Loại bỏ tính tự cao (04.03.2024 – Thứ Hai Tuần III Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa: 2 V 5,1-15a, Lc 4,24-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 4,24-30)

24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Loại bỏ tính tự cao (04.03.2024)

Lời Chúa ngày hôm nay dạy chúng ta bài học loại bỏ tính tự cao. Thật vậy, ở bài đọc một sách các vua quyển thứ hai nói: Khi ông Ê-li-sa sai sứ giả nói với Na-a-man: Ông hãy đi tắm bảy lần trong dòng sông Gio-đan, da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch. Ông Na-a-man nổi giận bỏ đi và nói: “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phong hủi mà chữa khỏi.”

Còn trong bài Tin Mừng, thánh Luca đã miêu tả tính cao ngạo của dân làng Na-da-rét: “Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường: Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

Vậy làm sao để loại bỏ được tính tự cao? Dựa vào các bài đọc kinh thánh dạy cho chúng ta ba phương thức sau:

Thứ nhất, ta phải tập có đức khiêm nhường. Ở bài đọc một nói rằng: Ông Na-a-man đã xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ, nên ông đã được sạch. Đó là một việc làm hết sức đơn giản mà lúc đầu ông đã từ chối, bởi chính tính cao ngạo của ông. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của các tôi tớ, ông đã khiêm nhường thực hiện lời ngôn sứ, bệnh ông được lành sạch. Đối với con người ngày nay cũng thế, tính cao ngạo như một căn bệnh cố hữu. Đó là thứ bệnh mà có lẽ chỉ có phương thuốc khiêm nhường mới có thể chữa lành. Chính đức khiêm nhường giúp ta chấp nhận sự thật, nhận biết thân phận thụ tạo của mình, nhận ra mình chẳng là gì và nếu là gì thì đều bởi Thiên Chúa. Thật vậy, trong luật chung thánh Vinh Sơn cũng viết rằng: Chúng ta cần nỗ lực hết mình học bài học mà Đức Kitô dạy chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy nhớ rằng, Đức khiêm nhường là con đường dẫn ta đến Nước Trời.”

Thứ hai, phải tôn trọng giá trị của người khác. Trong bài Tin Mừng thánh Luca nói rằng: Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường: “Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Phải chăng người dân Na-da-rét mang nặng thành kiến về Chúa Giêsu: Con ông Giuse thợ mộc, những người lân cận của Chúa họ đều biết rõ, gia đình họ hàng Đức Giêsu chẳng có thế lực gì để họ tin vào Ngài. Nhưng Đức Giêsu nói cho họ biết trường hợp bà góa ở Sa-rép-ta miền Xi-đôn, và ông Na-a-man được Chúa yêu thương. Chính vì thiếu sự tôn trọng nên Đức Giêsu đã bị những người quê hương loại bỏ. Đối với con người ngày nay cũng đang hạ thấp về giá trị tôn trọng. Tôn trọng người khác ở đây không phải là tôn trọng chức quyền, địa vị, danh vọng…mà cần phải tôn trọng những giá trị nhân phẩm, tôn trọng những khác biệt của nhau, chấp nhận và yêu thương nhau. Vì thế, để được người khác thương mến, thì mỗi người chúng ta cần phải biết tôn trọng mặt tốt và cả mặt trái đối với những người sống lận với mình. thánh Vinh Sơn cũng dạy rằng: “Chúng ta phải lưu tâm và kính trọng những người khác. Cách đặc biệt là tôn trọng những người nghèo vì họ là nạn nhân đang bị chà đạp về nhân phẩm, họ là con cái của Chúa Kitô và là người Thầy của chúng ta.”

Thứ ba, chúng ta phải để Thần Khí thanh lọc con người của mình. Sách các vua quyển thứ hai nói: Ông Na-a-man trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt Ê-li-sa và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en.” Ông Na-a-man đã được Thần Khí Chúa biến đổi không chỉ khỏi bệnh về thể xác, mà ngay cả tâm hồn cũng được lành sạch. Qua đó, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta cần phải thanh lọc con người cũ để trở thành con người mới trong Đức Kitô. Chúng ta cần để Chúa Thánh Thần biến đổi tâm trí và con người yếu hèn của mình. Bởi mọi tội lỗi của chúng ta đều bắt nguồn suy nghĩ, hành động đi ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần biến đổi tâm thần, nghĩa là biến đổi tầm nhìn, tư tưởng, suy nghĩ của con người tội lỗi để có tầm nhìn và suy nghĩ của Thiên Chúa, hướng tới sự thật trở nên con người mới, mạnh mẽ, hăng say và nhiệt thành hơn.

Tóm lại, các bài Kinh Thánh dạy chúng ta bài học loại bỏ tính tự cao. Để loại bỏ tính tự cao. Trước hết, ta phải tập có đức khiêm nhường. Thứ đến, phải tôn trọng giá trị của người khác. Sau cùng, chúng ta phải để Thần Khí thanh lọc con người của mình.  Lạy Chúa, Mùa Chay là mùa đổi mới. Xin cho mỗi người Kitô hữu biết sử dụng và sống thời gian Mùa Chay thánh này như là cơ hội để đổi mới chính mình, trở nên con người mới trong Chúa Kitô. Amen.

Phan Độ

Đánh mất ơn cứu độ do sự kiêu ngạo (13.03.2023)

“Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giêsu không chỉ được sai đến với người Do-thái.”

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc sau khi Chúa Giêsu về quê, mang theo những kiến thức rao giảng về ơn cứu độ và năng quyền chữa bệnh. Tưởng chừng như Người sẽ thành công với lời rao giảng đầy uy quyền, nhưng cái nhận về lại là sự thất bại vì thành kiến và ghen tị của những người đồng hương.

Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ hết mọi người, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế, không phải cứ là đồng hương hay đạo dòng là được Chúa ưu ái cứu độ. Trái lại, để được Chúa yêu thương cứu độ, đòi hỏi con người phải tin và sống niềm tin của mình.

Những người đồng hương nhìn Chúa Giêsu với cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc xuất thân của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Na-da-rét, học hành chỉ ở trường làng; nhất là trong thâm tâm họ, Đấng Kitô phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi cung điện hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu đứng ra giảng dạy thì họ bắt đầu gièm pha chê bai. Đúng như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

Chúa Giêsu lên tiếng giảng giải cho họ bằng hai ví dụ minh họa. Người lấy dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn là Ê-li-a và Ê-li-sa được sai đến với hai người dân ngoại đó là bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn và ông Na-a-man người xứ Xy-ri. Hình ảnh minh họa này đã làm cho đám người Do-thái khó chịu. Họ bực tức vì Chúa Giêsu đã khen dân ngoại ngay trước mặt họ, họ cảm nhận như thể dân ngoại đã được Thiên Chúa ưu đãi hơn chính họ. Họ đã phản ứng, và cách họ phản ứng thật đáng cho chúng ta quan ngại: họ “đầy phẫn nộ”, “lôi Người ra khỏi thành”, “kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”… Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi.”

Chính sự coi thường, khinh khi, nên lòng họ ra chai cứng, không còn khiêm nhường, nhạy bén để nhận ra Đấng uy quyền, là Chúa tể trời đất đang ở giữa họ, vì thế, họ đã khước từ căn tính đích thực của Chúa Giêsu. Thấy vậy, Chúa Giêsu mặc khải cho họ biết: họ sẽ không được bằng dân ngoại, và ơn cứu độ lẽ ra đến với họ trước tiên và phong phú, nhưng khi đã từ chối thì ơn đó sẽ đến với dân ngoại.

Mùa Chay là cơ hội để chúng ta thay đổi cách nhìn, đổi mới niềm tin, thật tình sám hối để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Tin vào tình yêu của Chúa sẽ biến đổi và đưa chúng ta trở về chính lộ trong sự tha thứ của Thiên Chúa và phục vụ anh chị em như thánh Phaolô đã nói: “Người ta được nên công chính không phải do làm những gì luật dạy, nhưng là tin vào Đức Giêsu Kitô.”

Lạy Chúa, xin tha thứ những lỗi lầm của chúng con và xin cho chúng con luôn mở rộng tâm hồn để đón tiếp Chúa. Xin ban cho chúng con một trái tim yêu thương biết đón nhận Chúa nơi anh em, để trong từng giây từng phút của ngày sống, trong từng công việc dù nhỏ bé, mọn hèn, chúng con đều có Chúa hiện diện ngay bên. Amen.

Joston

Khiêm tốn, khôn ngoan trong cách nhìn người (21.03.2022)

“Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giêsu không chỉ được sai đến với người Do-thái.”

Tin Mừng hôm nay thánh Luca thuật lại việc dân chúng phẫn nộ về lời giảng của Chúa Giêsu, vì đối với họ: tình thương và sự cứu độ của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai được tuyển chọn – là dân tộc Do-thái; còn những người ngoại, những người bị xem là tội lỗi thì bị loại trừ ra khỏi tình thương ấy. Khi nghe Chúa Giêsu nói về việc ngôn sứ Ê-li-a giúp đỡ bà góa thành Xa-rép-ta, hay ngôn sứ Ê-li-sa chữa ông Na-a-man người xứ Xy-ri (hai ông bà này bị họ cho là người tội lỗi, là người ngoại không đáng hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa), họ đã thay đổi thái độ thán phục trước đó mà quay ra không chấp nhận Chúa Giêsu và muốn thủ tiêu Người.

Vì thành kiến nên họ đã có những suy nghĩ, quan niệm về kế hoạch của Thiên Chúa ăn sâu vào tâm trí họ. Chính những quan niệm sai lầm ấy đã đưa đến hậu quả nguy hại là không còn khả năng đón nhận ơn Chúa. Thành kiến làm cho chúng ta ra mù quáng, không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn được. Thành kiến cũng làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với nhau.

Trong khi đó Chúa Giêsu lại cho thấy: Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Những người dân ngoại như là bà góa thành Xa-rép-ta hay ông Na-a-man cũng là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Và Ngài cũng làm sáng tỏ rằng: chính thái độ cứng tin mới làm cho con người bị loại trừ ra khỏi tình thương của Thiên Chúa.

Những người Na-da-rét trong Tin Mừng hôm nay có thể đã nhận ra những giá trị chân – thiện – mỹ nơi con người Chúa Giêsu. Thế nhưng đối với họ, chân – thiện – mỹ chỉ có giá trị nếu như thuộc về họ, phục vụ cho họ, còn nếu không thì họ sẽ loại trừ ra khỏi cuộc sống của họ. Đối với họ, nếu Chúa Giêsu thật là Đấng Mê-si-a thì Người chỉ thuộc về họ. Họ là dân riêng của Thiên Chúa, thế nên Đấng Mê-si-a đến chỉ là để phục vụ họ chứ không phải cho những người dân ngoại, những người bị xem là tội lỗi.

Nếu khiêm tốn nhìn nhận, chúng ta thấy thái độ của những người Na-da-rét xưa cũng xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường có suy nghĩ không ăn được thì đạp đổ, hay có xu hướng thích những gì là tốt, phục vụ cho lợi ích, nhu cầu của bản thân.

Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ hết thảy mọi người, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế, không phải cứ là người trong Hội Thánh là được Chúa ưu ái hơn và được cứu độ. Trái lại, để được Chúa yêu thương cứu độ, đòi hỏi con người phải tin và sống niềm tin của mình. Xin cho chúng ta biết hết lòng tin yêu Chúa và nỗ lực làm theo lời Chúa dạy để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.

Xin Chúa cho chúng ta biết loại bỏ những thành kiến của mình về người khác, để luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, một nhận xét chân thành và đời sống cởi mở, để ta nhận ra tình thương cứu độ của Chúa là dành cho mọi người chứ không riêng cho ai cả.

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ỷ lại mình là người có đạo mà lơ là sống niềm tin. Trái lại xin cho chúng ta luôn giữ vững niềm tin, sống chết cho niềm tin bằng cách tích cực thi hành Lời Chúa dạy, nhờ thế ta xứng đáng đón nhận được tình yêu và ơn cứu độ Chúa thương ban.

Joston

Đón nhận (08.03.2021)

Đón nhận là một hành động, một cử chỉ trân trọng, khôn ngoan và sẵn sàng tiếp rước, nhận lấy để đưa về cùng chung với mình, hoạt động chung với mình. Như nhận người thân, đón rước cô dâu, đón nhận huân chương, đón giao thừa, đón xuân.

Đón nhận có khi rất quan trọng, có khi cũng bình thường, đón nhận cái tốt, đón nhận cái xấu, đón nhận cái thiện, đón nhận cái ác, đón nhận đúng đón nhận sai. Khi đón nhận luôn phải sẵn sằng và khôn ngoan để xác định điều mình đón nhận, nếu không có thể sẽ gây nguy hại cho bản thân, cho tập thể hoặc là hoạ sát thân.

Trước khi đón nhận sẽ là một quá trình chuẩn bị, một kế hoạch tổ chức, một thời gian phấn đấu gian khổ, như chuẩn bị tổ chức một đám cưới để đón nhận cô dâu chú dể, một tập thể phấn đấu gian nan để đón nhận Huân Chương. Tùy theo vào nội dung, tùy theo vào đối tượng, tùy theo vào hoàn cảnh mà có những biểu hiện, những cách thức đón nhận khác nhau, có khi đón nhận bằng hình thức bên ngoài, có khi đón nhận âm thầm với tĩnh lặng nội tâm. Như khi đón nhận một nguyên thủ quốc hoặc đoàn người hai họ rước dâu luôn thể hiện sự hoành tráng bên ngoài; có những đón nhận âm thầm bằng nội tâm như khi đón nhận những bí mật cần phải hết sức trung thành, hoặc đón nhận điều tâm linh như lãnh nhận các bí tích đặc biệt là đón nhận bí tích Thánh Thể, cần phải có một tâm hồn tĩnh lặng và tin tưởng tuyệt đối.

Đón nhận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mình, cho nên khi đón nhận cần đến sự khôn ngoan, sáng suốt, tỉnh thức, sẵn sàng để chọn lựa những gì có thể đón nhận, những gì không nên đón nhận. Có những đón nhận mang hoạ sát thân, nhưng cũng có những từ chối không đón nhận mang thiệt hại bản thân.

Là người Kitô hữu của Chúa Giêsu Kitô, việc chọn lựa ngay trong cuộc sống trần gian này là hết sức quan trọng và rất cam go, khó khăn, vì những hiện hữu thì quyến rũ, thì danh vọng, thì quyền lực… còn những lợi ích thiêng liêng thì vô hình, thì nhạt nhẽo, thì gian khổ, thì thiệt thòi… Vả lại, con người thì đam mê thoả mãn lại vô cùng yếu đuối, cho nên luôn luôn thích đón nhận những lợi ích thoả mãn trước mắt mà khước từ đón nhận những lợi ích thiêng liêng. Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta đòi linh hồn ngươi, thế thì của cải tích trữ sẽ thuộc ai” (Lc12, 21), hoặc: “Được lời lãi cả và thế gian, mà mất linh hồn thì nào ích gì!” (Lc 9, 25).

Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 4, 24-30) thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng dạy tại quê hương và người dân đã không đón nhận mà còn đuổi Chúa ra khỏi thành và tìm cách hại Người. Việc đón nhận những thực tại trước mắt đã khó khăn, thì việc đón nhận Thiên Chúa để được ơn cứu độ và được sự sống đời đời thì khó biết bao, vì là linh thiêng, là yêu thương, là tha thứ, là quên mình, là hiến dâng, là phục vụ, là kiện toàn bản thân, là tự mình chọn lựa và sẵn sàng. Nếu không có ơn Chúa giúp thì ta sẽ luôn luôn đón nhận sai lầm.

Ngày nay, có rất nhiều người Kitô hữu và cả những người tu trì cũng đón nhận về Thiên Chúa một cách đầy sai lầm. Nó đã trở nên gương mù gương xấu, thậm trí những đón nhận sai lầm ấy đã trở thành một sự phá rối cho Hội Thánh Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con được ơn Chúa Thánh Thần để con luôn biết khôn ngoan và sáng suốt khi chọn lựa để đón nhận vào cuộc đời con, vào lòng con, nhất là cho con luôn biết đón Mình Thánh Chúa Giêsu hằng ngày, như khi ông Gia kêu đón Chúa vào nhà và bán nửa tài sản để bồi thường gấp bốn, như thánh Mát thêu khi gặp Chúa thì lập tức bỏ tất cả để theo Thầy.

Hư Vô

Không chỉ là một danh xưng (16.03.2020)

Chúa Giê-su trở về quê hương Nagiaret, người ta không muốn đón tiếp Người, bởi ai cũng biết nhân thân nghèo khó của Người. Họ vẫn nghĩ theo cách thế gian rằng không lẽ một tiên tri hay một vị cứu tinh lại xuất thân từ một gia đình tầm thường đến vậy.

Chúa Giê-su nói đến cái vốn tính của họ đã là như thế tự bao thời. Thời tiên tri Elia, Tiên tri Elia được bà góa ở Sarépta xứ Siđôn đón tiếp. Thời tiên tri Elisêô, Naaman, người Syria được chữa lành bệnh phong cùi. Người Israel bấy giờ vẫn kiêu căng ngạo mạn cho mình là dân riêng của Chúa nên tinh thông mọi đường lối của Chúa.

Thực ra, họ muốn vẻ ra một Đấng Cứu Thế theo chuẩn mực của họ, mà không lắng Đón nhận chính Đấng Cứu Thế đã đến và đang ở với họ. Không thiếu gì người trong chúng ta vẫn tự xem mình là dòng dõi các Thánh, là con ông cháu cha, là đạo dòng đạo gốc, rồi chỉ dừng lại ở cái danh hiệu quý giá ấy, tưởng chừng như danh hiệu ấy đã đủ là đạo đức thánh thiện, đã đủ để được cứu rỗi.

Thật là một sai lầm đáng tiếc. Có người nói vui rằng: Chúa không hề hứa nước thiên đàng cho ai là đạo dòng đạo gốc, là con ông cháu cha, là bạn thân của Giám mục, Linh mục, hay là ông cố, bà cố, quan bác, quan chú… Nhưng Chúa có nói: “kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau rốt”.

Ki-tô hữu, người có đạo không là một danh xưng, nhưng phải đích thực là một cuộc sống: “có Chúa Ki-tô trong cuộc sống của mình”, “có nguồn đạo từ Chúa Ki-tô thể hiện nơi đời sống mình”. Vì thế Chúa muốn mỗi chúng ta hãy đón nhận, lắng nghe, và thực hành Lời Chúa dạy, mới mong được cứu rỗi.

Lạy Chúa, xin củng cố đức Tin Cậy Mến nơi chúng con, và giúp chúng con sống ba nhân đức ấy trong đời. Amen.

Bệnh thành kiến (05.03.2018)

1. Ghi nhớ:

 “Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24).

2. Suy niệm:

Quê hương của Chúa Giêsu là Na-da-rét. Ngày ấy dân Na-da-rét họ đón tiếp Người chẳng ra gì. Đó cũng là điềm báo Người bị dân Người chối bỏ. Và Chúa Giêsu là người thật sự đến để giúp họ, thoát khỏi luật tâm lý muôn đời “bụt nhà không thiêng”. Thế nên chúng ta cũng nhận ra câu nói bất hủ của Chúa Giêsu: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Người cũng cảm nhận được cái đớn đau, khó khăn, đã từng bị bạn bè, xóm giềng ruồng rẫy,  khi hy sinh lãnh nhận sứ mệnh làm ngôn sứ tại xứ sở mình.

Mùa chay Thánh hướng chúng ta về những gương sáng sống động. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay cũng là bài học nhắc nhở mọi người về lối sống, tự mãn, tự phụ, kiêu căng  trong chính cái tôi của mỗi người.

Quả thật, trong cuộc sống chúng ta hay có cái nhìn hay còn gọi là “bệnh thành kiến” về con người. Thành kiến là căn bệnh chung của nhiều người, đôi khi trở thành kinh niên bất trị. Thành kiến đôi khi là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, từ  sự yên trí, phán đoán, nhất là những tư tưởng suy đoán không hay cho người khác. Thích mới lạ, nhiều lý luận ngược chiều cho là hay, dựa theo dư luận số đông của mọi người. Nên trong Kinh Thánh Cựu Ước cho biết lý do: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được”(Giê-rê-mi-a 17,9).

Khi gặp người ấy quen quá, gần quá, thân cận quá, thì chúng ta không chấp nhận tài năng của họ, hoặc khi có một vĩ nhân về quê hương, chúng ta lại có cái nhìn tò mò, soi mói tìm hiểu, hơn là kính nể khi họ về quê hương hay xứ sở của mình, nếu người đó có tài nhưng gia đình nghèo thì coi rẻ rúng, cũng như Chúa Giêsu khi trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo kiểu “Ông không không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria , anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Si-mon và Giu-đa sao? Bởi đâu ông được như thế?” (Mt 13, 55-56). Cũng vậy, Chúa hiểu rõ tâm lý của họ, nên bảo họ “Ngôn sứ có rẻ rúng thì cũng chính là ở quê hương mình và trong gia đình mình thôi” (Mt 13, 58).

Chúng ta là người Kitô hữu là chấp nhận ra đi làm ngôn sứ, biết rao giảng và thực hành sống lời Chúa, loan báo Tin Mừng đến cho mọi người, dẫu cho mọi người không chấp nhận chân lý và sự thật, ngay cả Chúa Giêsu cũng đóng vai trò ngôn sứ bởi từ Chúa Cha mà đến, nhưng cũng cùng chung một số phận như bao ngôn sứ khác. Nên chúng ta tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu ngay trong mọi hoàn cảnh, hãy cảm thông với mọi người bằng sự thương yêu chân thành. Nên thành thật nhìn lại chính mình vì đa số mỗi người chúng ta thường mắc phải “bệnh thành kiến”.

Để có thể chữa trị tâm bệnh này, ít nhiều mỗi người hãy cố gắng vượt qua và loại bỏ, nhờ đó con người không còn chê bai nhau, ghen ghét nhau nữa, bởi vì  hiện thân của mỗi người luôn là đền thờ của Thiên Chúa ngự trị, và đồng thời đều  được ân sủng theo cách đặc biệt mà Chúa đã ưu ái trao tặng riêng cho từng người, do đó đừng lên án bất kỳ một ai, vì thực chất đâu đâu cũng có những tâm hồn đen tối và tự phụ, đó chính là satan đang dẫn đường cho họ chưa tỉnh thức chưa tìm nẻo chính đường ngay.  

Lời Chúa luôn chữa lành cho tâm hồn mỗi người để tìm được sự thanh thảnh, bình an trong tâm hồn, giúp chúng ta sống theo chân lý và sự thật. 

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con có một trái tim  rộng mở, đón nhận những cái tốt của nhau, để sống chân thành  trong ơn Thánh Chúa tuôn đổ nơi bao tâm hồn hiền hậu và khiêm nhường, giúp đời sống chúng con luôn trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Nước Trời. Amen. 

 Chúa bị loại trừ

“Họ phẫn nộ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành […] Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (Lc 4,29-30)

Suy niệm: Chúa Giêsu nhắc lại chuyện Êlia giúp bà góa ở Xarépta, Êlisa chữa ông Naaman người Xyri. Cả hai đều là những người dân ngoại nhận được ân phúc của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, trong khi chẳng có ai ở Ítraen được như vậy. Và Chúa Giêsu bị vạ miệng: những người đồng hương của Ngài đã phẫn nộ và mưu sát Ngài. Điều gì đã thúc đẩy họ phản ứng như thế? Họ mang mặc cảm tự tôn, cho rằng mình là dân ưu tuyển của Chúa. Do đó, họ có thái độ trịch thượng, khinh bỉ các dân ngoại. Tệ hại hơn nữa, họ nghĩ Thiên Chúa cũng hẹp hòi, đóng kín, phân biệt đối xử như họ. Vì thế, họ nhắm mắt bịt tai trước những câu chuyện về ‘tình thương không biên giới’ của Thiên Chúa trong lịch sử. Nghe Chúa Giêsu nhắc đến những chuyện như vậy, họ bị chạm tự ái và đã ‘xù lông nhím’. Họ coi Ngài là một tên phản động và phải bị loại trừ.

Mời Bạn: Tự hỏi phải chăng chúng ta cũng có thái độ tự tôn mù quáng, suy nghĩ chật hẹp, và thái độ độc đoán loại trừ người khác cách điên cuồng như vậy? Nhiều Kitô hữu thời nay (nhất là ở Trung Đông, Cận Đông…) đang là nạn nhân của thái độ này. Nhưng thái độ này chỉ được quét sạch khỏi thế giới khi trước hết nơi chính chúng ta không còn dấu vết của nó.

Sống Lời Chúa: Để tránh loại trừ chính Chúa cách mù quáng, ta cần gạt bỏ tự tôn, biết mềm mỏng, cởi mở, bao dung, lắng nghe, chân thành đối thoại với người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tình thương của Chúa không biên giới. Xin mở rộng lòng con, để con nhận ra Chúa nơi người khác, dù họ khác biệt mình.

Bụt nhà chẳng có thiêng!

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24).

Suy niệm: Lời ông Si-mê-on năm nào “cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34) nay bắt đầu ứng nghiệm. Oái ăm thay người đời trước tiên lại là người đồng hương! Con người có thể giải phóng cả trái đất này nhưng giải tỏa những thành kiến ra khỏi đầu óc hẹp hòi, thiển cận của mình thì chẳng dễ chút nào. Người đồng hương Chúa Giê-su tưởng rằng biết Ngài quá rõ, nhưng lại không hiểu Ngài chút nào. Cho nên, Chúa vẫn bị họ đóng khung mãi là “con bác thợ mộc” nghèo mỗi khi trở về làng cũ. Không có phép lạ nào được thực hiện tại quê hương là minh chứng thái độ không hài lòng của Chúa Giê-su đối với người làng. Đối với họ, “bụt nhà chẳng thiêng,” Chúa có làm phép lạ cũng vô ích thôi!

Mời Bạn: Khi yêu mến một người, bạn dễ tha thứ, “chín bỏ làm mười;” nhưng nếu không thích thì mọi việc sẽ trở nên cớ cho bạn giải thích tiêu cực về hành vi, lời nói của người ấy. Xem ra đó là một thứ bất công chỉ mình bạn mới giải gỡ được mà thôi.

Chia sẻ: Hiện tại bạn có thành kiến với người anh chị em nào thuộc cộng đoàn bạn? Vì sao? Vì bạn hay vì người đó luôn biết làm điều tốt lành?

Sống Lời Chúa: Tôi tập có cái nhìn khách quan về một người mình không ưa thích. Tôi cũng tập không ghen tức khi thấy có những người tốt hơn, trổi trang hơn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không hài lòng với thái độ thành kiến hẹp hòi của người làng Na-da-rét. Xin dạy con biết sống quảng đại, vui với người vui, không bao giờ ghen tị trước những việc lành của bà con lối xóm quanh con. Amen.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *