Cuộc đời của Paolo De Benedetti, thần học gia người Do Thái, người đóng vai trò quan trọng trong việc đối thoại giữa Kitô giáo và Do Thái giáo

Paolo De Benedetti sinh năm 1927 ở Asti, được cho là một trong những học giả tỏa sáng nhất của Ý trong thế kỷ qua. Ông có nhiều đóng góp cho nền văn hoá Ý, đặc biệt thông qua loạt bài “Nghiên cứu Tôn giáo”. Vào năm 1961, ông đã xuất bản một trong những hướng dẫn sáng tạo nhất về Giới thiệu Kinh thánh Tân Ước. Là nhà thần học, học giả kinh thánh, giáo sư Do thái giáo tại Khoa Thần học ở miền Bắc Italy ở Milano trong nhiều năm và giáo sư Cựu Ước tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo của các trường đại học Urbino và Trento, ông đóng góp rất nhiều cho việc đào tạo hàng trăm sinh viên ở các môn về Do thái giáo và Cựu Ước; tạo sức hút, khuyến khích, phê bình, sửa chữa những tư tưởng hiện đại xung quanh Kinh thánh cho người Do thái và Kitô hữu.

Paolo De Benedetti là nhà thần học người Do Thái và học giả nhưng trên hết ông được nói đến với niềm kính trọng vì là một nhân vật quan trọng trong cuộc đối thoại giữa người Do thái giáo và Kitô giáo. Ông được gọi là “Nhà thần học của những chiếc cầu”.

Sinh ra trong một gia đình tư sản, mẹ ông là người Công giáo, cha ông là người Do Thái nhưng đã cho phép ông được lãnh bí tích Rửa tội khi ông lên mười một tuổi. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, đặc biệt được nhận nền giáo dục Kitô từ người mẹ Công giáo sốt sắng Paolo De Benedetti trở thành một người có tài năng vượt trội. Trong những năm học ở đại học Công giáo, trong sâu thẳm của người trẻ này cảm thấy mình thuộc về nhóm người Do Thái nhưng có niềm xác tín vào niềm tin Kitô giáo. Ông cảm thấy mình như một người đang tìm kiếm những giá trị linh thiêng ở trên ngọn núi của hai thế giới, Do Thái và Kitô. Ông lao vào nghiên cứu một cách say mê các giáo huấn liên quan đến cả hai. Có những lúc trong ông xãy ra những xung đột, nhưng không thiếu những khám phá tuyệt vời mà ông cho rằng như những quà tặng mà cả hai có thể trao đổi lẫn cho nhau. Đây chính là cảm hứng, là mấu chốt cho công cuộc đại kết của ông sau này.

Trở thành thành viên của Ủy ban đại kết trong cuộc đối thoại liên tôn của Giáo phận Milano, ông luôn là một người có liên hệ giữa Do thái giáo và Kitô giáo, trở thành trung gian, cầu nối cho cả hai.

Để có thể là chiếc cầu nối giữa Do Thái giáo và Kitô giáo ông luôn đặt mình trong tâm tình cầu nguyện, lắng nghe Chúa nói trong Kinh Thánh, trong những người mà ông gặp gỡ, đối thoại để rồi có thể đưa ra những phương thế hữu hiệu nhất cho công trình đối thoại liên tôn.

Thiên Chúa của người Do thái, trên tất cả, đối với Paolo de Benedetti là Thiên Chúa của gia đình ông, người mà ông đã dành niềm đam mê cho việc nghiên cứu; và sau đó là Thiên Chúa của Kitô hữu, Thiên Chúa  mà ông được học hỏi, đào sâu nghiên cứu ở Đại học Công giáo và qua giáo huấn của Giáo hội tại khoa thần học ở miền bắc nước Ý và các viện khoa học tôn giáo của Trento và Urbino. Trong Thiên Chúa độc nhất vô nhị đó, trong thế giới thần linh đó, Paolo De Benedetti tìm kiếm ý nghĩa trong các nguồn và trong cách giải thích của chính nó. Ông nhận ra rằng trong những những khác biệt đôi khi dẫn đến sự xung đột, có khả năng bổ túc lẫn nhau và việc giải thích đóng một vai trò quyết định. Chính vì thế Paolo de Benedetti đẩy mạnh nghiên cứu Kinh thánh, thần học đương đại, mối quan hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu, hướng đến một tầm nhìn rộng lớn hơn.

Nhà thần học Paolo De Benedetti qua đời ở Asti nơi ông được sinh ra, thọ tuổi 89. Đối với những người thân, bạn bè, học trò thì dường như ông chưa bao giờ ra đi. Thực vậy, là một biên tập viên, một học giả, một giáo viên, một rabbi, một nhà thần học, một nhà thơ, và còn nhiều điều tốt đẹp khác  của ông luôn ở mãi với họ.

Một cuộc sống hoàn toàn dành cho suy tư, nghiên cứu và đối thoại. Paolo De Benedetti có nguồn gốc Do Thái  và người Công giáo, cùng với kiến thức của ông về Do thái giáo và Kitô giáo đã làm cho ông trở thành một nhân vật độc nhất trong toàn cảnh cuộc đối thoại Do thái và Kitô giáo. Ông chính là mẫu gương tuyệt vời về đối thoại đại kết cho chúng ta. Khi đối thoại trước hết cần phải hiểu người mình muốn đối thoại, mà để hiểu thì cần phải tìm hiểu, nghiên cứu; sau đó đi tìm những điểm tương đồng để cùng nhau xây dựng những chiếc cầu của sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương, chứ không chỉ dừng lại ở những khác biệt. (L’Osservatore Romano 13 -12- 2016)

Ngọc Yến

http://vi.radiovaticana.va/news/2018/04/11/cu%E1%BB%99c_%C4%91%E1%BB%9Di_c%E1%BB%A7a_paolo_de_benedetti,_th%E1%BA%A7n_h%E1%BB%8Dc_gia_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_do_th%C3%A1i,_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_%C4%91%C3%B3ng_vai_tr%C3%B2_quan_tr%E1%BB%8Dng_trong_vi%E1%BB%87c_%C4%91%E1%BB%91i_tho%E1%BA%A1i_gi%E1%BB%AFa_kit%C3%B4_gi%C3%A1o_v%C3%A0_do_th%C3%A1i_gi%C3%A1o_/1370593

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *