Chúa. Công trình sáng tạo của Thiên Chúa vừa biểu lộ quyền năng của Ngài, vừa biểu lộ tình yêu của Ngài. Quyền năng của Chúa dẫn dắt chương trình sáng tạo đến thành toàn; nhưng lại vẫn luôn là tình yêu quảng đại, có khả năng chia sẻ và thông hiệp với thế giới thụ tạo do chính Ngài đã dựng nên. “Thế giới” của Chúa là thế giới luôn “đông vui”, sung mãn, phong phú, tràn đầy sự sống… Thế giới của Chúa không phải chỉ là nơi mỗi vị thánh được an nghỉ, vui hưởng hạnh phúc, nhưng còn là nơi mỗi vị, mỗi người được triển nở phong phú trong tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh Giuse vẫn tiếp tục là Đấng bảo trợ các gia đình; thánh Martinô vẫn tiếp tục là người bạn chí thiết của những người nghèo,…
Cũng thế, con người được tham dự và quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa khi lao động để biến đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn; nhất là để nhân hóa vũ trụ; con người được tham dự vào quyền năng sáng tạo khi sinh sản con cái, giáo dục chúng nên người; con người cũng được tham dự vào quyền năng sáng tạo khi chu toàn trách nhiệm với gia đình và xã hội….
Như thế, giáo xứ và cộng đoàn tham dự vào quyền năng sáng tạo của Chúa khi người Kitô hữu biết liên đới với nhau, chẳng những trong công việc giáo xứ, mà còn trong đời sống và trách nhiệm trần thế. Thật sự các sinh hoạt đạo luôn dựa trên nền tảng của đời sống yêu thương thực sự trong đời sống thường ngày. Một giáo xứ vững mạnh là một giáo xứ mà mọi người sống liên đới thực sự với nhau, biết chăm sóc những người nghèo, biết nâng đỡ những người neo đơn, biết tôn trọng những người cô thế… Một giáo xứ tham dự vào quyền năng sáng tạo của Chúa khi biết lưu tâm đến việc giáo dục các thiếu nhi, chung tay góp sức cho các học sinh, sinh viên,… Hơn nữa, giáo xứ tham dự vào quyền năng sáng tạo của Chúa khi biết gìn giữ trái đất khỏi ô nhiễm, khi nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng hơn, khi biết đấu tranh cho những quyền căn bản của con người…
Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân mô tả những công việc tông đồ của người giáo dân như sau:
“Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo hội nơi trần gian : trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn con người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thâm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc” (TĐGD 13)
Anh chị em thân mến,
Con người được đặt lên làm người coi sóc vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa là con người có toàn quyền trên vũ trụ. Những điều tốt đẹp Thiên Chúa đã khởi đầu, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”; và thời gian “qua một buổi chiều và một buổi sáng” của Thiên Chúa, từ nay được trao vào tay con người, không phải để bị méo mó, lệch lạc hoặc bị phá hủy, nhưng để con người tiếp tục công trình của Thiên Chúa và được dự phần vào hành động sáng tạo cao quí của Ngài.
Vị thế đặc biệt ấy được thể hiện trong Tin Mừng như người quản lý, như người tá điền…; đó là vị thế vừa làm chủ, vừa có trách nhiệm với ông Chủ; là người quản lý chăm sóc mọi việc trong nhà, phân phát của cải đúng giờ cho các gia nhân… để chờ đợi chủ trở về… Ánh sáng đức Tin Kitô giáo không tách rời, nhưng soi sáng và giúp sức để người Kitô hữu có thể hoàn thành sứ mệnh cao quý mà con người đã được lãnh nhận từ trong thế giới tạo thành.
Mong sao đời sống đức Tin của mỗi anh chị em trong Huynh Đoàn không tách rời, cũng không phá hủy, nhưng thực sự góp phần vào công trình tốt đẹp của Thiên Chúa trong thế giới tạo thành