Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 Sm 15,16-23 (năm chẵn), Hr 5,1-10 (năm lẻ), Mc 2,18-22
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 2,18-22)
18 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”
Sống chay tịnh (15.01.2024)
Ghi nhớ:
“Đức Giê-su trả lời: Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.”(Mc 2, 19) .
Suy niệm:
Một gia đình nọ có thói quen tốt lành là luôn giữ chay vào mọi ngày thứ sáu trong tuần, nhưng hôm nay họ không giữ chay được bởi lẽ gia đình họ có khách, mà những vị khách đó lại là bố mẹ của gia chủ ở dưới quê lâu rồi mới lên thăm con. Vì thế chủ nhà đã đi chợ mua những món ăn mà bố mẹ thích để đãi tiệc các ngài. Bữa tiệc rất vui vẻ và hai vị khách hài lòng vì thịnh tình mà con cái đã dành cho mình được thể hiện qua các món ăn!
Tôn giáo nào cũng khuyến khích tín đồ mình nên ăn chay, ăn chay có nghĩa là giữ miệng ăn ít hoặc không ăn gì hết trong ngày hay kiêng không ăn thịt động vật có máu. Đạo Hồi họ có nguyên cả một tháng phải giữ chay gọi là tháng Ramadan, trong những ngày này họ phải nhịn ăn và uống cả một ngày dài, và họ chỉ được ăn hai bữa vào lúc ban đêm. Một bữa gọi là Suhoor ăn vào trước khi mặt trời mọc và một bữa còn lại gọi là Iftar ăn vào lúc hoàng hôn.
Trong Đạo Do Thái ngày xưa người ta quan trọng hoá việc giữ chay và xem việc làm đó như một thứ thước đo để đánh giá tấm lòng đạo đức của mỗi người, vì thế họ luôn đề cao và phô trương việc ăn chay, thái độ đó được bộc lộ qua lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 12), nhưng Đức Giê-su đến Ngài muốn thay đổi não trạng vụ hình thức của những người lãnh đạo tôn giáo thời ấy cũng như dân chúng. Đức Giê-su nhấn mạnh đến tấm lòng của con ngươi hơn là sự trình diễn hình thức: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Con anh em khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải dầu thơm, để không ai biết là anh em ăn chay ngoại trừ Cha của anh em Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em” (Mt 6, 16-18).
Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại sự việc các môn đệ của ông Gio-an và những Pha-ri-sêu đến chất vấn Đức Giê-su rằng: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ của ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khác dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ , họ không thể ăn chay được”.
Khi Đức Giê-su còn đang hiện diện giữa các môn đệ, thì Ngài như một chàng rể từ trời xuống thế gian để đem yêu thương, đem Tin Mừng cứu độ, như thế mọi người phải hân hoan vui mừng, đó là điều chính đáng, hợp thời, Rồi sẽ có ngày chàng rể, tức là Đức Giê-su bị đem đi thì lúc đó việc giữ chay mới cần thiết và có ý nghĩa.
Ngay nay đối với chúng ta việc giữ chay có hai ý nghĩa chính. Thứ nhất bày tỏ lòng vâng lời Giáo Hội và kính mến Thiên Chúa. Thứ hai là hy sinh hãm mình, sống khó nghèo, bác ái; nhằm tu tập các nhân đức, hầu sống xứng đáng làm con Chúa.
Giữ chay không chỉ đơn thuần trong việc kiêng ăn, bớt uống mà nó còn được thể hiện qua việc tiết chế lời ăn tiếng nói. Thí dụ như: lòng đang bực tức điều gì đó, hay người nào đó, lúc này theo tính tự nhiên ta chỉ muôn chửi bới cho hả cơn giận, nhưng để sống tinh thần chay tịnh, chúng ta giữ im lặng hoặc có nói thì cũng là nói những điều tốt đẹp mà thôi, hay thay vì chi tiêu thoải mái theo sở thích thì nên tiết kiệm lại dùng số tiện đó dành cho người nghèo khó…
Nếu giữ chay thường xuyên mà tâm hồn còn tham lam, còn sãn sàng ăn thua đủ với anh em, hay còn giận hờn, còn khinh chê, nói hành nói xấu anh em mọi thì thiết nghĩ việc giữ chay sẽ chẳng mang lại lợi ích gì!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Cha, Ngài đã cho Con Một đến thế gian đem niềm vui, đem Tin Mừng cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết đem niềm vui và Tin Mừng đến cho mọi người bằng việc dùng những ngôn từ chân thành và yêu thương, xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn và âm thầm làm việc thiện, tránh thói háo danh và ta đây để Lời Chúa được thi hành cách triệt để nơi chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Danh Chúa Giê-su Ky tô, Chúa chúng con. Amen.
Sống Lời Chúa:
Cố gắng giữ chay ngày thứ sáu và luôn hãm mình, hy sinh để làm việc tông đồ bác ái.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Chay tịnh tâm hồn (16.01.2023)
“Chàng rể còn ở với họ.”
Ăn chay, cầu nguyện và bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do-thái giáo. Họ có một cuộc “đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội, đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày đất nước gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pha-ri-sêu, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Nhìn chung, ăn chay đối với Do-thái giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:
- Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
- Đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
- Lòng đạo đức.
Từ đây chúng ta có thể hiểu về bài Tin Mừng hôm nay. Khi đi theo trình tự thời gian, bối cảnh lúc đó không phải là dịp xá tội để người ta giữ chay theo mùa; đây cũng không phải sự thắc mắc về Đấng Cứu Độ đã đến hay chưa, vì chính ông Gioan Tẩy Giả (và cả các môn đệ của ông) đã tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Những người thắc mắc về việc ăn chay là họ ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong câu hỏi của họ: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Thế nhưng, câu hỏi này không nhằm ngụ ý trách móc, mà nhằm ngụ ý khoe khoang: “Môn đệ ông không giống chúng tôi gì hết, chúng tôi ăn chay tuần 2 lần, chúng tôi sống khắc khổ lắm, quần áo chúng tôi xốc xếch, đầu tóc chúng tôi rối nùi…” Ngụ ý sâu xa của họ là “chúng tôi đạo đức thánh thiện lắm đấy!”
Chúa Giêsu đã cho họ biết tại sao môn đệ của Ngài không ăn chay. Trong câu trả lời của mình: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?”, Chúa Giêsu đã ví các mộn đệ của Ngài như bạn thân của cô dâu và chú rể được mời đến chia sẻ niềm vui với họ. Vì vậy họ không thể và càng không được phép ăn chay vì đang chung vui với cô dâu chú rể. Chúa Giêsu là chú rể, và khi Chúa còn hiện diện với các môn đệ, thì đó đang là thời gian của sự vui mừng.
Bên cạnh đó, Ngài còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Ngài lên án việc người Do-thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào. Đó là những người hay xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.
Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng. Có thể nói đây là một cuộc cải cách lề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ luật nặng nề để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì việc ăn chay cũng chỉ là thái độ giả hình.
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông… Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khoác lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải biết hãm mình để chiến đấu chống lại chước ma quỷ cám dỗ, xin cho chúng con luôn ý thức rằng việc ăn chay hãm mình trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa chúng con với Chúa. Amen.
Joston
Niềm vui khi Chúa ở cùng (17.01.2022)
Ngày 14.01: Lễ Nhớ Thánh An-tôn, viện phụ
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Máccô cho chúng ta biết rằng, các môn đệ của ông Gioan và những môn đệ người Pharisêu đang ăn chay theo như luật của cha ông để lại, nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu lại không ăn chay. Điều đó làm cho nhiều người thấy kì lạ nên đã đến thưa với Ngài rằng: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”
Ắt hẳn, tất cả những người Do Thái thời đó không xa lạ gì với việc ăn chay, cũng như chúng ta ngày nay đều không xa lạ về việc sám hối và giữ chay trong Mùa Chay.
Mục đích của việc sám hối và ăn chay là giúp con người gần gũi hơn với Thiên Chúa và qua đó, con người có cơ hội bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Ngài.
Vì thế, để trả lời cho những người đang vướng mắc, cũng như để cho họ dễ hiểu hơn, Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp, nhưng Ngài đã ví mình như chàng rể trong ngày vui tiệc cưới và mọi khách dự tiệc không thể không vui khi còn có sự hiện diện của chàng rể trong ngày cưới: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” Và Ngài còn khẳng định thêm rằng: “Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.”
Chắc chắn rồi, khi có sự hiện diện của chàng rể, khách mời không thể không vui với chàng rể. Khi chàng rể đang ở với họ, thì họ không phải tuân theo một quy tắc bó buộc nào mà chối bỏ sự mừng vui nơi bữa tiệc được.
Đọc Tin Mừng, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp Chúa Giêsu là một người yêu đời và biết cách tận hưởng cuộc sống. Trong các dụ ngôn Ngài dạy về Nước Trời, Ngài thường ví Nước Trời như những bữa tiệc cưới, nơi đó có đầy niềm vui và bình an, hơn là những quy tắc hay luật lệ.
Thật tiếc là chúng ta thường giống như những người Pharisêu, hay có xu hướng đơn giản hóa niềm tin của mình thành một loạt các quy tắc và phong tục xã giao. Vì thế, chúng ta khó nhận ra Một Thiên Chúa rất gần gũi và yêu đời được thể hiện rõ nơi Đức Giêsu.
Chúng ta hãy nhận ra điều này, khi đối diện với Thiên Chúa đầy tình thương. Chúa Giêsu đo lường sức mạnh đức tin và lòng mến của chúng ta, chứ không phải là việc chúng ta cứ tuân theo luật lệ theo mặt chữ mà thiếu đi tinh thần của luật, tức là đức Ái. Amen.
Bình Minh
Ăn chay (18.01.2021)
Ăn chay thông thường là ăn lạt. Kiêng các đồ ăn từ động vật. Chỉ ăn thực vật.
Theo chay tịnh với ý nghĩa sâu xa thì giữ Chay để tu tâm dưỡng tính của con người. Giảm bớt lòng tham, giảm bớt bản ngã; giảm bớt mê ăn uống những món ngon vật lạ, giảm bớt thoả mãn, sống khiêm nhường, tu dưỡng yêu thương, hoàn thiện chính mình.
Mục đích của việc ăn chay là làm cho bản thân kiên định trung thành với lý tưởng theo Chúa, sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau vác thánh giá của mình và dẹp bỏ tính kiêu căng của bản thân.
Hôm nay các môn đệ của ông Gioan lại tranh luận với Chúa Giêsu về việc ăn chay. Tại sao như vậy? Chúng ta tìm hiểu sơ qua việc ăn chay thời bấy giờ để có thể hiểu ý Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Theo sách Lv 16, 19-31 thì luật cũ chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội. Đến thời Chúa Giêsu, ngoài việc giữ chay mỗi năm một lần, thì những người đạo đức hay nhóm Pharisêu họ còn giữ chay riêng một tuần hai lần.
Như vậy, các môn đệ của ông Gioan tranh luận về việc giữ chay riêng chứ không phải chay theo luật buộc. Chúa Giêsu cũng công nhận việc ăn chay là một việc làm tốt đẹp. Trước khi đi rao giảng Chúa Giêsu cũng đã ăn chay suốt 40 đêm ngày và chịu cám dỗ của ma quỷ.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn nói đến mục đích của người Do Thái xưa ăn chay là để chờ đón Đấng Mêsia. Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu. Việc họ ăn chay là tốt, nhưng Chúa muốn họ nhận ra còn một điều tốt hơn: Đó là nhận biết Chúa Giêsu Nazazet, chính là Đấng Mêsia đang đến trong trần gian.
Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh rất đời thường đó là tiệc cưới và chú rể để nói về Nước Trời và bản thân Người. Trong tiệc cưới, chú rể và cô dâu luôn là vai chính, mọi niềm vui, vinh dự và những lời chúc tụng đều hướng về chú rể và cô dâu. Tiệc cưới mà Chúa nói đến là Tiệc trên Nước Trời, chàng rể chính là Chúa Giêsu, các Tông đồ còn đang ở bên Chúa Giêsu thì không cần phải ăn chay riêng, các ông đang tận hưởng niềm vui bên Chúa. Các Tông đồ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Đến một ngày chàng rể là Chúa Giêsu sẽ chịu chết và về trời, thì lúc đó các Tông đồ sẽ phải ăn chay. Chúa cũng muốn nói về cái chết của Người đến bất thình lình.
Khi Chúa Giêsu về trời, các Tông đồ còn lại nơi trần thế, lúc này các ông cần phải ăn chay để tâm hồn luôn hướng về Chúa trên trời, phải luôn cố gắng thanh tẩy và canh tân chính bản thân để trở nên xứng đáng hơn. “Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”. Trên con đường lữ thứ trần gian tiến về tiệc cưới trên trời còn rất xa, rất nhiều trông gai thử thách, rất nhiều cám dỗ đam mê, nên chúng ta cần phải ăn chay nhiều hơn nữa để ơn Chúa luôn ở cùng chúng ta. Chính Chúa Giêsu cũng nhờ vào việc ăn chay 40 ngày đêm để vượt thắng 3 cơn cám dỗ. Như vậy, không phải chúng ta ăn chay theo luật buộc mà thôi, mà còn phải ăn chay từng ngày trong cuộc đời. Cho đến một ngày chúng ta cùng chết với Người và cùng sống lại với Người.
Việc ăn chay của những môn đệ của ông Gioan và người biệt phái khác với các tông đồ của Chúa Giêsu, là do sự nhận biết của họ về Chúa Giêsu giống như người thường, từ đó họ thấy sự khác biệt. Chúa Giêsu đã giải thích cho họ biết về Chúa như một Người trọng tâm của niềm vui sự sống trong Nước Trời được diễn tả như một tiệc cưới trần gian. Nếu họ nhận biết Chúa Giêsu là chàng rể trong Nước Trời, họ sẽ nhận ra những điều Chúa Giêsu đang làm là canh tân lại bộ mặt trái đất và những luật lệ của họ. Và như vậy việc ăn chay của họ sẽ trở nên một như việc không ăn chay của các tông đồ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết noi gương Mẹ Maria chay tịnh từng ngày, để tận hiến cho Thiên Chúa tư tưởng, lời nói và việc làm của con, chay tịnh cả linh hồn cả thân xác, để con hằng ngày theo Mẹ nói lời Xin Vâng trong cuộc hành trình vác thập giá đời con.
Xin cho con luôn biết hợp nhất sự khác biệt của con với mọi người theo thánh ý của Chúa, và xin cho mọi người trong thế giới hôm biến động hôm nay được hiệp nhất trong cùng một Tình Yêu Thiên Chúa. Amen./.
Hư Vô
Không có Ki-tô hữu buồn (20.01.2020)
“Tân lang còn ở với họ” (Mc 2, 19).
Có rất nhiều người cho rằng Đạo Công Giáo tôn thờ một con người đã chết trên Thập Giá, là đạo của tang thương mất mát, đạo của sự chết chóc ly biệt, đạo của thất bại ê chề…
Họ không biết rằng, chính thập giá bi thương kia là ơn cứu rỗi nhân loại, chính cái chết trên thập giá kia mở ra cho tất cả con người ơn khoan dung tha thứ, và ơn được sống đời đời. Mỗi ngày, ai cũng muốn chọn một niềm vui. Nhưng Ki-tô hữu chọn một đau khổ làm niềm vui. Bởi trong tâm hồn của Ki-tô hữu, người tin và sống với Chúa Ki-tô, thì không có niềm vui nào mà không đánh đổi bằng đau khổ, không có vinh quang nào mà không qua thập giá.
Tân lang còn ở với họ. Chúa Giê- su còn đang sống trong chúng ta. Không có chuyện yếm thế, bi quan, thất vọng. Trong Người, chỉ có bình an và hạnh phúc. Bởi vì, được nhận biết Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa là niềm vui khôn cùng, là hạnh phúc vô đối. Và không có bút nào tả nổi, không có phép sánh ví nào cho cân xứng với niềm vui và hạnh phúc khi được sống trong Người, sống bằng chính sức sống thần linh của Người.
Chính Người là quà tặng Tin Mừng của Thiên Chúa gửi đến cho toàn nhân loại. Cũng chính Người tái thiết con đường từ trời xuống đất và từ đất lên trời bằng nguồn đạo yêu thương, khoan dung, tha thứ, hiến thân cho đời. Bởi thế, tất cả những người đã tin nhận và sống sức sống của Chúa Giê-su phải là người luôn sống trong niềm vui, trong niềm hy vọng, trong bình an thật, hạnh phúc thật. Và cũng bởi thế, ai đã nói mình tin vào Chúa Giê-su mà còn sống trong âu sầu, buồn bã, chán nản, thất vọng…ấy là dấu cho biết chưa thực tin vào Người. Chúa muốn chúng ta luôn sống vui, vì có Chúa.
Lạy Chúa, Chúa chính là mùa xuân vĩnh hằng , xin cho chúng con luôn vui mừng sống trong Chúa, vì “ Tâm hồn nào có Chúa, đó chính là mùa xuân”, để chúng con luôn hân hoan làm chứng cho Tin Mừng Yêu Thương của Chúa. Amen.
Nhóm người bước theo Đức Giêsu (15.01.2018)
Trình thuật này gồm hai phần liên kết với nhau : tranh luận về việc ăn chay (cc. 18-20), và hai dụ ngôn nhỏ (cc. 21-22).
Về việc ăn chay :
– Thời Đức Giêsu, ăn chay là một thực hành tôn giáo rất phổ biến. Ăn chay từ lâu mang ý nghĩa chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa : như ông Môsê trên núi Sinai trong Xh 34,28.
– Môn đệ ông Gioan Tẩy giả và người Pharisêu ăn chay nhằm mục đích chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ trong ngày Chúa đến. Họ ăn chay để tỏ lòng hối cải.
Đức Giêsu biện minh cho các môn đệ của Ngài không ăn chay là “chàng rể còn ở với họ” (c. 19). Như vậy, Đức Giêsu tự cho mình là chàng rể.
– Trong Cựu ước, giao ước Thiên Chúa lập với dân Người được ví như lễ cưới và Thiên Chúa là chàng rể của dân Israel (x. Hs 2 ; Is 54, 4-6 ; Gr 2,2 ;……)
– Đức Giêsu là chàng rể trong bữa tiệc như Is 25, 6-9 đã loan báo. Ngài là Đấng Mêsia đang có mặt giữa khách dự tiệc cưới. Vì thế, các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng sẽ tới ngày chàng rể (Đức Giêsu) bị đem đi, tức là bị giết, các môn đệ mới ăn chay. Và các ông ăn chay là để chờ đợi ngày chàng rể trở lại (x. Cv 14,1-3).
– Nhân cơ hội này, Đức Giêsu kể hai dụ ngôn nhỏ để nói về thời đại mới của Ngài : “rượu mới, bình mới”. Như thế, Đức Giêsu không chấp nhận “vải mới, áo cũ”. Đức Giêsu cho môn đệ Gioan và người Pharisêu biết, không những vấn đề ăn chay mà tất cả những lời Ngài giảng dạy là đạo lý mới, nó thuộc về thời Tân ước. Nhưng muốn đón nhận đạo lý đó, cần phải có tinh thần mới.
Đức Giêsu muốn nói với chúng ta: “mới” và “cũ” đối chọi hoàn toàn với nhau. Đọc kỹ ta sẽ nhận ra được sức mạnh của “mới”. “Mới” có sức trẻ, năng động và có thể vượt qua “cũ” cách dễ dàng. “Mới” không thể hợp được với “cũ”. Trong ý nghĩa Thần Học, ta nói về hình ảnh năng động của vương triều Thiên Chúa, và hình ảnh của Giáo Hội, cộng đoàn mới của Thiên Chúa. Ta sẽ phải vượt ra khỏi “cuốn sách suy tư cũ rích”, vượt khỏi cách sống cũ kỹ, để với cái nhìn mới, suy tư về vương quốc của Thiên Chúa, về Giáo Hội của Ngài; và với con tim mới, xây dựng một đời sống mới trong vương quốc, trong Giáo Hội này. Vâng, nhóm người bước theo Đức Giêsu đâu có thể là nhóm học trò của Pharisêu được.
Lời Chúa hôm nay chất vấn tôi :
Tôi đang sống trong tình yêu của Chúa và được Chúa ở với qua Thánh Thể tôi đón nhận hằng ngày, vậy cuộc sống của tôi có thực sự luôn là một niềm vui và làm cho niềm vui đó lan toả không?
Tôi có luôn nghĩ đến sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong cuộc sống của tôi để tôi sống và làm việc với lòng mến, hay là tôi luôn nghĩ đến những lề luật phải giữ, những nghĩa vụ phải làm như tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, đọc kinh, viếng Chúa, xét mình…. một cách nặng nề không?
Tôi có luôn nhìn vào thực tế để sống theo sự thật, hay là sống theo thành kiến và những nguyên tắc cứng nhắc để rồi xét đoán, chỉ trích anh em tôi khi lối sống của họ xem ra khác tôi hoặc không như ý tôi không?
Lạy Chúa, xin cho con ý thức sự hiện diện của Chúa, để con vui sống trong Chúa và vì Chúa. Xin Chúa cảm hoá con, để mỗi lời con nói, mỗi việc con làm đem lại niềm vui và sự hài lòng cho Ngài và cho mọi người. Amen.
Sống tinh thần mới (16.01.2017)
1. Ghi nhớ:
Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng như không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải bầu mới.” (Mc 2,19-22).
2. Suy niệm:
Đối với người phương đông, hôn lễ là một thời gian đặc biệt chan chứa niềm vui. Những người khách dự tiệc cưới, là những người đem niềm vui cho đôi tân hôn. Hôn lễ mà thánh Mác-cô nhắc đến chính là thời cứu độ mang lại niềm vui cho con người, trong thời đó Thiên Chúa hứa ban hạnh phúc cho chúng ta và khai mạc thời mới đó, tỏa ra niềm vui ơn cứu độ cho mọi người. Thời giữa cái chết của Chúa Giêsu và tận thế được coi là thời tang chế, thời ăn chay. Với hai dụ ngôn cho thấy: thời mới, thời cánh chung, có những định luật mới. Đức Giêsu đem vào thế giới một sự thay đổi mới trong con người.
Tin Mừng không thể đi đôi với những gì thuộc về quá khứ, vải cũ, bầu rượu cũ chỉ là những thực hành cũ kỹ của người Do thái. Do đó với thông điệp của Chúa Giêsu, người rao giảng Tin Mừng phải là cuộc tiến hóa, hay một sự khai triển những khởi điểm mới. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày đối lập giữa cũ và mới, cho thấy hình ảnh chú rể hân hoan trong ngày cưới, ngay cả mọi người dòng họ, bạn bè, thân quen cũng vui mừng vì “chẳng có khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay”. Và câu trả lời của Chúa Giêsu về việc chay tịnh là không làm mất đi niềm vui nhưng lại là sống một tinh thần mới không bị gò bó lề luật. Qua hình ảnh chú rể là Chúa Giêsu, bữa tiệc cưới là ơn cứu độ, qua đó con người biết sống Tin Mừng trong tinh thần mới.
Đồng thời Chúa Giêsu ngài đã dùng hình ảnh hai dụ ngôn: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ” hay “Cũng như không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ” với ngụ ý Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa đem đến, hầu mong mọi người đón nhận trong hân hoan vui mừng, trong một tinh thần canh tân đổi mới trong tâm hồn để biết từ bỏ lánh xa tội lỗi đang vấp phạm. Sống Tin Mừng của Chúa, mỗi người phải đón nhận trong sự thành tâm sám hối, một tinh thần biết thay đổi tận từ gốc rễ của những lầm lỗi quyết tâm trở về bằng sự yêu thương, sống chan hòa trong tình huynh đệ, sự khiêm tốn, sám hối thật sự trong tinh thần Tin Mừng của Thiên Chúa.
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu! Xin giúp chúng con biết nhận ra Tin Mừng của Chúa, để biết biến đổi đời mình thành chiếc áo mới, hay bầu da mới, từ bỏ những cũ kỹ của chính mình, để trở thành môn đệ biết loan báo Tin Mừng đến mọi người chung quanh. Amen.
M.Liên
Sống khổ chế (18.01.2016)
1. Ghi nhớ:
Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-siêu đang ăn chay, có người đến hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-siêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2,18)
2. Suy niệm:
Ăn chay đúng là khổ chế có mục đích, người Do Thái ăn chay để ăn năn hay xin ơn tha thứ, hoặc xin một ơn theo ý nguyện mình, như thế ăn chay theo họ có thể đúng theo vẻ bên ngoài, nhưng Chúa đã cảnh báo cho mọi người như sau: “ Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thày bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,16). Mục đích ăn chay của Thiên Chúa là Ngài không hủy bỏ nhưng là để kiện toàn.
Nói chung khi chúng ta làm bất cứ việc gì đều có mục đích, chứ không theo ngẫu hứng, đua đòi theo mọi người, người ta làm gì ta cũng họ làm như vậy. Thế nên họ mới hỏi Chúa Giêsu “ Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-siêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay”. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta sống hài hòa giữa việc ăn chay và cách sống của họ với tha nhân nhất là những người nghèo khó hay gặp hoạn nạn khổ đau không nơi nương tựa hoặc cảnh màn trời chiếu đất.
Ngày nay người ta ăn chay là sống khổ chế bằng cách tiết kiệm tiền bạc để dành cho giúp đỡ cho người nghèo. Công việc bác ái đó được xây dựng từ rất nhiều người xung quanh ta, như một cơ sở nhân ái ở Đồng nai (do chính một Gia đình Kitô hữu đã sống khó nghèo để dùng tiền nuôi các người tâm thần hay người vô gia cư) hay nhà Bác Ái Vĩnh Lộc đã nuôi các cụ già neo đơn bằng chính những sự đóng góp các đoàn viên Đa Minh và mọi người.
Như thế Thiên Chúa mang việc ăn chay thành ý nghĩa mới đồng thời ta được mời gọi ra đi trong sự biết ơn Đấng ban ơn huệ cho ta.
“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” ( Tv 136)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người ta hãy tự vấn lại mình, tôi có sống bác ái, công bình chưa? Hay ta có thật sự yêu thương những người anh em của mình không? Hay ta còn nhắm mắt làm ngơ trước những khổ đau của mọi người đang cần bàn tay nâng đỡ của ta.
3. Sống lời Chúa:
Hãy lắng nghe sự hướng dẫn của Cha Thánh Thần giúp ta nhận ra mọi sai lầm trong cuộc sống. Để Ngài đồng hành hướng dẫn ta trong cách sống, qua lời cầu nguyện thống hối của chúng ta.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa ! Nguyện xin Chúa cho con luôn biết thấu hiểu và xác tín rằng cách sống đạo là cốt lõi của người Kitô hữu chính là mến Chúa và yêu người. Amen.
M.Liên
So sánh
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,19b).
Suy niệm: Việc các môn đệ của Gio-an Tẩy giả và của phái Pha-ri-sêu ăn chay, trong khi môn đệ của Thầy Giê-su lại không khiến có người thấy “chướng mắt”. Phải chăng những người này đã khéo “lựa lời” hỏi tại sao trò không giữ luật Mô-sê để gián tiếp “sửa lưng” Thầy đã dung túng cho trò vi phạm? Đã thế, người hỏi còn ngầm so sánh cho rằng môn đệ của Gio-an Tẩy giả cũng như của người Pha-ri-sêu mới đích thực trung thành với luật cha ông! Một câu hỏi với nhiều hàm ý! Chúa Giê-su minh hoạ câu trả lời của Ngài bằng nhiều ví dụ: vải mới mà vá vào áo cũ, rượu mới mà đổ vào bầu da cũ là không phù hợp. Cũng thế, xét bề ngoài, ăn chay là giống nhau, nhưng ăn chay vì ai, vì cái gì thì rất khác biệt. Môn đệ của Thầy Giê-su ăn chay hay không là vì “chàng rể”, là vì chính Ngài, là Đấng Ki-tô.
Mời Bạn: Một việc làm có giá trị trước mặt Chúa hay không là tuỳ ở ý hướng, ở tấm lòng của chúng ta đối với Ngài. Nếu chỉ chăm chăm lo giữ chay mà không có lòng nhân ái thì chay tịnh cũng vô ích, ăn chay mà không cầu nguyện thì cũng không đủ… Nếu chỉ tính đếm đọc bao nhiêu kinh, dự bao nhiêu lễ mà không có lòng yêu mến thì cũng chỉ như “tiếng phèng la inh ỏi” mà thôi (x. 1Cr 13,1).
Sống Lời Chúa: Ăn chay trong khiêm tốn, trong phục vụ và trong yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho con một đôi mắt để quan sát, một trí óc để phán đoán. Xin cho con phán đoán sự việc bằng một trái tim biết yêu thương để con trở thành người môn đệ luôn khát khao phục vụ người nghèo như Chúa. Amen.