1. Người ngoại đạo tốt lành.
Hãy chăm sóc người bị nạn. Hãy sống như người Samaritano tốt lành. Hãy giúp đỡ những ai đang cần, vì chính Ðức Kitô đã trả giá đắt là hy sinh mạng sống để cứu chuộc chúng ta, và Ngài tiếp tục phải trả giá đắt vì chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 9 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Khi nhà thông luật hỏi để thử Chúa rằng: Làm cách nào để được sự sống đời đời? Chúa nói cho ông về điều răn yêu thương: mến Chúa yêu người. Nhưng ông còn muốn hỏi cụ thể thêm để bào chữa. Bởi lẽ trong Luật có nói là yêu người thân cận như chính mình, nhưng ai là người thân cận? Chúa đáp lại ông bằng cách kể dụ ngôn người Samaritano nhân lành.
Đức Thánh Cha nói:
Trong dụ ngôn, chúng ta có thể là một trong các vai: hoặc là tên cướp, hoặc là người bị thương nửa sống nửa chết, hoặc là thầy tư tế, hoặc là thầy Lêvi, người chủ trọ hoặc người ngoại đạo Samaritano tốt lành. Có người sống như những kẻ cướp, đến cướp đi hạnh phúc, cướp đi những điều tốt đẹp, và không quan tâm đến đời sống, đến mạng sống của người khác. Còn các tư tế, đáng lẽ họ phải sống như những người thuộc về Thiên Chúa. Các thầy Lêvi, đáng lẽ họ phải sống phải thực hành Lề Luật. Nhưng không, các tư tế và các thầy Lêvi nhìn thấy nạn nhân và né qua một bên mà đi.
Nhìn thấy và né qua một bên đi tiếp. Ðó là thái độ thường gặp của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy người bị nạn, nhìn thấy những điều tệ hại, nhìn thấy điều gì đó, rồi tiếp tục bước đi. Khi đọc báo, theo dõi tin tức cũng thế, chúng ta dừng lại đôi chút đọc các tin giật gân, các vụ này nọ, rồi lật giở đọc tiếp các trang khác. Với người ngoại đạo Samaritano tốt lành thì không làm thế, tuy đang trên hành trình của mình, nhưng ông nhìn thấy, dừng lại, ông không bỏ đi, nhưng động lòng thương. Ông nhìn thấy, ông động lòng thương, ông dừng lại, tiến tới người bị nạn, xức dầu băng bó vết thương. Ông không để mặc người bị nạn nằm ở đó. Còn tôi, tôi có làm như thế không, hay là tôi bỏ mặc và né sang một bên mà đi?
Người ngoại đạo tốt lành ấy còn đưa nạn nhân về nhà trọ. Ông cũng trao tiền cho chủ trọ để nhờ chăm sóc cho nạn nhân tận tình. Ông còn nhờ chủ quán chăm sóc hết sức, và chi phí thêm bao nhiêu, ông sẽ hoàn trả thêm khi ông trở lại. Cung cách hành xử này chính là mầu nhiệm của Chúa Kitô: Ðấng đã tự khiêm tự hạ, tự trở nên người phục vụ người tôi tớ, Ðấng tự trở nên nghèo hèn đến độ chết trên thập giá vì tôi vì chúng ta. Chúa Giêsu trả lời cho ông luật sĩ không phải bằng một điều luật nhưng bằng con người, bằng lối sống của người Samaritano nhân lành. Và Chúa mời gọi ông luật sĩ hãy sống như thế thì sẽ được sự sống đời đời.
Ði vào dụ ngôn này, chúng ta hiểu được chiều dài rộng cao sâu của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Vị tiến sĩ luật lặng thinh, xấu hổ và không hiểu điều ấy. Ông không hiểu được mầu nhiệm của Chúa Kitô. Có lẽ cần học cách yêu người để có thể tiếp cận mầu nhiệm Chúa Kitô: mỗi lần bạn nhìn thấy tha nhân lâm nạn, bạn cần giúp đỡ người ấy, cần nâng người ấy dậy. Mỗi khi ai đó làm như thế, thì họ đang tiến bước trên con đường lành thánh, đang tiến bước cùng với Chúa Giêsu.
Người chủ nhà trọ có lẽ chưa kịp hiểu gì. Có lẽ ông sợ một chút, ngạc nhiên một tí. Có lẽ ông ngạc nhiên lắm trước điều kỳ diệu của cuộc gặp gỡ ấy, trước những gì tốt đẹp mà người Samaritano tốt lành đang làm. Có lẽ ông không thể hình dung và chưa từng nghe nói có người tốt như thế. Ðó chính là điều kỳ diệu trong cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
Chúng ta nên đọc chương 10 Tin Mừng theo thánh Luca và tự hỏi lòng mình: Tôi làm gì đây? Tôi có phải là vị tư tế chỉ biết đứng nhìn và bỏ đi hay không? Nếu là nhà lãnh đạo Công Giáo, tôi có hành xử như thế không? Hay tôi chỉ là một tội nhân? Tôi có giúp đỡ những ai đang cần hay không? Tôi có nâng đỡ và băng bó vết thương cho những con người những nạn nhân mà tôi gặp mỗi ngày? Tôi có sống giống như Chúa không? Nguyện xin Chúa ban ơn sủng để chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Kitô, Ðấng tự nguyện trở nên đồng hàng với chúng ta là kẻ tội lỗi, để đến với chúng ta, để chữa lành và ban sự sống cho chúng ta.
2. Cần tỉnh thức và xét mình để tránh sa vào cạm bẫy thế gian.
Chỉ có Chúa Kitô chịu đóng đinh là Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta, Ðấng giải phóng chúng ta khỏi tay ác thần, khỏi thói thế gian. Là Kitô hữu, chúng ta cần sống tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 13 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với những kẻ thử Người rằng: “Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì ắt là Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ông rồi”. Chúng ta hãy cẩn thận xét mình, hãy thực thi đức ái, hãy canh giác và tỉnh thức, đừng để mình bị lôi kéo bị lừa lọc vào cái thói gian manh khôn ranh, đừng để bị sa vào cạm bẫy của ma quỷ.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Cần tỉnh thức, để khỏi sa chước cám dỗ. Là Kitô hữu, chúng ta phải luôn tỉnh thức, luôn cẩn trọng, luôn như thế. Tin Mừng nói về cuộc chiến đấu giữa Chúa Kitô và ma quỷ. Trong bối cảnh đó, một số kẻ cho rằng, Chúa Kitô dựa thế quỷ vương để trừ quỷ con. Ðể trả lời cho họ, Chúa kể cho họ dụ ngôn, Chúa nói cho họ biết sự thật là gì. Ðó là, khi một thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi lang thang, nhưng không tìm thấy chỗ nghỉ. Thế là, nó quyết định trở lại nơi nó đã ra đi, nơi một người được cho là “tự do”. Khi trở lại, nó thấy nhà cửa sạch sẽ và nó rủ thêm bảy tà thần khác hung ác hơn nó, và chúng cư ngụ tại đó. Cuối cùng, tình trạng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước.
Ma quỷ bắt đầu hành động trong từng lãnh vực của cuộc sống. Chúng bắt đầu với những gợi ý, những ý tưởng, những hứa hẹn giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng dần dần đi vào trái tim con người, dần dần thay đổi con người, thay đổi một cách từ từ, cách lặng lẽ. Chúng dần dần sở hữu cuộc sống con người. Ma quỷ thực hiện rất từ từ trong cuộc sống, chúng dần dần thay đổi những tiêu chí những cách đánh giá, để đưa vào tâm hồn con người những thứ gian manh của thế gian. Chúng hoạt động trong con người mà rất khó nhận thấy. Khi ấy, người đó để cho ma quỷ tự do hoạt động, người đó trở thành xấu xa, người đó bị ma quỷ sở hữu. Ðiều ma quỷ muốn làm, đó là tiêm nhiễm vào người ta tinh thần thế gian.
Tinh thần thế gian là một trong những bước đi mà ma quỷ muốn thực hiện để chiếm hữu con người. Ma quỷ quyến rũ con người, thế gian quyến rũ con người. Cách thức ma quỷ thực hiện có vẻ rất quyến rũ, rất trí thức, rất nhẹ nhàng. Ma quỷ làm cho chúng ta trở thành những Kitô hữu hờ hững, thờ ơ, trần tục. Chúng làm cho chúng ta thành những Kitô hữu nửa vời, vừa có tinh thần của Chúa vừa có tinh thần của thế gian. Chúng làm cho chúng ta trở thành loại Kitô hữu hổ lốn trộn lẫn tạp nham. Làm thế nào để chúng ta không bị rơi vào tình huống ấy, làm sao để thoát ra tình cảnh ấy? Chúng ta cần tỉnh thức, không hoảng sợ, nhưng rất bình tĩnh.
Tôi có biết cách nhận thấy những chuyển động, những dấu vết trong con tim mình, để hiểu tâm hồn mình không? Hãy dành thời gian dừng lại để suy xét đời sống của bản thân. Tôi có phải là một Kitô hữu không? Ít nhiều tôi có nuôi dạy các con cách tốt đẹp không? Cuộc sống của tôi đi theo Chúa Kitô hay là theo tinh thần thế gian? Bằng cách nào tôi có thể hiểu những điều ấy? Chúng ta hãy làm giống như thánh Phaolô: đó là nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh. Trước thập giá Chúa Kitô, tinh thần thế gian bị tan biến. Thánh Giá không phải là đồ trang sức. Thánh Giá Chúa cứu độ chúng ta, cứu chúng ta khỏi sức quyến rũ của thế gian.
Khi chúng ta nhìn lên Ðức Kitô chịu đóng đinh, khi chúng ta làm chặng đàng Thánh Giá, chúng ta không chỉ quyết tâm từ bỏ tội lỗi, mà còn từ bỏ những gì là tinh thần thế gian. Chúng ta hãy xét mình, hãy kiểm thảo tâm hồn, hãy nhận biết những chuyển động khác nhau đang diễn ra trong nội tâm. Hãy cầu nguyện trước Chúa Kitô chịu đóng đinh. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc cảm thấy thoải mái và thích thú trong cầu nguyện. Tôi cần “bẻ gãy” chính sự thoải mái ấy, bằng cách thực thi đức ái, cho dù tôi cảm thấy không thích. Hãy thực thi đức bác ái. Ví như việc đi thăm người đau yếu, hoặc giúp ai đó đang cần, làm một việc bác ái nào đó. Khi làm như thế, chúng ta “bẻ gãy” thế trận do ma quỷ gây ra. Khi thực thi đức mến đi ngược sở thích của bản thân, chúng ta chiến thắng tinh thần thế gian.
3. Câu chuyện phép lạ mặt trời múa
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh quý vị và anh chị em xem thấy đây vừa diễn ra hôm thứ Sáu 13 tháng 10 tại Fatima khi hàng triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về thánh địa Fatima để tham dự các nghi thức kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời múa.
Ngày 13 tháng 10, năm 1917 Ðức Mẹ đã hiện ra lần thứ sáu với ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima bên Bồ Ðào Nha.
Buổi sáng sớm ngày 13/10, người ta đã thấy đám đông đứng phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Ðức Mẹ hứa sẽ hiện đến. Trong lần hiện ra này, Mẹ cảnh cáo: “Ðừng xúc phạm đến Chúa nữa, người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi” và Mẹ hứa rằng nước Nga sẽ trở lại. Nói xong những điều đó, Ðức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời…” Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ, ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy múa và toát ra những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời cao, mặt trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi người cảm thấy như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống trên bãi cỏ và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi giây phút cuối cùng của vũ trụ… Hiện tượng mặt trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng hai phút.
Đối với những người đón nhận sứ điệp Fatima một cách nghiêm túc, thì đây là một trường hợp rất rõ ràng về một lời tiên tri đã trở thành hiện thực một cách nhãn tiền. Đúng như lời Đức Mẹ nói nước Nga đã trở lại. Tôn giáo được hồi sinh tại quốc gia này. Và mặc dù mong manh, thế giới sau năm 1991 đã thực sự hưởng được một giai đoạn hòa bình.
Nhiều người Công Giáo thích nói về biến cố nước Nga trở lại này. Tuy nhiên, Đức Mẹ còn nói về một điều còn quan trọng hơn gấp bội phần. Đó là hỏa ngục. Không những nói, Đức Mẹ còn cho 3 trẻ mục đồng được thị kiến về hỏa ngục vào ngày 13 tháng 7. Sơ Lucia cho biết như sau: “Thị kiến đó chỉ kéo dài trong một lát… Nếu không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết vì sợ hãi.”
Ngày nay, người ta né tránh không muốn nói về hỏa ngục, đặc biệt là theo những cách thức mà sơ Lucia đã kể lại trong hồi ký của mình.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã quở trách những người yêu cầu “một dấu hiệu từ trời” (Mc 8:11) với nhận xét rằng “chỉ có một thế hệ gian ác và tà dâm” (Mt 12:39) mới cần một dấu lạ như vậy.
Khi chúng ta cử hành kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, chúng ta hãy suy nghĩ về câu hỏi: liệu thế giới hiện đại này còn cần thêm những dấu chỉ nào nữa khi không phải chỉ một dấu hiệu, mà là cơ man những dấu chỉ từ trời như thế đã xảy ra?
4. Tin tưởng và hy vọng chờ đợi Chúa bất chấp những khó khăn trong cuộc sống thường nhật.
Kitô hữu không được dựng nên để sống trong buồn chán, nhưng để kiên nhẫn, hy vọng và tỉnh thức. Sau khi nhận được hồng ân đức tin, được biết Chúa Giêsu, chúng ta cần phải biết nhìn lịch sử với lòng tín thác và hy vọng.
Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài huấn đức hôm thứ Tư 11 tháng 10 tại quảng trường Thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay tôi muốn nói về chiều kích của hy vọng là sự chờ đợi tỉnh thức. Ðề tài tỉnh thức là một trong những sợi chỉ dẫn đường của Tân Ước. Chúa Giêsu giảng dạy các môn đệ: “Các con hãy sẵn sàng, với áo được thắt ở lưng và cầm đèn sáng; các con hãy làm như những người đang chờ đợi chủ mình về nhà sau tiệc cưới, làm sao để khi chủ về và gõ cửa thì mở cửa ngay” (Lc 12,35-36). Trong thời ấy, sau khi Chúa Giêsu sống lại, có những lúc thanh thản và những lúc lo âu, liên tục kế tiếp nhau, các tín hữu Kitô không bao giờ thoải mái. Tin Mừng nhắc nhở họ hãy làm như những đầy tớ không bao giờ đi ngủ cho đến khi chủ về. Thế giới này đòi tinh thần trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta đón nhận trọn trách nhiệm ấy với lòng yêu mến. Chúa Giêsu muốn rằng cuộc sống chúng ta là cần cù làm việc, và không bao giờ ngừng cảnh giác, để đón nhận mỗi ngày mới Chúa ban cho chúng ta với lòng biết ơn và kinh ngạc. Mỗi sáng là một trang giấy trắng trên đó Kitô hữu bắt đầu viết với những công việc lành. Chúng ta đã được cứu độ nhờ sự cứu chuộc của Chúa Giêsu, nhưng giờ đây chúng ta chờ đợi sự tỏ lộ viên mãn vương quyền của Chúa: khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người (Xc 1 Cr 15,28). Các tín hữu Kitô tin rằng không có gì chắc chắn hơn là “cuộc hẹn ấy”. Và khi ngày ấy đến, các tín hữu Kitô chúng ta muốn giống như những người đầy tớ đã trải qua đêm khuya, áo thắt lưng và tay cầm đèn sáng: cần phải sẵn sàng đối với ơn cứu độ đang tới, sẵn sàng gặp gỡ Chúa.
Kitô hữu không được dựng nên để sống trong buồn chán, nhưng để kiên nhẫn. Họ biết rằng cả trong cuộc sống đều đều mỗi ngày giống nhau có chứa ẩn một mầu nhiệm ân phúc. Có những người với lòng kiên trì của tình yêu trở thành như những giếng nước tưới gội sa mạc. Không gì xảy ra vô ích và không có tình trạng nào trong đó Kitô hữu bị hoàn toàn miễn nhiễm đối với tình thương. Không đêm đen nào dài đến độ làm quên đi niềm vui của bình minh. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, thì cái lạnh lẽo của những lúc khó khăn sẽ không làm cho chúng ta bị tê liệt, và cả khi toàn thế giới rao giảng chống lại hy vọng, họ nói rằng tương lai chỉ mang lại những đám mây đen, thì Kitô hữu vẫn biết rằng trong tương lai ấy có sự trở lại của Chúa Kitô. Khi nào điều này xảy ra, không ai biết được, nhưng khi nghĩ rằng vào cuối lịch sử của chúng ta, có Chúa Giêsu Từ Nhân, nên chỉ cần tín thác và đừng nguyền rủa cuộc sống. Tất cả sẽ được cứu thoát.
“Chúng ta sẽ đau khổ, sẽ có những lúc khiến chúng ta giận dữ, phẫn nộ, nhưng nhớ đến Chúa Kitô dịu dàng và quyền năng sẽ đánh tan cám dỗ nghĩ rằng cuộc sống này là một sai lầm.
Sau khi nhận biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm gì khác hơn là nhìn lịch sử với lòng tín thác và hy vọng. Chúa Giêsu như một căn nhà và chúng ta ở trong đó, và từ cửa sổ của nhà ấy, chúng ta nhìn thế giới. Vì thế, chúng ta đừng khép kín vào mình, đừng tư lự tiếc nuối một quá khứ có vẻ là vàng son, nhưng chúng ta luôn nhìn về đường trước, nhìn về một tương lai không phải chỉ là công trình của tay chúng ta, nhưng trước tiên đó là một mối quan tâm liên lỷ của Chúa QuanPhòng. Tất cả những gì là mờ đục, một ngày kia sẽ trở thành ánh sáng.
Thiên Chúa không phủ nhận chính mình. Thánh ý ngài đối với chúng ta không phải là mây mù, nhưng là một dự phóng cứu độ rõ rệt: “Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu thoát và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Vì thế, chúng ta đừng chiều theo dòng thời gian với thái độ bi quan, như thế lịch sử là một chiếc xe hỏa bị mất tay lái. Thái độ cam chịu không phải là một nhân đức Kitô giáo. Thái độ nhún vai hoặc cúi gập đầu trước một định mệnh có vẻ không thể tránh nổi, đó không phải là thái độ của Kitô hữu.
Ai mang lại hy vọng cho thế giới thì không bao giờ là một người tháo thứ. Chúa Giêsu nhắn nhủ đừng chờ đợi Ngài mà không làm gì: “Phúc cho những đầy tớ khi chủ về mà ông thấy người ấy còn tỉnh thức” (Lc 12.37). Không có người xây dựng hòa bình nào mà không hy sinh an bình cá nhân, đảm trách những vấn đề của người khác.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta hãy lập lại lời khẩn cầu của các môn đệ đầu tiên, trong tiếng Aramaico, họ nói “Marana tha”, Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22.20). Ðó là điệp khúc của mỗi cuộc sống Kitô: trong thế giới này, chúng ta không cần gì khác ngoài sự âu yếu của Chúa Kitô. Phúc dường nào nếu, trong kinh nguyện, trong những ngày khó khăn của cuộc sống, chúng ta nghe tiếng Chúa đáp lại và trấn an chúng ta: “Này đây, Ta sắp tới” (Kh 22,7).
5. Trái tim cứng cỏi không thể hiểu được lòng Chúa xót thương.
Sách Giôna giúp chúng ta hiểu về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngôn sứ Giôna tỏ ra bướng bỉnh. Dường như ông muốn dạy cho Chúa cách thức cần phải hành xử. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba mùng 10 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Chúa đã sai Giôna đến báo cho dân chúng về án phạt Chúa sắp giáng xuống dân vì dân tội lỗi. Khi nghe biết điều ấy, từ hàng vua quan đến dân chúng đều sám hối. Thấy thế, Chúa cảm thấy thương xót dân và quyết định tha thứ cho dân. Nhưng đứng trước trái tim rộng mở và quảng đại của Chúa, Giôna tức giận, ông giận Chúa. Ông tỏ ra bướng bỉnh. Ông mắc bệnh cứng đầu và có tâm hồn băng giá.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
Khi bướng bỉnh cứng đầu như Giôna, chúng ta không thể hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa. Giống như Giôna, chúng ta muốn thế này, chúng ta phải rao giảng thế kia, rằng người ta phải bị phạt sa hỏa ngục vì các tội họ đã phạm# Những tâm hồn đóng băng thì không biết rộng mở như trái tim Thiên Chúa. Những tâm hồn băng giá thì đầy sợ hãi, nhỏ nhen, khép kín, và chỉ muốn thực thi công lý. Nhưng những người ấy quên mất rằng, công lý của Thiên Chúa là chính Chúa Con, là Ðấng đã trở nên người phàm, Ðấng thực thi lòng thương xót, Ðấng ban ơn tha thứ. Trái tim Thiên Chúa luôn rộng mở và thứ tha.
Ðiều mà những tâm hồn bướng bỉnh hay quên, đó là: sự toàn năng của Thiên Chúa được thể hiện rõ nhất nơi lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài.
Thật không dễ hiểu chút nào về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều để hiểu được điều ấy, bởi vì đó là một ơn. Chúng ta có thói quen hành xử thế này: anh làm cái này cho tôi, thì tôi sẽ làm cái kia cho anh. Lẽ công bằng được hiểu ở đây là sự ăn đi trả lại. Thế mà, Chúa Giêsu đã trả giá đắt vì chúng ta, và Chúa vẫn tiếp tục phải trả giá.
Thiên Chúa đầy lòng kiên nhẫn với những lỗi lầm của dân thành Ninivê. Nhưng rồi, Ngài cũng phải quyết định giáng phạt dân vì tội lỗi của họ. Thế nhưng khi họ sám hối, Chúa đầy lòng từ bi thương xót, đã không phạt nữa mà tha thứ cho dân. Trái tim Thiên Chúa luôn rộng mở và quảng đại như thế. Luôn có cuộc đối thoại những lời tiên tri, sự sám hối ăn năn, lòng thương xót từ nhân, sự cứng cỏi chai đá. Và cuối cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn chiến thắng, bởi vì quyền năng của Ngài được thể hiện rõ nhất nơi lòng thương xót của Ngài.
Hôm nay chúng ta hãy đọc sách ngôn sứ Giôna, và để cho những lời trong sách ấy chất vấn con tim chúng ta. Nguyện xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta, để ta có thể hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa. Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài.
6. Tờ bạc giả
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hôm thứ Sáu 13 tháng 10 tại Fatima hàng triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập về thánh địa Fatima để tham dự các nghi thức kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời múa, và kết thúc những biến cố kỷ niệm bách chu niên Đức Mẹ hiện ra tại đây.
Trong chương trình này, Kim Thúy xin giới thiệu quý vị và anh chị em bài giảng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với nhan đề Tờ Bạc Giả.
Mở đầu bài giảng, Đức Hồng Y nói:
Kính thưa anh chị em tín hữu hành hương,
Với niềm vui và lòng biết ơn, chúng ta tập trung tại Đền thờ này để kỷ niệm những lần Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn cừu. Chúng ta tham gia vào đoàn lũ đông đảo những người hành hương, những người hàng trăm năm qua đã đến đây để tỏ lòng tín thác nơi Mẹ Thiên Đàng. Chúng ta đang cử hành Bí Tích Thánh Thể này để tôn vinh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Trong bài đọc đầu tiên, chúng ta nghe người ta kêu lên: “bà đã cứu chúng ta thoát hoạ diệt vong, vì bà đã sống ngay thẳng trước nhan Thiên Chúa.” (Gdt 13:20). Những lời ngợi khen và lòng biết ơn này đã được dân thành Bethulia thốt lên để ca tụng Judith, nhà vô địch của họ, “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất; Người đã hướng dẫn bà chặt đầu tướng giặc!” (Gdt 13: 18). Nhưng những lời này thực sự chỉ đạt đến ý nghĩa viên mãn nơi Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhờ con mình là Đức Chúa Giêsu Kitô, Mẹ đã có thể “nghiền nát đầu” (xem Sáng thế ký 3:15) “con rắn cổ đại, là ma quỷ, là Satan, là kẻ lừa dối cả thế giới”. Satan tức giận với người phụ nữ, và gây chiến với những đứa con còn lại của bà, là những người giữ các điều răn của Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu” (Kh 12: 9.17).
Vì Mẹ Maria quan tâm đến những thử thách của con cái mình, nên Mẹ Maria xuất hiện ở đây với một sứ điệp an ủi và hy vọng cho một thế giới đang có chiến tranh và cho một Giáo Hội đang đau khổ: “Cuối cùng, Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng” (Lần hiện ra tháng 7 năm 1917 ). Nói cách khác: “Các con hãy tin tưởng! Cuối cùng, tình yêu và hòa bình sẽ chiến thắng, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh của ma quỷ. Những gì dường như không thể đối với con người đều là có thể đối với Thiên Chúa”. Đức Mẹ cũng yêu cầu chúng ta tham gia vào trận chiến của Con Thiên Chúa của Mẹ, đặc biệt là trong việc đọc chuỗi Mân Côi hàng ngày cho hòa bình thế giới. Mặc dù tất cả mọi thứ phụ thuộc vào Thiên Chúa và ân sủng của Người, chúng ta vẫn cần phải hành động như thể mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta, qua việc kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria để con tim của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, lịch sử của các dân tộc và tình huynh đệ của toàn thể nhân loại được thánh hiến và bảo vệ và được đặt dưới sự hướng dẫn của Mẹ. Mẹ muốn mọi người có lòng cậy trông nơi Mẹ! “Nếu các con làm những gì Mẹ nói, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có được hòa bình” (Lần hiện ra tháng 7 năm 1917). Cuối cùng, chiến thắng sẽ thuộc về một trái tim: là Trái tim của Đức Mẹ trước hàng triệu con trai và con gái của Mẹ.
Tối nay, chúng ta cảm tạ và ngợi khen Ba Ngôi Cực Thánh vì sự dấn thân của rất nhiều người nam nữ trong sứ mệnh hòa bình được Mẹ Đồng Trinh giao phó. Từ Đông sang Tây, tình yêu của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đã giành được một vị trí trong lòng các dân tộc như một nguồn hy vọng và ủi an. Công đồng Vatican II đã nhóm họp để làm mới lại khuôn mặt của Giáo Hội và trình bày chính mình như một Công đồng của tình yêu. Các tín hữu, các giám mục, và Đức Giáo Hoàng đã vâng lời Mẹ Thiên Chúa và toàn thể thế giới đã được thánh hiến cho Mẹ. Ở mọi nơi, các nhóm và các cộng đồng tín hữu tiếp tục tăng trưởng. Bừng tỉnh khỏi sự thờ ơ của ngày hôm qua, giờ đây họ tích cực hoạt động để trình bày trước thế giới bộ mặt đích thật của Kitô Giáo.
“Nếu họ làm những gì Mẹ nói với các con, thế giới sẽ có hòa bình”. Một trăm năm sau những cuộc hiện ra này, đúng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét, “với nhiều người hôm nay, hoà bình dường như là một ơn lành tự dưng mà có, vì người ta không phải nghĩ nhiều đến chuyện làm sao giành được nó, trong khi đối với đông đảo những người khác, hòa bình vẫn là một giấc mơ xa vời. Hàng triệu người vẫn phải sống giữa các xung đột vô nghĩa. Ngay cả ở những nơi từng được coi là an toàn, người ta vẫn thấy một cảm giác sợ hãi bao trùm. Chúng ta thường bị choáng ngợp bởi những hình ảnh về cái chết, bởi nỗi đau của những người nam nữ vô tội, những phụ nữ và trẻ em cầu xin giúp đỡ và an ủi, bởi nỗi thương tiếc của những người người thân đối với những người đã chết vì hận thù và bạo lực, và những hình ảnh của đoàn lũ những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và những người di cư đang đối diện với những cái chết thảm khốc” (Diễn từ trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 9 tháng Giêng năm 2017). Trước những mối âu lo và sự bất định về tương lai, điều Fatima yêu cầu chúng ta là gì? Đó là sự bền đỗ trong việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ, thể hiện hàng ngày qua việc đọc Kinh Mân Côi. Và nếu, bất chấp những lời cầu nguyện của chúng ta, chiến tranh vẫn tiếp tục thì sao? Ngay cả khi những kết quả tức thời có thể chưa nhìn thấy được, chúng ta hãy kiên trì trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện không bao giờ là vô ích. Sớm hay muộn, nó sẽ sinh hoa kết quả. Cầu nguyện là vốn liếng của chúng ta trong tay Thiên Chúa; Người đã biến nó thành một tài khoản tốt vào thời điểm thích hợp và theo cách của Ngài, rất khác với suy nghĩ của chúng ta.
Bài đáp ca sau bài đọc thứ nhất trình từ bài ca Magnificat, với sự tương phản rõ rệt giữa một bên là những câu chuyện về sự “vĩ đại” của các quốc gia cùng các cuộc xung đột của các dân nước, những câu chuyện về sự vĩ đại của các vương triều theo niên đại lịch sử và các vùng địa lý mà họ cát cứ; và một bên là lịch sử “bé nhỏ” của những người nghèo, những người khiêm tốn và bất lực. Những người thứ hai này được mời gọi làm việc cho hoà bình với một lực lượng khác, với những phương tiện xem ra vô dụng hoặc chẳng có hiệu quả gì, như là hoán cải, ăn năn đền bồi và tin tưởng phó thác. Họ được yêu cầu ngăn chặn sự lan tràn của cái ác bằng cách chìm đắm trong đại dương của Tình Yêu Thiên Chúa như là một sự chống đối – quyết liệt không đầu hàng – trước những điều tầm thường và vòng kiềm tỏa của cái ác.
Chúng ta phải làm gì? Hãy để tôi giải thích bằng một ví dụ đã được Eloy Bueno de la Fuente trình bày trong cuốn “Sứ Điệp Fatima: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chiến thắng giữa những bi kịch của lịch sử” từ trang 235 đến trang 237. Nếu ai đó đưa cho chúng ta một tờ bạc giả, một phản ứng tự nhiên và hợp lý là làm mọi cách để đẩy nó sang người khác. Điều này cho thấy chúng ta đã sẵn sàng như thế nào để rơi vào một thứ logic ngớ ngẩn đang cố tóm lấy chúng ta và biến chúng ta thành một thứ công cụ lan truyền sự gian ác. Nếu tôi hành động theo logic này, tình hình của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi là một nạn nhân vô tội khi tôi nhận được tấm giấy bạc giả, tôi là một nạn nhân của cái ác do người khác thực hiện. Nhưng một khi tôi quyết định tống khứ tấm giấy bạc giả ấy cho người khác, tôi không còn là người vô tội nữa. Tôi đã bị sức mạnh quyến rũ của cái ác tóm lấy, để thông đồng với nó tạo ra một nạn nhân mới. Tôi đã trở thành một kẻ đồng loã với cái ác, giờ đây tôi bị ràng buộc trách nhiệm vào hành vi gian ác này, và trở thành kẻ có tội. Một cách hành động khác là ngăn chặn sự lây lan của cái ác, nhưng điều đó chỉ xảy ra được khi tôi bằng lòng trả giá cho sự lương thiện của mình bằng cách giữ tờ giấy bạc giả ấy, và do đó tôi giải phóng người khác khỏi sự lây lan của cái ác.
Đây là phản ứng duy nhất có thể ngăn chặn cái ác và ưu thế của nó. Con người giành được chiến thắng này khi họ có khả năng hy sinh để trở thành của lễ đền bù tội lỗi. Chúa Kitô đã thực hiện điều đó, và qua đó cho thấy cách thế yêu thương của Người là lòng thương xót. Tình yêu tột độ này có thể được nhìn thấy nơi thập giá của Chúa Giêsu. Ngài gánh lấy toàn bộ sức nặng của hận thù và bạo lực tuôn đổ xuống trên Ngài, không phản ứng lại bằng cách ăn miếng trả miếng hay đe doạ trả thù. Thay vào đó, Ngài tha thứ, và do đó cho thấy rằng có một tình yêu còn lớn hơn hận thù. Chỉ có Chúa mới có thể làm được điều này, là chặn lại “tờ bạc giả”, bẻ gãy cái luận lý ngớ ngẩn của bạo lực. Cái chết của Ngài là một chiến thắng trên cái ác đã được tung ra bởi những kẻ tra tấn Ngài, bao gồm tất cả chúng ta. Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh và sống lại, là hòa bình và là sự hòa giải của chúng ta (Ê-phê-sô 2:14, 2Cor 5:18).
“Bà đã cứu chúng tôi thoát hoạ diệt vong, vì bà đã sống ngay thẳng trước nhan Thiên Chúa.” Chúng ta hãy cùng cầu nguyện vào đêm canh thức này như là một dân tộc hành hương vĩ đại, đang dõi theo bước chân của Chúa Giêsu Phục Sinh, soi sáng cho nhau và giúp đỡ nhau tiến lên, dựa trên đức tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô. Các Giáo Phụ của Giáo Hội cho chúng ta biết rằng Đức Maria đã cưu mang Chúa Giêsu trước hết trong đức tin và sau đó là trong xác thịt, khi Mẹ nói tiếng “Xin Vâng” với lời mời gọi của Thiên Chúa qua thiên thần. Nhưng những gì diễn ra một cách đặc biệt nơi Đức Mẹ Đồng Trinh cũng diễn ra một cách thiêng liêng trong chúng ta bất cứ khi nào chúng ta nghe Lời Chúa và đưa Lời Người vào thực hành, như Phúc Âm đã nói (xem Lc 11:28). Khi bắt chước sự quảng đại và can đảm của Đức Maria, chúng ta hãy dâng thân xác của chúng ta lên Chúa Giêsu để Ngài có thể tiếp tục sống giữa chúng ta. Chúng ta hãy dâng đôi bàn tay lên Ngài để chăm sóc cho những đứa trẻ và người nghèo, hãy dâng đôi chân chúng ta khi gần gũi anh chị em của chúng ta, dâng cánh tay của chúng ta khi bảo vệ những người yếu đuối và khi chúng ta làm việc trong vườn nho của Chúa, dâng tâm trí chúng ta trong những suy nghĩ và kế hoạch dưới ánh sáng của Tin Mừng, và trên tất cả, hãy dâng lên Chúa con tim của chúng ta để yêu mến và đưa ra các quyết định theo thánh ý Chúa.
Chỉ có như thế, Đức Trinh Nữ mới có thể định hình chúng ta, đưa chúng ta vào Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ, như Mẹ đã làm với Lucia, Phanxicô và Jacinta. Vào ngày kỷ niệm những cuộc hiện ra này, với lòng biết ơn đối với ân sủng mà sự kiện, sứ điệp và đền Fatima này đã mang đến cho thế giới trong suốt thế kỷ vừa qua, chúng ta hãy cùng hợp tiếng với Đức Trinh Nữ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1:46-50)